thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Du lịch một cách khác

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm

 

 

 

DU LỊCH MỘT CÁCH KHÁC

 

Từ lúc còn rất trẻ tôi đã nhận ra rằng, đối với tôi, du lịch là cách tốt nhất để học hỏi. Giờ đây tôi vẫn còn mang tâm hồn của một kẻ hành hương, và tôi nghĩ rằng tôi nên truyền lại một vài kinh nghiệm mà tôi đã học được, với hy vọng chúng hữu dụng cho những người hành hương giống như tôi.

 

1. Tránh những viện bảo tàng. Điều này có vẻ như là một lời khuyên phi lý, nhưng hãy thử suy gẫm một chút: nếu bạn đến viếng một thành phố ở nước ngoài, chuyến đi sẽ thú vị hơn nhiều nếu bạn tìm hiểu hiện tại thay vì quá khứ, phải không? Người ta cảm thấy cần phải đi đến những viện bảo tàng bởi vì họ đã học khi còn nhỏ rằng du lịch là để đi tìm hiểu thứ văn hoá ấy. Hiển nhiên, viện bảo tàng thì quan trọng, nhưng chúng đòi hỏi bạn phải có thời gian và mục đích — bạn cần phải biết bạn muốn xem điều gì ở đó, nếu không bạn sẽ trở về với cảm giác chỉ mới nhìn thấy vài điều rất căn bản, thế nhưng bạn lại không thể nhớ những điều ấy là gì.

 

2. Lui tới những quầy rượu. Những quầy rượu là những nơi mà cuộc sống trong thành phố phơi bày chính nó, chứ không phải ở trong viện bảo tàng. Nói về những quầy rượu, tôi không có ý nói về những tửu lầu có ca nhạc và khiêu vũ, nhưng nói về những nơi mà người bình dân đến để uống, bàn bạc về thời tiết, và thường sẵn sàng để tán gẫu. Mua một tờ báo và ngắm nhìn người ta lui tới. Nếu có ai đó bắt đầu một cuộc chuyện trò, thì dù có ngớ ngẩn cách mấy, bạn cứ hãy tham gia: bạn không thể đánh giá vẻ đẹp của một lối đi nào đó chỉ bằng cách nhìn vào cánh cổng.

 

3. Cởi mở: Người hướng dẫn viên du lịch giỏi nhất là người đang sống ở nơi đó, biết mọi chuyện về nơi đó, hãnh diện về thành phố của mình, mà không làm việc cho bất cứ một đại lý du lịch nào. Hãy bước ra đường, chọn người mà bạn muốn nói chuyện, rồi hỏi họ điều gì đó (Nhà thờ ở đâu? Bưu điện ở đâu?). Nếu không thu nhận được điều gì, thì hãy tìm một người khác — tôi bảo đảm rằng đến cuối ngày bạn sẽ tìm thấy một người đồng hành tuyệt hảo cho mình.

 

4. Hãy cố gắng du lịch một mình hoặc — nếu bạn có gia đình — đi với vợ hoặc chồng của bạn. Sẽ khó khăn hơn, không có ai bên cạnh để chăm sóc bạn, nhưng chỉ có cách này bạn mới thật sự để quê hương bạn ở lại sau lưng. Du lịch với một nhóm người là một cách hiện diện ở một đất nước xa lạ trong khi bạn vẫn nói tiếng mẹ đẻ, làm theo những gì người hướng dẫn của nhóm bảo bạn làm, và lưu tâm nhiều về việc tán gẫu với nhóm hơn là lưu tâm về nơi bạn đang đi thăm viếng.

 

5. Đừng so sánh. Đừng so sánh bất cứ thứ gì — giá cả, tiêu chuẩn vệ sinh, chất lượng cuộc sống, phương tiện giao thông, không gì cả! Bạn không du lịch để chứng tỏ rằng bạn có một cuộc sống cao hơn những người khác. Mục đích của bạn là tìm hiểu cách sống của những người khác, những gì họ có thể dạy cho bạn, cách họ đối phó với thực tại và với những điều khác thường.

 

6. Hãy hiểu rằng mọi người đều hiểu bạn. Thậm chí nếu bạn không biết ngoại ngữ, đừng cảm thấy sợ: Tôi đã từng đến nhiều nơi tôi mà tôi không thể giao tiếp bằng ngôn từ, nhưng tôi vẫn luôn luôn nhận được sự hỗ trợ, sự chỉ dẫn, lời khuyên hữu ích, và thậm chí tôi còn có những cô bạn gái nữa. Một số người nghĩ rằng nếu họ du lịch một mình, họ bước ra đường và sẽ bị lạc vĩnh viễn. Hãy bảo đảm là trong túi của bạn có tấm danh thiếp của khách sạn và — nếu rơi vào tình huống tệ nhất — bạn hãy vẫy một chiếc taxi và đưa tấm danh thiếp của khách sạn cho tài xế.

 

7. Đừng mua sắm quá nhiều. Hãy xài tiền của bạn cho những thứ mà bạn không cần phải mang vác, chẳng hạn những chiếc vé để xem kịch, những bữa ăn trong tiệm, những chuyến đi chơi. Hiện nay, với nền kinh tế toàn cầu và hệ thống liên mạng, bạn có thể mua sắm bất cứ những gì bạn muốn mà không phải trả tiền hành lý quá mức quy định.

 

8. Đừng cố gắng thăm viếng cả thế giới trong một tháng. Tốt nhất là nên ở một thành phố bốn hoặc năm ngày hơn là đi tham quan năm thành phố trong một tuần. Một thành phố thì giống như một phụ nữ tính khí thất thường: cô ấy cần có thời giờ để bị cám dỗ và rồi cô ấy sẽ tiết lộ bản thân một cách trọn vẹn.

 

9. Một chuyến du lịch là một cuộc thám hiểm. Henry Miller thường nói rằng khám phá ra một giáo đường mà chưa từng có ai nghe đến thì quan trọng hơn là đi đến Rome và cảm thấy cần phải viếng Nhà Nguyện Sistina với hai trăm ngàn du khách khác la hét trong tai bạn. Bằng mọi cách, bạn hãy đến Nhà Nguyện Sistina, nhưng cũng nên đi dạo trên những con đường, thám hiểm những ngõ hẻm, trải nghiệm sự tự do của việc tìm kiếm điều gì đó — hẳn là điều mà bạn không biết — nhưng, nếu bạn tìm thấy nó, bạn có thể chắc chắn rằng nó sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn.

 

 

-----------------
Dịch theo bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa, “Travelling Differently”, trong Paulo Coelho, Like the Flowing River: Thoughts and Reflections (Sydney: HarperCollins, 2007), 154-157.
 

 

 

Đã đăng:

Về sự thanh nhã  (truyện / tuỳ bút) 
... Sự thanh nhã của cơ thể mà tôi đang nói đến thì xuất phát từ bên trong cơ thể chứ không từ bề mặt hời hợt bên ngoài; với sự thanh nhã đó, chúng ta vinh danh cái cung cách chúng ta đặt hai bàn chân trên mặt đất. Đó là lý do tại sao, bất cứ khi nào bạn cảm thấy không thoải mái trong tư thái đúng đắn, bạn đừng nên nghĩ rằng nó sai hoặc giả tạo. Thật vậy, sự thanh nhã không phải dễ dàng đạt được. Những bước chân thanh nhã làm cho con đường cảm thấy vinh dự bởi phẩm cách của kẻ hành hương... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Đám tang của tôi  (truyện / tuỳ bút) 
... Chúng ta cũng phải biết ơn cái chết, bởi vì nó làm cho chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của mỗi quyết định chúng ta đưa ra, hoặc không đưa ra; nó làm cho chúng ta dừng lại trước bất cứ hành vi nào khiến chúng ta bị vướng vào kiểu ‘sống mà như chết’, và, thay vào đó, nó thúc giục chúng ta bất chấp tất cả, đánh cược tất cả cho những điều mà chúng ta luôn luôn mơ ước thực hiện, bởi vì, dù chúng ta có thích hay không, thiên thần của cái chết vẫn đang chờ đợi chúng ta... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Phía bên kia của Tháp Babel  (truyện / tuỳ bút) 
... Khi Nhân Loại càng ngày càng có nhiều tham vọng, Thượng Đế đã tàn phá Tháp Babel, và mọi người bắt đầu nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, với sự khoan dung vô hạn của Ngài, Ngài cũng tạo nên những con người có khả năng xây dựng những chiếc cầu ngôn ngữ để giúp cho sự đối thoại và sự truyền bá tư tưởng của nhân loại. Những con người đó, những con người mà mỗi lần chúng ta mở một cuốn sách dịch ra để đọc, chúng ta hiếm khi chịu khó lưu ý đến tên tuổi của họ, chính là các dịch giả... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
... Xin vinh danh người phụ nữ, người làm cho những kẻ cô đơn bớt đơn độc, người nuôi dưỡng những ai khao khát công lý, người làm cho kẻ áp bức cảm thấy khổ sở như những kẻ bị áp bức. Xin vinh danh người phụ nữ, người luôn mở rộng cửa, với đôi tay luôn làm việc và đôi chân luôn bước tới... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Sách và thư viện (truyện / tuỳ bút)
... Hãy cho những cuốn sách của chúng ta tự do du hành, để rồi chúng được những bàn tay khác chạm vào, và được những đôi mắt khác thưởng thức. Trong lúc tôi viết điều này, tôi thoáng nhớ lại một bài thơ của Jorge Luis Borges nói về những cuốn sách không bao giờ được giở ra một lần nữa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm & Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Phương cách của cây cung (truyện / tuỳ bút)
... Là một người chiến binh của ánh sáng, một khi đã thực hiện nhiệm vụ và chuyển hoá ý định của mình thành động tác, thì anh ta không còn sợ gì nữa: anh ta đã làm những gì nên làm. Anh ta không để mình bị tê liệt vì sợ hãi. Thậm chí nếu mũi tên không chạm vào mục tiêu, anh ta sẽ có một cơ hội khác, bởi vì anh ta không thoả hiệp với sự hèn nhát... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Manuel lên thiên đàng (truyện / tuỳ bút)
Có một dạo, Manuel được thưởng thức sự tự do của tuổi hưu trí, không phải thức dậy vào một giờ nhất định, và có thể dùng thời gian để làm bất cứ điều gì ông muốn. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc ông lại rơi vào cơn trầm cảm. Ông cảm thấy vô dụng, bị loại ra khỏi cái xã hội mà ông đã góp phần xây dựng, bị những đứa con đã trưởng thành của ông bỏ rơi, ông không còn khả năng để hiểu ý nghĩa của cuộc sống, không hề băn khoăn để trả lời câu hỏi cũ kỹ: “Tôi đang làm gì đây?”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Manuel là một người tự do (truyện / tuỳ bút)
... Một đêm kia, một thiên thần hiện đến bên ông trong lúc ông đang ngủ: “Ông đã làm gì trong cuộc đời? Có phải ông đã cố gắng để sống đúng như những gì ông mơ ước?” Một ngày dài khác bắt đầu. Những tờ báo. Những tin tức trên đài truyền hình. Khu vườn. Bữa ăn trưa. Một giấc ngủ trưa ngắn. Ông có thể làm bất cứ những gì ông muốn, ngoại trừ, ngay bây giờ, ông khám phá ra rằng ông không còn muốn làm gì nữa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
... Thiên thần tiếp tục hỏi: “Liệu ông có khả năng bỏ ra ít nhất mười lăm phút mỗi ngày để ngắm nhìn thế giới và bản thân, mà không làm gì cả?” Manuel nói ông cũng muốn như thế, nhưng ông không có thời giờ. “Ông đang nói dối với tôi”, thiên thần nói. “Mọi người đều có thời giờ để làm điều đó. Chỉ vì họ thiếu sự quyết tâm. Làm việc là một điều may mắn khi nó giúp cho chúng ta suy nghĩ về việc chúng ta đang làm; nhưng nó trở thành một tai hoạ khi khi tác dụng của nó chỉ là để ngăn chặn chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
... Tôi tiếp tục đào nhổ những cây tôi không thích rồi xếp chúng vào một đống để đốt. Có lẽ tôi đã mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những chuyện đáng lẽ không cần phải suy nghĩ, mà cần phải ra tay để làm. Thế nhưng, mỗi động tác được thực hiện bởi một con người thì đều thiêng liêng và mang đầy những hệ quả, và điều đó khiến tôi càng suy nghĩ nhiều hơn về việc tôi đang làm... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Thành Cát Tư Hãn và con chim ưng (truyện / tuỳ bút)
... Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Câu chuyện của cây bút chì (truyện / tuỳ bút)
Một cậu bé xem bà ngoại viết một lá thư. Được một chốc thì cậu hỏi: “Có phải bà đang viết một câu chuyện về những gì chúng ta đã làm? Có phải câu chuyện này nói về cháu không?” Bà ngoại của cậu bé ngừng tay và nói với đứa cháu: “Thực sự là bà đang viết về cháu đó, nhưng cây bút chì bà đang dùng để viết còn quan trọng hơn những chữ bà viết, cháu à. Bà hy vọng rằng khi cháu lớn lên, cháu sẽ giống như cây bút chì này.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
... Thường thường bạn có thể nhìn thấy một ngọn núi ở đàng xa — đẹp đẽ, lôi cuốn và nhiều thử thách. Tuy nhiên, khi bạn cố gắng để đi đến đó, điều gì sẽ xảy ra? Chung quanh nó sẽ có rất nhiều lối đi; những rừng cây sẽ chắn lối giữa bạn và mục tiêu của bạn; và những gì bạn thấy rõ ràng trên bản đồ sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong thực tế. Vì vậy, bạn phải thử hết những lối đi và những đường mòn, cho đến một ngày nào đó, bạn tìm thấy đỉnh núi mà bạn muốn trèo lên... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Từ đây trở đi — và suốt hàng trăm năm sau nữa — Vũ Trụ sẽ hỗ trợ những chiến binh ánh sáng và ngăn chặn những kẻ mang định kiến. Năng lực của Quả Đất cần được làm mới lại. Những ý tưởng mới cần không gian. Thân thể và tâm hồn cần những thử thách mới... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021