thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thu vàng

 

Thu vàng [photo: Hoàng Đình Bình]

 

THU VÀNG

 

Mùa thu năm ngoái, vào tuần thứ ba tháng mười, một người bạn của tôi rủ đi coi lá vàng trên con đường Blue Ridge Parkway chạy vòng từ tiểu bang North Carolina đến Virginia, tiếp đó đi lên phía bắc của tiểu bang Vermont tiếp giáp với Canada. Thế ra lá vàng vào mùa thu miền đông bắc ở Mỹ chắc chắn là đẹp lắm, phải đi. Chúng tôi thay nhau lái xe qua nhiều đồi núi bao la, bát ngát, đèo cao, lũng thấp, và rừng.

Rừng núi có hàng trăm loại cây, nhiều nhất là cây phong, hàng trăm màu sắc chen lẫn nhau, đặc biệt là màu vàng. Trời đất huy hoàng lộng lẫy, chúng tôi phải dừng xe lại nhiều lần để nhìn cảnh vật cho rõ hơn, cho kỹ hơn. Nhìn gần, nhìn xa. Bàng hoàng vì cảnh đẹp. Những lá phong to bảng, những lá cây khác mà tôi không biết tên, óng ả khoe màu trong không gian trong suốt; những cung bậc vàng, hồng, đỏ, tím tô lên núi non từ chân đến đỉnh, trùm lên những ngọn đèo cheo leo, những thung lũng thăm thẳm, trông như những tấm thảm khổng lồ lộng lẫy. Thỉnh thoảng trận gió thổi qua, đám mây vờn lại, cơn nắng thay phiên nhấp nháy, những tấm thảm ấy rung lên nhè nhẹ, uốn mình cong cong, trông như lượn sóng. Mùa thu tại nơi thắng cảnh này không “rơi” mà run rẩy, mà uốn éo, khác với tên gọi của mùa thu mà người Mỹ thích dùng — the fall. Thế thu cũng có nghĩa là rơi chứ? Tôi nghĩ ngay đến mấy câu thơ của Bích Khê:

Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông

Hai câu dưới đã được Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam cho là “những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam”.

Bích Khê đã thảng thốt kêu lên “Ô!” khi thấy buồn vương vào cây ngô đồng — cái buồn nặng quá làm lá ngô đồng rụng. Hay nó chỉ nhuộm lá cho lá vàng rơi, hay nó khiến cho sắc vàng rơi trùm cả trời đất, cho thu mênh mông, còn nó, cái buồn, thì ở lại với cành, với cây sắp sửa trơ trụi với mùa đông đang lấp ló ở chân trời. Cái buồn quả có sức nặng, chẳng hạn trong câu nói thông thường, buồn nặng trĩu cả lòng. Một thi sĩ khác, Huy Cận, cũng nói đến cái buồn bằng một ngôn ngữ độc đáo trong câu thơ nổi tiếng:

Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi

Cây ngô đồng có một ít tại Huế đặc biệt là trong Đại Nội. Vua Minh Mạng rất quý cây ngô đồng nên cho khắc nó vào một trong cửu đỉnh. Ngô đồng có nhiều ở Tàu, còn cây phong thì thường được thấy ở các nước thuộc miền ôn đới, hàn đới như Tàu, Nhật, Mỹ, Canada, v.v. chứ không có ở Việt Nam ta. Bích Khê chết sớm, chưa hề đi ra khỏi nước. Thế mà kỳ diệu thay, với cảm hứng và tưởng tượng, nhà thơ tài hoa bạc mệnh của chúng ta đã chỉ cho ta thấy thu vàng cùng với buồn rơi mênh mông mà ta tìm gặp ở xứ lạ quê người.

 

*

 

Nhưng có phải mùa thu chỉ muốn về với rừng phong, rừng ngô đồng mênh mông, bát ngát? Hoặc chỉ ở những nơi ấy mùa thu mới chịu phô bày dung nhan làm ngơ ngẩn cả thế gian? Không hẳn thế. Cái to lớn không nhất thiết gây xúc cảm hơn cái nhỏ bé. Tảng đá không nhất thiết đắt giá hơn viên ngọc.

Thu vẫn rung chuyển cả lòng người khi nó đến với chiếc ao bèo nho nhỏ lạnh lẽo nước trong veo tại một làng quê xa xôi hẻo lánh của Nguyễn Khuyến, có chút lá vàng rơi trước gió, có chiếc thuyền câu be bé, có ngõ trúc quanh co, có cụ già bâng khuâng nhìn trời trở mình tựa gối mặc cho cá đớp động:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo ...

Thu vẫn sáng rực trong giếng vàng của Quách Tấn mà, một lần nữa, xin trích dẫn lời Hoài Thanh:

Ta không thấy gì, ta không nghe gì. Nhưng ta biết thế giới này giàu sang lắm. Chốc chốc một cảnh rực rỡ vụt hiện ra trước mắt ta rồi vụt biến đi:
 
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng
 
Ta có thể lơ đãng không thấy rõ sương trên bến Phong Kiều, trăng trên dòng Xích Bích. Không thấy cả cái giếng sầu rụng. Nhưng sắc vàng kia! Cái sắc vàng trong giây phút chiếu sáng cả trời thơ!

Có khi thu ẩn mình vào chiếc lá bay sang từ nhà hàng xóm của Tản Đà:

Ngọn gió thu phong rụng lá vàng
Lá bay hàng xóm lá bay ngang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng

Thoạt tiên lá bay, về sau vàng bay khiến ta nghĩ tới mấy câu thơ trên của Bích Khê.

Lẽ dĩ nhiên mùa thu xuất hiện rất nhiều trong văn thơ Việt Nam chứ không phải chỉ ở dăm ba câu ngắn ngủi trích dẫn trên. Hay là ta thử đọc trọn một bài thơ về thu.

Một buổi xế trưa thu hiện hình vào những giọt sương nõn nà đậu quanh thềm, rồi đi theo cơn nắng nhỏ bâng khuâng như muốn níu kéo buổi chiều dang dở trở lại. Thu vờn lên lớp sương khói hư vô bao phủ đầu cây hạnh trong đó, trên một cành biếc, con chim ý nhi đôi chân run run đậu. Thu cũng ngao du bay xa trong gió thầm mây lặng, trong cơn mưa trưa vừa tạnh, khiến cho ngày mau xế tà, khiến cho tiếng chim mơ hồ rơi xuống những giọt buồn trên sông vắng. Nhưng không phải chỉ có thế, thu còn tọc mạch len lén vào khuê phòng của một thiếu nữ đang ngừng kim thêu chiếc áo gấm vàng, “sắc mạnh huy hoàng”, mơ màng nhìn đoá cúc cũng đang nở vàng theo ở lưng dậu khi gió thu qua, và nghĩ đến ngày chàng vinh quy bái tổ, mặc chiếc áo mình sắp thêu xong.

Trên đây là đoạn viết lại thành văn xuôi, một cách vụng về, một trong những bài thơ hay nhất về mùa thu, mùa thu vàng, tác giả là Xuân Diệu.

Xin được chép toàn bài thơ:

Thu
 
Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì.
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh
Cành biếc run run chân ý nhi.
 
Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà.
Buồn ở sông xanh nghe đã lại
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.
 
Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm
Hây hây thục nữ mắt như thuyền
Gió thu hoa cúc vàng lưng dậu
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.
 
                                              (Xuân Diệu)

 

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021