thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Núi Lạnh — Hành trình tìm về những nấm mồ hoang [4: “Cầu nguyện giữa núi lạnh”]

 

Chúng tôi từ Việt Cường đi Vân Hội, con đường độc đạo quấn quít ôm chân các đồi chè, đồi cọ, đồi bạch đàn. Cả con đường hàng chục cây số không hàng quán, không trạm điện thoại; chỉ xa xa một căn nhà xây thô, nếu có gọi chủ nhà hỏi thăm cũng không ai trả lời, đến cả mấy chú chó cũng theo người đi nương hết ấy mà.

Anh Lê Đức Hùng bỏ việc nương rẫy để hướng dẫn tôi đi tìm mộ. Anh bảo tôi qua cho anh chở, anh cho rằng đi trên đoạn đường núi tôi sẽ không an toàn nếu tiếp tục ngồi sau tay lái của người chạy xe ôm không quen đường.

Ở vùng này chỉ có vài ngọn đồi được người dân đặt tên riêng. Theo thông tin của anh Hùng thì ở đồi Con Trăn có ba ngôi mộ sĩ quan VNCH không biết còn hay đã mất dấu. Tôi hỏi vì sao họ lại chôn ở đây. Anh cho biết “trại cải tạo Việt Cường ngày xưa bao trùm hết vùng núi này và chia ra nhiều phân trại, chắc chết ở đâu chôn tại đó chứ làm gì có nghĩa trang chung.”

Tất cả dân cư quanh đồi Con Trăn từ người già cho đến trẻ chăn trâu khi được hỏi về vị trí của ba ngôi mộ “mấy ông Ngụy” đều có vẻ rất rành. Lần đầu tiên trong suốt mấy ngày đi tìm mộ tôi được nghe người dân địa phương nói rõ cấp bậc trong quân đội VNCH của một người đã chết, đại tá Phạm Hổ.

Mộ của đại tá Phạm Hổ nằm trên lưng chừng đồi Con Trăn. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao vị đại tá tù cải tạo này “nổi tiếng,” ngày ấy dân địa phương cho rằng ông bị bệnh hủi, càng xa lánh ông họ lại càng đồn đại về ông. Với dân miền núi bệnh hủi là một thứ nan y, là nỗi ám ảnh tai hoạ. Đến lúc chết ông cũng được chôn riêng. Đại tá Phạm Hổ nằm một mình một vạt đồi hướng mặt về phía đông. Dân sống quanh đồi nói với tôi rằng, lúc mới có mồ ông, ngọn đồi đó đến trẻ chăn trâu còn không dám héo lánh tới. Nhưng ngày nay thì những người có tuổi biết chuyện và cả anh Hùng lại nói khác. Nào có phải hủi gì đâu. Ông bị bệnh nước ăn, lở loét không trị được.

Cách đó chừng nửa cây số đường đèo cũng dưới chân đồi Con Trăn có một ngôi mộ không còn bia. Mộ của Thiếu tướng Hoàng Công (Văn) Dực. Lúc băng qua con suối lên tìm mộ ông Thiếu tướng, anh Lê Đức Hùng có ghé vào nhà bà Tuyên hỏi thăm. Bà Tuyên nói:

— Đấy nằm trên cái miếng đất bằng của tôi, nhưng người nhà ra lấy về năm nào rồi.

Một anh nông dân đi theo chúng tôi lại nói:

— Còn trên đấy, lúc bé chăn trâu ngày nào tôi cũng qua đấy. Ông ta cùng họ Hoàng với tôi, sao tôi nhầm được.

Anh nông dân cùng với anh Hùng sục sạo tìm cả một góc đồi Con Trăn. Cuối cùng họ xác định một khoảng mô đất nhỏ chính là mộ của Thiếu tướng Hoàng Công Dực. Anh Hùng nói:

— Thế mộ nằm trên dốc đồi này thì không lẫn vào đâu được.

Anh nông dân thì chỉ vào một gốc cây cằn cỗi lẫn trong cỏ dại cao lút đầu người khẳng định:

— Đúng là tại gốc cây Mỡ này đây.

Chúng tôi hỏi vì sao các bác không nhớ vị trí và tên của người nằm trong ngôi mộ thứ 3. Anh Hùng nói “cần có thời gian để hỏi các cụ già.”

Theo thông tin truyền miệng của dân địa phương cho biết: Trên đường vào Vân Hội có bốn ngôi mộ. Rời khỏi đồi Con Trăn chúng tôi đi thêm gần chục cây số nữa thì đến xã Vân Hội. Trên suốt đoạn đường đi gặp ai anh Hùng cũng hỏi: Có biết mộ của mấy “ông Ngụy” không.

Bốn ngôi mộ ven đường mà chúng tôi tìm thấy thật ra chỉ còn lại ba. Một anh nông dân đang gặt lúa cho biết: “Bị nước lũ năm rồi cuốn đi một ngôi, ngôi mộ ấy có bia nhưng cũng trôi mất, hai ngôi còn lại phía kia…”

Vạch đám cỏ sát chân miếng ruộng, tôi và anh Hùng chỉ tìm thấy một ngôi mộ còn bia. Tấm bia bị đất lấp hơn một nửa, chúng tôi cố đọc dù chữ rất mờ: Đặng Văn Thương, sinh ngày 19-8-1928, Quận 4. Riêng ngôi mộ còn lại chúng tôi cố hết sức để tìm tấm bia nhưng không thể. Tôi hỏi: “Các bác có ai biết ngôi mộ còn lại tên gì không?” Một người phụ nữ đang gặt lúa nói: “Tìm bà Hải phía quán kia mà hỏi.”

Bà Hải, chủ một tiệm tạp hoá nhỏ, lúc được bà mời vào nhà, chúng tôi có chào cô con gái của bà, lúc ấy cô đang ru con mọn, đứa bé ngủ trong một cái nôi kiểu thành thị. Chính người mẹ trẻ này là đầu câu chuyện tìm mộ mang nhiều màu sắt huyễn hoặc của một sĩ quan VNCH.

Bà Hải kể:

— Ngoài đấy có tổng cộng bốn ngôi mộ. Cái ngôi mộ mất bia ngoài đấy mà các anh tìm là Phạm Văn Thành ở tận Phnom-Penh. Ngôi còn bia tên là Đặng Văn Thương, ở quận 4. Ông bị suối cuốn mộ mất bia tôi không biết tên. Một ông thì người nhà bốc về rồi. Ông ấy tên là Phan Văn Ở, tôi còn nhớ là nhà ở số 57, đường Nguyễn Khoái trong Sài Gòn. Tôi là dân kinh tế lên, từ lúc lên đây trước nhà tôi đã có bốn ông ấy nhưng con gái tôi nó không biết, anh ạ. Năm trước nó về xuôi ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, học nghề may. Nó đi coi thầy ở Quỳnh Hương vì việc cưới xin, thầy nhìn nó rồi bảo: Ngoài nhà mẹ cô có bốn ngôi mộ, họ tù đày ở đấy, quê người ta ở xa lắm. Về bảo mẹ cô nhớ hương khói, người ta phù hộ cho. Con gái tôi điện về hỏi mẹ. Anh xem có linh không? Tôi mua cả bảy thước vải hàng mả về đốt, ngày nào cũng thắp hương. Ít hôm cô con lại điện về bảo: Mẹ ơi thầy nói vài hôm nữa có người nhà của người ta ra bốc mộ. Thế mà anh con ông Ở ra thật đấy, đi một mình, tìm đúng nhà tôi, tôi đưa anh ra nhận mộ bố, anh khóc kể như giời mưa: Mười bảy năm con không một lần nằm mơ thấy bố, mấy tháng nay đêm nào con cũng mơ thấy bố. Bố linh thiêng phù hộ ngày mai con đưa bố về nhà! Anh con ở nhà tôi một đêm. Năm sau có bao xe đưa cả Mẹ và họ hàng ra đây cảm ơn tôi. Bà mẹ tên là Lở, trước khi về có đặt lên bàn một triệu đồng. Tôi nhất định chỉ lấy một trăm nghìn bạc. Chuyện là thế anh ạ. Năm sau nữa, bà Lở có mời mẹ con tôi vào Sài Gòn ở chơi nhà bà. Trước khi chết vì bệnh ung thư ở nước Mỹ, bà Lở còn để quà, bảo với anh con trai là nhất định phải gởi ra.

Trong ánh sáng bình minh trong suốt của vùng thượng du đất Bắc, chúng tôi chỉ có mỗi hối tiếc là không ra được nơi này sớm hơn, nếu sớm hơn ít năm chắc còn kịp níu giữ danh tính của những mộ đã bị quên lãng suốt 31 năm.

Trở lại đồi Cây Khế, tôi nhờ anh xe ôm mua ít lễ vật, hương nến. Giữa trưa, tôi, vợ chồng bác Huyên, anh xe ôm và những đưa trẻ chăn trâu cùng thắp nén hương dâng lên những linh hồn người lính năm ấy dù nay có còn tên hay đã mất tên. Những đốm lửa rất nhỏ không đủ ấm đồi Cây Khế!

Cầu nguyện cho các vong linh còn ẩn khuất được sớm trở về nhà. Chúng tôi tin, chỉ khi nào những linh hồn của các bên liên quan trong cuộc chiến tranh cũ thất lạc về được trong vòng tay hương khói của gia đình, chừng ấy bao nỗi oan khiên sẽ tan.

Sẽ không bao giờ có sự bình an đúng nghĩa cho một cá nhân, một dân tộc nếu cho đến tận hôm nay đêm đêm vẫn còn những linh hồn khóc giữa núi lạnh. Người lính VNCH cũng ra đi vì lý tưởng yêu nước chân thành của riêng mình. Một dân tộc cao thượng không có núi lạnh.

 
Tháng 9/2006
 

Các ngôi mộ hiện còn nằm lại trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Danh sách được ông Đỗ Công Huyên ghi chép:

1– Bùi Văn Phước. Sinh năm: 1930. Chết năm: 23/5/1977. Quê quán: 34/08 Phạm văn Chí, Gia Định

2– Nguyễn Văn Nghĩa. Sinh năm: 1949, Hà Nội. Chết năm: 10/09/1977. Quê quán: 5B/G. Hồng Thập Tự, Sài Gòn 1.

3– Nguyễn Quang Tôn. Sinh năm: 1930, Hữu Quang, Sơn Tây. Quê Quán: 232F phường cư xá–Sài Gòn 3.

4– Nguyễn Phước Tôn. Chí Hoà, Quận 10.

5– Trần Hữu Công. Sinh năm 1930. Quê Quán: 75 phường Đăng Lễ, thị xã Châu Đốc.

6– Lý Văn Phinh. Sinh năm: 1947. Chết năm: 6/6/1977. Quê quán: Cai An, Mỹ An, Vĩnh Long

7– Võ Tín. Sinh năm: 1936, Thừa Thiên. Quê quán: 314 Quốc lộ 1, Tân Bình.

8– Dương Văn Sáu. Sinh năm: 1919. Quê Quán: 164/63 Bùi Thị Xuân–Sài Gòn 1.

9– Trần Tấn Chung. Sinh năm: 1944. Lê Quý Đôn, Kon Tum.

10– Lâm Quang Đỏ. Sinh năm: 1944.

11– Nguyễn Văn Măng. Sinh năm: 1928. Chết năm: 12/6/1977.

12– Nguyễn Bá Thìn (tự Long). Đại tá Tư lệnh phó sư đoàn 5.

13– Lương Mạnh Vân. Sinh Năm: 1945. Chết năm: 30/7/1977. Quê quán: 34 Hoà Chung, Quận 10, Sài Gòn.

 

Các mộ ở Đồi Con Trăn, xã Việt Cường:

1– Phạm Hổ. Đại tá

2- Hoàng Công (Văn) Dực. Thiếu tướng

3- Mộ hai anh em trốn trại. một người tên là Xuân.

 

Các mộ ở xã Vân Hội:

1- Đặng Văn Thương. Sinh năm: 19/8/1928. Quận 4, Sài Gòn.

2- Phạm Văn Thành. Phnom–Penh

 

Địa chỉ người có liên quan để liên lạc:

1– Ông Đỗ Công Huyên: Thôn 9, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Điện thoại: 029812301.

2– Lê Đức Hùng: Thôn 9, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Điện thoại: 029 215361.

3- Hà Cao Huệ (người chạy xe ôm): Thị Xã Yên Bái. Điện thoại: 0912744059.

 
-------------

Đã đăng:

 
... Trong suốt những năm dài đằng đẵng ấy người chồng vẫn cứ tìm vào giấc mơ người vợ chỉ để nói mỗi một câu. “Anh nằm cạnh con suối, lạnh lắm!”... (...)
 
... Chiến tranh tuy đã kết thúc nhưng sao cuối cùng chỉ mỗi nắm xương tàn và linh hồn không tan của những người này phải tiếp tục trả giá, phải tiếp tục chịu mọi hậu quả của cuộc chiến tàn khốc đó... (...)
 
... Không hề có một ý thức hệ, một giá trị tư tưởng nào biết tổn thương, chỉ sự thật của số phận con người mới biết đau đớn. Từng số phận con người mới chính là lịch sử chân thật nhất, phần vô giá nhất của lương tri dân tộc... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021