thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Adam Pollo
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 

J.-M. G. LE CLÉZIO

(1940~)

 
JEAN-MARIE GUSTAVE LE CLÉZIO sinh năm 1940 ở Nice, bắt đầu nổi tiếng từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Le Procès-verbal, đoạt giải thưởng Théophraste Renaudot 1963. Từ ấy đến nay — hơn 40 năm trôi qua một sự nghiệp văn chương đa dạng, phong phú và độc đáo, có thể chỉ căn cứ là nhà văn đầu tiên nhận giải thưởng Paul Morand cho toàn bộ tác phẩm (1980)? — ông đã xuất bản trên dưới 40 cuốn sách: tiểu thuyết, tiểu luận, truyện ngắn, hai bản dịch thần thoại thổ dân châu Mỹ, và vô số những bài viết, bài tựa và nhiều đóng góp cho những tác phẩm tập thể. Từ thời trẻ, mới nổi tiếng, Le Clézio đã được biết đến như một nhà văn “ẩn dật”: ông sống ở Nice [tôi còn nhớ một tấm ảnh chụp ông bước đi trên một bến cảng, người cao lêu nghêu, nổi bật trên một cái nền sông nước và thuyền bè đăng trên báo Le Figaro Littéraire hơn một phần tư thế kỷ trước] và rất ít khi đến Paris, rất ít khi thích ngồi xuống cho ai phỏng vấn. Nhưng “ẩn dật” chỉ là một thái độ: thật sự, ông là một người bước đi. “... Đối với tôi, là dân ở đảo, một người ở bên bờ biển nhìn những chuyến tàu chở hàng đi qua, gót chân mài trên những bến cảng, như một người bước đi dọc theo một đại lộ nhưng là người không thể thuộc về một khu phố hay một thành phố nào, mà là thuộc về mọi khu phố và mọi thành phố, ngôn ngữ Pháp là quê hương duy nhất của tôi, là nơi duy nhất tôi sống.” (trả lời Catherine Argand, 1994).
 
Chúng ta sẽ không ngạc nhiên: Le procès-verbal thai nghén ở Anh, L’extase matérielle lên men ở Bangkok, và nhiều tác phẩm khác nẩy sinh từ những chuyến đi, sống và viết: Mexique, Panama, quần đảo Maurice và Rodrigues... Từ một nhà văn trẻ, mà những cuốn sách viết rất đẹp làm người đọc liên tưởng đến những nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết Mới, nhạc pop, nhiều nét Lautréamont, Artaud, nhất là Michaux, cái nhìn theo tinh thần Blake — cả Keats, Auden, Salinger mà ông đọc đi đọc lại nhiều lần — đến nay Le Clézio đã vạch con đường riêng của mình, và năm 1994, ông được chọn là nhà văn viết tiếng Pháp lớn nhất còn sống...
 
Ngày 9 tháng 10 năm 2008, Hàn Lâm Viện Thuỵ-điển công bố: Jean-Marie Gustave Le Clézio, nhà văn 68 tuổi, chiếm giải thưởng Nobel Văn Chương 2008.
 
Hoàng Ngọc Biên

 

______________

 

ADAM POLLO

 
“Adam Pollo” là bản dịch từ nguyên tác một đoạn trích trong Le Procès-verbal của Jean-Marie Gustave Le Clézio [Giải thưởng Théophraste Renaudot 1963], chương H. Đây là đoạn văn tả Adam Pollo, nhân vật chính, đang đuổi bắt một con chuột trong một màn thật tuyệt vời và vĩ đại. Ban đầu Adam là Adam, dĩ nhiên, thế rồi dần dần anh ta quên mình là Adam, anh biến thành-con-chuột-bạch rồi, hóa thân thành mối-nguy-cho-những-con-chuột-bạch. Anh là nỗi sợ. Như vậy, dần dà, anh là tất cả, hoặc bởi anh đã loại hết những gì có tính cách người còn lại nơi anh, hoặc vì lớn lên với những kích thước mênh mông, anh có được một thân xác universel. Với một bút pháp không cầu kỳ bay bướm, đoạn văn đã đạt tới hiện thực [mà vẫn bàng bạc một không khí huyền diệu đầy chất thơ] nhờ lối quan sát tỉ mỉ, những hình ảnh phong phú và một óc tưởng tượng mạnh mẽ.

 

Có cái gì mới lạ trong ngôi nhà bỏ hoang nằm trên ngọn đồi. Đó là một con chuột hình vóc đẹp đẽ, không phải đen như phần lớn các con chuột cống, trắng thì đúng hơn, giữa màu xám và màu trắng, với cái mõm, cái đuôi và bốn chân đều màu hồng, và cặp mắt xanh sáng quắc không có mi đã cho nó cái vẻ can đảm. Chắc hẳn nó đã ở đó từ lâu lắm rồi, nhưng Adam chưa nhận ra được sự hiện diện của nó. Adam đi lên phòng tạm trú ở tầng thứ nhất, ở chỗ mà có lần hắn đã cùng nằm dài trên bàn billard với Michèle. Từ đó hắn không hề trở lại đấy, lý do là vì trên nguyên tắc hắn không nghĩ đến việc trở lại; trừ phi vì làm biếng không muốn phải trèo lên cái cầu thang nhỏ bằng gỗ dẫn lên lầu.

Rồi hắn nhớ lại bàn billard, và hắn tự bảo có thể lên đó vài giờ để chơi bi. Hắn trở lại là để chơi bi đấy.

Vậy nên hắn mở cửa sổ, và xô một trong những cánh cửa ra để thấy rõ. Hắn tìm bi khắp nơi, mỗi chỗ một tí; hắn nghĩ rằng những người chủ nhà đã đem giấu trong tủ bàn nào đó, và hắn lấy một con dao cạy tất cả các hộc tủ. Nhưng chẳng có gì cả, trong tủ ngăn cũng không, trong tủ bát đĩa cũng không, trong tủ áo cũng không, trong chiếc bàn nhỏ bằng gỗ chanh cũng không có, ngoài những tờ báo cũ và bụi bặm.

Adam chất đống những tờ báo xuống đất, để sau này đem ra đọc, rồi quay trở lại bàn billard; lúc đó hắn chợt khám phá, ở phía bên phải bàn, một thứ hộc tủ có khoá, mà người ta có thể tưởng tượng chắc hẳn là những trái bi sẽ rơi xuống sau khi qua các lỗ của bàn bi. Với chiếc dao, Adam xoi một lỗ chung quanh ổ khoá. Hắn mất đến hai mươi phút mới có thể cạy hộc tủ ra được. Ở bên trong, quả thật hắn thấy chừng mười trái bi bằng ngà, có trái màu đỏ, có trái màu trắng.

Adam lấy bi và đặt lên mặt thảm bàn billard. Còn thiếu một cây cơ nữa mới có thể chơi được. Nhưng chắc hẳn những người chủ nhà đã đem giấu đi, lần này có lẽ là trong một phòng khác; cũng có lẽ họ mang theo họ, có Trời mới biết là mang đi đâu.

Adam đột nhiên thấy tìm mãi đâm ra mệt. Hắn nhìn chung quanh với hi vọng tìm thấy một cái gì có thể thay cây cơ. Nhưng chỉ có mấy cái chân một chiếc ghế dựa thời Louis XV; phải tháo nó ra, và hơn nữa, nó xoắn tròn, sơn màu mạ vàng, và Adam thì không muốn làm bẩn tay bằng màu vàng.

Lúc đó hắn chợt nhớ đã từng thấy trong một ngôi vườn nhỏ nằm trước biệt thự có hai hay ba cây hoa hồng, cuộn tròn vào những thân cây tre dùng làm cọc đỡ. Hắn bước xuống phía mép vườn hoa, nhổ một trong những cây hồng và bới khúc tre lên.

Trước khi quay trở lên, hắn đưa dao cắt một cái hoa của cây hồng ấy, hoa không lớn lắm, nhưng nở rất đẹp, khá tròn, với những cánh vàng dịu toả hương thơm ngát. Hắn đặt hoa trong một chai bia không, trên sàn căn phòng hắn, bên cạnh đống chăn đệm. Rồi thì chẳng muốn nhìn hoa, hắn trở lên lầu.

Hắn chơi bi một mình trong vài phút; hắn đánh những trái này đụng vào trái kia mà không chú ý gì đến màu sắc mấy. Có một lần hắn đã đánh lọt xuống được cả bốn trái cùng một lúc. Nhưng ngoài lần đó ra, hình như cũng do tình cờ chứ không do gì khác hơn, hắn cũng phải công nhận là hắn chơi không hay lắm. Hoặc hắn đánh trượt những trái mà hắn nhắm, hoặc hắn không đánh được đúng chỗ: cây cơ đụng vào hình cầu bằng ngà hơi lệch một bên thay vì đụng ở trung tâm, và trái bi chạy lăn khắp tứ phía, vừa lăn vừa xoay tròn trên chính nó, như điên. Sau cùng, Adam bỏ không chơi bi nữa; hắn cầm bi và ném xuống sàn nhà, thử chơi đánh cầu. Chơi trò này hắn cũng không giỏi hơn, hãy nhớ như vậy, nhưng trong khi rơi xuống sàn nhà, những trái bi đã gây ra một tiếng động và tạo nên một vài động tác, do đó nên người ta có thể thích thú hơn và còn thấy thoả mãn hơn.

Dù sao đi nữa, chính trong lúc chơi trò đó, hắn đã trông thấy con chuột. Đó là một con chuột đẹp, lực lưỡng, đứng thẳng ở cuối phòng, trên bốn cái chân màu hồng của nó, và đang nhìn vào hắn một cách xấc xược. Adam thấy nó là nổi giận liền: hắn thử bắt con chuột bằng một trái bi, để giết nó, hay ít nhất cũng để làm cho nó thật đau; nhưng hắn ném hụt. Hắn đã phải bắt đầu lại nhiều lần. Con chuột không tỏ vẻ sợ hãi. Nó nhìn thẳng vào mắt Adam, cái đầu tái mét của nó đưa tới trước, trán nhăn lại. Khi Adam ném trái bi ngà, nó nhảy vọt sang một bên, và kêu lên một tiếng la chí choé. Khi đã ném hết tất cả các trái bi, Adam ngồi chồm hổm nhón hai gót chân, cao ngang vừa khoảng tầm mắt con vật. Hắn nghĩ chắc chắn con vật đã ở trong ngôi nhà này như hắn, có lẽ không lâu hơn. Ban đêm chắc hẳn nó chun ra từ trong một lỗ tủ bàn nào đó, và nhảy nhót tưng bừng trong biệt thự từ trên xuống dưới, để kiếm đồ ăn.

Adam không biết chắc những con chuột ăn gì; hắn không làm sao nhớ được chúng có phải là loài ăn thịt hay không. Không nhớ được có phải mấy cuốn từ điển đã nói đúng hay không: “Chuột: dh.t. chung. Loài có vú gặm nhấm nhỏ có đuôi dài từng đốt.”

Hắn chỉ nhớ hai hay ba huyền thoại mà người ta kể lại về chuột, những chuyện đắm tàu, những túi lúa mì, và bệnh dịch hạch. Thật ra, cho đến ngày hôm đó hắn không hề biết là có loại chuột bạch.

Adam nhìn nó và lắng nghe thật kỹ; và hắn thấy con vật có một vẻ gì quyến thuộc với hắn. Hắn nghĩ hắn cũng vậy, hắn cũng có thể núp trong hang ban ngày, giữa hai tấm ván bị mọt ăn, và ban đêm ra đi lang thang; tìm những mảnh vụn giữa những kẽ sàn nhà, và thỉnh thoảng ở một khúc quanh dưới hầm, hắn cũng có cái may mắn gặp được một đàn gián trắng cùng lứa, mà hắn có thể đem ra làm một bữa tiệc ngon lành.

Con chuột vẫn đưa hai mắt xanh nhìn chòng chọc vào hắn, không cử động; chung quanh cổ nó có những vành tròn đầy mỡ, hay đầy những bắp thịt. Để ý đến vóc dạng của nó, vóc dạng hơi lớn hơn cỡ trung bình một tí, và đến những vành tròn đầy thịt đã mềm nhũn kia, chắc hẳn nó là một con chuột đã có tuổi. Adam cũng không biết những con chuột sống bao lâu, nhưng hắn có thể đoán một cách dễ dàng là chừng tám chục năm. Có lẽ con chuột đã chết mất một nửa rồi, đã mù mắt một nửa rồi, và không thể biết được là Adam muốn hại mình.

Một cách chậm rãi, nhẹ nhàng, vô tình, Adam quên mất hắn là Adam, quên rằng hắn còn khối chuyện, ở dưới kia, trong căn phòng, ngoài nắng; còn khối những chiếc ghế dài, những tờ báo, những hàng chữ nguệch ngoạc đủ loại, và những chăn đệm còn đẫm mùi của hắn, và những mẩu giấy trên đó hắn viết như để viết thư, “em Michèle yêu dấu”. Những chai bia với những cổ chai bị vỡ và một loại hồng trà mỗi phút một toả ra giữa bốn bức tường mùi hương thơm phân tán của loài hoa nóng. Mùi hương thơm vàng của hoa hồng vàng trong một căn phòng vàng.

Adam hoá thành chuột bạch, nhưng bằng một sự hoá thân kỳ lạ; hắn vẫn giữ thân thể của hắn, tay chân hắn không ngả qua màu hồng, và những chiếc răng cửa không dài ra; không, những ngón tay hắn vẫn còn hôi mùi thuốc lá, nách hắn vẫn còn mùi mồ hôi, và cái lưng hắn vẫn khom tới trước, trong tư thế ngồi chồm hổm, sát gần sàn nhà, theo hai hình vòng cung của cột xương sống. Nhưng hắn trở thành chuột bạch vì hắn tự bảo mình là chuột bạch, vì hắn bất chợt có ý nghĩ về sự nguy hiểm của loài người đối với giống vật nhỏ cận thị và yếu ớt kia. Hắn biết hắn có thể kêu chí choé, có thể chạy, có thể gặm nhấm, có thể nhìn với hai con mắt tròn nhỏ không có mí, xanh và gan dạ; nhưng mọi chuyện đó đều vô ích. Một người như hắn cũng đã đủ lắm rồi; hắn chỉ cần bước vài bước, đưa bàn chân lên cao một tí, cũng đủ để con chuột bị chết, bị đè bẹp, hai bên sườn bị bẻ gãy, cái đầu thon dài của nó sẽ kéo lê trên sàn gỗ, trong một vũng nhỏ thể dịch và bạch huyết.

Và đột nhiên, trở thành nỗi sợ hãi, hoá thân thành mối-nguy-cho-những-con-chuột-bạch, hắn đứng dậy; điều hắn đang có trong đầu óc không phải là sự giận dữ nữa, cũng không phải là sự chán chường, mà cũng không phải bất cứ cái gì dữ tợn cả. Đó gần như là sự bắt buộc phải giết.

Hắn quyết định hành động một cách hợp lý. Trước hết, hắn đóng tất cả cửa lớn và cửa sổ, để con vật không thể trốn thoát. Rồi hắn đi nhặt những trái billard. Khi hắn đến gần, con chuột lùi ra đàng sau một tí, hai tai ngắn dựng đứng. Adam đặt những trái bi lên tấm thảm bàn billard, và bắt đầu nói với con chuột, giọng nói nhỏ, với những âm điệu khàn khàn trong họng thật buồn cười. Hắn thì thầm:

“Mày sợ tao hả? Chuột bạch ạ... Mày sợ... Mày muốn làm như mày không sợ... Với cặp mắt tròn của mày... Mày nhìn tao? Tao công nhận là mày can đảm đấy, chuột bạch ạ. Nhưng mày chũng biết cái gì đang đợi mày đấy. Hết cả bọn cùng loại với mày, chúng nó biết hết cả đấy. Những con chuột bạch khác. Và những con màu xám, và những con màu đen nữa. Điều tao sắp làm với mày, mày cũng đã chờ đợi từ lâu rồi. Chuột bạch ạ, thế giới không phải làm ra cho mày đâu. Mày không có một quyền sống nào cả vì hai lẽ, trước hết, mày là một con chuột trong một thế giới loài người, với những túp lều của loài người, với những cái bẫy, và những cây súng, và với thuốc-giết-chuột. Sau đó, mày là một con chuột bạch trong một thế giới mà thường những con chuột đều màu đen. Như vậy, mày thật lố bịch, và đó cũng là một lý do nữa để...”

Hắn đếm những trái bi; thiếu một trái nữa. Chắc hẳn nó lăn xuống dưới tủ. Với cây cơ bằng tre, Adam cào cào nơi chỗ sàn dưới tủ, và kéo về một trái bì bằng ngà. Trái bi màu đỏ, lạnh, và cầm nó trong lòng bàn tay, hình như nó lớn hơn những trái khác. Bởi vậy cho nên nó giết tàn ác hơn.

Khi đã sẵn sàng mọi thứ, Adam đứng trước bàn billard, vẻ quả quyết; hắn cảm thấy đột nhiên mình trở nên khổng lồ: một tên thật là cao lớn, vóc người cao chừng ba thước, tràn đầy sự sống và sức mạnh. Trước hắn một tí, sát ngay bức tường cuối phòng, bên cạnh vùng ánh sáng tái xanh hình vuông từ cửa sổ lùa vào, con vật chễm chệ đứng trên bốn chân màu hồng của nó, rất kiên nhẫn.

“Con chuột khốn nạn!” Adam nói.

“Con chuột khốn nạn!”

Và hắn ném trái bi đầu tiên, lấy hết sức bình sinh để ném. Trái bi vỡ tan phía trên đế cột trụ, bên trái con vật chừng vài phân, với một tiếng nổ như sấm sét. Nửa giây sau, con chuột vừa nhảy vọt sang một bên, vừa kêu. Adam sướng điên lên.

“Mày thấy đấy! Tao sắp giết mày! Mày già quá rồi, mày không còn phản xạ nữa đâu, con chuột bạch xấu xa kia! Tao sắp giết mày đây!

Và rồi hắn lồng lộn lên. Hắn ném năm hay sáu trái bi liên tiếp; một vài trái đập vào tường bị vỡ, những trái khác dội trở lại trên sàn nhà và lăn đến bên cạnh chân hắn. Một trong những trái bi, trong khi vỡ ra, ném một mảnh lên đầu con chuột, đúng ngay phía sau tai bên trái và làm chảy máu. Con vật gặm nhấm chạy dọc theo bức tường, và từ trong cái mõm há hốc của nó như có thoát ra một làn hơi phì phào. Nó chạy vội về phía tủ để trốn, và trong khi vội vàng, lại húc mõm vào góc tủ; nó biến mất trong chỗ núp, miệng kêu la chí choé.

Adam bấy giờ không còn đứng vững bằng hai chân nữa, té sụp trên sàn nhà. Hắn giận dữ nói ấp úng:

“Ra đây đi, con vật khốn nạn! Chuột khốn nạn! Chuột! Đồ chuột khốn nạn! Ra đây!”

Hắn nèm vài trái bi xuống dưới tủ, nhưng con chuột bạch không nhúc nhích. Hắn bèn bò người bằng hai đầu gối và lục tìm trong bóng tối với cây gậy bằng tre. Hắn đụng vào một cái gì mềm nhũn ở sát tường. Rốt cuộc con chuột chui ra và chạy về phía cuối phòng. Adam bò về phía nó, cầm con dao bếp trong tay. Hắn dùng mắt dồn con vật vào sát tường: hắn thấy bộ lông chuột cứng đơ có vết dơ của máu, ở gáy. Thân mình gầy yếu thoi thóp; thịt hai bên sườn giật phồng ra rồi thóp vào; đôi mắt tái xanh vì sợ hãi. Người ta đọc được trên hai vành tròn đen lồng khuôn ở trong đáy con ngươi trong suốt một ý nghĩ bất hạnh, gợi ra một sự kết thúc mang nặng chết chóc và lo âu, một phản ảnh ướt át và buồn bã; nỗi sợ hãi có pha lẫn một nỗi hoài hương kín đáo, liên quan đến rất nhiều năm hạnh phúc, đến những kí-lô hạt lúa mì hay những miếng phó-mát gruyère mà người ta nhấm nháp giữa vùng nửa sáng nửa tối mát mẻ của những hầm người ở.

Và Adam biết hắn chính là nỗi sợ hãi đó. Hắn là một mối nguy lớn, phủ đầy những bắp thịt, người ta có thể bảo đó là một loài chuột bạch khổng lồ đang thèm khát được cắn xé đồng loại của mình. Trong khi đó, con chuột, con chuột thật, vì sự thù ghét và khủng khiếp của hắn, đã trở thành một con người. Những đường gân giật run lay mình con vật nhỏ, tựa hồ như nó sắp khóc, hay sắp quì xuống và đọc những lời cầu nguyện. Cong người tì trên hai chân hai tay, Adam vừa tiến tới vừa la hét, vừa gầm gừ, vừa lẩm bẩm chửi; không còn những chữ nữa; chúng chẳng được thốt ra mà cũng chẳng được ai nghe nhận, và từ cái động tác trung gian kia, chúng lại thoát trở ra vĩnh viễn, thật sự, phủ định; chúng hoàn toàn theo hệ thống hình thể, được phác vẽ trên một hậu cảnh của cái không tưởng tượng ra được, với một nét vẽ hoang đường, thuộc vào loại những chòm sao trên trời. Tất cả đều được viết ra quanh đề tài trung tâm sao Bételgeuse hay sao Epsolon Cocher. Adam lạc vào ngay giữa thế giới trừu tượng; hắn sống, không hơn không kém: có lúc hắn còn kêu chí choé lên nữa.

Hắn nắm chặt trong tay những trái bi và ném vào con vật, lần này ném đúng ngay, làm gãy xương, làm những khối thịt kêu đen đét dưới lớp lông; hắn vừa ném vừa la những chữ không thứ tự mạch lạc, như là, “chuột!”, “sát nhân! sát nhân!”, “đồ khốn! đồ chuột bạch!”, “la lên đi, la lên đi, hà hà!”, “đè bẹp!...”, “ta giết”, “đồ chuột! đồ chuột! đồ chuột! đồ chuột!”

Hắn ném con dao, trước hết là cái lưỡi dao, và át tiếng kêu của con chuột bạch bằng một trong những tiếng chửi hèn hạ nhất mà chưa bao giờ người ta dùng cho loài vật này:

“Đồ khốn, đồ chuột khốn nạn!”

Cảnh tượng còn lâu mới chấm dứt; con vật nhỏ thó cận thị, thân thể bị thương gần hết một nửa, nhảy vọt thoát ra khỏi Adam. Con vật đã không còn hiện hữu nữa.

Cuộc đời đầy rẫy những kỷ niệm dày đặc; nó là một hồn ma bạc nhược, với những hình thể huyền ảo mơ hồ, vẩn đục như một ít tuyết; nó chạy trốn trên sàn màu hạt dẻ, mãi mãi không ai bắt được. Nó là một đám mây vần vũ, hay là một nắm bọt mềm nhũn, phân giải từ máu và sự hung bạo, trôi trên mặt những dòng nước bẩn. Nó là những gì còn lại sau một lúc giặt rửa, nó bềnh bồng, nó xanh dần, nó chạy khắp chiều sâu của không khí, và nổ tung lên, mà không bao giờ người ta có thể làm cho ô uế, không bao giờ người ta có thể giết chết được.

Adam thấy nó trườn đi, bên trái, rồi bên phải, trước mặt hắn; một thứ mệt mỏi thêm vào ý chí của hắn, làm hắn trở nên bình dị.

Hắn bèn ngưng nói. Hắn đứng lên trở lại trên hai chân và quyết định chấm dứt trận đấu. Hắn cầm một trái billard trong mỗi bàn tay — bây giờ thì những trái khác hầu hết đều đã vỡ. Rồi hắn bắt đầu bước lại phía con chuột. Khi đi dọc theo đế cột trụ, hắn trông thấy cái chỗ đặc biệt mà sau này hắn sẽ lấy than đánh một dấu chữ thập, chỗ con chuột bạch bắt đầu hết sống. Từ lúc bắt đầu cuộc tàn sát, trên sàn gỗ chỉ còn vài mớ lông màu sáng, những mảnh ngà vỡ giống như những mảnh tháp xương và một vũng chất lỏng. Một vũng máu màu tím, đặc quánh, đã phai màu, mà những kẽ sàn nhà dơ bẩn đang uống từng giọt từng giọt. Trong một hay hai giờ nữa, đủ thời gian để đi vào hết trong lòng vĩnh viễn, tất cả đều sẽ chấm dứt. Máu có thể sẽ giống như bất cứ một vết chất lỏng nào, một vết rượu chát chẳng hạn. Trong khi đông lại, nó sẽ trở nên cứng, hay giống như bụi, và người ta sẽ có thể cạo nó với đầu móng tay, người ta sẽ có thể để vào đó những con ruồi mà chúng không hề bị chìm xuống, chúng cũng không tróc đi được.

Với một màn nước ướt đầm trước mắt, Adam bước đến chỗ con chuột. Hắn trông thấy con vật, cũng như hắn, đang cố nhìn qua một tấm bình phong che vòi nước tắm, qua một tấm nylon chảy đầy những giọt nước li ti, đàng sau có một người đàn bà trần truồng, màu da thịt, giữa những tiếng động của nước phun và mùi bọt xà phòng.

Con chuột bạch nằm sấp, dường như đang ngủ sâu dưới đáy một bể nuôi cá. Mọi việc đã trôi xuôi bên ngoài khu vực trú ngụ của con vật, để lại một vùng trơ vơ và bất động; bây giờ rất gần với sự toàn phúc, con vật đợi chờ giây phút giới hạn, lúc mà một hơi thở hắt sẽ tắt đi trên những sợi râu mép cứng của nó, đẩy nó vĩnh viễn đi vào trong một thứ đời sống song đôi, trong sự chắp nối chính xác của trăm ngàn chỗ xen lẫn bóng tối ánh sáng trong triết lý. Adam lắng tai nghe nó thở một cách yên tĩnh; nỗi sợ hãi đã bỏ rời thân xác con vật. Bây giờ nó đã đi xa lắm rồi, gần như hấp hối; với hai con mắt tái nhạt, nó chờ đợi những trái bi bằng ngà cuối cùng, khi đập mạnh vào bộ xương nó bằng những cú đánh đột ngột, sẽ đưa nó về thiên đàng những con chuột bạch.

Nó sẽ đi về bên kia, bơi dưới nước, đi trên không, tràn ngập một niềm vui huyền bí. Nó sẽ để lại trên mặt đất cát hình hài trần truồng của nó, để nó trút hết máu mình ra, từng giọt từng giọt, và để máu nó đánh dấu thật lâu cái chỗ thiêng liêng trên sàn nhà gỗ nơi đã chèn ép sự hi sinh khổ nhục của nó.

Để cho Adam kiên nhẫn cúi mình xuống đất, và nhặt cái thân xác rã rời của nó.

Để cho hắn lắc lắc nó trong tay một lúc, và để hắn vừa khóc vừa ném nó rơi một vòng từ cửa sổ tầng lầu nhất xuống tận mặt đất ngọn đồi. Một bụi gai sẽ thu nhặt hình hài của nó và sẽ để nó chín muồi ngoài khí trời, giữa nắng.

 

 

--------------------
“Adam Pollo” từng xuất hiện trong Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại của Hoàng Ngọc Biên, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1969 và sau đó có đăng lại trên tạp chí Văn ở California, số 70 & 71, tháng 10 & 11 năm 2002.
 

 

 

Le Clézio trả lời phỏng vấn (2001):

... Nếu người ta cho rằng ông là một nhà văn không thể xếp loại được, thì có lẽ vì nước Pháp chưa bao giờ là nguồn cảm hứng duy nhất của ông. Những cuốn tiểu thuyết của ông là một phần của cái thế giới tưởng tượng mang tính toàn cầu hoá... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

 

Những tác phẩm của Le Clézio đã đăng trên Tiền Vệ :

Người thổi sáo ở Angkor  (truyện / tuỳ bút) 
... Cái nhìn bén nhọn của tiếng sáo đã nhìn thấy tất cả. Nó đã du hành không phải vất vả qua trí tuệ, nhanh hơn hàng triệu hàng triệu chữ, và nó tiếp tục, tiếp tục nữa, tiếp tục mãi, đi xa hơn cả thời gian, xa hơn cả tri thức, xa hơn cả đường xoắn ốc chóng mặt đang tự vặn chặt vào sọ của một kẻ điên... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Gió Nam  (truyện / tuỳ bút) 
... Thời gian trôi qua. Ta nói ra những chuyện này chuyện nọ, ta đau khổ và ta tưởng vì thế ta có thể chết được, thế rồi vài năm sau mọi chuyện đều chỉ còn là kỷ niệm... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Người của trời  (truyện / tuỳ bút) 
... Đó chính là lúc mà cái im lặng lớn đến độ mọi chuyện đều có thể xảy ra. Petite Croix nhớ tới cái câu nó đã hỏi, từ bao nhiêu năm nay, câu hỏi mà nó rất muốn biết, về chuyện bầu trời, về màu sắc của nó. Nhưng con bé không còn cất gịọng lớn nữa: “Xanh là gì vậy?” Bởi vì không ai biết được câu trả lời đúng. Con bé vẫn ngồi bất động, thật thẳng góc, ở cuối vách đá, trước bầu trời... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Ba cô gái phiêu lưu  (truyện / tuỳ bút) 
... Sự cô đơn cùng tận là sức mạnh của cô. Chính cô giữ cho thân hình mình đứng thẳng và mạnh, chống chọi với năm tháng, chính cô lúc nào cũng đem lại cho đôi mắt mình sự rạng rỡ của cuộc sống... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Trái tim cháy  (truyện / tuỳ bút) 
... Khi đêm xuống, có một cơn sốt, một cái gì giục giã. Ta có thể nói là có một lễ vui đang được chuẩn bị. Nhất là vào những ngày đẹp trời, tháng chín, tháng mười, tháng mười một. Không khí dịu và mát, có những dây bìm bìm nở hoa trên các hàng rào, những con đôm đốm đậu trên ngọn cỏ. Những con cóc ca hát dưới mương rãnh... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Khách sạn Cô Đơn  (truyện / tuỳ bút) 
Đối với Eva, đấy là kỷ niệm của một đời sống khác, một thời gian không hạn định. Nàng đã ở khách sạn suốt đời nàng, du lịch trên những con tàu chở khách lao vào cuộc phiêu lưu trên biển, từ bến này đến bến kia, giữa Venise và Alexandrie, hay trên lãnh hải Cortés, từ Topolobampo đến La Paz... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Kalima  (truyện / tuỳ bút) 
Em đã đi khỏi nơi này, và em đã để lại cả thế giới này trong trật tự của nó, trong mưu đồ của nó, cái thế giới mà những quảng trường cứ tiếp tục ồn ào, với những máy nước và những cô gái, và những tiếng gà trống gáy và tiếng chó sủa, và bụi bặm không ngớt tung lên rồi rải xuống, tung lên rồi nằm yên nghỉ. Thế nhưng em, em không còn ở đấy nữa... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Người châu Phi  (truyện / tuỳ bút) 
Chương thứ ba trong tác phẩm L’Africain của Jean-Marie G. Le Clézio — một tên tuổi nổi bật trong văn chương hậu hiện đại Pháp — lần đầu đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch và lời giới thiệu của nhà văn Hoàng Ngọc Biên. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021