thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thập niên ngũ tuần

 

“Em thì làm sao biết trượt băng?”

“Thì tập. Cô có thể lướt phăng trên sông hồ.”

“Cho đến khi băng tan?”

“Không bao giờ tan. Sáu tháng trời, mỗi sáng tôi thức dậy băng đều không tan.”

“Anh làm gì ở tận trên Alaska?”

“Tôi đi làm cua, hồi mới sang đây.”

“Anh nói bây giờ anh cần tiền làm gì?”

“Tôi cần tiền đổ xăng đi tìm nhà bạn.”

 

Sổ tay Tân

24 tháng 5, 00

Xe tôi chạy phăng trên xa lộ đoạn cong đoạn thẳng lơ lửng trên thành phố Los Angeles đang bò tràn ra các vùng phụ cận. Nắng đỏ.

Đêm qua tôi đứng ở cửa căn phòng phủ bụi trắng có chiếc divan bằng kim loại bọc da nằm chênh ở giữa. Tôi hỏi mua. Không phải mọi thứ trên đời à trong phòng đều để bán hay sao? Bà chủ vỗ tay. Hai con tắc kè trên divan nhảy phóc xuống cắn nghiến hai mu bàn chân tôi. Tôi rẩy rẩy và hai con tắc kè quất qua quất lại. Quất qua quất lại.

Bây giờ thì xe tôi đang chạy phăng trên xa lộ. Mặt trời đứng lại ở cuối chân trời một giây. Mưa nắng. Tôi duyệt lại câu văn: tôi đi làm về chiều nay trời mưa máu. Mà hồng thủy trong thánh kinh thì màu gì?

 

“Mà em tên gì?”

“Sâm. Tên Mỹ là Samantha, tắt là Sam.”

“Trầm Sâm Trầm Sâm ơi / Anh ngậm ngải lên non mà hồng thủy bất ngờ.”

“Thôi đi cha nội. Tóc anh bạc lẫn lộn. Bữa nào có tiền lại em nhuộm rẻ cho.”

“Nhưng em làm nail mà. Với anh qua đây có một lần. Em cho anh mượn 5 đô chứ?”

“Nói qua có một lần làm sao trả?”

“Kiếm ra nhà thằng bạn nó trả. Nè em, phấn đổ trên giày anh.”

“Thì như bụi trắng. Giày anh có sạch gì? Khách em vô làm nail kìa. 5 đồng đây cha. Có trở lại thì dạy em trượt băng. Sân băng ở bên kia đường Knott.”

 

Sổ tay Tân

24 tháng 5, 00

Tôi kiểm lại một ngày làm việc ở toà án: Bị can tên Đại, ở Mỹ từ năm 15 tuổi, năm nay 18. Nó đeo dây chuyền mặt Phật, đầu cạo sát quanh chỏm để ngắn một phân. Nó nhìn tôi:

“Nhà em đụ mẹ có nuôi một con chó.”

Tôi dịch lại:

“Sáng nó kêu gấu gấu.”

Quan toà:

“Chiều nó kêu gầu gầu.”

Biện lý:

“Đại, mày đứng ở góc đường Baston và Fifth vào đêm 3 tháng 8, 1999 có phải không?”

Đại:

“Tôi đứng trong đêm.”

Biện lý:

“Để bán bạch phiến.”

Luật sư toà chỉ định:

“Phản đối. Biện lý suy diễn.”

Quan toà:

“Tối nó kêu ...”

Biện lý:

“Tối nó kêu con em chúng ta từ những mái nhà ngoại ô êm ấm bằng sức quyến rũ của bạch phiến như gã thổi sáo thành Hamlin.”

 

24 tháng 5, 00

Đêm qua tôi thấy hắn ngồi giữa căn phòng ngổn ngang bàn ghế cũ. Tôi mang đến cho hắn hai điếu thuốc. Một ngắn, một dài. Tôi chở hắn trên xe môtô dài theo con đường có nhà cửa nghèo nàn và lá điệp rũ ở hai bên. Bên phải là dãy phòng trống không bỏ ngỏ. Mỗi căn phòng chứa một tủ quần áo đàn ông. Mỗi căn phòng phía sau mở ra con lạch nước đục ngầu. Chúng tôi muốn dừng lại một căn phòng nào đó mà cả hai vẫn cứ đi. Qua dãy lều tị nạn ai nói: Dễ phải mười năm. Lều như trại tị nạn đảo Guam. Tôi chở hắn ra bãi sông nước lấp xấp trống trơn trải dài ra mãi.

Hắn ôm lưng tôi. Cả hai chờ nhau mà không ai tới. Cách một căn phòng ngổn ngang bàn ghế cũ. Cách ai nói đó Mười Năm. Hai hàng cây điệp bông chùm vàng lùi lại. Cả hắn và xe môtô của tôi đều biến mất. Chưa bao giờ tôi thấy hắn đi cạnh tôi ra tới mé nước, tới biển, tới nơi. Đường ngắn đường dài hắn đều biến mất ở nửa đường.

Đường ngắn đường dài anh đều biến mất ở nửa đường. Mười năm trước tôi đi làm về trễ như thế này là anh đã nói Tân ơi Tân ơi có cơm anh dọn sẵn.

Tôi hôm nay về trễ vì mưa. Mà trời có mưa không?

 

Sổ tay Tân

24 tháng 5, 00

Tân ơi trời có mưa. Mưa mà nắng. Hồi trước mẹ tôi nói mưa nắng như vầy hanh lắm. Bức rức mà choá hết mắt. Vậy nên tôi không thấy Tân lúc ở tiệm nail ra. Tôi đâm vào Tân mà Tân cứ xin lỗi. Tôi nói tôi tên Cang. Tân nói xin lỗi ông, tôi mãi nhìn ra bãi sông nước lấp xấp.

 

“Xin lỗi ông. Tôi mãi nhìn ra bãi sông nước lấp xấp.”

“Tôi tên Cang.”

“Xin lỗi.”

“Quanh đây đâu là bãi sông?”

“À tại tôi già rồi. Mười năm trước còn bãi sông nước lấp xấp.”

“Vậy sao? Bà tên gì?”

“Tân.”

 

“Trăng năm mươi tuổi trăng già / Tân năm mươi tuổi vẫn là Tân ơi.”

“Mười năm trước chồng em cũng nói những câu tương tự.”

“Mười năm trước thì Tân đâu đã năm mươi.”

“Nhưng chồng em cũng nói bằng tiếng Việt và anh ấy dọn cơm những lúc em đi làm về trễ.”

“Giờ chồng em ở đâu?”

“Chồng em ký giấy ly hôn bằng tiếng Anh. Chồng em không bao giờ đi cạnh em ra tới mé nước tới biển tới nơi. Chồng em luôn biến mất ở nửa đường như . . . Tay anh lạnh lắm nhưng mông anh ấm.”

(Tân ơi mười năm trước anh có thể hoạ chăng đụ em lần nữa. Bây giờ thì sờ mông đủ ấm. Mà tới nơi thì có cái gì ngoài bãi nước lấp xấp trống trơn trải dài ra mãi?)

 

Sổ tay Tân

24 tháng 5, 00

Mười năm lê thê dài Tân ơi. Trong mười năm, anh đi làm cua ở Alaska (À anh chưa kể em nghe về chỗ này, vì là anh lạnh quá, không thấy gì hết, tối ngày trùm chăn thức thức ngủ ngủ tưởng tượng ra băng tuyết và những vũ công Eskimo cho tới khi bọn thầu thợ làm cua phải quẳng anh lên máy bay cho về Cali); anh làm thợ ráp điện tử xong lên chuyên viên điện tử ở Irvine; anh làm thợ đi dây điện cao ốc ở Houston; anh làm gác dan đêm cho hãng viết phần mềm điện toán ở Silicon Valley; và bây giờ thì anh lãnh hết tiền thất nghiệp rồi chưa biết đi đâu đây. Buổi sáng trong tuần anh lang thang ở khu thị chính những thành phố ngoại ô có công viên vườn cỏ mà vắng teo, chỉ thấy những thân hình cong quẹo của người không nhà và người tàn tật. Còn thì người lành lặn có công ăn việc làm chỉ lướt qua trong xe đóng kín.

Tóm lại là khoảng cách thời gian đo vậy không ra gì. Em thấy anh mười năm vẫn loay hoay không từ đâu tới đâu.

Và em thử tưởng ra cảnh tượng sau đây:

Tiếng bíp và chấm sáng trên màn ảnh ra đa. Họ liên lạc nhau qua máy truyền thông rất bình thường. Toạ độ, cao độ gì đó. Những con số thôi. Xong thì không nghe gì hết. Em thử hỏi:

“Bao lâu?”

“Khoảng 10 phút.”

“Rồi sao nữa?”

“Chiếc máy bay không có đó.”

 

Em không biết 10 phút không nghe gì hay 10 phút không có gì lạ. Em nghĩ trong 10 phút tiếng con gái gọi em từ phòng ngủ — à em có con gái không nhỉ, hay lớn cả và đi rồi? 10 phút, tiếng gọi đứa nhỏ đi xuyên qua khoảng không giữa những bức tường, xuyên qua độ đặc của gạch, vôi, hay gỗ và bột giấy.

10 phút đủ khoảng cách thời gian để 217 hành khách đi từ sống tới không có gì, từ độ đặc của thể xác tới không có gì, từ đau sướng tới không có gì, từ thanh âm tới không có gì. Từ có đó tới không có đó.

Em thử nhìn xem hành khách có người đàn bà từ Victorville, Cali. Bà ta vừa nhớ ra nét mặt tươi cười của cặp vợ chồng Ả Rập trong tấm ảnh dán trên vách quán Baghdad Café mà thật ra là Roadside Coffee Shop. Bà ta thấy bụi dậy lên dưới bánh xe Chevy của tên bồ 30 năm trước ngoài cửa quán. Đám bụi dậy lên trong trí nhớ bà ta cùng lúc người đàn ông ngồi cạnh té khỏi ghế ngồi, làm căng ống plastic mặt nạ dưỡng khí treo từ trần máy bay. Một người đàn ông khác ngồi ở dãy nghế sau cùng vừa nếm lại mùi mật xanh lúc ông ta chồm qua mạn thuyền ói thốc xuống biển Nam Hải mà thật ra là Biển Đông. Thân máy bay đang bể. Tiếng động xé tai nhưng ông ta không nghe nữa vì ông đang nhìn thấy phẩm chất màu xanh của Thái Bình Dương.

217 hành khách biến mất trên, dưới Đại Tây Dương. Không ai, có mặt hay không có mặt, nhìn thấy quá trình nát thây hay mất xác.

10 phút từ có đó tới không có đó.

 

Tân ơi, 10 năm của em chỉ là nhăng nhố. Ở cuối đường và cuối 10 năm không tới đâu. Bãi nước lấp xấp hay khu thị chính vắng người trải quá ngũ tuần của anh và của em.

Cám ơn em bao ăn bữa bò lúc lắc ngon và bao ngủ buổi đùi em ấm.

 

Bưu thiếp

Sâm à,

Anh chạy xe kiếm nhà anh Kiệm cả ngày. Những cầu vòng xa lộ chạy ngoằn ngoèo, nhảy múa như những đường kẻ trên bản đồ Los Angeles và vùng phụ cận. Anh cứ nghĩ lơ mơ đến điệu múa Eskimo. Cô vũ công để lại những đường ngoằn ngoèo trên tuyết như cua bò. Anh lại lơ mơ nghĩ tới những con King Crab khổng lồ, mấy con Snow Crab que càng lêu khêu. Cái dạo rỉa thịt cua, tối nằm ngủ anh cứ thấy mình đang vác búa nện xuống mu con King Crab bể nát. Máu cô vũ công tràn xuống, lan trên tuyết. Cô ấy có người em gái cũng đi múa. Anh chắc phải trở lên đó kiếm cổ. Anh nghĩ nên học múa thay cổ để vẽ lên tuyết những đường cua bò cũng hay.

À cuối cùng rồi anh cũng không kiếm ra nhà anh Kiệm. Lên tới Alaska anh sẽ gửi bưu thiếp về cho Sâm.

Cang,

24 tháng 5, 00

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021