thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trái tim cháy
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

J.-M. G. LE CLÉZIO

(1940~)

 

TRÁI TIM CHÁY

 

Ler lamontagn brilé tou dimoun koné
Lerla ker brilé ki koné?[*]

 

1

 

Người mà cô muốn nhìn thấy, ấy chính là Pervenche, chỉ mình Pervenche thôi, đúng như con bé xuất hiện trên tấm ảnh mùa hè năm 82, gần ba tuổi, chút người nữ nhỏ xíu mặc một cái quần xà lỏn trắng và một cái áo thun tay ngắn có in hình một con hoàng yến Tweety màu vàng, đứng trước ngôi nhà ở đường Tulipanes và cái mảnh vườn lan tràn cỏ dại, cùng với nguyên đám những đứa trẻ, Josefina tức Pina, con chị cả, Rosalba la Güera rất xanh xao, dáng bệnh hoạn, Clementina, con bé Maïra, Beto thằng chăn cừu, và Carlos, người ta gọi nó là Carlos Quinto, đứng hơi trước những đứa khác, cái áo sơmi hở bụng, tóc để dài như con gái do trước đó mẹ nó đã khấn cho nó được lành chứng bệnh ban đỏ độc địa. Dĩ nhiên có cả Chavela, con bé mồ côi, nhưng nó không muốn xuất hiện trên tấm ảnh, lúc nào cũng mặc quần áo cũ, mặt mày đen đủi vì khói và tóc thì xoăn tít dựng đứng trên đầu và lẫn những cọng rơm. Và trong căn nhà nhỏ bằng xi măng gần đấy, mẹ con bé Pina, một người đàn bà đẹp dáng hơi uể oải, suốt ngày ngồi sơn móng tay, và bên cạnh bà là ông của nó, một ông già có cái vẻ một trưởng lão chuyên gọi ong đến bằng cách lấy muỗng đánh lên một cái soong cũ.

Clémence muốn thời gian này kéo dài thêm nữa. Trên tấm ảnh, Pervenche đứng sát vào người cô, hai cánh tay nhỏ mũm mĩm đưa cao ra phía sau để tìm bàn tay của chị nó, một nụ cười e thẹn trên khuôn mặt tròn quay của nó, trông gần như một kiểu nhăn mặt trước khi khóc. Nó nói không được rành rẽ, nó kêu “aboua” khi nó khát, “doucé” khi nó xin một cái kẹo. Clémence không khi nào chịu rời tấm ảnh đó, ngay nhiều năm sau này, khi là sinh viên ở Bordeaux cô đã lấy băng keo dán tấm ảnh trên tường phòng cô ở Trường tòa án. Đây là hình ảnh thật của Pervenche, thật hơn cả mọi sự có thật tiếp nối sau đó. Tấm ảnh ngả màu nhạt, khô cứng vì ánh nắng, đi từ cái tủ lạnh bên trên lò sưởi đến tận văn phòng cô ở Tòa án, nơi nó đứng hơi nghiêng tựa vào tủ xếp giấy tờ, chặn bằng một cái túi da đựng bút chì. Nhưng không bao giờ, nhất là không bao giờ, Clémence cho nó vào khung. Trong ảnh, cái áo thun tay ngắn ngả màu cháo lòng, bức tường trắng có vẻ tróc vôi và đám cỏ dại thì khô héo. Nhưng Carlos da vẫn một màu nâu rất đậm, đầu tóc phủ xuống vai như một tên Jivaro[1]. Mỗi lần Clémence nhìn tấm ảnh, cô có thể còn cảm thấy sức nóng ngoài đường, ánh nắng giữa trưa đốt cháy mặt đất đầy bụi. Xa hơn một chút, đi quá căn nhà con chó Scooby-doo, ở góc đường, có một vòi nước uống, và một hàng phụ nữ đang đứng đợi để hứng nước đầy những cái soong hay những cái xô của họ làm bằng những hộp mỡ với một thanh gỗ dùng làm cán. Clémence dẫn Pervenche theo cô đi lấy nước. Pervenche sợ mấy con ong cứ quay cuồng bay quanh cái vòi nước. Đây chính là nơi bọn trẻ gặp nhau mỗi chiều, sau khi tan học, lúc nào cũng cùng giờ ấy. Rosalba và Pina, nhưng còn có cả Beto, và Chavela là con bé không đi học. Nước chảy từng tia nhỏ, nhưng sạch và trong. Hélène thoạt đầu nấu ăn bằng nước giếng, nhưng bọn trẻ đứa nào cũng đau vùng thắt lưng, và Édouard thì bảo chúng nó rằng sở dĩ nước bẩn là do những thứ thuốc trừ sâu mà dân trồng trọt rải tràn ra trên đất đai của họ. Nước máy thì lạnh, và đến từ một dòng suối ở chân núi lửa, phía bên kia làng. Đôi khi nước không chảy nữa. Người ta bảo rằng suối cạn là bởi đám người giàu ở những khu mới, bên kia con kinh, cho xây những bể bơi trong vườn nhà họ. Những khu của họ có tên là Resurrección, Paraíso, Ensueño[2], những cái tên gọi như thế nhưng không giữ đúng hứa hẹn của mình. Nước hơi thiếu khắp vùng trên của ngôi làng, và trong khu San Pablo phụ nữ nối đuôi nhau đứng dài cả một cây số, chờ giờ này qua giờ khác để hứng đầy xô nước của mình.

Đối với trẻ con, đây thật ra không phải là một cực hình. Lúc nào cũng có những trò chơi, những trận cười và những tiếng la ó. Chúng xịt nước lên nhau, những cái xô lật ngửa. Beto đến trên chiếc xe đạp cũ đa dụng có cái yên ngồi lung lay, nó đi trở lại mang theo những thùng nước đầy giữ thăng bằng trên cái ghi đông, trên sườn xe. Trước khi đến máy nước để hứng đầy nồi, Clémence đưa Pervenche đi xem con khỉ nhện[3] người ta xích vào một sợi dây trong vườn một ngôi nhà cũ, ở đầu đường. Trong nhà này không bao giờ có người ở, chỉ có mỗi con khỉ đen to đùng với bộ lông dựng đứng, dữ tợn, thảm thương, cứ mỗi lần làm bộ tấn công, thì những chiếc răng nanh vàng nhe ra trên cái mặt nhăn xấu xí. Pervenche ôm chặt Clémence, nó giấu mặt, rồi đánh bạo liếc một cái, và sau đó cả hai vừa bỏ chạy vừa cười vang. Những kỷ niệm ấy nay đã xa, tuy nhiên vẫn còn rất sống động. Clémence chưa bao giờ quên những ngày tháng ấy, đến nay cô vẫn thường xuyên đắm mình về thời ấy như trong một giấc mơ liên tục.

Giờ đây ban đêm Clémence không sao còn ngủ được. Cô chưa hề có được một đêm yên lành từ khi Pervenche ra đi. Mỗi buổi sáng, khoảng ba, bốn giờ, cô bị đánh thức bởi một tiếng chuông, tiếng ngắn nhưng nhấn mạnh, cô vã mồ hôi ngồi dậy trên giường, tim đập mạnh. Paul ngủ yên trong một góc, hơi ngáy.

Bấy giờ Clémence loại bỏ mọi thứ. Kiên quyết như một người đang theo đuổi một kế hoạch bí mật, cô xua đuổi những chỗ quen biết ở trường, những tối hẹn hò với bạn bè. Paul không hiểu được khi cô quyết định ngủ trong phòng làm việc của cô, trên ghế xô pha. Cô làm như thế không một lời kêu la trách móc, gương mặt bướng bỉnh, vẻ thản nhiên, để không còn phải làm tình, để khước từ những cử chỉ âu yếm có thể giúp quên và làm dịu những vết thương lòng.

Mùa hè khi Pervenche ra đi trời rất nóng. Nhựa đường chảy trên đường phố, cây chết khô trong các chậu. Bầu trời xuống thấp, lẫn vào biển khơi xám xịt, nước biển nặng nề, màu chì, chỉ chuyển động một chút, và về đêm mọi thứ mang một màu hồng ngọc, đẹp tuyệt vời và không lành mạnh. Clémence nhớ lại những ngày ấy, tựa như sức nóng và màu của trời và biển đã đóng một vai trò quyết định trong việc Pervenche bỏ trốn, đã đưa con bé vào thảm họa, hủy diệt. Khí trời và nước khép kín, ngột ngạt kia đã đi vào người Pervenche và đẩy nó xuống vực thẳm.

Mọi việc đã xảy ra trong suốt mùa hè nóng bỏng ấy, khi Hélène dọn nhà về Cannes, trong một căn có sẵn đồ đạc ở đường Antibes với Jean-Luc là người bạn trai mới của bà. Có cả thằng du côn kia, cái tên bệ rạc, người ta gọi là thằng Đỏ do chỗ tóc của hắn, tên thật là Laurent, và người đàn ông nọ, Stern, tự xưng là nhà nhiếp ảnh, thích chạy theo mấy con bé không có đầu óc, mấy con bé đã đưa Pervenche vào bẫy. Đó là điều Clémence muốn tin là thật, nhưng trong thâm tâm, cô biết đích xác là cái xấu rắc rối hơn thế, và nó đến từ xa hơn.

Trước kia, khi đêm xuống. Khi đêm xuống, có một cơn sốt, một cái gì giục giã. Ta có thể nói là có một lễ vui đang được chuẩn bị. Nhất là vào những ngày đẹp trời, tháng chín, tháng mười, tháng mười một. Không khí dịu và mát, có những dây bìm bìm nở hoa trên các hàng rào, những con đôm đốm đậu trên ngọn cỏ. Những con cóc ca hát dưới mương rãnh. Bọn trẻ con đốt lửa trên đường Tulipanes, với những mẩu ván thùng, những cành cây nhỏ. Hộp diêm chuyền từ tay này qua tay nọ. Ngay cả những đứa bé tí teo như Maïra cũng ném vào lửa những nhánh cây mục, cỏ khô, những mẩu giấy. Những tia lửa quay cuồng, bay lên trời. Carlos Quanto la hét, nó chạy dọc theo bức tường bằng gạch, tóc sổ ra, một luồng sáng đỏ trên mặt. Nó trông giống như một đứa bé sống trong hoang sơ.

Sau đó chúng bắt đầu những trò chơi. Clémence chưa quên. Đường phố bấy giờ là của bọn trẻ. Mấy đứa gái cầm tay nhau, chúng đi về phía trước bằng những bước nhịp nhàng, chắn nguyên mặt đường. Chúng nó hát: ¡Amo, ato, matarilerilero!

Ở cuối đường, một nhóm họp lại, những thằng con trai, cùng với chúng có cả vài đứa con gái, Beto, Eriberto, el Gordo, Pastora. Chavela khônmg thích đứng bên cạnh bọn con gái. Con bé đứng lùi lại một tí, bên cạnh bọn trai, người ngả về phía trước, hai cánh tay dang ra, dựng đứng như một con khỉ nhện. Chúng hát đáp lại, tiếng vọng, nghe đinh tai nhức óc: ¡Amo, ato, matarilerirelo! Bọn con gái tiến lên: ¿Que quire Usted? ¡Matarilerirelo! Bọn trai chế nhạo: ¡Queremos dulce, matarilerilero! Bọn gái tiến lên nữa, chúng hét: ¿Y que mas pide? ¡Matarilerilero! Bọn trai: ¡Nos dan un beso! !Matarilerilero! Bọn gái dừng lại: ¡Ni un hueso! ¡Matarilerilero! [4] Rồi chúng quay ngoắt lại, và mỗi nhóm trở về quãng đường của mình, và một nhóm khác họp nhau và bắt đầu lại.

Đám người lớn ngồi trước nhà nhìn, và tiếng la hét lại bật ra lần nữa trên đường phố tối hù, những tiếng rõ ràng cố hết sức cất cao giọng, như một tiếng gọi: ¡Amo, ato, matarilerirelo!

Mỗi buổi tối đều như thế, cho đến mười một giờ, có khi tới nửa khuya. Bọn con gái chỉ nghĩ đến chuyện đó, đến đêm, những trò chơi trên đường phố, những ngọn lửa sắp chiếu sáng, những tiếng la hét, những tiếng cười. Phần còn lại trong ngày, đường phố thuộc về những chiếc xe vận tải đi đi về về đến tận hợp tác xã đóng gói Anáhuac. Buổi chiều, khi mặt trời đốt cháy đất, bọn người say sưa nhậu trước cửa hàng người bán bia, và sau đó ngủ ngay dưới những cây xiêm gai và những cây phượng. Có cả tiếng ồn, những đám bụi mù. Dưới ngọn roi của các Thổ dân ở Capacuaro, những đoàn xe la từ dãy núi kéo xuống, da miệng bị lột vì những sợi dây dắt, chở những cây gỗ về hướng nhà máy cưa. Có những bà già Thổ dân đi theo, trùm kín trong những cái khăn choàng màu xanh, mang những quả bơ, quả xoài, những quả lê nhỏ li ti cứng như gỗ. Trong hơi nóng của buổi chiều, ngay cả những con chó trông cũng khác. Chúng vàng vọt, đói, và nguy hiểm. Chúng đến từ khu phố Parachutistes,[5] dọc theo con kênh. Scooby-doo chạy thoát và rượt theo chúng, nhưng đôi khi chúng liên kết với nhau tấn công nó và làm nó phải bỏ chạy bằng cách nhe ra những cái răng nanh đầy nước dải.

Clémence nghĩ đến con đường Tulipanes, đột nhiên cô lại ở rất xa chỗ văn phòng tòa án của cô, cô ra khỏi thể xác mình và đang ở đấy, trên một hành tinh khác, như trong một khu vườn lớn mà cô cũng như Pervenche lẽ ra không ai nên bỏ đi.

Khi đêm xuống, con đường Tulipanes thuộc về đám trẻ. Các xe hơi, xe vận tải không còn đi qua đây nữa. Người lớn rút lui, ai nấy đứng trên ngưỡng cửa, hầu như không nói chuyện, để nhớ lại có lẽ. Bọn trẻ thì ăn rất nhanh miếng bánh mì mềm, và uống cốc sữa, để còn ra đường sớm chừng nào hay chừng ấy.

Clémence học theo rất nhanh. Lúc đầu, cô để Pervenche ở nhà với Hélène, và Édouard Perrine thì hút xì gà. Pervenche sợ lửa, những tiếng la hét của bọn trẻ làm nó phải thu mình dưới chân mẹ nó.

Thế rồi một buổi tối, Clémence không nhớ như thế nào, Pervenche đã đặt bàn tay nhỏ nhắn của nó trong tay cô và cả hai cùng bước đi trên đường phố, cùng với những đứa con gái hát om sòm. Tên chăn cừu Beto bấy giờ mê Clémence, hắn theo cô ấy đến chỗ lửa. Beto là kẻ có khiếu làm những quả cầu. Hắn đem phơi khô giấy nghiền nát dưới đáy nồi, và hắn buộc vào quả cầu một cái giỏ nôi bằng hộp đồ hộp chứa đầy dâm bào hoặc gai xơ tẩm dầu đốt. Hắn châm lửa và quả cầu bay lên trời tối đen được chiếu sáng bởi ngọn lửa trong giỏ nôi, trông giống như một cái đầu bị chặt đứt. Nhưng hắn chỉ ném những quả cầu như thế vào những đêm nào đó thôi, chẳng hạn như trong ngày lễ hội. Khâu chuẩn bị lâu lắm, và không phải quả cầu nào cũng bay lên. Vả chăng đây cũng là chuyện người ta cấm. Có một đêm, một quả cầu rơi trên một ngôi nhà trong khu San Pablo, và mái nhà suýt cháy. Nhưng cảnh tượng một ngôi sao nhợt nhạt bay lên trong đêm thì thật là đẹp. Clémence vẫn còn có cảm giác tim cô đập mạnh hơn, cô cảm nhận bàn tay của cô em gái siết chặt bàn tay mình, trong khi cô nhìn quả cầu chiếu sáng bên trên con đường Tulipanes.

 

2

 

Mùa hè năm ấy ở Provence trời nóng, một sức nóng áp chế, đe dọa. Khoảng tháng Bảy, Pervenche ra đi. Ngay tú tài nó cũng chẳng đi thi, để làm gì chứ? Nó chẳng làm gì cả, nó biết chắc là nó sẽ không thể thi đậu. Suốt năm, nó đi lang thang, nhất là với thằng Laurent “Đỏ”, trong các tiệm rượu, các hộp đêm, các lễ hội, hay đơn giản là chỉ ra đường. Nó uống bia, nó hút thuốc lá. Buổi chiều, nó lại đến gặp Laurent trước một nhà xe bỏ hoang, dưới chân đồi. Laurent kéo tấm bạt bằng tôle lên, và hai đứa chui vào bên trong. Nơi đây bốc mùi dầu bẩn, và còn có một mùi khác buốt hơn, như là mùi rơm rạ, hay mùi cỏ lên men. Chúng làm tình dưới đất, trên một tấm chăn.

Trong đường hẻm, có một nhóm chơi ném hòn tụ tập. Khi Pervenche đi ngang qua, chúng nhìn nó với vẻ ranh mãnh, chúng hẳn là có dùng lời diễu cợt, nhưng nó phớt tỉnh. Laurent muốn đánh nhau với chúng, hắn siết chặt những nắm đấm, hắn gầm lên: “Anh sẽ lấy mấy quả cầu đập vỡ mồm chúng ra!” Bọn này hẳn còn vui hơn vì được nhìn thấy con gà trống non kia nổi giận.

Pervenche làm tình không cởi quần áo, lưng bầm tím vì vôi gạch vụn mặc dù đã có tấm chăn. Nó rất thích nghe tiếng tim Laurent phập phồng trong ngực nó, mồ hôi hắn rỉ rả chảy xuống vai, nó uống hết mồ hôi trong miệng với cả nước bọt của mình. Nó để yên cho cái giống cháy bỏng kia lớn lên trong người nó. Đây là những khoảnh khắc huy hoàng. Nó có thể quên đi những giờ khắc buồn nản ở trường, những trận cãi nhau triền miên với mẹ nó, cái nhìn thù nghịch của Jean-Luc, sự khinh bỉ thầm lặng của Clémence. Một ngày nọ chị nó bảo nó: “Mày thì trong đời mày sẽ chẳng bao giờ làm được gì, cái mày có thể làm, ấy là thay đổi tình nhân như thay áo.” Pervenche đã nghĩ: thật ra con người có thể làm được cái gì đó trong cuộc đời mình?

Tháng Bảy là tháng nó quen với Stern. Laurent không dính dáng gì đến chuyện này. Chính Pervenche đã trả lời một tin rao vặt trong báo, hoặc có thể nó biết qua một con bạn gái nào đó. Stern hồi ấy ít nhiều lúc nào cũng đang tìm một cô gái mới để chụp ảnh, làm mẫu thời trang hay làm quảng cáo. Công việc ông này làm không rõ ràng. Ông thuê một văn phòng khá rộng ở trung tâm thành phố, tầng trên một tiệm cà phê. Đây là nơi trước khi ông đến đã được các nghệ sĩ sử dụng, theo như người ta đồn thì ngay cả Nicolas de Staël cũng từng vẽ ở đây. Nơi này là một phòng hoàn toàn quét loại sơn dẻo màu trắng, chiếu sáng nhờ những hốc cửa lớn có kính mà người ta dùng trục lăn để làm cho mờ đục, và tỏa một thứ ánh sáng lạ kỳ, lạnh và buồn ngay cả giữa mùa hè.

Lần hẹn đầu tiên, Pervenche đã nhờ Laurent đi cùng với nó. Nó vừa mới đúng mười sáu tuổi, nó nghĩ là đến đấy với một người bạn trai sẽ làm cho mình có vẻ lớn tuổi hơn. Laurent ngồi yên trên một chiếc ghế dựa, trong khi Stern nói chuyện với nó, ghi ghi chép chép trong một cuốn sổ. Stern là một tên to cao hơi ẻo lả, khoảng ba mươi tuổi, tóc vàng hoe và mắt xanh hơi lồi sau cặp kính cận. Đối với Pervenche, ông ta là người lớn tuổi, khác hẳn nó, thuộc loại người nó thường hay tránh né, bởi vì nó nhận ra loại người này có cái vẻ sa đọa xấu xa khi họ nhìn nó ngoài đường phố. Stern anh anh em em với nó, nhưng nó không thể làm gì khác hơn là trả lời “thưa ông”, và gọi ông ta bằng “ông”. Phía đầu kia xưởng chụp ảnh, Laurent chán nản lật những tờ tạp chí thời trang. Hắn hút thuốc và chẳng thèm đưa mắt về phía Pervenche.

Sau đó Stern dẫn Pervenche vào phòng tắm, thực tế đây đúng là một góc xưởng chụp hình ngăn bằng một bức vách, trong đó có một tấm gương soi và một phòng vệ sinh. Ông ta đưa cho nó mấy cái áo tắm dùng để chụp ảnh. Pervenche người cao và khỏe, nó đã có đôi vú to và háng rộng, về chỗ này thì nó có vẻ hơn tuổi mình và Stern đã không nhăn mặt khó chịu khi nó khẳng định với ông nó mười tám tuổi. Mấy cái áo tắm quá nhỏ và siết chặt nó, nhưng dù sao nó cũng giữ được một bộ áo tắm một mảnh in hình con báo, và khi nó bước ra khỏi phòng tắm thì gương mặt Stern có hơi sáng lên. Ông ta nói: “Tốt, tốt lắm, cô hãy xoay người một chút.” Ông ta bước lùi lại và nó xoay người một vòng. Nó mang đôi dép vào lại, nó rất sợ phải đi chân không ở một nơi nó không quen. Nó cảm thấy mình lố bịch trong cái áo tắm quá nhỏ bó chặt hai đùi và làm nhô lên đôi vú, và cả cái bụng đã sẵn hơi tròn của nó, ít ra là cảm tưởng của nó, rằng khi nhìn thấy cái bụng Stern sẽ đoán là nó đang có bầu. Cái áo tắm để lộ hai vai nó ở chỗ những dải dây nịt vú để lại các dấu lằn đỏ. Pervenche xưa nay vẫn có một làn da hay để lại dấu. Khi nó còn nhỏ, Clémence thường nghịch dùng bàn tay ấn mạnh lên đùi nó, và nhìn dấu mấy ngón tay vẽ một đóa hoa màu hồng trên da. Trong khi chờ đợi, Stern rất phấn khích, ông ta vừa quay quanh Pervenche vừa bấm máy ảnh, người hơi chúi về phía trước, một mớ tóc nhầy dầu của ông chắn ngang mặt và ông bực mình hất ra phía sau, và tiếng máy bấm tạo ra một âm thanh khiêu khích hai nhịp kỳ lạ, trước tiên là một tiếng rung âm ỉ rồi đến một tiếng cách khô khan như tiếng dao máy chém, ketcha! ketcha![6] Laurent ngẩng đầu lên khi nghe tiếng động, nhưng hắn lại vùi đầu đọc mấy tờ tạp chí, vùi mình trên ghế xô pha. Pervenche chỉ nhìn thấy hai chân dài tận cùng là đôi giày, và làn khói thuốc mịt mùng của hắn. Nó nghĩ việc chụp ảnh sắp xong ngay đây, nhưng Stern bảo nó: “ Không ổn rồi, không ổn chút nào rồi.” Ông dùng bàn tay trái kéo thấp cái áo tắm xuống, trong khi vẫn cầm máy ảnh, ông lùi lại một tí, rồi ông liếm vào ngón tay trỏ của mình và dùng đầu ngón tay tẩm ướt hai đầu vú của nó để hai núm vú dựng đứng lên. Ông còn chụp thêm vài tấm nữa, và ông nói: “Với em, đúng ra là anh muốn chụp khỏa thân, với hình thể của em em không thể làm thời trang được.” Ông chụp ảnh xong và ông chậm rãi cuộn cuốn phim, và Pervenche đi vào phòng tắm mặc áo quần vào lại. Nó lau hai đầu vú bằng giấy vệ sinh. Khi nó trở ra, Stern đã lấy lại vẻ nghiêm trang của mình. Ông không còn nhìn Pervenche nữa, chỉ một chút cười mỉm khi bắt tay nó. “Anh sẽ rửa ảnh, xem nó ra làm sao. Anh sẽ gọi điện lại cho em.” Pervenche bảo là nó không có điện thoại, và Stern đưa cho nó tấm danh thiếp của mình: “Vậy thì em sẽ gọi lại cho anh tuần tới.” Laurent bấy giờ đã ra ngoài, hắn vừa vươn vai vừa ngáp chán nản. Cả Stern hắn cũng không buồn nhìn. “Thế nào rồi? Trôi chảy chứ?” Pervenche nhún vai. “Hắn là một thằng già đểu cáng, hắn chụp ảnh vú của em.” Laurent có vẻ dửng dưng. “Và trong khi chờ đợi, hắn chẳng trả tí tiền nào cho em.” Và mặc dù hoàn toàn nhận ra cái lố bịch của hoàn cảnh này, Pervenche đột nhiên cảm thấy tràn ngክp một nỗi cô đơn.

 

Thật là một sự uể oải kỳ lạ, một nỗi chán chường đến hơi chậm rãi, nhưng không cưỡng lại được. Laurent vẫn ngủ nướng rất trễ, nằm sấp ngang tấm chăn. Trời nóng và xám xịt. Bên ngoài, Pervenche nhận ra tiếng xe cộ lướt qua trên đại lộ, không ngớt, lúc nào cũng vẫn cùng một tiếng động ấy tựa như chỉ có một cái xe chạy quanh.

Những con người ấy đi đâu vậy? Qua một khe cửa nhỏ, Pervenche trông thấy bóng phản chiếu của những thùng xe lên trần nhà, là cái rạp hát bóng nhỏ của nó. Những vệt đỏ, xanh, xám chạy ngược. Nó thử tưởng tượng những người ngồi trong mấy cái xe ấy, rất nhỏ và hơi trong suốt, với những bàn tay và chân mảnh mai và những gương mặt mũm mĩm, giống như những bào thai.

Nó không nói gì với Laurent mà cũng chẳng nói với ai, bởi vì chuyện chỉ liên quan tới nó. Tuy thế nó đã đi đến tiệm thuốc tây để mua đồ thử. Nó không hiểu rõ chuyện đã xảy ra như thế nào. Nó mơ hồ nhớ một đêm tháng Sáu, vào mùa thi. Hồi ấy nó còn ở với Hélène và Jean-Luc. Nó nhậu say với Laurent, nó đã hút vài điếu thuốc có cần sa trong xe hơi hắn và hai đứa đã vào đến tận nhà xe. Tất cả chỉ có thế. Nó không còn nhớ rõ lắm khi nào nó đã nhận ra là nó không có kinh. Nó quên tất mọi thứ một cách rất dễ dàng. Tất cả là những chuyện vặt trong cuộc đời. Có khi nó quên ăn, hay quên đi vệ sinh. Và những chuyện vặt như thế lại trở về trong trí nhớ nó vào cái lúc nó ít chờ đợi nhất, một cách tàn nhẫn, với một nỗi đau. Một buổi sáng nó thức dậy, tim đập, buồn nôn tới tận miệng, với cái điều đã chắc kia, ở đó, giữa bụng nó, phía trên rốn một chút.

Tuy nhiên nó vẫn quyết định đi khám bác sĩ. Nó đã chọn một bà khám phụ khoa ở xa nhất, cách bốn mươi lăm phút đường xe buýt, ở ngoại ô. Một người đàn bà to lớn tóc nâu trông giống Clémence nhưng già hơn, có vẻ dữ, như một ông quan tòa. Bà phụ khoa khám cho nó, rồi bà bỏ bao tay ra và bà trở lại ngồi sau bàn viết. “Cô là vị thành niên?” Bà nói điều này như một câu khẳng định hơn là một câu hỏi. Pervenche lắc đầu. “Cô đã quyết định gì chưa?” Bà phụ khoa viết nguệch ngoạc địa chỉ một phòng khám bệnh, với một số điện thoại. Trên một tờ giấy khác bà ghi tên các thứ thuốc. “ Cái này là để dùng cho chuyện khác của cô. Khi thấy Pervenche nhìn mình không hiểu, bà ta nói cộc lốc: “Candida albicans.[7] Tốt hơn cô nên tức khắc tống nó đi.”

 

Mùa hè đã đi qua thành phố. Có một hơi nóng ập vào, làm chảy cả nhựa đường, đốt cháy những bụi cây trong chậu. Đây chính là thời kỳ Pervenche bỏ nhà mẹ nó ra đi hẳn. Không hề có cãi lẫy, không xảy ra gì hết. Chỉ là một sự mệt mỏi quá độ. Lúc bấy giờ Clémence ở Bordeaux, cô vừa học xong Trường đào tạo quan tòa, cô đang chờ được bổ nhiệm. Hélène làm việc ở nhà, bà vẽ những cái chụp đèn cho một tiệm buôn ở thành phố cũ. Bà phục chế những bức tranh. Jean-Luc Salvatore muốn dựng một xưởng làm đồ gốm, quanh quẩn đâu đó trong khu này. Họ đã quyết định dù sao cũng dọn ra, đến sống trong căn nhà của người bà Lauro, ở Ganagobie. Đối với Pervenche, không có chuyện đi theo họ. Nơi họ đến ở, là nơi nặc cả mùi hôi nhựa thông, mùi của dân sửa xe đúng hơn là của nghệ sĩ. Khi Pervenche về nhà muộn, đôi mắt đỏ ngầu vì những điếu cần sa, Hélène không nói gì nữa. Chính cái im lặng ấy đã làm cho không khí trở nên khó chịu.

Pervenche đến sống với Laurent trong một căn hộ ở trung tâm thành phố. Căn hộ lớn, cổ lỗ, xô bồ vô trật tự. Đám bạn bè của Laurent cho hắn mượn một phòng. Toàn dân trộm cắp, du côn. Có một tên lớn con cạo trọc đầu, có một cái họ Nga, tên là Sacha. Cái kỳ quặc, hắn mặc đồ đen ngay cả giữa mùa hè, rất xanh xao. Hắn nhìn Pervenche hơi nghiêng, hơi nhìn trộm, theo kiểu nhìn của một tay quyền Anh. Hắn có vẻ nguy hiểm, nhưng có thể đấy chỉ là cái vẻ ngoài mà hắn muốn tạo cho mình thôi. Hắn nghe những bài ca quốc xã ghi băng cassette trong máy nghe nhạc của hắn. Hắn sống với Willie, một thằng người Antilles rất đen, mà lại kỳ thị chủng tộc. Tất cả những gì Hélène xưa nay vẫn ghét.

Lúc nào trong căn hộ cũng đầy người. Cái hành lang dài chật ních những thứ vật dụng, chủ yếu là những máy móc điện, TV, máy ghi hình từ, dàn âm thanh nổi, máy quay video xách tay trong những thùng cac tông mới toanh, ngay cả những cái lò sóng cực ngắn và những tủ lạnh trên tàu. Pervenche không hề hỏi gì về những thứ này. Nó di chuyển qua những chướng ngại kia, với nó là một trò chơi.

Cuộc sống đầy những chuyện bất ngờ trong căn hộ. Thỉnh thoảng, những cô gái ghé qua, các cô ở lại một đêm, rồi các cô ra đi. Có một số không ai nhìn thấy lại nữa. Các cô ngồi trong phòng khách trước máy truyền hình mở sáng, các cô hút thuốc và uống rượu trong ly với đám du côn, vừa uống vừa cười. Chỉ cần nhìn các cô thôi người ta cũng không buồn tự hỏi họ sinh sống bằng cách nào. Nhưng họ đúng ra là dễ thương, họ không để ý đến Pervenche. Có một cô đến từ một nước ở phía Đông, Serbie, Croatie, đại để như thế. Một cô khác, người Tunisie, có tên là Zoubida, người ta gọi là Zoubi.

Chung cư ở trong tình trạng bết bát. Ở tầng trệt có một cửa hàng thực phẩm, quản lý là một bà người xứ Đông dương bán những thức ăn nấu sẵn. Phần nhiều những căn hộ vả lại được người châu Á thuê, và ở tầng cuối, chiếm những căn phòng dành cho người làm là dân lao động người Maghreb và đám đồng bóng.

Trong vòng vài tuần lễ, Pervenche đã quen số lớn những người ở đây. Nó cũng hơi coi họ như gia đình mới của mình. Laurent làm việc trong một tiệm cà phê, nhưng Pervenche rất nghi là hắn hẳn là có tham gia những vố nào đó cùng với đám du côn, có thể là trong việc chuyển hàng, để giúp đưa những thùng cac tông lên xe tải của bọn chúng và chuyển lên đến tầng lầu. Nếu không, buổi chiều hắn đến nhà một người buôn đồ cổ dân miền trung Arménie, hắn ngồi vào một chiếc ghế bành và đọc những tạp chí âm nhạc của ông, những cuốn truyện trinh thám của ông. Hắn thường trả lời điện thoại khi ông chủ đi vắng. Hẳn là hắn không được trả lương bao nhiêu.

Vào cuối tháng Tám, Laurent bảo Pervenche: “ Này, anh đã hẹn giùm em với cái ông chụp ảnh đó.” Hắn nợ rất nhiều tiền với đám buôn ma túy, đặc biệt là với một tên bạn của Sacha mà người ta gọi là Dax. Pervenche lại trở lại con đường đi đến xưởng chụp ảnh và biết rất rõ Stern chờ đợi gì ở nó.

 

3

 

Bà Chánh án đang ngồi trong phòng làm việc của bà. Không khí nóng bức và nặng nề, cho dù đã có cái máy giảm độ ẩm kêu vù vù gần cửa sổ. Bên ngoài mọi vật đều một màu xám, bầu trời, các đường phố, biển khơi. Cả những bức tường trong văn phòng cũng màu xám, những bức tường chưa hề được quét lại từ nhiều năm nay, từ nhiều thế kỷ có lẽ. Văn phòng là một căn phòng cao với trần nhà chạy đường chỉ sơn màu xanh lá cây nhạt, có một chỗ lớp sơn ngoài tróc ra và Clémence nhìn ra những dấu vết của một tranh trang trí xưa theo lối vẽ thẳng lên tường[8] một bó hoa hồng buộc bằng một dải dây. Khi cô chọn lấy nơi này, văn phòng quan tòa đầu tiên của cô, cô thích ngay căn phòng xưa với những cửa cao có vòm và hàng cột quanh phòng, những gỗ lát có sơn màu, hai cánh cửa sổ kính xưa qua đó ánh sáng chiếu như qua một tấm màn bằng giấy thô.

Hồ sơ làm thành một bức tường thành trên bàn, Bà Chánh án bận công việc cho đến tận cuối ngày. Bà không có thì giờ cảm nhận hơi nóng của mặt trời lướt lên tường Tòa án.

Cánh cửa lớn mở ra, một cậu bé bước vào có hai viên cảnh sát mặc đồng phục kèm hai bên, tay bị còng.

Chuỗi dài những câu hỏi, mà phần lớn đã có câu trả lời trong những trang hồ sơ: Tên, họ, ngày sinh, quốc tịch, nơi ở sau cùng. Học vấn? Nghề nghiệp của cha, của mẹ. Hành hung, dùng dao hăm dọa để ăn cướp xe gắn máy. Tường trình, người chị của nạn nhân làm chứng: một thanh niên mười sáu tuổi, týp người Địa trung hải. “Týp người Địa trung hải” là người ra sao? Người Ý, Hi lạp, Ai cập, Do thái? Salvador Dalí có một týp Địa trung hải không? Không, nghĩa là, cô hiểu tôi muốn nói gì rồi. Không, không hiểu rõ lắm. Cô muốn nói người Ả rập? Người Algérie, Maroc, cũng thế cả, thưa Chánh án. Clémence dò xét gương mặt thằng bé. Một gương mặt đẹp, với những nét còn mềm mại của tuổi thơ. Đôi mắt đen đẹp sáng như hai viên mã não. Vết thẹo nhỏ ở mép môi dưới, bên phải. Tấm thân hình to lớn của nó lúng túng trong cái áo bluzông hơi xộc xệch, thằng bé đã bị mấy người cảnh sát túm mạnh ở cổ tay khi ra khỏi toa hành lý, có thể nó đã chống cự.

Đọc tường trình của cảnh sát: “... tôi đã nhiều lần đòi tiền và chiếc xe gắn máy của ông ta, và khi ông ta từ chối, tôi nổi giận, bởi vì đêm ấy tôi uống nhiều rượu và tôi không tự kiểm soát được, tôi đã rút con dao có khấc chặn ra và tôi đã đâm ông ta một nhát thật mạnh vào bụng từ dưới lên trên.” Thằng bé có một cái nhìn chân thật, không ẩn ý. Những sợi lông mi dài viền theo mi mắt nó cho nó một vẻ hiền lành, hơi dịu dàng, một sự quyến rũ tự nhiên làm cho hành động tàn ác còn trở thành hiển nhiên hơn, không sao chịu nổi. “Thế rồi, khi nạn nhân gục xuống trên lề đường và bắt đầu kêu cứu, tôi đã ấn con dao vào ngực ngang chỗ tim, hai lần, và sau khi lau con dao trên cái áo thun của ông ta tôi lấy xe gắn máy và phóng về nhà cha tôi. Trên đường đi, tôi đã ném con dao vào một thùng rác. Tôi ở lại đêm tại nhà cha tôi, nơi tôi ngủ cho đến khi cảnh sát đến bắt tôi. Tôi không tìm cách bỏ trốn. Tôi không có kháng cự và tôi đã nhìn nhận không khó khăn những sự kiện xảy ra, trừ mỗi một chuyện, là hành động do say rượu, tôi không còn nhớ rõ lắm các chi tiết.” Tiếp theo là chữ ký của can phạm và của cảnh sát trưởng.

Bà Chánh án không thể dửng dưng trước những gì bà nhìn thấy, trước những gì bà nghe thấy. Mọi thứ vẫn còn đậm dấu ấn nơi bà, ngày cũng như đêm, mọi thứ có thể trở lại từng lúc, như một giấc mơ hồi qui, như một kỷ niệm. Paul, Jacques, Marwan, Aguirré, mỗi tên có gánh nặng của mình, sức nặng của mình, mỗi tên dùng thứ chữ của mình, nhìn cái nhìn của mình. Thoát ra từ đêm tối, từ hư vô, nhỏ từng giọt, vấy đầy máu, đầy tinh dịch, đầy cái chết, mang vận mệnh như một thứ mồ hôi xấu trên da mình, bị lóa mắt trước thứ ánh sáng trần trụi của công lý, không lên tiếng được, mà chỉ lặp lại những gì người khác rỉ tai cho mình, khựng lại khi nhìn thấy bất cứ ai, một tên cốm, một nhân viên chấp pháp, một luật sư, kiếm một cọng rơm để bám víu, để khỏi phải chìm, để tự cứu mình khỏi bị chết đuối. Ù tai trước thứ ngôn ngữ của những người lão luyện, những bà nhân viên trợ cấp xã hội, những bác sĩ tâm thần, những trạng sư văn phòng. Tách ra khỏi bóng tối một lúc, dẫn đến trước mặt bà, Bà Chánh án xét xử trẻ con, rồi trở về phòng giam của mình, xích chân, còng tay, đầu gục xuống, hỗ thẹn, trả về với im lặng.

Bà không quên lần đầu tiên, khi còn là sinh viên. Ouarda, gái điếm từ khi tuổi mới mười lăm, nghiện ngập, bị bạn trai đánh đập, da mặt thẫm đi sau những đêm trải qua trong tù, mặc một bộ đồ chạy thể thao màu hạt dẻ, chân mang giày tennis trắng mới toanh, tóc uốn quăn cắt ngắn, hai tai xuyên lỗ nhưng người ta đã lấy đi các khuyên vàng để được an toàn, người ta còn tịch thu dây đồng hồ mang tên cô và tên người yêu của cô, người ta lấy cả cái vòng đeo cổ với miếng ngọc hình mặt trăng, cô không còn gì ngoài thân xác của mình, ốm o và èo uột, ngồi lọt thỏm trên cái ghế để trước mặt bàn làm việc bằng gỗ sồi, và bà cảnh sát thì vẫn đứng thẳng với chiếc còng tay mở sẵn, hơi lùi gần cánh cửa lớn, sẵn sàng can thiệp trong trường hợp cần.

“... người có tên là Éric có hẹn với tôi, và cùng với cả nhóm chúng tôi lên xe hơi đi đến tận đỉnh đồi, ở khu nhà máy hỏa táng, ở một nơi xa đường cái. Khi xe đến nơi, anh ta không để ý những người khác vì những ngọn đèn pha mấy người này đã tắt, và tôi tôi đã đi bộ đến chỗ xe hơi của anh làm như tôi chỉ đi có một mình. Anh ta hỏi có phải tôi đến một mình không và tôi bảo là người đưa tôi đến đây đã bỏ đi vì hắn không muốn là nhân chứng. Thế là anh ta túm lấy tóc tôi và dang tay đánh tôi và chiếc nhẫn của anh ta đã đập gãy một cái răng cửa của tôi. Sau đó anh ta kéo tôi về phía bụi rậm và anh bảo là anh sẽ giết tôi. Khi bọn họ nhìn thấy thế, đám người đi với bạn tôi là Gérard đã bật đèn pha lên và bọn họ bước ra khỏi xe hơi và đã chạy đến, và liền lúc ấy họ bắt đầu nổ súng, và người có tên Éric muốn lấy cây súng mình ra, nhưng một viên đạn trúng vào bụng anh ta và anh ta la lên và đã ngã quị trên đầu gối. Tiếp theo những người kia bắn nhiều phát nữa vào đầu và khi anh ta ngã bật ra sau tôi thấy mặt anh ta nát bét. Anh ta chết ngay lúc ấy, nhưng anh bạn Gérard của tôi và một số khác tiếp tục bắn vào anh ta cho đến khi họ không còn viên đạn nào nữa. Tiếp đó họ rưới xăng lên người anh ta và tìm cách đốt anh ta nhưng lửa không bắt, và tôi đã trở lên xe hơi đi với anh bạn Gérard của tôi. Và tôi không còn biết gì khác nữa về chuyện này.”

Clémence có đến dự vụ án, không phải để xét xử, mà là bởi vì cô cần biết những gì sắp xảy ra. Ouarda ngồi trong ngăn dành cho bị cáo. Gương mặt nhỏ xíu, rất xanh xao trông như mặt một đứa bé gái đau ốm. Mười chín tuổi mà cô ta có vẻ như mới mười lăm, mặc một chiếc áo dài màu xám mà mẹ cô may cho cô đặc biệt để ra hầu tòa. Bên cạnh cô, một lũ thảm hại, những tên ma cô hạng bét, tuổi giữa hai mươi và ba mươi, đầu cúi xuống, chúng tránh nhìn về phía bồi thẩm đoàn. Và trạng sư của bên dân sự làm ầm lên, hăm dọa, sủa, diễn vở hài kịch của mình, vở bi kịch của mình. Trạng sư của Ouarda, giờ không còn là trạng sư làm việc văn phòng tòa, mà là một người khác, do gia đình trả tiền, giọng nói ông êm dịu, một tiếng nhạc vĩ cầm, những chữ êm tai, để làm giảm, để quyến rũ. Ông nói về thời thơ ấu của cô bé, những khu phố nóng bức ở Marseille, bố mẹ đã phải bó tay, không còn có gì làm điểm mốc, không còn gì làm giá trị, ngay cả tôn giáo cũng bất lực. Ông nói về sự chi phối của người đàn ông, sự độc đoán của họ, tài thuyết phục người khác làm điều bậy, và con bé chưa bao giờ thực sự được chọn lựa, chưa bao giờ dám, chưa bao giờ nghĩ tới chuyện cưỡng lại, cô ta chỉ là một con búp bê bằng thịt trong bàn tay đàn ông. Và, sau tất cả những thứ đó, bản án đổ xuống, nặng nề, bi thảm, tàn nhẫn, mười lăm năm tù cho Ouarda, hai mươi năm cho đám giết người, mười năm cho những đứa khác. Trước tiên là sự im lặng trong phòng xử, rồi tiếng thét của Ouarda khi người ta lôi cô đi, cô quay đầu lại, ngay lúc ấy cô đã không hiểu, bây giờ cô mới nhận ra là mọi chuyện đã chấm dứt, cô không nói một lời, cô đã làm mọi chuyện người ta bảo cô làm, cô còn khóc khi Ông trạng sư nói về cô thời còn bé, và đột nhiên cô quay đầu lại và chỉ thét lên một tiếng dữ dội, tiếng thét vang dội trong phòng xử án mênh mông và xuyên qua mỗi con người như một sự rùng mình.

 

Đó là cảnh tượng mà Clémence vẫn còn nghĩ đến, khi cô ngồi một mình trong văn phòng rộng của mình sau hàng đống những hồ sơ có dây buộc, như khi nghĩ đến một chuỗi dài những việc không ngừng trở lại, với cùng những gương mặt ấy, cùng những hình ảnh ấy, cùng những chữ ấy, cùng những cực hình ấy.

Stéphane, năm năm tù, Christophe, năm năm, tội bẻ khóa ăn trộm đêm, chứa chấp, mang vũ khí bất hợp pháp, hành hung nhân viên công lực, tội đào tẩu. Syvie, Rita, Yasmine, Barbara, Mélodie, đánh lộn và gây thương tích, xoáy hàng trên xe, tàng trữ ma túy, dọa giết người, tống tiền, hành vi cưỡng đoạt, bạo lực cướp của. Khi Pervenche bỏ đi, Clémence vừa tốt nghiệt Trường Tòa án. Bấy giờ cô không biết một ngày kia cô sẽ làm công việc này, cô chưa bao giờ tưởng tượng làm quan tòa xử trẻ em nó có thể ra sao. Ngồi phía bên kia vành móng ngựa, phía những kẻ bỏ tù người khác, những kẻ đưa người khác vào những trung tâm cải huấn. Phía những kẻ nhìn, quyết định và xử phạt. Nó giống như một ngày nọ có người bảo cô, cô sẽ là cảnh sát trưởng. Và rồi thế là chuyện thành sự thật, gần như ngược lại ý muốn của cô. Bởi vì cô có khiếu trong những cuộc thi tuyển, bởi vì sẵn có những chức vụ còn trống.

Cô nhận được nhiều tin tức về Pervenche qua mẹ cô. Hélène hoàn toàn hạnh phúc trong ngôi nhà ở Ganagobie, với Jean-Luc Salvatore. Bà tiếp tục chuyện vẽ, còn ông ta thì sống được nhờ chuyện làm gốm của mình. Họ sống xa mọi thứ, ngay giữa đồng. Họ còn có một con ngựa cái mà mùa hè họ đem cho dân dạo chơi thuê trong một nhà luyện ngựa ở cái xó này. Hai người không có gì phải lo nhiều. Hélène là loại người vô trách nhiệm, như xưa nay bà vẫn thế, bà chính là con bé, còn Clémence là người lớn. Về chuyện Pervenche, bà phát biểu với một thứ vui vẻ vô tư: “Ồ, con biết đấy, con ấy sống theo cách của nó. Nó muốn thế. Mẹ đòi đi thăm nó, nơi nó đang sống với người bạn trai, mẹ có bảo là nó vẫn có thể sống ở Ganagobie với bố mẹ, nó có thể kiếm được một việc gì đó ở thành phố và mỗi tối trở về nhà, nhưng nó bảo nó không cần gì cả. Con muốn mẹ làm gì bây giờ? Mẹ sẽ không ép buộc nó.” Bà ta đã lặp đi lặp lại câu nói phi lý: “Nó có cuộc đời của nó còn mẹ có cuộc đời của mẹ.”

Clémence nhận được địa chỉ của Pervenche. Hẳn là cô này không còn có điện thoại. Hoặc là cô không còn muốn ai gọi điện cho mình.

Một cuối tuần dài tháng Chín, Clémence lấy xe lửa về Marseille. Khi cô bấm chuông, ra mở cửa là một thằng du côn. Một tên người Antilles to lớn mặc xi líp, với một hình xăm nổi trên vai, hay có thể là một cái thẹo. Dường như hắn tên là Willie. Khi cô nói cô là chị của Pervenche, hắn cho cô đi qua. Pervenche bấy giờ đang ở phòng trong cùng, cô ta vừa thức dậy. Cô có nét mặt phì, một cái áo thun nhăn nhúm, đầu tóc bẩn. Clémence khó nhận ra cô ta, kể từ hai năm trời không gặp mặt cô. Pervenche hôi mùi thuốc lá và rượu.

Hai chị em nói chuyện này chuyện nọ, nhưng cả hai không còn chuyện gì nói với nhau. Hai người không còn trên cùng một làn sóng.

Pervenche có vẻ ngang bướng, cô ở trong thế thủ. Những câu chuyện đùa xưa không còn làm cho cô cười được, ngay cả khi Clémence gõ cửa, và trước câu hỏi “ai đó?” cô đã trả lời: “El viejo Ines.” Và sau đó: “¿A donde vas? – A General de Gas.”[9]

Mễ tây cơ, Jacona, là những nơi xa. Đã là những bóng ma. Pervenche đã quên cả tên bọn trẻ ở đường Tulipanes, là Beto, Rosalba, Pina, Chavela, MaÏra. Cái kỷ niệm duy nhất đối với cô đã thức dậy được một nụ cười, ấy là con chó bự Scooby-doo, cái cách ngày xưa nó chạy theo chúng nó mà không gây tiếng động và cái cách nó dán cái mỏm ướt của nó sát vào bắp chân chúng để làm chúng thét lên vì sợ. Và cây ổi lớn mà chúng nó vẫn trèo lên, đu mình trên cành cây chìa ra đường, để ném trái xuống cho nó. Ở Jacona, người ta thường hay bị lôi thôi với những con chó. Có những con chó ngồi sát tường nhà để sủa trăng suốt đêm, và những con này Perrine lấy đá ném hoặc dội bằng mấy thùng nước lớn để đuổi đi. Có những con cắn nhau dã man ngoài đường, gầm gừ những tiếng giận dữ, và những con liên tục lẹo nhau, gắn vào nhau ở phần thân sau như những con nhện quái vật, bước khập khiễng trên tám chân, làm Pervenche ghê sợ. Một ngày nọ, trên đường trở về nhà dọc theo con kênh, phía khu Parachutistes, Pervenche bị một con chó lặng lẽ từ phía sau đến tấn công, móng chìa ra trước, cái mỏm đầy nước bọt, và Clémence đã lấy đá ném để đuổi con chó đi. Đêm hôm đó, nhiều tiếng súng nổ vang dội trong khu phố, và ngày hôm sau Chita cho chúng nó biết là đám người đi săn đã bắn chết hết mấy con chó dại.

 

Clémence nhìn em, và cô đau thắt lòng. Cô không làm gì được cho em. Bây giờ đã quá muộn, đã quá xa, quá khác biệt rồi. Cô đã học luật, đã đi thi tuyển, và cô không biết chận đứng em gái mình vào lúc nó sa ngã.

Cô đã thử đặt ra những câu hỏi, tìm cách biết xem Laurent làm gì được, nếu hắn thay đổi lối sống. Nhưng cô không sao có thể không tiến hành một lối hỏi cung.

Pervenche lại khép kín không chịu nói. Cô ta ghét tất cả những gì Clémence đang đại diện, chức vụ trong xã hội, những loại trách nhiệm, quyền uy. Có một lúc, Clémence lỡ dại bảo cô ta rằng mình có thể giúp đỡ cô ta, cho cô ta mượn tiền, để cô ta ra khỏi cái ổ chuột kia, xa bọn người kinh khủng kia. Pervenche đã phản ứng dữ dội. Đôi mắt xanh của cô ánh lên một tia dữ tợn, nguyên gương mặt cô co lại đến độ vẽ ra những đường nhăn nhỏ quanh miệng và mũi, cả trên trán. Cô nói bằng một giọng trầm lạ lùng, khàn khàn, mà Clémence chưa nghe bao giờ. “Chị sẽ giúp em chứ gì, chắc chắn chị là người biết hết mọi chuyện, chính chị phán đoán mọi chuyện, quyết định mọi chuyện, còn em, em mười tuổi, em phải nghe theo chị, chị và cái chút quyền của chị đối với mọi người, chị tưởng là chị hiểu chút gì đó về em, nhưng chị chẳng hiểu gì về cuộc đời em, chị muốn biết lắm, nhưng chị không biết gì về em, em chẳng cần gì những lời khuyên cứt ỉa của chị, em không cần lời khuyên, em không cần chị, chị xéo ra khỏi đời em đi, quên em đi.” Gương mặt cô tối sầm lại vì giận. Và do Clémence không trả lời gì, cô nằm xuống trở lại, mọi thứ đều cực kỳ lộn xộn, với cái nệm cũ dưới đất và chỉ có một tấm vải đắp bẩn cuộn tròn. Khi cô ngồi dậy để đốt một điếu thuốc, cái áo thun của cô hở ra và Clémence đã nhìn thấy ngực cô, và phía trên hai cái vú cô có một loạt những vết đỏ như những vết bỏng. Cô rùng mình vì cô nhớ lại làn da của Pervenche ngày xưa, khi hai đứa tắm chung trong bể bơi ở đường Tulipanes, không phải là một cái hồ bơi mà là một vũng nước mà bọn trẻ bơi lội giữa đám ếch nhái và rệp nước. Mùi da của Pervenche, một thứ mùi cỏ ướt, tươi và mịn, từ lâu lắm rồi cô không nghĩ tới, và giờ đây nó làm cho cái hiện tại càng đáng ghét hơn.

Cô đã rời khỏi căn hộ rất nhanh. Cô cảm thấy đau nơi tim, có thể là do cái kỷ niệm kia, hay do mùi ma túy bấy giờ đã nhiễm vào cô. Cô lấy chuyến xe lửa tối về Bordeaux.

 

4

 

Việc trao đổi tiến hành trong đêm, trên một ngọn đồi. Đây là một nơi rất kỳ lạ, xa tất cả, mặc dù thành phố nằm gần đến độ người ta có thể phân biệt được cả cái đốm màu trắng sữa của ánh sáng trên bầu trời. Trước tiên có một đáy thung lũng, với con đường chạy quanh co, và những ngôi nhà đúc lơ lửng đây đó trên sườn dốc trông giống như những tổ ong. Thế rồi người ta đi lên xuyên qua rừng, trời ẩm đến độ người ta đi qua cả những đám mây nặng trĩu trên những cành thông, trong những bụi rậm.

Đêm đó trời rất nóng, tiếng dế kêu inh ỏi, có những con cóc ẩn mình trong thung lũng. Pervenche nghe rõ những tiếng ấy. Có thể cô nghĩ đến những đêm ngày xưa, ở một nơi xa, nằm trong màn, với tất cả những tiếng răng rắc kia, những tiếng xào xạc từng làm nó rất sợ. Nhưng giờ đây cô không còn sợ bóng đêm nữa.

Laurent lái xe một cách thô bạo, cho bánh xe nghiến mạnh ở những khúc quanh. Cô hỏi hắn: “Tại sao anh lái nhanh thế? Làm em đau tim đấy, chạy chậm lại.” Nhưng hắn không nghe. Mặt hắn cau có, hắn không nhìn Pervenche, hay chỉ một cái liếc xéo thôi, một cái nhìn kiểu nhìn của con chó, con ngươi màu vàng trên mắt có một biểu lộ thú vật.

Trước khi đi dạo, hai đứa đã làm tình trên đệm trong căn phòng ngột ngạt. Cô cảm thấy dễ chịu, cô ôm chặt hắn, hắn có một bộ ngực nhỏ và cô thích đùa bằng cách quấn chặt hai cánh tay mình quanh người hắn, và dùng hai đùi mình siết chặt hắn cho đến ngạt thở. Nhưng lần này hắn không cười. Hắn gỡ tay Pervenche ra, hắn thở nhanh, lưng hắn trơn nhớt mồ hôi. “Anh làm sao vậy?” Cô tìm cách đọc trong mắt hắn, nhưng gương mặt Laurent đanh và căng, trông giống như một chiếc mặt nạ. Cô nhớ đến những đường nhăn trên trán hắn, một mạch máu hình chữ Y phình lên gần thái dương. Và cái nét biểu lộ lạ lùng kia, đôi mắt hắn hiện ra như qua hai cái lỗ trên phần da bằng cac tông của khuôn mặt hắn. Hắn say rượu, hắn hút quá nhiều. Hắn xoay người cô tựa như hắn không còn muốn cô nhìn hắn và cái củ dương cứng lên của hắn là một ngọn lao cháy bỏng tỏa ra lẫn lộn cả đau đớn lẫn lạc thú. Pervenche bấy giờ ở giữa cơn lốc hút cô vào trung tâm của nó, trong giấc mơ mà mỗi đêm không biết cho đến bao giờ cô rơi tuột, sau những ngày tháng trôi qua chỉ có uống rượu, hút thuốc và uống rượu, và ngủ. Và chờ đợi. Và những bài ca quốc xã trong những cuộn băng cassette của Sacha, và thứ nhạc rasta[10] của thằng Willie người Antilles, tiếng bọn du côn nói vang ầm trong căn hộ, nghe như búa bổ, những bóng người lảng vảng trong đêm để săn đuổi những người Ả rập và những người Da đen, tiếng lách cách của những dây xích, lòng hận thù giống như ma túy, mùi bia và khói thuốc lá tràn lan mờ mịt những phòng ngủ. Cơn lốc tách cô ra khỏi tất cả những gì ngày xưa từng thân thiết với cô. Một tối nọ, Sacha đưa đôi mắt xanh xao của hắn nhìn cô, và đã nói với cô những lời làm cô lặng người như bị bỏ bùa: “Cần phải chết để hồi sinh.”

Hai đứ đã ngủ cho đến tối, bởi vì trời rất nóng. Qua những cánh cửa đóng kín, Pervenche nghe tiếng xe hơi lướt qua trên đại lộ. Nhưng ánh sáng không chiếu trên các thùng xe, và cái trần nhà hát bóng trên kia của cô đã tắt. Có một lúc, cô nghĩ đến chị cô, có lẽ cô đã tự bảo: “Ta phải điện thoại cho chị.” Cái đã cản cô gọi cho chị, ấy là cô đã từng thử một lần, đầu tháng Tám, cô muốn nói với chị về đứa bé cô mang trong bụng, nhưng ở Cư xá U người ta bắt cô chờ hai mươi phút trước khi trả lời: “ Cô Lauro không có trong phòng, cô có muốn để lại lời nhắn không?” Cô xưa nay ghét tất cả những thứ như thế, những rào chống, những máy trả lời tự động, máy nhắn tin, máy nói an toàn, cô đã cúp máy phối hợp và đến trả tiền liên lạc ở quầy rượu.

Cú ngã bây giờ hơi chậm dần, chẳng khó chịu gì khi được lượn lờ nằm ngửa người, trần truồng trên chiếc nệm, tai nghe những tiếng động trên đại lộ và tiếng thở yên tĩnh của thằng con trai nằm sấp bên cạnh cô.

Chiếc xe hơi lên đến đỉnh đồi, tới chỗ rẽ qua một con đường đất đi vào rừng thông. Pervenche không hỏi câu nào. Có lẽ cô còn chóng mặt trong cú ngã của mình, hoặc cô cũng thế cô đã hút quá nhiều và uống rượu quá nhiều. Laurent không có vẻ say rượu tí nào. Hắn to lớn, nóng nảy, căng thẳng, hắn động đậy từng chặp, hắn vẫn luôn có cái đường nhăn trên trán và cái đường gân phồng lên hai bên thái dương, và cặp mắt hắn thì vẫn nhìn qua những cái lỗ trên một chiếc mặt nạ.

Đến chính giữa một khu rừng thưa, Laurent dừng xe lại. Hắn tắt máy xe ngay khi xe còn đang chạy và cái máy đã giật giật mấy cái trước khi dừng hẳn. Trong khu rừng thưa trời tối om, thế nhưng người ta vẫn còn nhìn thấy được nhờ ánh đèn thành phố, một vệt hình cầu tan ra giữa bầu trời trên những ngọn cây. Ngoài ra ở đây đầy tiếng dế kêu. Cái nóng ẩm bốc lên mùi nhựa, đây đúng ra là một nơi thuộc loại lãng mạn, nhưng không có một ngôi sao nào trên trời.

Đột nhiên mọi vật im lặng. Những con dế không biết bị rầy rà sao đó, chúng im tiếng. Laurent bước xuống xe, hắn để cánh cửa mở và hắn bước đi về phía trung tâm khu rừng. Pervench cảm thấy tim mình đập rất chậm, cô vẫn còn ở trong cơn lốc, nhưng nói đúng là bên mép thôi, bị cuốn đi trong một chuyển động rất nhẹ nhàng, chỉ bứt ra vài cọng cỏ trên bờ. Cô nghĩ: “Cái gì xảy ra cho ta đây? Cái gì sắp xảy ra bây giờ đây?” Có lẽ cô đang nhớ lại câu nói của Sacha, và cô đang sợ chết.

Cô không nói gì, không một âm thanh nào thoát ra từ cổ họng cô. Cô ngồi chờ ở băng ghế trước, hơi thu mình lại, hai tay để lên bụng.

Khi bọn chúng đến, cô nhận ra chúng ngay tức thì. Thằng Willie, và thằng tên Dax. Laurent không có mặt bên cạnh chúng. Dax nhỏ con và mảnh khảnh, hắn mặc một chiếc bluzông da đen. Thằng người Antilles đứng sau lưng hắn. Chúng giúp cô xuống xe, rất nhẹ nhàng. Rất nhẹ nhàng. Dax bảo: “Bây giờ tụi này sẽ lo cho mày đàng hoàng, sẽ không có gì xảy ra cho mày đâu.” Pervenche run đến nỗi cô không bước đi được, và chính Dax và Willie đỡ cô đi. Cơn lốc giờ đây gần như đã ngưng, chính cả khu rừng thông mới là đang quay cuồng, đang sụp đổ và đang nhấp nhô sóng, và Pervenche cảm thấy buồn nôn. Mặc dù trời nóng ngột ngạt, không một gợn gió, Pervenche thấy người tràn ngập một cơn lạnh khủng khiếp, có lẽ do thế mà cô run và lập cập hai đầu gối.

Đột nhiên tiếng dế trở lại. Khắp nơi quanh khu rừng thưa, tiếng dế inh ỏi cuộn vào nhau, dệt thành một màn lưới vô hình, và Pervenche nhờ thế mà gần như bình tâm trở lại. Bây giờ, cô nằm trên tấm thảm lá kim và cô cảm thấy thân hình thằng Dax áp sát lên cô, ấn mạnh vào cô, tựa như hắn đang luồn vào áo quần, vào lớp da của cô, đến tận nơi sâu thẳm nhất trong cô. Cô nghiến răng để khỏi phải la lên. Cô nghĩ: “Nếu ta la, nó sẽ giết ta.” Cô trầm tĩnh nghĩ thế, đấy là chuyện hiển nhiên. Laurent đã đưa cô đến nơi mà hắn muốn, trong cánh rừng thông này, hắn đã phản bội cô, đã đem bán cô. Hắn đã sử dụng cô như một con vật. Cô nghĩ đến điều này không chút kinh hoàng, bởi lẽ giờ đây cô đã hoàn toàn ở dưới đáy của vực thẳm, một thân một mình ở một nơi sẽ không có ai tìm ra cô, là khu rừng thưa này giữa những cây thông, tận cùng của mọi con đường.

Khi mọi việc đã xong, hai thằng đàn ông bỏ đi xa một lúc, đốt thuốc hút. Pervenche sắp xếp lại áo quần, cô lảo đảo giữa khu rừng, cô không còn trông thấy ai. Cô bước tới như một người mù, hai bàn tay dang ra, cô vấp rễ cây, những tảng đá. Có một tiếng động cơ nổ máy, cô nhìn thấy hai ngọn đèn mờ của một chiếc xe hơi. Thằng người Antilles đang ngồi trước tay lái, hắn chẳng thèm nhìn cô. Cô ngồi ở băng sau, bên cạnh thằng Dax. Hắn bình thản đặt tay lên choàng cổ Pervenche, và vẫn tiếp tục hút thuốc. Xe hơi của Dax là một chiếc xe Đức to có mùi da, thuộc loại xe ăn cắp. Dax đưa điếu thuốc của mình cho Pervenche, và cô rít một hơi dài thú vị. Chiếc xe chạy chậm trên con đường hình chữ chi mà trước đó Laurent đã cho những bánh xe rít lên ở những khúc quanh. Có một lúc, ở một chỗ ngoặt, phía bên trái, Pervenche chợt thấy thành phố trải rộng giống như một mặt hồ lớn tỏa sáng, sau đó ngọn đồi hiện ra che mất thành phố trở lại.

 

5

 

Bà đã mất tất cả vào lúc nào? Bây giờ, trong sức nóng cuối hè đè nát mọi thứ ở Ganagobie, Hélène đang tìm hiểu. Bà đã đuổi Édouard Perrine ra khỏi đời mình, với cùng cái quyết tâm bà từng có khi bà theo ông ta đến tận cùng thế giới. Cái bà từng yêu mến nơi ông ta, lúc đầu, ấy là cái tính cách bác sĩ của người nghèo, một loại người truyền bá của tổ chức OMS,[11] được bảo trợ bởi một hội bác ái Gia nã đại để đến giúp những quần chúng nghèo khó nhất. Trước khi được gửi đến cái xó hẻo lánh này của xứ Mễ tây cơ, anh đã hành nghề ở Trung Phi, ở Madagascar. Khi Hélène quen ông ta, vào một mùa hè ở Aix, tình cờ bên ngoài thềm một tiệm cà phê, bà đã thấy ngưỡng mộ diện mạo bên ngoài của ông, cao lớn, rất đen, với hai bàn tay lớn có lòng bàn tay trắng bệch, và cái dáng vẻ nghiêm trang khi ông nhìn bà. Hai người gặp nhau suốt tháng Tám, ông sống trong một căn phòng nhỏ có sẵn đồ đạc có vẻ như một nhà trọ của sinh viên. Hélène có cảm tưởng đang sống lại những năm tháng của cuộc đời không lo âu của mình, trước cuộc hôn nhân không thành của bà với Vincent Lauro. Bà có cảm tưởng là mình đang yêu trở lại. Édouard đã cắt nghĩa với bà ông ta đi đâu, và đã yêu cầu bà đến gặp ông ở chỗ đó, hơi giống như một trò chơi. Rồi sau đó Hélène trở lại một thân một mình. Bà cụ Lauro chờ họ ở Ganagobie, chuẩn bị ngày khai giảng cho mấy cháu gái ở trường làng. Thế là, một ngày tháng Chín, không suy nghĩ, bởi vì lúc ấy ở Provence trời đã bắt đầu lạnh và ẩm rồi, hoặc bởi vì bà đã chờ đợi một sự thay đổi từ lâu lắm rồi, bà mượn tiền mấy người bạn gái và bà mua một cái vé máy bay cho bà và cho Clémence. Pervenche sẽ ở lại Ganagobie với bà nội trong khi chờ mọi chuyện thu xếp đâu đó. Ở Mễ tây cơ, Édouard đang đợi hai người. Họ lấy xe đò Tres Estrellas de Oro ở trạm Terminal [12] phía Bắc, và sáng sớm, mệt lả người, hai chị em xuống xe ở Zamora. Sau đó, chắc hẳn để làm cho họ vui, Édouard đã đưa hai người đi suốt con đường đê tới tận làng Jacona trên xe ngựa.

Édouard Perrine thuê ngôi nhà nhỏ bằng xi măng trên đường Tulipanes, và ngày nào ông ta cũng làm việc cho đến tối ở một phòng chữa bệnh ở trung tâm làng, bên cạnh nghĩa trang.

Đây là một cuộc sống mới. Hélène đã phải học mọi thứ: không chỉ học nói tiếng Tây ban nha với giọng kéo dài ở Michoacán, mà còn phải học cả những chữ tục, những tiếng chửi thề, những chuyện đùa, những quy ước phải tuân thủ và những thứ tốt hơn không nên nói ra, những cách xử thế tốt cũng như xấu, những mối quan hệ. Bà đã quen với những người hàng xóm, đã có những người bạn, người trong khu phố buổi sáng gõ cửa nhà bếp của bà, để nói chuyện, để mượn bà chút muối hay chút bột, hay để đem quà đến cho bà, những cái trứng, chút mật, bánh mì mềm. Bà là vợ ông bác sĩ.

Sau sáu tháng, Hélène đem con bé Pervenche đến. Nó đã đi một mình với một cái biển đeo ở cổ, nó đã mửa trên máy bay, nó rất xanh xao. Clémence ngay lúc đầu đã không chịu được sự bỡ ngỡ nơi xứ lạ. Cô để lộ một sự chống đối với Édouard Perrine, lúc đầu là ra mặt, rồi khi Hélène rầy cô, thì cô giấu kín. Khi Pervenche đến nơi, chuyện này có cải thiện được một chút, nhưng Clémence lại kéo cô em mình vào trò trừng phạt của mình. Hai cô cùng nhau thì thầm chuyện này chuyện nọ, hai chị em không bao giờ nói chuyện với Édouard, ngay cả khi ông ta nói với mình. Cả hai làm như ông ta là kẻ thù. Mặc dù chưa bao giờ gặp mặt cha mình, cả hai đã về phe với cha.

Clémence đã phải thay trường học ba lần. Rồi sau rốt cuộc cô cũng thích nghi dần. Vào mùa khô, những trò chơi bắt đầu ngoài đường phố, và Clémence lao ra giữa đám trẻ con. Cô đã học nói, học chơi. Cô đã khám phá ra một thứ tự do cho đến bấy giờ cô chưa từng biết. Khi cô đi học về, vào hai giờ chiều, Clémence cởi bỏ bộ đồng phục, xỏ vào cái quần lấm lem của nó và cái áo thun bẩn, đôi giày vải thể thao, và cô chạy qua những đường làng, chẳng sợ xe hơi hay xe vận tải. Cô lùng sục mọi thứ, đến tận cả những khu phố nghèo khốn, bên bờ kênh, nơi những con người mà người ta gọi là những người nhảy dù, bởi vì người ta kể rằng chính những ông trạng sư ít suy nghĩ đã đẩy họ vào nơi đây để họ chiếm đất và buộc những người chủ đất phải đem đất bán đi.

Hélène cũng thế, bà đi cùng khắp. Bà bắt đầu vẽ lại và tạc tượng trở lại, bà mua cả đống giấy cac tông lớn ở hợp tác xã đóng gói Anáhuac và bà vẽ chân dung những người trong khu phố, với hậu cảnh là những cánh đồng bắp, những cây mía đường, hoặc những cây ổi lớn phía bên kia đường nhà cô. Bà say mê những khuôn mặt này, những nét hiền hòa của những phụ nữ Do đỏ, những mái tóc một màu đen chói chang. Bà còn giữ lại phần lớn những chân dung này, ở Provence bà đã trở lại sống với những tranh ấy, đó là những người canh giữ cho bà, là họ hàng, là những bạn bè duy nhất của bà. Trong số có Adam và Ève, hai đứa bé rách rưới đến ăn xin bánh mì và lượm những trái ổi, hoặc bà già Da đỏ mà người ta chế nhạo gọi là Mariquita, cái bà đi từ nhà này qua nhà khác để bán đất, cỏ làm thuốc, những lọ mật hăng vấy tro than. Có những đứa bé trên đường phố, Pina, Chavela tóc tai bù xù, Carlos, Beto, Rosalba la Güera, Maïra.

Có cả Chita. Đây là một cô gái gầy và ủ rũ, sống với gia đình trong một căn nhà gỗ tồi tàn của đám dân nhảy dù, bên bờ con kênh. Tên thật của nó, là Juana, nhưng bọn trẻ ngoài đường phố chế nhạo nó bằng cách gán cho nó tên con khỉ cái trong bộ phim truyền hình nhiều tập. Nó chẳng nói gì.

Hélène chưa bao giờ vẽ chân dung nó. Không phải vì bà không nghĩ ra, hay không muốn vẽ, mà là vì con bé này có cái gì bí ẩn. Trong nó có một cái gì câm lặng, trốn tránh, xa vắng, và nó còn không muốn người ta nhìn thẳng nó quá lâu, nó đưa hai bàn tay lên giấu mặt mình, nó không muốn người khác nhìn nó ăn, nó ủ rũ, bướng bỉnh, tính tình khó hiểu như một con thú, có lẽ vì thế mà bọn trẻ trên đường phố đã gán cho nó cái biệt danh kia. Nó mười bảy tuổi, nhưng nó èo uột đến nỗi nó có vẻ như chỉ mới gần mười bốn. Nó đứng ngoài đường, trước nhà, và mỗi lần ra khỏi nhà Hélène đều nhìn thấy nó. Một ngày kia, bà muốn cho nó tiền, nhưng con bé đã nhìn bà với cặp mắt u buồn, nó chỉ nói với bà: “Em không muốn tiền, em muốn làm việc ở nhà bà.” Ban đầu, Hélène vừa cười vừa bảo nó: “ Em còn quá nhỏ không làm việc được đâu.” Nhưng con bé khẩn khoản, không cười, khăng khăng cho được: “Em có thể làm việc ở nhà bà mà, bà chỉ cần thử là biết.” Chita đã vào làm cho nhà bà như thế đó. Nó giúp bà trong những việc nội trợ, nó dội nước tràn ra để chùi nền nhà, hoặc nó chăm sóc Pervenche trong khi Clémence đi học. Nó không nói nhiều, lúc nào nó cũng ủ rũ, dáng vẻ lo âu, dữ tợn. Với da mặt gần như đen, và mái tóc cuộn ngắn, Hélène thấy nó giống như nhân vật Mowgli.[13] Sau đó nó dần dà thoải mái, thỉnh thoảng nó còn cười, nó chơi búp bê với Pervenche, con bé bấy giờ đã thích nó. Thời gian lâu, Hélène đã cố gắng dạy cho nó đọc và viết, nhưng Chita không học được. Nó cứ cúi đầu trên cuốn tập của mình, hai bàn tay bị công việc làm xây xát không sao cầm nổi cây bút bic. Nó viết bằng chữ hoa trên trang cuốn tập: JUANA. Nó không bao giờ tham gia chơi đùa với bọn trẻ ngoài đường. Khi làm xong công việc, nó ra về, số tiền làm được nó nhét trong cái nịt vú và bánh mì thì để trong một cái túi nhựa. Cuộc đời nó đầy những bí ẩn.

Có một lần, Hélène đến thăm nó trong khu phố Parachutistes. Chita ở trong một căn nhà gỗ tồi tàn do cha nó tự mình xây, với những viên gạch đặt lên nhau không trét vôi hồ gì cả, và một cái mái bằng những tấm tôle và những mẩu tôle vụn. Cứ mỗi mùa mưa, các lối đi biến thành những con suối bùn. Khi con kênh tràn ra ngoài, nước thối chảy vào nhà. Hélène không gặp bố mẹ Chita, nhưng trong căn nhà gỗ có một cô gái hơi lớn tuổi hơn Chita, mặt đầy những mảng màu xám. “Đây là chị của em.” Chita chỉ đơn giản nói thêm: “Chị ấy bệnh. Chị bị động kinh.”

Tất cả những chuyện đó giờ có vẻ như đã xa rồi. Tại sao bây giờ Hélène lại nghĩ đến Chita? Tựa như tất cả những gì ngày xưa xảy ra ở đấy đều mang một ý nghĩa đối với ngày hôm nay, không phải một loại lời giải thích, mà đúng hơn là một lời tiên tri.

 

Thời gian trôi qua xa Mễ tây cơ, Pervenche cách đây không lâu đã tới tuổi của Chita khi lần đầu tiên con bé đến ngồi trên thành tường nhỏ này, trước ngôi nhà phố Tulipanes. Hélène còn nhớ rõ, có lẽ chính sức nóng của miền Provence, trong ngôi nhà nhỏ ở Ganagobie nơi bà dùng làm chỗ nương náu sau khi mẹ chồng bà qua đời, một căn phòng trét vôi giống như căn phòng bà ở hồi còn bên kia. Đường phố không còn là đường phố ấy, không có bọn trẻ buổi tối chơi đùa trên lề đường, mà chỉ có mấy cái lão ông lẩm cẩm ném quả cầu trên quảng trường.

Thời gian ở Mễ tây cơ không như thế, những năm tháng vừa rất dài vừa đầy kín, ngày nào cũng nóng bức, đầy tiếng ồn, đầy hung bạo, đầy cảm xúc.

Nỗi cô đơn cũng thế. Có thể tất cả bắt đầu ở chỗ ấy, giống như kiểu một trận bão chuẩn bị, bao phủ cả bầu trời mà người ta vẫn không biết sẽ đi đến đâu, đến tận chiều sâu nào của trái tim. Mỗi buổi tối Édouard không có mặt ở nhà, ông ta đến ngủ đêm ở khu màu hồng, trong những nhà thổ của tên ghê tởm Nacho, đó là biệt danh người ta gán cho hắn. Một thằng đàn ông nhỏ thó da vàng khè, dáng vẻ như một con chuột, một kẻ bai hoại chuyên đi tuyển bọn con gái trong những khu phố nghèo khổ và đem nhốt chúng trong những tiệm rượu thảm hại.

Thoạt tiên, Hélène không muốn biết gì cả, bà nghĩ là ông ta ở lại phòng khám sau giờ làm việc, bà không muốn mọi chuyện bắt đầu trở lại như với Vincent Lauro, những trận cãi vã, ghen tương, một cái giếng không có đáy.

Và rồi có người báo cho bà biết. Như mọi lần, bằng những lời bóng gió, Lupe, một người đàn bà mà thỉnh thoảng bà đến thăm vào buổi chiều, bởi vì chồng bà ta đã bỏ bà ta đi. Hélène tưởng rằng bà này thương mình lắm, không những chỉ vì những việc bà giúp bà ta, bà còn cho bà ta mượn tiền, và qua Édouard bà còn xin thuốc cho bà ấy, những thứ thuốc hàng mẫu, kem để xức phong ngứa. Bà tưởng đây là một người hàng xóm tốt.

Lupe nói, và đột nhiên giọng bà trở nên kỳ lạ, hơi nghiến, và hai mắt bà sáng lên một cách nham hiểm: “Thế bà không biết khu phố của cái thằng Nacho ghê tởm đó sao? Dù sao ông bác sĩ thì ông biết rõ lắm.”

Hélène không hỏi câu nào, bà cảm thấy con mẹ nửa điên nửa khùng này thích thú được thấy những người đàn bà khác cũng mất chồng như mình.

Nhưng khi Édouard trở về lúc hừng đông và nằm xuống bên bà, bà không thể nào không đánh hơi mùi những người đàn bà khác, một mùi hồ tiêu, cay có trộn lẫn với mùi mồ hôi. Bà nằm co chân, sau khi làm tình, bà lắng nghe hơi thở sâu, và bà tự hỏi tại sao phụ nữ lại cần ngủ với một người đàn ông đến vậy.

Và rồi dù sao, một ngày nọ, khi tắm vòi nước, bà đã nhìn thấy những con vật kỳ lạ kia trên mu của mình, những con trong suốt, bò hơi ngang như những con cua bé tí. Bà đi mua một cái giường xếp ngoài chợ, và bà đặ đặt giường ở chỗ hết sức xa, cuối căn phòng. Bà mua giường cho mình, nhưng chính Édouard là người ngủ trên đó. Ông ta cũng chẳng hỏi tại sao!

Hélène tấn công ông ta. “Em có rận rồi đấy”, bà nói như thế. Và ông ta, với một vẻ lạnh lùng mỉa mai: “Có phải đó là rận Haïti không?” Bà nhún vai: “Chúng không có giấy tờ gì ghi quốc tịch.” Bà đã cạo hết lông trên mu mình, và đã thoa repelente.[14] Édouard không những thế còn coi đó là chuyện gợi dục tính, và có lúc bà đã tưởng đây chỉ là một tai nạn, mọi việc rồi sẽ trở lại như trước. Thế nhưng ông ta vẫn không từ bỏ khu phố của thằng Nacho ghê tởm. Đó là bản chất của ông, ông ta không làm sao có thể không đi chơi đĩ được.

Vậy nên mỗi đêm, đêm nào cũng có giông bão, sấm sét vang gầm trên những ngọn núi lửa, bầu trời màu mực làm tim đập mạnh. Pervenche khiếp sợ, nó ngủ trên giường mẹ nó, cái gối để úp lên đầu. Édouard trở về nhà lúc hừng đông, ông ta nằm trên cái giường xếp mặc nguyên quần áo, ông ngủ cho đến một giờ, và ông lại trở ra phòng khám. Làm sao ông ta có thể đêm nào cũng ở đấy, bên cạnh đám người say rượu? Khi Hélène hỏi ông mấy câu, Édouard nhìn bà với cái nhìn lạnh lùng và nghiêm nghị, và trong màu xanh của con ngươi mắt ông có một sự bối rối, một mối lo âu mà bà không thể nào hiểu nổi. Hoặc là ông nổi giận, ông quay sang phía khác, vẻ như muốn nói: em nói cái gì vậy, trước tiên chúng ta đâu có cưới hỏi gì. Bà cảm thấy mình đã lọt vào bẫy, nằm rất xa hết mọi thứ, trong cái hầm xi măng mà mặt trời buổi chiều đốt nóng như một cái lò, và giữa tiếng nhạc vo ve của mấy con muỗi cho đến tận sáng sớm, bay lảng vảng quanh mùng bọn con gái. Và cả những tiếng tắc kè trên tường.

 

Pervenche ốm nặng, bụng phình lên vì vi trùng amip, nó ói mửa và sốt cao. Édouard không có nhà, ai nấy đã phải chạy bộ dưới mưa để kiếm một cái taxi, và phải ở lại đêm ở nhà thương, trong khi các người y tá chích cho Pervenche những mũi Flagyl đáng ngờ. Édouard không làm gì cả, ông ta không có mặt ở phòng khám, ông đang ở nhà thằng cha Nacho ghê tởm. Vả chăng, khi Hélène muốn trách ông về chuyện đó, ông trả lời, lúc nào cũng bằng một giọng bình thản: “Có lẽ em nên trở về nhà bên Pháp với mấy đứa con gái của em, còn anh thì dù sao anh cũng sẽ đi, anh đã xin thuyên chuyển rồi.” Lần đầu tiên ông ta nói về vợ và con gái mình ở Haïti, và tất cả những gì Hélène có thể nói, bằng một giọng nói nhỏ xíu, ấy là: “Em chưa hề biết là anh có con gái đấy, tên nó là gì thế?” Nhưng ông ta không nói gì hơn nữa.

Một đêm giông bão, Édouard không có nhà, nước Duero bung ra từ lòng sông và chảy qua làng, tràn vào con đường chính và ùa như thác lũ về chỗ đất thấp, cuốn theo mọi thứ. Chính Pervenche đã đánh thức bà dậy, nó đã rên nhiều tiếng trong khi ngủ. Và khi Hélène đứng lên, bà đặt hai bàn chân mình trong nước lạnh buốt bấy giờ đã tràn vào đầy nhà. Ngày nay bà vẫn còn cảm thấy cái rùng mình kinh hãi hồi ấy từng chạy khắp người bà, cái nóng làm kiệt sức và nước lạnh buốt, tối tăm, nặng nề, lọt vào dưới cửa và chảy vào nhà. Qua ánh sáng của cây đèn pin cầm trong tay, Hélène cuống cuồng tìm cách dùng giấy, sách, áo quần bịt cái khe dưới cửa, nhưng dòng nước chảy quá mạnh. Cùng lúc, cái khủng khiếp, chính là khắp nơi đều im lặng, chậm chạp. Điện đã bị nổ. Hélène thức Clémence dậy, bà bế Pervenche trong tay và ai nấy trèo lên bàn ở phòng khách. Họ đứng chờ ở đó, gần như chẳng ai nói gì, ôm chặt nhau như những con gà mái đậu trên cây sào.

Hừng đông, Hélène nghe những tiếng la ở ngoài đường, những tiếng gọi, và bà đã tưởng người đến là Édouard. Pervenche ngủ trong tay bà. Clémence lạnh, hai môi mím chặt, trông như đang bệnh.

Đấy là người hàng xóm, người đàn ông chơi ong, đang lội bì bõm ngoài đường và đang gõ cửa từng nhà. Ông ta dừng trước nhà Hélène: “Ô này, mọi sự bình an chứ?” Câu hỏi gần như là khôi hài xét theo những hoàn cảnh bấy giờ. Đứng lơ lửng trên bàn, Hélène hét: “Mọi sự bình an, cám ơn.” Ánh sáng ban ngày bắt đầu điểm qua các cửa sổ, và Hélène thấy nước có xuống, có nơi nền nhà lát gạch ló ra làm thành một bãi bùn. Đi chân không, bà bế Pervenche đặt lên giường nó, và cùng với Clémence cả hai đi ra xem xảy ra cái gì ở bên ngoài. Con đường Tulipanes bấy giờ là một con sông bùn yên tĩnh. Trên bức tường trắng của ngôi vườn cây trước mặt, nước lũ đã vẽ nên hình dáng những làn sóng màu nâu. Những khúc cây cành vướng vào đá, có cả những thùng cac tông, những mảnh vải, cả những chiếc giày. Thiên hạ bước lan tràn trên đường phố, đèn pin cầm tay, trông giống như những bóng ma nhào vữa, quần xắn cao, các bà đưa tay vén áo lên đến tận háng. Những đứa trẻ chạy rong trên lề đường, vừa bắn nước bùn tung tóe lên nhau vừa la hét. Clémence gặp lại cánh bạn của nó, Rosalba la Güera, Pina, Chavela, chúng nói chuyện rất hăng, giọng sắc như những con lũ chuột con. Có lẽ chính buổi sáng đó, trước con đường lầy lội bùn, với thứ ánh sáng lạ lùng của một ngày lụt lội, và sự đơn độc kia, Hélène đã hiểu ra là giờ đây mọi việc đã kết thúc, bà phải ra đi. Nhưng dù vậy bà vẫn cố gượng, nhiều ngày, nhiều tháng, bởi lẽ bà muốn tin rằng mọi việc sẽ tự nó thu xếp ổn thỏa, đời sống sẽ trở lại mạnh và đẹp, phong phú nhiều kinh nghiệm và nhiều điều mới. Hoặc là do những trò chơi của Clémence và của Pervenche trên đường phố, những cuộc chạy nhảy múa may, những trò chơi điệu bộ, những bài ca. Bà sợ phải trở về bên ấy, bên Pháp, giữa mùa đông, lại gặp lại bóng ma của những lần bà thất bại, những dấu vết của quá khứ giống như những vết xe cũ mà bà sẽ lại rơi vào, và sẽ sa lầy. Thị thực tạm nhập cư của bà sắp hết hạn, bà biết là Édouard sẽ không làm gì để gia hạn. Ông ta đã quyết định đi trước Giáng sinh, ông trở về Haïti, mọi việc thế là hết. Bây giờ đã quyết định xong xuôi, ông ta trở nên tử tế, buổi tối ông ở nhà, đọc sách hoặc viết tường trình. Ông nói chuyện với những người hàng xóm, và Hélène thấy hận trong lòng khi khám phá ra chính ông là người được ai nấy ưa chuộng, chính ông là người mọi người sẽ tiếc.

Đường Tulipanes không làm sao trở lại bộ mặt lúc trước. Những cái đệm đã phơi khô dưới nắng, mặt đất đã được rửa sạch, thế tuy nhiên bùn vẫn ló ra mỗi ngày. Khắp nơi đâu đâu cũng có bùn, ngay cả bên trong mặt đồng hồ đeo tay của Hélène. Có cả một mùi lạ lùng, mùi tầng hầm và chết chóc, và người ta bảo cả cái nghĩa trang đã lan ra khắp làng.

Chính cái mùi kinh khủng đó Hélène đã đem theo về với bà, trong mấy cái va li của bà, mùi tẩm vào áo quần bà, sách vở bà, cả trong tóc mấy đứa con gái bà. Giống như người vừa ra khỏi một cơn bệnh kéo dài. Tháng Hai, có những trận bão ở miền Provence, và mưa đổ xuống như thác trên những mái nhà ngói làm Hélène không sao ngủ được. Bà nghe ngóng xem có một dấu hiệu nhỏ nào báo có lụt không. Clémence bấy giờ đang ở bán trú trường trung học Avignon, và Pervenche đi học trường làng. Hơn ai cả, với chúng về đây là chuyện khó khăn. Bạn bè chế nhạo giọng nói trọ trẹ của chúng, những chữ tiếng Pháp đọc trật bậy trật bạ của chúng. Chúng nói “la maison est bide”, hoặc là “tu me pisses le pied”.[15] Có một hôm một cô bạn học của Clémence hỏi cô: “Có đúng là mày từng ở Mễ tây cơ không? Ở đó có trường học không?”

Sau trận lụt, Chita không trở lai. Hélène đã đợi nó, mỗi buổi sáng, bà nghĩ là nó bị bệnh, hoặc hẳn là nó phải bận chùi rửa ở nhà, hoặc có lẽ tình trạng cô chị nó trầm trọng hơn. Sau một tuần lễ không tin tức, Hélène thả bộ đến tận khu phố Parachutistes. Bà tưởng sẽ thấy nơi này hoàn toàn bị tàn phá, nhưng bà đã hết sức ngạc nhiên, trận lụt đã tránh khu phố Parachutistes. Hoặc là cuộc sống của những người này bấp bênh đến độ ai nấy đã đi qua được thử thách này mà chẳng có gì mất mát. Căn nhà của cha Chita trống không, nhưng thông tin lan đi nhanh trong khu phố, và một lúc sau đó, cô chị của Chita đến nơi. Cô này bước chậm rãi, vừa bước vừa tựa vào tường. Da mặt cô xám hơn, Hélène để ý thấy có một bọc máu trên trán cô, và bà đã nghĩ cô gái chắc là đã ngã trong một lần lên cơn. “Juana đâu rồi?” Tina nói chậm rãi, khó khăn: “Nó đi rồi. – Khi nào thì nó trở về?” Cô gái dường như tìm chữ. “Em không biết. Không bao giờ về nữa.” Cô này không có cái nhìn ủ rũ của cô em, nhưng đôi mắt thì đúng ra là trống vắng, và Hélène cảm thấy tim mình thắt lại. “Sao, không bao giờ? Thế nhưng nó đi đâu mới được?” Tina trả lời: “Nó lấy chồng. Nó bảo tôi đưa lại cho bà cái này.” Cô bước vào nhà, và cô trở ra với cuốn tập viết của Juana. Trên trang cuối, sau những bài tập, nó viết: JUANA, GRACIAS.[16]

Cuốn tập này Hélène đã đem theo về Provence với mình. Bà không biết tại sao, bà không lấy theo gì trong những thứ mấy đứa con gái bà làm, những hình vẽ, những bài tập sử ký, bài tập toán, những bài chính tả. Chỉ cuốn tập ấy, đầy chữ viết vụng về của Chita và hai chữ cuối cuốn tập ấy.

 

6

 

Pervenche trượt vào một cái lỗ sâu và tối. Hay đúng hơn, đó là giấc mơ ngày xưa của cô về một đường hầm xuyên thủng đất trong đó cô bò, cùi chõ siết chặt vào hai bên sườn, đầu gối bị tróc da, vừa đủ chỗ để có thể tiến tới bằng toàn thân đau đớn uốn lượn, và đường hầm thì dài, hẹp đến nỗi cô không còn biết mình đang tiến hay lùi nữa. Cô không còn biết từ bao giờ cô bị nhốt trong căn phòng này. Nhiều tuần nay, nhiều tháng nay. Thỉnh thoảng cô đứng dậy, mình quấn chiếc áo choàng mà thằng Dax cho cô, cô lảo đảo bước đến tận phòng tắm. Rồi cô trở lại nằm.

Bên ngoài trời đẹp, qua những cánh cửa đóng kín cô nhìn thấy ánh mặt trời. Bấy giờ là vào thu, hoặc là bắt đầu mùa đông. Căn biệt thự nằm ở giữa một rừng thông, Pervenche ngửi thấy mùi những chiếc lá kim, cô lắng nghe tiếng gió rít nhẹ, tiếng lách cách của mấy con sóc đang gặm những quả thông. Tất cả đều yên tĩnh đến độ chỉ một tiếng động nhỏ thôi cũng dội lại trong đầu Pervenche như một tiếng vang lớn. Cô nghe ngóng những tiếng động, rồi trí óc cô tách khỏi thực tại, và cô trở về với những giấc mơ của mình. Đây là một câu chuyện dài, không lý do chẳng kết thúc, dang xa rồi lại gần, kéo cô theo dòng chảy của nó. Khi thì kinh hoàng và ghê gớm, khi thì dịu dàng, nằm lẫn vào những kỷ niệm của cô. Có khi cô ở Camécuaro, trên mặt hồ lớn lạnh băng, cô lướt đi trên một con thuyền dẹp giữa hai thân cây uốn cong, và trên bờ, xa xa, cô nghe tiếng nhạc của ngày hội trên đường phố.[17] Những tiếng nói, tiếng cười vỡ tung, hoặc một bài ca não nuột bất tận đến từ một cái máy hát to đùng, ở đâu đó, và tiếng la hét của đám thanh niên đá banh trên một bãi đất trống. Những lần khác, cô sống lại những khoảnh khắc của đời sống đã qua, đầy hung bạo, những đêm với Laurent trong các tiệm rượu của thành phố cũ, có cái anh đàn ông lịch lãm, ngồi chống cùi chõ lên quầy rượu, nhìn cô với vẻ khẩn khoản, và cô cảm thấy bị ăn tươi nuốt sống bởi cái nhìn đó, cô bồng bềnh trong khoảng không. “ Cái gì đây? Anh nhìn cái gì đây?” Sự hung bạo nổ tung với tốc độ của một hỏa tiễn, tràn ra phòng. Laurent ngã xuống đất, nằm dưới người đàn ông đang siết cổ anh ta đúng cách, không bao dung, với một nét nhếch khoái trá trên đôi môi để hở. Thế là cô nhào vào đánh người đàn ông, đánh hết sức mình, hai quả đấm nắm chặt, không cảm thấy cả cái đau, cô túm tóc người đàn ông kéo, cô chửi hắn: Thằng ngu khốn kiếp, đù má mày, buông anh ta ra! Buông anh ta ra! Và Laurent vẫn nằm dưới đất, hai cánh tay dang thành chữ thập, một vệt đỏ trên cổ anh, đầm đìa nước mắt, và chung quanh là một đám người cười vui. Pervenche đỡ anh dậy, cô luồn hai cánh tay quanh người anh và cô kéo anh ra ngoài, trong khi trời tối, mưa rơi lách tách trên những ngọn đèn néon. Cô thấy lại cảnh tượng này giống như một bộ phim tồi đang diễn ra trong đầu cô, tim cô đập nhanh hết sức như cái đêm kia ở ngoài đường, cô cảm thấy hơi thở mình đốt cháy cả cuống họng, cô cảm thấy cơn choáng váng làm lề đường lượn thành sóng, cô cảm nhận nỗi cô đơn của đời mình.

Có phải cô bị ốm? Có phải bị ốm là như thế đó? Không giống như cơn sốt, cô nhớ đến những buổi chiều ở Mễ tây cơ, căn phòng rộng có trần nhà sát hai triền mái,[18] nhìn những mạng nhện vẽ thành những ngôi sao, Hélène từng muốn lấy chổi quét sạch hết chúng và Pervenche đã hét: “Đừng, con van mẹ, mẹ đừng giết chúng, chúng là bạn của con, con yêu chúng.” Và bây giờ ở đây, trong căn phòng đóng kín này, với ánh nắng mùa đông rọi sáng bên ngoài, những cây thông kêu răng rắc, những con sóc hoặc những con chuột nhảy từ cành này qua cành kia, cô cảm thấy mình đang đi lùi lại, vào những kỷ niệm của cô, cô không còn gì để bám vào được nữa.

Nhưng có thể đó chính cái đang ẩn kín trong bụng cô, cái điều bí mật, cái điều sơ hở kia. Pervenche đâm giận với chung quanh, để không mất nó, để người ta không cướp được nó từ tay cô. Dax đến vào chập tối, trịnh trọng trong bộ đồ đen, gương mặt trắng bệch, hắn ghét mặt trời, hắn không bao giờ ra bãi biển, không bao giờ ra vườn, hắn sống trong nhà đóng kín cửa giống như một con ma cà rồng hút máu.

Hắn để nguyên quần áo nằm xuống tấm nệm bên cạnh cô, hắn không sờ mó cô, trừ một hai lần, hắn luồn hai bàn tay lạnh của mình dưới áo cô, hắn vuốt ve đôi vú của cô, bụng cô. Hắn nói chuyện với cô, nhưng cô không lắng nghe hắn nói gì. Một ngày nọ, hắn bắt gặp cô đứng cạnh điện thoại. Hắn nổi giận: “Mày muốn đi, mày có thể đi. Bất cứ khi nào mày muốn. Tao sẽ chở mày ra bỏ ngoài phố, mày chỉ việc cho tao biết. Dễ thôi. Chẳng cần điện thoại.” Hắn ngắt dây điện thoại ngoài hành lang.

Thoạt tiên, thời gian đầu, những ngày sau khi bọn chúng đến biệt thự này, Dax đã giới thiệu Pervenche với đám bạn bè của mình. Thật là lố bịch, có phần nào hăm dọa. Hắn bắt cô mặc một chiếc áo dài mùa hè, hắn muốn cô chải tóc và trang điểm như một con búp bê. Nhưng bây giờ thì cô từ chối. Cô bảo hắn vì cái bụng cô, cô không muốn mọi người nhìn thấy cô trong tình trạng này. Thế là hắn để cô một mình trong căn phòng, tha hồ ngao du trong những giấc mơ của mình.

Cô không tiếp ai cả. Thỉnh thoảng, cô nghe được những tiếng nói vỡ ra, ở phòng ngoài hay phía phòng bếp. Những tiếng xe cộ ngoài vườn. Cô nhìn qua những khe cửa lá sách, cô chỉ có thể thấy một đoạn đường lát sỏi nhỏ, một mảng cỏ hình tam giác đã úa vàng dưới nắng. Cô lắng nghe tiếng cây kêu răng rắc, cô ngửi thấy mùi những cây thông cháy rụi tạt đến với một làn hơi nóng, thời gian dài đủ làm cô thấy đau ở tim. Đây là chuyện sống thực, quá thực. Cô cảm thấy mình như đã chết. Cô ngồi bệt trên nền gạch, chiếc áo ngủ kéo xuống đến tận mắt cá, hai cánh tay ôm chặt quanh chân.

Cô thực tế chỉ sống bằng sữa khuấy bọt. Dax thay mới những bình nước đá có vanille và những lít sữa, và cô chỉ vào nhà bếp để bấm cho máy khuấy chạy. Có những lúc cô nghĩ đến Clémence, hay mẹ cô, nhưng đó là một ý nghĩ xa xăm, chậm chạp, lan man. Cô không còn cảm thấy giận hờn hay oán hận khi cô nghĩ đến Laurent. Hắn đã phản bội cô, đã bán cô cho thằng Dax. Giờ đây, cô thuộc về cái thằng đàn ông nhỏ con lố bịch và bất lực, cả cô lẫn đứa bé đang lớn dần trong bụng cô.

Một ngày nọ, thằng Dax bảo cô: “Có bà chị mày kiếm mày đó, cô ta gọi điện đến chỗ căn hộ, Sacha đã trả lời là mày không muốn nói chuyện với cô ta. Mày cần viết thư cho cô ta.” Hắn đưa cho cô một tấm bưu thiếp khá xấu có hình một bờ biển, một bãi biển. Cô chị vẽ lên hình một chàng cao bồi đang bắn vào những phụ nữ tắm, và phía bên kia cô viết: Wish you were here.[19] Daz nhìn vào cái hình vẽ, hắn cười khẩy: “Chính cái này sẽ làm cho cô ấy yên tâm.” Chính hắn đã ghi địa chỉ, Pervenche không còn nhớ Clémence sống ở đâu nữa. Ở mãi Bordeaux, với cái người đàn ông ấy, anh chàng Paul, một trạng sư, hay một quan tòa như chị ấy, cô không còn nhớ, cô cóc cần. Có thể hai người đã dọn đi, hoặc họ đã mỗi người một ngả. Không còn gì làm nó quan tâm.

Người mà cùng lắm cô muốn gặp, ấy là Chita. Cô không còn nghĩ đến Chita từ nhiều năm nay và bây giờ, trong cái yên lặng của căn biệt thự bỏ hoang này, nơi bọn du côn chiếm ngụ chỉ một thời gian, Chita lại trở lại. Ngày xưa khi Clémence đi học, Hélène chạy rong khắp thành phố trước tay lái chiếc xe cũ R 16 móp méo của Perrine. Thế là Chita một mình ở nhà với Pervenche. Nó đem hộp đồ chơi ra bày trong cái phòng ăn hơi tối tăm, và nó chơi vói Pervenche, dịu dàng, dễ thương, như nó chưa bao giờ được chơi với ai như vậy.

Cái con Chita ưa càu nhàu, câm lặng ấy, khi ngồi một mình với Pervenche gương mặt nó bỗng rạng rỡ, nó vừa cười to vừa cởi áo quần mấy con búp bê, sắp xếp những bàn ghế tí xíu, những ly tách, những chai lọ, những bánh xà phòng thơm, những bàn chải tóc bé tí. Hồi ấy nó bảy tuổi, tám tuổi, cỡ tuổi Pervenche, nó cho mấy con búp bê nói, nó khe khẽ hát cho chúng nghe những bài xướng đếm,[20] những bài vè, những câu đố. Khi nó cười, mấy cái răng trắng của nó sáng lên trong bóng tối. Nền nhà lát gạch màu xanh lá cây lạnh lẽo, ánh sáng trong đám lá ổi làm di động những đốm đậm trên gạch lát, khi mây bay qua. Sau đó không bao giờ Pervenche còn được gặp lại những khoảnh khắc như những khoảnh khắc ấy.

Khi Hélène quyết định là ai nấy phải ra đi, Pervenche hiểu được thế là hết, nó sẽ không còn gặp lại Chita. Pervenche còn nhớ, sau trận lụt, mọi thứ đều sụp đổ. Nó biết là nó sẽ không còn y như trước đây. Có lẽ Chita đã chết rồi.

Nó không khóc, nó tự khép kín mình, nó ghét mẹ nó. Ngay cả Clémence cũng không hiểu được. Đây chẳng phải là một cơn giận mà người ta có thể quên, đây là một nỗi đau tận đáy lòng nó mà mỗi lúc, mỗi ngày càng làm cho dai dẳng hơn, đào sâu hơn. Có lẽ chính vào lúc đó nó hiểu ra cái ích kỷ khủng khiếp nơi Hélène, là người làm cuộc sống của con cái mình trôi nổi để đổi lấy những cuộc tình liên tục.

 

Một buổi chiều, vào chập tối, Pervenche một mình trong căn biệt thự, trong phòng bếp, đang đun sôi nước trong một cái soong để nhồi bột, cô nghe phá lên những tiếng nói to bên ngoài. Bấy giờ trời chưa tối, có một luồng sáng nóng xuyên qua những cánh cửa nhỏ, sáng hơn cả những thanh néon bên trên lò nấu.

Có ai đó la lên, một giọng la the thé kỳ lạ, nghe tưởng như là khóc. Tiếng la vang đến từ phía bên kia căn nhà, ngoài vườn, trên chỗ mặt tiền. Pervenche bước về phía phòng ngủ, cô bước dẫm lên nệm và cô dán sát mặt vào cánh cửa lá sách đóng kín. Và đột nhiên, trước khi cô có thể kịp nhìn thấy một cái gì, cô nhận ra giọng nói của Laurent, và hắn đang hét lên chính tên của cô. Cô không cách gì có thể trông thấy hắn qua những khe hở của mấy cánh cửa chớp, hắn bị che khuất bởi một hàng rào những cây phu danh nhỏ.[21] Cô chỉ thấy lối đi rải sỏi, và những thùng xe hơi dừng lại. Những tên bảo vệ của thằng Dax hẳn là đang đẩy hắn ra, bởi lẽ bấy giờ chúng đi xa và lại trở lùi về, còn hắn thì hét tên Pervenche với một giọng the thé, bị nghẽn. Cô nghe cái giọng lố bịch của hắn, cô cảm nhận nơi đó một sự ghê tởm, tim cô đập quá nhanh, nhưng đây không phải là sợ, mà là sự kinh tởm, tựa như mọi chuyện lại bắt đầu, và lần nữa cô sẽ lại phải ra đường, với cái nóng quá sức, sương mù trên biển, những ánh phản chiếu trên xe hơi, đêm đến và những cửa kính sáng đèn và cô thì không biết sẽ phải đi về đâu.

Pervenche đứng yên không nhúc nhích, trán tựa vào thanh kim loại của cánh cửa. Sau một lúc, có một tiếng động lớn, những cửa xe đóng mạnh, và mấy chiếc xe hơi nối tiếp nhau chạy xuống đồi về phía thành phố. Rồi đâu đó yên lặng.

Pervenche nằm xuống gối đầu lên tấm nệm, hai đầu gối gập lại sát bụng, cuộn tròn quanh đứa bé đang xoay người trong khi ngủ, và cô chờ cho những nhịp tim đập chậm dần, chậm trở lại, rất chậm. Cô chờ thằng Dax trở lại, và trong khi ấy thì đêm xuống dần. Mỗi tối, thường có những tiếng la kinh hoàng của những con chim hét. Nhưng cô lại thấy dễ chịu khi nghe tiếng chim, cũng như những tiếng nghiến của những con ve, mỗi lúc một lớn, cho đến khi tràn ngập cả căn phòng bằng một màn lưới âm thanh căng lên giữa những bức tường. Pervenche nhớ lại cái đêm ở Mễ tây cơ, những tiếng động trong đêm làm cô rất sợ, cái mùng nẹp dưới tấm nệm trở thành một bộ áo giáp. Và Clémence nhìn cô không nói gì, cho đến khi cô ngủ.

 

Thằng Dax không trở lại. Nhưng khoảng nửa đêm, sau một chút hay trước một chút, lại có tiếng động lần nữa. Những ánh đèn chớp chớp ngoài vườn. Chuyện xảy ra rất nhanh, tựa như đã được tính trước, không tránh được.

Những viên cảnh sát bước vào phòng, đèn pin bật sáng. Họ rọi đèn vào Pervenche bấy giờ đang nằm co ro trên nệm, chiếc áo ngủ màu hồng có hình hoa nhỏ kéo xuống tận mắt cá. Cô xanh xao dưới chùm sáng đèn pin, hai mắt lấm chấm những vệt thuốc Rimmel chảy trên lông mi, cái miệng đỏ như một vết thương. Trông cô giống như một con thú bị xua ra từ đáy hang. “Mẹ kiếp, sao lại có thể như thế này!” viên cảnh sát bước vào đầu tiên nói. Đó là tất cả những gì Pervenche nghe được. Cô tự hỏi: có thể như thế này là như thế nào nhỉ?

 

7

 

Tania ra đời vào mùa xuân, sáng sớm. Tuyết đã rơi trong đêm, và Pervenche nhớ đã có chút màu trắng trên những cây con và trên các bờ lề trong sân khi người ta chở cô đến trạm y tế. Nhưng bầu trời thì trong và sáng, và cảnh tượng đã làm cô thấy vui.

Ở Trung tâm, không ai chờ đợi chuyện này. Mọi việc đều xảy ra rất nhanh. Trong đêm, cô mất nước, và cô không có đủ thì giờ đi đến tận nhà bảo sanh. Tania ra đời trong trạm y tế của Trung tâm, trên một chiếc giường bố trải một tấm vải, trong căn phòng dài tối tăm với cái cửa sổ cao có chấn song ở cuối phòng, nơi ngày bắt đầu ló dạng. Cô y tá người Guadeloupe tên Charlène và một cô gái bị giam ở đây tên Janine cùng lúc vừa làm bà mụ vừa làm nàng tiên để cúi mình xuống chiếc nôi của Tania và chào mừng khách đến.

Sau khi sinh xong, Pervenche ngủ, một giấc ngủ dài và tuyệt vời như cô chưa bao giờ được thưởng thức từ nhiều tháng nay. Cô không muốn người ta báo tin cho bất cứ ai trong gia đình cô. Nhất là mẹ cô. Vả chăng, Hélène rất bận rộn với Jean-Luc Salvatore và xưởng vẽ và gốm của bà. Giờ đây bà xa Pervenche còn hơn cả trường hợp bà ở bên kia trái đất.

Pervenche sửng sốt nhìn cái khúc thịt đỏ chói quấn trong đống vải, bấy giờ thức dậy để bú vú cô rồi ngủ vùi trong tay cô với hai tay nắm chặt. Tania có đôi mắt của mẹ, Charlène tuyên bố như thế, đôi mắt đẹp xanh một màu xanh lạ lùng. Có thể nó có nét của cha nó, nhưng chỗ này, Pervenche còn không nghĩ đến nữa. Cái sinh vật nhỏ bé này là của cô, hoàn toàn thuộc về cô, đó là vật duy nhất chưa bao giờ cô thực sự được sở hữu. Nó không như một con vật, hay như một đồ vật. Nó là một vật vị kỷ và riêng tư gắn liền với cuộc đời cô, nó cùng lúc vừa lấy đi vừa đem cho lại cuộc đời cô.

Pervenche chưa bao giờ tưởng tượng được cái gì như thế. Hai, ba ngày tiếp sau khi sinh con, cô trở lại giường của cô, trong phòng riêng ở Trung tâm, và ngay bên cạnh cô, trong chiếc nôi quá rộng, là Tania đang ngủ. Thỉnh thoảng có một cái bóng thoáng qua trên khuôn mặt nhỏ nhắn ấy, con bé nhăn mũi, và nhăn mắt, và nó làu nhàu đúng hai lần, như thế này: hin-hin. Thế là Pervenche cho nó bú. Rồi cả hai lăn ra ngủ trở lại, giấc ngủ sâu và nhẹ, và hai mẹ con bồng bềnh trên mây.

Sau này, Pervenche ra khỏi Trung tâm. Charlène kiếm cho cô một căn nhà, ở đồng quê, gần một làng có tên là Mazaugues. Một ngôi nhà chung dành cho những cô gái có con hoang, và vài cô vợ bị chồng đánh phải bỏ nhà trốn đi. Giám đốc là một người đàn bà tóc muối tiêu có tên là Rachel.

Trong nhà, có một căn phòng nhỏ ngang vườn dành cho Pervenche và Tania. Chung quanh, là một khuôn viên lớn có nhiều con thú, những con gà mái, những con ngỗng, và một con chó đen to lớn lông lá xồm xoàm mà thằng Laurent, thằng bé trai bà Rachel, thường cỡi trên lưng. Ở đây yên tĩnh, đầy tiếng cười, đầy tuổi trẻ, như thời ngày xưa ở đường Tulipanes.

Buổi sáng, khu vườn vang những tiếng băng đóng bị vỡ. Có những con ong hút mật trên những đóa hoa đầu mùa. Những con chim cổ đỏ trong các bụi cây. Đôi khi vào hừng đông, còn có cả một con họa mi đánh thức bọn con gái dậy để kể cho chúng nghe những chuyện tình.

Pervenche đã học trở lại mọi thứ, bắt đầu từ đầu. Học nói, học hát, học chia sẻ những việc bếp núc, giặt giũ áo quần cho các em bé, sơn lại những cánh cửa trong nhà. Cô lên xe theo Rachel, để đi mua các thứ ngoài chợ Brignoles. Lần đầu tiên, đến đây cô thấy như đã đến tận cùng thế giới. Đã quá lâu rồi cô không nhìn thấy các đường phố, xe cộ, những con người vội vã đi qua và nhìn mình, cô run sợ. Cô nép sát người Rachel, và bà này bảo cô: “ Nào, cô phải tập đương đầu chứ, phải mạnh dạn lên chứ!”

 

Vụ án xử đám đao phủ của cô đến gần. Một ngày nọ, Pervenche phải đi Marseille. Cô gửi Tania cho mấy cô kia, và cô lên xe đi với Rachel. Trong hành lang Tòa, khi bước ra khỏi phòng dự thẩm, cô đi ngang qua chỗ thằng Dax và bọn du côn, là Sacha, Willie. Thằng Dax nhỏ con, vàng vọt, hắn nhìn cô không một biểu lộ, có lẽ hắn còn không nhận ra cô là đàng khác. Pervenche dừng lại tim đập mạnh, tựa như mọi chuyện kia xảy ra đã từ lâu lắm, trong một đời sống khác. Giờ đây bọn chúng như những hồn ma xám xịt và buồn bã lướt dọc theo những bức tường, với chiếc còng trên cổ tay.

Laurent không ở trong số đó. Để đổi những tin tức mà hắn cho để giải thoát Pervenche, người ta đã để hắn tự do, người ta không buộc tội hắn. Hắn chỉ là một tên sinh viên xài ma túy, người ta gửi hắn đi giải độc để chữa cho hắn.

Một buổi tối, từ một buồng điện thoại ở Mazaugues, Pervenche gọi điện cho hắn ở nhà bố mẹ hắn. Hắn nói với một giọng kỳ lạ hơi bị bể. Hắn trả lời nhát gừng, như một thằng bé thất thường. Pervenche bảo hắn: “Anh biết không, bây giờ em đã có một đứa con rồi.” Im lặng một lúc, và rồi hắn nói: “Con gái tên gì thế?” Cô ghẹo hắn: “Ai bảo anh nó là con gái?” Hắn trả lời: “Thì em vẫn muốn thế, chẳng phải sao?” Hắn nói, và giọng hắn còn thấp hơn và khàn, có lẽ bởi vì đó là điều hắn nghĩ: “Em có sẽ cho anh gặp nó một chút?” Cô bảo: “Để xem sao, một ngày kia, có lẽ, em cũng chưa biết.” Cô bảo: “Được rồi, vậy thì, chào anh, em phải đi đây.” Lúc ấy cô đã nghĩ một ngày nào đó cô sẽ có thể gặp hắn.

Rachel đã bảo cô: “Nhất thiết, nhất thiết là đừng có liên lạc với hắn, đừng bao giờ gặp lại hắn, đừng bao giờ quên những gì hắn đã gây ra cho cô, đừng quên là hắn đã bán cô để trả tiền mua ma túy.” Rachel tốt bụng, thế nhưng bà hiểu gì về cuộc đời, bà biết gì về cái hố đen mà ta rơi vào, ta cứ rơi vào, và chẳng có gì chẳng có ai có thể cản được ta rơi cho đến tận khi ta xuống tới tận đáy, tuốt dưới đáy? Bà biết gì về Pervenche, về những gì trong tim cô, về cái hố đen nằm trong con người cô, và những người khác chỉ là những hoàn cảnh chứ không phải nguyên nhân của việc cô rơi xuống hố?

Cô trở về ngôi nhà ở Mazaugues trước khi đêm xuống. Cô đã đi bộ từ làng, đi một mình trên đường, giữa những vườn nho, hút một điếu thuốc, và lấy làm thú vị. Thằng bé Laurent đi qua cánh đồng cỏ xuống đón cô, vẫn ngồi vắt ngang trên lưng con chó đen to đùng. “Cô đi gặp người tình của cô chứ gì?” Rốt cuộc thằng bé ranh mãnh hơn mẹ nó. Pervenche nói: “Ừ, nhưng cháu đừng nói lại cho ai biết đấy.” Những cửa sổ trong nhà sáng lên trên nền trời xanh. Pervenche đi lên dốc đến tận cái phòng lớn nơi các cô gom các bé để giữ. Các cô làm ra một cái giống như sân đấu ở giữa, với những chiếc gối, và các em bé cuộn người lăn và đi chập chững trên đó. Tania ở đấy, nó bò giữa những đứa khác, đít để trần. Pervench cười, cô cảm thấy thoải mái.

 

Khoảng hè, Clémence đi du lịch với Paul. Đây là dịp hè đầu tiên của hai người kể từ khi họ cưới nhau. Clémence đã chọn Mễ tây cơ, tất nhiên. Đi máy bay đến tận Mễ tây cơ, quả là xa, nhưng đây chỉ là một chuyến du lịch. Nó không giống như chuyến ngày xưa cô đi với mẹ cô, khi Pervenche ở lại Ganagobie với bà nội Lauro, và hai mẹ con đã ra đi để không bao giờ trở lại.

Tất nhiên, Clémence không nhận ra gì cả. Chiếc xe buýt Michoacán chạy trên một xa lộ mới, đi qua via corta,[22] qua Querétaro, Acambaro, Morelia. Trên mui xe không có những con gá mái, cũng không có mấy bà Thổ dân ngồi chồm hổm trên lối đi. Đây là một chiếc xe buýt loại xa xỉ với những cửa kính màu nhạt, không dừng lại ở các làng. Ở thành phố Zamora, cuối đường, có những khách sạn mới với những ngôi vườn và những hồ bơi. Ở đây có cả những vụ kẹt xe.

Một chiếc taxi để hai người xuống góc đường Tulipanes. Đêm xuống, nhưng đường phố vắng bóng bọn trẻ con. Chỉ có một bà già trên ngưỡng cửa, trước căn nhà ngày xưa Chavela ở. Clémence không dám hỏi gì bà ta, bởi vì có Paul đi cùng.

Paul siết chặt tay cô, anh ta cảm động. Anh ta nói với cô: “Ngày xưa em ở đây à?” Căn nhà nhỏ của bác sĩ Perrine có vẻ như bị bỏ hoang. Khoảnh vườn trước cửa sổ phòng bếp cỏ mọc lan tràn. Pervenche tìm nhà của Pina, nơi ngày xưa ông thầy gọi ong sống. Khi cô gõ vào kính cửa, ông già đi ra. Ông gầy ốm, gương mặt hốc hác, bệnh hoạn. Clémence xưng tên mình, nhưng ông lão không còn nhớ. Vì lịch sự, ông hỏi thăm tin tức gia đình cô. Ngược lại, ông nhớ rất rõ bác sĩ Perrine. Thế còn Pina? Thế Rosalba? Carlos Quinto? Ông đưa bàn tay phác một cử chỉ mơ hồ, ông chỉ ra xa, phía bên kia những núi lửa. Bọn chúng đã đi, bọn chúng đi qua bên kia, ở Los Angeles, Californie.

Pina thì đang làm việc, dường như cô sắp lấy chồng. Carlos nay là lính. Rosalba và Maïra đi học xa. Bọn chúng chưa bao giờ trở lại. Mẹ chúng gửi ít tiền qua đường bưu điện. Bà ta lấy một thằng Mẽo, họ sống trong một ngôi nhà rộng, họ có một chiếc xe hơi mới trên xe có cả truyền hình và máy thu cassette. Ông già kể lại với giọng như có vẻ thực ra không tin chuyện ấy.

Con đường Tulipanes lạnh và ẩm, không bóng dáng trẻ con. Clémence cầm chặt tay Paul. Có vẻ như cô đã nằm mơ tất cả những chuyện ấy, đường phố buổi tối, những trò chơi của bọn trẻ, Chavela, Beto thằng chăn cừu, Pina, Maïra, Rosalba la Güera. Không phải đã sống, mà là đã mơ tất cả. Cả những tiếng la hét và những bài hát, Pervenche đưa bàn tay nhỏ bé của mình siết chặt bàn tay cô, trong khi những ngọn lửa bắn tung tóe lên vỉa hè, trước mặt bọn trẻ, và trong đêm những tia sáng quay cuồng, bay lên cao, đến với những vì sao.

 

 

--------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp "Cœur brûle", trong tập truyện diễm tình của Jean-Marie Gustave Le Clézio, Cœur brûle et autres romances, Nxb. Gallimard, Paris, 2000.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Tiếng Creole: "Khi núi cháy mọi người đều biết được / Khi trái tim cháy ai biết được?" [Nhân đây người dịch xin cám ơn Ms. Marie-Anne Sorba là người đã giúp giải thích cái “épitaphe” trên.]

[1]Jivaro: một bộ lạc Da đỏ ở Nam Mỹ (Nam Ecuador).

[2]Resurrección, Paraíso, Ensueño: Phục sinh, Thiên đường, Giấc mơ.

[3]Singe-araignée: Một giống khỉ bụng trắng.

[4]Nội dung một bài hát đối đáp trong một trò chơi trên đường phố của các trẻ em Mễ-tây-cơ, một bên là các em trai, một bên là các em gái, thường đứng chung quanh một cái chai, và mỗi lần sau một đợt đối đáp, mỗi bên xích lại gần chai hơn, trong lúc bên kia hát: Amo, ato, matarilerirelo! Nghĩa những câu hát đối đáp: (Gái) Que quire Usted? Các cậu muốn gì? (Trai) Queremos dulce, Chúng tôi muốn kẹo (Gái) Y que mas pide? Các cậu đòi gì nữa? (Trai) Nos dan un beso! Các cô cho chúng tôi một cái hôn! (Gái) Ni un hueso! Cả cục xương cũng không cho!

[5]Những người nhảy dù: Chương 5 tác giả có giải thích do đâu khu phố mang tên này.

[6]tiếng bấm máy chụp ảnh có hai nhịp - một nhịp bấm ngón tay, và một nhịp buông ngón tay.

[7]Candida albicans: nhiễm độc nấm ở vùng cơ quan sinh dục phụ nữ.

[8]al fresco: kỹ thuật vẽ trên vữa hay thạch cao tươi và ẩm, với chất màu hòa trong nước; ngược lại là al secco: kỹ thuật vẽ trên vữa hay thạch cao khô, với chất màu cần có một chất lót làm “trung gian”, như trứng chẳng hạn.

[9]El viejo Ines. Già Ines đây; A donde vas? Bà đi đâu? – A General de Gas. [Tên một tiệm bán thiết bị].

[10] Rasta: viết tắt của "Rastafari", một phong trào của người da đen ở Jamaica, phát sinh như một lối thoát cho tình trạng tinh thần bi đát và điều kiện sống bần cùng của con cháu dòng giống nô lệ Phi châu ở Tân Thế Giới. Phong trào này phát triển từ niềm tin rằng châu Phi là chiếc nôi của nhân loại, và rằng sự kiện Ras Tafari lên ngôi, lấy danh hiệu hoàng đế Haile Selassie I của xứ Ethiopia vào năm 1930 là ứng với lời tiên tri của Marcus Garvey vào năm 1920: "Hãy nhìn về châu Phi, khi một nhà vua da đen lên ngôi, thì ngày trở về của Đấng Cứu Thế đã gần kề." Haile Selassie I xưng là hậu duệ trực hệ của vua David, và là vị vua xứ Ethiopia thứ 225 tiếp nối liên tục từ thời Solomon và Sheba. Ông kêu gọi người da đen hãy hãnh diện làm người da đen và giành lại cái di sản da đen đã bị mai một vì đánh mất niềm tin và sống xa rời thiên chúa. Những người theo phong trào Rastafari chọn một cuộc sống bình lặng, ít nhu cầu vật chất và dành nhiều thì giờ cho thánh kinh. Họ từ chối thế giới của người da trắng, xem đó là thời đại Babylon mới của lòng tham và sự dối trá. Từ năm 1975 đến này, phong trào Rastafari phát triển mạnh mẽ và thu hút đến hơn 1 triệu người trên thế giới. Sự phát triển này phần lớn nhờ ở âm nhạc reggae — một phương tiện hữu hiệu để truyền bá niềm tin Rastafari — và Bob Marley (1945-1981) là cột trụ của dòng âm nhạc này. Bob Marley đã được xem như một nhà tiên tri của phong trào Rastafari. Loại nhạc reggae mang nội dung truyền bá triết lý Rastafari thường được gọi là nhạc rasta.

[11]OMS: Tổ chức Y tế Thế giới (Organisation Mondiale de la Santé).

[12]Tres Estrellas de Oro / Terminal: Ba Sao Vàng / Trạm cuối.

[13]Mowgli là nhân vật thiếu nhi sống trong rừng, xuất hiện trong truyên ngắn In the Rukh (về sau được đưa vào tập tuyển Many Inventions, 1893) của Rudyard Kipling (Bombay, 1865 - London, 1936), và sau đó còn xuất hiện trong một số truyện tưởng tượng khác của tác giả này (The Jungle Book, The Second Jungle Book - 1894-1895). Sau Kipling, nhiều tác giả viết cho thiếu nhi đã cảm hứng từ nhân vật người rừng này để viết nhiều tác phẩm khác và cũng lấy tên là Mowgli.

[14]Repelente: thuốc trừ sâu bọ như chí, rận, vân vân.

[15]la maison est bide: la maison est vide (nhà trống không); tu me pisses le pied: tu me visses le pied (mày đóng chặt chân tao)

[16]Gracias: Cám ơn.

[17]Nguyên tác: (la musique des) mariachis (de la fête): những nhạc công lang thang trên đường các làng mạc hay thành phố ở Mỹ Latinh.

[18]nguyên tác au plafond à deux eaux có thể liên hệ với toit à deux eaux (theo ý kiến một số những kiến trúc sư sống ở Canada được chúng tôi hỏi) có nghĩa là toit à deux pentes, tức mái nhà thiết kế theo kiểu có hai triền mái nghiêng (nước chảy theo hai triền ấy). Vậy khi viết plafond à deux eaux tác giả Le Clézio hẳn muốn mô tả một kiểu trần nhà thiết kế không theo chiều ngang mà theo sát mái nhà có hai triền nói trên? Người dịch mong được nhận những ý kiến chính xác hơn.

[19]Ước gì có em ở đây.

[20]Nguyên tác comptines, những bài xướng có vần điệu trong một số trò chơi trẻ con, để định xem đến lượt người nào - kiểu tương tự như nu na nu nống / cái công nằm trong...

[21]nguyên tác fusains - loại cây nhỏ có lá sáng long lanh, xuất xứ từ Nhật bản, thường được trồng trên những hàng rào.

[22]via corta bằng đường ngắn, đường tắt.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021