thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
QUÊ HƯƠNG, NGƯỜI VỀ [& âm bản]

 

Viết theo một tấm tranh dán của
Nguyễn Đăng Thường

 

 

Tấm tranh dán của Nguyễn Đăng Thường nếu thất lạc, Quê hương, người về đã không còn có lý do tồn tại. Cuốn sách này* in để tặng anh em trong nhóm Trình bầy và thân ái gửi đến Mark Frankland (London), người bạn thân thiết của Việt Nam, với lời cám ơn đã gìn giữ tranh – từ 1975... — HNB.

 

When I first discovered your River, Charity, I had the song of the world
sung into me by the map and the picture and, looking at the river, map
and picture and river were singing together the same story, of beginning
and ages, and of movement through ages towards something, towards me...
William Goyen
The House of Breath

 

But Odysseus kept turning his face to the Sun,
impatient for it to set, as he was longing to be on his way...
Homer
The Odyssey

 

I am another now and yet the same.
... The summer evening had begun to fold the world in its mysterious embrace. Far away in the west the sun was setting and the last glow of all too fleeting days lingered lovingly on sea and strand...
James Joyce
Ulysses

 

 

quê hương, người về

 

 

Người đàn ông đi trên bãi cát, phía bên phải ông là mặt biển êm đềm. Biển xanh ngắt, người ta có thể dễ dàng nhận biết như vậy, khi phân biệt mầu xanh của nước và mầu xanh của bầu trời. Ông mặc một chiếc áo trắng, hai tay áo xắn cao, nhưng vì ánh nước phản chiếu, và nhìn từ xa, người ta tưởng như chiếc áo mầu xanh nhạt. Quần ông mầu rất xậm, gần như đen, với hai ống thật rộng – có một cơn gió nhẹ nào thoảng qua, chắc hẳn hai ống quần sẽ phất phất đập vào nhau, vì ông bước những bước quá ngắn, và từ xa, người ta có thể nghe thứ âm thanh chúng gây ra, hay ít nữa cũng là tiếng dội của âm thanh đó. Tuy nhiên trời bấy giờ không mưa, không gió, không bão, và mặt biển vẫn xanh ngắt, bất động, phía bên phải ông. Bãi cát không phẳng lì, không phải vì mưa đã xoi trên mặt cát nhiều lỗ và nhiều vạch sâu cong queo, bởi vì từ mấy tháng nay – từ khi ông bắt đầu lên đường về quê hương – dường như đã không có một trận mưa rào nào, mà vì mặt nước trước khi rút xuống chắn hẳn đã có những dao động mạnh, và ở nhiều nơi cát mỏng đã bị cuốn theo những đợt sóng rút mau. Vào giờ này của ngày, người ta có thể hiểu được sự vắng ngắt trên bãi cát. Người đàn ông để lại dưới chân một cái bóng thật ngắn, phía trước mặt ông, nhưng hơi nghiêng về bên trái, bởi vì mặt trời thực ra không ở hẳn phía sau lưng ông. Tay người đàn ông cầm một chiếc gậy không dài lắm, nhưng rất mỏng, người ta có thể bảo vậy, do đó nó không để lại một cái bóng cỏn con nào trên cát, hay nói đúng hơn bóng của chiếc gậy mỏng đến nỗi nhìn từ xa, và với cái nhìn thật cố gắng, người ta không tài nào trông thấy được. Phía trước mặt ông là bãi cát, nhưng cũng có thể là mặt biển êm đềm nữa, bởi vì nhìn từ xa, người ta thấy rõ khoảng bảy trăm, tám trăm hay có thể đến chín trăm thước tây cách chỗ người đàn ông đang bước đi, đang bước đi mà vẫn như đang đứng dừng lại một chỗ trong tư thế của một người đang đi, bãi cát bỗng dưng cắt một khúc quanh thật gắt, thật nhọn, chạy qua bên phải người đàn ông – và như vậy người đàn ông chỉ cần nhếch mặt sang bên phải một tí thôi, cũng đủ thấy cả mầu xanh của mặt biển trước mặt, thay chỗ cho mầu trắng của bãi cát. Ở phía chân trời, người đàn ông có lẽ thấy, hay đoán đưọc, hay định vị trí được quê hương của mình – những mặt tiền mầu vàng nhạt và đỏ xẫm, những kiến trúc xưa, kiên cố và đồ sộ, với những bực thềm rộng và dài, những cột trụ tròn và cao, những tháp canh lớn và những cửa sổ nhỏ, những tượng người khổng lồ, trần truồng, hay gần như vậy. Người đàn ông có lẽ đang mường tượng mái nhà mình, ở phía chân trời, người vợ đang chờ đợi, mái tóc bồng bềnh, đen lóng, rũ dài xuống trên vai. Trời không mưa, không nắng, không gió, và nhìn mầu đen xậm của chiếc quần, cũng như mầu đen trên hai nửa cánh tay dưới để trần của người đàn ông, và chiếc nón nỉ mà nhìn từ xa người ta có thể tự hỏi là ông có đang đội trên đầu hay không, hay đây chỉ là một cảm tưởng riêng thôi, người ta dễ nghĩ là trời đang hết nắng, đã hết nắng. Bên trái ông, và cách những dấu chân đều đặn của ông khoảng năm hay sáu thước tây, là những đống gỗ mục chất ao, những cành nhỏ và những thân to lớn, trống bộng, bị xoi mòn, mốc meo, đen đúa, có vẻ như mềm nhũn vì đã ngâm dưới nước lâu ngày. Trên nền đen của những khúc gỗ dài ngắn không đều nhau đó người ta có thể thấy những vỏ nghêu trắng xóa lớn nhỏ không đều nhau hiện rõ, rải rác, và dường như đã làm cho chính màu đen của những khúc gỗ mục trôi giạt từ các vùng núi xa, mấy chục năm trước có lẽ, nhất là những mặt gỗ hướng ra phía ánh nắng, sáng hẳn lên, biến thành một mầu nâu thật tươi – cùng lúc mầu trắng của các vỏ nghêu cũng ngả sang một mầu vàng xậm, như đã được nướng chín. Người đàn ông chống chiếc gậy mỏng bước đi trên bãi cát tuy nhiên sẽ không nhận rõ những chi tiết đó. Bãi cát vắng ngắt? Thật ra thì không đúng hẳn vậy, bởi vì nhìn từ xa, từ rất xa, người ta cũng có thể trông thấy mù mờ bóng dáng hai người ngồi gần nhau, có lẽ là ngồi đối diện, hay gần như vậy, giữa đống gỗ mục và vỏ nghêu. Dưới ánh mặt trời dường như biến đổi rất mau, và với nền cát trắng phía sau hai bóng người kia, hay đúng hơn là phía sau nửa thân trên của hai người kia, cũng như với nền nâu xậm của những gỗ mục đen đúa và những vỏ nghêu vàng óng đã che mất phần thân dưới của họ – cái phần dưới có lẽ cũng để trần như phần trên – người ta khó mà định được mầu da của hai người. Người đàn ông có vẻ như không trông thấy họ, mặc dù cứ bước những bước đều đặn như vậy trên bãi cát, lát nữa đây ông sẽ đi tới chỗ họ ngồi, có thể sẽ đi sát bên họ, sẽ vượt qua họ. Điều này không có gì khó hiểu, bởi vì người ta biết người đàn ông đang trên đường về quê hương – những mặt tiền vàng dưới nắng, những kiến trúc đồ sộ, những hải cảng lớn tấp nập các thuyền bè, con chó thân yêu nằm trước cổng, chờ đợi. Hai người không hẳn ngồi đối diện nhau, và cách ngồi của họ làm người ta nghĩ đến một bữa ăn ngoài trời, trên bãi cỏ, hay đúng hơn là trên cát, và họ là một cặp tình nhân đã đưa nhau ra tắm biển ở đây, hoặc là một cặp vợ chồng mới cưới hay đã sống với nhau từ lâu lắm rồi, hoặc rất có thể họ chỉ là hai người đàn ông, hay hai người đàn bà, tại sao không, và cũng rất có thể họ chỉ mới quen nhau trên đường ra bãi biển chẳng hạn – khi họ đã quá chán ngấy những con đường bụi bặm đã mất dần những bóng cây trong thành phố. Tuy nhiên có một điều mà người ta có thể chắc chắn không nhầm được, là họ ngồi với nhau, không phải vì người ta nhìn thấy rõ một tay của người này đặt lên vai người kia, cũng không phải vì hai người ngồi quá gần nhau, mà vì họ ngồi gần nhau ở một chỗ quá vắng ngắt, vào giờ này của ngày, trên bãi cát rộng, và hơn thế nữa, ở ngay khoảng cách rất hẹp giữa hai người lại có một cái gì như mặt trong của một vỏ nghêu lớn, vàng rực dưới mặt trời, mà nhìn từ xa người ta có thể tưởng như một ánh lửa. Hai người chắc chắn là đang ngồi với nhau, và người đàn ông bước đi trên bãi cát, cách chỗ họ ngồi một quãng khá xa, vẫn không trông thấy họ, người ta có thể đoán, và có thể tin chắc như vậy, bởi vì ông không có một cử chỉ ngạc nhiên nào, không thay đổi một nhịp nào trong bước đi đều đặn của ông. Hai vai rộng của ông cong xuốn một cách nặng nề, mặc dù ông không có một hành lý nào trên tay, trừ chiếc gậy rất mỏng, nếu ta có thể gọi đó là hành lý. Tóc ông dường như xõa xuống quá cổ, người ta nghĩ thế thôi, bởi vì ông không thể đội một chiếc nón rộng và dài đến phủ cả hai bên tai như vậy, và một người đi xa xứ trở về, đi lâu ngày như ông đã đi, bận rộn như ông đã bận rộn, xông pha như ông đã xông pha, và nóng lòng như ông đã nóng lòng nhìn lại quê hương và gia đình, chắc hẳn sẽ không muốn và không có thì giờ bận tâm đến chuyện tóc tai. Mặt biển phía trước êm đềm, xa tắp, những chuyển động của các đợt sóng nhỏ xô vào bờ có lẽ có trải ra một dải sóng dài, nhưng nhìn từ xa, người ta chỉ có thể nhìn thấy một mầu trắng xóa cắt một vạch thẳng trên mầu xanh của nước, bởi vì mầu trắng của bọt sóng chồng lên mầu trắng của dải cát dài, và làm cả dải cát sáng hẳn lên dưới mặt trời. Xa hơn dải cát dài đó, là những đồi cây xanh mướt, rồi những rừng già, những núi non, những làng mạc, những thị trấn, những thành phố mà ông nhớ đã đi qua, từ lâu lắm, rồi đến quê hương ông – những mặt tiền vàng dưới nắng, những tháp canh lớn và những cửa sổ nhỏ, những tượng người trần truồng. Người ta không định rõ được mầu da của hai người, nhưng có thể đoan quyết là người ngồi bên phải, phía gần bờ biển, nơi mà cát đã khô hẳn, trắng và sáng hơn, ít nhất là một lớp mỏng ở trên, vì nước đã rút khỏi từ lâu lắm – một người đàn ông có lẽ, hay một người đàn bà – có một mầu da tối hơn, không phải vì người này ngồi xa cái mà người ta vẫn tưởng là ánh lửa giữa hai người, mà chính vì người kia ngồi hướng thẳng hơn về phía mặt trời, nghĩa là về phía biển. Bên kia những miền đất trong trí nhớ của người đàn ông đang chống gậy bước đi, đang bước đi mà vẫn như đang đứng dừng lại một chỗ trong tư thế của một người đang đi, là gia đình ông, là những cánh tay trần chờ đợi, là làn da thân thuộc, mùi hương êm ấm, là nhịp thở hạnh phúc trên đôi vú hồng, là mái tóc đen lóng, bồng bềnh, rũ dài xuống trên vai, cả thân mình trắng nõn cắt rõ trên nền trời xanh, tưởng như đang nằm trước mặt ông, và được phóng ra thật lớn, ở phía chân trời. Trên bãi cát mà nước đã dần dần rút ra xa lúc nào người đàn ông không hay biết, để lộ những thanh gỗ mục đen tái vì đã ngâm dưới nước lâu ngày và những mảnh nghêu nát vụn, những viên sỏi xám xanh lẫn trong lớp cát hãy còn ướt, thỉnh thoảng như có những cánh cỏ cuộn tròn chạy lăn tăn theo hướng ông bước đi, về phía hai người đang trần truồng đối diện, chạy ngang chỗ họ ngồi, vượt qua họ, rồi mất hút ở phía mà bãi cát bỗng dưng cắt một khúc quanh thật gắt, thật nhọn. Người ta không trông rõ được mầu tóc, người ta lại càng không biết được tuổi tác của người đàn ông, tuy nhiên nhìn từ sau lưng, nhìn hai vai rộng và chiếc lưng cong nặng trĩu mập mạp, cái mập của người lớn, người ta vẫn có thể đoán được ông không còn trẻ nữa. Bước đi đều đặn và không mấy nhanh của ông rốt cuộc cũng đưa ông lại gần hai người đi tắm biển, gần hơn thế thôi, và căn cứ vào cách ngồi của họ, người ta đoán họ có thể đã trông thấy ông ta, có thể họ đang nhận diệ ông, đang ngại ngùng về sự trần truồng của mình, hoặc đang bàn tán về ông. Có thể chỉ một trong hai người nhận ra được khuôn mặt đã lâu ngày không gặp của ông, và đang cố tìm cách nhắc lại cho người kia cùng nhớ, nhưng điều này không ai dám đoan quyết được, vì người đàn ông đã lên đường từ lâu lắm, từ đó chưa bao giờ có dịp được về quê hương, và với cái thời gian đằng đẵng đó ít có ai đủ trí nhớ để nhận ra kẻ mà tuổi tác đang ở vào lúc bắt đầu làm nhăn và khô da mặt – tuy nhiên, người ta lại càng không thể bảo là một trong hai người, hay cả hai người, đã không nhận ra người đàn ông vì làn da khô và nhăn trên khuôn mặt ông. Nhưng cũng có thể vì mải bàn tán về các thay đổi quá mau trong đời sống ở thành phố của họ, họ không trông thấy ông ta đi tới, mỗi lúc một gần hơn, có thể vì mải nghĩ đến một cơn mưa lớn biết đâu sẽ dội xuống trên bãi cát này, đột ngột đến nỗi họ sẽ không kịp chạy lại chỗ áo quần để thu dọn, vì mải lo âu về thời tiết và những hoàn cảnh khó khăn của riêng mỗi người trong những tuần, những tháng sắp tới, họ không có thì giờ để tâm đến bất cứ một sự hiện diện nào trên bờ biển. Trời bây giờ không mưa, không gió, không bão.

 

 

Bãi cát vắng tanh, ngoài khơi không một bóng dáng thuyền bè, không một cánh buồm. Biển xám ngắt, người ta có thể dễ dàng nhận biết như vậy, khi phân biệt mầu xám của nước và mầu xám của bầu trời. Dưới làn mưa bụi lất phất, hai người song song từ dưới nước bước lên, run rẩy, một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn ông bước nhanh hơn người đàn bà, hơi quay lại nghiêm nét mặt hỏi:

– Thật thế sao?

– Em nghe họ nói đúng như vậy, ông ta ở nhà có một đêm thôi, rồi lại ra đi, vào lúc rạng đông. Suốt đêm đó, nhiều người đã trông thấy có ánh đèn nơi cửa sổ phòng hai ông bà, và những người nhà sáng hôm sau ra chợ quả quyết là hai người đã nói chuyện với nhau suốt đêm.

Người đàn bà thản nhiên trả lời. Trên bãi cát, những cánh cỏ cuộn tròn đã bắt đầu thấm nước mưa, nằm lẫn giữa những mảnh nghêu nát vụn và những viên sỏi xám xanh.

 

Saigon, 1971.

 

 

quê hương, người về

âm bản

 

Tặng Nguyễn Đăng Thường,
nhớ những đường phố London

 

Thế là anh lại lên đường, lần này là lên đường trở về. Nhưng trở về đâu? Chiếc cầu chênh vênh nối hai bờ giờ đây không phải dễ qua lại. Những năm tháng ở bờ bên này, cũng có thể gọi là bờ bên kia, anh đã đứng như một người tập đứng trước giông bão. Lửa của một mái nhà, của những bàn tay, những ánh mắt, lửa của những người chung quanh, lửa của cả những người đã đi xa, của âm thanh và màu sắc, của những cái có và không có, lửa của một thời lãng mạn kéo dài hóa ra không làm ấm nổi một nỗi nhớ khác thường, xa lạ nhưng lúc nào cũng phải thân ái gọi tên là nhớ: một chuyến phiêu lưu chưa hề có. Chuyến phiêu lưu Ulysse của anh, mơ ước và hi vọng thời trẻ tuổi, đầu hôm sớm mai, thoắt một cái, đã trở thành huyễn hoặc, mất cả hình thù, vóc dáng, kích thước, màu sắc, góc cạnh – có chăng chỉ là trong tưởng tượng, trong những giấc mơ giữa ban ngày, khi anh tản bộ trên những đại lộ cũ nay đã mang tên mới, những mặt tiền đã đổi chữ và đổi màu, những nhà hàng ngổn ngang bàn ghế, vắng ngắt, những tường rào không phải đâu cũng còn nguyên vẹn, những con đường vạch thẳng giữa hai hàng cây sao lác đác những hàng quán lộ thiên, ngơ ngác..., khi anh đứng bên này sông nhìn qua cái lùm cây xanh ngắt chạy dài đến tận chân trời nhuốm đầy bụi đỏ bên kia sông, lấp lánh dưới nắng những mái nhà lợp tôn chen lẫn giữa chằng chịt những đường dây điện, toàn bộ nhìn từ xa trông rối loạn như cái còn lại của một tấm bản đồ thấm nước lâu ngày, nay đã khô quánh, nhạt nhòa, cứng đơ, nhăn mhúm, không còn nhận ra được một vị trí, một tên gọi.

Những năm tháng ở bờ bên kia, cũng có thể gọi là bờ bên này, anh cũng đã đứng như thế, như một người tập đứng trước giông bão. Lửa của một mái nhà, của những bàn tay, những ánh mắt, lửa của những người chung quanh, lửa của cả những người đã đi xa, của âm thanh và màu sắc, của những cái có và không có, lửa của thời hậu lãng mạn hóa ra cũng không làm ấm nổi một nỗi nhớ khác thường, xa lạ nhưng lúc nào cũng phải thân ái gọi tên là nhớ: một chuyến phiêu lưu trở về nguồn cội.

Giữa bên này và bên kia, mênh mông, là biển. Biển ngày đêm.

Có những sáng mai biển đỏ như trái tim, sóng vỗ từng nhịp rõ ràng, đều đặn, như có một bàn tay âm nhạc tự nguyện điều khiển, giữ cho nhịp tim kia sống đời sống nhấp nhô có thật, bờ nước màu cam thẫm xô ra rồi lại dạt vào, biển bấy giờ gần như anh em, như mái nhà, như ngọn đèn, như hàng hiên, như bữa cơm chiều, như cánh cửa sổ mở mắt ra là đã thấy – với ta như đã trở thành là một. Có những sáng mai biển thủy mạc như tranh, sóng vỗ từng nhịp rõ ràng, đều đặn, như dưới chiếc đũa của một nhạc trưởng vô hình, biển bấy giờ mênh mông như mơ ước của con người, cao xa như một ảnh tượng, một viễn ảnh, một ảo ảnh, một không-ảnh – không ngọn gió nào cắt ngang cái nền xanh thẳm ấy mà không để lại ít nhiều hiện tượng đổi màu của một làn chớp trữ tình. Có những chiều cái nền vàng nóng sôi sục kia bắt lửa, sóng lướt đi trên những bánh xe cuống cuồng tán loạn như trên một bãi chiến trường, không ngọn gió nào cắt ngang cái nền vàng lửa dữ dội ấy có thể rung chuyển được những đợt sóng có khi làm mặt biển dựng đứng như một bức tường thành thẳng góc với một chân trời trong tưởng tượng, và vạch một đường dài bọt tung trắng xóa. Đêm, giữa bên này & bên kia là một màn đen sâu thẳm, những bọt biển trắng li ti lúc ẩn lúc hiện, từ xa, chấm lên cái nền ma quái kia những bột kim tuyến màu bạc, gió vẽ ra những nếp gấp song song lấp lánh, uốn luợn, gập ghềnh, biển bấy giờ là nỗi sợ, là nỗi khổ, là cơn điên, là sự đọa đày quen thuộc đến như không thể thiếu trong mỗi đời người, ôm vào lòng thì nặng trĩu sức nóng rát người, buông ra thì bỗng thấy hơi lạnh nghiệt ngã của cõi chết, của hư vô.

Trở về. Trên những đường phố sầm uất bên này, hay bên kia, vẫn anh bước đi như một người khách trọ, chỗ lui tới mỗi lần tuy nhiên vẫn là chỗ quê nhà, những góc đường, những hàng quán, những trạm xăng, những người qua lại không quen biết, những tiếng thở, những tiếng nói lạ...

Lưu đày, hay quê nhà? Không có lưu đày cũng không có quê nhà: tất cả đều là chỗ trọ. Ovid có từng rung cảm cái rung cảm ấy khi loanh quanh bên bờ Biển Đen, và cũng trên những vùng đất ấy sau đó, có Pushkin... Và Bạch Cư Dị thời thoái ẩn – trích biếm ra làm Tư mã Giang Châu, rồi viết nên Tỳ bà hành... Rồi đến Brodsky, những ngày làm thơ ở Cực Bắc, hay trên khu phố Morton Street, Greenwich Village... Chỗ trọ, ấy là ngọn đèn vàng ấm áp đầu giường mỗi đêm soi rõ những tờ kinh còn lại của đời người, là chỗ ta đặt lưng xuống mỗi cuối ngày, thở cái hơi thở dành được của cuộc sống, phiêu lưu vào những bến bờ của mơ ước, uống từng giọt tự do, không ràng buộc, từng giọt cô đơn – không thấy có, không thường có ngay trên chỗ đất người ta quen có cái ý nghĩ xa xỉ phải gọi là quê nhà...

Trở về. Trên những đường phố sầm uất bên này, hay bên kia, vẫn anh ngồi trầm ngâm nhớ lại lịch sử của đời mình, trước một tách cà phê đã nguội đi từ bao giờ, bóng những lá cây nhảy nhót trên mặt bàn vẽ hư ảo những hình thù Escher xen kẽ biến hóa tài tình, vẫn anh với ngọn lửa trăm năm không bao giờ tắt nhưng trong cái trí nhớ đã hao mòn mỗi ngày vẫn cố vẽ lại một cuộc hẹn chờ mãi không ai đến, một buổi chiều tĩnh mịch ngồi ở vườn sau im lặng nghe lá rụng từng chiếc, tàn nhẫn như những lưỡi dao âm thầm cắt ngang đời sống, một con đường bình minh dài hun hút với cái vòm đỏ rực loãng đi trên nền trời xanh lam lạnh buốt, trong cái trí nhớ đã hao mòn ấy thường hiện ra hình ảnh nhạt nhòa những ngõ ngách chiến tranh, những đoàn xe đen lạnh lùng đi qua thành phố trong buổi rạng đông, những cái chết bờ bụi đó đây... Sự cần thiết phải trở về? Sau cái màn đen sâu thẳm kia của biển, hỏi có còn hoa trái mùa màng để người gặt hái, có còn những bến sông để qua lại thuyền bè, có còn một sân nhà hay một bờ dậu dưới trăng cho trí nhớ, có còn những hành lang cho ta phiêu lưu? Và ngọn lửa kia, trăm năm, có một lần thực sự cháy?

 

 

Thế là tôi lại lên đường. Thế là tôi lại lặp lại những công việc, những diễn tiến quen thuộc, những buổi mai sáng thức dậy sớm, uống một vài chung trà từ biệt, nói năm ba câu dặn dò không thực sự cần thiết, một phần hẳn là để tiếp nối câu chuyện của đêm trắng vừa qua, phần khác là làm nhẹ bớt những giờ phút chia tay, nói mà như không nói, bởi lẽ đó có thể chỉ là những điều không thực sự cần thiết phải nói, hay chỉ là những phần lời cất lên chỉ để đệm cho những động tác chuẩn bị khăn gói của mình: thêm vào túi xách vài ba chiếc khăn tắm, bớt những bàn chải đánh răng vân vân...

Cái cảm giác nhẹ nhàng mà đầy ắp nặng trĩu kia có dính dáng gì đến sự buồn? Không hẳn thế. Tôi chỉ đang cảm thấy, như mọi lần, mình đang hay đã ở tận cùng của một cái gì, một cái gì tôi không định nghĩa, không định hình...

 

Salt Lake City, 10.2000.

 

-----------------------------
* Quê hương, người về, Hoàng Ngọc Biên & Nguyễn Đăng Thường, Nhà xuất bản Trình bầy, tủ sách Nhân & Dân, 2001 - tập trung Quê hương, người về, đoản văn viết theo một tấm tranh dán của Nguyễn Đăng Thường, đăng lần đầu tiên trên tạp chí Trình bầy ở Saigon, năm 1971, và Quê hương, người về - âm bản viết ở thành phố Salt Lake City, Hoa kỳ, năm 1998-2000. Bìa: tranh dán của Nguyễn Đăng Thường. Nguyễn Hồng trình bày bìa và các trang phụ bản, được thực hiện từ tranh dán trên.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021