thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đen là màu ưa thích của tôi
(Phạm Viêm Phương dịch)

 

       Bernard Malamud (1914-1986) là nhà văn chuyên viết về cuộc sống của lưu dân Do Thái trên đất Mỹ.
       Là dân gốc Do Thái, Malamud học ở City College of New York và Đại học Columbia. Mấy tiểu thuyết của ông là The Natural ('Kẻ có tài bẩm sinh', 1952) viết về một cầu thủ bóng rổ có những năng lực kỳ bí; The Assistant ('Người phụ tá', 1957) viết về một tay du đãng và ông già Do Thái bán tạp phẩm; The Fixer ('Kẻ dàn xếp', 1966) đoạt giải Pulitzer; The Tenants ('Những kẻ ở thuê', 1971); Dubin’s Lives ('Những cuộc đời của Dubin', 1979) và God’s Grace ('Ơn Chúa', 1982).
       Ông rất xuất sắc với truyện ngắn. Mấy tập nổi tiếng của ông là The Magic Barrel ('Chiếc thùng mầu nhiệm', 1958) và Idiot First ('Ưu tiên bọn ngốc, 1963 – trong đó có truyện ngắn được giới thiệu ở đây). Ngôn ngữ truyện ngắn của ông cô đọng, giàu cảm xúc và ẩn dụ, có nụ cười nhưng buồn bã. Truyện ngắn của ông thường có những bối cảnh thành phố u ám bỗng xảy ra những sự kiện diệu kỳ và những người nghèo khổ chợt thoáng thấy bóng dáng tình yêu và lòng nhân ái.

 

Charity Sweetness ngồi trong phòng vệ sinh ăn hai quả trứng luộc kỹ của bà ta trong khi tôi ăn sandwich thịt heo và uống cà phê trong bếp. Chuyện nó là thế nhưng đừng có nghĩ tới những khu biệt cư. Nếu có một khu biệt cư thì tôi là một kẻ trong đó. Bà ta là người lau dọn nhà cửa cho tôi do Cha Divine gửi tới và bà đến căn hộ ba phòng bé tí của tôi mỗi tuần một lần vào ngày tôi nghỉ bán ở cửa hàng rượu. “Yên bình,” bà ấy nói với tôi, “Chúa Cha sẽ đưa tay xuống và mang tôi thẳng lên trời.” Bà ta là người nhỏ thó với tấm thân mập mạp, mái tóc xoăn tít, và một khuôn mặt lặng lẽ có tỏa ra ánh sáng, và Mẹ cũng có đôi mắt như thế trước khi chết. Lần đầu Charity Sweetness đến để lau chùi, cách đây hơn một năm rưỡi, tôi đã sai lầm khi bảo bà ngồi xuống bàn trong nhà bếp với tôi và ăn bữa trưa của bà. Tôi vẫn không cảm thấy thèm muốn gì sau khi Ornita bỏ đi nhưng tôi – Nat Lime, bốn mươi bốn, độc thân, có một mảng hói ở phía sau đầu ngày càng lan rộng, và tôi có thể sụt thẳng thừng bảy tám ký - là loại đàn ông thích bầu bạn chừng nào còn có được. Nên bà ta luộc hai quả trứng và ngồi xuống và cắn một miếng nhỏ vào một trong hai quả. Nhưng chốc lát sau bà thôi nhai và đứng lên và mang trứng còn đựng trong tách vào phòng tắm, và kể từ đó bà ta ăn trong đó. Hơn một lần tôi đã bảo bà ta, “Được rồi, Charity Sweetness, cứ sinh hoạt theo kiểu của bà, ăn trứng trong bếp một mình còn tôi sẽ ăn khi bà ăn xong,” nhưng bà ta cười ngu ngơ, và ăn trong phòng vệ sinh. Đó là số phận của tôi với những người da màu.

Tuy đen là màu tôi ưa thích nhưng bạn sẽ không biết điều đó qua cơ ngơi của tôi ngoại trừ những mẩu chút đỉnh cho dù tôi kiếm ăn ngon lành trong cửa hàng bán rượu ở Harlem, trên đại lộ Tám đoạn giữa phố 110 và 111. Tôi nói nghiêm túc đấy. Phần lớn cuộc đời tôi là có giao dịch với dân da đen, chủ yếu là chuyện làm ăn nhưng đôi khi cũng vì những lý do thân hữu với tình cảm thực sự ở cả hai bên. Tôi bị hút về phía họ. Đến chừng tuổi này tôi hẳn phải có một hai người bạn tốt dân da màu nhưng lỗi ấy không nhất thiết là ở phía tôi. Phải chi họ biết trái tim tôi có gì hướng về họ, nhưng ngày nay làm sao bạn kể lể điều đó với bất cứ ai được? Hơn một lần tôi đã cố thử nhưng ngôn ngữ của trái tim hoặc là một thứ ngôn ngữ chết hoặc không ai khác hiểu nó theo kiểu bạn nói ra. Ít ai lắm. Điều tôi muốn nói là, với riêng bản thân tôi thì chỉ có một màu cho con người và đó là màu của máu. Tôi thích một người da đen nếu không phải vì anh ta đen, thì bởi vì tôi trắng. Nó cũng đi đến cùng một điều thôi. Nếu tôi không trắng thì lựa chọn đầu tiên của tôi sẽ là đen. Tôi thấy thỏa mãn việc mình là da trắng vì tôi không có lựa chọn nào khác. Dù sao, tôi có con mắt thẩm mỹ đối với màu sắc. Tôi đánh giá cao điều đó. Có ai muốn mọi người phải như nhau đâu? Có lẽ điều đó giống như một kiểu tài năng. Nat Lime có thể là tay buôn bán rượu ở Harlem, nhưng có lần trong rừng rậm New Guinea hồi Thế chiến hai, tôi đã nảy ra ý nghĩ khi tôi bắn một một tên lính Nhật đang chạy và hụt, rằng tôi có một loại tài năng nào đó, tuy có thể đó là loại mà ở đó thỉnh thoảng bạn có một ý tưởng ly kỳ nhưng rồi sau cùng thì chúng đi tới đâu? Rốt cuộc, đây là một thế giới kỳ cục.

Chuyện Charity Sweetness ăn trứng ở chỗ nào khiến tôi nghĩ về Buster Wilson khi chúng tôi còn là những thằng nhóc ở khu Williamsburg bên Brooklyn. Có một dãy phố dài gồm những ngôi nhà sườn gỗ xập xệ nằm giữa một khu da trắng không hung bạo lắm và đầy những xe đẩy bán rong. Những ngôi nhà của người da đen trong mắt tôi cứ như họ đã sinh ra và chết ở đó, chết không lâu sau khi thế gian này hình thành. Tôi sống ở phố kế cận. Cha tôi là thợ cắt vải mà cả hai tay đều bị viêm khớp, những khớp ngón đỏ lừ và các ngón tay sưng vù nên ông không cắt được, và mẹ tôi là người đi làm. Bà bán túi giấy bằng một cái xe đẩy cũ trên đường Ellery. Chúng tôi không chết đói nhưng chả ai được ăn thịt gà trừ khi chúng tôi bệnh hoặc con gà bệnh. Đó là lần đầu tôi làm quen với cả đống người da đen và tôi thường quanh quẩn trong khu phố nghèo của họ. Tôi nghĩ mình đã nghĩ, những người anh em, nếu có thể giống như vậy, thì cái gì mà không thể có được? Tôi muốn nói là tôi đã nẩy sinh ý tưởng ban đầu về chuyện cuộc sống là thế nào. Dù sao tôi đã gặp Buster Wilson ở đó. Nó thường chơi bi một mình. Tôi ngồi trên lề bên kia đường, nhìn nó bắn cục bi này bằng tay trái rồi cục khác bằng tay phải. Tay nào thắng thì lấy cục bi. Như thế cũng không ra một cuộc chơi lắm nhưng nó không rủ tôi qua chơi. Ý của tôi là muốn thân thiện, có điều nó không bao giờ khuyến khích chuyện đó, nó còn cản trở nữa kìa. Tại sao tôi chọn nó làm bạn? Có lẽ vì lúc đó tôi chẳng có đứa nào khác, chúng tôi là ma mới ở khu này, từ Manhattan dọn về. Tôi cũng thích mẫu người của nó nữa. Buster làm mọi chuyện một mình. Nó là đứa gầy gò và các quần áo thằng anh nó để lại mặc trên người nó trông như những cái bao đựng khoai đã tả tơi. Nó là đứa cao lỏng khỏng, khoảng mười hai, còn tôi lúc đó mười tuổi. Tay chân nó như những que diêm đã cháy. Nó lúc nào cũng mặc một cái áo len cổ lọ màu nâu, một tay áo đã sổ tưa ra, tay bên kia dài được tới cổ tay. Cái đầu dài mà hẹp của nó có một đường phân ngôi trắng toát chạy thẳng qua mớ tóc ngắn xoăn tít, có lẽ vạch bằng một cái thước, do ba nó làm, ông ấy là thợ hớt tóc nhưng quá say xỉn không làm hớt tóc nổi. Hồi đó tuy tôi còn nhỏ nhưng cũng đủ lớn để biết ai sống thoải mái hơn, và cả khu phố các ngôi nhà da đen này lúc ban ngày khiến tôi thấy nản. Nhưng có lúc rảnh là tôi tới đó vì con đường đó rất náo nhiệt. Ban đêm nó trông khác hẳn, thật khó nhận rõ một người bị tật chân trong bóng tối. Đôi khi tôi sợ phải đi ngang qua những căn nhà đó khi chúng im lìm và tối om. Tôi sợ rằng có người đang nhìn tôi mà tôi không thấy được họ. Khi họ có liên hoan ban đêm và ai cũng vui chơi đã đời thì tôi thích hơn. Những nhạc công chơi đàn banjo, kèn saxo và những ngôi nhà rung lên với tiếng nhạc và tiếng cười. Những cô gái, với quần áo đẹp đẽ và dải băng trên tóc, khiến tôi nghẹn cả họng khi thấy họ qua những khung cửa sổ.

Nhưng đi kèm với liên hoan là nhậu say và đánh lộn. Chủ nhật là ngày tồi tệ sau những cuộc liên hoan tối thứ Bảy. Tôi nhớ có lần ba của Buster, cũng cao và lỏng khỏng, lúc nào cũng đội một cái nón Homburg bẩn thỉu màu xám, rượt đuổi một ông da đen khác trên đường phố với một cây đục phân rưỡi. Ông kia, có lẽ cao thước sáu, tuột mất giày và khi họ vật lộn dưới đất ông ta đã bị chảy máu thấm qua áo, một vệt máu đỏ sệt vấy trên lề đường. Tôi cứ thấy máu là hoảng hồn và muốn đổ nó trở vào cho ông kia đang bị chảy máu vì cái đục. Lần khác ba của Buster đang chơi súc sắc với hai viên súc sắc đỏ lớn, ở cuối một con hẻm giữa hai ngôi nhà. Rồi có khoảng sáu người bắt đầu đấm đá nhau, và họ chạy ra khỏi ngõ hẻm và đấm nhau trên phố. Các hàng xóm, kể cả trẻ con, bước ra và xem, mọi người đều sợ nhưng chẳng ai động đậy làm chuyện gì cả. Tôi cũng thấy chuyện như vậy gần cửa hàng của tôi ở Harlem, nhiều năm trước, một đám đông lớn đứng xem hai người đánh nhau trên phố, hơi thở của họ lởn vởn trong không khí trong một đêm mùa đông, giết hại nhau bằng những con dao bấm, nhưng chẳng có ai đi kêu cảnh sát cả. Tôi cũng không luôn. Dù sao, tôi cũng chỉ là một thằng nhóc nhưng tôi vẫn nhớ cảnh bọn cớm tới bằng xe cây và giải tán đám đánh lộn bằng cách quất dùi cui vào bất cứ ai họ có thể quất được. Đó là những ngày trước khi LaGuardia lên làm thị trưởng New York. Hầu hết những người đánh nhau đều bị đập quay lơ, chỉ một hai người chạy thoát được. Ba của Buster tung chạy vào nhà ông nhưng một tay cớm đuổi theo và quất cây dùi cui trúng ngay cái nón Homburg của ông ta, ngay trước hiên nhà. Rồi những ông da đen bị bọn cớm khiêng lên, một gã xách hai tay và gã khác xách hai chân, rồi ném họ lên xe cây. Ba của Buster bị ném trúng bửng sau xe và rơi xuống, cái mũi ông chảy máu đỏ lòm, nằm đè lên ba người khác. Bản thân tôi không chịu được cảnh ấy, tôi thấy sợ tất cả loài người nên tôi chạy về nhà, nhưng tôi vẫn nhớ Buster đang đứng đó xem với đôi mắt chẳng biểu lộ gì cả. Tôi trộm thêm mười lăm xu trong ví mẹ tôi và chạy trở lại đó và hỏi Buster rằng nó có muốn đi xem phim không. Tôi sẽ bao. Nó nói ừ. Đó là lần đầu tiên nó nói chuyện với tôi.

Thế là chúng tôi đi xem phim nhiều lần. Nhưng chúng tôi chẳng bao giờ thành bạn bè. Có lẽ bởi vì đó là đề nghị từ một phía – tôi đề nghị với nó. Chuyện đó bao gồm luôn những lần rủ nó đi chơi với tôi, tiền xem phim của (mẹ) tôi, những thỏi sôcôla Hershey, những lát dưa hấu, và cả những cuốn truyện tranh Nick Carter và Merriwell mà tôi đã bỏ hàng giờ để lục tìm trong các cửa hàng đồ cũ, và thứ đó nó chẳng bao giờ trả lại tôi cả. Có lần nó cho tôi vào trong nhà nó kiếm một que diêm để chúng tôi hút mấy mẩu tàn thuốc tụi tôi nhặt được, nhưng ngôi nhà nặng mùi quá, không thể chịu được, tôi muốn chết cho đến khi ra khỏi được nhà nó. Món tôi thấy được coi là đồ đạc thì tôi sẽ không nhắc tới – những món tốt nhất thì cũng đang rã ra từng mảnh. Có lẽ chúng tôi đã đi xem phim với nhau được năm hay sáu suất buổi sáng trong mùa xuân đó và trong mùa hè, nhưng khi xem xong nó thường đi bộ về nhà một mình.

“Sao mày không đợi tao, Buster?” tôi hỏi. “Mình về cùng đường mà.”

Nhưng nó cứ đi tới và không thèm nghe tôi. Dù cách nào thì nó cũng không trả lời.

Ngày nọ lúc tôi không hề ngờ tới nó đã đấm vào răng tôi. Tôi muốn phát khóc nhưng không khóc vì đau quá. Tôi nhổ máu ra và nói, “Sao mày đánh tao vậy? Tao đã làm gì mày?”

“Vì mày là đồ Do Thái chó đẻ. Giữ lấy những phim Do Thái của mày với kẹo Do Thái của mày mà nhét vào cái đít Do Thái của mày đó.”

Rồi nó chạy mất.

Tôi thầm nghĩ làm sao tôi biết trước đợc là nó không thích phim. Khi lớn tôi nghĩ, bạn không thể cưỡng bách chuyện đó được.

Nhiều năm sau, lúc ở đỉnh cao của đời mình, tôi gặp Ornita Harris. Nàng đang đứng một mình che dù ở trạm xe buýt, tuyến băng qua đường 110, và tôi nhặt lên một cái găng tay xanh mà nàng đánh rơi trên lề đường ướt mưa. Lúc đó là cuối tháng Mười một. Trước khi tôi kịp hỏi nó có phải của nàng không, thì nàng đã giật lấy cái găng trên tay tôi, xếp dù lại và bước lên xe buýt. Tôi lên liền sau lưng nàng.

Tôi thấy khó chịu nên tôi nói, “Xin cô thứ lỗi, thưa cô, đâu có luật nào buộc cô phải nói cám ơn, nhưng ít nhất cũng đừng làm như tôi là tội phạm vậy.”

Ôi, tôi xin lỗi,” nàng nói, “nhưng tôi không thích người da trắng gia ơn cho tôi cái gì đó.”

Tôi khẽ nghiêng vành nón và chỉ thế thôi. Mười phút sau tôi rời xe buýt nhưng nàng cũng đã biến mất.

Ai mà trông gặp lại nàng nhưng tôi thì có đấy. Nàng vào cửa hàng của tôi khoảng một tuần sau đó để mua một chai whisky.

“Tôi sẽ dành cho cô một khoản chiết khấu,” tôi bảo nàng, “nhưng tôi biết cô không thích cái kiểu gia ơn nào đó và tôi muốn một cái tát vào mặt đâu.”

Thế là nàng nhận ra tôi và có vẻ hơi bối rối.

“Xin lỗi đã hiểu nhầm ông bữa nọ.”

“Nhầm lẫn vẫn xảy ra như thế.”

Kết quả là nàng chịu nhận khoản chiết khấu. Tôi bớt cho nàng một đô la.

Khoảng hai tuần một lần nàng thường đến để mua một chai Haig and Haig ba xị. Đôi khi tôi phục vụ nàng, đôi khi là mấy đứa phụ việc của tôi, Jimmy hoặc Mason, cũng dân da đen, nhưng tôi bảo dành cho nàng khoản chiết khấu. Cả hai đứa đều nhìn tôi nhưng tôi chẳng có gì phải mắc cỡ. Vào mùa xuân khi nàng tới chúng tôi thường chuyện trò chút đỉnh. Nàng là một phụ nữ thon thả, đen nhưng không thuộc loại đen nhất, tôi độ chừng ba mươi tuổi, và thân hình khỏe mạnh, có nét hài hòa giữa cặp giò đẹp và một bộ ngực đầy đặn mà tôi thích. Khuôn mặt nàng đẹp, với đôi mắt to và gò má cao, nhưng môi hơi dầy và mũi hơi to. Đôi khi nàng không thấy thích nói chuyện, chỉ trả tiền chai rượu trừ bớt phần chiết khấu, rồi đi ra. Đôi mắt nàng mệt mỏi và tôi thấy nàng trông không có vẻ là một phụ nữ hạnh phúc.

Tôi tìm biết được rằng chồng nàng từng là thợ lau cửa kính cho các tòa cao ốc, nhưng một ngày nọ dây lưng an toàn của anh ta bị đứt và anh ta rớt từ tầng mười lăm xuống. Sau đám tang nàng xin được chân làm móng tay trong một tiệm hớt tóc ở Quảng trường Times. Tôi bảo nàng rằng tôi còn độc thân và sống với mẹ tôi trong một căn hộ ba phòng trên đường West 83 gần Broadway. Mẹ tôi bị ung thư, và Ornita nói nàng rất tiếc về chuyện đó.

Một đêm tháng Bảy nọ chúng tôi đi chơi với nhau. Chuyện xảy ra thế nào thì đến giờ tôi vẫn không rõ được. Tôi đoán mình đã hỏi nàng và nàng không từ chối. Bạn biết đi đâu với một phụ nữ da đen bây giờ? Chúng tôi đến Greenwich Village. Chúng tôi ăn một bữa tối ngon lành và đi dạo trong công viên Washington Square. Đó là một đêm nóng nực. Không ai ngạc nhiên khi thấy chúng tôi, không ai nhìn chúng tôi cứ như chúng tôi vi phạm luật pháp. Nếu họ nhìn, có lẽ họ thấy bộ đồ nhẹ tôi mới mua hôm trước và mảng hói láng bóng của tôi khi chúng tôi đi dưới ánh đèn, và cũng thấy nàng đẹp làm cho so với một người thuộc loại như tôi. Chúng tôi vào một rạp hát trên phố West Eighth. Tôi không muốn vào xem nhưng nàng bảo có nghe nói về bộ phim này. Chúng tôi vào rạp như những người lạ và ra về như những người lạ. Tôi tự hỏi trong đầu nàng nghĩ gì và tôi tự nhủ, cho dù trong đầu nàng có cái gì thì đó cũng không phải một tay da trắng nào đó tôi biết. Suốt đêm dài chúng tôi đi chung như bị trói vào nhau. Sau khi xem phim nàng không cho tôi đưa nàng về Harlem. Khi tôi đưa nàng vào một chiếc taxi nàng hỏi, “Sao mình tốn công vậy?”

Vì món thịt chiên, tôi muốn nói thế. Thay vào đó tôi đáp, “Em đáng để tốn công.”

“Dù sao cũng cám ơn.”

Ôi trời, tôi thầm nhủ sau khi chiếc taxi đã chạy đi, mày đã hiểu ra tình hình thế nào rồi đó, bây giờ tốt nhất là quên nàng đi.

Chuyện đó nói thì dễ. Tháng Tám chúng tôi đi chơi với nhau lần thứ nhì. Đó là đêm nàng mặc bộ váy đỏ tía và tôi thầm nghĩ, Chúa ơn, cái màu tuyệt làm sao. Ai vẽ bức tranh đó thì đã vẽ được một tuyệt tác. Mọi người nhìn chúng tôi nhưng tôi thấy sung sướng. Đêm đó khi nàng cởi bộ váy ấy ra là trong một căn phòng mà tôi đã biết khôn đi thuê sẵn mấy ngày trước đó. Với bà mẹ bệnh hoạn, tôi không thể rủ nàng về căn hộ của tôi, và nàng không muốn tôi về nhà với nàng nơi nàng sống chung với gia đình người em trai trên phố West 115 gần đại lộ Lenox. Bên dưới cái váy đỏ tía nàng mặc váy lót đen, và khi nàng cởi nó ra nàng lại có đồ lót trắng. Khi nàng cởi đồ lót trắng ra thì nàng đen trở lại. Nhưng tôi biết phần trắng kế đó nằm ở đâu, nếu bạn muốn gọi đó là trắng. Và đó là đêm tôi nghĩ mình đã yêu nàng, lần đầu tiên trong đời tuy tôi đã từng thích một hai cô xinh xắn tôi thường đi chung hồi còn là một cậu trai. Đây là một đề nghị nghiêm túc. Tôi là loại người khi nghĩ về tình yêu là tôi nghĩ tới hôn nhân. Tôi chắc đó là lý do khiến tôi cứ độc thân.

Cũng tuần đó tôi bị cướp ở cửa hàng, hai tay to tướng – đều da đen – với súng lục. Một tên kích động khi tôi giật tung hộc đựng tiền mặt cho y lấy tiền và y đã cầm súng đập ngang lỗ tai tôi. Tôi nằm bệnh viện mấy tuần. Ngoài ra tôi đã được bảo hiểm cả. Ornita có đến thăm tôi. Nàng ngồi trên một cai ghế không nói chuyện gì nhiều. Sau cùng tôi thấy nàng không được thoải mái nên tôi gợi ý nàng nên về nhà đi.

“Em rất tiếc chuyện đã xảy ra,” nàng nói.

“Đừng ăn nói cứ như đó là lỗi của em vậy.”

Khi tôi xuất viện thì mẹ tôi đã mất. Bà là một con người kỳ diệu. Cha tôi mất khi tôi mười ba và một mình bà giữ cho cả nhà sống còn và bên nhau. Tôi ngồi lỳ một tuần và nhớ lại cảnh bà bán bao giấy trên xe đẩy. Tôi nhớ lại cuộc đời bà và những gì bà đã dạy tôi. Nathan, bà nói, nếu có lúc nào con quên mình là người Do Thái thì một kẻ không Do Thái sẽ giúp con nhớ. Mẹ ơi, tôi nói, hãy an tâm về chuyện này. Nhưng nếu con làm chuyện gì mẹ không thích, thì hãy nhớ, trên thế gian này thì mọi chuyện khó khăn hơn chỗ của mẹ hiện nay. Rồi khi tuần lễ chịu tang của tôi kết thúc, một tối nọ tôi nói, “Ornita, mình cưới nhau đi. Chúng ta đều là những người chân thực và nếu em yêu tôi như tôi yêu em thì cuộc sống không tồi tệ vậy đâu. Nếu em không ưa New York, tôi sẽ bán chỗ này và mình dọn tới một chỗ khác. Có thể tới San Francisco nơi chẳng ai biết mình. Tôi có ở đó một tuần hồi Thế chiến hai và tôi thấy người da trắng với người da màu vẫn sống với nhau.”

“Nat,” nàng đáp, “Em thích anh nhưng em sợ. Chồng em sẽ giết em.”

“Chồng em chết rồi mà.”

“Nhưng chưa chết trong ký ức của em.”

“Nếu vậy thì tôi sẽ chờ.”

“Anh có biết nó sẽ ra sao không… ý em muốn nói cuộc sống mà mình có thể mong đợi?”

“Ornita,” tôi nói, “Tôi là loại đàn ông, nếu hắn chọn lối sống của riêng hắn thì hắn thỏa mãn.”

“Còn con cái thì sao? Anh mong có những đứa da lốm đốm mang nửa dòng máu Do Thái hả?”

“Tôi mong có con.”

“Em không thể,” nàng nói.

Không thể thì không thể. Tôi hiểu nàng sợ hãi và cách tốt nhất là đừng thúc ép. Đôi lúc khi chúng tôi gặp nhau nàng bồn chồn đến nỗi chúng tôi có làm gì nàng cũng không thấy vui thú. Trong lúc đó tôi vẫn nghĩ mình có một cơ hội. Chúng tôi ngày càng thường xuyên bên nhau. Tôi không mướn căn phòng nọ nữa và nàng đến căn hộ của tôi – tôi đem cho cái giường của mẹ và mua một cái giường mới. Nàng ở lại với tôi suốt ngày vào những Chủ nhật. Khi nàng không bồn chồn thì nàng rất ân cần, và nếu tôi biết tình yêu là gì thì tôi đã có nó. Chúng tôi đi chơi loanh quanh mỗi tuần một đôi lần, cũng vẫn theo lệ cũ – thường tôi gặp nàng ở Quảng trường Times và cho nàng về bằng taxi, nhưng tôi nói nhiều hơn về đám cưới và nàng ngày càng ít bác bỏ chuyện đó. Một đêm nọ nàng bảo tôi là nàng vẫn cố thuyết phục mình nhưng nàng gần như đã tin tưởng. Tôi cho kiểm kho cửa hàng rượu của mình để có thể rao bán nó.

Ornita biết tôi đang làm gì. Một ngày nọ nàng bỏ chỗ làm, ngày kế nàng xin nhận lại. Nàng cũng đi xa một tuần thăm bà chị ở Philadelphia để nghỉ ngơi chút đỉnh. Nàng trở về trông mệt mỏi nhưng bảo rằng có thể. Có thể thì có thể nên tôi sẽ đợi. Cái kiểu nàng nói thì đã gần với đồng ý hơn. Đó là mùa đông hai năm trước. Khi nàng ở Philadelphia tôi ghé thăm một người bạn thời quân ngũ, nay đang làm kế toán, và tôi bảo với hắn là tôi rất mừng nếu được lời mời tới chơi buổi tối. Hắn hiểu tại sao. Vợ hắn đồng ý ngay. Khi Ornita trở về chúng tôi đã tới đó chơi. Bà vợ làm một bữa tối tuyệt vời. Quả là một buổi tối không tồi và họ bảo chúng tôi cứ ghé chơi. Ornita uống vài ly. Nàng trông thư giãn, tuyệt diệu. Sau đó, vì một vụ đình công hăm bốn tiếng của giới taxi nên tôi phải đưa nàng về bằng xe điện ngầm. Khi chúng tôi tới ga lên phố 116 nàng bảo tôi cứ ở trong xe điện, và nàng sẽ đi bộ vài dãy phố về nhà. Tôi không muốn để một phụ nữ đi bộ một mình trên đường phố vào giờ giấc thế này. Nàng bảo nàng chưa từng gặp rắc rối gì nhưng tôi cứ nhất định là không được. Tôi bảo tôi sẽ đi cùng nàng tới chân cầu thang và khi nàng lên thang tôi sẽ trở lại xe điện.

Trên đường tới đó, ở phố 115, ngay quãng giữa dãy nhà trước khi tới dãy Lenox, chúng tôi bị ba tên chặn lại – có lẽ chúng là những thanh niên. Một thằng đội mũ đen vành hẹp, một đứa mũ xanh bằng vải, và đứa thứ ba đội mũ da màu đen. Thằng mũ xanh mặc áo chẽn ngắn còn hai đứa kia mặc áo khoác dài. Chỗ đó ngay chân cột đèn đường nhưng thằng mũ da bật lưỡi dao bấm cỡ tấc rưỡi ra ngay giữa ánh đèn.

“Em làm gì với thằng chó đẻ da trắng này?” nó nói với Ornita.

“Tôi đang lo công chuyện của tôi,” nàng đáp, “và tôi mong anh cũng làm như thế.”

“Các cậu,” tôi nói, “Mình là anh em mà. Tôi là một thương gia lương thiện ở khu này. Còn qúi cô đây là bạn thân của tôi. Chúng tôi không muốn rắc rối. Để chúng tôi qua đi.”

“Mày ăn nói cứ như tên Do Thái chủ nhà trọ vậy,” thằng mũ xanh nói. “Năm chục đô một tuần cho một phòng đơn.”

“Không tính tiền bọn chuột,” thằng nón vành hẹp nói.

“Tin tôi đi, tôi đâu phải chủ nhà cho thuê. Cửa hàng của tôi là “Tiệm rượu Nathan” giữa đường Một Trăm Mười và Trăm Mười Một. Tôi cũng có hai nhân viên da đen đó, Mason với Jimmy, và tụi nó sẽ làm chứng với các anh là tôi trả lương ngon lành cũng như dành chiết khấu cho một số khách hàng.”

“Câm đi, đồ Do Thái,” thằng mũ da nói, và nó quơ quơ lưỡi dao trước nút áo khoác của tôi. “Không có con đĩ ngựa đen nào cho mày cả.”

“Ăn nói về qúi cô này đàng hoàng một chút đi mà.”

Tôi lãnh ngay một cái tát vào mặt.

“Không có qúi cô mẹ gì cả,” thằng mũ vành hẹp mặt dài nói, “nó là đĩ đen. Nó đáng bị cạo sạch đầu tóc. Mày muốn cạo sạch đầu kiểu nào, con đĩ đen kia?”

“Làm ơn để tôi với qúi ông đây yên nếu không tôi gào ầm lên bây giờ. Mấy căn nữa là tới nhà tôi đó.”

Chúng tát tai nàng. Và tôi chưa từng nghe một tiếng gào nào như thế. Cứ như chồng nàng đang rớt từ tầng mười lăm xuống.

Tôi đấm cái thằng tát nàng và kế đó tôi thấy mình nằm lăn dưới rãnh nước với cái đầu đau điếng. Tôi nghĩ, vĩnh biệt thôi, Nat, chắc chắn chúng sẽ đâm mình, nhưng chúng chỉ tước cái ví của tôi và bỏ chạy ba thằng ba hướng.

Ornita đi cùng tôi trở xuống xe điện ngầm và nàng không cho tôi tiễn nàng về nữa.

“Cố về nhà an toàn.”

Trông nàng rầu kinh khủng. Khuôn mặt nàng xám xịt và tôi vẫn nhớ tiếng gào của nàng. Đó là một đêm mùa đông khủng khiếp, tháng Hai cực lạnh, và mất một tiếng mười phút tôi mới về tới nhà. Tôi thấy rầu vì đã rời nàng như thế nhưng tôi biết làm gì được?

Đêm hôm sau chúng tôi hẹn nhau ở trung tâm thành phố nhưng nàng không đến, lần đầu tiên.

Sáng hôm sau tôi ghé chỗ nàng làm việc.

“Chúa ơi, Ornita, nếu mình lấy nhau và dọn đi chỗ khác mình sẽ không gặp thứ rắc rối như bữa trước. Chúng ta sẽ không tới cái khu đó nữa.”

“Không, chúng ta vẫn tới. Em có gia đình ở đó và không muốn dọn tới bất kỳ chỗ nào khác. Sự thực của chuyện này là ở chỗ em không thể lấy anh, Nat ạ. Em có đủ rắc rối của mình rồi.”

“Tôi có thể biết chắc em yêu tôi.”

“Có lẽ là thế nhưng em không thể lấy anh.”

“Lạy Chúa, tại sao vậy?”

“Em có đủ rắc rối của mình rồi.”

Tối đó tôi đi taxi tới nhà người em của nàng để tìm nàng. Anh ta là một người đàn ông lặng lẽ với ria mép mỏng. “Chị ấy đi rồi,” anh ta nói, “đi thăm dài ngày mấy người bà con ở miền nam. Chị ấy dặn nói với anh chị ấy rất qúi những dự định của anh nhưng không tin rằng nó sẽ có kết quả tốt.”

“Cám ơn nhiều,” tôi nói.

Đừng hỏi tôi đã về nhà bằng cách nào.

Một lần trên đường số Tám, cách cửa hàng của tôi vài dãy phố, tôi thấy một người mù với cây gậy trắng gõ gõ trên lề đường. Tôi nghĩ mình đang đi cùng đường nên tôi cầm lấy tay ông ta.

“Tôi biết chắc anh người da trắng,” ông ta nói.

Một bà da đen phục phịch với một cái túi mua hàng đầy ứ vội vã bước theo chúng tôi.

“Khỏi phiền,” bà ta nói, “Tôi biết ông này sống ở đâu mà.”

Bà ta lấy vai hất tôi ra và chân tôi va trụ nước cứu hỏa đau điếng.

Chuyện là như vậy đấy. Tôi trải lòng mình ra và họ đá vào răng tôi.

“Charity Sweetness… nghe tôi không? Ra khỏi cái cầu tiêu mắc dịch đó đi!”

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021