thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bốn người dở hơi ở phường Đoàn Kết

 

Định gọi là bốn người điên nhưng nghĩ lại e không chính xác. Thật ra, trong bốn người chỉ một người điên thật, có chữ “tâm thần” được ghi trong bệnh án, ba người còn lại không có bệnh án nên không thể khẳng định. Phải nói rào nói đón bởi vì người điên ít ai lại thừa nhận mình điên, thậm chí mười người điên thì cả mười đều khẳng định mình bình thường! Ông Trần Định, người có bệnh án vừa được xuất viện từ bệnh viện tâm thần Trung ương suốt ngày ngồi ngẫm nghĩ rồi ghi ghi chép chép. Cuốn sổ tay chi chít chữ, những hàng chữ đều li ti. Ai bảo điên không biết viết! Mà viết có nội dung hẳn hoi. “Hôm qua, ăn hết nửa ổ bánh mì, nửa còn lại cho chó chó không ăn, cho gà gà cũng lại không ăn nên nhặt vào cất trong tủ.” “Mấy đêm nay không mưa nhưng đã ngửi thấy hơi nước trong gió, bảy ngày nữa sẽ có một trận mưa to.” Nói thêm, ông Định chính là chủ nhà, chồng của người vợ dở hơi và hai thằng con dở hơi. Bốn người dở hơi trong một ngôi nhà. Nhà thuộc diện hộ nghèo, được nhà nước công nhận và cấp sổ đàng hoàng. Đó là hộ nghèo độc nhất của phường Đoàn Kết thuộc thành phố Y, tỉnh X. Nhưng nguồn sống của họ không phải do sổ hộ nghèo đem lại mà do khoảnh sân mặt tiền cho người ta thuê bán bún.

Đối với phường Đoàn Kết, hộ ông Định chính là mối bận lòng sâu sắc nhất. Nằm giữa thành phố đang ăn nên làm ra phơi phới mà có một hộ gia đình thuộc diện nghèo đói không thể xoá, thật khó nghĩ! Bao nhiêu lần vận động gia đình giải toả ngôi nhà họ đang ở để xây dựng Nhà truyền thống của phường nhưng cả bốn thành viên đều phản đối. Có tiền đền bù gửi ngân hàng, đi nơi khác ở, thoát nghèo ngay, thế mà không chịu – cán bộ phường hậm hực – đúng là lũ tâm thần!

Bao nhiêu lần trao quà vì người nghèo, bao nhiêu lần cho tiền xoá đói, thế mà vẫn cứ nghèo! Cán bộ phường ấm ức: “Cơm đâu cho đầy bụng chó, lúa đâu cho đầy bụng gà”!

Vợ ông Định suốt ngày ngồi đuổi ruồi trước quán. Lẽ ra chỉ cho người ta thuê đất lầy tiền là được rồi, đằng này còn chạy vô chạy ra suốt ngày cầm cái quạt đi đập ruồi. Đập xong gom lại một chỗ, chiều bắt đầu đếm. Có ngày đếm được một nghìn chín trăm lẻ bảy con! Khiếp, hàng quán gì mà toàn ruồi! Vậy mà vẫn đông khách ăn, người ăn tranh với ruồi. Hai người con trai nuôi chung một con vẹt. Người anh bảo, ta nuôi chung để đến tết làm thịt. Người em cãi, không làm thịt đâu, nuôi mãi khi nào nó chết thì chôn. Ngày nào cũng cãi nhau từng đó. Con vẹt biết nói, nói giỏi. Anh hỏi: “Mày muốn chết được làm thịt hay đem chôn?” Vẹt nói: “Làm thịt, làm thịt...” Anh nói: “Thấy chưa.” Em hỏi: “Mày muốn chết đem chôn hay làm thịt?” Vẹt nói: “Chôn thịt, chôn thịt...” Em nói: “Thấy chưa.” Thế là lại cãi nhau.

Tuy thế, nhưng đến bữa cơm, dù chỉ một nồi cháo nhỏ, cả nhà cũng trải chiếu đặt mâm ra mời nhau đàng hoàng. Anh nói: “Con mời bố mẹ dùng cơm.” Em nói: “Con mời bố mẹ, mời anh dùng cơm.” Có tí thức ăn, bố nhường mẹ, mẹ nhường con, cảm động lắm! Nhưng ăn xong, bố lại mở sổ ghi, mẹ đi bắt ruồi, anh em lại cãi nhau về con vẹt.

Đoàn từ thiện của nhà doanh nghiệp ghé qua cho tiền, cùng đi có cả cán bộ phường. Cán bộ phường lại tranh thủ vận động: “Thôi, phường đã rất rất ưu tiên, gia đình ta cũng phải có nghĩa vụ với phường, nhận tiền đền bù đi nhé!” Cả bốn người đồng thanh: “Không đi đâu hết!”

Thấy hai anh em cãi nhau buồn cười quá, nhà doanh nghiệp hỏi: “Sao không kiếm việc gì làm vừa có tiền vừa đỡ buồn?” Người anh hỏi lại: “Có tiền thì để làm gì?” Người em nói: “Đi làm thì nhà để ai canh?” Con vẹt lẻo mép xen vào: “Thằng kia đểu lắm!” Cán bộ phường giận tái mặt, quát: “Mày nói ai đểu?” Vẹt nói: “Mày nói ai đểu?”

Sáng ngày kia, khi ngủ dậy, hai anh em phát hiện bị mất con vẹt. Hai anh em ôm nhau khóc. Anh bảo: “Em ở nhà với bố mẹ, anh đi tìm nó.” Em bảo: “Để em đi tìm, anh ở nhà kẻo bố mẹ lại buồn.” Lại cãi nhau bất phân thắng bại. Cuối cùng, không ai nhường ai, cùng đi tìm. Bố dặn: “Không tìm thấy thì thôi, về kiếm con khác nuôi.” Mẹ dặn: “Tìm đâu thì tìm, chiều nhớ về ăn cơm.” Hai anh em đội nón đi tìm vẹt. Không hẹn mà gặp, cả hai đều đến nhà cán bộ phường cùng một lúc. Hôm đó vào chủ nhật, cán bộ phường đi uống cà phê, vợ cán bộ ra hỏi: “Hai chú tìm gì?” “Tìm vẹt, vẹt ơi!”, cả hai đồng thanh gọi to. Từ trong nhà, có tiếng đáp lại: “Vẹt ơi, vẹt ơi.” Anh bảo em: “Đúng con vẹt nhà mình ở đây rồi.” Hai anh em đạp cửa xông vào, chạy tuốt ra sau vườn lấy lại con vẹt bị trộm. Vợ cán bộ hét to: “Tụi mày định ăn cướp á?” Con chó nhà cán bộ sủa gâu gâu. Anh xách lồng chạy ra cổng, em chặn hậu cầm gậy vụt một phát vào mõm chó. Hàng phố ùn ùn kéo đến xem thì hai anh em đã chạy tuốt về nhà mình.

Bố hỏi: “Tìm thấy ở nhà cán bộ phường đúng không?” Mẹ hỏi: “Tìm thấy ở nhà cán bộ phường chứ gì?” Hai anh em há miệng: “Sao bố mẹ biết được?” Bố nói: “Từ ngày mai hai đứa mày phải vào bệnh viện tâm thần!” Mẹ cũng nhắc lại: “Đúng thế.” Thế là ngày mai, có giấy của công an phường Đoàn Kết gửi xuống: “Yêu cầu ông Trần Định chấp hành giấy triệu tập của địa phương, đưa hai người con là Trần Biêu và Trần Tình bị bệnh tâm thần vào bệnh viện để chữa trị.” Con vẹt hét toáng: “Làm thịt, làm thịt...”

Ông Định cầm giấy triệu tập lên phường nói: “Được rồi, tôi xin chấp nhận giải toả để về quê.” Cán bộ phường nói: “Ồ, à, thế thì quá tốt, quá tốt” và không nhắc đến chuyện triệu tập chữa bệnh nữa.

Cuối năm đó, gia đình ông Trần Định khăn gói về quê.

Từ đó, phường Đoàn Kết không còn hộ nghèo nữa.

Chỗ nhà ông Định bây giờ là Nhà truyền thống của phường Đoàn Kết.

 

 

------------

Đã đăng:

Ảo ảnh  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi nhìn kỹ nó. Thì ra nó rất giống tôi. Đôi mắt bơ phờ, cái miệng rộng ngoác, cánh tay dài nghều ngào, quần áo nhàu nhĩ. Nó nằm ngủ cạnh tôi ngon lành. Lại chép miệng nữa, sao mà giống tôi đến thế. Tôi lờ mờ nhận ra, hình như nó chính là tôi thì phải. Có lẽ thế. Mà cũng không phải. Tôi hỏi nó, nhưng nó không nói, lại cười cười và vật vờ bay... (...)
 
... Thế là tôi đã đuổi được đám mây, xua đi nỗi u ám bủa vây khu vườn. Nhưng kể từ đó, tôi mắc phải một hội chứng lạ. Thỉnh thoảng đang đi trên đường tôi lại muốn bay lên, nhưng không bay được, thành ra vừa đi vừa nhảy choi choi kiểu kăng-gu-ru, đến là khổ! Lũ trẻ trong xóm đi theo rồng rắn đồng thanh hét vang: “Một hai ba bay lên! Bay lên nào, em bay lên nào...” Thế mà tôi vẫn không tài nào bay được... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021