thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hiện diện tại đây là vợ chồng Maple
(Phạm Viêm Phương dịch)

 

     John Updike (1932~) Nhà văn với lối miêu tả hiện thực nhưng tinh tế về cuộc sống của giới trung lưu, tỉnh lẻ và theo đạo Tin lành ở Mỹ. Updike khởi nghiệp với nghề báo, làm cho tờ The New Yorker, và in cuốn tiểu thuyết đầu tiên năm 1958. Bộ tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là về nhân vật Rabbit, gồm Rabbit, Run (1960; “Chạy đi, Rabbit”), Rabbit Redux (1971; “Rabbit trở lại”), Rabbit Is Rich (1981; “Rabbit giàu rồi”) và Rabbit at Rest (1990; “Rabbit an nghỉ”). Ngoài ra ông còn viết nhiều tập truyện ngắn, làm thơ, viết biên khảo và hồi ký.
     Truyện ngắn dưới đây rút từ tập Problems and Other Stories (1979; “Các vấn đề và những truyện ngắn khác”).

 

Họ từng là một đôi may mắn, và cũng chính nhờ sự may mắn của họ mà, khi họ sau cùng cũng quyết định chia tay, cộng đồng Thanh giáo họ sống trong đó đã bổ sung một tu chính li dị không-xét-lỗi vào cho bộ luật ly dị đã quá sáo mòn và cọc cạch của cộng đồng. Theo điều khoản của nó, họ phải nộp một chứng thư chung. Chứng thư này ghi “Hiện diện tại đây là Richard F. và Joan R. Maple, xác quyết, và chịu trách nhiệm nếu có khai gian, rằng hiện có một sự sụp đổ không cứu vãn được trong cuộc hôn nhân của họ.” Với Richard, khi đọc mẫu chứng thư đó trong căn hộ của mình ở Boston, lời lẽ đó gợi lên hình ảnh anh và Joan tay trong tay phơi phới đi vào một buổi liên hoan trong khi người giữ cửa mặc đồng phục đỏm dáng hô vang tên của họ giữa vô vàn hoa giấy rơi và bọt sâm banh phun bắn trong phòng. Suốt nhiều năm trong cuộc sống hôn nhân, họ đã cùng đi dự vô số các cuộc liên hoan, và bao giờ cũng với một ít hào hứng, một ít hi vọng, một ít chờ đợi một điều gì may mắn sẽ xảy ra.

Kèm theo chứng thư là đủ thứ biểu mẫu tài chánh và một đơn xin cấp bản sao giấy hôn thú. Tuy họ từng sống ở New York và London, trên nhiều hòn đảo và nông trại, và có một mùa hè họ còn sống trong một căn chòi gỗ thô, nhưng họ đã lấy nhau tại một nơi chỉ cách chỗ Richard đang đứng đọc mấy thứ giấy tờ ấy vài trạm xe điện ngầm. Anh chưa từng trở lại Toà thị chính Cambridge ấy kể từ buổi sáng anh nhận giấy hôn thú ở đó, buổi sáng họ làm lễ cưới. Bố mẹ anh đã lái xe chở anh đến đây từ cái khách sạn xa lộ ở Connecticut nơi họ đã ngủ qua đêm sau khi khởi hành từ Tây Virginia; họ dậy từ sáu giờ để có thể tới nơi kịp lúc và trong gần hết lộ trình anh đã trùm áo khoác lên đầu, hi vọng sẽ ngủ lại được. Trong ký ức bây giờ, anh có vẻ như một sinh vật biển không xương nằm dưới tấm chụp như thân con sứa của chiếc áo khoác, trồi lên một cách trơ trọi dọc theo bờ biển khi không khí ngày càng nóng hơn. Đó là tháng sáu, và mọi thứ bốc hơi. Đến gần trưa, khi họ đến Cambridge, và kéo lê thân xác cùng những hộp đựng trang phục cưới lên bốn tầng lầu, đến căn hộ của Joan trên phố Avon, thì cô dâu đang tắm. Richard không thể nhớ còn có ai nữa trong căn hộ lúc đó; ký ức của anh về bữa đó thật lõm bõm –những vệt rõ nét trên một tấm giấy thấm ẩm màu xám. Ngày đó chẳng thấy bầu trời chẳng thấy mây, chỉ một đám mù mờ những vạt nắng không bóng râm phủ lấy những toà nhà gạch trên phố Brattle, và những đỉnh nhọn của Harvard, và những chiếc xe dềnh dàng nằm nung trên mặt đường tráng nhựa. Lúc đó anh hăm mốt, Eisenhower là tổng thống và cô dâu thì ở sau khung của đóng, hô lên rằng anh không được vào, nếu anh gặp cô lúc đó sẽ là xui xẻo lắm. Ai đó đang ở trong đấy với cô, cười rúc rích và té nước rào rào. Ai vậy? Chị, hay mẹ cô ấy? Richard đứng tựa vào cửa buồng tắm, và nghe tiếng ba mẹ anh đang lên cầu thang phía sau anh, họ thở mạnh nhưng vẫn trò chuyện, và mường tượng hình ảnh Joan trong bồn tắm, những ngón chân cô màu hồng, những lọn tóc ở cổ nằm ép sát da, bộ ngực cô bồng bềnh đầy xà bông và trơn tuột. Rồi mẩu ký ức ấy khô sạch, và trong một mẩu khác lại thấy anh và cô ta bên nhau trên xe bị vướng vào một chỗ tắc nghẽn giao thông giữa trưa nắng chập chờn ở quảng trường Central Square. Cô mặc cái váy mùa hè bằng vải bạc màu; anh chú mục vào dòng xe cộ để giảm thiểu chuyện xui xẻo vì nhìn cô trước khi làm lễ. Những cặp khác, lúc đó anh nghĩ, hẳn đã thu xếp mọi giấy tờ đâu vào đó ít nhất là hai tiếng trước khi làm lễ cưới. Nhưng hồi đó, dĩ nhiên những chú rể khác đã chẳng ngồi xe tới nơi làm lễ cưới với áo khoác trùm lên đầu như đứa trẻ trốn mưa bão. Tay trong tay, nhỏ bé hơn Hansen và Gretel trong trí tưởng của anh, họ chạy lên những bậc thang dẫn vào lối cổng vòm màu nâu nhạt và khuất dạng.

* * *

Toà thị chính Cambridge, trong một xã hội đầy đổi thay, đã không thay đổi. Toà lâu đài chạy hình cung thời Richardson, sa thạch đỏ và hoa cương hồng, đứng lù lù như một gã khổng lồ dịu dàng giữa đám hàng xóm nhạt nhẽo của nó. Nội thất bằng gỗ sồi đánh vẹcni, màu nhạt và sáng nhờ nhờ. Richard có vẻ nhớ ra mình đã nhận giấy tờ ở một ô cửa sổ lưới có biển đồng ghi chữ ở tầng dưới nhưng một mũi tên trên tấm bìa cứng lại chỉ anh lên tầng trên. Đầu gối anh run và bao tử nhộn nhạo trước sự lớn lao của cái việc anh đang làm. Anh rẽ ở một góc hành lang. Một phụ nữ ra dáng bà ngoại ngự bề thế trong một cõi rộng thênh và uể oải gồm những bàn phủ vải xanh và những cuốn sổ lớn trên các kệ thép. “Tôi muốn xin một b-bản sao hôn thú có được không ạ?”

“Năm?”

“Bà bảo sao ạ?”

“Anh làm hôn thú năm nào?”

“1954.” Đọc rõ từng số thì cái năm ấy nghe xa vời như một vì sao, vậy mà anh lại có mặt ở đây, chẳng thấy già đi một phút nào, và vẫn đổ mồ hôi trong cái nóng mùa hè như thế. Tuy nhiên, bà kia, sau khi ghi lại họ tên và ngày tháng, đã phải bỏ anh ở đó đi sang một gian phòng khác chứa giấy tờ, thực tình thì sự vụ anh muốn giải quyết đây quả là xa xôi.

Bà ta trở lại với dáng khập khiễng mà lúc nãy anh không nhận thấy. Cuốn sổ bà vác theo, khi mở ra, thì rộng tới cả thước, như pho sách của một tay phù thủy. Bà cẩn thận lật những trang giấy mênh mông, như thể khoảng trống của quãng đời đã mất và thời gian đã qua biểu hiện trên những trang giấy có thể vụt một cái chồm lên nuốt chửng cả hai người. Bà này hẳn đã từng có mái tóc hung đỏ rực rỡ, nhưng giờ nó đã hóa vàng cạch, cứng thành những lọn uốn cố định, vô hồn như tờ giấy khô queo. Bà ta mỉm cười, một nụ cười nhẹ thành nếp. “À, đây rồi.”, bà ta nói.

Và Richard có thể đọc thấy, theo phía ngược lại, trên một đường mực đỏ dài, tên của anh và của Joan thời con gái. Nghề nghiệp của cô được ghi là “Giáo viên” (cô từng giáo giáo viên tập sự môn mỹ thuật, anh đã quên chiếc áo choàng xanh lốm đốm sơn của cô, cái mùi đất sét ở những ngón tay của cô, cái kiểu cô đạp xe đi làm ngay cả trong những ngày lạnh nhất), rồi khoản của anh, kém cỏi hơn, ghi “Sinh viên”. Rồi địa chỉ của họ trong đó làm anh ngạc nhiên, chúng không giống nhau –gian tiền sảnh trên phố Avon, lối vào toà nhà Lowell, những cánh cửa bị lãng quên mở ra đoạn hành lang của những địa chỉ dùng chung trải dài suốt từ đó đến nay. Chữ ký của họ – anh không chịu được chuyện ngắm nghía các chữ ký của họ, cho dù nhìn ngược từ trên xuống. Liếc qua là thấy, chữ ký của Joan trông vững chãi, và xanh đậm hơn. “Anh muốn một hay nhiều bản?”

“Một chắc là đủ.”

Mẫn cán như thể chưa từng làm việc này hàng ngàn lần trước đây, người phụ nữ tóc đỏ ngày xưa, vuốt thẳng tờ giấy và liên tục chấm mực cho cây viết cổ lỗ, ngồi chép lại những chi tiết vào một mẫu chứng nhận.

Còn đọng lại gì về ngày đám cưới ấy? Chỉ có vài hình ảnh, Richard nhớ lại. Một người em họ của Joan đã sắp xếp những nhân vật chính dự lễ cưới trên hè phố trước nhà thờ, mọi người tụ tập quanh đồng hồ đậu xe. Cây đồng hồ, một đại diện mảnh mai ánh bạc của chính quyền thành phố, chiếm vị trí danh dự giữa nhóm người, với cái đầu nhỏ hẹp và cái lưỡi đỏ tía. Giống cây đồng hồ, chàng rể cũng gầy gò. Anh chớp mắt ngay khi máy ảnh bấm, nên khuôn mặt anh gợi tới mặt nạ xác chết. Tư thế của cô dâu, vừa căng thẳng vừa duyên dáng, trông có gì giống như một vũ viên, bàn chân quay ra ngoài trên mặt gạch lát nóng; cô có vẻ như sắp kéo tấm váy cưới lên và làm một động tác múa xoay vòng. Cha mẹ hai bên, chưa biến hẳn thành ông bà nội ngoại, trông mờ nhạt trong cảnh này, chìm khuất trong vùng sáng chói, rộng lượng và ngô nghê như những viên đá của toà nhà trong đó Richard đang trả ba đô la lệ phí cho tờ bản sao, tờ phản-chứng nhận của anh.

Còn một hình ảnh nữa thì được một người bạn sinh viên ghi nhận lại, anh này đã chở họ đến khu nhà hưởng tuần trăng mật tại một thị trấn ven biển cách Cambridge một giờ chạy xe về phía nam. Một bộ đồ chơi bóng vồ được bỏ lại trước cửa, và Richard, vào một trong trò biểu diễn mà anh đã tập làm để che giấu tâm trạng bất an, đã nhặt lấy ba trái banh và bắt đầu trò tung hứng. Anh bạn sinh viên, có lẽ cũng bồn chồn, đã bấm máy ngay lúc đó; và trái banh đỏ cứ ở vị trí lơ lửng mãi như thế, mờ nhoà, trong màu hổ phách của của ánh ngày đang tàn, trong khi ánh vàng và xanh trên hai tay Richard và trên khuôn mặt anh chăm chú nhìn lên trong một vẻ hoan lạc.

“Tôi còn có một chuyện nữa,” anh nói khi bà thư ký đóng cuốn sổ to đùng lại và chuẩn bị vác đi.

“Cái gì vậy?” bà ấy hỏi.

“Tôi cần công chứng một chứng thư.”

“Việc đó không thuộc phận sự của phòng này. Xuống tầng một, rẽ phía trái khi ra khỏi thang máy, hay rẽ phải nếu đi cầu thang. Đi cầu thang thì lẹ hơn, nếu như anh muốn hỏi ý tôi về chuyện đó.”

Anh theo những chỉ dẫn của bà và tìm ra một bà da đen còn trẻ ngồi sau một cái bàn bằng sắt đặt đầy những chiếc khung vàng chóe gắn các hình ảnh về sự trung thành và đoàn kết và ổn định, về các con cái và cha mẹ, về một cậu trai da nâu trông nghiêm trang trong bộ quân phục cũng màu nâu, về một gia đình đang cười toe toét bên bờ một cái hồ; còn có cả ảnh chụp một căn nhà – một căn nhà nông trại nho nhỏ bình thường ở đâu đó, với một bãi cỏ xanh. Bà ta đọc chứng thư của Richard mà không bình luận gì. Anh cố nén nỗi nôn nóng muốn nói xin lỗi với bà ta. Bà ta yêu cầu cho xem bằng lái và so khuôn mặt anh với tấm ảnh trong đó. Bà đưa cho anh một cây viết và đóng một cái dấu không thể hủy ngang bên cạnh chữ ký của anh. Trái banh đỏ vẫn cứ lơ lửng trong không khí, đâu đó trong chiếc hộp đựng những tấm phim đèn chiếu mà anh sẽ chẳng bao giờ xem lại, và cái im lặng sáng sủa của ngôi nhà hưởng tuần trăng mật nơi họ được bỏ lại một mình thì vẫn di chuyển, một đầu đạn chứa im lặng, thoát ra hướng về các vì sao; nhưng điều khiến Richard ưu phiền hơn, nhăn cả mặt mày khi anh bước từ khung cửa vòm màu nâu ra ánh chói chang của mùa hè, là một chi tiết chưa tròn của hôm lễ cưới. Trong nỗi bối rối, mụ mẫm, hoang mang về cái con người mặc toàn trắng run rẩy bên cạnh anh trước bàn thờ, ở mép bờ ý thức của anh như một đường cầu vồng trong cõi sương mù, anh đã quên kết thúc những lời thề hứa bằng một nụ hôn. Joan đã liếc nhìn qua anh, mỉm cười, chờ đợi; anh đã mỉm cười đáp lại, không nhớ ra. Giây phút ấy trôi qua, và họ vội vàng đi ra giữa hai hàng ghế như bây giờ anh đang vội vàng bước, bối rối ngượng ngùng, xuống những bậc thềm của Toà thị chính, tới mặt đường và xuống đường xe điện ngầm.

* * *

Khi chiếc xe điện ngầm thong dong lao vào bóng tối thì anh đọc về các sức mạnh của tự nhiên. Một trích đoạn nghiên cứu đã được gửi đến anh qua bưu điện, trong cùng chuyến với tờ chứng thư. Trước thời sống ly thân, hẳn anh đã quẳng nó đi chẳng thèm nhìn lại, nhưng bây giờ, khi từ từ nhiễm thói lập dị của một ông già Boston, anh đã đọc mọi thứ vớ vẩn người ta gửi tới, thậm chí còn dừng lại trong ngõ hẻm để nhặt lên một mẩu nhật báo và đọc qua xem có chân lý gì không. Như thế, anh đọc, từ năm 1935 người ta đã biết rằng thế giới tự nhiên được điều khiển bởi bốn lực, xếp theo thứ tự cường độ tăng dần là lực hút, lực yếu, lực điện từ, và lực mạnh. Vừa đọc, anh vừa thấy mình nghiêng về các lực yếu; anh đồng hóa với chúng. Sức hút trái đất, tuy chẳng quan trọng ở tầm vi mô, khởi sựï tác động các vật thể ở độ lớn hàng trăm cây số, như các vì tinh tú; nó giữ yên vị cho mặt trăng, trái đất, hệ mặt trời, các vì sao, các chùm sao trong các dải ngân hà và chính bản thân các dải ngân hà nữa. Với Richard, điều đó giống như một đội thể thao kiên cường bị áp đảo ngay lúc bắt đầu cuộc thi đấu và hiện đang xông lên giành chiến thắng trong giây phút cuối cùng; lòng anh thầm hoan hô chúng. Chiếc xe điện ngầm dừng lại ở ga Kendall, và anh nhớ lại chuyện vài ngày sau đám cưới, anh và Joan, như một đôi vợ chồng, đã đón chuyến xe lửa lên phía bắc qua ngả New Hampshire thế nào, để nhận công việc trong mùa hè mà họ đã ký kết. Tuyến xe lửa, lâu nay đã ngừng hoạt động, đã chạy quanh co lên phía bắc, dọc theo những con sông mải miết trôi và bị bẩn thỉu đi vì những trại cưa, tiến vào những núi đồi lúc nào cũng xanh um nơi mấy chiếc thùng treo trên dây cáp để chở người trượt tuyết lên đầu dốc vẫn đứng đó chờ rỉ sét. Những ghế ngồi trên xe lửa bọc vải đỏ tía và con tàu cứ nhẹ nhàng lắc lư liên tục. Đôi cánh tay nàng, trắng xanh trên nền vải tía, ửng một màu hồng rám nắng. Không rõ làm thế nào để hưởng một tuần trăng mật, nhưng lại biết rõ rằng mình phải tạo ra những kỷ niệm tồn lưu mãi cho đến ngày cái chết chia lìa họ, hai người đã trần truồng chơi bóng vồ trong một khoảng sân nhỏ giữa rừng cây cứ như một con mắt cỏ xanh nhìn miết lên trời cao. Ván đấu nào nàng cũng thắng. Lực yếu, Richard đọc, không ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc của nhân nguyên tử cho đến khi quá trình phân hủy diễn ra; giống như một vết rạn trên một cái chuông bằng gang, nó không ảnh hưởng tới tiếng ngân vang của chuông cho tới lúc sau cùng nó khiến chuông vỡ ra từng mảnh.

Chiếc xe điện ngoi vào ánh sáng, để vượt cầu Charles. Những chiếc thuyền buồm nghiêng nghiêng trong nắng phía dưới. Bên kia sông, những toà nhà chọc trời màu khói nhạt của Boston đứng như những vòi phun bất động. Con tàu lửa lượn theo vịnh của một cái hồ và dừng lại ở ga Weirs, một vùng đá sỏi mùa hè như những cục kem rải rác trên mặt đường nhựa, như mùi kẹo táo từ bờ tuổi thơ phả về. Sau khi chờ đợi hết mấy tiếng, họ theo chuyến tàu chở thư ra hòn đảo nơi họ sẽ làm việc. Hòn đảo nằm ở mạn bên kia của hồ Winnipesaukee, phải vượt qua nhiều đảo nhỏ khác mới tới được, và cũng cần rất nhiều chuyến thư tín. Trước mỗi lần cập bờ, con tàu lại hú còi –một tiếng ồn khủng khiếp. Hai vợ chồng Maple ngồi ở mũi tàu, để phơi nắng và ngắm cảnh; một khi ở đó, ngay bên dưới cây còi tàu, họ cảm thấy phải ở lại. Những hòn đảo, mặt nước, những núi đồi sâu trong bờ tạo thành những viễn cảnh chuyển động nhẹ nhàng quanh họ và rồi –mỗi lần, ngạc nhiên thay- tiếng còi tàu vang lên lại làm tim họ chùng xuống và bóp nát phong cảnh thành một mớ âm thanh; những tiếng còi ấy đánh vào cuộc hôn nhân non trẻ của họ. Anh vừa đổ lỗi cho nàng vừa mong nàng tha thứ cho những gì mà cả hai người đều không kiểm soát được. Sau mỗi hồi còi, động cơ sẽ tắt và con tàu sẽ lưỡng lự trôi vào một chiếc cầu tàu mảnh dẻ, và từ những con đường đất mềm lốm đốm của đảo này hay đảo nọ luôn xanh um, những đứa bé rám nắng đi cắm trại và những ông thầy quản trại mặc quần tắm đi giày mọi sẽ đổ ra để nhận thư, tiếng la hét của họ vang vang một cách kỳ lạ trong đôi tai đã điếc đặc của vợ chồng anh. Khi đến được đảo của họ, vợ chồng anh đã kiệt sức.

Cơ học lượng tử và thuyết tương đối, cùng với nhau, đều cực kỳ giới hạn và do đó chúng đem đến cho chúng ta một công cụ lý luận rất to lớn. Richard nhét tập giấy vào túi và rời xe lửa ở ga Charles. Anh băng qua cầu vượt đi về phía bệnh viện để gặp bác sĩ trị viêm khớp cho anh. Xương cốt anh đêm nào cũng nhức. Anh có những bạn bè đang hấp hối, có người đã chết; có vẻ thật khó tin rằng chẳng bao lâu nữa anh sẽ tiếp bước họ. Lần đầu tiên anh đến bệnh viện là để tán tỉnh Joan. Anh đã leo lên chính đoạn dốc này để tới những khung cửa kiếng, rồi vào trong, cái mê cung khổng lồ của những kẻ bệnh hoạn, lắp bắp hỏi thăm chỗ của cô gái, với sợi dây cao su buộc mớ tóc đuôi ngựa, vẫn thường ngồi ở hàng ghế đầu lớp Anh văn 162b: “Truyền thống sử thi Anh, từ Spenser tới Tennyson”. Anh đã chiêm ngưỡng cái gáy nghiêng nghiêng của nàng ba giờ mỗi tuần suốt mùa đông. Anh thu hết can đảm để nói chuyện với nàng trong đợt thi, ngồi cùng một cái bàn thư viện, họ cùng nghiền ngẫm những bản sao tối tăm của các minh họa của Blake cho cuốn Paradise Lost. Họ đồng ý gặp lại sau kỳ thi và đi uống bia với nhau. Nàng đã không tới. Trong cái giảng đường đầy những cái đầu miệt mài suy tư thì không có cái đầu của nàng. Và đặt hai cuốn Faerie Queene và The Idylls of the King tựa vào nhau, anh đã gọi đến phòng ký túc của nàng và được biết rằng Joan đã được đưa vào bệnh viện. Một lực tự nhiên đã khiến anh bất chấp những hành lang dài dằng dặc, những lần rẽ sai và đám đông các bà cô bà dì và các kẻ khác đang theo đuổi nàng ở cuối giường; anh tìm thấy nàng trắng toát, giữa các lớp vải trắng, mái tóc xõa quanh vai và một ống nhựa dẻo truyền chất gì trong suốt vào dưới cánh tay nàng. Trong những lần sau đến thăm, anh đã được quyền cầm tay nàng, tuy nó còn lằng nhằng những băng keo và thanh kẹp. Chẩn đoán nói rằng nàng bị giảm tiểu cầu. Chứng bệnh cụ thể là nàng cứ bị chảy máu chứ máu không đông lại được. Nàng xấu hổ kể cho anh nghe chuyện các bác sĩ và các nội trú viên đã hỏi nàng làm tình lần gần đây nhất là lúc nào, và nàng cảm thấy bối rối làm sao khi phải thú thật, trước vẻ không tin lịch thiệp của họ, rằng nàng chưa hề làm tình lần nào.

Bác sĩ gỡ dụng cụ đo huyết áp ra khỏi tay Richard và mỉm cười. “Gần đây anh có bị căng thẳng gì không?”

“Tôi vừa mới ly dị.”

“Viêm khớp, anh biết đó, nằm trong hệ thống những chứng bệnh có yếu tố tâm thần cơ thể.”

“Tôi chỉ biết rằng tôi thức dậy lúc bốn giờ sáng và thật thối chí khi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thoát chứng này được, cơn đau sẽ nằm bên trong bả vai tôi cho đến hết đời chắc.”

“Anh sẽ phải chịu mãi. Còn nó thì không ở đó mãi đâu.”

“Cho đến khi nào?”

“Khi não bộ anh thôi phát tín hiệu đau.”

Bàn tay nàng, trong cái giá đỡ nhỏ bé của dụng cụ chữa trị, độ ấm của nó không cự tuyệt cũng không gắn bó khi anh cầm trong tay ở cạnh giường của nàng, nó nằm cao, gần như ngang tầm mắt anh. Trên đảo, hai chiếc giường dành cho họ trong căn nhà gỗ lại cao thấp khác nhau, và dù Joan đã cố biến chúng thành một cái giường đôi, thì vẫn còn một cái mí nơi hai tấm nệm giáp nhau mà hoặc anh hoặc nàng phải lăn qua, bên cạnh điều bất tiện của tấm trải giường xộc xệch. Nhưng căn nhà gỗ lại nằm ngay trong rừng và mùi ẩm hăng nồng của thông và dương sỉ uà vào qua khung cửa lưới cùng tiếng chim hót buổi sáng và thú vật lạo xạo buổi tối. Người ta đồn có nai trên đảo; chúng vượt qua mặt hồ đóng băng vào mùa đông và kẹt lại trên đảo lúc băng tan vào mùa xuân. Mặc dù chẳng có ai, bọn cắm trại cũng như các thầy quản trại, từng trông thấy nai, nhưng lời đồn vẫn nhất định là có nai ở đó.

Tại sao chưa từng có ai trông thấy một hạt quark?[1] Trong khi đi bộ theo phố Charles về căn hộ của mình, Richard mơ hồ nhớ ra một câu đại loại như vậy, và thò tay vào túi lấy tập giấy viết về các lực tự nhiên, nhưng hoá ra lại móc nhằm một hoá đơn mới cho thuốc giảm đau, một bản sao giấy hôn thú và tờ chứng thư với chữ ký. Bây giờ tới. . . tập giấy bị lẫn vào đó. Anh không tìm ra câu đó, và đành đọc, Lý thuyết cho rằng các lực mạnh trở nên mạnh hơn khi các hạt quark tách khỏi nhau là ít nhiều võ đoán; nhưng phần bổ sung của nó là ý tưởng cho rằng lực sẽ trở nên yếu đi khi các hạt quark bị đẩy lại gần nhau, thì lại rất có cơ sở. Phải, anh nghĩ, điều đó đã xảy ra. Trong cuộc sống có bốn lực: tình yêu, thói quen, thời gian và nỗi buồn chán. Tình yêu và thói quen, trong ngắn hạn, thì cực kỳ mạnh mẽ, nhưng thời gian, chẳng có sức đột phá nào, lại tích tụ một cách vững chãi, và cùng với đồng minh là nỗi buồn chán, sẽ bình địa mọi thứ. Anh đang chết dần đây; điều đó làm anh đau khổ. Tim anh chùng xuống trong kinh hoàng trước việc anh vừa làm. Làm sao anh nói cho Joan nghe việc anh vừa làm với tờ hôn thú của họ? Chính những hạt quark trong đường điện thoại cũng sẽ nổi loạn tung lên.

Trong rừng, có một khoảng trống xanh, một con mắt cỏ, một bãi cỏ điểm những hoa trắng li ti, và ở đây một hoàng hôn nọ nai đã tới, con cái đi lên trước một chút, con đực to và lông sẫm hơn, cái mông nó còn khuất trong tối khi con bạn nó thăm dò tia nắng cuối ngày, bóng dáng chúng được viền bằng thứ ánh sáng đang mạ vàng lên bãi cỏ. Một đoàn những tay cưỡi mô tô mặt không hình dáng gầm rú chạy qua, một gã say ở cửa tiệm cho thuê máy giặt vẫy tay với Richard, một cô gái mặc chiếc váy yếm nhìn anh lạnh tanh, ánh sáng chuyển từ đỏ sang xanh lá cây, và anh không thể nhớ mình muốn nước cam hay bánh mì, và lại càng bực hơn vì anh không thể nhớ họ đã thấy được nai ở đó lần nào chưa, hay phải chăng anh tưởng tượng ra ký ức đó, dựng nó lên do ước muốn rằng nó phải xảy ra như vậy.

* * *

“Em không nhớ,” Joan nói qua điện thoại. “Em không nghĩ mình đã thấy, mình chỉ nói về chuyện đó thôi.”

“Bộ ra khỏi căn nhà một lát, không có một khoảnh rừng trống nào sao, nếu em đi theo con đường mòn đó?”

“Chúng ta chưa từng đi theo lối đó, nó nhiều sâu bọ quá.”

“Một con nai đực với một con nai cái, ngay lúc trời sẩm tối. Em không nhớ gì hết sao?”

“Không. Thực tình là không, Richard à.[2] Anh muốn em phải hối hận về chuyện đó đến cỡ nào đây?”

“Đâu có gì đâu, nếu không có chuyện đó thì thôi. Nói sang chuyện hoài niệm thì. . .”

“Sao?”

“Anh đã tới Toà thị chính Cambridge hồi chiều để xin một bản sao hôn thú của tụi mình.”

“Ôi anh. Nó ra làm sao?”

“Cũng vậy thôi. Chỗ đó vẫn y như hồi xưa. Mình nhận hôn thú ở trên lầu hay dưới nhà?”

“Dưới nhà, phía bên trái thang máy khi từ ngoài bước vào.”

“Bây giờ đó là chỗ công chứng giấy tờ. Nay mai chắc em sẽ nhận được một bản sao; một thứ giấy tờ dễ sợ.”

“Em đã nhận được nó hôm qua. Nó có gì dễ sợ đâu? Em thấy nó vui đấy chứ, cái kiểu câu chữ viết trong đó. Ta đến tại đây, ta bỏ đi kia.”

“Ồ, em thiệt là cứng cỏi.”

“Em nghĩ mình phải thế. Không đúng sao?”

“Phải.”

Đây không phải lần đầu tiên trong hai năm qua anh cảm được độ mỏng manh của cái vỏ trứng mà anh đang co ro nằm bên trong và chỉ cần Joan cất cao giọng nói là đập vỡ được nó. Nhưng nàng không muốn phá vỡ, hoặc là do nàng không biết nó mỏng tới cỡ nào, hoặc bởi vì nàng đang đập vào mé bên kia, cũng giống như, ở phía trong cánh cửa phòng tắm, nàng bị lôi tới cuộc hôn nhân với cùng một tốc độ như anh, và với cùng lực thúc đẩy tiệm giảm. “Điều mà em không hiểu, “ nàng nói, “là người ta muốn hai đứa mình cùng ký vào một văn bản, hay mỗi đứa ký một cái, hay cái gì khác? Và cái nào đây? Ông luật sư cứ gửi cho em mỗi thứ ba bản, một số thì nằm trong bao thư xanh. Có phải đó là những bản quan trọng hay không quan trọng mà em có thể lưu lại?”

Thực ra, các vị luật sư, vốn tài ba đến thế trong cái thế giới đối địch quen thuộc của họ gồm các trò cáo buộc, kiện tụng và kháng cáo, có vẻ cũng bị rối vì điều khoản cho phép li dị mà không xét lỗi mỗi bên. Ngay buổi sáng xử vụ li dị của họ, Richard chào ông luật sư trên những bậc thềm pháp đình với ý nghĩ rằng trong tư cách nguyên đơn anh sẽ bị người ta yêu cầu nói rõ điều gì trong cuộc hôn nhân đã khiến anh thấy rằng nó là một sự sụp đổ không cứu vãn được. “Nhưng toàn bộ tinh thần của điều luật li dị không xét lỗi,” Joan chen vào, “là anh không cần phải nói bất cứ điều gì cả.” Nàng đã sánh vai Richard leo lên các bậc thềm pháp đình; thực ra, họ đã đi chung xe tới đây, vì một trong những đứa con của họ đã sử dụng chiếc Volvo của nàng rồi.

Vụ phân xử được lên lịch đầu buổi sáng. Đến đón nàng lúc bảy giờ mười lăm, anh thấy nàng đang đứng chân trần trên bãi cỏ vòng xoay đường xe chạy vào nhà, cổ chân ngập trong sương. Nàng cầm đôi giày cao gót trong tay. Hình ảnh đó khiến anh bật cười. Mở cửa xe, anh nói, “Vậy là có nai trên đảo!”

Nàng đang mải lo nghĩ không hiểu ra kịp lời nói xa xôi của anh. Nàng hỏi, “Anh nghĩ em không đi vớ dài thì quan toà có phiền không?”

“Cứ giấu chân em sau băng ghế của ông ta,” anh nói. Anh cảm thấy hơi quay cuồng lảo đảo. Anh không ngủ được ngon, tuy rằng cái vai của anh không đau nữa trong một lúc nào đó. Nàng vào xe, mang theo đôi giày và cả mùi cỏ ướt. Nàng vẫn là người ưa dậy sớm, còn anh luôn dậy trễ. “Cám ơn anh về việc này,” nàng nói, về vụ anh tới đón, và thêm, “Chắc thế.”

“Anh thích vậy mà,” Richard nói. Khi chạy xe tới pháp đình, nói chuyện về xe cộ và con cái, anh tự hỏi Joan bây giờ nhẹ nhàng đến mức nào; nàng ngồi phía đuôi mắt anh trông nhẹ như một chiếc lông, giọng của nàng mơn trớn tai anh, lối nhấn nhà và ngữ điệu quen thuộc rất có nhạc tính và nghe loáng thoáng, như kiểu của một bản giao hưởng làm ta mơ mộng. Anh không còn trách cứ nàng nữa: đó là lý do của sự nhẹ nhõm. Suốt những năm ấy, anh đã trách nàng về đủ thứ chuyện –chuyện kẹt xe ở quảng trường Central Square, tiếng động ầm vang trên chuyến tàu chở thư, độ chênh giữa hai cái giường họ ngủ. Không còn nữa: anh đã thôi không bắt nàng phải giữ vai trò toàn năng nữa. Anh đã trả tự do cho nàng, thoát khỏi khuyết điểm. Nàng đối với anh cũng như Gretel đối với Hansen, một sinh vật đồng điệu đang đi cùng anh dọc theo con đường trong khi bọn chim mổ những vụn bánh mì sau lưng họ.

Luật sư của Richard nhìn Joan với vẻ buồn bã quá lố. “Tôi hiểu hết, thưa bà Maple,” ông ta nói. “Nhưng có lẽ tôi phải nói chuyện riêng với khách hàng của tôi.”

Luật sư mà hai người đã chọn khác nhau một cách kỳ cục. Luật sư của Richard là dân gốc Ireland bự con và trông luộm thuộm. Bộ đồ mùa hè màu nâu nhạt của ông ta thì lụng thụng còn cái bụng thì làm căng cứng chiếc áo sơ mi, đúng kiểu một ông bố dễ chịu và tẻ nhạt. Còn luật sư của Joan thì nhỏ con, chải chuốt và đánh đồng mọi sự; ông ta mặc đồ ca rô và phát âm qua khóe miệng như những tay gạ bắt độ cá ngựa. Mắt lấp lánh và hoạt bát ngay cả vào cái giờ còn ngái ngủ này, ông ta xuất hiện từ sau một cây cột của toà pháp đình và kéo Joan ra xa. Cái đầu của nàng, hơi cao hơn ông ta, nghiêng qua để lắng nghe ông ta nói. Nàng lúm đồng tiền, ngoan ngoãn. Richard tự hỏi trong nỗi hoang mang, Phải chăng đây là loại đàn ông mà, qua bao nhiêu năm ấy, đã là kiểu mẫu thầm mơ ước của nàng? Luật sư của anh, thở hồng hộc, hỏi, “Nếu quan toàn yêu cầu đưa ra một lý do cụ thể cho vụ chia tay này –mà tôi không chắc là ông ta sẽ hỏi, chúng ta đang trong một tình thế chưa từng có trước đây- thì anh sẽ nói gì?”

“Tôi không biết nữa,” Richard ngắm nghía đường hoa văn trên mặt gạch bông, như một con sóng nhỏ vỡ ra, giữa hai đầu mũi giày của anh. “Chúng tôi có những khác biệt về chính trị. Cô ấy thường bắt tôi dự những cuộc tuần hành đòi hòa bình.”

“Có xô xát tay chân không?”

“Không nhiều. Không đủ nhiều, có lẽ vậy. Bộ ông nghĩ quan toà sẽ hỏi những chuyện thế này sao? Đây là vụ li dị không-xét- lỗi hay cái gì khác đây?”

“Ở bang này, li dị không-xét-lỗi là chưa có tiền lệ. Về điểm này, Dick ạ, chính ta là người tạo ra nó. Tôi không biết ông ta sẽ làm gì. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng thôi.”

“Được rồi, ngoài chuyện chính trị, chúng tôi còn không hoà hợp lắm về mặt tình dục.”

Không khí giữa hai người đặc cứng lại; với bố anh cũng vậy, tình dục luôn là vấn đề rối rắm. Hơi thở ông luật sư nghe rõ một cách trầm trọng. “Vậy là anh sẵn sàng nói là có sự không hoà hợp về tình cảm và cá nhân?”

Điều này có vẻ không đúng lắm, nhưng Richard vẫn gật đầu. “Nếu tôi phải nói.”

“Được rồi.” Ông luật sư đặt bàn tay to bè lên cánh tay anh và siết lại. Tướng tá chật căng của ông ta, hơi thở nặng nề, cái vẻ cấp bách bồn chồn và vui vẻ gượng gạo, bộ đồ kiểu xưa và mớ hồ sơ kẹp trong nách cứ như những bảng phân công tất cả tập trung thành một điểm: ông ta là huấn luyện viên, và Richard sắp sửa ghi bàn thắng ấn định tỉ số, làm một cú nhảy cầu cực khó, hay đánh trái banh dã cầu trúng tâm của lượt đánh với đủ ba góc sân đã vượt qua. Lên đường thôi.

Họ đi vào phòng xử từng đôi một. Căn phòng giản dị và trống trơn; phần viền khung cửa có chạm trổ được sơn màu xanh rừng. Các cửa sổ mở ra một con sông nhỏ đã đen thui đi vì chất thải công nghiệp. Chân dung các quan toà quá cố từ trên cao nhìn chòng chọc xuống. Hai luật sư trao đổi với nhau, để mặc Richard và Joan đứng sớ rớ hai bên. Anh bày bộ mặt “Làm gì bây giờ?” ra với nàng. Nàng cũng bày ra bộ mặt “Không biết” với anh. Rồi nghe có ai kêu “Trật tự, trật tự,” và quan toà bước rất nhanh vào, miệng mỉm cười, lớp áo chùng của ông phất phơ. Ông thuộc loại người nhỏ con sắc gọn với khuôn mặt hồng hào lịch lãm; khuôn mặt ông tuyên bố rằng ông hoàn toàn khoẻ mạnh, và sẽ chẳng bao giờ chết. Ông đứng và gật đầu với họ. Ông ngồi xuống. Các luật sư tiến tới thầm thì bàn bạc với ông. Richard chậm chạp nhích về phía Joan, vật thể sống duy nhất trong phòng không cự tuyệt anh. “Đó là một bức tranh khôi hài kiểu Daumier,” nàng thì thào, ám chỉ màn kịch đang diễn ra trước mặt họ. Hai luật sư lui về chỗ. Quan toà ra hiệu. Ông ta sạch bong đến độ nụ cười mỉm của ông cũng kêu lên chin chít. Ông chìa ra với Richard một tờ giấy; đó là bản chứng thư, “Chữ ký của anh đây phải không?” ông hỏi.

“Phải,” Richard đáp.

“Và anh tin rằng, như trong đây có ghi, cuộc hôn nhân của anh gặp một sự sụp đổ không cứu vãn được phải không?”

“Tôi tin như thế.”

Quan toà quay sang Joan. Giọng ông mềm lại một chút. “Chữ ký của cô đây phải không?”

“Phải.” Giọng của nàng là một tia xịt có tác dụng phục hồi sức khoẻ, đầy những cầu vồng nhỏ xíu, trong khoé mắt Richard.

“Và cô tin rằng cuộc hôn nhân của cô gặp một sụp đổ không cứu vãn được phải không?”

Im lặng một lát. Nàng không tin điều đó, Richard hiểu như thế. Nàng nói “Tôi tin như thế.”

Quan toà mỉm cười và chúc cả hai người được may mắn. Hai luật sư giãn người nhẹ nhõm, sau đó là hàng tràng những trao đổi vui vẻ trong nghề luật –tiên liệu về những vụ li dị không-xét-lỗi trong tương lai, nhắc lại những ngày xưa của Alabama với tác phong nhậm lẹ – quên hẳn vợ chồng Maple. Thừa thãi ngay trong buổi xử vụ li dị của chính họ, Joan và Richard cùng bước lui ra khỏi phòng xử và đứng bên cạnh nhau, hoang mang chưa biết kế tiếp sẽ làm gì, cho đến khi sau cùng Richard nhớ ra việc cần làm; anh hôn nàng.

_________________________

[1]quark: một trong sáu loại hạt, theo giả thuyết, đã cấu thành những hạt cơ bản của nguyên tử.

[2]Người vợ sắp li dị này không gọi Richard bằng Dick, tên gọi thân mật.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021