thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dừng chân giữa sa mạc
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JOSEPH BRODSKY
(1940-1996)
 
 

Dừng chân giữa sa mạc

 
Những người Hi-lạp sống ở Leningrad ngày càng ít
dến nỗi chúng ta đã san bằng một giáo đường Hi-lạp,[1] dành chỗ
xây một phòng hoà nhạc mới, kiến trúc theo kiểu
xấu xí nhàm chán thời bây giờ. Thế nhưng dù sao một phòng
hoà nhạc trên một ngàn năm trăm chỗ ngồi[2]
cũng không phải chuyện tệ lắm. Và ta còn trách cứ ai nữa
nếu như nghệ thuật điêu luyện hấp dẫn
hơn những cờ xí hao mòn của một đức tin đã xưa?
Dù sao, thì giờ đây từ xa nhìn lại
ta vẫn thấy, không phải những vòm hình củ hành quen mắt,
mà là một thứ hình dạng bẹp dẹp đến quái dị.
Thế nhưng con người vẫn không mang nợ với
cái xấu ghê tởm của những hình thể không cân đối
như với những hình thể không cân đối của cái xấu.
 
Tôi còn nhớ rõ ngôi giáo đường đã sụp đổ ra sao.
Hồi ấy giữa mùa xuân tôi thường lui tới thăm viếng
nhà một gia đình người Tartar[3]
sống gần đó. Từ cửa sổ trước nhà họ tôi
có thể nhìn thấy rõ đường nét ngôi giáo đường.
Tôi bắt đầu nói qua lại về chuyện dân Tartar,
nhưng liền khi ấy tiếng huyên náo ầm ầm len vào
giữa cuộc chuyện trò, ban đầu hoà nhập vào,
rồi sau đó át hẳn mọi tiếng nói của người.
Một cái máy xúc khổng lồ đâm sầm vào nhà thờ,
một cục sắt tròn tung nhẹ phát ra, và thế là tức khắc
những bức tường lặng lẽ đổ xuống.
Không đổ xuống mới là chuyện lạ
với một bức tường trước một đối thủ như thế.
Hơn nữa, cái máy xúc có thể cho rằng
tường là một vật đã chết và không hồn và như thế,
ở mức nào đó, cũng như chính mình. Và trong
thế giới của những vật chết và vô hồn
sự kháng cự được xem là một hình thức xấu.
Tiếp đó là những xe tải đồ phế thải, rồi đến những máy ủi...
Như thế, rốt cuộc, tôi ngồi — tới khuya cùng đêm đó —
giữa những phế tích tươi rói trong hậu cung giáo đường.
Đêm há miệng sau những hốc tường loét lở
Và qua những vết thương hở ở bệ thờ tôi nhìn
những chiếc tàu điện thối lui khi chúng chậm rãi trôi
qua những đèn đường nhợt nhạt xếp thành hàng.
Qua lăng kính nhà thờ ấy giờ đây tôi thấy được
vô số những thứ các nhà thờ thường không để lộ ra ngoài.
 
Một ngày kia, khi những kẻ đang sống đây không còn hiện hữu,
hay đúng hơn là sau khi chúng ta qua đời, ở nơi một thời ta đã sống
sẽ xuất hiện một cái gì gây sợ hãi,
một nỗi kinh hoàng, cho những kẻ từng biết rõ ta.
Nhưng những người từng quen biết chúng ta sẽ ít lắm.
Những con chó, chỉ do nhớ lại chuyện xưa, mà nay vẫn đưa
cao chân sau ở một nơi nó quen thuộc trước đây.
Những vách tường nhà thờ từ lâu đã bị đập đổ
nhưng những con chó kia vẫn nhin thấy nhà thờ trong giấc mơ —
những giấc mơ chó đã gạch bỏ thực tại của chúng ta.
Mặt đất có lẽ vẫn còn giữ lại mùi vị xưa:
nhựa đường không thể nào lấp được mùi chó ngửi.
Toà nhà kia chẳng thể là gì với loài chó!
Với chúng ngôi nhà thờ vẫn có đấy; chúng nhìn thấy rõ ràng.
Và cái gì con người nhìn thấy là chuyện hiển nhiên
thì với chúng là thứ không đáng để ý. Đức tính này
đôi khi được người ta gọi là “sự trung thành của chó”.
Và, nếu tôi phải nói một cách nghiêm túc
về “cuộc chạy đua tiếp sức của lịch sử nhân loại”,
tôi sẽ thề nhân danh không gì khác hơn cuộc chạy tiếp sức ấy —
cuộc chạy tiếp sức của tất cả những thế hệ từng
ngửi, và sẽ ngửi, những mùi vị xưa.
 
Những người Hi-lạp sống ở Leningrad ngày càng ít
sống ngoài Hi-lạp, nói chung, ít đến nỗi —
quá ít nên không sao cứu vãn được những đền đài của đức tin.
Và có được đức tin vào đền đài — không ai đòi hỏi chuyện ấy.
Đem một người đến với Chúa là một chuyện;
vác Thánh giá cho Người lại là một chuyện khác.[4]
Nghĩa vụ của họ là duy nhất và minh bạch,
nhưng họ thiếu sức mạnh để sống trọn nghĩa vụ ấy.
Những cánh đồng bỏ hoang của họ đó đây đầy cỏ dại
“Ngươi, kẻ gieo hạt, hãy giữ lưỡi cày bén trong tay
rồi ta sẽ cho ngươi biết khi nào hạt chín muồi.”
Thế nhưng họ không giữ chắc được lưỡi cày bén trong tay.
 
Đêm nay qua cánh cửa sổ màu đen tôi nhìn ra ngoài
và nghĩ về cái điểm chúng ta đã đi đến nơi,
thế rồi tôi tự hỏi: giờ đây chúng ta xa hơn
cả là gì — thế giới Hi-lạp cổ,
hay Chính Thống? Cái gì giờ đây gần hơn?
Cái gì đang nằm trước mặt? Một thời đại mới có chờ
chúng ta không? Và, nếu nó chờ, ta phải có nghĩa vụ gì? —
Chúng ta phải hi sinh gì cho nó?
 
1966
 
_________________________

[1]Giữa những năm 60, một giáo đường Chính Thống Hi-lạp đã bị đập đổ và một công trình xây dựng bằng thép và kính, tức Nhà Hoà Nhạc “Tháng Mười”, được khởi công trên mảnh đất đã trở thành bình địa, tại một khu ở Leningrad không xa chỗ ở của gia đình Joseph Brodsky.

[2]Nguyên văn bản tiếng Nga [1966] là “trên một ngàn ghế ngồi”. Thật ra, Nhà Hoà Nhạc Tháng Mười, như dịch giả George L. Kline cho biết, có trên bốn ngàn ghế.

[3]Tartar – hay Tatar – là tên gọi chung để chỉ những người Thổ nhĩ kỳ ở Đông Âu và Trung Á, phần đông ngày nay sống ở trung và nam nước Nga, Ukraina, Ba-lan, Moldova, Belarus, và cả Bulgaria, Trung quốc, Kazakhstan, Romania, Thổ-nhĩ-kỳ và Uzbekistan.

[4]Dịch giả George L. Kline ghi nhận về lối chơi chữ [không chuyển ngữ được] của Brodsky: dịch từng chữ, natsiyu krestit có nghĩa là “rửa tội cho một dân tộc”, và krest nesti có nghĩa là “vác một cây thánh giá”. Dịch giả Georges Nivat trong bản dịch tiếng Pháp của mình đã giữ nguyên văn “rửa tội cho một dân tộc.” [Joseph Brodsky, Poèmes 1961-1987 (Paris: Gallimard. 1987)].

 
 
-----------------------
“Dừng chân giữa sa mạc” dịch từ bản tiếng Anh “A Halt in the Desert” của George L. Kline trong Joseph Brodsky, Selected Poems, George L. Kline dịch và giới thiệu, tựa của W.H. Auden (New York: Harper & Row, 1973).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021