thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cấm địa | Bài thơ | Nhẫn tro | Bóng những ngày sắp tới | Cái lồng | Có đó
(Diễm Châu dịch)
 
Cấm địa
 
Đằng sau ngôn từ là hỗn mang.
Tiếng hú không tới được bất cứ một thế giới nào.
Tôi hát.
Không hề cầu khẩn.
Chỉ có những cái tên đang trở lại.
 
 
Bài thơ
 
Mi lựa chọn vết thương, nơi
chúng ta nói ra niềm im lặng của mình.
Và mi biến đời ta
thành cái nghi thức quá tinh khiết này.
 
 
Nhẫn tro
 
Ấy những tiếng nói của tôi ca hát
để họ khỏi hát, họ,
những kẻ mà buổi hừng đông xám chẹn họng,
những kẻ mà con chim thê lương bao bọc trong mưa.
 
Trong trông chờ có
một làn hơi mơ hồ của hoa lilas tan vỡ.
Khi ánh ngày tới, có
một lớp bụi mặt trời với những mặt trời đen đen nho nhỏ.
Và khi đêm buông xuống
bao giờ cũng có một bộ lạc câu cú tàn phế
tìm nơi ẩn trú trong cổ họng tôi,
để họ khỏi hát,
họ, những kẻ đem lại tang tóc, những người làm chủ im lặng.
 
 
Bóng những ngày sắp tới
 
Ngày mai
người ta sẽ lại khoác tro lên người tôi lúc hừng đông,
người ta sẽ lấp đầy miệng tôi bằng những đóa hoa.
Tôi sẽ học ngủ
trong ký ức của một mảnh tường nào đó,
trong hơi thở
của một loài thú biết mơ.
 
 
Cái lồng
 
Bên ngoài trời nắng.
Ấy chỉ là một mặt trời
nhưng mọi người nhìn nó
rồi hát.
 
Tôi không biết gì về mặt trời.
Tôi biết giai điệu của thiên sứ
và lời thuyết giáo nồng ấm
của cơn gió cuối cùng.
Tôi biết kêu la tới tảng sáng
khi cái chết đặt mình trần trụi
trên chiếc bóng của tôi.
 
Tôi khóc dưới tên tôi.
Tôi lay động những chiếc khăn tay trong đêm tối
và những con thuyền âu lo của thực tại
nhảy múa cùng tôi.
Tôi giấu những chiếc đinh
để làm độc những giấc mơ đau đớn của mình.
 
Bên ngoài trời nắng
Tôi mặc hàng tro.
Chỉ có cơn khát
sự im lặng
không một cuộc gặp gỡ.
 
Hãy coi chừng tôi hỡi người tôi yêu
hãy coi chừng đứa con gái lặng lẽ nơi sa mạc
coi chừng kẻ lữ hành với chiếc ly trống rỗng
và chiếc bóng của chiếc bóng nó.
 
Nó nói rằng nó không biết sợ cái chết sợ tình yêu
nó nói rằng nó sợ cái chết sợ tình yêu
nó nói rằng tình yêu là cái chết là nỗi sợ
nó nói rằng cái chết là nỗi sợ là tình yêu
nó nói rằng nó không rành rẽ
 
Vùng tai ương nơi đứa con gái thiếp ngủ chậm rãi ăn
trái tim nửa đêm của mình.
 
 
Có đó
 
Mi thức giấc canh chừng từ căn buồng này
nơi chiếc bóng phải e dè là chiếc bóng của mi.
 
Nơi đây không có một im lặng nào khác
ngoài những câu phải tránh.
 
Những dấu vết trên những bức vách
thuật lại những miền xa xăm tươi đẹp.
 
(Hãy khiến em đừng chết
trước khi gặp lại anh.)
 
 
-------------------------
Ghi chú của dịch giả:
ALEJANDRA PIZARNIK sinh tại Buenos Aires, Á-căn-đình ngày 29 tháng Tư 1936 trong một gia đình dân di cư từ Đông Âu. Bà học triết lý và văn chương ở đại học Buenos Aires, và sau này học vẽ với Juan Batlle Planas. Sống tại Paris từ 1960 đến 1964, làm việc cho tờ Cuadernos và một vài tạp chí của Pháp. Đã dịch Hölderlin, Antonin Artaud, Henri Michaux, Aimé Cesaire và Yves Bonnefoy, và học lịch sử các tôn giáo và văn chương tại Sorbonne. Ở Paris, liên kết với André Pieyre de Mandiargues, Octavio Paz, Julio Cortázar. Khi còn trẻ, Pizarnik đã nổi danh với ba thi tập: La tierra mas ajena (1955), La última inocencia (1956) và Las aventuras perdidas (1958). Từ Paris trở lại Á-căn-đình, Pizarnik «bày tỏ nỗi cô đơn và những lo âu của mình trước cuộc sống» trong các tác phẩm: Los trabajos y las noches (1965) và Extracción de la piedra de locura (1968). Năm 1969 bà được học bổng của quỹ Guggenheim, và năm 1971, học bổng Fulbright. Từ những ngày ở Hoa-kỳ và sau đó, Pizarnik đã viết một luận văn về Erzebeth Báthory (La Condesa sangrieta) và một vài thi phẩm khác: Nombres y figuras (1969), En infierno musical (1971), Los pequenos cantos (1971). Bà uống quá liều thuốc seconal và mất tại Buenos Aires vào tháng Chín năm 1972. Sau khi Alejandra Pizarnik mất, người ta dã xuất bản, vào năm 1982, tập di cảo của bà: Textos de la sombra y Últimos poemas.
 
Alejandra Pizarnik hiện nay được thế hệ trẻ Á-căn-đình và Mỹ la-tinh rất hâm mộ, nếu không muốn nói là «sùng bái». Nhưng không phải chỉ có những người trẻ, ngay cả những nhà thơ lớn như Octavio Paz của Mễ-tây-cơ, Roberto Juarroz của Á-căn-đình,... cũng đã công khai bày tỏ lòng mộ mến của họ đối với thơ Alejandra Pizarnik...
 
Các bài trên được dịch theo các bản Pháp văn.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021