thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những nấm mồ không đánh số

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

MARCEL MARIËN

(1920-1993)

 

Marcel Mariën, người Bỉ, sinh ở Antwerp, là một trong những nghệ sĩ tạo hình nổi danh của phái siêu thực ở Bỉ. Ông còn là nhà thơ, nhà viết tiểu luận, nhà nhiếp ảnh, và nhà làm phim. Ngoài vô số tác phẩm mỹ thuật, ông đã viết và xuất bản hơn một chục cuốn thơ và văn xuôi. Năm 1854 ông thành lập nhà xuất bản Les Lèvres Nues, rồi cùng Christian Dotremont và Paul Colinet điều khiển tạp chí Le Ciel Bleu. Từ năm 1963, ông sang Trung Quốc làm việc như một nhà dịch thuật, nhưng năm 1965 ông trở về Bỉ vì hoàn toàn thất vọng với chủ nghĩa Mao. Năm 1983, ông tung ra cuốn tự truyện Le Radeau de la Mémoire và gây xôn xao dư luận vì những tiết lộ cực kỳ táo bạo về đời tư của chính ông. Marcel Mariën, tất nhiên, là một con người rất khác thường trong cả nghệ thuật và đời sống.
 
Truyện ngắn dưới đây nằm trong tuyển tập The Belgian School of the Bizarre: An Anthology of Short Stories (1998), gồm những truyện ngắn khác thường của 16 tác giả của nước Bỉ, do Kim Connell chọn lựa, biên tập và dịch thuật.
 

_________

 

NHỮNG NẤM MỒ KHÔNG ĐÁNH SỐ

 

Bị bệnh thấp khớp hành hạ, chàng chăn bò Diego Malamente phải từ bỏ đồng cỏ để đi làm công cho xưởng thịt hộp Santa Vaca ở Montevideo. Nếu chàng còn những lý do nào đó để muốn sống, thì những lý do ấy bị sự khốn khổ ê chề của cái nghề mới dần dần bào mòn cho đến khi tàn lụi. Một hôm, chàng tránh tia mắt của gã đốc công, lẻn ra khỏi đám người làm, và từ độ cao mười mét, chàng lao mình xuống lòng máy xay thịt khổng lồ đang quay hết tốc lực.

Trong chớp mắt, chàng bị nghiền nát, và vì gã đốc công không có mặt ở đó, chẳng ai có thể tắt máy trước khi dây chuyền đóng lon đã hoàn tất. Không còn chút nghi ngờ nào nữa, thân xác của người chết đã được trộn vào trong một số lượng lớn những lon thịt bò xay. Thật là ngu xuẩn để hy vọng còn tìm thấy một vết tích nào đó của chàng trong những lon thịt ấy: ngay cả những khúc xương của chàng, đứt lìa ra khỏi thịt, cũng đã được ép qua một máy sàng và đã nát như bụi.

Ông giám đốc được mời đến lập tức, cùng với cảnh sát, để lập biên bản tai nạn. Ông linh mục đến đọc một lời cầu nguyện cho người quá cố trước một đống lon thịt được xếp thành hình kim tự tháp, trong đó có chứa đựng hài cốt của Diego.

Như đã được báo chí ghi nhận, Chicago là nơi thường diễn ra những tai nạn tương tự, nhưng những tai nạn ấy nhìn chung chỉ ở mức độ mất một cánh tay, một bàn chân, một bàn tay, và thông thường nhất là một ngón tay. Tiếng đồn xấu về những giàn máy này — những giàn máy không bao giờ chịu dừng lại vì những sự cố nhỏ nhặt như thế — đã khiến thiên hạ khắp bốn phương thế giới phẫn nộ. Lần này, tuy nhiên, không chỉ là trọn một thân người, mà cả linh hồn anh ta cũng bị nuốt chửng. Giống như một bức thư bị mất trong nhà bưu chính, cái linh hồn ấy tan biến trong đêm tối vô danh.

Ban giám đốc của hãng Santa Vaca, theo lối nói của chúng ta thời nay, thì "rất quan tâm". Mặc dù họ không phải chịu trách nhiệm đạo đức, họ cảm thấy nên đứng ra lo liệu việc chôn cất. Đám tang được tổ chức hết sức hào nhoáng lộng lẫy. Bởi vì chàng đã bị nhét vào những lon thịt hai lạng rưỡi, cho nên đám tang có hàng trăm cái quan tài nhỏ, mỗi quan tài được kéo bằng một cỗ xe. Mỗi cỗ xe do hai con ngựa kéo, vì thế cuộc đưa đám trông hoành tráng như một sư đoàn kỵ binh. Thêm vào đó, ở nghĩa địa Montevideo, nhà mồ của anh công nhân vô danh này trông đồ sộ như cái lăng của một quan toàn quyền ở Ấn-độ, hay thậm chí lớn như khu nghĩa trang của một thị trấn.

Cái thảm kịch này, than ôi, lại làm sinh ra một cái thảm kịch khác. Đó chính là chứng bệnh thần kinh ám ảnh của Maria-Dolores, người quả phụ của Diego. Nàng manh nha nghĩ rằng một số lon thịt có đựng hài cốt của chồng nàng đã được phân phối đến các cửa hàng bán lẻ, vì thế nàng bắt đầu mua rất nhiều lon thịt từ mỗi cửa hàng mà đôi chân của nàng đưa nàng đến. Ngay khi nàng thấy những lon thịt, nàng lập tức cho rằng nàng có thể thoáng thấy bóng ma của Diego, và đôi khi nàng thậm chí còn nghe những tiếng kêu ai oán đến từ những nấm mồ tí hon bằng thiếc. Thoạt tiên, nàng còn bỏ thì giờ để kiểm tra ngày đóng lon, nhưng chẳng mấy chốc nàng lại bắt đầu nghi ngờ rằng sự sơ suất luôn luôn có thể xảy ra. Vì thế Maria-Dolores tiếp tục mua và lấy trộm bất cứ lon thịt nào, ngay cả những lon nhất định đã được sản xuất trước khi cái thảm kịch xảy ra.

Một đêm kia, nàng bị bắt quả tang trong nghĩa địa. Nàng đã đào một cái hố mênh mông phía sau lăng mộ và đang chôn cất vô số lon thịt vào trong đó.

Công việc này không thể tiếp tục được nữa. Nàng đã bị bắt nhốt trong một nhà thương điên ở ngoại ô, trong vùng đồng cỏ. Có lẽ nàng vẫn còn ở đó.

 

 

------------
Dịch từ bản Anh ngữ, "Tombs without Number", trong The Belgian School of the Bizarre: An Anthology of Short Stories, edited and translated by Kim Connell (Madison, New Jersey: Fairleigh Dickinson University Press, 1998).
 

 

 

Đã đăng:

... Nỗi cô đơn đã giam cầm nó vào cái tôi của nó — một cái tôi không ngừng hiện diện — tuy thế, nó vẫn cố gắng nhớ rằng nó cũng hiện hữu bên ngoài cái tôi ấy, ngay cả cho dù sự hiện hữu này chỉ như sự hiện hữu của một vật thể đơn thuần trên hòn đảo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021