thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bọn người lao đao [kỳ 3]

 

 

Ông Tuệ mặt khó đăm đăm:

"Nhạn không được vui?”

"Cháu vẫn thường. Nhưng hình như có điều gì làm chú bực mình, phải không thưa chú?”

"Chả có gì, nhưng chú đang bực mình đây.” Ông lầm bầm. “Mặc cảm, những thằng mang đầy mặc cảm. Mà đã mặc cảm thì khó chơi lắm.” Quay qua Nhạn. “Cháu ngồi chờ có lâu không? Nhưng chỗ này gió quá, đến ghế đá đằng kia ngồi đi.”

Không chờ Nhạn trả lời, ông Tuệ đi nhanh đến chiếc ghế đá nằm ngay dưới gốc một cây thông già. Nhạn thủng thẳng đi theo sau. Ông Tuệ ngồi xuống giữa ghế, Nhạn khép nép ngồi ở mép ghế, ngoảnh mặt nhìn ra xa. Trên mặt hồ, những chiếc thuyền pédalo nho nhỏ hình con thiên nga chạy khá nhanh, trên đó những cặp thanh thiếu niên nam nữ gò mình đạp, cười nói, hò hét. Tiếng reo hò của họ bị gió đánh giạt nghe vang vang từng hồi. Xa hơn nữa là sườn núi, những ngọn thông đu đưa không ngớt. Hôm nay gió lớn. Ông Tuệ đề nghị:

“Suốt mấy mươi năm nay chú mới thấy lại cái pédalo. Nhạn, chúng mình xuống đi pédalo nghe.”

Người đàn bà lắc đầu từ chối:

“Mình già rồi, ai lại chơi cái trò ấy.”

“Già? Chú chưa già mà Nhạn đã già? Nhưng đổi cách xưng hô đi. Anh nói em nghe nhé.”

Nhạn vội ngắt lời:

“Thưa chú, tùy chú. Còn cháu đã quen gọi thế, đổi khó quá. Chú cho cháu một thời gian đi.”

“Ừ, cho. Em biết không, Tây Phương tám chín mươi tuổi còn tự lái xe hơi, bảy tám mươi tuổi còn đi xe đạp tập thể thao. 18 tuổi đã bắt đầu rời bỏ gia đình cha mẹ, ra đời, tự lập, trên 65 hoặc 67 mới về hưu. Thời gian trưởng thành, thời gian làm việc cho xã hội, cho cộng đồng, rất dài. Mà về hưu đâu có nghĩa là chờ chết, mà là để lại bắt đầu một cuộc sống mới, muốn làm gì thì làm, theo sở thích riêng, có tiền hưu đầy đủ hàng tháng. Còn người mình thì 30 tuổi vẫn cứ muốn níu áo mẹ, hơn 40 đã đòi làm ông già. Quá niên trạc ngoại tứ tuần, ông Nguyễn Du từng nói. Hơn bốn chục mà đã quá niên! Vậy thì anh đây hẳn thuộc vào lớp tuổi sắp đi theo ông bà ông vải rồi, phải không em?”

“Chắc là không phải, thưa chú.”

“Không, anh nói thật đấy, thật đối với mấy người bạn của anh còn kẹt tại đây. Thỉnh thoảng họ gởi thư cho anh, và tự xưng là mấy ông già chờ chết. Chí phấn đấu ở đâu nhỉ? Trong khi... như anh đây, anh nói em đừng nghĩ anh ưa khoe khoang, anh đã gầy dựng nên một cái gì đó. Em có phúc đấy.”

Người đàn bà lơ đãng:

“Nhưng, nhưng...”

Ông Tuệ nói gần như gắt:

“Nhưng gì? Không nhân nhụy gì cả.”

“Thưa chú, cháu muốn nói lẽ ra chú biết rõ họ hơn cháu chứ. Trong hoàn cảnh của họ, họ làm gì được. Trừ phi chờ chết. Thôi chú, cho phép cháu nói qua chuyện khác. Hồi đó...”

“Lại hồi đó, hồi đó” ông Tuệ lằm bằm.

Người đàn bà thở dài nhìn người đàn ông rồi nói đều đều như chỉ nói cho mình nghe:

“Thưa chú, cháu xin phép. Hồi đó, hồi Miền Nam mất, thoạt đầu cháu chỉ sửng sốt và hoảng sợ. Rồi chú đi, cháu buồn quá, thẫn thờ suốt ngày như người mất hồn. Càng ngày cái buồn càng tăng thêm. Cái gì cũng buồn. Ở đâu cũng buồn. Chứ không phải chỉ ở nơi cái hồ này đâu. Mà nơi này thì buồn nhất.”

Ông Tuệ có vẻ chú ý câu chuyện của cô.

“Hồi đó... bố mẹ cháu, chú và cháu thường đến đây chơi, chủ nhật nào cũng vậy, nếu không cùng nhau tổ chức đi chơi xa, như chú đã nói. Thế rồi, như trời sập, mọi chuyện đổi thay. Người vắng teo, áo dài không thấy, giày dép không thấy, xe cộ không thấy, chim chóc biến đi đâu mất hết, cây cối cũng ủ rũ. Đã thế sương mù không biết từ đâu về nhiều hơn hẳn trước kia, ngày nào cũng ảm đạm như ngày nào. Đêm càng âm u, rùng rợn. Cháu sợ tiếng súng nổ xa, tiếng bước chân ngoài đường cái, đường hẻm, tiếng người quát tháo, tiếng chó sủa. Sợ cả tiếng gió. Và nhất là tiếng gõ cửa. Thấy thế mẹ cháu rất lo lắng nhưng cũng trách cháu rằng ngày bố bị đi tập trung cải tạo, cháu không hoảng hốt bằng hôm chú đến giã từ để vượt biên. Nhiều đêm khuya, tất cả đều im lặng, chỉ còn tiếng dế kêu mãi ở sau vườn, tiếng gió thổi từng cơn vào hàng thông trước ngõ. Đèn tắt đã lâu, mẹ cũng đã ngủ say từ hồi nào. Cháu ngồi thu mình ở một góc giường, hai tay bó gối, thì thầm tụng mãi một bài kinh cho đến khi ngủ thiếp. Có lần mẹ bắt gặp, mẹ khóc. Rồi mẹ bảo mẹ biết con có căn đi tu.”

Ông Tuệ ngạc nhiên:

“Em biết tụng kinh? Kinh gì vậy?”

“Kinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát. Cháu tụng kinh cầu nguyện cho chú vượt khỏi mọi hiểm nguy trên biển hoặc trên rừng.”

“Đèn tắt làm sao đọc được mà tụng?”

Người đàn bà hơi thảng thốt, quay nhìn người đàn ông rồi cúi đầu xuống trả lời thì thầm:

“Thưa, cháu thuộc.”

Ông Tuệ ngoảnh mặt ra mặt hồ, đưa tay chỉ trỏ bâng quơ và nói:

“Thuộc thì tụng lại cho anh nghe đi.”

“Không nên, ngồi đây sao tiện. Lại không có chuông, mõ, mất cả nghiêm trang.”

“Thế hồi đó, đêm khuya,... gì gì nữa.. ngồi thu mình trên giường mà lại có chuông, mõ hay sao?”

Nhạn im lặng không trả lời câu hỏi của ông Tuệ.

“Thôi được, OK. Nhưng anh ưa nghe em tụng kinh lại ngay tại đây, và ngay bây giờ,” ông Tuệ trầm giọng nói.

Nhạn có vẻ khó chịu. Ông Tuệ tảng lờ, nói tiếp:

“Em cứ tụng nho nhỏ cho một mình anh nghe mà thôi. Có ai ngồi gần đây nghe lén đâu mà xấu hổ. Hay Nhạn... quên. Thì cứ nói quên.”

“Thưa quên cái gì?” Người đàn bà hơi gắt.

“Quên kinh.”

“Nghĩa là cháu nói láo, thưa chú? Không thuộc mà cứ bảo rằng thuộc? Thưa chú, chú thay đổi nhiều quá.”

Ông Tuệ nghiêm mặt:

“Anh từng làm việc cho mấy công ty lớn bên Mỹ, có chút quyền hành, có biết về vấn đề quản lý xí nghiệp, quản lý nhân viên dưới quyền. Cho nên chú... anh chỉ muốn làm một cái “test” nho nhỏ. Thế thôi. Cũng có thể hồi đó em nhớ, bây giờ trước mặt anh em đâm hoảng, quên. Được thôi. Nhưng điều quan trọng là đừng nói dối. Bên đó người ta ghét nói dối lắm. Anh cũng không chấp nhận chuyện dối trá.”

Nhạn bỗng nhiên bình thản:

“Thế hả? Cháu đừng nói dối hả? Nhưng nói láo với chú chút chút cho vui câu chuyện có được không, thưa chú. Nào xin chú nghe nhé, chỉ vài đoạn có liên quan chuyện chú vượt rừng, hoặc vượt biển hồi đó. Hồi đó... sao ở đây buồn quá. Vâng, sao cháu buồn đến thế, đêm đêm ngồi thu mình ở một góc giường... Mà bây giờ cũng chẳng vui vẻ gì. Rất buồn... buồn hơn xưa nữa đấy chú. Này chú, cháu chỉ đọc lên thôi, khỏi tụng với niệm làm chi. Cho thêm tội:

“Hoặc thú dữ vây quanh
Nanh vuốt nhọn tua tủa
Do sức niệm Quán Âm
Vội vàng chạy trốn cả
...
 
“Bão tố và sấm sét
Mưa tuôn gió gào thét
Do sức niệm Quán Âm
Liền sẽ tiêu tan hết...”

Đọc đến đây người đàn bà dường như quá xúc động không thể đọc tiếp. Cô ngừng lại, nói trong nước mắt:

“Bậy quá, chỉ vì muốn được lòng tin của chú mà phải đem cả kinh kệ ra làm trò cười không đúng chỗ.” Và cô ôm mặt thổn thức.

Ông Tuệ ngượng. Mấy du khách đang đi ngang qua tò mò nhìn. Có lẽ vì ngượng ông đâm cáu, cao giọng:

“Người ta dòm ngó kìa. Cô lớn rồi, nên ý tứ một chút.”

Trời bỗng nổi cơn gió mạnh, những tia chớp ngoằn ngoèo xé không gian, tiếng sét nghe đinh tai điếc óc. Cơn mưa đột ngột đến, những giọt mưa làm mặt hồ thoạt tiên nổi bong bóng, rồi mù mịt. Mưa đổ xuống ghế đá, xuống những ngọn lá thông khô nằm vương vãi trên các lối đi. Vài rãnh nước nhỏ chảy dài xuống những bậc tam cấp. Người đàn bà ngồi yên. Người đàn ông đứng dậy chạy được mấy bước rồi quay lui nắm tay kéo người đàn bà, la lớn:

“Vào ngay trong quán nước kia.”

Nhạn đi theo ông Tuệ. Mưa nặng hạt dần. Còn vài cặp thanh thiếu niên trên những chiếc pédalo coi như không có gì xẩy ra, tiếp tục đạp xe, la hét.

Vào trong quán, ông Tuệ đến ngồi phịch xuống chiếc ghế đối diện với Nhạn cạnh chiếc bàn nhỏ trải khăn trắng. Trên mặt bàn có một lọ hoa phong lan màu tím nhạt. Chưa hết bực tức, ông Tuệ cằn nhằn:

“Đã lớn mà không... mà không... ý tứ...”

Nhạn cúi mặt. Ông ấp úng một chốc, rồi nói tiếp:

“Nhạn, Nhạn có thấy tụi đạp pédalo kia không? Hồi nãy... tắm nắng, bây giờ tắm mưa. Đã lớn mà không... mà còn vậy. Thế nào cũng bịnh.”

“Ông bà dùng gì,” anh chủ quán đến hỏi. Rồi nhanh nhẩu nói tiếp:

“Mưa thế nhưng chỉ một chốc là tạnh. Bọn ấy hết tắm nắng lại tắm mưa, hết mưa lại tắm nắng, cơn nắng cuối cùng của ngày. Đúng đấy thưa ông, chúng nó thế nào cũng bịnh.”

“Thôi, đừng lắm chuyện nữa ông ơi. Cho tôi một cốc cà phê đen nóng, thật nóng, nhanh lên. Thêm một tí sữa vào, đúng một muỗng thôi. Nhớ kỹ đấy nhé, anh kia. Còn cô Nhạn, cô uống gì không thì nói?”

 

*

 

“Đấy, câu chuyện của tôi là thế đấy.”

Hắn nói xong uống cạn tách trà. Hắn và tôi đã uống hết ba bình trà, ăn mấy cái bánh ngọt. Chúng tôi mới quen nhau chưa đầy một năm mà đã có vẻ tâm đầu ý hợp. Chưa phải là bạn thân. Thật ra tuổi càng lớn ta càng khó kết bạn, nói chi đến chuyện thân với không thân. Hắn thích nói, và nói rất có duyên, tôi thích nghe. Tôi chỉ đóng vai trò trợ hứng cho hắn.

Tối hôm đó, cuối tháng tư, hắn đến chơi. Tôi đoán hắn muốn nhắc đến ngày miền Nam mất. Nhưng tôi đã đoán sai.

“Mình ở đây thế mà đã hơn 20 năm rồi,” hắn châm thêm trà vào tách. “Ở đâu quen đấy, lâu ngày thành ù lì. Ừ, bản chất của con người là quên. Rồi mọi chuyện đều qua... qua... qua.... như những dòng sông chảy mãi ra biển. Nản quá.”

“Anh nói ít khi sai,” tôi đáp cho có đáp.

“Ít khi sai nghĩa là cũng có khi không đúng chứ gì. Nhưng đó là chuyện khác. Trở lại câu chuyện tôi vừa kể cho anh nghe, anh thử đoán sẽ kết thúc như thế nào?”

“Tôi muốn biết liên hệ của anh với mấy người đó,” tôi hỏi để có thì giờ suy nghĩ thêm, mà chả nghĩ ra cái quái gì cả. Tôi tự biết tôi không có tài ăn nói, kể chuyện càng bết, chỉ nghe là giỏi. “Nào, bà con ra sao? Quen biết ra sao? Có thường liên lạc với nhau không? Có thư từ hay email cho nhau không? Có... có...”

Hắn sốt ruột:

“Đừng có có có nữa. Không họ hàng bà con gì cả. Chỉ là bạn thôi, bạn khá thân. Nay tan tác, đứa chết, đứa vào tù, đứa tâm thần. Thôi, để tôi kể tiếp cái kết cục của nó.”

Tôi như trút được gánh nặng:

“Có thế mới là biết được bụng của nhau chứ... nghĩa là biết tôi chỉ thích nghe thôi chứ.”

Hắn rút điếu thuốc lá ra từ bao thuốc để trong túi áo, rồi lại cho vào bao, miệng lẩm bẩm:

“Tôi quên anh không hút thuốc.”

“Không sao. Tôi không hút nhưng thích ngửi khói. Anh cứ tự nhiên.”

“Vâng, chốc nữa hút cũng được. Để tôi kể tiếp nhé, ngắn gọn thôi. Sau hôm gặp cô cháu, ông Tuệ trở lại Mỹ ngay để kịp đi làm việc, và cũng để làm gấp những giấy tờ cần thiết mới có thể đưa cô Nhạn qua sớm. Khi mọi thủ tục giấy tờ đã hoàn tất, không hiểu sao cô cháu ấy cứ lấy hết cớ này đến cớ khác trì hoãn chuyến đi Mỹ. Cuối cùng cô ấy quyết định không đi nữa.”

Tôi không ngạc nhiên nhưng làm ra vẻ sửng sốt:

“Lạ quá nhỉ. Mối tình đẹp như thế mà cô kia lại trở chứng. Đàn bà là thế đấy, không ai hiểu nổi.”

“Sao anh lại nói thế? Chẳng lẽ anh không biết vì sao cô ấy... Thôi được rồi, tôi xin kể tiếp. Ông ấy bực bội lắm, bay về Việt Nam hỏi cho ra lẽ. Cô ta nhất định lánh mặt. Ông nổi nóng viết một lá thư gởi cho gia đình cô Nhạn thông báo rằng ông sắp cưới vợ. Nói là làm, ông vội vã đi tìm cưới một cô bé xinh đẹp và nhỏ hơn ông gần 30 tuổi. Đúng là có tiền mua tiên cũng được. Mang vợ về Mỹ ở với nhau hơn một năm, không con. Cô bé kiếm cớ xin ly dị, chia gia tài, lấy chồng khác. Ông Tuệ lại độc thân. Ông xin hưu trí non, lại bay về Việt Nam đi tìm vợ mới. Có ngay. Và cũng sống với nhau không được bao lâu, lại ly dị. Tuệ bây giờ trở nên lẩm cẩm nặng, suốt ngày không biết làm gì, buồn, tuần nào cũng đi đến các casino, từ thua đến thua, hết cả tiền để dành, bán cả cái nhà đang ở, nợ nần chồng chất, hai ba lần vào nursing home.”

Tôi buồn lây. Uống xong tách trà, tôi hỏi tiếp:

“Còn hai ông kia, ông Tuấn, ông Yên?”

“Kinh khủng lắm, anh ơi. Một hôm Tuấn đòi về Việt Nam, Yên không chịu. Hai bên cãi vã từ sáng đến trưa. Trong cơn nóng giận, sẵn cây dao gọt cam để trước mặt, Yên đâm Tuấn một nhát. Không may trúng tim, Tuấn chết ngay tại chỗ. Ông Yên bỏ trốn được mấy ngày rồi ra nạp mạng với sở Cảnh Sát.”

“Bạn của anh toàn là những kẻ đáng thương, những người lao đao, lận đận. Nhưng có lẽ đáng thương nhất là cô Nhạn. Anh có biết gì thêm về cô ấy không?”

Hắn được dịp bắt bẻ tôi:

“Anh hôm nay làm sao thế? Vừa bảo cô ấy trở chứng, thứ đàn bà này nọ, bây giờ lại nói cô ta đáng thương nhất. Không, tôi không biết gì thêm về cô ấy cả. Mùa xuân năm ngoái tôi tình cờ gặp Tuệ tại D.C. Anh ta theo đoàn du lịch thăm hoa anh đào nở. Anh ấy bây giờ già đi hẳn, quên trước quên sau, nói năng gắt gỏng, khó khăn, lộn xộn, nhưng khi tôi nhắc đến cô Nhạn, anh như người tỉnh giấc, lặng người. Anh kể lể dông dài chuyện cũ, chuyện cô cháu mà anh không thể nào quên. Rồi anh lọng cọng rút cái ví từ trong túi quần lấy ra cuốn sổ tay nhỏ, chỉ cho tôi cái hình bán thân của cô Nhạn, địa chỉ của cô Nhạn, bảo tôi ghi lại và nhờ tôi gởi thư ngay xem có tới tay cô ta không. Chứ thư ông gởi, cô ấy không trả lời. Tôi là chúa lười viết thư nhưng cũng viết một lá thư ngắn không mong gì nó tới người nhận. Quả thế, cho đến bây giờ tôi vẫn không có tin tức của cô Nhạn.”

Tôi buột miệng:

“Cô ấy trốn vào núi rồi.”

“Ông nói cái gì vậy? Vào núi để làm gì?”

“Thì lên núi, xa lánh cõi trần ai tục lụy, tìm một ngôi chùa thanh vắng.”

Hắn cười:

“Anh nói thế không chừng đúng đấy.”

 

*

 

Tôi bắc nước để pha thêm trà. Đêm đã khuya, uống trà như thế này sẽ khó ngủ, nhưng mấy khi bạn tới chơi lâu. Tôi mở lời:

“Anh hãy ở lại đây đêm nay với tôi nhé. Tha hồ ôn chuyện cũ. Sáng ngày mai ta đến tiệm cà phê mới khai trương. Mới mở chắc chắn phải ngon, phải không anh?”

Hắn vui vẻ gật đầu.

“Anh thấy chuyện tôi vừa kể như thế nào?” hắn hỏi.

“Hấp dẫn, nhưng rắc rối quá, như trong tiểu thuyết. Nhưng có đúng sự thật không anh?”

“Anh hỏi lạ chưa! Chẳng lẽ tôi nói dối với anh. Nhưng sự thật là thế nào? Trong cuộc sống này làm sao anh biết hết được sự thật. Đi đến gần sự thật là đã may mắn lắm rồi. Mà muốn thế, phải hư cấu thêm. Để tôi nói cái này cho anh nghe nhé. Một lần tôi lên Kontum nhìn sông Dabla chảy ngược về phía Lào. Tôi tự hỏi mình biết được gì về con sông ấy. Chỉ thấy được một đoạn sông thôi, còn biết bao nhiêu chuyện khác về nó hoàn toàn vượt ra ngoài sự hiểu biết của tôi. Chẳng hạn ngọn nguồn của nó, chỗ nông chỗ sâu, nơi nào có rong rêu, tôm, cá, nơi nước chảy xiết như thác, nơi lặng yên, tháng nào nước tràn bờ, tháng nào khô cạn, vân vân. Con sông còn thế huống là con người. Anh chỉ thấy bề ngoài của con người vào một thời gian nào đó, một không gian nào đó, xuyên qua tâm trạng của chính anh vào một lúc nào đó. Muốn biết hơn, phải hư cấu thêm, may ra soi sáng thêm chút ít. Mà rủi thì trật lất cũng không sao. Còn hơn ù ù, cạc cạc. Anh đồng ý không, ở đời này khó nắm bắt được cái thật tuyệt đối.”

Tôi buộc lòng phải phê phán một câu:

“Anh là đệ tử của thuyết hoài nghi.”

“Không, trái lại là đằng khác. Tôi ráng đi gần đến sự thật bằng cách hư cấu thêm. Thật ra khi kể lại một câu chuyện, ai mà không hư cấu, không ít thì nhiều. Bởi thế tôi không thể chịu nổi những thứ mà người ta đã bỏ bao nhiêu công sức để tạo nên như viết một cuốn truyện, dựng một cuốn phim, lại kèm theo cái quảng cáo ngây thơ ‘truyện này, phim này là sự thật, hoàn toàn không phải là sản phẩm của hư cấu’.”

Tôi hỏi ngớ ngẩn:

“Sao lại quảng cáo ngây thơ.”

“Ngây thơ là vì chính mình cũng không biết mình có hư cấu, hoặc nghĩ rằng mình có thể đánh lừa những kẻ dễ tin rằng mình không hư cấu. Nhưng này này... sao anh khôn thế. Cứ bắt tôi kể chuyện mãi sao. Hôm nay ở nhà một mình buồn quá, đến đây mục đích là nghe anh nói, chứ không phải nói cho anh nghe.”

“Tôi thì có chuyện gì đâu mà kể. Lại không biết hư cấu...”

Hắn ngắt lời tôi, có vẻ giận:

“Đã là bạn bè thì phải fair với nhau. Tôi kể anh nghe thì anh cũng phải kể cho tôi nghe. Trải qua cuộc đổi đời khủng khiếp đến thế thì ai mà không có nhiều chuyện để nói. Nếu anh còn giở trò vờ vĩnh, tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với anh nữa.”

Đã đến nước này, tôi đành phải cố nặn đầu ra mà kể một chuyện gì đó cho xong nợ.

“Vâng, thì tôi xin kể vậy. Nhưng có lẽ câu chuyện chả có gì. Không có án mạng, không tình yêu tan vỡ, không thơ mộng, không lãng mạn, không hư cấu. Xin lỗi có lẽ tôi nói sai rồi, có chút chút... hư cấu chứ, cho vừa lòng anh. Có lẽ tôi sẽ kể chuyện về những ngày tôi ở tù cải tạo. Ồ không được rồi, vì anh cũng đã từng ở tù lâu hơn tôi, gian khổ hơn tôi. Hay kể chuyện về thời gian chân ướt chân ráo đến xứ này. Chuyện này lại nhàm quá, cả trăm người đã nói về việc đó. Hay xin anh đề nghị, xin lỗi, anh khai mào, chỉ dẫn, bày vẽ cho tôi kể một chuyện gì đó?”

Hắn cười khúc khích:

“Anh nói ngược đời! Hay cố tránh né? Được rồi, nếu không có chuyện về anh thì hãy bắt chước tôi kể chuyện về người khác. Chẳng hạn bà con, bạn bè, láng giềng, đồng nghiệp. Nếu cũng còn bí thì, xin lỗi, kể ‘chuyện ông huyện to dái mụ lại to khu’. Có biết bao chuyện để kể. Ha ha ha.”

“Ấy, ấy, xin hạ giọng xuống, vợ con tôi nghe được thì ê cả cái mặt. Vâng, tôi nghĩ ra rồi. Tôi sẽ kể câu chuyện về một người rất thân của tôi, cũng lao đao không kém bạn bè của anh.”

 

*

 

Hồi đó, mỗi trận đá banh, nhất là đá banh quốc tế, là một dịp để chúng tôi bừng bừng sống dậy, vùng lên, nổi điên, như diều gặp bão. Chúng tôi còn đi học, ở tại Đại Học Xá Minh Mạng Chợ Lớn rất gần sân banh Công Hoà đường Nguyễn Kim. 2 giờ 30 chiều đá mà 12 giờ trưa, hoặc sớm hơn, chúng tôi đã có mặt tại sân banh cho có chỗ ngồi tốt. Đi coi đá banh vé hạng chót mà. Mỗi thằng mang theo một cái nón đội tạm, thường thì đi đâu cũng đầu trần, một cuốn sách hoặc xấp báo để lót đít, bằng không ngồi trên băng ghế dài nóng thấy mụ nội, một cuốn truyện để đọc trong khi chờ, hoặc những thằng học gạo mang theo cả bài học. Và một chút gì đó để ăn cho đỡ đói, một chút gì đó để uống. Nước cần lắm, nhưng không phải cho đỡ khát là chính, mà để, sau khi la hét khan cả giọng, nốc nó vào cho thông cổ mới có thể tiếp tục la hét ủng hộ gà nhà. La hét thả cửa, không kiêng kỵ, không dè dặt, và cũng chỉ tại sân đá banh chúng tôi mới được xả hơi tha hồ la hét. Nếu ở nơi khác cũng to mồm như thế chắc chắn bị đưa lên Nhà Thương Biên Hoà. Hai đứa la hét đáng nể nhất là thằng A. và thằng Th.. Ở đây tôi nói đến A., một dịp khác sẽ chuyện trò về Th..

Tiền đạo Thách lừa banh qua khỏi hậu vệ thứ nhất của Đại Hàn, rồi lạng mình như bóng ma vượt luôn qua hậu vệ thứ hai. Cả cầu trường muốn nổ tung. Chúng tôi nhổm đít mắt trợn trừng dõi theo đường banh. Có đứa há to họng như bị thắt cổ. Thằng A. chồm người ra, một tay vịn đầu tên ngồi ghế dưới phía trước bất kể quen lạ, trai gái, tay kia khum vào miệng làm ống loa, gào lên thảm thiết “sút, sút, sút”... “vô, vô, vô”. Quả nhiên Thách sút một cú “sấm sét” như trời giáng, nhưng banh bay ra ngoài cách xà ngang trong “gang tấc”. Quay qua chúng tôi, hắn nhăn mặt, cau mày, trợn mắt, hét lớn:

“Mình la đến thế mà banh không chịu vô. Đéo chịu được. Tại gió chớ đâu phải tại Thách, con gà của moa.”

Trong khi tất cả chúng tôi ngồi xem, hắn đứng lên ngồi xuống không yên suốt hiệp một, suốt hiệp hai. Đứng lên bị khán giả ngồi sau phản đối lại ngồi, rồi quên đứng lên lại. Chỉ trong giờ giải lao giữa trận đấu hắn mới ngồi, xoay qua bên này, xoay qua bên kia, cãi cọ với chúng tôi “găng” đến nổi khiến người ngoài tưởng chúng tôi sắp sửa bước qua giai đoạn “động thủ” chứ không còn “động khẩu” nữa.

Không chỉ mê xem đá banh, hắn còn mê nhiều thứ khác. Chỉ xin kể vài thứ thôi. Câu cá chẳng hạn. Hồi bé ở quê cuối tuần đi câu cá rô, cá mại, bằng cần hóp, dang nắng suốt ngày bên bờ ao, bờ hói, da cháy rám đen, đầu tóc khét lẹt. Tối về bị ăn đòn mãi cũng không chừa. Lớn lên xách cần câu máy đi sa đà ở nhiều sông rạch miền Nam.

Đến khi hắn bệnh nặng, tôi vội vàng về thăm. Hắn, còn da bọc xương, một mình hai cần câu máy, một cần gác lên trên thanh cây có chĩa ba cắm sẵn xuống đáy nước trước mặt, cần kia trong tay hắn. Nhắm nhía xong, hắn “cà niễng” lội xuống nước cho đến khi nước lên đến đầu gối, chấm đũng quần, rồi lấy đà vung cần câu. Trong khi đó, người bạn thân của hắn, thằng O., người dùng xe gắn máy chở hắn đến nơi này cách thành phố hơn 15 cây số, mà cũng là bạn thân của chúng tôi còn ở lại Việt Nam, ngồi ung dung câu cá dưới mái che, mắt đưa đẩy ngắm “hoa đồng cỏ nội” theo lối nói của nó, tức là những cô gái quê thỉnh thoảng vén quần lội ngang qua các con lạch. Thằng O. câu cá như một thú tiêu khiển lúc tuổi già, trong khi thằng A. xông xáo, sục sạo, khổ sở.

Nhưng câu được nhiều cá có phải để giúp cho bà vợ ở nhà đỡ tốn tiền đi chợ đâu. Mà để cho bạn bè. Thằng O. còn lái được xe hai bánh lãnh việc đi cho. Càng có nhiều cá thằng O. càng mệt và ‘tốn xăng’ chạy đi phân phối nhiều nơi. Tôi đề nghị mỗi tối sau một ngày câu cá, O. hãy dùng ‘điện thoại di động’ gọi ai muốn lấy cá thì tới một nơi tập họp nào đó mà lấy. Không biết hắn có chịu nghe lời tôi hay không.

Xin trở lại với A.. Tôi la lên:

“Bệnh thật hay bệnh giả đấy? Câu cá cái kiểu đó cho mau chết hả, A.?”

Hắn đáp mệt mỏi:

“Đứng đây một chút thôi mà. Lên liền.”

“Mình được email cho biết cậu bệnh nặng. Về lại thấy cậu đi câu!”

“Bệnh bữa đực bữa cái, hôm có hôm không. Hôm nay chủ nhật, thấy trong người khoẻ khoắn, ở nhà buồn quá, nên rủ thằng O. đi câu. Năn nỉ mãi hắn mới chịu đi. Hắn bảo mình đau, hắn không chở đi đâu, nhưng hắn đâu biết rõ mình bằng mình.”

Tôi lo lắng nhìn thằng O.

“Hắn rứa đó,” O. nói. “Mình can mãi hắn không nghe. Thật ra hôm nay thấy hắn khá hơn những lần đi câu trước.”

Sau hôm đi câu ấy, bệnh của hắn trầm trọng. Hắn xin nghỉ dạy học tại trường. Lớp học tại nhà cũng phải tạm ngưng. Vào bệnh viện. Mấy hôm sau qua đời.

Lúc còn trẻ đến tuổi đi lính, hắn tình nguyện đăng vào “Lực Lượng Đặc Biệt”. Vừa xong khoá học, hắn đi đóng đồn xa hoặc đi đánh trận lu bù, không sao cả. Nhưng trong một dịp về hậu phương biểu diễn đi “Dây Tử Thần” từng cặp một, gặp trục trặc, dây tuột, người đằng sau đè lên hắn, hắn bị thương nặng. Giải ngũ với cấp bậc chuẩn úy (nhờ thế sau này hắn không bị gọi đi tù cải tạo). Hắn chuyển qua làm việc tại Viện Quốc Gia Phục Hồi (Trung Tâm Chỉnh Hình) đồng thời ghi tên học Văn Khoa môn tiếng Anh. Làm việc giỏi, được Viện cho đi thực tập tại Mỹ và mấy nước trên thế giới, trong đó có Do Thái. Về việc học thì đậu cử nhân Anh Văn, đậu cao.

Sau 1975, hắn tung hết cả tiền để dành tổ chức vượt biên cho cả gia đình. Vượt biên nhiều lần nhưng không gặp may, lần nào cũng bị “bể”. Hết sạch cả gia tài, cuối cùng phải mượn tiền để cho đứa con út vượt biển một mình. May mắn thay, đứa con út ấy qua được Úc, học giỏi, lấy được bằng tiến sĩ Toán, dạy ở một Đại Học.

Để kiếm sống, hắn xoay qua nghề đi dạy, vợ buôn bán lặt vặt. Thoạt đầu dạy tại những trường xa xôi, sau vì có khả năng, hắn được chuyển về Sài Gòn dạy môn tiếng Anh cho lớp 12 chuyên Anh. Mỗi năm có kỳ thi Anh Văn trung học toàn quốc, học trò chuyên Anh của hắn thường đoạt giải nhất. Nhưng muốn có số thu nhập đủ sống, hắn mở nhiều lớp tại nhà, học trò đến rất đông. Đi dạy học cũng như đi chơi, hắn đam mê. Soạn bài, chấm bài thâu đêm. Giảng bài say sưa “sùi bọt mép”. Khi đã đau nặng hắn cũng không chịu bỏ lớp dạy tại nhà. Dạy cho đến khi không đứng để giảng bài được, không nói ra tiếng, phải nằm nghỉ ở phòng trong, cho học sinh làm bài tại chỗ ở phòng ngoài. Đó là mấy ngày dạy học cuối cùng trong đời của hắn.

Cũng phải kể thêm hắn rất mê bóng bàn. Đánh không hay, bị bạn bè chọc quê, hắn tìm Lê Văn Tiết dạy hắn. Sau một thời gian, hắn hạ tất cả các bạn cũ, trừ thằng HXD học giỏi mà chơi cũng ‘vàng trời’.

Đam mê khiến hắn tiến vượt bực trên nhiều lãnh vực. Nhưng cũng vì đam mê khiến sức khoẻ của hắn suy sụp nhanh chóng, nhất là mê nhậu nhẹt với bạn bè. Bạn bè thân thiết cũ đã đi hết, chỉ còn lại thằng O.. O. không thích rượu cho lắm, cũng không thích giao thiệp với những người mới quen, hắn đành đành la cà các quán uống rượu, các quán thanh nữ, thường là vào buổi tối sau một ngày dạy hoc, với mấy người đồng nghiệp trẻ tuổi hơn hắn.

Theo lời O. mấy chàng ấy là ‘dân bắt địa’. Tửu lượng không cao, nhưng thằng A. ‘ham vui’ — có thật hắn ham vui hay không, nhiều lúc cái mặt của hắn trông thảm não vô cùng — lúc nào hắn cũng uống ‘hết mình’, uống ‘đến bến’. Say sưa, nôn mửa, té xe ban đêm nhiều lần trên đường về nhà. Hoặc có khi về tới chung cư, nhà hắn ở lầu ba, hắn buông cho xe ngã xuống đất, rồi nằm gục trên thềm tam cấp. Láng giềng hoặc mấy người bán mì bán phở gần đấy phải gọi vợ con của hắn xuống xốc nách đưa hắn lên nhà. Về sau vợ hắn không cho hắn lái xe hai bánh.

Thuốc lá cũng nối hết điếu này đến điếu khác. Tôi bảo hắn hút thuốc lá rất có hại, cả thế giới đang bài trừ thuốc lá, hắn trả lời ngậm điếu thuốc trên miệng cho đỡ buồn, chứ hút vào có bao nhiêu đâu mà sợ. Như cái ông Tổng Thống bên anh đó mà — hắn kêu tôi bằng anh con cô con cậu. Trong gần một năm trước khi qua đời, hắn gần như bỏ ăn. Chỉ rượu, nhậu, và thuốc lá.

O. có lần nói thẳng với hắn trước mặt tôi:

“A. này, làm thầy giáo mà bê bối như toa lỡ học trò bắt gặp thì chướng mắt lắm. Bớt nhậu nhẹt với mấy thằng đó đi.”

Hắn im lặng. Nhưng im lặng không có nghĩa là đồng ý.

Vợ hắn có lần than thở với tôi:

“Anh ơi, cứ như thế này, nhà em chết mất. Em đầu hàng, nói thế nào anh ấy cũng không nghe.”

“Nhưng tại sao A. bừa bãi thế.”

Vợ hắn đáp:

“Liều lĩnh thì đúng hơn.”

Vợ hắn người Bắc vào Nam trước 54, nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng.

“Nhưng tại sao liều?”

“Em không biết. Có lẽ tại vì anh buồn.”

“Buồn chuyện gì?”

“Buồn chuyện gì ai mà biết được. Hay anh cứ hỏi thẳng nhà em đi.” Rồi cô ta nói thêm, nửa đùa nửa thật:

“Tại vì các anh đấy. Thà đừng về. Lâu lắm mới có một người bạn thân về, được mấy hôm rồi lại đi. Em nhớ dạo đó các anh chuyện trò náo nhiệt, la hét hồn nhiên. Nay nhà em lặng lẽ như cái bóng.”

Tôi buột miệng:

“Không lẽ vì xa anh và tụi bạn mà A.... như thế sao?”

“Em không biết chắc. Chẳng lẽ nhà em quý bạn hơn vợ con. Có lẽ không phải thế đâu anh.”

Rồi cô ta cười buồn:

“Em không ngờ nhà em đi nhanh như thế. Đã biết bao nhiêu lần em định hỏi thẳng nhà em buồn vì lý do gì. Mà anh cũng thế, sao anh không hỏi thẳng nhà em.”

Từ nãy đến giờ anh bạn của tôi vẫn ngồi yên chăm chú nghe. Đến đây, hắn bỗng chen vào:

“Thế tại sao anh không ‘hỏi thẳng’?”

“Không. Tôi không kịp mà cũng không thể làm chuyện đó. Có nhiều điều mình tưởng là dễ làm lắm đến khi sắp bắt tay vào việc mới thấy khó. Tôi biết trước rằng nếu tôi hỏi tại sao cậu rượu chè be bét như thế, hắn sẽ trả lời có gì đâu, lâu lâu say một lần cho vui cuộc đời xế chiều này. Trước sau gì cũng chết thì có rượu chè, thuốc lá hay không cũng thế thôi. Nếu tôi cố hỏi thêm có phải cậu bắt chước người xưa uống rượu để tiêu sầu? Hắn sẽ nhún vai bảo với tôi rằng tiêu sầu cái con khỉ.”

Anh bạn tôi thở phào như đã tìm ra được một câu trả lời đích đáng:

“Chả có gì phức tạp trong câu chuyện đó cả. Bạn của anh là bợm ghiền rượu. Uống rượu cho đến chết mới thôi.”

“Không, không phải thế. Có một lần tôi về Việt Nam để dời mộ mẹ tôi từ Gò Dưa, thuộc tỉnh Bình Dương thì phải, về Huế, rồi làm một ngôi nhà nhỏ cho người chị của tôi để chị có thể từ Sài Gòn ra Huế ở — chị ấy đã già, không chồng con. Tôi muốn nói tôi ở Việt Nam đến hơn hai tháng, cho nên có nhiều dịp đi chơi với A.. Hắn không uống rượu, thuốc lá lai rai. Nghĩa là hắn không phải dân ghiền.”

“Thế thì cũng có cách. Câu chuyện ấy... nếu anh chịu khó ngồi yên, lắng lòng mình lại, dùng một chút tưởng tượng, một chút sáng tạo, một chút compassion, để hư cấu, thì sẽ có một đoạn kết đầy đủ, ý nghĩa.”

Tôi không thể làm theo lời của anh bạn ấy. Quả thật tôi không thể tìm một kết luận nào cho câu chuyện về A. cả.

 

09/2012

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021