thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TRẠI SÚC NHÂN [13]

 

Bà Thoa Trần-Thị ngày xưa thân mến,
Phần Vĩ Thanh dài hơn dự định, phải thêm một kỳ nữa. Cũng đúng thôi, vì không chỉ là Vĩ Thanh của cuốn sách chính mà còn là câu chuyện của cả “Tổ Quý tộc” ở một thời kỳ lạ.
 
Mong rằng bà không phiền lòng khi tôi viết lại gần như nguyên vẹn câu chuyện của chúng ta.

 

______________

 

Đã đăng: [1] - [2] - [3] - [4] - [5] - [6] - [7] - [8] - [9] - [10] - [11] - [12]

 

 
Mượn bức tranh Guernica của Pablo Picasso để minh hoạ cho tiểu thuyết Đại Hắc thuỷ

 

Tiếng chuông

Đông Thành có một ngôi nhà thờ Thiên Chúa, nhỏ bé, tường mái phủ đầy rêu. Sân nhà thờ dựng bức tượng Chúa Trời một tay bế Jêsus hài đồng, một tay chỉ vào trái tim mình, như muốn nói: “Ta đã hiến đứa con yêu quý của ta để cứu rỗi các ngươi. Và trái tim ta đau đớn”. Tôi nói thầm: Vâng, xin đội ơn Thiên Chúa, nhưng sự hy sinh của Ngài có ích gì không, khi đàn chiên của Ngài vẫn đang sống trong các trại súc vật.

Nhiều lần, vào chiều muộn, tôi đứng ngoài hàng rào nhìn những bóng con chiên lặng lẽ từng tốp nhỏ rón rén lướt nhẹ, như vụng trộm, đi vào ngôi nhà thờ. Họ cầu kinh, giọng rầu rĩ như kể lể điều gì rất đau khổ cho Chúa nghe. Nét mặt những tín đồ buồn bã ngơ ngác như không hiểu sao họ cứ khổ mãi. Quả chuông của ngôi nhà thờ đó buông rền đều đều vào sáng, trưa, chiều, tối mỗi ngày. Thị trấn nhỏ, tiếng chuông lan đến mọi nơi. Nằm trên giường trong căn gác ọp ẹp, tôi và Phong vẫn nghe thấy rõ từng tiếng chuông như ngay trên mái nhà, ngoài cửa sổ, từng tiếng đều đều vào sáng trưa chiều tối. Tiếng chuông gợi buồn, nhớ, tiếc thương mơ hồ. Tiếng chuông còn gợi cả nỗi đau vô danh, sự khắc khoải mong đợi điều gì đó, một điều chẳng bao giờ đến... Tiếng chuông nhay nhở hết ngày này sang ngày khác khiến chúng tôi bứt rứt, lo lắng, bực bội. Bực bội rồi tức tối, khó chịu đến muốn phát điên lên. Đêm đêm, tôi viết những câu chuyện để giải toả những điều phiền muộn bực dọc.

Một buổi sáng, Phong đưa tôi mẩu giấy can bản vẽ kỹ thuật có những câu thơ:

Buổi sáng tiếng chuông nhỏ giọt
Những hạt sương nhói buốt rơi
Từng giọt... từng giọt... từng giọt
Nhay nhở chiếc lá hồn tôi...

Buổi trưa, ăn cơm xong, nắng như thiêu. Chúng tôi ngồi ngáp dài hưởng chút gió từ chiếc quạt trần cũ kỹ phành phạch như tiếng roi da quất trên lưng bầy gia súc. Tiếng chuông nhà thờ dóng dả. Phong lại đưa cho tôi mẩu giấy can thứ hai:

Buổi trưa tiếng chuông rền đổ
Những giọt dầu lửa bỏng sôi
Từng giọt... từng giọt... từng giọt
Làm thủng lỗ chỗ hồn tôi...

Buổi chiều ngột ngạt, hết giờ làm, chúng tôi vẫn ngồi dưới làn roi quạt trần quất phành phạch, chẳng buồn đến cái nhà ăn hướng Tây nắng xối gay gắt, với những thức ăn rất khó nuốt. Phong đưa cho tôi mảnh giấy can thứ ba trong ngày, đúng lúc tiếng chuông rền rĩ:

Buổi chiều vẫn thế chuông rỏ
Từng giọt... từng giọt... chì sôi
Và hoàng hôn loang máu đỏ
Lênh láng khắp cõi hồn tôi...

Đêm tối, cơn mưa rào lộp độp rất nhanh rồi tạnh ngay, không khí oi bức thêm. Chúng tôi vẫn ngồi bên bàn làm việc dưới tiếng roi da quạt trần quất phành phạch. Tiếng chuông ngôi nhà thờ rêu mốc lại binh boong, binh boong... Tôi đưa mắt nhìn Phong nhăn nhó, lấy nắm tay đấm vào đầu theo nhịp tiếng chuông. Phong đưa cho tôi mẩu giấy can thứ tư :

Đêm rồi sao chuông vẫn rỏ
Từng giọt... từng giọt... Trời ơi!
Để mảnh hồn tôi rực đỏ
Bốc cháy thành ngọn lửa rồi!...

Tôi chép bài thơ vào sổ. Bây giờ, những người ngoài cuộc, không sống ở thời ấy, nơi ấy; không phát điên lên vì tiếng chuông ấy, thì sẽ thấy bài thơ cổ lỗ, chẳng mấy giá trị. Từng giọt... Binh boong... Binh boong...

Đêm hôm đó, nóng như trong nồi hấp. Tôi mơ thấy bị một bầy thú hung dữ săn đuổi. Tôi chạy không kịp nhìn lại, không biết giống gì đang truy bức tôi. Tôi chạy, chân díu lại hoảng sợ đến phát cuồng lên.

Hôm sau tôi bắt đầu viết tiểu thuyết Trận lụt Đen - Đại hắc thuỷ. Có một chiếc máy chữ cũ rỉ vứt trong đống đồ bỏ đi ở góc kho văn phòng phẩm, Phong đem ra lau chùi, tra dầu, sửa sang, cắt gọt mấy mẩu gỗ gắn thay thế những nút chữ bị mất. Phong bảo với tay phó phòng là sẽ dùng để gõ những bản thuyết minh kỹ thuật các đồ án thiết kế, hỗ trợ cho chiếc máy tính của phòng luôn bị quá tải. Tay phó phòng là đội trưởng khảo sát, gật đầu, nhưng vẫn chăm chú theo dõi xem Phong gõ những gì bằng chiếc máy chữ cà khổ ấy. Phong gõ thơ, mới lọc cọc được vài hôm thì chiếc máy chữ ấy biến mất. Tay phó phòng thấy trên máy chữ Phong đã gõ câu của Shakespeare làm đề từ cho một bài thơ: “Nếu phải chết, ta sẽ đón chào cái chết như đón chào vị hôn thê”. Phó phòng cau mặt nói một câu theo cách của những người quyền thế thời đó đối với cấp dưới là kẻ lạc hậu, hư hỏng:

— Tự do quá trớn, vô chính trị, mất lập trường tư tưởng!

Tôi cũng hết nhằm vào cái máy chữ ấy để gõ văn. Đêm đêm, tôi lại bút sắt chấm mực viết trên giấy rơm. Tôi viết truyện “Thi sĩ Néron” nói về bạo chúa Néron đốt kinh thành Rome để lấy cảm hứng làm thơ. Truyện được viết sau khi có nhân vật quan trọng nói rằng, vì một mục đích vĩ đại, sẵn sàng đốt cháy dãy núi dài nhất, chịu để tan hoang những đô thị lớn nhất. Tôi hình dung ra những kỵ binh La Mã áo giáp đồng sáng loáng phóng ngựa như điên trên những đường phố lát đá thô, kéo theo những chiếc xe chở đầy nhựa thông, hắc ín. Họ vừa gào thét vừa đổ dầu, ném đuốc vào những ngôi nhà... Họ gào lên với khoái cảm dã man của loài thú, và vì muốn át đi nỗi sợ hãi khi phải làm một việc phi nhân ghê gớm... Rome bốc cháy rừng rực... Mặt sông Tiber rực lên màu đồng chảy, và những con thuyền trên sông cũng bốc cháy làm mặt nước sôi lên... Thị dân kêu gào, chạy tán loạn như bầy muông thú trong trận cháy rừng. Có một mụ già ăn mày phát điên, rũ ra cười. Tôi đã đọc cho Thoa nghe truyện đó khi chúng tôi ngồi trên chiếc ghế xi-măng ở một gò đất như hòn đảo nhỏ giữa hồ nước cuối thị trấn. Lúc ấy, ánh chiều màu đồng nấu chảy vàng rực mặt hồ. Tôi chỉ có cuốn tự điển Larousse để tham khảo khi viết truyện này. Thoa im lặng, rồi nói: Nên phát triển thành một truyện dài. Néron phải có tính cách dã thú và là một kẻ điên cuồng hơn là độc ác.

Đại hắc thuỷ được viết trong hoàn cảnh như vậy. Những chữ viết bằng mực tím kín đặc mấy tập giấy rơm màu vàng xỉn, một mặt nhẵn, một mặt thô ráp. Đoạn kết của truyện tôi viết khi đó là cuộc tranh cãi gay gắt của các khoa học gia về nhân vật Pan Mack-Hit. Nhà sinh vật học Paul Q. say khướt, ngã từ trên bục xuống, bình rượu Cowboy trong túi quần sau của ông đập vào mũi nhà nhân chủng học Jean X. khiến ông này bị đổ máu cam. Trong lúc nhộn nhạo, ông Paul Q vẫn còn thét lên như còi: “Tôi tuyên bố với các ngài, Pan Mack-Hit là một Con-Người-Thú,... một Con-Thú-Người...”

Khi viết xong, bản thảo còn đầy những vết tẩy xoá, tôi đem đến Tổ Quý tộc. Mọi người bảo đọc lên. Nhưng Vinh can: Truyền tay nhau xem thôi. Đọc ở đây hàng xóm nghi ngờ, rắc rối. Mọi người cho thế là đúng. Hai hôm sau, nhại theo lối nói “đoàn thể” thời đó, Vinh tuyên bố:

— Thưa các đồng chí, hôm nay Tổ Quý tộc phản động chúng ta họp để thảo luận về cuốn tiểu thuyết cực kỳ phản động Đại hắc thuỷ của tên phản động Thu Sang. Xin cho ý kiến.

Phùng nói: Đây là chuyện có thật, đồng chí Thu Sang chỉ như người thư ký chép biên bản thôi.

Thoa nói: Tôi ước tiểu thuyết này được in thành sách. Nếu Thu Sang có bị làm sao thì chúng ta thay phiên nhau đến trại giam thăm nuôi. Tới phiên mình, tôi sẽ cố kiếm một hộp sô-cô-la Mỹ.

Vinh nói: Tôi thì chỉ yêu cầu tác giả đề dưới tên truyện là “Phóng sự điều tra”.

Thuần Phong nói: Tôi tán thành ý kiến cho rằng đây là truyện có thật, một cuốn truyện ký. Gần đây tôi được đọc vở kịch “Ésope” của Guiletmo Fighereido, tuy chỉ là bản in ronéo lưu hành nội bộ Hội Nghệ sĩ sân khấu, nhưng một vở kịch về giải phóng nô lệ với ý tưởng rất ghê gớm đã được phát tán, thì tôi tin rằng sẽ có ngày tiểu thuyết này được công bố ra đại chúng.

Tôi có ý định sửa chữa kỹ lưỡng cuốn tiểu thuyết, viết lại sạch sẽ, trình bày như sách in, và chép bức tranh Guernica của Picasso làm bìa sách, rồi cất đi cho “hậu thế”.

Nhưng rồi một loạt biến động đến với Tổ Quý tộc. Chiến tranh lan từ miền Nam ra miền Bắc như một đại dịch. Máy bay Mỹ oanh tạc khắp nơi. Người chết trước mắt tôi. Nhiều thành phố đổ nát. Vinh có giấy gọi nhập ngũ. Phùng trở lại Hà Nội. Phong xin chuyển về H, nơi có mẹ và mấy đứa em nhỏ của anh. Đông Thành chỉ còn lại tôi và Thoa, nhưng chúng tôi phải theo cơ quan sơ tán về các làng quê xa thị trấn để tránh bom, ít khi gặp nhau. Rồi Thoa cũng lên Hà Nội. Còn tôi xin chuyển về thành phố P, đem theo tập bản thảo Đại hắc thuỷ chưa kịp chỉnh sửa lại.

Những người bạn trong Tổ Quý tộc rách rưới đói khát ngày xưa bây giờ tan tác cả. Anh lính viễn chinh Đỗ Vinh tử trận ở Hạ Lào, không tìm thấy xác. Vinh rất yêu Thoa. Có lần Vinh nói với Tổ Quý tộc một câu như đùa: “Nếu tôi chết, chỉ cần Thoa nhỏ vài giọt nước mắt lên mồ tôi, vài giọt thôi cũng đủ. Như là xức nước hoa ấy.” Khi Vinh chết thật, Thuần Phong khóc Vinh bằng mấy câu thơ không rõ của anh hay của ai:

Anh chết không có mẹ già khóc gọi
Không bạn tình rũ xuống tóc xanh
Chỉ có đám mây đen từ quê nhà bay tới
Nhận ra anh và khóc thương anh...

Phùng về Hà Nội sống vất vưởng, vẫn ôm mộng văn chương, nhưng đói quá phải viết những bài ca dao mắng chó chửi mèo chạy rông trên phố; chê kẻ đái bậy, đổ rác không đúng chỗ, gửi in trên các báo kiếm chút tiền cơm, vẫn không đủ ăn, phải đi bán máu để sống qua ngày. Sau tháng Tư 1975, Phùng vào Sài Gòn, rồi chết vì bệnh ung thư. Thuần Phong kể: Trước đấy, có lần Phùng đến thăm Phong, com-lê cà-vạt rất nghiêm, dẫn theo một cô gái đẹp. Phùng bảo đó là cháu gái của nhà thơ họ Lê lừng danh, thi sĩ hoàng gia, một trong những Văn tướng có công dẹp “loạn Nhân Văn”. Trong ngôi nhà tập thể rách nát mà Thuần Phong nhường cho một đêm, Phùng đã “trả thù” cho các vị Nhân Văn ngày xưa bằng cách “hành” cô cháu họ Lê rất dữ dội. Phong nằm gian bên cạnh qua lớp vách mỏng, nghe rõ chiếc giường gỗ rít lên hung hãn và cô gái hổn hển thì thảo: “Trả thù nữa đi!... Nữa... Nữa... Mệt, mai em cho uống B1”. Mấy năm trước, gặp nhau, Thuần Phong bảo tôi: Nếu đúng là Phùng trả thù thì hắn đã phí sức vô ích cho các vị Nhân Văn. Vì sau này, trong số những “văn tặc” thời ấy còn sót lại, có vị tươi cười hớn hở tiếp nhận sự vinh danh chiếu cố muộn màng (Nói: “Muộn còn hơn không!”). Chính Thuần Phong nhìn thấy một vị khác ngồi trên xe lăn, thân hình vặn vẹo dúm dó nhưng mắt sáng rực lên xúc động khi được Đại đức ông tối thượng cúi xuống bắt tay. Lại một vị nữa ở tỉnh xa Hà Nội, chỉ vướng chút bụi “phóng xạ” của Nhân Văn nhưng cũng bị tù mấy năm. Bây giờ vị ấy coi những năm đi tù như một thành tích đặc biệt, và trong một chuyến xuất ngoại đã tuyên bố rằng, chiến thắng của dân tộc hôm nay có sự đóng góp những năm tù tội của mình.

Thuần Phong bảo tôi trong lần gặp cuối cùng trước khi anh được người nhà bảo lãnh sang Đức:

— Tôi có một ông bạn kiến trúc sư, chuyên nghiên cứu Dịch học. Ông này đã giải mã sấm Trạng Trình và giật mình nhận ra một điều khủng khiếp: Chúng ta khốn khổ chỉ vì một cuộc trả thù truyền kiếp từ 500 năm trước của một dòng họ. Trong lịch sử, có một nghịch thần tiếm vị xưng vương, rồi sau đó vì thất nhân tâm mà bị mất cơ đồ bởi sự lạnh nhạt của các thần dân. Ông ta bị lưu đầy và chết ở xứ người. Sau này, hậu duệ của ông vua ấy đã trả thù cho thuỷ tổ của mình bằng cách làm cho cái lũ con cháu của đám thần dân ngày xưa phải nhục nhã điêu đứng hàng mấy đời. Tôi không tin chuyện đó. Nhưng sau lại nghĩ, có lẽ đúng. Vì, tại sao người ta lại có thể vô cớ hành hạ đoạ đày cả một dân tộc một cách thê thảm và dai dẳng như vậy???

Thuần Phong nói thêm: Heinrich Heine cũng là nhà tiên tri khi ông viết từ thế kỷ 18 những câu thơ không chỉ dành riêng cho đế chế Đức thời đó:

Đặt tổ quốc vào nước sôi lửa bỏng
Lại ba hoa về vũ trụ hư vô
Cả dân tộc nhổ vào phường dối trá
Nguyền rủa bay, bầy dã thú điên rồ...

Thoa Trần-Thị vượt biên và định cư ở Hoa Kỳ từ lâu. Trong email gửi cho tôi gần đây, Thoa nói rằng có lần qua Dubai, bà đã mua một hộp bánh giống như sô-cô-la, của Israel làm với bột chà-là và dầu ô-liu, thứ bánh được chế theo công thức từ thời Chúa Jêsus. Thoa đã nhớ đến cách ăn sô-cô-la của tôi và ước ao gửi được cho tôi hộp bánh đó. Sau khi đọc những số đầu của TRẠI SÚC NHÂN trên webste Tiền Vệ, Thoa đã nhận ra đó là Đại hắc thuỷ ngày xưa và đã tìm cách liên lạc với tôi dưới cái tên mới mà tôi viết ra trong bài này.

Đại hắc thuỷ, bây giờ được các nhà văn Hoàng Ngọc-Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc cho xuất hiện dần trên website Tiền Vệ với tên mới, TRẠI SÚC NHÂN. Mỗi chương trước khi đăng được chỉnh sửa lại cho phù hợp với hiện đại. Và có những vấn đề về ngôn ngữ đã được nhà văn Hoàng Ngọc-Tuấn rất tận tình giúp bổ khuyết.

Tôi cảm ơn Tiền Vệ rất nhiều. Cảm ơn độc giả đã bỏ thời gian đọc TRẠI SÚC NHÂN.

Cuối cùng, xin cúi chảo những người bạn trong Tổ Quý tộc đã khuất trên cõi đời này và những người bạn còn sống đang ở rất xa tôi. Đại hắc thuỷ đã được xuất hiện giữa đại chúng, tuy có thể nó còn những khiếm khuyết, chưa thật hoàn hảo. Các nhà “Quý tộc” một thời khốn khổ ơi, chúng ta đã đi đến giới hạn của mọi sự rồi. Xin dùng những câu thơ của một người bạn văn thân thiết để kết cho phần Vĩ Thanh này:

Thôi đành dốc cạn chén đời

Rồi ôm xuống huyệt một trời khát khao

Thôi đành thức giấc chiêm bao

Quận Nam Kha ở nơi nào cũng thôi!...

 

Hàn gia trang
Tháng Rắn - Năm Con Hổ

 

 

 

---------------------------

Các chương đã đăng:

TRẠI SÚC NHÂN [12]  (tiểu thuyết) 
... Một người đàn bà có ria mép làm nghề bốc vác đã lần đi xuống lòng sông để chết theo người tình. Bà này khi còn trẻ có sắc đẹp ma quái, đã dụ một anh giáo nghèo bơi đi bơi lại ba lần qua sông để sẽ được thưởng một cuộc mây mưa với cô, nhưng rồi anh ta đã kiệt sức giữa dòng, không bao giờ lên bờ nữa... Con sông Mỵ mà Phong đã bơi qua giữa mùa đông, bị đuối sức nơi nước sâu nhất, sắp chết, phải kêu cứu. Một chiếc thuyền buồm lớn như từ trong cơn mơ lừ lừ trôi đến, nhưng không có cây sào nào đưa xuống giúp Phong. Những kẻ trên thuyền mặc áo bông to xù hình thù dị dạng, nhìn kẻ đang lóp ngóp sắp chìm, thản nhiên nhe răng cười, những chiếc răng nhọn hoắt như răng chuột... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [11]  (tiểu thuyết) 
... Ta đã giải thoát cho các ngươi khỏi dao sắc mổ ruột, rìu bén chặt xương, dùi nhọn xiên thịt. Ta đã giải thoát cho các ngươi khỏi nước sôi luộc thịt. Ta cũng đã giải thoát cho các ngươi khỏi lửa đỏ nướng thịt. Ta đã phó cả thân xác vợ yêu của ta cho các ngươi hành hình. Các ngươi đã trở thành Thú Vật thượng đẳng. Nay trả ơn bằng sự chết cho ta sao? Chung cục, các ngươi vẫn chỉ là Thú Vật mà thôi... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [10]  (tiểu thuyết) 
... Đó là một đám rước kỳ dị chỉ có ở thời Thú Vật toàn trị: Bầy Người gầy ốm trần truồng râu tóc xồm xoàm như những kẻ bán khai hì hục kéo chiếc xe gỗ thô kệch chở một con cừu nhỏ. Trong số những tù binh Người tóc râu chấm đất có nhà vật lý nổi tiếng Xenophe Moussus của trường đại học Athenes. Ông này được giao thiết kế xa giá của Thánh Nữ. Nhưng do nhầm lẫn gì đó về lý thuyết nên các bánh xe có hình bầu dục, khiến bầy tù binh Người vừa gò lưng kéo chiếc xe đi khập khiễng vừa nguyền rủa những định luật vật lý của Mossus... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [9]  (tiểu thuyết) 
... Những chiếc kèn loa to có ống cán thật dài của thổ dân từ đâu đó trong rừng sâu phát ra tíếng rống đau đớn của sinh vật bị thương... Những chiếc trống rất lớn ở đâu đó trong những khe núi thẳm dội lên tiếng gầm đứt hơi của sinh vật hấp hối... Tất cả than khóc cho Ngày Cuối Cùng của con Người... là Ngày Huy Hoàng của Súc Sinh giáo. Trong những ngày ấy, có một con cừu cái lầm lũi bước đi dưới khói đen giữa cằn cỗi hoang tàn và rữa nát... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [8]  (tiểu thuyết) 
... Hãy bỏ đói chúng, không cho ăn đủ để chúng luôn thèm khát đến nỗi có thể làm mọi chuyện vô luân để được thoả mãn. Hãy làm nhục chúng hàng ngày để chúng không còn biết đến nhân phẩm và sự kiêu hãnh. Hãy làm cho chúng thù ghét lẫn nhau để khống chế lẫn nhau. Hãy làm cho chúng quen với sự nhục nhã, hèn hạ và đê tiện. Ấy chính là sự trừng phạt con Người mà cũng là giữ cho ngôi ta được cao bền vậy... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [7]  (tiểu thuyết) 
... — Ai trong số các con biết một vùng hãm địa, một miền đất xấu xí cằn cỗi, mưa bất thuận gió bất hoà... Một mảnh đất luôn chịu giông bão, nơi mà hạn hán và lụt lội cùng dịch bệnh thay phiên nhau ngự trị... Ai trong số các con có thể tìm được một vùng đất chỉ sinh ra những kẻ ngu đần, mê muội, hèn hạ... và những kẻ tham lam ác độc, man trá, táng tận lương tâm... Ai chỉ cho ta một miền đất bị nguyền rủa từ hàng ngàn kiếp trước, một nơi mà bầy Người đói khát khốn nạn ở đó luôn giết chóc nhau, cướp bóc của nhau, đọa đày nhau hết đời này đến đời khác chỉ vì chút thức ăn và vì những thứ vô nghĩa như một chỗ ngồi để chứng tỏ địa vị, hoặc một mẩu kim loại đeo trước trán để biểu thị giá trị không xứng đáng của mình?... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [6]  (tiểu thuyết) 
... — Đây là nơi ta chia tay cùng các con. Từ đây đi về phía Bắc và phía Tây sẽ đến đất của những kẻ da trắng nhợt nhạt ham uống rượu và làm tình rồi nghĩ ra những máy móc rắc rối và những võ khí huỷ diệt. Đi về phía Tây Bắc sẽ là nơi của những kẻ da màu chì, râu rậm, đội khăn lớn ngồi trên những mỏ dầu hoả nhưng lại thich làm nổ tung tất cả. Đi xa hơn nữa về phía Đông sẽ là nơi những người có bộ da xỉn màu hoàng thổ, đầu đội mũ lá cọ hình chóp, những kẻ chuyên bắt đồng loại làm trâu ngựa; những kẻ chiêm bái lũ Ác quỷ có răng nanh và không có răng nanh, thờ phụng các Tà thần có râu và không có râu. Các con hãy tự chọn hướng đi... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [5]  (tiểu thuyết) 
... Khi mới khởi nghiệp, ta đã đến Moscow vài lần, vì ta cũng biết cái điều mà ngươi đã biết. Ta muốn xem bằng cách nào mà bọn hai chân thô lỗ được gọi là “mugich” ấy lại có thể làm cho cả loài Người phải điên đảo đến gần một thế kỷ. Ta đã ngắm nhìn rất lâu những bức tượng của một gã Người nhỏ thó đang khẩn thiết tự tay túm ngực áo mình và chĩa về phía trước cái cằm nhọn mang chòm râu dê. Bức tượng ấy được dựng ở khắp nơi... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [4]  (tiểu thuyết) 
... “Chẳng có Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái cho các ngươi. Cũng chẳng có Dân Chủ, Công Bằng cho các ngươi đâu. Bởi chính sự làm tôi tớ cho Thú Vật thượng đẳng chúng ta đã là tất cả đối với các ngươi rồi. Vậy các ngươi chẳng nên cần gì nữa.” ... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [3]  (tiểu thuyết) 
Cuộc tấn công của Súc Vật vào loài Người thực ra đã bắt đầu ngay từ khi con Người có ý thức, biết tư duy. Và cuộc tấn công ấy dai dẳng cho đến lúc có câu chuyện này. Súc Vật luôn giữ phần thắng. Nhiều con Người đã đầu hàng, tình nguyện đứng về phe Súc Vật... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [2]  (tiểu thuyết) 
... Năm Con Chó, tháng Trực Hạn, ngày Nhật thực toàn phần, thành phố Koprixomuck, một thành phố bẩn thỉu xấu xí vô danh trở thành lừng danh, vì ở đó đã ra đời Pan Mack—Hit, một quái vật đầu người, sừng bò tót, với cặp chân sau đầy lông lá có móng như chân dê... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [1]  (tiểu thuyết) 
... Phía Đông Nam đầm nước bẩn thỉu, bọn Súc Vật lập “Trại Súc Nhân”. Chu vi của dải đất hẹp hình thù xấu xí là lớp tường rào ken thân cây vát nhọn. Phía trong hàng rào ấy, bầy Người tóc râu chấm đất, trần truồng bên máng cỏ khô — chính chiếc máng cỏ ngày xưa Chúa Hài đồng đã nằm khi được Chúa Cha cho xuống thế gian để cứu rỗi loài Người... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021