thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mỗi đêm tôi nằm mơ | Như thế nào tôi đã gặp Ionesco | Miếng pho mát
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
NANOS VALAORITIS
(1921~)
 
NHỮNG BẢN DỊCH NÀY TẶNG JOHN VÀ PAULA SALTAS –
HAI NGƯỜI BẠN HI-LẠP Ở S.L.C. WEEKLY ĐÃ TÌM THẤY MỘT QUÊ HƯƠNG LÀM CHỖ ĐI VỀ
 
Nanos Valaoritis là một trong những nhà văn lỗi lạc của Hi-lạp ngày nay. Ông sinh năm 1921 ở Lausanne, Thụy-sĩ, bố mẹ đều là người Hi-lạp, và bản thân ông cũng lớn lên ở Hi-lạp. Valaoritis làm thơ từ lúc còn trẻ và chưa đến hai mươi tuổi đã có thơ in trên những tạp chí văn học ở Hi-lạp, bên cạnh những cây đại thụ như Odysseas Elytis, George Seferis... Ông học Văn chương cổ và Luật ở Đại học Athens, Văn chương Anh ở Đại học London, Anh quốc, và từng theo học Ngữ pháp Hi-lạp với Giáo sư Michel Lejeune tại Đại học Sorbonne ở Pháp.
 
Năm 1944, ông trốn ra khỏi nước Hi-lạp bị Đức chiếm đóng, sống ở London, và khởi sự dịch nhiều nhà thơ hiện đại Hi-lạp những năm 30, nhất là những nhà thơ cách tân Hi-lạp, đồng thời cộng tác với tờ Horizon (1946) và hoàn tất nhiều công việc dịch thuật cho nhà xuất bản New Writing (1944-1948). Thời gian ở London, ông gặp gỡ và lui tới với nhiều nhà thơ nhà văn nổi tiếng như T.S. Eliot, W.H. Auden, Dylan Thomas, và Stephen Spender; cho xuất bản tập thơ đầu tiên của mình: E Timoria ton Magnon [Hình phạt của những thầy pháp, 1947] – đáng kể hơn cả là việc đã cùng với Lawrence Durrell và Bernard Spencer biên tập và dịch tác phẩm King of Asine của George Seferis [1948] để giới thiệu với thế giới. Năm 1954 Valaoritis đến Paris, sinh hoạt và giao du mật thiết với các nhà thơ siêu thực quanh André Breton và gặp họa sĩ siêu thực Marie Wilson [sau đó sẽ là vợ ông]. Năm 1960 ông trở về Hi-lạp và từ 1963 đến 1967 là chủ nhiệm/chủ bút tạp chí văn học tiền phong Pali của Hi-lạp. Cuộc đảo chính của phe quân nhân ở nước ông khiến ông một lần nữa phải chọn lựa con đường tự lưu đày: năm 1968, ông qua Mỹ và trong suốt một phần tư thế kỷ [trừ hai năm trở về nghỉ ở Hi-lạp và Pháp] đã giảng dạy văn chương đối chiếu và tác văn tại đại học San Francisco State University. Ở Mỹ cũng như ở Hi-lạp, Valaoritis được biết đến như một nhà văn tiền phong đã có công cổ xuý cho chủ nghĩa siêu thực Pháp trong những hoạt động thơ ca. Năm 1993 ông nghỉ hưu sau khi đã cho xuất bản nhiều tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật giới thiệu văn học Hi-lạp với thế giới cũng như giới thiệu văn học thế giới với người đọc Hi-lạp, và chia thời gian sống giữa ba nơi khác nhau: Hi-lạp, Pháp và California. Ngày nay Valaoritis được coi là một trong những gương mặt sáng chói có tầm ảnh hưởng rất đáng kể và chiếm một chỗ đứng quan trọng vào bậc nhất ở Hi-lạp kể từ Constatantine Cavafy. Ở Hi-lạp, ngoài việc cho ấn hành nhiều tác phẩm đủ loại bằng cả ba thứ tiếng Hi-lạp, Anh và Pháp, ông phụ trách biên tập tạp chí văn học Synteleia, sau này trở thành Nea Synteleia.
 
Năm 2004, nhà thơ Valaoritis được Viện Văn học và Khoa học Athens trao giải thưởng thơ uy tín của Hi-lạp cho toàn bộ tác phẩm, cùng lúc ông được trao Huân chương vàng Danh dự của Tổng thống Hi-lạp cho những cống hiến của ông đối với văn học Hi-lạp. Tác phẩm ông qua những hình thức giễu nhại, mô phỏng, cắt dán, đầy những yếu tố vượt quá siêu thực để đến gần với hậu hiện đại: nhiều nhà nghiên cứu thường nhắc đến phi lý, cơ cấu, hậu cơ cấu, đến dialogism* của Bakhtin[*], đến liên văn bản... để soi rọi thơ văn ông. Sẽ không xa ngày tác phẩm phong phú của Nanos Valaoritis đứng ra làm công việc ngược lại.
 
Tác phẩm Nanos Valaoritis bao gồm nhiều thể loại, được biết đến nhiều hơn cả là những tập thơ My Afterlife Guaranteed (City Lights, 1990), Pan Daimonium (Philos Press, 2005), Mon certificat d’éternité (Digraphe, 1996), Exécuteur d’une pensée verte (L’Harmattan, 1998), Tuyển tập thơ hiện đại Hi-lạp (Talisman, 2003 - biên tập và dịch cùng với Thanassis Maskaleris, Allegro Shartz...), tiểu thuyết The Broken Arms of the Venus de Milo (Agra, Athens, 2002), truyện kể God’s Dog (Kastaniotis, 1998), và tác phẩm quan trọng For a Theory of Writing (Exantas,1990).
 
Những bản dịch Việt ngữ thơ văn Nanos Valaoritis sau đây là để tặng John và Paula Saltas, hai người bạn Hi-lạp ở tòa soạn The Salt Lake City Weekly, những người đã làm tôi yêu mến Hi-lạp hơn với những chồng sách báo mấy năm gần đây không ngừng đến tay tôi từ chỗ quê hương tìm thấy được của mình.
 
---------------
[*] Dialogism là từ được lý thuyết gia người Nga Mikhail Bakhtin đặt ra, để nói đến sự tham dự đua tranh của nhiều tiếng nói trong cùng một văn bản.
 
 
 

Mỗi đêm tôi nằm mơ

 
Mỗi đêm tôi mơ thấy những bài thơ lớn
Hoàn toàn khác thơ tôi
Hoặc những gì tôi không bao giờ viết ra được
Thế mà – mỗi đêm tôi nằm mơ
Những bài thơ rất khác ấy
Sáng tác bằng những dòng chắc nịch
Dày đặc và nổi lên những hạt đến độ
Trông chúng như có thể làm bằng đá hoa cương
Tôi tự hỏi mình – đề tài thơ là gì
Những dòng thơ tuyệt vời kia nói gì
Những dòng đọc lên – sẽ làm ta kinh hoàng
Những dòng thơ sẽ cuốn mất hơi thở của ta
Nhưng – tuy nhiên – dù sao chăng – tôi tiếc phải nói
Không thể đoán ra thơ nói về chuyện gì
Và tôi đã cố gắng và cố gắng như thế, xin hãy tin tôi,
Và đã tìm cách hiểu cho ra những dòng ấy
Ngày này qua ngày khác – và ban đêm
Chúng cứ thế trở lại
Với những thông điệp làm ta bàng hoàng và
khủng khiếp – có ý nghĩa rất quan trọng
Mà mọi người đều phải nghe
Nhưng không một chữ nào còn lại
Khi tôi mở mắt ra – chúng đã đi mất
Chúng biến đi giữa ánh sáng ban ngày
Những tòa nhà đồ sộ ấy – những công trình
khổng lồ ấy của mỗi đêm.
 
9/17/76
 
 

Như thế nào tôi đã gặp Ionesco

 
Tôi gặp Ionesco đúng năm mươi hai lần ngày năm tháng Bảy tới. Lần đầu tiên tôi gặp ông là trên một chuyến xe lửa xuyên eo biển qua nước Anh. Ông cùng toa tàu với tôi, ngồi với vợ và con gái ông. Cả ba người đều đọc một cuốn sách mà thỉnh thoảng tôi nghe được một câu bay trong gió. Một con cá to đùng xuất hiện trên cửa sổ và đưa đôi mắt ngây dại nhìn thẳng vào chúng tôi. Một con đại bàng từ ngoài hành lang bước vào và ngồi chễm chệ trên vai tôi. Một con trăn Nam Mỹ từ trên cái Nút ấn Báo động trườn xuống. Và rất nhiều loại cây leo trong rừng bắt đầu mọc chung quanh chúng tôi cho tới khi chúng tôi hoàn toàn cách li bởi nguyên cái rừng rậm chen ở giữa. Lần chúng tôi gặp nhau tiếp theo đó là trên một chuyến xe lửa khác đi tới Stuttgart, Đức, là nơi người ta đang diễn một vở kịch của ông. Lần nữa vợ và con gái ông lại ngồi với ông và chúng tôi lại ngồi trong cùng một toa tàu. Lần này thì là một toa xe có giường ngủ. Ionesco lấy ra một cây đàn vĩ cầm và đàn liền trong hai tiếng đồng hồ. Tôi nằm ngủ và mơ thấy ông Einstein đang dạy tôi chơi vĩ cầm. Tiếp đến tôi lại gặp Ionesco trên chuyến xe lửa từ Milan trở về Paris. Ông ta có vẻ bồn chồn lắm. Ông lo về chuyện mấy ông quan thuế. Tôi hỏi ông có phải ông nhập súng lậu như thường lệ không. Mặt ông xanh dờn và ông lắp bắp một câu trả lời mà tôi không nghe được. Rồi đến cái lần chúng tôi gặp nhau trên chuyến xe lửa đi Amsterdam. Một lần nữa người ta mời ông dự buổi ra mắt của một vở kịch Ông cho tôi biết ông sắp là viện sĩ Viện hàn lâm và tới khi đó ông sẽ có có xe lửa riêng và ga riêng cho ông bởi vì Viện hàn lâm, như ai cũng đã biết rõ, cung cấp cho các thành viên của mình phương tiện chuyên chở miễn phí bất cứ nơi đâu trên thế giới. Chính Viện hàn lâm, theo lời Ionesco, cũng đóng trụ sở tại một Trạm cuối Lớn công chúng không được phép sử dụng, ngay trung tâm Paris. Lần tiếp Ionesco và tôi gặp nhau là trên một chuyến xe lửa tốc hành xuyên Catalonia. Lần này xe lửa bị lật và Ionesco và tôi đều chết. Nhưng trong chương sau chúng tôi được phục sinh với mục đích là để đáp ứng cốt chuyện. Tác giả cuốn sách chưa kết thúc tác phẩm tiểu thuyết của mình. Lần cuối cùng Ionesco và tôi gặp nhau là trên chuyến xe lửa Tốc hành Phương đông phì phà hơi nước chạy từ Istanbul ra. A, đây chính là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời chưa từng thấy. Chúng tôi không sao ngưng cười, chúng tôi cười suốt nguyên cả cuộc hành trình. Mỗi lần chúng tôi nhìn nhau chúng tôi cười, cả hai chúng tôi mệt lả người vì cười nhiều quá, cười hàng giờ mải đến khi vào ăn tối ở toa Wagon Restaurant. Trò cười của chúng tôi là về cái cách tôi kể lại với ông là tôi đã gặp Ionesco năm mươi hai lần rồi và lúc nào cũng trên một chuyến xe lửa nào đó và mỗi lần tôi nói tới một chuyến xe lửa, chẳng hạn như chuyến Krackow-Moscow ngày thứ Năm chở hành khách và hàng hóa, hay chuyến Xuyên Tây bá lợi á, hay chuyến Tốc hành Thượng hải hay chuyến từ Olympia đến Salonika, chúng tôi ai nấy đều rộ lên những tràng cười, bởi vì ông nghĩ tôi không biết ông chính là Ionesco và còn nghĩ tôi chỉ toàn toàn bịa ra những chuyện ấy.
 
 
 

Miếng pho mát

 
Giả dụ một người bạn đến gõ cửa nhà anh và ngay lúc giữa đêm lên tiếng như thế này: Bạn phải giúp tôi. Tôi phải tìm cho ra loại pho mát này. Nếu tôi tìm không ra loại pho mát này tôi không biết việc gì sẽ xảy ra. Tôi có thể chết mất. Tôi có thể nổi điên hoặc tôi có thể giết ai đó. Thế là bạn trả lời, Được rồi anh bạn. Tôi đang có cái pho mát anh muốn ngay đây đây. Và anh đem biếu anh ta một miếng pho mát bén loại cứng màu vàng hoặc thứ phó mát hơi mềm màu ngà. Và anh ta bảo đây không phải là loại ấy – Thế rồi anh nói – được rồi – chúng ta có thể tìm đâu được thứ ấy vào giờ này. Trong tiệm tạp phẩm mở cửa suốt đêm trên Đường Pink. Thế là anh lái xe cho anh ta đến Đường Pink và anh ta tìm ra loại pho mát của mình. Và anh ta sung sướng như chàng Larry có miếng pho mát nằm trong lòng mình. Và khi anh về đến nhà, anh ta bảo, Bây giờ vụ pho mát thế là ổn rồi. Tôi không gì lo lắng nữa... Cám ơn anh, chúc anh ngủ ngon. Và anh trở lại giường ngủ, tự hỏi vì sao anh bạn mình lại quyết tâm như vậy về một miếng pho mát. Và anh đi ngủ và anh nằm mơ thấy chuyện như sau: Miếng pho mát lớn dần. Giờ đây nó là một hình khối to đùng chiếm hết cả căn phòng, và bạn anh thì cắm cứng vào miếng pho mát nửa trong, nửa ngoài. Anh ta la làng cầu cứu anh giúp. Xin hãy cứu tôi ra khỏi miếng pho mát, tôi đang chết đây, và anh rút cây súng lục của anh ra và anh giết chết miếng pho mát. Và anh tỉnh giấc, thắc mắc chẳng hiểu cái pho mát kia trong giấc mơ nó có nghĩa quái quỉ gì vậy.
 
1979
 
 
-----------------
“Như thế nào tôi đã gặp Ionesco” dịch từ bản tiếng Anh “How I Met Ionesco” do chính tác giả dịch từ bản tiếng Hi-lạp của mình – trong tập thơ My Afterlife Guaranteed của Nanos Valaoritis (SF: City Lights Books, 1990). “Mỗi đêm tôi nằm mơ” và “Miếng pho mát” dịch từ nguyên tác “Every Night I Dream” và “Cheese” trong tập thơ Pan Daimonium của Nanos Valaoritis (Philos Press, 2005) – phần lớn thơ trong tập này từng xuất hiện trước đây trên các tạp chí Beatitude, Exquisite Corpse, Kayak, Milano Poesia CataloguePoly “để tưởng niệm Bob Kaufman”.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021