thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đừng bỏ anh | Quá tải | Cỏ nhận | Bài ca của Phu nhân Cầu Xí
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JACEK PODSIADŁO
(1964~)
 
Jacek Podsiadło sinh năm 1964 tại Szewna, trong vùng Kielce ở Ba Lan. Giữa những năm 80 ông làm thợ lò trong một xưởng luyện thép ở Ostrowiec Swietokrzyski, nhưng thời gian 1989-1993 thì thường trực “vô gia cư vô nghề nghiệp”. Ông bắt đầu cho đăng những bài viết của mình vào năm 1984, trên tạp chí bí mật Wolnosc i Pokoj của phong trào Tự do và Hòa bình là nhóm hoạt động đấu tranh cho hòa bình và chống Thiết Quân luật của chế độ quân phiệt ở Ba Lan, nhưng đồng thời từ năm 1991 cũng có bài trên các ấn phẩm khác như tạp chí bruLion chẳng hạn. Những sáng tác thơ đầu tiên của ông như hej!, xuất bản ở Katowice năm 1987, và tiếp theo là kompot z orangutana (Elblag, 1989), rồi tập thơ Wiersz wybrane 1985-1990 (Thơ tuyển, bibLioteka bruLion, 1992), đã góp phần xây dựng một sự nghiệp văn học về sau không ngừng phát triển, đặc biệt kể từ khi ông rời bỏ những công việc lao động nhất thời và về làm hẳn cho Đài Phát thanh Opole Ba Lan, một đài phát thanh địa phương trong vùng Opole, phụ trách riêng một chương trình về dân ca và nhạc đồng quê.
 
Podsiadło thường ghi nhận và chuyển những nội dung kinh nghiệm cuộc sống ngày thường vào những câu thơ của mình, khẳng định tính riêng tư độc lập, đồng thời luôn giữ một khoảng cách (bi quan) đối với những thể chế và lề thói, nghi thức của đời sống tập thể. Câu thơ của ông mang hình thức một nhật ký thơ của đời sống thực, mới tiếp xúc người ta không có cảm tưởng nội dung ấy có thể nằm trong thơ. Chữ của ông trôi giữa khoảnh khắc cụ thể của sự vật và những biến cố — tất cả được thể hiện trong một quá trình chuyển biến nghệ thuật năng động và tài hoa. Là một nhà thơ “lãng mạn” như chính chọn lựa của mình, cụ thể là tính chủ quan, thiên về thiên nhiên vân vân, thơ Podsiadło, với nhiều người đọc, lạ thay, lại mang nhiều hơi thở và ngôn ngữ của những nhà thơ beatnik Mỹ — đặc biệt ở những nội dung phê phán xã hội. Năm 2005, trong một bài viết về thơ Ba Lan, “Five poetry books from 2005” [Năm tập thơ của năm 2005], nhà nghiên cứu Adam Wiedermann đã giới thiệu Boguslaw Kierc với Buổi sáng hôm sau (Biuro Literackie), Agnieszka Kuciak với Những xứ sở xa (Znak, Krakow), Andrzej Niewiadomski với Biểu đồ (Zielona Sowa, Krakow), Eugeniusz Tkaczyszyn-Dycki với Lịch sử gia đình Ba Lan (Sic!, Warsaw) và Jacek Podsiadło với Floe (Znack, Krakow): qua khúc bi thương gồm ba phần viết cho một người anh đã qua đời, tập thơ mỏng Floe đã cho thấy một Podsiadło khác hẳn anh chàng nhà thơ trẻ nổi loạn đầy tình cảm của những tập thơ đầu tay. Tác giả sau nhiều năm cách quãng nay đã là một người “lớn” biết che giấu những nỗi sợ và những ám ảnh thời trẻ tuổi, tuy dưới bề mặt trầm lắng của những câu thơ đẹp người đọc không phải là không nhận ra bóng dáng lẩn quất của những thần linh tàn bạo. Những năm gần đây Podsiadło còn viết phê bình, thời luận và truyện ngắn.
 
Jacek Podsiadło từng đoạt Giải thưởng thơ Georg Trakl năm 1994 và Giải Koscielski năm 1998. Cũng nên ghi nhận một chi tiết cuối cùng: là một trong những nhà thơ nổi bật nhất của thế hệ những nhà thơ trẻ nhất, Podsiadło còn là một trong những người viết hiếm hoi ở Ba Lan không liên hệ một nhóm văn học nào.
 
Những tác phẩm chính đã xuất bản: Thơ tuyển 1985-1990 (Wiersze Wybrane 1985-1990, Warsaw-Cracow: bruLion, 1992); Nhịp tim bất thường (Arytmia, Warsaw, bruLion, 1993); Đất tốt cho thợ nề (Dobra Ziemie Dla Murarzy, Warsaw, Tikkum, 1994); Những ngôn ngữ lửa (Jezyki Ognia, Warsaw-Cracow, bruLion, 1994); Không ai, Thần thánh (Niczyje, Boskie, Warsaw: bruLion, 1998); Thơ tuyển (Wiersze Zebrane, Lampa i Iskra Boza, 1998); Và tôi chạy qua màn sương mù ấy (I ja pobieglem w te mgle, Cracow Znak, 2000).
 
 

Đừng bỏ anh

 
Đừng hết yêu anh. Ngay cả một giây cũng đừng. Hãy nghĩ đến anh
ngày & đêm, & trong lúc cầu nguyện. Cho dù phải hụt mất một bữa ăn
cho dù nó có nghĩa là em mất thêm kilô. Hãy tự nhiên thoải mái, hãy xem
‘Dempsey & Makepeace’,[1] hãy ngắm áo quần bày biện trong các tủ kính cửa hàng,
những triệu chứng của bất cứ bệnh tật nào
trên thân thể em – nhưng hãy vẫn cứ ôm anh trước mắt em.
 
Chuyển những bao xi măng năm mươi kilô ta bế em trên tay mình.
Nhảy lăng quăng theo một điệu reggae ta theo em lao vào lửa.
Cắn móng tay ta cắn móng tay vì nóng lòng muốn gặp em.
Nghe tin khí tượng ta ráng sức nghe cho được giọng nói của em.
Đôi khi ta khao khát không khí
& rồi ta biết là có một khoảnh khắc em đã quên ta.
 
                                                                        2.2.1989
 
 

Quá tải

 
Càng ngày họ càng ít nói & càng ngày càng dùng nhiều nước hoa.
Họ chỉ cần mười lăm phút đồng hồ cho một đêm ái ân.
                                                Những cảm xúc của họ lên cân.
Họ đem con cái giao vào tay những con Muppets & những thằng Smurfs.[2]
Phia trên giường họ nằm những chữ nồng nàn: “Anh/em sẽ không bỏ
em/anh” treo với chữ viết nắn nót.
 
Họ phô trương cảm xúc lúng ta lúng túng như mớ hành lý nằm
                                            trước mặt nhân viên hải quan, tựa như họ hối tiếc
                                                            đang khắc nghiệt chịu tự trừng phạt.
 
Mỗi đêm họ trốn ra khỏi mái ấm, nàng vùi đầu vào một cuốn
catalô thời trang, chàng vào một cuốn truyện ly kỳ.
Mỗi sáng họ vội vã chạy đến nhà máy sản xuất (trước tiên và trên hết) nỗi buồn.
Họ có một xe hơi cũ ba năm, & mỗi người trong lương tâm có hai vụ
lăng nhăng bất chính. Mọi chuyện sẽ không ổn, phải thế không?
 
                                                                        5-6 tháng Sáu 1989
 
 

Cỏ nhận

 
Cỏ nhận những mẩu vụn thuốc lá & những thứ tủn mủn nâu lúc nhúc
trong lều vải người ta ném ra.
Đất, trại mồ côi rộng nhất trong vũ trụ, kiên nhẫn chịu đựng những
cái ngông & trò hề trẻ con của chúng ta.
Chúng ta khóc và bắn vào nhau,
đổ tràn muối lên xà lách trộn trái cây & đặt bom dưới những đồ vật.
Một ngọn gió mạnh thổi qua, lều vải ôm dính trái đất như một đứa bé
nắm chặt tay Mẹ. Tôi viết trong thế nằm ngang, sức mạnh cần thiết
để hiểu ra thế giới này đang đứng dậy qua cái bụng của mình.
Những lá cỏ ráng sức vươn cao chỉ hướng cho tôi đi. Tình yêu,
Tình yêu cho ta cơ may vượt cả bản thể chính mình để đi đến thắng lợi.
 
                                                                        3.5.1989
 
 

Bài ca của Phu nhân Cầu Xí

 
Ta hạnh phúc biết bao
Ta tám mươi tuổi
Chúa đã quên ta rồi
Ta chỉ cần làm sao cho có giấy đi cầu
để đúng nơi đúng chỗ của nó
 
Ta hạnh phúc biết bao
Ta tám mươi tuổi
Chúa đã quên ta rồi
Ta chỉ cần làm sao cho có giấy đi cầu
để đúng nơi đúng chỗ của nó
 
                                 7.8.1986
 
------------------------
“Đừng bỏ ta”, “Quá tải”, “Cỏ nhận” và “Bài ca của Phu nhân Cầu Xí” dịch từ bản tiếng Anh “Don’t leave me”, “Overweight”, “Grass Accepts” và “Song of Our Lady of the Water Closet” của Donald Pirie trong Young Poets of a New Poland An Anthology, do Donald Pirie tuyển dịch, Forest Books, UNESCO Publishing, 1993.
 
_________________________

[1]Bộ phim tình báo TV nhiều tập, sản xuất ở Anh.

[2]Những nhân vật khá phổ biến trong truyện tranh và truyền hình thiếu nhi. Riêng The Smurfs ở Việt Nam ai nấy vẫn quen gọi theo truyện tranh bản tiếng Pháp được phiên âm là “Xì Trum”.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021