thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tuyển tập thơ
(bản dịch Diễm Châu)
 
Đôi nét về Ion Pop:
 
ION POP, nhà thơ Ru-ma-ni, sinh ngày 1 tháng Bảy 1941 tại Miresul Mare. Học văn khoa ở đại học Cluj (1959-1964). Kế đó, trở thành giáo sư tại chính khoa văn của đại học này.
      Khởi sự xuất bản trên tạp chí Steaua ở Cluj năm 1959. Hợp tác với Steaua, Tribuna, România Literara, Luceafarul, Echinox, Vatra, Familia,... Từ 1969 đến 1983, làm chủ bút rồi chủ nhiệm tạp chí Echinox, nguyệt san văn chương và văn hóa của sinh viên đại học Cluj-Napoca. Từ 1973 đến 1976, phụ giảng tại đại học Sorbonne Mới-Paris III (khoa tiếng Ý và tiếng Ru-ma-ni). Từ 1990 đến 1993, làm giám đốc Trung tâm văn hóa Ru-ma-ni tại Paris...
      Ion Pop đã cho in năm tập thơ: Những dự án cho một bể nước (1966); Sự khôn ngoan đáng thương của tôi (1969); Văn phạm muộn màng (1977); Mặt trời và quên lãng (1985); và Tổng diên trì (1990). Ông còn nổi tiếng như một nhà phê bình văn chương. Từ 1969 đến 1993, đã cho in mười tập tiểu luận, nhận định, phê bình hoặc giới thiệu nhiều nhà văn, nhà thơ trong nước cũng như ở nước ngoài. Ngoài ra, ông cũng là người dịch một số tác phẩm của Georges Poulet, Jean Starobinski và Eugène Ionesco. Hiện nay ông là khoa trưởng đại học Văn khoa ở Cluj-Napoca.
      Bản dịch này gồm 37 bài thơ của Ion Pop, trích từ ba tập thơ của ông (từ 1977 đến 1990), dựa theo bản Pháp văn của Mihaï Zaharia, đã được nhà thơ Pháp Gérard Bayo “coi lại” và đề tựa: Ion Pop, Ajournement général, Librairie Bleue, Troyes, 1994.
 
Diễm Châu (Lộ trấn, 23-I-2001)
 
 
_____________________________
 
ION POP
TUYỂN TẬP THƠ
 
 

XE BUÝT

 
Đã lâu rồi tôi không thuận cho xe buýt
đi ngang qua bài thơ. Tôi viện cớ
lớp bùn mà ngày ngày
nó vấy dơ trán tôi. Chỉ mới về sau
tôi tự nhủ, sau khi suy nghĩ chín chắn,
rằng nó cũng chỉ là một cái xe
như bao nhiêu cái xe khác.
 
Khá tốt để đưa tôi
tới thiên đường,
khá chắc để dẫn tôi,
dẫu rằng tôi mù lòa,
tới Rừng hoa.
 
Dẫu sao, lại cũng có thể chở chuyên tôi
tới mãi tận trạm chót.
 
 

KHU VƯỜN BƯỚM BỌC SẮT

 
Có lẽ nhà thơ muốn mình ngu si
hơn cả bà giữ cửa nhà Hộ sinh.
 
Trong khu vườn bướm bọc sắt,
đóa hoa vắng mặt trong mọi bó hoa
chĩa súng vào trái tim ông.
 
Nếu như ông chôn vùi cuốn sách của mình
có lẽ từ đó sẽ ló ra một sợi cỏ dịu êm,
nếu không phải là
những từ xanh mét,
những dấu phết bằng tro.
 
Nhưng điều ấy cũng không có gì chắc chắn.
 
Chung quanh ông, chỉ có màu xanh tươi
nơi đám sương mù âu lo của những điều giả thiết.
 
 

KHÚC ĐÀN CHO ĐẠI VĨ CẦM ĐỘC TẤU

 
Đã từ lâu tôi ngờ rằng nó,
ngồi bên cửa sổ hết ngày lại ngày,
đối diện với màu trắng từ bên ngoài tới
và lặp lại không thôi
bài sô-nát của tôi
cho đại vĩ cầm độc tấu.
 
«Trong trắng biết bao, tinh khiết biết bao»!
 
Nhưng hôm nay, cung đàn tựa như một lưỡi dao
đã trợt qua, đã cắt đứt những dây đàn
và đã chìm xuống
ngay tận lòng cây đại vĩ cầm.
 
Bài sô-nát dịu dàng, trong trắng,
lúc này tôi nghe
tiếng cằn nhằn ghê rợn
xé nát không khí,
lúc này tôi thấy một dòng máu đen
ồng ộc trên tấm thảm hôi thối,
xác nhận những mối ngờ của tôi.
 
 

KHÔNG

 
Không, chúng ta sẽ không bao giờ quên chúng, bạn ơi,
ồ! không, mãi mãi chúng ta sẽ nhớ tới chúng –
nhưng kìa, hôm nay đôi vú thật vô tình của Diane*
đã xẹp xuống như một trái banh bằng cao-su
bị một chiếc đinh rỉ sét đâm lủng
trên một khoảng đất hoang, gần một vũng nước tháng Một
đầy trời – hay hay hơn nữa
bị chích phải nọc một con ong trong một đám cỏ rất cao.
Và chúng ta nhìn ngắm chúng,
hoài phí những giờ rất chậm rãi, tựa mình
vào những lũy thành xưa của Âu châu.
 
Bạn đừng buồn – em nhỏ Rimbaud vẫn còn phóng
trên những vũng lầy những con thuyền nhỏ bằng giấy
vấy máu những lỗi chính tả
đo đỏ, những tiếng nói đã bị lãng quên
bọt bèo, tro của lũ bướm đã hy sinh –
và để băng qua ta cũng hãy chất lên chúng máu của chúng ta, 
đoàn lữ hành muộn màng, đội tàu buồm xưa mong manh.
 
Bạn đừng buồn. Con linh cẩu bạn thấy đó thật đẹp
khi xuất hiện như thế
từ đám sương dầy đặc tiến về phía chúng ta. Hãy để nó
nhìn ngắm chúng ta khi đi qua, với một nỗi u buồn cay đắng.
 
Đừng chửi rủa nó: «đồ hèn hạ,
khốn nạn, quân biếm nhục!» – Trong những thung lũng vô danh
của tổ quốc lạt lẽo thật đáng thương, của Milo **
ngày xưa nó đã kéo lê giữa đám xác thối những cặn bã
đôi cánh tay đã mất của thần Vệ-nữ ***
 
Nhưng đôi cánh tay bạn vẫn còn, vẫn còn,
chừng ba chục năm nữa chúng sẽ có
những ngón tay dài, xác thịt buồn bã
sẽ mơ tới những băng hà. Hãy ở lại như thế,
mà nhìn ngắm những kẻ chết lướt về những vùng biển,
những đầm lầy, những thùng rác, những biểu hiệu
một ngày kia đến lượt bạn bạn cũng sẽ bị
những con linh cẩu tái mét và dịu hiền xé nát.
Nhưng hôm nay hãy cứ tựa trên bến bờ này,
trong ánh ngày vẫn còn hạ cố
soi rọi, làm lu mờ
hình trái xoan trong trắng những khuôn mặt của chúng ta,
những chiếc va-li đầy máu.
 
-------------------------------------------------------------
* Diane; nữ thần săn bắn, con của Jupiter và Latone.
** Milo: đảo Hy-lạp trong vùng biển Egée, nơi tìm thấy pho tượng thần «Vệ-nữ ở Milo» vào năm 1820.
*** Vénus: nữ thần ái tình. (người dịch)
 
 

MỘT THỨ MÂY

 
Ký ức là một thứ mây
một sự bay hơi chậm rãi
trong mặt trời kẻ thông hiểu mọi sự.
 
Để tránh khỏi sợ hãi
ngươi có thể tưởng tượng ra, hỡi Polonius*
hết thảy những loài thú mà ngươi muốn.
 
Kế đó, bầu trời sẽ trong trẻo lại
bên trên những vầng trán và những khúc ca thi
bên trên những con chuột chũi và những con giun
những giống cũng chẳng hề hay biết
rằng chúng đã choáng váng mặt mày khi xoay
chung quanh mặt trời.
 
Kế đó, những đám mây sẽ trở lại.
 
----------------------------------------
* Polonius: quan đại thần trong kịch Hamlet của Shakespeare, có con gái là Ophelia. (người dịch)
 
 

KHOẢNH KHẮC

 
Ở góc khung cửa sổ
tôi thấy run run đám lá hồ-đào
trong hơi nóng buổi trưa,
và một chiếc lông chim vàng-anh rơi xuống.
 
Tất cả những gì tôi có thể
làm cho nó, là ghi lại nó ở đây, là chụp bắt ở đầu
cây viết chì, trong màu đen tối của than,
chút ánh vàng của nó:
có lẽ nó sẽ
rơi chậm hơn.
 
 

MỘ CHÍ

 
Ngày xưa, y bước tới vặn vẹo.
Hôm nay, y chỉ còn là một đường kẻ, thẳng và êm
thật êm đềm.
 
Để gặp gỡ
một mặt trời trẻ trung, có lẽ mi có thể mượn con đường ấy,
tựa như kẻ, vào một ngày xa lắc xa lơ
đã nện búa trên những phiến đá trắng
ở Via Appia,*
giữa đám cây trắc-bá.
 
Có lẽ mi cũng có thể làm như thế, hỡi cánh ong,
không cần tới trắc-bá
không cần tới Via Appia.
 
-----------------------------------
* đường từ La-mã tới Brindisi, do Appius Claudius (312 trước Tây lịch) khởi công, hai bên toàn mồ mả nay còn di tích. (người dịch)
 
 

SAECULUM*

 
Đó là, như người ta nói, một buổi mai trong trẻo,
tựa pha lê.
Có nhiều điều sáng lên trong nắng. Và những mặt hồ
và những lớp dung nham,
và những giọt nước mắt.
Người thông ống khói lò chưa tới, người quét đường cũng chua,
cả đến ngày mai, cơn thịnh nộ,
kỷ niệm
về ngày thịnh nộ nữa.
Vào giờ của khoái cảm, kẻ gọt dũa
được thêm một vài sự co giật,
vào giờ đọc cho viết, các nhà độc tài
nhầm lẫn vài dấu phết,
một người lính nào đó ở thế
nghỉ.
Trái táo hồng lên vì hạnh phúc,
nước trong các bể nước tỏa rạng,
và tỏa rạng là vệt đen dưới những vành móng tay
và bầu thiên thanh.
 
Người ta không biến không khí thành một sa mạc
chỉ vì một con bồ câu bị cán nát trên đường nhựa,
những con súc-sắc không quỵ ngã trước kinh hoàng
chỉ vì một thủ cấp lăn lăn,
chỉ vì một ý nghĩ màu xám thuộc về mi
cũng chẳng hóa nên buồn thảm hơn
ánh ngày trong trẻo.
 
----------------------------------------
* tiếng la-tinh: thế kỷ. (người dịch)
 
 

GIỜ

 
Thơ – em bảo tôi –
bao giờ cũng ngợi ca thế giới,
nhưng đây là chuyện đổi thay nó.
 
Những ngón tay mượt mà của em luồn qua tóc tôi
và lúc này tôi biết
vì đâu em vĩnh cửu.
 
Ánh sáng
đã khiến em ngồi xuống đây
để trông chừng tôi, trong lúc,
bị xô đẩy trong bóng tối
tôi chầm chậm rơi, dưới tiếng em,
xuống lòng cát
của dòng sông đi qua và ở lại.
 
 

NGẠN NGỮ

 
Trên con đường trở về, ngày ngày tôi thấy
Hamlet với cuốn sách trên tay và
«những chữ, những chữ, những chữ»
«Ta đã ngờ rằng sẽ có ngày ta thèm khát học biết
những chữ, những chữ, những chữ...»
 
Để khỏi khuấy rầy ông,
để khỏi bị thấy mình khuấy rầy ông,
để khỏi bị ông khuấy rầy
tôi bước qua vỉa hè đối diện.
 
Lúc này, tôi biết –
Lặp lại là người mẹ
(đơn độc) của Học tập.
 
 

CỬA SỔ

 
Tôi đã vẽ nhiều, và bao giờ cũng bằng những nét của góc vuông,
bởi tin cẩn ở sự đúng đắn của hình chữ nhật.
Chút gì
được ban cho tôi, tôi đã thu thập lại
trong một căn buồng độc nhất chỉ có một
khung cửa sổ hình chữ nhật
qua đó tôi nhìn thấy trời, quá khứ,
màu xanh lục và tro.
 
Cửa sổ, cái bẫy duy nhất
của tôi không-máu me –
một cánh chim lướt qua
đột nhiên trở thành thiết yếu,
một đám mây lướt qua – cũng trở thành
của tôi trong khoảnh khắc.
 
Thật đã đến lúc tôi phải nói
tôi đã thấy, Chúa ôi,
biết bao điều, biết bao kẻ
khiến những điều ấy khựng lại. Tôi, kẻ phản động,
thoái hóa,
kẻ phá hoại tầm thường
của Bước tiến vĩ đại.
 
Nhưng đứng thẳng
không nao núng, trán ngẩng cao
chính trong trạng huống ấy vươn tới ta
cánh tay dài của mi,
Cách mạng.
 
 

CẦN PHẢI

 
Nhục nhã cần phải
giành được một thắng lợi hoàn toàn, –
một trận đánh
có lẽ sẽ là quá ít.
 
Nhưng mi trở lại, chẳng học biết được gì,
chóng quên, vô tư lự,
nhút nhát, bướng bỉnh, hỡi mùa xuân thân mến –
Chỉ cần người Cứu hỏa Vĩ đại
nhấn chiếc bàn đạp man dã,
chỉ cần y mở
những vòi nước dịu êm và xanh lục,
chỉ cần y làm đầy những trái tim bằng máu,
những rặng phong bằng những tiếng kêu mới,
chỉ cần cái Trống Vĩ đại
bằng những dùi trống nện, bùm!
những màng tai máu me.
 
Mi trở lại và cũng chẳng thấy chúng ta
nơi đây, trên bãi bờ, đang chờ cuộc tắm gội lớn,
cái tên ánh bạc, con bồ câu thếp vàng, –
mi trở lại và cũng chẳng buồn để ý:
có ai đó vẫn tiếp tục rửa tay
ở thượng lưu dòng sông, ôi
rửa tay
mãi không thôi
ở thượng lưu dòng sông.
 
Trong lúc đó, dơ bẩn, lúc nào cũng tối tăm hơn,
nồng nặc, vấy máu
trôi đi
vô tư lự như mi
dòng nước sông Jourdain*
 
-------------------------------------
* dòng sông ở Palestine nơi, theo Kinh thánh, Jean-Baptiste đã làm lễ thanh tẩy cho Jésus-Christ. (người dịch)
 
 

GIỜ

 
Trước một bức tường trắng,
sáng chế những ẩn tự màu mồ hóng.
Ngắm nhìn. Tuy vậy song song với ánh mắt
của người coi hải đăng, song song với lá cỏ,
với con rắn, với chấn song, với dòng sông.
 
Mi đã nhớ tới những bức họa thời danh,
vui mừng, cuống quít trước phóng bản.
Và nhà thơ đã viết  thế kỷ bước tới,
giữa những cành nhánh bằng than chì y đã tạo ra
những con sáo sậu quá vàng ánh...
 
Vô tư mi đã so sánh đỉnh núi Olympe* với con rệp,
khi nằm dài trên cánh đồng lúa của ký ức
và chiếc đồng hồ nhỏ lúc nào cũng đóng khuôn một điều gì đó
trên cườm tay mi, đơn độc bên trên lớp đá vôi
đang hút máu mi. Thật hiếm hoi,
tiếng tích-tắc của nó
không hại gì tới đám lúa.
 
Và lúa đã lớn lên, và dòng sông, và con trùng, và câu thơ,
ống đại phong cầm, ống dẫn lò sưởi,
cái lưỡi của mi và lưỡi chuông, tầng tháp cao.
Mặt trời, bài ca thi, sự lãng quên.
 
----------------------------------
* nơi thần linh ở. (người dịch)
 
 

OMPHALOS *

 
Nhưng thời thế đã đổi thay, người Hy-lạp nọ nói. Hổ thẹn
không còn lộ ra ở đầu câu, - cũng chỉ hơi hơi nếu về cuối,
lúc về chiều, một màu ửng đỏ nhẹ nhàng
như bốc lên đôi gò má của nàng Pythie.**
 
May thay, chuyện đó không dài lâu,
và chúng ta, suy tưởng hướng về Omphalos,
vẫn có thể tiếp tục so sánh nó
với một khối cầu bằng pho-mai.
 
Người ta có thể bảo rằng thần linh thông truyền cho chúng ta một điều gì đó –
một thứ sấm dậy từ xa xa
tiếng xôn xao mượt mà –
trong lúc suy tưởng hướng về sự so sánh,
chúng ta chảy nước miếng.
 
Tiếng xôn xao mượt mà, xa xăm...
 
Vậy là không có một điều luật nào cấm đoán
những sự so sánh
khi, suy tưởng hướng về Omphalos
nước miếng chúng ta chảy ra.
 
--------------------------------------
* Tiếng Hy-lạp: phần trung tâm, tâm điểm, tiêu điểm. Trong bài tựa một tập tho dịch của Ana Blandiana, Ion Pop có viết: «L'omphalos, pierre centrale de l'univers...» (Omphalos, tảng đá trung tâm của vũ trụ... ).
** Pythie: nữ pháp sư ở Delphes, nói lời sấm nhân danh thần Apollo. (người dịch)
 
 

GHI KHẮC TRÊN TẦNG THÁP CAO NHẤT

Hãy gọi,
hãy la.
Hãy hét lên cho tới khi nào
tiếng hú của mi
rốt cuộc
nghe thấy mi.
 
 

THƠ MÙA HÈ

 
Rất có thể là ta cũng sẽ không còn chết nữa.
Rất có thể là mặt trời nhân hậu
sẽ trở thành nhân hậu đời đời chẳng cùng.
 
Không bị vò nhàu như những manh giấy,
cũng chẳng phải đá, chẳng phải thiên nga.
Dẫu vậy ở đây, chúng ta, ở mép bờ bãi lầy,
trong tiếng rì rào êm dịu của lau sậy,
những máy ảnh đã điều chỉnh,
những cây viết chì đã chuốt kỹ,
chúng ta trông chờ chúng xuất hiện.
 
Để chụp hình chúng, những con giun,
để viết những bài thơ bất hủ
về những con giun.
 
 

NÚI, NHỮNG CƠN TUYẾT

 
Không có gì đảm bảo rằng thơ
có thể xê dịch
bất kỳ một ngọn núi nào.
Các vị trông coi
sự quân bình địa lý
có thể ngủ yên.
Mẩu than chì
tôi dùng để viết, đánh cắp từ những vùng sâu thẳm,
người ta chỉ hơi hơi nhìn ra nó trong vẻ mờ đục,
ấy một con giun, một điểm lộn xộn, một vật chả ra gì,
thưa Điện hạ.
 
Con mèo vẫn sẽ điềm nhiên bước qua
trước cuốn sách của thời khắc này,
sẽ chẳng quan trọng gì đối với nó
con chuột lắt kỳ cục,
thưa Điện hạ.
 
Cả dòng nước cũng vô tư, nước sẽ chảy
trước những chữ này –
nó biết
rằng đằng sau nó chỉ còn những sỏi đá,
thưa Điện hạ.
 
Và tôi, với mẩu than chì tí tẹo
từ gan ruột trái núi
thế tuy nhiên vẽ toàn trái núi
và bóng tối xanh um, và những đồng cỏ và những đàn thú
và những đám mây, và những cơn nấc cụt của tuyết.
 
Xóa những cơn nấc cụt đi – thằng con trai tôi bảo tôi –
có lẽ sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ập xuống
để nuốt trửng tất cả
những cơn tuyết lở khủng khiếp ấy.
 
Nó đã nói với tôi như thế đấy,
thằng con trai gầy yếu và đầy khôn ngoan của tôi,
vào lúc mà đã khởi sự vang dội
trong tôi những tiếng đổ vỡ đầu tiên,
khi các vị trông coi
sự quân bình địa chất
chuẩn bị đi ngủ.
 
 

TEMPUS *

 
Thời của bọn sát nhân –
khi hết thảy chỉ còn là bản chất,**
và, qua bản chất
với tính cách tương đối,
chỉ được màu đen
và màu vàng ánh bảo vệ,
con sáo bơi bơi.
 
Tôi muốn nói với nó như thế.
 
Nhưng nó đã rời xa
khắc ghi trong bầu pha lê,
trong khung bùn chữ nhật,
chỉ một vệt máu
độc nhất.
 
Tôi muốn nói với nó như thế.
 
Thời của bọn sát nhân –
khi hết thảy
chỉ còn là bản chất.
 
---------------------------
* Tiếng la-tinh: Thời.
** essence. (người dịch)
 
 

KHÓI

 
Tôi không biết có phải khói của thư viện thành Alexandrie
đã làm cho Xê-da ho,
hay đã làm cho đấng vua Hồi-hồi vinh hiển
nhảy mũi.
 
Có lẽ phải, có lẽ không.
Không một cuốn niên sử nào nói tới.
 
Nhưng cả tôi nữa – như một câu ngạn ngữ có nói –
tôi càng ngày càng sợ
những ông xê-da không ho
và những vị vua hồi-hồi không bao giờ nhảy mũi.
 
 

TRỜI MƯA TRONG PARIS

 
Trời mưa trong Paris, ấy là thứ Năm và tôi nghĩ tới cậu,
ông cậu trẻ đáng thương ở châu Mỹ, César Vallejo,*
tới những ống xương bị nghiền nát của cậu, tới tình thế hiểm nguy
và tới những con đường dài không cùng.
 
T, U, V, X — lớn dần lên ngày thứ Năm tang tóc,
và lúc ấy đã là thứ Tư, và cậu vẫn tìm ra
ngày giờ để nói rằng đá đã mỏi mệt. Chỉ còn lại
vài mét máu
vài phân những cửa miệng
chưa khép lại.
«Thưa Ông Bộ trưởng bộ Y tế, ta có thể làm gì?»
 
Trời mưa trong Paris và tôi nhìn qua khung cửa sổ xám,
hướng về người bạn độc nhất của tôi, cây dương ngô đồng nơi công viên,
người bạn dịu hiền đang trông chờ, trông chờ
ngày thứ Sáu hát ca.
«Thưa Ông Bộ trưởng bộ Y tế, ta có thể làm gì?»
 
Mưa không cùng – và Ông Bộ trưởng lặng thinh,
và chúng ta trong ẩn dụ, thật tinh khiết, trong căn buồng
sát mái mong manh, trong kim tự tháp
nhạt mờ. Và chỉ còn lại
vài mét máu,
vài phân cửa miệng
chưa được khép lại.
 
------------------------------
* César Vallejo (1892-1938): nhà thơ lớn của châu Mỹ la-tinh, sinh tại Perú, mất tại Paris. Di hài nằm ở nghĩa trang Montparnasse (1970). (người dịch)
 
 

LƯỠI DAO

 
Lưỡi dao khi chặt đã lìa bỏ quá khứ:
dường như ấy là
cách nó cười to.
Nhưng giữa miếng bánh và miếng bánh,
máu và máu,
có lẽ nó đã cảm thấy mình
thật cô độc –
người ta có quyền tin rằng nó
đã mỏi mệt vì hãy còn và vẫn là
một biên giới.
 
Dường như nó đã linh cảm nỗi âu lo gút thắt?
Chắc hẳn là nó cũng đã đánh hơi
thấy sự run rẩy của máu tôi.
 
Định mệnh của nó từ ấy vẫn như vậy:
chặt. Trong đám cỏ lúc này
bị quên lãng,
sắp sửa rỉ sét,
nó dường như hết sức do dự
trong lúc tôi, chống lại lãng quên, xem xét nó,
tôi bị bỏ rơi, Chúa ôi, như một lưỡi dao.
Là những ngưới anh em trong một khoảnh khắc, trong cảnh sắc,
lưỡi dao và tôi, chúng tôi ở lại đó, lấp lánh
hướng về phía mặt trời lặn
và về phía thế giới nọ nơi quặng mỏ vẫn bị vùi lấp.
 
 

HẾT THẢY

 
Hết thảy, than ôi, hết thảy chung quanh tôi
bảo tôi rằng tương lai
sẽ bằng vàng.
Bởi lẽ rất cần phải có
những chất kim không thể hư hỏng.
Tôi nói thế khi nhận rõ trong tấm gương
một bức ảnh Thánh mẫu xưa gần như của thời Byzance,
hai bàn tay
với nước sơn đã rạn,
một cái đầu đang rỉ sét dần dần
dưới vòng hào quang ẩm ướt.
 
 

THAY VÌ MỌI ẨN DỤ

 
Giả dối
thần trí tinh ròng của nhà thơ đã trở thành giả dối,
y chỉ còn thấy
những gì y vẫn thấy.
Thay vì mọi ẩn dụ
y ưa thích
bánh mì và nước lã hơn.
 
Làm gì?
 
Trong lúc chờ lời giải đáp,
tôi đã giam nhốt y ở đây
trong bài thơ.
 
 

DƯỚI LỚP RỈ SÉT

 
Ngay cả tới bốn mươi tuổi, bạn ơi, cũng không phải là quá trễ.
Cũng không phải là quá trễ đối diện với nữ pháp sư Pythie để mà mỏi mệt
xê dịch những dấu phết từ một danh từ này tới một danh từ kia,
từ một động từ tới một điều gì khác. Hình như là
trong một mệnh đề dài dặc, có bao giờ gỡ ra nổi ấy, vẫn có
đất rắn chắc. Thật hoài công bạn sáng tạo,
tựa như kẻ làm xe trượt tuyết vào mùa hè, đóng những con tàu biển.
Những gì chúng ta đây, chúng ta dệt ra, sự Khôn ngoan chẳng hề bị lừa bịp.
Người ta có thể bảo rằng chúng ta muốn, trong lúc sinh thời, tránh khỏi cái chết.
Người ta có thể bảo rằng chúng ta vẫn chưa
lầm lẫn
sợi thừng của kẻ bị treo cổ với những giải trang sức của cô dâu.
 
Hãy để cho nàng biết.
 
Không phải là quá trễ, bạn ơi, cũng không phải là quá trễ
để những con tàu biết chạy trên khắp đất đai hay tạo ra
vùng biển của chúng. Bạn hãy nhớ
đến thời bạn còn là con cá
nơi bụng mẹ.
 
Tựa như kẻ
kêu lên dưới lớp rỉ sét,
con chỉ còn có sắt để mất, Chúa ôi,
chỉ còn có sắt.
 
 

BÀI THƠ CỦA TUYẾT NĂM XƯA

 
Tuyết, tuyết, tuyết –
nhưng trời không còn gửi cho chúng ta
tuyết năm xưa, như trong một bài thơ
nơi màu trắng của tuyết không thoáng bóng một vết nhơ.
 
Có bao giờ màu xám
lâm nguy?
 
Những chiếc máy bay
tống những tờ truyền đơn say sưa sự trong trắng,
những cỗ đại bác
khạc
những tờ truyền đơn trong trắng,
trong các mạch máu và buồng phổi mi
rực sáng một ngọn lửa đỏ
như một con mãnh thú bị đâm
trên ban thờ của trong trắng,
con sâu, chính nó, từ trái táo trồi ra
hiện thân thí dụ của trong trắng,
các diễn viên khản cả tiếng ngâm ngợi
tuyết năm xưa,
bà mẹ sợ hãi che đậy tấm khăn ren trắng
vấy ba giọt máu,
và chẳng bao giờ chúng ta sẽ nhận ra
giữa những kẻ thanh lịch mang bao tay trắng như tuyết
tên đao phủ, tên đao phủ,
và thân xác em nơi ngời sáng hồn em
thân xác ấy khoác một màu trắng chưa từng thấy, hỡi em yêu.
và cơn tuyết này, cơn tuyết đã tới, cơn tuyết sẽ tới,
phải, sẽ tới...
 
Có bao giờ màu xám
lâm nguy?
 
Tuyết, tuyết, tuyết,
hằng hà sa số những lọn tuyết tiến công,
tình trạng khẩn cấp của màu trắng, những đạo binh dũng cảm
của tiếng kêu lớn câm nín!
Phải chăng các ngươi hết thảy, than ôi, hết thảy
chỉ là những viên đạn tinh khiết?
Phải chăng màu xám sẽ chẳng bao giờ
lâm nguy?
 
 

NHẬT KÝ

 
Ngày 23 tháng mười
tôi áp bàn tay lên thái dương bên phải
trong một dáng điệu thật suy tư
và tôi sợ.
Lũ bay bày đặt gì ở đó thế, hỡi lũ bay năm ngón tay
dán vào thái dương ta thế cho
một vành tai nào đó nở sao?
 
Ta không có gì phải che giấu, ta không có gì –
lũ bay có nghe tiếng động khả nghi của một con chuột chũi nào,
một tiếng rì rào dị kỳ và không ngớt?
 
Lạnh lẽo làm sao bàn tay mặt của ta,
luôn luôn dán vào thái dương ta, để nghe ngóng,
để làm ta sợ hãi.
 
 

TÌM RA CON MẮT

 
Vừa mới vẽ xong tôi đã nhận thấy
sự khác biệt lớn lao
giữa hình tam giác
và bản thân tôi
 
Nhưng, dẫu lão sư nói gì
trong lúc vuốt sợi râu mép
hải cẩu thật quy củ,
tôi bất cần
sự khác biệt ấy.
 
Đôi khi phải mất trọn một đời
mới tìm ra con mắt mình
và biết được
rằng Babylone nơi người ta than khóc
cũng chính là Babylone
mà người ta khóc than.
 
 

NHỮNG ĐÁM MÂY

 
Những chữ, ngôn từ, những chữ,
con lạc đà, con chồn rái, con cá voi,
những đám mây và ông Hoàng và ông Cố vấn –
cả y nữa cũng một đám mây
thịt da hơn đôi chút
trùm lấp những đợt sóng.
 
Đan-mạch mục nát thân yêu,
 
bán đảo đáng thương thay,
vật ngàm miệng xanh,
trong cửa miệng biển xanh.
 
Rất thánh Đức Mẹ của những đám mây
vàng ánh,
máu me,
đầy tro,
Đan-mạch mục nát thân yêu.
 
 

BUỔI CHIỀU VỚI BACOVIA*

 
Khi người ta khởi tấu điệu vui hoạt với hứng cảm** thời con người ấy thấy
cũng nên ho,
để làm hỏng cả một buổi chiều của chúng tôi
cũng nên hắt ra một hơi thở rền và thổ huyết!
 
Chính lúc này
con quạ cắt ngay chân trời
kìa, xuất hiện giữa những chiếc bạt bằng đồng,
đã lăn xuống
dưới chân bậc thày.
 
Như một tấm huy chương
rơi từ lồng ngực kẻ chiến thắng,
như một bộ binh giáp sống động.
 
----------------------------------------
* George Bacovia (1881-1957): một trong những nhà thơ lớn nhất của Ru-ma-ni...
** l'allegro con brio. (người dịch)
 
 

KHÔNG CÓ Gì LÀ BẰNG SẮT

 
Không có gì là bằng sắt, không có những ngọn dáo, cũng chẳng có những cây đinh,
dây xích, cạm bẫy,
hay những lưỡi rìu.
Than ôi, lại còn mềm đi nữa
sắt
phải, sắt,
chính sắt.
 
Và chúng tôi
sáng rỡ và ca hát
được viết bằng hoa tự
trong tập vần màu phấn
của ánh ngày.
 
Nếu các người tình cờ nghe thấy
tiếng trườn đi như thể của ốc sên,
tiếng lụa xé chầm chậm,
hãy biết rằng
kẻ bước tới
chỉ là
Bọt biển.
Một miếng bọt biển — và không là gì khác.
Với ngọn cờ nhũn nhẽo
giữa những dòng nước xoáy xơ tưa của đầm lầy,
 
với nét chữ hoa hung dữ.
 
 

LÚC ẤY TÔI ĐANG VIẾT

Lúc ấy tôi đang viết bài thơ  Về tảng đá
thời trên mỏm trắng của nó
một con giun xuất hiện.
(Xéo, đồ khốn, cút ra khỏi bài Ngợi ca!)
Thế rồi, không chút nể vì,
đã
tiến
lên
và cán nát tôi.
 
 

ĐOẠN BA

 
Vị giáo sư bảo tôi rằng từ ít lâu nay
có một con quạ khoang thật lớn thường lao mình vào kính cửa
giữa ban ngày –
và chỉ cho tôi ba giọt máu.
 
Phải chăng ấy là Con quạ trong bản dịch tiếng Ru-ma-ni? tôi nói để đùa bỡn...
một con chim quyết tử hụt nào đó,
một kẻ canh chừng những tham vọng thẩm mỹ
nhắm trở thành biểu hiệu?
Từ quá lâu rồi định mệnh đã quá ngán
không buồn gửi tới chúng ta những sứ điệp.
 
– Nhưng ở đoạn thơ thứ ba nỗi âu lo đã khiến tôi khổ sở,
không vì một lý do nào hết nỗi âu lo đã khiến tôi khổ sở,
mà không báo trước, hỡi đoạn ba,
mi đã trở thành bi ca,
bi ca.
 
 

CỬA SỔ

 
Tôi bao giờ cũng có thể kể rằng mình lùa bầy ngựa bừng cháy tiến tới
thiêu đốt khu rừng ở sau tôi.
Thực ra không phải vậy.
 
Với những người khác
người ta đã tặng không những thanh nam châm
áp sát vào đầu não để thu hút sấm sét. Những người khác đi vênh vang
ở bên hông toang hoác là một khúc xương sườn thấy rõ
như một phím đàn dành cho
ngón tay tăm tối
mà Ngài Bóng tối khứng đưa ra
trong một khoảnh khắc,
của Vô định.
 
Phần tôi, người ta đã chỉ ban cho một khung cửa sổ
và đối diện với nó là hai con mắt mở lim dim
nơi đôi lúc phản ánh
chút muối không tan của thực tại:
tôi có thể chiêm ngưỡng nó bao lâu
nó vẫn vui lòng là như thế – ký ức
xô đẩy khối ngày thành một lớp mồ hôi máu
vô định.
 
     Và ta muốn cầu xin ngươi
     mơ mộng chậm hơn, hỡi Gây hấn!
     Bàn tay ta còn non nớt, quá non nớt
     đã biến mất dưới những pho sách đáng kính.
     Phải. Khoác một khung cửa sổ.
     Tựa như một hiệp sĩ
     khoác thời Trung Cổ mong manh trong giáp sắt
     trong suốt.
     Một chiếc ná, chỉ một chiếc ná
     có lẽ cũng đủ.
     Một chiếc ná, chỉ một chiếc ná
     sẽ đủ.
 
 

NHỮNG PHẦN MẢNH

 
Người ta bảo rằng
những mảnh vụn của hư không –
không một mảnh nào mất đi –
rốt cuộc sẽ hợp thành cái Toàn thể.
Người ta chưa quyết định
phải chăng đó là cái Toàn thể
hay chỉ là một Thành phần,
chẳng mấy đáng tin cậy hoặc tiêu biểu
thực sự.
 
Tuy nhiên, mẫu số chung,
con rết chẳng ngừng kéo lê
một đường thẳng
khiến đầu gối phải oằn lại
và những đốt xương sống nghiến rít.
 
Cái thang của Jacob*
cây thập tự không nhánh ngang,
xanh, lưỡi dao sắc
của máy chém, cũng có thể
không nhúc nhích vẫn chia lìa
cái đầu nổi loạn
với những đầu gối đã quy phục.
 
-----------------------------------------
* tổ phụ người Hy-bá, con của Isaac và Rebecca, trong Thánh kinh, nằm mơ thấy một cái thang bắc tới trời... (người dịch)
 
 

LỜI NGUYỆN CHÓT

 
Nếu cuối cùng người ta nghiến nát tôi,
tôi ao ước ít nhất người ta cũng làm điều đó
với một bánh xe mới tinh,
một vòng xích sắt thếp vàng,
một cây búa bằng bạc,
với một chiếc giầy ống vừa chùi bóng
hay một ngón tay sạch nhất.
 
Để người ta không còn vấy dơ thêm
vết máu và để nó có thể
trình diện dẫu chẳng xứng đáng mấy đi nữa
trước cuộc Phán xét cuối cùng rất công bình
của những vết nhơ.
 
 

CHÚNG TÔI ĐÃ TỪNG

 
Chúng tôi đã từng đông đảo và hoàn toàn bị nghiến nát
và kìa
người ta lại hỏi ý chúng tôi.
 
Chúng tôi thật đông đảo – chúng tôi đã nói,
chúng tôi hoàn toàn bị đè bẹp – chúng tôi đã nói,
và chỉ còn có thể đưa ra
cái ý kiến đã hoàn toàn
bị đè bẹp này – chúng tôi đã nói.
 
Và họ đã tịch thu ý kiến ấy của chúng tôi,
đã nuốt trửng nó
không buồn nhìn chúng tôi
lấy một khoảnh khắc
thẳng mặt.
Trong thính quan của họ
thính quan của những người điếc kỳ cựu
ý kiến chúng tôi bị đắm,
rồi chìm nghỉm
vĩnh viễn.
 
 

TÔI BIẾT

 
Lúc này tôi biết rằng cuộc sống chẳng dài lâu
và tôi đã nhất định bước xuống đường phố
của trang giấy trắng này
và phóng ra ở đấy tự đáy ruột gan tôi
một tiếng thì thầm não nuột.
 
Đó sẽ là một cuộc mít-tinh vĩ đại
hình chữ nhật hay, có lẽ, hinh vuông
hình thoi và – tại sao không nhỉ? –
hình nón hay hình khối nhiều mặt.
Hoặc là, hay hơn nữa,
hình cầu.
 
Tròn
như một điểm đơn độc.
 
Những gì gồ ghề cuối cùng còn lại
tôi sẽ chạy tới đè bẹp chúng.
 
 
--------------------------------
Mời độc giả xem "Bài thơ của Ion Pop" (nhận định của Gérard Bayo) đăng song song trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021