thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi một người | Quỳ gối tôi nhìn đất | Tạo vật kỳ dị nhất | Y bằng đồng đỏ, bằng đá...
(Diễm Châu dịch)
 
TÔI MỘT NGƯỜI
 
Tôi     một người
tôi     Nâzim     Hikmet     nhà thơ     Thổ-nhĩ-kỳ     tôi
nhiệt tình     từ chân tới đầu
từ chân tới đầu     chiến đấu
chẳng có gì ngoài hy vọng     tôi
 
 
QUỲ GỐI TÔI NHÌN ĐẤT
 
Quỳ gối tôi nhìn đất
Tôi nhìn cỏ
Tôi nhìn con sâu
Tôi nhìn khoảnh khắc nở hoa xanh biếc
Em như đất mùa Xuân, hỡi em yêu dấu,
Tôi nhìn em
 
Nằm ngửa tôi thấy trời
Tôi thấy những cành cây
Tôi thấy những con cò bay lượn
Tôi mơ đôi mắt mở
Em như trời mùa Xuân, hỡi em yêu dấu,
Tôi thấy em.
 
Ban đêm tôi nhóm lửa ở đồng quê, tôi chạm tới lửa
Tôi chạm tới nước
Tôi chạm tới vải
Tôi chạm tới bạc
Em như ngọn lửa trại ngoài trời dưới các vì sao
Tôi chạm tới em.
 
Tôi ở giữa mọi người tôi yêu mọi người
Tôi yêu hành động
Tôi yêu suy tưởng
Tôi yêu cuộc chiến đấu của tôi
Em là một con người trong cuộc chiến đấu của tôi
Tôi yêu em.
 
(trích đoạn IX trong Thư và Thơ, 1942-1946)
 
 
TẠO VẬT KỲ DỊ NHẤT
 
Như con bọ cạp, anh tôi,
Anh như con bọ cạp
Trong một đêm kinh hoàng.
Như con chim sẻ, anh tôi,
Anh như con chim sẻ
trong những âu lo nhỏ nhặt.
Như con sò, anh tôi,
anh như con sò
kín bưng và bình lặng.
Anh thật là kinh khủng, anh tôi,
như một cái miệng núi lửa đã tắt.
Và anh không phải là một, hỡi ôi,
anh không phải là năm,
anh là hằng triệu.
Anh như con cừu, anh tôi,
Khi tên đao phủ khoác áo da anh
khi tên lột da thú giơ cây gậy
anh vội vã trở lại bầy
và anh chạy tới lò sát sinh, gần như hãnh diện.
Tóm lại, anh là tạo vật kỳ dị nhất trong các tạo vật,
Kỳ cục hơn con cá
sống giữa biển mà không biết tới biển.
Và nếu có biết bao khổn cùng trên trái đất
thì ấy cũng là nhờ anh đó, anh tôi,
Nếu chúng ta đói khát, cùng kiệt,
Nếu chúng ta bị lột da tới ứa máu,
Bị ép như chùm nho để hiến rượu,
Thì phải chăng tôi dám nói ấy là lỗi tại anh, không,
Nhưng anh có dự phần nhiều lắm, anh tôi.
 
1948
 
 
Y BẰNG ĐỒNG ĐỎ, BẰNG ĐÁ...
 
Y bằng đồng đỏ, bằng đá, bằng thạch cao, bằng giấy bồi, từ hai phân tây tới hăm hai mét
 
Trên hết mọi quảng trường của thành phố, chúng tôi ở dưới đôi giày ống của y bằng đồng đỏ, bằng đá, bằng thạch cao và bằng giấy bồi.
 
Trong các công viên, bóng y bằng đồng đỏ, bằng đá, bằng thạch cao và bằng giấy bồi vươn dài trên cây cối.
 
Ở tiệm ăn bộ râu mép của y bằng đồng đỏ, bằng đá, bằng thạch cao và bằng giấy bồi nhúng vào bát canh của chúng tôi.
 
Trong những căn buồng của chúng tôi gắn chặt vào chúng tôi là đôi mắt y bằng đồng đỏ, bằng đá, bằng thạch cao và bằng giấy bồi
 
Một buổi sáng nọ y biến mất.
 
Đôi giày ống của y biến khỏi các quảng trường
Cái bóng của y biến khỏi hàng cây
     Bộ râu mép của y khỏi bát canh của chúng tôi
          Đôi mắt của y khỏi những căn buồng của chúng tôi
Và từ lồng ngực của chúng tôi trút xuống
     sức nặng của hàng ngàn hàng ngàn tấn đồng đỏ, tấn đá, tấn thạch cao và giấy bồi.
 
Mạc-tư-khoa, 13.12.1961
 
 
-------------------------------------
Ghi chú của dịch giả:
NÂZIM HIKMET (1902-1963) là một nhà thơ lớn của Thổ-nhĩ-kỳ. Ông sinh năm 1902 tại Salonique. Là cháu của một vị «pacha» (Tổng trấn), ông gia nhập Đảng năm 1923, trong lúc có tới ít nhất là ba đảng cộng sản công khai, chính thức và bí mật ở nước ông. Trở thành sinh viên của trường Đại học các Dân tộc phương Đông ở Mạc-tư-khoa, ông đã từng đứng gác trước nhà táng Lê-nin và chính ông là một trong những sinh viên Thổ-nhĩ-kỳ đã «côông kênh» giáo sư Stalin ở đại học nói trên. Tuy nhiên, ông cũng là một nhà thơ cộng sản hiếm hoi đã «thấy» rõ Stalin và có can đảm nhìn nhận điều mình thấy.
 
Cuộc đời tranh đấu của Nâzim Hikmet gồm những án tù ngắn có dài có, tổng cộng lên tới 56 năm, trong số này ông chỉ «thi hành» được có... 16 năm. Phần lớn những tháng ngày còn lại, ông sống cảnh lưu vong ở Liên-xô và cho đến chết, không bao giờ còn được thấy quê hương nữa. Khởi sự làm thơ rất sớm, đi từ thơ truyền thống tới những hình thức hiện đại, thường được coi như người bắc cầu cho thơ của nước ông với thơ Tây phương. Ông làm thơ mọi lúc, cả lúc nằm tù cũng như khi biệt xứ. Thế nhưng cuộc đấu tranh của ông, trong thơ, dường như chính yếu vẫn nằm trên bình diện dân tộc chứ không phải ý thức hệ. Ông cũng là tác giả khá nhiều kịch bản. Tác phẩm toàn tập của ông bằng tiếng Thổ-nhĩ-kỳ lên tới 8 pho sách. Ông mất tại Mạc-tư-khoa ngày 3.6.1963. Và kể từ 1964, người Thổ-nhĩ-kỳ đã chính thức được phép đọc những gì ông viết. Ông có nhiều đời vợ, trong đó có cả một bà người Nga. Thủa nhỏ ông bị ảnh hưởng nặng nề vì cha mẹ ly dị. Trong cuộc đời riêng, ông cũng đã ly dị nhiều lần.
 
Phần lớn các bài trên, tôi dịch theo bản Pháp văn của Hasan Gureh trong Nâzim Hikmet: Anthologie poétique (Temps Actuels: Paris, 1984) [Philippe Soupault đề tựa - bản này đã được in đi in lại nhiều lần, vơi các nhà xuất bản khác nhau]. Và tôi cũng đã coi lại để «sửa chữa» (thêm thắt chút đỉnh hoặc... giữ y bản cũ!) theo Nâzim Hikmet, Il neige dans la nuit et autres poèmes (Poésie / Gallimard: Paris, 1999) [Claude Roy đề tựa - bản dịch Pháp văn của Munevver Andac và Guzine Dino]. Riêng bài đầu tiên, tôi theo bản Pháp văn của Munevver Andac và Guzine Dino trong sách nêu trên, trong bản này, chữ «nhiệt tình» đã thay thế chữ «niềm tin» trong Nostalgie de Nâzim Hikmet (fata morgana, 1989) của cùng một dịch giả Munevver Andac.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021