thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôn ngữ tôi | Hư danh buổi xế chiều | Một bài học vạn vật | Dự liệu
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
VYACHESLAV KUPRIYANOV
(1939~)
 
Vyacheslav [Glebovich] Kupriyanov sinh ngày 23 tháng 12 năm 1939 tại Novosibirsk, là một trong những gương mặt sáng chói trong thơ văn Nga hiện đại. Thời trẻ ông từng công tác trong Đoàn Thanh niên Cộng sản, bị động viên và tốt nghiệp kỹ sư hải quân tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân ở Leningrad [1958-1960], rồi sau đó do sắc lệnh giảm biên, ông được giải ngũ và vào học và tốt nghiệp [1967] tại Viện ngoại ngữ Moscow [tiền thân của Trường Đại học Ngôn ngữ Moscow], khoa Dịch thuật [tiếng Đức] và Toán Ngữ học[*] [Mathematical Linguistics]. Sau khi tốt nghiệp, ông từ chối công tác do trường bố trí, và tham gia hoạt động với tư cách nhà văn độc lập trong Hội Nhà văn Liên xô. Ông là dịch giả các nhà thơ Đức [đặc biệt là Rainer Maria Rilke], các nhà thơ Anh, Mỹ, Pháp, Tây ban nha, và một số nước Cộng hoà Liên bang Xô viết thời ấy [Armenia, Latvia, Lithuania và Estonia] như Hölderlin, Novalis, Hoffmannstal, B.Brecht, G.Grass, Enzensberger, Hans Arp, Walt Whitman, Carl Sandburg..., đồng thời là tác giả / chủ biên nhiều tuyển tập thơ ngoại quốc.
 
Là chủ soái trong những nhà thơ tiên phong trong phong trào phát triển thơ tự do [verlibrisme] Nga[**] vốn là hình thức bị xếp vào loại “làm mới” không được hào hứng chấp nhận dưới thời Xô-viết, thơ ông thường không được in hay xuất bản dễ dàng: ông phải chờ đợi khá lâu để có thể trở thành tác giả nhiều tập thơ[***] như: Người thứ nhất (“От первого лица” - Moscow, 1981), Cuộc sống tiếp tục (“Жизнь идет“ - tập thơ tự do đầu tiên xuất bản ở Nga sau Thế chiến II, 1982), Việc nhà (“Домашние задания“ - 1986), Tiếng dội (”Трезвое эхо“ - 1988/1989), Thơ (1994), Thơ (2004), Hãy để tôi nói xong đã (“Дайте договорить“ - 2002), Thời tốt nhất (“Телескоп времени“ - 2003),... Ca ngợi thời gian ["Ода времени", Moscow 2010] – đấy là chưa kể nhiều ấn bản thơ và văn xuôi tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ba lan, Bulgaria, Hà Lan, Nam Tư, Macédoine, Tamil... Ngoài ra, và rất đáng nói tới, là những lần ông được mời tham dự các Liên hoan thơ thế giới và đoạt các giải thưởng văn học như tại Diễn đàn Thơ thế giới ở Ba Lan [Thơ Warsaw Mùa Thu, 1975], ở Đức [Giải thưởng Liên hoan Thơ ở Genoa, 1986, Giải nhất Südwestfunk-Bestenliste, 1997], Ý [Liên hoan thơ thành phố Goneza 1986], Nam Tư [Giải Văn học châu Âu, 1988], Macédoine [Giải văn học Baculus của Hội nhà văn Macédoine, 1998], Sri Lanka... Trong nước, Vyacheslav Kupriyanov đứng ra tổ chức Liên hoan các nhà thơ độc lập lần thứ nhất ở Siberia [Leninsk-Kuznetsk, 1988], sau đó là Liên hoan thơ ở Kaluga năm 1989. Ở nước ngoài, ông  từng được mời tham dự Diễn đàn Thơ thế giới ở Ba Lan [Thơ Warsaw Mùa Thu 1975], Liên hoan Thơ Cambridge ở Anh năm 1985, Liên hoan thơ ở thành phố Goneza, Ý 1986 [nơi ông đoạt giải thưởng]... Nhưng có thể nói tác phẩm góp phần quan trọng nhất đưa ông đến với người đọc thế giới là tập thơ song ngữ In Anyone’s Tongue [bản dịch của Francis R. Jones, Forest Books, 1992]... Giải thưởng văn học mới nhất của Kupriyanov là Giải Bunin 2010. Ngày 22 tháng Ba 2011 ông được Trung tâm Nga thuộc Viện Văn hoá Đức-Nga ở Dresden mời nói chuyện và đọc thơ bằng cả hai thứ tiếng Nga và Đức, với tư cách là một nhà thơ dịch giả và là bạn của độc giả người Đức.
 
Nếu tính theo đầu sách, tác phẩm hoàn tất của ông có thể gọi là rất phong phú, gồm thơ, truyện, tiểu luận... Nhưng nếu tính theo ấn phẩm xuất bản khắp thế giới, ít có trang báo nào có thể chứa nổi một bảng liệt kê đầy đủ. Vyacheslav Kupriyanov hiện sống ở Moscow với vợ và hai con gái.
 
_________________________

[*]Từ này hẳn phải có hơn một cách chuyển ngữ. Người dịch chọn từ này đương nhiên là để bày tỏ sự tâm đắc và để cám ơn đề nghị của anh Nguyễn Hưng Quốc.

[**]tức vers libre.

[***]Ở đây người dịch chỉ liệt kê một số tác phẩm thơ.

 
 
 

Ngôn ngữ tôi

 
Ngôn ngữ của tôi sống lâu
hơn tháp Babel
hơn tất cả mọi tháp ngà
khác
giờ đây nó yên nghỉ
câm lặng dưới sức nặng
của tháp truyền hình
 
 
 

Hư danh buổi xế chiều

 
Mỗi đêm
người chết
nhấc phiến đá mộ lên một chút
lần mò kiếm chứng
xem tên mình có bị xoá khỏi bia mộ không.
 
 
 

Một bài học vạn vật

 
Bạn bảo, tôi yêu
rừng cây,
cánh đồng,
thiên nhiên...
Nhưng đôi khi ý nghĩ của chúng ta
giống như một khu rừng u tối.
Sống cuộc sống của mình không giống như
băng qua một cánh đồng. Thiên nhiên
không thể chịu nổi
khoảng trống.
Vậy ta hãy khám phá xem:
rừng cây, cánh đồng, thiên nhiên
chúng có yêu bạn hay không.
Đừng nói chuyện yêu đương
vội vàng như thế làm gì.
Hãy nghĩ tới
chuyện có qua có lại.
 
 
 

Dự liệu

 
Em yêu,
Hãy chờ một chút.
Đừng bỏ đi.
Hãy cho ta thêm một ngày
Để khám phá ra cái bí ẩn
Cho biết chúng ta sống ra sao
Để những tháng ngày của chúng ta
Mãi mãi là của chúng ta.
 
Các con,
Hãy chờ một chút.
Đừng lớn nhanh như vậy.
Hãy cho ta thêm một năm
Để khám phá ra cái bí ẩn
Cho biết sống bên cạnh các con ra sao,
Khi chia sẻ những năm tháng của các con
Mà không lặp lại
Những lỗi lầm.
 
Mẹ ơi,
Xin chờ một chút.
Xin mẹ đừng già.
Xin cho con thêm một cuộc đời
Để con có thể trả lại
Ít ra là một mảng thôi
Tất cả những gì mẹ đã cho con.
 
Cuộc đời ơi,
Hãy chờ một chút...
 
 
-----------------------
“Ngôn ngữ tôi” dịch từ bản tiếng Pháp “Ma langue” của Christine Zeytounian-Beloüs trong Anthologie de la poésie russe contemporaine 1989-2009 (Bacchanales No. 45 Février 2010 – Edition de la Maison de la poésie Rhône-Alpes, 2010). “Hư danh buổi xế chiều” dịch từ bản tiếng Anh “Twilight of Vanity” của Albert C. Todd trong Twentieth Century Russian Poetry - Silver and Steel - An Anthology, do Yevgeny Yevtushenko tuyển chọn và giới thiệu, 1082 trang (Anchor Books, 1993). “Một bài học vạn vật” dịch từ bản tiếng Anh “A Lesson In Natural History” của Pamela Davidson trong Twentieth-Century Russian Poetry, John Glad và Daniel Weissbort biên tập (University Of Iowa Press, 1992). “Dự liệu” dịch từ bản tiếng Anh “Anticipation” của Carol Rumens và Richard McKane trong The Poetry of Perestroika, do Peter Mortimer và S.J. Litherland biên tập (Iron Press, 1991).
 
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021