thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Không quê hương

 

Khi gặp nhau ở Paris, Chu Ân Lai nói: “Tôi muốn đồng chí gặp một người Việt Nam.” Tôi hỏi lại, để làm gì, bởi tôi vốn không thích những người Việt Nam, trong thâm tâm, tôi vẫn coi họ là một thứ phó sản của dân tộc Trung Hoa. Chu Ân Lai nói: “Đó là một nhân vật mà chúng ta cần.”

Hai ngày sau, chúng tôi gặp nhau trong một quán cà phê nhỏ ở quận 13. Người Việt Nam đó tên Hồ Phục Quốc. Vẻ nhiệt thành của hắn làm giảm khoảng cách về sự kỳ thị của tôi. Trước khi về nước, Chu Ân Lai chỉ thị: “Đồng chí phải hợp nhất được với hắn.”

Quốc sống với một người chú làm thợ chụp ảnh. Đây cũng là người mà tôi liệt vào dạng tâm thần bất định, như Quốc. Những kẻ tự cho mình cái sứ mạng cứu rỗi nhân loại.

Một lần chú của Quốc chụp hình chung cho tôi và Quốc, nói sẽ gửi cho tôi để làm kỷ niệm. Nhưng ông đã không giữ lời hứa. Tình cờ, tôi đã nhìn thấy tấm hình ấy. Hai người nhưng chỉ có một khuôn mặt. Tôi hiểu tại sao ông chú của Quốc đã không gửi hình tặng tôi.

Những người thường đến chơi với Quốc, ngoài tôi còn có Kim Nhật Thành người Triều Tiên, Nelson người Nam Phi và Fidel người Cu Ba. Trong số những người này, tôi chỉ thấy Nelson thoát được cái tự kỷ ám thị thần thánh. Có lẽ vì thế Nelson học Luật, những người còn lại thích văn chương nhưng họ không chọn con đường trường lớp.

Tôi đề nghị với cả nhóm ra một tờ báo, một mặt để tố cáo sự độc ác của chế độ thực dân, mặt khác tranh thủ sự ủng hộ của các trí thức cánh tả Pháp. Chúng tôi được sự giúp đỡ tận tình của Jean-Paul Sartre, một người tôn sùng Staline và đang rất có ảnh hưởng với giới trẻ. Sartre nhận lời biên tập tiếng Pháp cho tờ báo. Quốc đề xuất lấy tên tờ báo là Những Kẻ Khốn Khổ, nhưng Sartre bảo giống bọn phong kiến quá, nên gọi là Cõi Người Ta, vừa thâm sâu vừa hiện sinh hơn. Nhưng người trung thành với Staline đến chết là Fidel lại đề nghị, nên chọn tên tờ báo là Sự Thật. Nelson cười: “Làm gì có sự thật trên đời này.” Cuối cùng, mọi người nhất trí lấy tên tờ báo là Vô Sản, vừa đúng với lý tưởng Marxisme mà chúng tôi theo đuổi, vừa phù hợp với hoàn cảnh đương thời của người dân thuộc địa.

Làm thế nào một người theo chủ nghĩa hiện sinh lại có thể ái mộ những cuộc cách mạng vô sản, như Sartre? Không phải Sartre thích mùi máu. Những ngày làm việc chung với Sartre, tôi khám phá ra con mọt sách này không phải mê Staline hay Mao Trạch Đông, mà hắn tìm thấy sự ngẫu nhĩ tương phùng với Karl Marx trong triết lý về hành động. Nhưng cô gái nhỏ Sagan nói với tôi: “Sartre chỉ là thằng cha muốn chơi nổi.” Về sau này, chúng tôi đã vận dụng triệt để nhận xét của Sagan để lôi kéo trí thức tư bản thế giới vào các phong trào quần chúng ủng hộ kháng chiến chống Mỹ, đồng thời để triệt hạ các trí thức trong nước một cách hoàn hảo.

Khi mới ra được ba số, tờ báo đã gây một tiếng vang lớn. Bọn Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch truy sát tôi. Phòng Nhì Pháp thẩm vấn Hồ Phục Quốc, Kim Nhật Thành, Nelson và Fidel. Tôi chuồn về nước qua ngả Hồng Kông. Tờ báo vẫn tiếp tục xuất hiện. Bọn cực hữu chửi Sartre là “cầm cặc cho chó đái”. Sartre viết bài chửi lại: “Chống Cộng là bọn chó đẻ”.

Mặc dù “cầm cặc” cho Cộng sản đái, nhưng sách của Sartre đã không bao giờ được phép lưu hành trong các chế độ Cộng sản. Thậm chí bất cứ ai đọc sách của Sartre cũng có thể bị bỏ tù. Chủ nghĩa hiện sinh của Sartre bị coi là một thứ nọc độc văn hoá. Mầm mống của phản loạn. Nhưng dẫu sao, giữa cá nhân tôi và Sartre cũng đã có những kỷ niệm đẹp ở Paris. Chúng tôi cùng chia sẻ, trước cái đói, ổ bánh mì có giá trị hơn văn chương, tư tưởng.

Tôi thích những buổi uống rượu khuya có Beauvoir. Đặc biệt thích cách làm tình bạo liệt của Sagan. Người Trung Hoa vốn cầu kỳ trong tình dục. Nhưng chỉ với Sagan, tôi mới có thể bộc lộ dâm tính của mình một cách tự nhiên và say đắm.

Phong trào giải phóng phụ nữ do đảng Cộng sản khởi xướng đã ít nhiều làm cho phụ nữ Trung Hoa thoải mái hơn trong quan hệ nam nữ. Ngày ấy, cùng Chu Ân Lai đón tôi ở Quảng Châu, Tăng Ánh Minh khen tôi “rất cool”. Tôi bất ngờ về cách bày tỏ của Ánh Minh và tôi đã không thể nào không đặt mục tiêu chinh phục cô.

Tờ Vô Sản bị đình bản. Sartre tổ chức làm tờ Nhân Đạo và trở nên nổi tiếng với tiếng nói độc lập và khuynh tả của mình. Hồ Phục Quốc, Kim Nhật Thành, Nelson và Fidel bị trục xuất. Tôi nhắn Quốc về Quảng Châu. Ở đây, đang có một số người làm cách mạng Việt Nam hoạt động. Với sự giúp đỡ của tôi và Chu Ân Lai, đảng Vô Sản Việt Nam được thành lập do Quốc làm Tổng bí thư. Để tránh tai mắt của bọn tình báo Pháp, tên Hồ Phục Quốc bị khai tử. Thay vào đó, Quốc lấy tên tôi. Tuy thế, cũng không thoát, bọn Phòng Nhì Pháp truy lùng ra dấu vết của Quốc. Một năm sau ngày thành lập đảng Vô Sản Việt Nam, cả tôi và Quốc đều bị bọn Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch bắt bỏ tù.

Rảnh, không làm thơ thì làm gì?

Nhớ Ánh Minh, tôi làm thơ tình. Những bài thơ này tôi phải giấu kín trong lòng. Những bài thơ khẩu khí khác, tôi thường đọc cho Quốc nghe. Kể từ đây, cuộc đời tôi và Quốc đã thật sự gắn liền với nhau. Không còn ai phân biệt được, khi nào là tôi, khi nào là Quốc. Cũng như ai là Quốc, ai là tôi. Ngoại trừ một người duy nhất, Tăng Ánh Minh. Có người bảo, tôi đã giết Quốc. Nhưng cũng có người cho rằng Quốc đã giết tôi.

Dẫu sao chúng tôi đã có chung một người đàn bà. Cuộc thoả thuận giữa hai phe Quốc – Cộng trong liên minh chống Nhật, tôi và Quốc được thả sau hai năm ở tù Quảng Châu. Chu Ân Lai có ý kiến, Quốc cần phải lấy vợ. Thay vì một nữ đồng chí Việt Nam, điều này hoàn toàn có thể làm được trong tình hình lúc đó, nhưng Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định Quốc phải thành hôn với một phụ nữ Trung Hoa. Tôi hoàn toàn hiểu được ý đồ này. Tôi cũng tin rằng Quốc hiểu như vậy, nhưng Quốc chấp nhận. Chính vì thế, sau này khi về Việt Nam, Quốc đã bỏ lại Tăng Ánh Minh cho người Trung Hoa.

Ngày cưới Ánh Minh, Chu Ân Lai chuốc rượu nói: “Từ nay, hai dân tộc Trung Hoa và Việt Nam là huynh đệ một nhà”. Quốc cười cười đáp: “Môi hở răng lạnh”. Chu Ân Lai rất hài lòng. Cả Quốc và tôi đều say. Quốc biết tôi cũng yêu Ánh Minh.

Tôi rất thích nghe Ánh Minh hát, nhất là những bài dân ca vùng Thạch Lâm. Giọng của Ánh Minh không sôi nổi như những cô văn công mà êm êm như một lời ru. Tiếng hát của Ánh Minh làm cho tâm hồn tôi bình an. Quốc thì không thích lắm. Quốc bảo “tôi nhớ câu hò ví dặm xứ Nghệ.” Tôi hiểu tâm trạng Quốc. Lưu lạc từ nhỏ, không quê hương, chỉ những câu hò ví dặm mới làm Quốc bâng khuâng.

Tôi không biết Quốc có thật sự yêu Ánh Minh không. Và Ánh Minh có yêu Quốc không hay Ánh Minh chỉ làm nhiệm vụ cách mạng giao như chính Ánh Minh bày tỏ với tôi. Đó cũng là lý do tôi không thể làm tình với Ánh Minh như đã làm với Sagan. Dù sao, tôi cũng phải thừa nhận, Ánh Minh rất tận tuỵ. Tôi cảm thấy Quốc cũng hạnh phúc như tôi. Và chúng tôi không phải bận tâm việc giải quyết sinh lý như thời sống ở Paris.

Thời gian này, tôi có dịp gặp cả Nhất Linh và Nguyễn Hải Thần lưu vong ở đây. Nhưng người quốc gia ấn tượng với tôi nhất là Lý Đông A. Ông ta tỏ ra là người có tư tưởng chính trị rõ rệt và tôi biết đây mới là đối thủ của mình. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra ngay người thắng cuộc sẽ là tôi, bởi vì Lý Đông A quá lý thuyết.

Thế chiến thứ hai bùng nổ. Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức được thời cơ đã đến. Tôi được lệnh theo Quốc sang Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của đảng Vô Sản.

Đêm chia tay Ánh Minh, ba chúng tôi nằm chung với nhau và không ai ngủ. Cách mạng là không khóc. Tôi đã không nhìn thấy Ánh Minh từ đêm ấy.

Sau này, tôi nghe nói Ánh Minh có sinh một đứa con trai. Nhưng tôi đã không có dịp nhận con. Quốc cũng không bao giờ nhận mình có vợ. Dẫu rằng, chúng tôi không chỉ có một người đàn bà.

Một cô gái người Choang dẫn chúng tôi đột nhập Việt Nam và đưa đến một cái hang rất đẹp. Quốc tỏ ra lập trường khi đặt tên cho cái hang là Hang Marx và dòng suối gần đó là Suối Staline. Tôi đùa bảo, lẽ ra nên đặt tên cái hang là Hang Phình, tên của cô gái Choang, và tên suối là Suối Ánh Minh. Nhưng Quốc bảo, lịch sử sẽ ghi chép điều ấy.

Hằng ngày, Phình mang cơm cho chúng tôi. Phình leo núi nhiều nên mông to. Một vẻ đẹp hoang dã, mạnh khoẻ. Tôi hiếp Phình một trưa vắng. Cả thế giới im lặng. Phình cũng im lặng chấp nhận như dâng hiến cho cách mạng. Những ngày sau đó, Phình chủ động tìm tôi. Cô nói, tôi đã mang đến cho cô những cảm giác chưa từng biết.

Thật ra, tôi cũng là người mơ mộng. Tôi nghĩ đến ngày chiến thắng. Tôi nghĩ đến vinh quang của Staline. Tôi nghĩ đến sự bất tử trong lịch sử. Tôi nghĩ đến các vua chúa phong kiến. Và tôi tự hỏi điều gì khiến con người được tôn thờ, và sức mạnh của sự thần bái là gì? Các tôn giáo đã thành công và một tên dở hơi như Hitler cũng đã khuấy đảo cả thế giới.

Tôi bắt đầu viết sách. Tự truyện đầu tiên có nhan đề “Hành trạng cách mạng của tôi”. Xây dựng một tôi mẫu mực và thanh bạch. Dấn thân và hy sinh. Cuốn thứ hai là một tác phẩm thật sự tuyên truyền, ca tụng tài năng và phong cách làm việc theo tinh thần mới của tôi, mang tên “Dưới ánh sáng Người”, nhưng được ký bằng tên một tác giả khác. Sau đó, tôi cho phát động trong toàn đảng phong trào chiến đấu học tập theo gương tôi dựa trên nền tảng hai cuốn sách đó và tập thơ tôi làm trong tù. Chỉ trong vòng một năm, tôi đã trở thành một người khác. Hoàn hảo và đáng được tôn thờ. Điều quan trọng nhất là chính tôi cũng cảm thấy như thế.

Cùng lúc, tôi cho thành lập Đội Thanh niên Cận Vệ. Tuy mục đích gọi là bảo vệ an ninh cho tôi và các đồng chí lãnh đạo trung ương, nhưng nó còn có một nhiệm vụ quan trọng hơn là thanh toán các đối thủ chính trị. Với các lãnh tụ đệ tứ Cộng sản, tôi ra lệnh thủ tiêu hết. Còn các tên đầu sỏ của các đảng phái quốc gia, tôi mượn tay người Pháp để trừng trị bằng cách chỉ điểm cho Phòng Nhì của bọn thực dân bắt. Sau này, Mao Trạch Đông cũng lấy cảm hứng từ Đội Thanh niên Cận vệ của tôi để dựng nên bọn Hồng Vệ binh trong cuộc cách mạng văn hoá long trời lở đất.

Jean-Paul Sartre viết thư cho tôi, ca ngợi biểu tượng một anh hùng cách mạng của thế giới thứ ba vốn là bạn ông. Cho đến lúc chết, tôi vẫn nhớ lời của Sartre: “Lương tri của nhân loại chính là ông.” Sartre đã lẫn lộn lương tri của một người làm chính trị với lương tri của một triết gia không có lập trường giai cấp. Chính vì thế, cũng Sartre, đã tổ chức những chuyến tàu cứu người Việt Nam bỏ trốn tổ quốc trên Biển Đông sau khi thống nhất đất nước.

Tôi rất vui vì những người bạn cũ của mình đều thành công rực rỡ. Kim Nhật Thành trở thành nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử của người Triều Tiên, được nhân dân tung hô vạn tuế khi sống và đến lúc chết, cả nước khóc thương, mặc dù, nói cho công bằng Kim Nhật Thành và hậu duệ của ông đã để nhân dân của mình sống khổ như chó. Fidel cũng không hề thua kém, to mồm nhất thế giới, nhưng đời sống thần dân của vị thánh sống này so với các lân bang tụt hậu hàng thế kỷ. Chỉ tiếc cho Nelson, ông ta từ bỏ quyền lực quá sớm. Nelson đã không làm được điều kỳ vĩ như chúng tôi đã làm, biến sự bất hạnh thành ưu việt và làm thay đổi lương tri con người. Chỉ có một phẩm chất duy nhất được quyền tồn tại và tôn vinh trên đỉnh cao trí tuệ là trung thành và phó thác tuyệt đối cho người dẫn dắt mình.

Tôi viết thư trả lời Sartre: “Xét cho cùng, hiện sinh có phải là một ý thức sống có trách nhiệm với chính mình? Sống cái ‘đang là’ như một hàm ngụ vĩnh cửu.”

Sartre không bàn về điều này nữa. Có lẽ, đến lúc Sartre hiểu, triết gia như Marx, Nietzsche hay Khổng Tử cũng chỉ để cầm cặc cho chó đái.

Về Hà Nội sống giữa quận Ba Đình, một khu phố đẹp nhất, tôi cũng chẳng vui gì. Giống như một cây kiểng, một hòn giả sơn, tôi đã là một xác ướp ngay khi còn sống, làm bung xung cho đám âm binh lộng hành. Có người hỏi tôi, sao không về quê? Xứ Nghệ có phải là quê tôi không? Có lẽ lịch sử sẽ không bao giờ ghi chép điều này: Trước giờ về với Lénine, tôi thật sự thèm khát: “Mong nghe ai hát một bài ca Trung Quốc.”[*]

 

17.9.2008

 

 

----------------
[*] “Những tháng cuối cùng của năm 1969, túc trực bên giường bệnh của ông Hồ là đoàn bác sĩ Trung Quốc, cùng bác sĩ Việt Nam.
 
Theo sách của Hoàng Tranh, một buổi chiều cuối tháng Tám, khi tỉnh lại, Hồ Chí Minh nói với các bác sĩ Trung Quốc: “Mong nghe ai hát một bài ca Trung Quốc.” Một y tá của bệnh viện Bắc Kinh hát, Hồ Chủ tịch nghe xong, mỉm cười, và “đấy là nụ cười chót” của ông trước khi hôn mê mãi cho đến lúc qua đời”.
 
 

 

-----------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021