thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đi & Ðến

Người ta thường nói: Người già sống trong quá khứ. Hôm nọ tôi ngồi lẩn thẩn nhận thấy rằng câu nói ấy không đúng với mình. Già?! Tôi năm nay đã trên 65, tuổi hưu chính thức ở Mỹ quốc. Tiếng Anh/Mỹ gọi những người lứa tuổi 65 trở lên là elderlies. Già rồi chứ gì nữa. Nhưng “sống trong quá khứ”, mình có sống trong quá khứ không? Trả lời thành thật là không.

Thỉnh thoảng nhận được những tập san, loại “Viếng Mái Trường Xưa” hay “Những Ngày Phượng Đỏ”, tôi chỉ liếc qua lấy lệ, không đủ thích thú và kiên nhẫn ngồi ngắm nghía những “hình bóng cũ”... Đọc hay nghe những câu như “tìm lại tuổi thơ...”, “thuở tâm hồn như tờ giấy trắng...”, tôi chán ngấy. Khác với nhiều người cùng lứa tuổi, tôi không đắm mình trong quá khứ, và nhất là không suy xét, phán đoán hiện tại qua những lăng kính đã gìn giữ kỹ lưỡng một thời. Tôi chỉ nghiền ngẫm lại chuyện xưa khi chúng có liên quan mật thiết với những gì xảy ra trong hiện tại.

Tóm lại, già thì có già. Nhưng sống trong quá khứ thì không.

Không sống trong quá khứ nhưng tôi trân trọng quá khứ: có mình ngày nay bởi vì có mình ngày trước.

Có người quẹt sơn dầu lên mặt bố ngày nay bởi vì có đứa bé ngày xưa, thay vì lắng nghe thầy (cô) giảng bài trong lớp học, lại lén lút vẽ những “Bồng lai Hiệp khách”, những “Hỏa thiêu Hồng Liên Tự” để đến giờ chơi đem phân phát cho bạn bè. Có người viết lách lai rai ngày nay bởi vì có cậu thiếu niên ngày trước, đêm đêm chong đèn (dầu) “học khuya” nhưng lòng thì cầu mong cha mẹ đi ngủ để lôi giấy bút ra âm thầm “viết truyện”. Đêm đêm, đứa học trò thay hình đổi dạng, khoác lên mình chiếc áo “tiểu thuyết gia”!!!

Tôi đến Âu châu thuở một gia đình Pháp trung lưu chưa có TV, tủ lạnh, nhà không có ga-ra và xe hơi riêng; cái máy điện thoại còn là vật hiếm hoi. Đó cũng là thời văn học Pháp có Sartre, Camus, có Maurois, Mauriac, có Bernanos, Claudel. Cũng trong thời gian ấy xuất hiện những tài năng xuất chúng như Ionesco, Beckett, Genet. Picasso, ông “thần vẽ” vĩ đại, còn ở tuổi 70. Matisse, Chagall còn cầm bút mỗi ngày. Đời sống văn học nghệ thuật tưng bừng! Đứa bé ngày xưa, chiều đi học về bụng đói bứt trái khế chấm muối ớt nay được ngồi vào bàn tiệc ê hề cao lương mỹ vị. Bội thực! Bội thực!

Sang tới Mỹ quốc, tôi đã gần đến tuổi... “tam thập nhi lập”. Thập niên của thế hệ “Beat”: Kerouac, Ginsberg, Burroughs... Những nhà văn da đen như Baldwin, Wright, Ellison, và nhất là sự hiện diện thường trực của “người hiền” thế kỷ 19, Thoreau, đã cho anh thanh niên Việt nam tự cao, đầy thành kiến, những cái nhìn rộng rãi hơn về thực trạng vô cùng đa dạng, vô cùng phong phú, vô cùng phức tạp của xã hội Hiệp-chủng-quốc. Trường phái Biểu tượng New York chẳng hạn cho thấy cái vẽ của các phong trào hậu chiến ở Paris là cái vẽ...phấn son, cái vẽ cung phụng giới trưởng giả. Những người như de Kooning (gốc Hòa lan), Rothko (gốc Do thái Nga) cho thấy rằng họ đã tìm được lối thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của truyền thống Phục hưng. Những lối thoát hoàn toàn khác biệt đường đi của van Gogh, Gauguin trước kia. Họ đã mở được những cánh cửa nhìn về phương Đông. Phương Đông?! “Phương Đông” nào?

Thì ra mình đã đi, thật xa, và bây giờ có thể “trở về”. Cố nhiên không trở về với khuôn khổ và hình thức của truyền thống, dù là thứ truyền thống chân chính có giá trị tự thân. Mà trở về với một phong thái. Không thể gắn lên phong thái ấy một nhãn hiệu có tính lịch sử và giai đoạn. Đó là, nói ngắn gọn, phong thái của nét bút “white writing” của Tobey[1] thuộc nhóm nghệ sĩ mệnh danh là “trường phái Tây Bắc” (của Hoa kỳ). “Đi”, thì đi, còn “đến”, tùy thuộc ở “cách đi”. Đó cũng là phong thái của thiền họa, của nghệ thuật thư pháp. Sự hoàn chỉnh của một tác phẩm hình sắc không nằm ở kiến trúc cục bộ của từng thành phần (như hội họa Pháp đương thời, thường được gọi là “trường phái Paris”). Nó bàng bạc khắp phong thái biểu hiện của toàn tổng thể.

*

Rồi mới đây, mấy chục năm sau, được ông bạn đàn anh Võ Phiến gửi cho cuốn “Tuyển Tập”[2] Bìa sau có bài thơ ngắn, chỉ bốn câu, đọc mà ngậm ngùi:

Mải miết ra đi, đâu tính đến.
Đến nơi nào?
Bảy tám mươi năm, rồi cũng đến
Đến rồi sao!

Không tính đến mà rồi cũng đến. Đến nơi nào? Không biết. Cũng chẳng biết “đến rồi sao”. Mấy lời ngắn ngủi có cái giọng bất cần mà lại như...ngơ ngác. Ngày xưa, “mải miết ra đi”. Mải miết là cắm đầu cắm cổ, chẳng để ý đến gì khác ngoài chuyện đang làm. Và chuyện đang làm là “đi”.

Tôi ngờ rằng ông bạn này, thời niên thiếu, không được huấn luyện trong tinh thần “hướng tới đích” (goal-oriented). Nếu được huấn luyện thì ông biết rằng đã đi thì phải biết đi đâu, đi thì phải đến, đến thì phải biết đến nơi nào. Đến rồi thì phải biết làm gì sau đó. Sao mà ngơ ngác thế? Một bạn trẻ gốc Việt, sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ quốc, hấp thụ nền giáo dục thực dụng, tích cực, làm bất cứ gì cũng “hướng tới đích”, cũng lăm lăm nhắm thẳng mục tiêu, thế nào bạn trẻ ấy cũng hỏi vậy. Và tôi ngờ rằng ông Võ Phiến được hỏi sẽ...ngớ ra. Giả thử có người hỏi tôi một câu tương tự, tôi cũng...ngớ ra luôn. Bởi vì chính bản thân tôi, tuy bước chân đến Mỹ quốc ở cái tuổi đầy ắp hy vọng và tin tưởng, luôn luôn sẵn sàng tìm tòi học hỏi, cũng chưa bao giờ cắm cúi làm quen với tinh thần ấy.

Trước kia, ở Paris, tôi không thấy người Pháp “hướng tới đích” một cách mạnh mẽ tích cực như thấy người Mỹ ở Mỹ quốc. Nước Mỹ giàu mạnh, tự do; người Mỹ nói chung, tôi muốn nói những người sinh trưởng hoặc đã định cư lâu năm ở đất nước này, có công tâm, sòng phẳng. Ở Mỹ, tôi được thấy lắm cái hay. Ấy vậy mà tôi vẫn cứ xa lạ với tinh thần “hướng tới đích” của họ. Đến nay, sém “thất thập cổ...v.v.” tôi vẫn không biết chắc đó là một thiệt thòi hay là một...may mắn.

Võ Phiến viết: “Mải miết ra đi, đâu tính đến/Đến nơi nào?” Ra đi, không chờ đợi “đến”, cũng không quan tâm về nơi đến. Vậy mà: “Bảy tám mươi năm, rồi cũng đến/Đến rồi sao!” Tôi thích nhất chữ “tính” ở câu 1 và chữ “cũng” ở câu 3. Đi, không tính, không chủ tâm đến, thế mà loay hoay bảy tám mươi năm rồi cũng đến. Đến như một chẳng đặng đừng.

Đến nơi nào, không biết, nhưng nhất định nơi ấy không phải là quá khứ. Chẳng lẽ “mải miết” đi, đi hoài đi mãi chỉ để quay lại nơi mình đã ra đi. Không, nơi ấy không phải là quá khứ. Một kẻ “mải miết ra đi” “rồi cũng đến” không phải là kẻ đi chỉ để quay về quá khứ mặc dù tiếng gọi của quá khứ khó cưỡng lại được.

Bây giờ đây, chỉ cần nói rằng tuổi thơ, tuổi xanh, tuổi hoa, tuổi trẻ không “đẹp” như lắm người vọng tưởng (và tiếc thương) Đó chỉ là bước khởi hành của một chuyến đi. Chuyến đi có thể gian truân, vất vả trăm bề khiến cho lòng người cứ nhớ về những ngày xưa cũ đầy nhiệt tâm và hứa hẹn.

“Bảy tám mươi năm, rồi cũng đến”. Thật ư? Thường thì có vậy nhưng lắm khi bảy tám mươi năm rồi vẫn chưa “đến”. Và vì chưa “đến” cho nên khỏi phải để tâm tới chuyện “đến rồi sao!”

*

Có chuyện này khá thú vị. Với tất cả cái triết lý thực dụng bàng bạc khắp cuộc sống ở Mỹ quốc, kho tàng thành ngữ, tục ngữ Anh/Mỹ lại có một câu xem như hoàn toàn đối nghịch với tinh thần “hướng tới đích/goal-oriented” của họ. Một thành ngữ nhiều người biết nhưng ít được thấy đem ra ứng dụng trong cuộc sống. Đó là: “Chuyến đi mới đáng kể, sá gì nơi đến”.[3]

Biết đâu khi ông Võ Phiến viết “Bảy tám mươi năm, rồi cũng đến” ý ông muốn nói “đến” là “đến cái Chết”. Nếu quả vậy thì ông khỏi phải phân vân chuyện “Đến rồi sao!” Ông bà ta có nói: “Sống (chỉ là) Gửi, Thác (mới là) Về". Về đâu? Tùy.

Võ Đình

2001

_________________________

[1]Mark Tobey (1890- 1976), họa sĩ trừu tượng Hoa kỳ, sinh ở Centerville, Wisconsin. Thập niên 30, ông qua viếng Á châu mấy lần: luyện thư pháp ở Trung quốc, hội họa ở Nhật bản, trong một thiền viện. Về lại Mỹ, ông trú ngụ hai nơi chính là New York City và Seattle, Washington. Sử dụng giấy thay vì vải, sơn nước thay vì sơn dầu. Có thể nói Mark Tobey là nghệ sĩ Tây phương đầu tiên biết khai thác nghệ thuật và tinh thần thư pháp cổ. Ảnh hưởng nhiều trên các nghệ sĩ đến sau như Morris Graves, Ad Reinhardt...

[2]Tuyển Tập Võ Phiến, Văn Mới, 2001 (1127 W. Gardena Blvd, Gardena, CA 90247 USA Tel: (310) 366-6867)

[3]It’s the journey that counts, not the destination.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021