|
Nụ cười
|
|
NỤ CƯỜI
Hôm nay là ngày đầu tiên Mustafa đến phòng khám ngoại trú để được nhận hoá trị cho bệnh ung thư của ông. Bên cạnh phòng của bác sĩ chuyên khoa là một căn phòng dài có hai dãy ghế đặt đối diện nhau, mỗi bên có sáu ghế. Ghế dành cho bệnh nhân có bọc nệm, trên chỗ tựa tay có phần để gắn một mặt bàn, phần để tựa lưng và phần để gác chân có thể điều chỉnh cho hạ xuống thấp hoặc nâng lên cao. Đây là loại ghế ngồi rất thoải mái và tiện nghi cho bệnh nhân. Ông chọn một chiếc ghế trống dựa vào bức tường bên trái ở cuối phòng; vợ ông mang một chiếc ghế nhỏ trong phòng ăn đến ngồi cạnh ông. Một người y tá đến hỏi tên và tuổi của Mustafa, đo huyết áp, nhiệt độ và lượng oxy trong người ông, rồi ghi chép vào sổ. Ông được cho uống hai viên thuốc Panadol và một viên Zyrtex .Ông ngồi chờ một chút thì cô y tá trưởng đến giải thích chuyện gì sẽ xảy ra và cô bắt đầu bố trí mọi dụng cụ và thuốc để truyền cho ông. Sau khi cô y tá trưởng làm xong mọi bước để bắt đầu cho việc truyền thuốc, ông ngả người nằm nghiêng xuống ghế, nhắm mắt, lòng buồn rười rượi. Liệu thuốc này có giúp gì được cho ông? Bác sĩ đã nói thuốc sẽ không làm rụng tóc nhưng có thể sẽ gây những phản ứng phụ như chóng mặt, buồn nôn, ớn lạnh, đau đầu, tiêu chảy, đau bao tử, đau các cơ bắp và đau lưng. Ông tự hỏi: thuốc sẽ làm cho mình mệt, phải nghỉ bệnh ở nhà, hay mình vẫn có thể đi làm? Ông không hề báo cho ai ở công ty biết ông bị ung thư, ông sợ ảnh hưởng đến công việc của mình, hôm nay ông chỉ báo nghỉ bệnh vì nhức đầu mà thôi. Bao lâu nữa ông sẽ hết bệnh hoặc ... Ơng không muốn nghĩ đến chuyện ‘đó’, ông mở choàng đôi mắt nhìn qua vợ ông. Bà lặng lẽ ngồi cạnh ông, thấy ông mở mắt ra nhìn, bà đứng dậy, nhấc chiếc ghế bà đang ngồi đặt xuống gần chân ông. Ngồi xuống ghế, bà cởi giầy và vớ của ông rồi bắt đầu nắn bóp và xoa hai lòng bàn chân của ông. Cô y tá phụ đến hỏi từng bệnh nhân xem ai muốn uống cà-phê hoặc trà như thế nào thì cô ấy sẽ pha và mang đến. Ông nói cám ơn nhưng không uống. Ông đảo mắt nhìn quanh căn phòng: mỗi người đang truyền một loại thuốc gì đó màu nâu hoặc trong veo, hoặc truyền máu hay truyền huyết thanh. Có người đọc báo, có người ngủ gục, có người thầm thì trao đổi gì đó với người ngồi bên cạnh, nét mặt mọi người buồn và mệt, chỉ có người phụ nữ ngồi đối diện với ông, nét mặt tươi tỉnh, vừa uống trà vừa ăn hạt hạnh nhân, mắt dán chặt vào chiếc điện thoại di động, có lẽ cô ấy đang đọc gì đó vui lắm. Cô ấy chẳng có dấu hiệu gì là một người bệnh. Hầu hết những bệnh nhân trong phòng này tuổi đã cao, so với họ thì ông trẻ hơn, nhưng người phụ nữ ngồi đối diện ông là trẻ nhất. Rồi ông lại nhắm mắt, tiếp tục suy nghĩ và lo lắng những chuyện trước mắt cho gia đình ông. Ông muốn ngủ một chút cho khoẻ nhưng không được. Từ khi căn bệnh bộc phát đến nay, ông không còn ăn ngon và ngủ ngon như trước nữa, ông gầy xuống vài ký. Vợ ông vẫn còn xoa bóp chân cho ông. Ông cảm thấy dễ chịu, nhưng ông bảo bà ngưng tay vì sợ bà mệt. Đến giờ ăn trưa, có một số người đã truyền xong thuốc, ra về, và có một số người mới đến. Bác sĩ chuyên khoa đang hỏi han các bệnh nhân. Sau khi ra hiệu cho y tá đổi chỗ ngồi của ông qua bên cạnh người phụ nữ trẻ tuổi, bác sĩ đến hỏi thăm ông và căn dặn ông những điều phải làm cho lần truyền thuốc kế tiếp. Rồi bác sĩ trao đổi với người phụ nữ ngồi cạnh ông. Trước khi bước qua thăm hỏi bệnh nhân ngồi dãy ghế đối diện, bác sĩ quay lại nhìn ông và cô nàng kia rồi cười và nói: “Hai người giống nhau. Hãy trao đổi với nhau’.” Vợ chồng ông cùng nhìn về hướng người phụ nữ ngồi bên cạnh và họ chào nhau. Ông rụt rè hỏi thăm thì biết đúng là cô ấy có cùng bệnh và đang truyền cùng loại thuốc như ông, nhưng cô ấy đã truyền thuốc này trước ông hai kỳ. Và ông cũng biết thêm là cô ấy bắt đầu bị bệnh trước ông nhiều năm. Cô ấy đã được truyền nhiều loại thuốc khác nhau, có những loại thuốc làm cho cô ấy bị rụng tóc và rất mệt, cô ấy không thể ngủ được, miệng chẳng còn vị giác, cơ thể đau nhức. Mỗi đợt truyền thuốc có sáu lần, mỗi lần cách nhau ba tuần. Sau mỗi đợt truyền thuốc, những cục bướu biến mất nhưng vài tháng sau, chúng lại xuất hiện, ung thư không dứt hẳn mà quay trở lại nên cô ấy lại phải truyền thuốc khác. Với loại thuốc mà cô ấy và ông được truyền hôm nay thì cô ấy không bị nhiều phản ứng phụ, cô ấy có thể đi làm lại vào ngày hôm sau hoặc nếu cần thì nghỉ thêm một ngày cho khoẻ rồi đi làm như thường lệ. Ông cảm thấy yên tâm đôi chút. Mustafa hỏi cô ấy làm thế nào mà cho đến bây giờ cô ấy vẫn có thể giữ được vẻ hồng hào và tươi tỉnh như người không bị ung thư. Cô ấy không trả lời ngay câu hỏi của ông mà hỏi ông về cuộc sống của ông hiện tại. Ông thành thật vắn tắt kể cho cô ấy nghe cuộc sống của ông. Khi ông còn độc thân, từ Lebanon ông di cư đến Úc. Sau khi học một khoá tiếng Anh, ông xin được việc làm ở một công ty sản xuất sữa, ông làm việc từ đó đến nay đã hơn ba mươi năm. Ông mua nhà, có vợ, hai con trai, đứa lớn mười lăm tuổi, đứa nhỏ mười hai tuổi, vợ ông ở nhà chăm sóc nhà cửa và nuôi nấng con, bà ấy không biết lái xe và chưa từng đi làm. Ông ngừng ở đó và hỏi lại người phụ nữ ngồi bên cạnh câu hỏi mà ông thắc mắc ban đầu, nhưng cô ấy cười và nói: “Ông cứ kể tiếp chuyện của ông, rồi tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông.” Rồi cô ấy hỏi tiếp về chuyện sức khoẻ của ông hiện tại, hỏi ông ăn ngủ thế nào và có còn đi làm không. Thế là vợ của ông liền tiếp lời ông. Bà kể lể rằng hơn sáu tháng nay, từ khi phát hiện ra bị ung thư, ông rất ít nói, ít ăn và khó ngủ. Đi làm về, ông thường ngồi thừ ra suy nghĩ, ban đêm thì trăn trở, người mệt mỏi và xuống ký. Nhà bà trở nên im lặng, không khí nặng trĩu, tụi nhỏ đi học về cũng không dám đùa giỡn như trước nữa, bước đi rón rén sợ gây ra tiếng động làm ba chúng nó mệt hơn. Bà hỏi chuyện thì ông chỉ trả lời vắn tắt. Bà cố gắng nấu thức ăn ngon nhưng ông ăn không còn thấy ngon nữa. Bà bảo rằng khi nhìn thấy cô ăn ngon lành lúc giữa buổi sáng và buổi trưa, bà ao ước chồng bà được như vậy. Bà mong cho cô chỉ cách nào giúp cho chồng bà được như cô. Quay sang Mustafa, cô ấy hỏi: “Tại sao ông buồn, không ăn và không nói chuyện với vợ con vậy?” “Làm sao tôi có thể vui được chứ? Còn cô, tại sao cô có thể vui?” Mustafa hỏi. “Đơn giản thôi, tôi vui vì ba lý do.” Nhìn thẳng vào mắt ông, cô trả lời. “Lý do thứ nhất, tôi vui vì tôi bệnh mà được chữa trị bằng những loại thuốc mới nhất, bằng những phương pháp hiện đại nhất. Tôi là người Việt Nam di cư đến Úc. Giờ này, nếu như ông vẫn còn ở Lebanon, và tôi vẫn còn ở Việt Nam thì chúng ta có được chữa trị như thế này không?” Ánh mắt của Mustafa nhìn chăm chú hơn vào người phụ nữ, nét mặt của ông như bớt đi một chút mệt mỏi. Cô ấy nói tiếp: “Lý do thứ hai, tôi vui vì tôi bệnh mà vẫn còn có thể đi làm. Cũng như ông, tôi làm việc toàn thời, tôi chỉ xin phép nghỉ việc vào những ngày tôi cần đến phòng khám ngoại trú hoặc đến bệnh viện để truyền thuốc mà thôi. Còn đi làm, là còn có thể lo được cho gia đình và các con, là còn góp phần thuế của mình vào lo cho xã hội. Tôi vui vì không cảm thấy mình bị thừa thãi, không là gánh nặng của gia đình và xã hội.” Mustafa xoay hẳn về phía người phụ nữ, mắt ông mở to hơn một chút, ông hỏi: “Còn lý do thứ ba?” “Lý do thứ ba để tôi vui và là lý do quan trọng nhất, đó là tôi nghĩ rằng tôi là người may mắn.” Cô trả lời. “Cô nói sao? Tại sao lại là may mắn?” Mustafa hỏi. “Để có được hai lý do kia và có được cuộc sống như hiện nay, tôi cho rằng tôi là người may mắn, tôi rất biết ơn cuộc đời này. Từ khi biết bị ung thư, tôi bắt đầu một cuộc sống có ý nghĩa hơn, hàng ngày tôi dành trọn thời gian để sống cho bản thân tôi và những người thân. Tôi bỏ hẳn thói quen lo lắng và ưu phiền, chỉ tập trung tâm trí và sức lực vào những điều bổ ích và vui vẻ. Ông nên nhớ rằng, khi bị ung thư, bác sĩ sẽ nói cho ông biết thời gian còn lại của ông là bao nhiêu, có thể là một tuần, một tháng, một năm, hai năm... Ít nhất ông cũng có thời gian để dặn dò hay khuyên bảo những điều quan trọng và cần thiết cho vợ, con và những người thân quen của ông. Ông cũng nên thực hiện ngay những gì ông muốn làm. Ông nên dành thời gian để yêu thương vợ con, cha mẹ, anh em, bạn bè, ông nên sống trọn vẹn với họ từng ngày cho đến lúc ông ra đi. Chẳng biết mình còn sống bao lâu nữa trên đời này, tại sao ông không để thời gian thực hiện ngay những ước mơ của ông? Chẳng biết mình còn sống bao lâu nữa với vợ con, tại sao ông không vui với họ mà lại làm cho họ lo lắng và buồn như thế? Ông nghĩ xem, một người khoẻ mạnh lái xe trên đường bất ngờ bị tai nạn chết đi, họ có thời gian để làm được những điều như ông và tôi bây giờ không?” Cô ấy nói. Ánh mắt của Mustafa sáng lên, ông mỉm cười, đưa tay sang nắm lấy tay người phụ nữ ngồi cạnh mình, còn vợ ông thì đứng dậy, ôm chầm lấy cô. “Ông ơi, nhớ những điều cô ấy nói nhé. Ông vui với vợ con nhé.” bà ấy vừa nói vừa nhìn sang người chồng. “Cô nhìn kìa, nụ cười của ông ấy thật đẹp phải không?” Bà vừa cười tươi tắn vừa nhìn người phụ nữ. “Làm sao mà cô nghĩ ra những điều này? Chỉ đơn giản vậy mà tôi không nghĩ ra. Khi nghe đến chữ ‘ung thư’ là tôi liên tưởng đến cái chết, điều đó làm cho tôi hoảng sợ. Tôi sợ chết đi, bỏ lại con nhỏ dại, và vợ tôi thì chỉ biết loanh quanh trong nhà. Tôi cứ quanh quẩn lo âu những điều đó mà không tìm được giải pháp. Nỗi buồn đã làm cho đầu óc của tôi mụ mẫm. Vâng, như cô nói, tôi là người may mắn, tôi may mắn hơn bao nhiêu con người còn đang sống tại đất nước tôi, tôi may mắn có được cuộc sống như hiện tại. Cô biết không, khi còn nhỏ tôi có khiếu vẽ, tranh tôi vẽ được nhiều bạn bè khen. Từ khi sang Úc sống, tôi lo đi làm kiếm tiền để giúp đỡ ba mẹ và anh em tôi còn sống ở Lebanon, rồi tôi lập gia đình, tôi không còn thời gian để vẽ nữa. Tôi luôn mơ ước có thời gian để vẽ. Tôi sẽ vẽ.” Mustafa nói. “Ông đừng nên để vợ con ông lệ thuộc nhiều vào ông, mà từ nay ông giúp họ tập sống tự lập, đó là giải pháp để ông cảm thấy khuây khoả. Không chỉ tìm những lý do để tạo niềm vui cho mình, mà ông còn phải tập thể dục hàng ngày và ăn uống cho đầy đủ sức khoẻ. Thuốc hoá trị truyền vào người sẽ làm vị giác của ông không còn như trước, nhưng cứ ăn để sống, lựa chọn những thức ăn dễ tiêu hoá và thuộc nhóm không bị oxy hoá, và nhất là phải nhớ uống nước thật nhiều. Đó là những gì tôi đã làm để được như ngày hôm nay.” Rồi cô nói: “Tôi có nhớ một câu nói hay của ai đó mà tôi muốn tặng cho ông: ‘Nobody can take away your pain ... so don’t let anyone take away your happiness.’”[*] Bà vợ của Mustafa nói: “Ba tuần nữa, khi chúng ta quay lại đây để chồng tôi truyền thuốc, cô nhớ giữ chiếc ghế bên cạnh cô cho chồng tôi nhé. Chúng tôi muốn ngồi bên cạnh cô. Cám ơn cô, ngày hôm nay cô đã mang đến cho chồng tôi một nụ cười.”
10/2015
________________
[*]
“Không ai có thể xoa dịu nỗi đau của bạn ... vậy nên đừng để bất cứ ai lấy đi niềm hạnh phúc của bạn.”
----------------
Bấm vào đây để đọc những tác phẩm của Hoàng Ngọc Trâm đã đăng trên Tiền Vệ
|