|
Những ngày Ấn Độ [IV]
|
|
Đã đăng: Những ngày Ấn Độ [I] - [II] -[III]
Những nhà leo núi chuyên nghiệp sau mỗi lần chinh phục được một ngọn núi cao đều muốn trèo lên ngọn núi khác cao hơn. Cứ thế, cái ý định chinh phục ấy luôn luôn sôi sục trong lòng họ, và giấc mơ cuối cùng là đặt chân lên đỉnh cao nhất thế giới. Đã là giấc mơ, có mấy ai thực hiện nổi. Số người chinh phục đỉnh Everest cao nhất hành tinh trước kia không có là bao, nay nhờ khoa học kỹ thuật tân tiến con số ấy lên đến gần 1000 người trong đó có hơn 150 người thiệt mạng. Tôi không phải là nhà leo núi nhưng thích núi. Thì phải làm gì? Thì đành phải nhìn núi qua tranh ảnh, phim ảnh, và cũng mơ ước có một ngày nào đó mình được nhìn tận mắt cái mà người khác đã đến tận nơi. Ngày ấy có lẽ đã đến với tôi nếu đó là một ngày trời trong, nắng tốt. Sau khi thăm thánh địa Lâm Tì Ni (Lumbini) nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, thuộc nước Nepal, chúng tôi đến phi trường Bhairahawa để bay qua Kathmandu, thủ đô của Nepal. Qua đó để biết thêm đôi chút về một nước láng giềng của Ấn Độ chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ khá sâu đậm, và nhất là để nhìn thấy ngọn Everest vươn cao mình trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Phi trường Bhairahawa cách vườn Lâm Tì Ni 26 km còn có tên Gautam Buddha Airport (Phi trường Phật Cồ Đàm) là một phi trường nhỏ, với khoảng năm sáu chiếc phi cơ hai cánh quạt đậu kế nhau ở một góc sân. Chúng tôi trình vé máy bay hãng Buddha Air trên đó có dòng chữ The best air service in Nepal. Lại dùng danh hiệu Đức Phật để quảng cáo! Thủ tục hành chánh đơn giản, hành lý được khám xét nhanh chóng bằng tay, nhân viên phục vụ nhã nhặn. Vừa bước chân ra khỏi nhà ga phi cảng để lên máy bay, chúng tôi cảm thấy ngay cái lạnh của xứ sở núi non này dù lúc ấy đã cuối mùa xuân. Chiếc máy bay nhỏ hai cánh quạt với trên 10 hành khách bay lừng lững trên không, tiếng động cơ vang dội vào lòng phi cơ, qua những rặng núi cao tuyết phủ, những khu rừng cây cối um tùm, thỉnh thoảng nhìn xuống chúng tôi thấy ngoằn ngoèo những khúc suối, khúc sông trông xa nhỏ như sợi dây thừng. Đấy là nguồn của những con sông lớn chảy qua những đồng bằng mênh mông dưới kia. Lạ nhất là những ngôi nhà, hay đúng hơn, những cái chòi trông nhỏ li ti, nép mình vào những sườn núi cheo leo, cô quạnh. Những túp lều của thợ săn, hoặc những nhà hoang chăng? Nếu có người ở thì họ sống với ai, bằng cách nào. Điện, nước, lương thực làm sao mang lên đó được? Đến Kathmandu sau một giờ bay. Bay thế là chậm — từ Bhairahawa đến Kathmandu chỉ khoảng 270 km. Chậm có lẽ vì bay không xa mặt đất qua những vùng núi non lô nhô hiểm trở.
Nepal là một nước nhỏ bé, diện tích dưới 150,000 km2, không bằng một nửa Việt Nam, dân số khoảng 30 triệu, nằm trong vùng Hy Mã Lạp Sơn, ở độ cao nhất so với mực nước biển mà các nhà sử học, địa lý học gọi Nepal là cái Mái Nhà của Thế Giới (The roof of the world). Đỉnh Everest, thuộc Nepal, trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, cao nhất hành tinh. Vị trí của Nepal khá đặc biệt, nó nằm dài và gọn trong phần khuyết phía đông bắc Ấn Độ, như thế có nghĩa là chỉ phía bắc giáp Trung Quốc, còn đông, tây và nam đều bao quanh bởi Ấn Độ. Có lẽ vì thế mà ngày xưa Đức Phật Thích Ca sinh tại Nepal, lớn lên tu học, thành đạo, hoằng dương chánh pháp, và cuối cùng nhập diệt, đều tại miền Đông và Đông Bắc Ấn Độ. Nepal có nhiều trang sử oai hùng kéo dài trên 2500 năm. Ngay cả vào giữa thế kỷ 19, đế quốc Anh chiếm hết Ấn Độ nhưng không thôn tính nổi Mái Nhà của Thế Giới. Trong chiến tranh giữa Anh và Nepal (1815-1816), quân Anh một mặt nể phục sức chiến đấu anh dũng, bền bĩ, của người Nepal, mặt khác gặp nhiều khó khăn về hành quân và chuyển vận vì núi non hiểm trở, rốt cục phải ký thoả ước công nhận nền độc lập cho quốc gia nhỏ bé này. Thủ đô Kathmandu ra đời cách đây khoảng 2000 năm, thu mình trong một thung lũng nhỏ của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Tuy là thung lũng nhưng Kathmandu cũng ở độ cao có nơi lên đến 2700m, với gần một triệu rưởi dân. Có rất nhiều chùa chiền Phật Giáo, Phật Giáo Nepal, Phật Giáo Tây Tạng, đền thờ Ấn Độ Giáo. Vùng Lâm Tì Ni thì ngoài những chùa chiền, đền thờ của các nước khác, có một ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam xây dựng trước năm 1975, được trùng tu nhiều lần, và nay trở thành ngôi chùa lớn lao, danh tiếng. Cộng đồng người tỵ nạn Tây Tạng tại Kathmandu khá đông đảo. Họ làm nghề dệt thảm, may quần áo, bán đồ kim hoàn, v.v... Trong hàng quán hay nơi làm việc của người tỵ nạn Tây Tạng đều có treo hình Đức Đạt Lai Lạt Ma. Kathmandu nhỏ nhắn, xinh đẹp, sạch sẽ, yên tĩnh, ngăn nắp với khá nhiều nhà cao tầng xen lẫn những biệt thư kiểu Anh của thế kỷ 19. Ven thành phố có mấy ngõ hẻm lên dốc, xuống dốc, uốn quanh, hai bên tấp nập những gian hàng bán đầy đồ vật lưu niệm, đặc biệt là các loại đồ đồng, đồ sứ, tượng đá, tượng Phật, chuông mõ và hàng tơ lụa, thảm, v.v... Muốn xem toàn cảnh Kathmandu, hãy lên ngôi chùa Swayambhunath ở lưng chừng một sườn núi cách trung tâm thành phố không xa. Nhưng nếu muốn nhìn Hy Mã Lạp Sơn và đỉnh Everest rõ hơn, không bị nhà cửa, núi đồi che tầm mắt, hãy vượt qua ba thị trấn nhỏ nhắn, xinh xắn để lên Nagarkot cách Kathmandu 32km. Phong cảnh trên đường đi Nagarkot tuyệt đẹp. Con đường lên dốc trải nhựa đen len lỏi qua nhiều đồi thông, đồi sồi, và những rặng núi cao dần. Thỉnh thoảng gặp những lùm tre hoặc những khóm cây đầy hoa trắng, hoa đỏ, hoa tím, hoa vàng. Cũng giống như miền thượng du Bắc Việt, nhiều mảnh vườn, mảnh ruộng bậc thang chạy bao quanh sườn đồi, sườn núi. Phóng tầm mắt xa hơn một chút sẽ gặp đồi cỏ xanh, núi xanh, chập chùng hết ngọn nọ đến ngọn kia. Rồi những dãy núi tuyết phủ trắng từ đỉnh xuống lưng chừng sườn. Dọc hai bên đường lác đác những ngôi nhà mái lá, mái ngói nâu. Đằng sau nhà thường là lò bếp chụm bằng củi cháy thành ngọn lửa bập bùng nhả ra những sợi khói nhỏ bay vờn lên không trung giá lạnh. Không xa ngôi nhà là chuồng bồ câu, chuồng gà, chuồng bò, chuồng dê, chuồng cừu. Nhiều khu vườn nghiêng thoai thoải chạy xuống những thung lũng xa. Nhà cửa vùng Nagarkot thưa thớt, dân cư cũng ít ỏi. Theo thống kê mới đây, nơi này chỉ có khoảng 700 ngôi nhà với số dân dưới 4000 người. Đường sá vắng vẻ, thỉnh thoảng gặp vài ba phụ nữ đầu đội thúng, rổ đựng các loại thức ăn, rau quả, trên trán bôi chút son đỏ gần mái tóc, mặc váy sặc sỡ, đi lẩn khuất trong những lối quanh co núi đồi; dăm bảy người đàn ông cưỡi ngựa chạy nước kiệu lóc cóc thành một hàng dọc. Họ không ra dáng lính đi tuần, không có súng đeo vai, không có đao, kiếm dắt vào thắt lưng, không đồng phục, thế tại sao chạy nối đuôi nhau chạy thành một hàng? Hay là họ rủ nhau đi đến nhà một người bạn nào đó vui chơi, nhậu nhẹt, đánh bài? Hay họ đang đi đến điểm tập trung tổ chức săn bắn? Tôi định khi lên đến đỉnh Nagarkot sẽ hỏi cô hướng dẫn về điều đó, nhưng sau lại quên hỏi. Đây đó trước sân nhà, lũ trẻ con chân đất, quần xà lỏn đuổi nhau, “ù mọi”, “trốn bắt”, đánh bi, đánh đáo, hoặc tay cầm cái que ngắn đánh nhè nhẹ vào vành thúng, vành rổ, chạy theo giữ cho chiếc vành đừng ngã, lái chiếc vành lăn nhanh trên những lối đi ven đường, trong khi mẹ chúng ngồi xổm trên vỉa hè chăm chú nhìn theo chiếc xe của chúng tôi đang từ từ leo dốc. Tôi muốn xe chạy chậm. Hồi bé tôi và tụi nhóc con cùng lứa tuổi cũng có chơi những trò ấy, những trò chơi đơn sơ ngoài sân nhà, ngoài đường, trên những con dốc, ven đồi cây, đồi cỏ, nghĩa là rất gần gũi với thiên nhiên. Có lẽ trò “đánh vành thúng” và “ù mọi” do thực dân Pháp, Anh truyền cho những nước thuộc địa Đông Nam Á, Nam Á vào những thế kỷ trước? Pháp truyền cho ta, Anh truyền cho Ấn Độ, Nepal. Cho nên đến đây tôi gặp lại, một cách vui sướng, những trò chơi thuở tôi còn bé. Bây giờ khác. Nay trẻ con ở Âu Mỹ, hay ngay cả tại Việt Nam, chỉ thích trò chơi điện tử, hoặc xem TV suốt ngày, đôi khi sao lãng cả việc học hành. Muốn con em gần gũi với thiên nhiên hơn, một số phụ huynh cho chúng đi cắm trại dăm ba ngày một năm vài lần, hoặc cho chúng gia nhập các đoàn thể như Hướng Đạo, Hội Thánh Tin Lành, Hội Đoàn Công Giáo, Gia Đình Phật Tử, v.v... Các trường học ở Mỹ cũng tổ chức những sinh hoạt ngoại khoá. Những hoạt động như thế nên được phát huy mạnh hơn nữa, bằng không những thế hệ tương lai sống xa thiên nhiên sẽ biến thành những con người máy.
Khi xe chạy gần đến một quán nhỏ nằm ở lưng chừng một ngọn đèo, tôi bảo xe dừng lại. Chiếc xe nhỏ chở bốn người gồm có tài xế, cô hướng dẫn và chúng tôi. “Nhưng ta phải lên đỉnh Nagarkot chứ, không còn xa lắm đâu,” cô hướng dẫn vội nói với tôi. “Trên đó đẹp lắm, lại có nhà hàng lớn, nhiều thức ăn ngon. Và xem người ta chuẩn bị thả diều.” “Thả diều? Nghĩa là phóng sinh hả?” vợ tôi hỏi cô ta. “Nhưng thả chim sẻ, chim én, chứ sao lại thả diều.” Không chờ cô ấy trả lời, tôi nói chen vào: “Thả diều giấy chứ ?” “Anh nói đúng, diều giấy chứ không phải diều thật. Hoặc diều làm bằng các vật liệu khác như ny lông, vải, vân vân, chứ không phải chỉ giấy mà thôi. Anh chị biết tại sao không? Vì trên đó gió lớn, giấy chịu không nổi. Đỉnh Nagarkot còn có tên là Đồi Gió (Windy Hill). Người ta tổ chức thả diều gần như quanh năm trừ những ngày mưa. Có những cuộc thi thả diều nữa. Người Nepal chúng tôi thích thả diều lắm, đại diện nhiều nơi đến đây tham dự thi rất đông và rất vui.” “Hình như trời sắp mưa rồi, có thả diều không?” vợ tôi nói. “Mới hồi nãy còn có chút nắng.” Cô hướng dẫn nhanh nhảu: “Có lẽ không mưa đâu, sương đang dâng lên thế thôi. Hay đó là khí núi lâu lâu gặp gió mạnh toả ra. Một chốc nó sẽ tan hết. Nhưng có nắng thả diều mới vui. Còn chuyện này nữa... Đây mới là điều mà du khách nào cũng mơ ước gặp. Đứng trên đỉnh Nagarkot vào những ngày trời trong nắng tốt, có thể bằng mắt trần thấy đỉnh Everest xa tít tận chân trời. Nó ở phía đông, tức là phía hướng về thủ đô Lhassa của Tây Tạng. Xa quá, trông nó nhỏ như ngón tay. Ta lên đó nhé. Lên ngay đi anh!” “Lẽ dĩ nhiên là phải lên đấy. Nhưng bây giờ đói bụng quá, vào quán này ăn rồi hẵng đi.” Vợ tôi nói đùa với tôi bằng tiếng Việt: “Anh hà tiện ghê. Sợ lên trên kia người ta chặt đẹp chứ gì. Vô cái quán nhỏ này cho đỡ tốn tiền vậy. Phải không?” Cô hướng dẫn ngơ ngác nhìn. Tôi giải thích: “Vợ tôi khen cô đẹp đấy.” Cô ta nhìn vợ tôi cám ơn rối rít. Vợ tôi lại nói: “Dùng tui để tán người ta hả?” Tôi dịch tiếp cho cô ấy nghe: “Cô hướng dẫn viên này không những đẹp, còn biết nhiều, lại nhã nhặn, lịch sự, nói năng vui vẻ, duyên dáng.” Cô ấy nhìn tôi có ý nghi ngờ lối dịch ấy, câu nói ngắn sao dịch ra dài thế. Nhưng cô cũng vui vẻ nói cám ơn cả anh lẫn chị. Thật ra bất cứ đi đâu xa, khi chưa đến chỗ định đến, tôi vẫn thích ghé những quán bên đường hơn, trừ trường hợp phải ở lại qua đêm. Tôi coi đó là những cái trạm để ghé vào nghỉ chân một chốc trên con đường “thiên lý”, rồi lại đi. May thì gặp được những món ăn đặc sản, ngon, lạ. Rủi không có thức ăn vừa ý cũng không sao. Vì trên con đường dài, món dở cũng thành ngon. Tôi nhớ hồi trước 1975, thay vì đi ăn phở Tàu Bay đường Lý Thái Tổ, Sài Gòn, tôi chở cả nhà lên quá Xa Lộ Đại Hàn để cũng ăn Phở Tàu Bay. Chỉ xa hơn độ mươi cây số, thế mà vợ tôi, nhất là mấy đứa con, đều đồng ý đi ăn xa vui hơn và ngon hơn. Con đường dài và quán nhỏ bên đường luôn luôn có sức hấp dẫn đối với tôi. Nó lôi kéo trí nhớ của tôi trở về với những chuyến đi xa trong quá khứ, những chuyến đi mang một chút phong vị dãi dầu mưa nắng; nó cũng đưa trí tưởng tượng của tôi đến những miền đất lạ đang còn hoang sơ mà tôi mong sẽ có ngày được đến. Riêng chuyến đi hôm nay của chúng tôi, cũng qua nhiều mép núi quanh co, cũng sắp vào quán ở lưng đèo, cũng gió rừng vi vu thổi, cũng trời rộng mây nao, cũng dừng chân nghỉ lại trên non cao, như trong bài thơ Đẹp Xưa của Huy Cận:
Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang.
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao.
Dừng chân nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon.
Đi rồi, ngựa khuất sau non;
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu.
Trơ vơ buồn lọt quán chiều
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người.
Nếu có khác chăng, đó là cái buồn day dứt của ngàn năm lưu lại trong bài thơ ấy, cũng như trong hầu hết những bài thơ cũ khác, mỗi khi nhà văn, nhà thơ người Việt Nam ta, hay người châu Á nói chung, đứng trước hoặc vượt qua những con đường dài. Còn chúng tôi dù đi xa trong chuyến đi này nhưng không phải để nâng niu cái buồn trong lòng, ngược lại đang háo hức đi tìm xem một ngọn núi cao, thật cao. Chữ “dặm” trong thơ cũ, và ngay cả trong thơ Tiền Chiến, ít khi dùng để chỉ đơn vị đo lường chiều dài, mà thường nó chỉ sự xa xôi cách trở, nó gợi trong lòng người, đặc biệt là người Phương Đông ngày xưa, cảnh biệt ly. Đường càng dài, ngày tái ngộ càng xa xôi, nỗi buồn càng chồng chất. Chẳng hạn “dặm xa” như trong bài thơ trên làm héo hon lữ khách. Chữ “dặm” được dùng rất nhiều trong văn, thơ cũ. Chỉ xin nêu ra đây mấy thí dụ. Dặm trường:
Chàng cưỡi ngựa dặm trường mây phủ
Thiếp dạo hài lối cũ rêu in
Chinh Phụ Ngâm
Dặm khuya:
Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông
Kiều
Dặm liễu:
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Thanh Quan
Dặm ngàn:
Anh biết em đi chẳng trở về
Dặm ngàn liễu khuất với sương che
Thái Can
Dặm mòn:
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
Huy Cận
Ngàn dặm:
Nước non ngàn dặm ra đi
Ca Huế
Toàn là những “thiên cổ sầu”. Thế “dặm hồng” thì sao? Hai câu thơ dưới đây của Nguyễn Du thật đẹp, trong đó chữ “hồng” như muốn báo hiệu cho một cái gì trong sáng, tươi thắm. Nhưng không, đám “hồng trần” đã khiến cho dặm đường quay trở lại điệu buồn muôn thuở: Dặm hồng bụi cuốn chinh an Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh Con người bây giờ khác. Có người “say” xa lộ, một mình lái xe vượt qua nhiều tiểu bang mênh mông của nước Mỹ chỉ để vui chơi, có người thực hiện cuộc đi bộ vòng quanh thế giới. Lẽ dĩ nhiên tôi không thuộc vào loại người đặc biệt ấy, nhưng tôi thích con đường dài với những quán nhỏ bên đường. Và trong thâm tâm, tôi vẫn nhận thấy rằng ngồi trên xe hơi vượt hàng trăm cây số để thăm một đô thị san sát nhà chọc trời chẳng hạn có lẽ không thú vị bằng người xưa cưỡi ngựa chạy trên con đường mòn vài mươi dặm để thăm một ngôi làng quê êm đềm. Cơ giới ngày nay đem lại nhiều tiện nghi nhưng đồng thời cũng khiến con người xa cách Mẹ Thiên Nhiên. Không những thế, còn tàn phá người Mẹ ấy.
Cái quán nhỏ này chỉ có hai cái bàn gỗ tạp, năm bảy chiếc ghế thô tháp, nhưng sạch sẽ, gọn gàng. So với quán ăn bình dân tại Ấn Độ, quán này khá hơn nhiều. Mà thành phố ở Nepal cũng thế, vệ sinh, ngăn nắp hơn những thành phố nơi tôi đã đến ở Ấn Độ. Phía sau quán có khoảng đất trống nằm nhô ra con dốc. Tôi đến ngồi cạnh cửa sổ, đẩy cửa sổ lên, nhìn mông ra ngoài. Gió thổi vào lạnh quá, tôi phát run. Chủ quán vội vàng kéo cửa sổ xuống, rồi mang đến cho tôi một lò than hồng đã có sẵn từ trong nhà bếp. Có lẽ đó là lò than để chủ quán và người làm sưởi ấm khi vắng khách. Không có thực đơn, hỏi mới biết quán chỉ có món cà-ri thịt cừu và gà rừng nướng, ăn với bánh mì. Thức uống lỏng chỏng mấy chai bia, nước ngọt, nước lọc. Tôi kêu bia, và bảo làm gà nướng trước, cà-ri cừu sau. Một cô bé độ 15 tuổi đứng cạnh chủ quán chờ sai bảo, rồi đi ngay vào nhà bếp lấy dao thớt chặt thịt. Tôi đề nghị đem gà đến lò than hồng mà chúng tôi đang ngồi quanh hong tay để nướng thịt luôn thể, như thế mới vui, mới ấm cúng, một công hai ba việc. Chủ quán bằng lòng ngay. Vợ tôi hỏi anh tài xế đâu, tôi mới sực nhớ. Thấy anh tài xế vẫn ngồi ngoài xe, tôi mời vào nhưng anh ấy nhất định không vào. Cô hướng dẫn nói xứ này giai cấp lắm, tài xế tự thấy là cấp dưới, không dám ngồi chung với du khách. “Không sao đâu anh, anh ấy sẽ ăn riêng sau”. Tôi năn nỉ cô ra nói giúp, anh tài xế mới chịu vào với chúng tôi. Cô bé ngồi chồm hổm, một tay quạt lò than, tay kia đưa mấy gắp thịt gà đặt vào vỉ nướng trên lò. Thấy miếng gà nào có dính chút vụn than cháy đỏ, cô liền dùng ngón tay thay vì dùng đũa tre gạt đi. Cô bé này không sợ bỏng tay, không biết nóng là gì. Mỡ gà chảy ra nhỏ xuống lửa cháy kêu xèo xèo, than nổ tí tách, lửa chốc chốc bốc lên thành ngọn nhỏ để lại những sợi khói mỏng bay toả xung quanh. Mùi gà nướng thơm phứt. Thỉnh thoảng vụn than hồng bắn xa, chúng tôi né tránh, cô bé cứ để nó dính vào cổ tay, vào áo, chỉ rảy rảy cho nó văng đi xuống đất, không chút nhíu mày. Những ngón tay hơi thô, da dày đôi chỗ nứt nẻ, có lẽ do trời lạnh và làm việc nhiều, trái hẳn với khuôn mặt xinh xinh, hồng hồng, non nớt, cặp mắt một mí hơi xếch, trông hiền khô. Gắp thịt nào nướng chín xong vừa được đặt vào dĩa, đang bốc khói, chúng tôi lấy ăn liền, thiếu đường giành nhau, ăn với bánh mì nóng, cũng được nướng lại cùng với gà. Ngon quá, ăn hết nhanh, rồi mọi người ngồi chầu rìa chờ miếng khác. Cô bé vẻ mặt vui nhưng không nói, không cười, làm việc luôn tay, hối hả, lẹ làng, thế mà cũng không kịp “tiếp tế” cho bốn cái miệng thèm và đói. Chúng tôi ăn nhiều gà, uống nhiều bia, no anh ách. Món cà-ri thịt cừu dọn lên không ai đụng đến, đành phải cho vào hộp mang đi. Cô bé này câm chăng, hay vì cô không biết nói tiếng Anh, tôi ngẫm nghĩ. Nếu được cho đi học, cô sẽ nói tiếng Anh giọng Ấn Độ như cô hướng dẫn chăng. Nghe người Ấn Độ nói tiếng Anh cũng vui tai. Người Nepal có ngôn ngữ riêng, gần với tiếng Ấn Độ, và chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ khá nhiều. Chẳng hạn người Nepal cũng quý trọng bò, tất nhiên không ăn thịt bò. Theo lời cô Hướng Dẫn Du Lịch, khi ngườiẤn Độ nói, người Nepal hiểu hơn 90%. Nhưng ngược lại thì khác, người Ấn Độ chỉ hiểu qua loa tiếng Nepal.
Trước khi lên xe đi tiếp, tôi bước ra khoảng đất cheo leo đằng sau quán nhìn xuống con đường dốc quanh co mà chúng tôi vừa đi qua. Vẫn còn những lớp sương mù hay mưa bụi toả bay vần vũ, rối loạn trước từng cơn gió thốc đột ngột. Có lẽ nơi này cũng đã thuộc khu Đồi Gió rồi nên mới nhiều gió đến thế. Mấy đoạn đường nhựa đen khi ẩn, khi hiện dưới kia. Mấy cụm mây trắng bay là đà như những cánh cò trắng. Nơi tôi đứng mây bay bên dưới. Tôi quay nhìn lên. Kéo dài đến mút mắt và che kín cả chân trời là một dải mây trắng nhờ nhờ, đục đục. Không những thế, nó vươn lên chắn ngang luôn cả một phần bầu trời. Hẳn là một đám mây quái dị, trùng trùng điệp điệp, dày dặc. Nó đứng yên, nó không chịu di chuyển, nó không chịu bay đi, nó không chịu thay hình đổi dạng. Đây không phải là loại vân cẩu, bạch vân biến vi thương cẩu, như trong thơ Tàu, cũng không phải như trong câu thơ của Nguyễn Gia Thiều, bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương. Nó ù lì, lầm lì. Tôi nhìn kỹ hơn. Và tôi bàng hoàng sửng sốt. Không, đấy không phải mây. Tôi cảm thấy như bị chận đứng bởi một bức tường mênh mông kiên cố. Không, nó không còn là bức tường nữa, nó đã biến thành một dãy thành trì khổng lồ ghê gớm của một thế giới khác không phải của loài người. Hy Mã Lạp Sơn! Hy Mã Lạp Sơn! Bên kia Hy Mã Lạp Sơn là gì? Có loài người không hay là một giống khác dữ tợn hơn hoặc hiền từ hơn nhân loại? Chắc là dữ tợn hơn nhiều mới ngự trị được thế giới ấy. Và thế nào cái giống ấy cũng sẽ tràn qua dãy thành đó như thác lũ, san bằng tất cả những gì làm vướng chân nó. Xin nói ngay rằng tôi không ngụ ý một ẩn dụ nào. Chẳng qua là vì Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ quá, ghê gớm quá, đã đưa trí tưởng tượng của tôi đi xa quá. Khi đã định thần, tôi cố nhớ lại mấy chi tiết về địa lý. Vâng, bên kia Hy Mã Lạp Sơn còn có mấy nước như Tây Tạng, Bhutan, và một phần của Nepal. Và tôi cảm thấy yên tâm hơn. “Những ngày trời trong, nắng tốt, đứng trên đỉnh Nagarkot, ta có thể thấy được đỉnh Everest nhỏ như ngón tay,” tôi nhớ câu nói ấy. Hôm nay ngày trắng đục nhờ nhờ, xin gởi lời chào Everest trong mơ ước của tôi nhé. Nhưng này, Everest là ngọn núi cao nhất, và cũng là một đứa con trong lòng mẹ Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ mà tôi đang đứng lặng người nhìn ngắm với tất cả ngưỡng mộ lẫn kinh hoàng.
--------------
Bấm vào đây để đọc những tác phẩm của Ngự Thuyết đã đăng trên Tiền Vệ
|