thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cây Ớt Chim Két

 

Người đàn ông không còn trẻ, gầy, con mắt lanh, nhưng tóc đã bạc nhiều. Lúc đó khoảng một giờ chiều chủ nhật. Nhà vắng, ông ngồi một mình lơ đãng mở T.V. hết đài này đến đài khác. Hình như ông không tìm ra được chương trình nào vừa ý, lại xoay qua mở radio.

“... Năm nay là năm con mèo, mà con mèo phải trèo lên cao, quý vị phải mua hột xoàn, mua xoàn sẽ mau giàu, từ đây cuộc sống hết lao đao. Thưa quý vị, mua xoàn năm ly trở lên được biếu thêm một xoàn ba ly...”

Ông lẩm bẩm quảng cáo nghe cũng vui nhưng cây cau chứ. Mà cây cau cũng cao, thế thì cho OK đi. Ông nhớ mấy câu ca dao ông biết từ hồi bé tí, cái tuổi còn tin tưởng lơ mơ rằng ở một nơi nào đó thần tiên, người ta, cầm thú sống lẫn lộn với nhau, nói được tiếng của nhau, hiểu được nhau. Và hình như cũng thường tử tế với nhau:

Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ làng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.

Hồi nhỏ, thích con mèo này quá. Nó thật là chịu chơi, chịu khó trèo lên cây cau mà cây cau thì cao, lại suôn đuồng đuộc không cành không mắt đâu phải dễ trèo. Thế mà lên tới nơi không phải để bắt chuột lại còn thăm viếng hỏi han. Chuột càng “tếu” hơn, đi chợ mua đồ về cúng cha mèo. Tử tế với nhau ghê. Chỉ tiếc nhà chuột quá nghèo, đám giỗ quá sơ sài, chỉ có mắm với muối. Nhưng tại sao chuột được tôn là “chú” trong khi mèo giữ phận “con”. Có lẽ vì chú chuột này là bạn bè và đàn em của cha con mèo chăng.

Lớn lên, à, cái này nói vậy mà không phải vậy. Mèo tìm chuột để xơi tái, chuột biết nên trốn lẹ, nhưng trước khi chạy trốn cũng phải chửi cha con mèo một phát cho đỡ tức. Đi mua mắm mua muối ăn cho “thối mồm thối miệng” chửi cho cay độc chứ có phải để giỗ ai đâu. Cha mày đã chết do tao giết đấy nên tao biết ngày giỗ, còn mày là đồ bất hiếu chả biết cả ngày giỗ cha, lại còn mò lên đây giở trò “hỏi thăm sức khỏe” của tao hả!

Ông lẩm bẩm hồi nhỏ thấy cái gì cũng dễ thương, và vặn qua đài khác. Cũng quảng cáo.

Quý vị có thông cảm không nào? Ngựa còn biết đau lòng đối với đồng loại huống là người. Sách có câu một con ngựa đau cả tàu nhịn đói. Cho nên dù thiên tai xẩy ra tại nước Nhật xa xôi, mình ở đây yên hàn vô sự cũng phải thông cảm cho nỗi thống khổ cực kỳ to lớn này, cực kỳ vĩ đại này, của họ. Nhà cửa, xe cộ, tử thi, trôi lềnh bềnh như đồ chơi trước cơn sóng thần, lại thêm các lò nguyên tử rò rỉ phóng xạ, hàng ngàn, hàng vạn người họăc thiệt mạng, họăc nhiễm độc, họăc tàn tật suốt đời. Khổ đến thế là cùng. Người chết dù thế nào đi nữa cũng đã chết rồi, nhưng người còn sống thì sao? Quý đồng hương thử nghĩ xem, họ sẽ bớt bứt rứt nếu họ đối xử đàng hoàng hơn, tử tế hơn, ân cần hơn, âu yếm hơn, vân vân và vân vân khi người thân thương của họ còn sống. Quý vị có đồng ý với tôi không nào? Và quý vị phải nhớ kỹ rằng thiên tai có thể giáng xuống bất cứ lúc nào, nơi nào. Biết đâu nay mai Ca - li cũng sẽ lãnh đủ. Cho nên quý vị hãy mau mau mua hột xoàn cho người bạn đời tình nghĩa đầu gối tay ấp, cho người yêu định cưới làm vợ, hay cho người yêu lý tưởng, vân vân và vân vân. Hột xoàn của chúng tôi xin bảo đảm là hảo hạng, mua xoàn năm ly trở lên được biếu xoàn ba ly.

Cái quảng cáo này hơi quá đáng, ông lẩm bẩm. Ông thích nghe quảng cáo dù ông rất hiếm ít khi theo vợ đi mua sắm. Đàn bà khác, có tiền hay không tiền vẫn đi shopping đều đều, không biết chán. Đúng thế, vợ ông khi hết tiền cũng cửa hàng này mall nọ trơ mắt ngó. Bỗng có tiếng xe dừng trước cửa, một tên cà chớn nào ghé chơi chắc, ông thầm hỏi. Lại cờ tướng, lại tán gẫu, lại nói tục. Có khi đủ tay lại xì ruồi tìm cảm giác. Thường thì kiếm cái gì trong tủ lạnh mang ra nhậu, rồi nói lan man đủ thứ chuyện, thế là cũng xong một chiều chủ nhật để ngày hôm sau, như mọi ngày, lại đi cày. Ông tắt radio. Ông cho rằng chữ đi cày nghe không ổn, nhưng ông chưa tìm được chữ khác. Và trong những chuyện lan man ấy thế nào cũng có nhắc nhở đến các bạn cũ, thằng này ở Mỹ, tiểu bang miền đông, tiểu bang miền tây, thằng kia ở Úc, ở Gia Nã Đại, ở Pháp v.v..., lại có tên đi Na-Uy, Thụy-Điển, Đan-Mạch, lại cũng có tên lang thang lạc vào xứ “Do Thái lang thang”. Và lại cũng có tên dông tuốt qua Yamoussoukro, thủ đô của nước Bờ Biển Ngà, mé tây của Châu Phi. Kể cũng lạ, dân mình bị rải ra quá nhiều nơi trên thế giới sau cái biến cố ấy.

Nhưng tại sao lại thằng? Đã già rồi mà vẫn cứ ưa nói thằng này thằng nọ khi nhắc đến nhau, quên hết lễ nghĩa hả? Trước mặt nhau xưng hô có nhẹ nhàng hơn đôi chút, anh tôi, toa moa, cậu tớ, mày tao, hoặc gọi tên nhau, họăc mình mình, tuỳ. Xưa đâu có thế. Bác tôi tôi bác chứ. Thử lấy trường hợp Nguyễn Khuyến:“Bác Dương thôi đã thôi rồi... Tôi già bác cũng già rồi”, hoặc “Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu/Lụt lội năm nay bác ở đâu”, hoặc “Đã mấy lâu nay bác đến nhà/ Trẻ thời đi vắng chợ thời xa.” Cái ông nhà Nho này coi bộ thương bạn bè dữ, nhắn người này, hỏi người khác. Các bà dường như cũng không màu mè hơn mấy. Ông có nghe lóm, họăc vô tình nghe, vợ ông nói chuyện với bạn gái, những bạn thân, mày mày tao tao “bố sua”, dù người nào cũng con cháu đầy đàn.

Thỉnh thoảng lại cũng có thằng cha chán đời ghé chơi trở chứng chả muốn nói chuyện, hỏi cũng chẳng thèm trả lời, ngồi thừ một chốc, cái mặt chị bị như cái bánh tráng nhúng nước, rồi bỗng dưng đứng dậy “xách đít” ra về, hẹn gặp khi khác.

Nhưng ông đã đoán nhầm. Chiều hôm đó khách đến chơi là ông Huy, người bạn vong niên khá thân ở cách ông khá xa, lái xe gần ba tiếng. Thật ra ông là bạn nối khố của Hoàng, em ông Huy. Từ ngày Hoàng mất, ông Huy xem ông như em ruột. Ông Huy lớn tuổi hơn ông nhiều, đã đến Mỹ trước ông hơn mười năm vào thời kỳ những làn sóng người tỵ nạn đổ ra biển như bị sóng thần bên Nhật cuốn, nên bỏ mạng trên biển cũng vô số kể. A cái anh chàng Huy đạo mạo này, vui quá ta.

Vừa bước vào nhà, ông Huy đã than:

“Tiến ơi, bậy quá.”

Trong khi ông Tiến, chủ nhà, dọn dẹp đồ đạc nằm ngổn ngang trên bàn, ông Huy mở tủ lạnh lấy nước ra uống, rồi đến ngồi phịch xuống ghế nói tiếp:

“Bậy quá. Tôi mang cây ớt đến đây, cây ớt do chính tôi gầy giống và nuôi nấng nó được nhiều năm rồi. Tôi để chậu ớt dưới chân ghế bên cạnh, cẩn thận lấy đồ chêm thật chắc cho nó khỏi ngã. Chạy gần một tiếng mới lên đến đỉnh ngọn đèo, nhìn trệch xuống xem thử thì thấy cây ớt đã héo queo, lá rũ xuống hết, các cái ngọn cũng quẹo lại. Xe nóng quá, xe cũ mà, tôi đâu dám mở máy lạnh, nó chịu không nổi, nó chết. Biết làm sao đây, bậy bạ hết sức. Chán đời quá cậu ơi.”

Ông Tiến kinh ngạc hỏi:

“Sao vậy anh. Nó chết thì kiếm cây khác. Việc gì phải chán đời.”

Không để ý câu nói của bạn, ông Huy tiếp tục:

“Cậu biết không? Trời nắng lớn nhưng tôi không để máy lạnh. Xe đã cũ, trèo đèo đâu dám cho máy lạnh chạy. Trong xe nóng bức, tôi mồ hôi tuôn ra như tắm, và cây ớt thì nó như thế đó.”

“Vâng, anh vừa nói với tôi như thế, tôi nghe rõ năm trên năm. Nó quẹo thì cho nó đi tiêu dên cù lúi luôn... thiếu giống gì thứ đó.”

Ông Huy chau mày:

“Thiếu giống gì hả? Đó là cây ớt độc nhất còn lại. Biết thế tôi ương thêm cây, họăc để dành hột giống.”

“Anh ưa chuyện rắc rối quá. Kiếm cây khác trồng, khỏe ru.”

“Đâu có đơn giản như thế. Để tôi kể cho cậu nghe lai lịch cây ớt này, dài dòng lắm.”

“Ô thế thì tốt quá,” ông Tiến nói. “Tôi ở nhà một mình đang buồn, đang mong một tên cà chớn nào tới chơi thì vừa vặn anh đến. Ở lại với tôi vài ba ngày nghe. Lâu quá mới gặp lại nhau anh nỡ lòng nào đi liền tù tì như những lần trước.”

“Vâng, tôi cũng định như thế. Cậu biết không, tôi lái xe về đây chở cây ớt cho cậu giữ giùm, và để xe lại đây luôn. Xe cũ rồi, cậu bán giùm tôi đi, bao nhiêu cũng được. Tôi sẽ tậu xe mới. Chơi với cậu hai ngày rồi đáp máy bay đi lên miền bắc, đi tiểu bang Minnesota. Hãng của tôi dời lên đó. Giữ nó giùm cho tôi nhé. Mỗi năm thế nào tôi cũng trở lại Cali thăm cậu một vài lần, thăm cây ớt luôn.”

“Giữ cây ớt? Thăm cây ớt? Anh sắp khùng chưa? Tôi chưa hề nghe ai nói kiểu đó. Phải move lên Minnesota hả? Mùa đông trên đấy dài thòong và lạnh kinh khủng. Tôi ở đó hơn một năm, cuối cùng phải lạy nó cả tơi cả nón rồi dọn về đây. May quá. Thế mà anh bỏ đây lên đấy, tội nghiệp. À này, tôi giữ giùm anh cây ớt? Cũng được thôi. Nhưng tôi hỏi thật tại sao anh cưng cây ớt dữ vậy?”

Ông Huy cười bí mật:

“Một cây ớt đặc biệt. Chuyện khá dài. Đây tôi kể anh nghe.”

*

“Tôi đến Mỹ trước cậu gần mười năm, nhớ không, và tôi đã phải vượt biển, phải trải qua bao nhiêu là gian nguy chớ đâu có được leo lên máy bay đi cả nhà như cậu. Nhưng cậu chỉ biết có thế. Cậu có biết trước khi thoát được qua đây, tôi làm gì bên nhà?”

Ông Tiến nhanh nhẩu trả lời:

“Thì sau ngày rã đám anh đi tù là cùng chứ còn làm được trò trống gì?”

“Không, không phải thế. Tôi không đi tù như cậu. Lúc đó đơn vị của tôi đóng đồn gần cầu Là Ngà trên đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Vào giờ chót, trong lúc mọi người tụ tập bàn tính, hai thằng bạn lẻn vào lô-cốt cho nổ lựu đạn banh xác. Ai nấy chết điếng. Chúng tôi tính toán được gì đâu. Chôn cất hai thằng ấy xong là tan hàng. Kẻ thì hướng về phía Định Quán, Bảo Lộc lên Cao Nguyên, kẻ thì theo ngõ Dầu Giây xuôi về Sài Gòn hoặc ra Trung. Tôi đi Đà Lạt. Trước kia tôi có học Võ Bị Đà Lạt, sau cũng có nhiều dịp lên đó chơi, thăm người em gái nhỏ.”

“Uả, anh có em gái mà tôi không biết. Tôi tưởng anh chỉ có Hoàng là em trai, nó đã tử trận hồi 1972.”

“Người em gái nhỏ của thành phố sương mù đấy mà. Bạn bè làm việc trên đó cũng có mấy người. Cho nên, trong lúc thảng thốt chưa biết chạy về đâu, tôi đón xe đi Đà Lạt.”

Ông Tiến ngắt lời”

“Trật rồi. Có xe đâu mà đón.”

“Tiến ơi, tôi không ưa bịa chuyện như cậu đâu. Trong mấy tuần lễ đầu tiên sinh hoạt thường ngày vẫn chưa có gì thay đổi. Vẫn xe đò Minh Trung chạy Đà Lạt-Sài Gòn. Cho nên nhiều người tưởng bở. Chưa đầy một tháng sau có lệnh tập trung “ngụy quân ngụy quyền”. Lại cái ngón gì đây? Một ngày trước khi hết hạn trình diện, tôi phân vân quá. Cuối cùng, trốn. Nay ở nhà người này mai nhà khác, những người quen cũ. Cũng phiền cho họ lắm nhưng tôi không biết làm gì khác hơn. Lúc kẹt quá thì xó chợ, chuồng bò, gốc cây, ngọn đồi. Đêm Đà Lạt đầu mùa hè vẫn lạnh thấu xương. Lưới công an giăng đầy cho nên càng ngày tôi càng phải tìm cách trốn tránh ra xa thành phố. Xa mãi. Cho đến khi tôi gặp và được cho gia nhập vào nhóm người sống trong rừng.”

Ông Tiến nói chen vào:

“Nghĩa là anh tìm được mật khu?”

Ông Huy cười:

“Mật khu? Sau này tôi mới nghe nói cũng có một số mật khu. Con người ta mỗi người có một cái số. Chẳng ai giống ai dù cùng đơn vị, dù cùng bại trận, dù cùng ở tù, dù cùng chạy trốn. Sau ngày rã đám tôi chạy như điên. Nhiều nơi lắm. Cuối cùng mò được qua đây. Thôi để vắn tắt, tôi nói chuyện cây ớt.”

“Anh Huy ơi, anh cứ lai rai nói hết cho tôi nghe, càng nhiều chuyện càng tốt. Nghe quảng cáo lãng nhách mà tôi cũng thích nghe huống là... Mấy khi được rảnh rang như thế này. Sao, nhóm người rừng thế nào?”

“OK. Trước hết tôi lọt vào với đám người đi rừng. Họ là những người nghèo khổ, thất học, cùng đường, không có cách gì kiếm được miếng ăn trong thành phố, bất kỳ thành phố nào. Trong những ngày loạn lạc ấy, họ cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện vượt biên, vượt biển, chỉ biết bám vào rừng rú mà sống. Lâu dần họ trông giống như người Thượng, da đen dày, mắt vàng, răng xấu, tóc cằn không mọc nổi. Ừ thì cũng có mọc, mọc chậm. Và hình như họ quên dần tiếng nói. Nhưng được cái họ hiền khô. Gặp tôi họ cho đi theo ngay.”

“Sao anh dở thế. Sỹ quan mà, phải lãnh đạo chứ, phải đi trước, sao lại đi theo đuôi.”

“Thôi im đi, để tôi nói tiếp. Thoạt đầu chúng tôi sống quanh quẩn không xa vùng Suối Vàng cho lắm, chỉ khoảng vài ba mươi cây số sâu vào trong rừng. Cậu biết Suối Vàng chứ, cách Đà Lạt khoảng hai chục cây, trước kia ở đó có đập thuỷ điện, có nhà máy. Từ Đà Lạt lên Suối Vàng chỉ có một con đường độc đạo nhỏ, trải đá, nhiều dốc lên dốc xuống, giặc giả lâu ngày đường sá bỏ hoang, cỏ mọc tràn, nhiều chỗ bị sụp, nhiều đoạn không còn vết tích. Rồi chúng tôi đi sâu thêm, sâu mãi, đến vùng núi Thiên Nga cách Suối Vàng hơn bốn chục cây nữa. Rồi lại đi sâu thêm nữa, đi đến những nơi chưa có tên, chưa có dấu chân người. Chân cứng đá mềm, đi đâu cũng tới.”

“Đi chân không, không giày, không dép. Nhờ trời thương cho chân anh cứng hơn đá?” Ông Tiến pha trò.

“Làm gì có giày dép, nhưng cũng bắt chước Việt Cộng xài dép râu chứ. Tiện lắm, nhẹ nhàng lắm, đi băng ngàn, đi trên đá tai mèo nhọn hoắc, trên gai gốc, trên bùn lầy, trên lá khô cỏ mục, lội xuống nước, chỗ nào xài cũng được. Mà lại rất lâu hư. Cậu có nhớ ngày xưa không, những anh kéo xe, phu xe kéo, kéo cái xe kéo hai bánh có người ngồi trên chiếc ghế đệm phía sau. Phu xe mỗi khi kéo xe lên dốc hai tay nắm hai càng xe gò lưng kéo xe trông thảm hại quá. Thời của anh chắc hết loại xe ấy rồi. Phu kéo xe cũng đã biết xài dép râu từ lâu... Nói đến đâu?”

“Đến chỗ đi đi, đi nữa, đi thêm nữa.”

“Vâng, chúng tôi đến chân một ngọn đồi nhỏ đằng trước có con suối, cất một cái nhà sàn. Thật ra chỉ là cái chòi cao để tránh thú dữ. Tới đâu cũng vậy, hễ ở hơi lâu là phải cất chòi. Ngày ngày đi kiếm các thứ trong rừng dồn lại chờ người quen thân ở những ngôi làng dưới bốn năm tuần đạp xe đạp lên mua. Hoặc đổi lấy gạo, mắm, muối. Đó là chuyện về sau, khi bắt được liên lạc với họ. Còn trong nhiều tháng đầu khi tôi mới lên rừng trốn tránh, những người khốn khổ ấy và tôi không hề thấy một bóng người nào nào khác ngoài chúng tôi ra.”

“Trong rừng thì kiếm được cái gì để bán? Kiếm củi chắc?” Ông Tiến hỏi.

“Có những thứ khác nữa chứ. Ngoài việc đi củi, đi chặt loại ngo nhiều nhựa chẻ nhỏ ra bó thành bó làm đồ nhen lửa, hoặc đi cắt mây, đi lượm hột dẻ, hột lăng, hoặc đi bẫy chồn bẫy cáo. Hoặc đi kiếm mật ong. Hoặc hái trái cây.”

Ông Tiến có vẻ thích thú nên chốc chốc lại chen vào những câu hỏi vớ vẩn cốt để đưa đẩy câu chuyện:

“Hái trái? Trái gì vậy? Bộ nhóm người các anh gầy được một vườn trồng cây ăn trái trên rừng?”

Ông Huy nhún vai:

“Làm gì có vườn cây. Trái đây là trái rừng. Cứ sau mùa mưa độ một vài tháng, nắng ấm lên đôi chút, nhiều thứ trái hoang bắt đầu chín. Trái gùi, trái đá, trái trâm, trái nhung, trái trường, trái xay, trái mác mác, trái vú bò...”

“Những trái gì nghe quái chiêu quá. Lỡ gặp trái độc?”

“Người đi rừng biết trái nào độc, trái nào không độc. Thường thì chim họăc thú ăn được, người ăn được.”

“Nhưng ăn nó ra sao? Dễ nuốt không? Mùi vị thế nào?”

“Mỗi loại trái cây đều có cái mùi, cái vị riêng, nhưng nói chung thì trái rừng nào cũng có chút chua chua, ngọt ngọt, chát chát. Các hột thì béo béo, bùi bùi. Đó là vị, còn mùi thì khó phân biệt lắm, thơm, thúi, hăng hắc, nồng nặc, thoang thoảng, khó mà diễn tả cho hết. Nhưng bán được giá nhất là trái đười ươi.”

“Lại còn có trái đười ươi? Chắc nó giống con đười ươi, tay chân mặt mũi na ná như tôi với anh?”

“Chả giống gì cả. Tôi cũng chẳng biết tại sao gọi nó là trái đười ươi. Nó như thế này, hơi tròn tròn, to gần bằng trái chanh, ngâm nước nở ra to gần bằng nắm tay. Cây đười ươi rất lớn, hơn hai người ôm, và cao, cành lá sum sê, trái mọc thành chùm có cái bẹ che kín bên trên trông giống như đàn bà đội mũ mấn đi đưa đám ma. Anh có biết cái bẹ đó dùng để che gì không? Để che mưa. Gặp nước mưa trái đười ươi nở toét ra ngay, vài ngày sau sẽ thối hết. Nhờ có bẹ che bên trên, các chùm trái đười ươi lớn dần, chín dần. Cây đười ươi ba năm mới có trái một lần, từng chùm lòng thòng dưới cái bẹ che. Gặp cây nào sây trái chúng tôi hạ ngay...”

Ông Tiến ngắt lời:

“Ủa sao đốn nó đi. Sao lại có máu ưa phá hoại thế. Và, xin lỗi anh, dại dột đến thế? Trèo lên hái có phải tiện hơn không. Ba năm sau trở lại hái nữa. Các anh mong mau có vàng mà vội giết chết con gà đẻ trứng vàng!”

Ông Huy bật cười:

“Cậu biết một mà không biết hai. Bộ cậu muốn chúng tôi phải ở mãi trong một cánh rừng để cứ ba năm đi tìm cho ra cây đười ươi cũ mà hái? Làm sao tìm cho ra cây mình muốn tìm trong số hàng ngàn, hàng vạn cây mọc loạn xạ. Chỉ thí dụ này cậu biết ngay. Một hôm trời nóng quá tôi cởi áo treo lên nhánh cây chìa ra trước mặt ngồi nghỉ mệt. Rồi loay quay đi kiếm một mớ cành khô mang về chòi làm củi. Vài mươi phút sau là đã hết biết cái áo treo nơi nào. Ma rừng ưa giấu đồ của thợ rừng lắm, tìm không ra đâu. Ngoài ra thì giờ đâu mà trèo lên cây đười ươi để hái từng trái hết cành này đu qua cành khác như khỉ, vượn. Cây cao rậm rạp, trái nằm rải rác lẫn trong cành trong lá, phải hạ cây cho nó nằm dài trên mặt đất, rồi hái vội hái vàng, dộng vào đầy bao mang đi. Có khi phải hạ ba, bốn cây. Gặp cây nào không đủ trái, chúng tôi lấy xà gạc chặt vào thân cây làm dấu, rồi đi tìm làm dấu thêm vài cây khác, cho đến khi liệu đủ số trái, sẽ hạ ba bốn cây luôn thể.”

Ông Tiến ngắt lời:

“Làm dấu để làm chi vậy?”

“Là vì, nếu không, lỡ người Thượng gặp không biết là của mình họ sẽ hạ nó xuống sao. Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng gặp người Thượng, không biết tiếng nói của nhau, nhưng vẫn hiểu nhau, và vẫn đồng ý với nhau về cái chuyện làm dấu ấy. Người Thượng cũng quý trái đười ươi nhưng họ rất thật thà, thấy có dấu để lại, không bao giờ giành giật.”

“Trái đười ươi, ước gì tôi có một trái ăn thử cho biết. Thế có bao giờ anh gặp con đười ươi trong rừng không?”

“Rừng của mình không có đười ươi nhưng có khỉ. Anh làm tôi nhớ rừng quá. Không có đười ươi nhưng nhiều khỉ lắm, và nhiều con thú khác, thú hiếm. Cậu có thấy lạ không, chiến tranh bom đạn đến như thế mà rừng rú vẫn còn nhiều thú hoang, thú hiếm. Khỉ nó nghịch ngợm, phá phách, và làm nhiều trò tức cười. Chẳng hạn cái trò này. Chúng nó thường không chịu chạy xuống suối uống nước, lại trèo lên một cây to mọc nghiêng xuống dòng nước, đu lên một cành dẻo, một con hai tay níu chặt lấy cành, con khác nắm chân con vừa rồi, và cứ thế làm thành một chuỗi dài hơn một chục con cho đến khi con cuối cùng chạm được mặt nước. Nó chu miệng ra uống nước, uống xong lấy tay, lấy chân vẫy nước bắn tung tóe. Rồi chúng thay phiên nhau làm cái trò đó.”

“Thế ra khỉ cũng biết giải trí như người.”

“À, còn chuyện này mới lạ chứ. Một hôm, lúc đó tôi đã sắp giã từ bọn họ rồi, chúng tôi trèo lên một đỉnh núi định dăng lưới bẫy vài con chim ó mang về nuôi, rồi tập cho nó bay đi săn, thì gặp một tổ chim to lớn chưa từng thấy, trong đó có hai cái trứng bự sư. Nói ra có lẽ không ai tin, nhưng đó là sự thật, cái trứng lớn hơn cả con gà mái đang nằm ấp trứng trong ổ...”

Ông Tiến thun vai, thè lưỡi, ngắt lời:

“Thế thì không phải trứng chim đâu. Chắc là trứng rắn, hay đúng hơn, trứng con trăn thời tiền sử. A, a, hay là trứng khủng long. Thế là Việt Nam ta có khủng long, cần gì phải lên bảo tàng viện DC xem những bộ xương giả.”

“Không phải khủng long đâu. Cũng không phải rắn hay trăn. Trứng rắn, trứng trăn khác. Nó tròn như trái banh. Còn đây nó có đầu, có đuôi, như trứng gà, trứng vịt. Nghĩa là một đầu hơi dẹt, đầu kia hơi nhọn. Ngoài ra tổ chim khác hang rắn, hang trăn. Cái tổ này nằm lộ thiên bên hốc đá dưới tàng cây lớn. Còn hang rắn họăc hang trăn nằm sâu dưới đất. Thôi, để tôi kể tiếp. Mấy người kia mừng quá, rồi vội sang gùi để có một cái gùi trống, lót lá vào cho êm, hai ba người cẩn thận khiêng hai cái trứng cho vào gùi, một người mang gùi trứng, những người kia cũng cho gùi lên vai, rồi hè nhau chạy nhanh xuống núi. Tôi định khuyên họ đừng lấy hai cái trứng ấy, để sau này nó nở thành chim đại bàng, chim khổng lồ, quý biết mấy. Nhưng thấy họ hăm hở quá nên tôi không dám cản. Mà cậu có biết tại sao họ phải chạy lẹ không? Họ sợ chim mẹ bay về thì nguy hiểm lắm. Khi đã trở về chòi an toàn, mấy người đó mới tỉnh người ra nói với nhau mang trứng về làm chi. Ăn? Không lẽ ăn sống, nồi chảo đâu đủ lớn để luộc trứng? Không lẽ mang trứng lên núi trả lại chỗ cũ? Có người đưa ý kiến lấy dao nhọn đục một lỗ tròn trên cái trứng, rồi múc lòng trứng ra nấu ăn dần. Nãy giờ tôi nói lan man nhiều chuyện quá, lạc đề. Phải trở lại cây ớt.”

Ông Tiến vui vẻ đáp:

“Càng lạc đề càng vui. Tôi ưa nghe những chuyện lạc đề lắm, nhất là chiều nay ở nhà một mình chẳng biết làm gì. Vậy để tranh thủ, trong khi tôi soạn cái gì ăn, anh cứ tiếp tục kể chuyện giùm tôi.”

“Sao lại kể chuyện giùm,” ông Huy bắt bẻ, “trật bét. Hồi nãy tôi xài chữ giùm đúng, cậu giữ giùm tôi cây ớt, cậu bán giùm tôi chiếc xe. Bây giờ cậu cũng lại bắt chước, anh kể chuyện giùm tôi.”

“À, tôi bị mấy cô y tá hút hồn ấy mà, chứ không phải tôi bắt chước anh đâu. Bác kéo cái tay áo lên giùm cháu để cháu đo áp huyết. Chú đưa giùm cháu cánh tay kia để cháu lấy máu. Anh nằm yên lên cái ghế dài này giùm em nhé, bác sĩ vô ngay bây giờ... Bia nghe.”

“Ừ bia. Nhưng chuyện của tôi có hay ho gì đâu mà cậu cứ làm bộ quan tâm. Xạo hả? Tôi sống trong rừng mấy tháng thì da dẻ tái mét như đang mang bệnh. Tôi sợ bị sốt rét rừng. Ăn uống bữa có bữa không là chuyện thường, gặp rắn rết, thú dữ cũng không ngán, chỉ sợ nhất là muỗi rừng, sốt rét ngã nước. Đêm nằm ngủ không có mùng màn, chỉ còn cách đốt lửa hun khói chống muỗi. Thì bỗng một hôm, vừa dứt mùa lạnh, sau mấy cơn mưa, hồi đó chúng tôi chưa bắt liên lạc được với vài người thân tín dưới kia, chúng tôi đi kiếm nấm. Sau trận mưa, nấm mọc mau. Tình cờ thấy mấy cây ớt mọc xúm xít dưới tàng một cây cám khá to. Anh nói gì? Đúng vậy, cây đó gọi là cây cám, trái trông y chang như trái sa-bô-chê, thịt dai, ăn vừa chua vừa ngọt. Có chát không hả? Ừ thì cũng hơi chát, trái rừng nào mà lại không chát. Nhưng tôi phải kể tiếp chuyện cây ớt cái đã. Nghe nói ăn ớt nhiều trừ được sốt rét. Thấy ớt tôi mừng quá, há hốc mồm ngắm nghía, ô, mấy nụ hoa trắng li ti đẹp hơn bất cứ loài hoa nào trên cõi đời này. Thế là sẽ có ớt ăn rồi.”

Ông Tiến chen vào, cười khì khì:

“Tôi biết rồi, nó đẹp là vì anh sắp thịt nó chứ gì. Bông ớt mà đẹp nhất!”

“Ừ thì không đẹp nhất. Tôi đang ngẩn người vì sung sướng bỗng chợt nghĩ, giật mình. Tại sao có ớt nơi này. Ớt chịu lạnh dở lắm, không thể sống qua nổi mùa đông lạnh lẽo trên cánh rừng này. Vậy những cây ớt ấy phải do người lạ mới đến đây trồng. Ai vậy? Công an? Bộ đội? Nguy quá. Tôi nói lên điều đó, mấy người kia chỉ cười lặng lẽ tỏ vẻ không quan tâm. Tôi quay lại nhìn kỹ mấy cây ớt một lần nữa. Nó không được tốt mấy, còn nhỏ mà đã có vài lá vàng. Nhìn kỹ hơn thấy ớt mọc trên lớp đất mùn, lẽ ra phải tươi tốt chứ. Tôi cúi xuống đưa ngón tay thử quẹt lên lớp mùn, thì ra đó chỉ là một lớp mỏng thôi, và ngón tay đụng ngay một rể cây to bên dưới. Ai lại trồng ớt trên rể cây to bao giờ, đó là... đó là ớt mọc hoang rồi. Nhưng quanh đấy không hề có một cây ớt nào khác, thế tại sao có những cây này. Tôi nghĩ mãi không ra. Cậu có biết tại sao không? Bỗng tôi nhớ bà nội tôi ngày xưa, bà cầm cây sào xua đuổi lũ két bay đến vườn quấy phá mấy bụi ớt. Bà nội già quá, hò hét không ra tiếng, đuổi lũ két chúng nó không sợ, phải lấy cây sào huơ huơ. Có lẽ là như thế này, két, nhồng ưa ăn ớt, bay tới một khu vườn nào đó cách nơi chúng tôi ở khá xa, phá ớt của một bà nội nào đó, bị đuổi nà nhưng mỏ vẫn không quên tha theo một vài trái ớt chín đến đậu trên cây cám này, xong lấy chân và mỏ xé ớt ra ăn làm văng ra mấy hột, và nó rơi xuống đám đất mùn bên dưới, mọc lên thành mấy cây ớt. Tôi cho đó là lối suy diễn rất đúng và nói cho bọn họ hay, nhưng họ cũng chỉ nhìn tôi cười cười, chẳng nói năng gì. Tôi bứng mấy cây ớt ấy mang về trồng bên dưới cái chòi.”

Ông Tiến đề nghị kiếm cái gì ăn cái đã rồi tiếp tục câu chuyện. Nói xong ông đứng dậy, chạy vội đến vòi nước lấy đầy nước vào ấm bắc lên lò ga đun lên, lại lấy cái chảo đặt lên trên miệng lò khác, rồi mở tủ lạnh lôi ra đủ thứ hằm bà lằng, rồi lấy thớt, lấy dao định gọt cà-rốt, khoai tây, xắc cà chua, cải bắp, lại bỏ dao xuống định chạy ra vườn hái thêm cái gì đó, nắm hành lá, nắm rau thơm chăng, này anh Huy chờ tôi một chút nhé, đồ ăn có ngay, lẹ lắm, nhưng ông Huy cản, bảo làm sao mà lẹ được, thôi có gì ăn đại đi cho rồi, ông Tiến cười thích chí, thế thì còn gì bằng, mì ly nghe, ông Huy ừ, ông Tiến lại chạy ra ga-ra mang vào hai cup mì, lột lớp bao giấy bên ngoài, nước vừa sôi, chế nước sôi vào hai cup, lấy hai đôi đũa gác ngang lên trên hai cup, rồi hai tay chùi vội vội vào chiếc quần jeans đang mặc, đến ngồi trở lại chỗ cũ:

“Rồi sao nữa? Đem ớt về chòi rồi sao nữa?”

“Thì... thì trồng chớ còn sao nữa. Ớt lớn mau như thổi. Mùa nắng năm đó chúng tôi lấy hột trái ớt chín ương thêm nhiều cây ớt con khác, chăm sóc kỹ lưỡng, gầy thành một vạt ớt xanh um, chỉ vài tháng sau đâm hoa kết trái. Chúng tôi tha hồ ăn ớt, bữa ăn nào cũng có một chén ớt đầy, ăn riết quen miệng, không có miếng ớt không nuốt nổi miếng cơm.

Tuy chúng tôi đồng ý với nhau rằng ớt ngăn ngừa được sốt rét, nhưng buổi tối nằm ngủ vẫn không quên đốt lửa hun khói đuổi muỗi. Phải không anh, đồng ý với nhau là một chuyện, nhưng lỡ cái ý đó sai thì sao. Vả lại ban đêm khí rừng buốt giá, không có đống lửa không tài nào ngủ nổi. Rồi mùa lạnh đến, ớt chết lần mòn cho đến cây cuối cùng. Tôi đã biết như thế, một mặt cho ớt ngâm muối đầy ba bốn lọ để ăn dần, mặt khác lựa những trái to chín cây đem phơi nhiều nắng làm giống cho mùa sau. Cứ thế quanh năm suốt tháng luôn luôn có ớt ăn, mùa nắng ăn ớt tươi, mùa lạnh ăn ớt ngâm nước muối.”

“Không lẽ ăn cơm, khoai, sắn, họăc hột giẻ, trái đười ươi... với ớt thôi sao?” Ông Tiến hỏi cho có hỏi.

“Có món khác nữa chứ. Chẳng hạn bắt được chồn, ếch, cóc, nhái. Có khi bẫy được mễn, nai, chim. Hoặc câu cá. Ăn không hết thì làm mắm họăc phơi khô để dành. Ớt chỉ là món gia vị. Nhưng từ đó, ghiền nó luôn. Không có ớt không thể nào nuốt trôi miếng cơm trong miệng.”

“Nhưng trong rừng làm gì có cơm?”

“Mãi mới nghe anh hỏi một câu hay. Đúng, trong rừng không có cơm. Trong mấy tháng đầu thôi. Nhớ và thèm cơm như bé con thèm sữa mẹ. Khi bắt được liên lạc với người miệt dưới, chúng tôi đổi đồ rừng lấy gạo, muối. Sau đó đổi lấy lúa định làm ruộng.

Một hôm anh bạn trẻ nhất trong nhóm trở về chòi quá trễ. Trăng rằm đã lên quá đỉnh đồi gần đấy, hôm đó tôi không ngủ được, trở mình hoài trên lớp lá khô, nhìn trời. Mặt trăng xanh lè, gió mạnh, ngọn cây đu đưa. Cú rúc nghe chán mớ đời. Còn ve rừng thì chẳng kể ngày đêm kêu hoài không dứt. Hắn biết tôi đang còn thức đến kể cho tôi nghe câu chuyện ly kỳ. Thế này, hắn mải tìm mật ong và nấm đi lạc vào gần một ngôi làng người Thượng cách vùng Suối Vàng không xa lắm, và hắn gặp chuyện lạ. Nhiều cô cậu cỡ lứa tuổi 19, 20. Khác hẳn những người lớn tuổi trong vùng, đám choai choai này tóc vàng mắt xanh, mũi cao, thân hình vạm vỡ, trai cũng như gái, mà con gái thì đẹp tuyệt trần. Ăn mặc cũng giống như những người Thượng khác, rất thô sơ, con trai nhiều đứa ở trần đóng khố, con gái mặc váy, đi chân đất, cũng mình trần, ngực phừng phừng, hắn trông quá đã. Hắn nói tội nghiệp tụi này ghê, đẹp như thế mà không có áo quần ăn mặc cho đàng hoàng.

Sáng hôm sau, vừa thức dậy, tôi đem chuyện được nghe hồi khuya ra nói với mọi người. Chúng tôi bàn tán với nhau mãi. Mặt trời đã lên khỏi ngọn đồi mà chẳng ai hay. Cuối cùng tôi đưa ra ý kiến như thế này, và mọi người lần này chăm chú nghe tôi hơn, và đồng ý: Đúng là Thượng lai Mỹ. Chắc có thời có một đơn vị Mỹ nào đó đóng đồn gần vùng Suối Vàng. Lính tráng mà, xa vợ con, xa gái lâu ngày, thế nào cũng có dăm ba “chú lính chim két” bay đi kiếm ớt ăn, rồi tha hột gieo giống lung tung.

Những ngày sau đó, lúc nào có dịp chúng tôi lại đem chuyện người Thượng lai Mỹ ra nói cho nhau nghe, hay đúng hơn tôi nói cho họ nghe, và thêm mắm thêm muối, và tưởng tượng ra lắm chuyện. Họ không quan tâm lắm, nhưng tôi bắt đầu bần thần nghĩ ngợi. Có lúc tôi muốn mò mẫm đến gần Suối Vàng xem thử ra sao. Không phải chỉ cốt dòm những cái “ngực phừng phừng” mà thôi, tôi còn lo ngại nhiều điều. Biết đâu cánh tay nối dài của công an Việt Cộng đã len lỏi vào khu người Thượng lai Mỹ, rồi nối dài thêm nữa để vô đây thộp cổ mình. Hơn nữa tôi tự hỏi không lẽ mình sẽ sống mãi trong những xó rừng với đám người cùng khổ này. Trước đây, trong lúc hoảng hốt, tôi bung bậy, gặp đâu bung đấy, thế thôi. Nay cảm thấy bồn chồn, lo lắng.”

“Đúng vậy,” ông Tiến chêm vào. “Đi không biết đi đâu, ở không biết ở đâu. Tội nghiệp cho ông anh của tôi quá.”

“Qua vài lần nói chuyện với người miệt dưới lên mua hay đổi đồ, tôi biết một ít tin tức. Cuộc sống bây giờ rất kẹt, thở không muốn nổi, trại giam mọc lên khắp nơi. Nhiều người bỏ nước ra, đi bằng đường bộ, đi bằng đường biển, chết dọc đường, dọc biển, không biết bao nhiêu mà kể. Mà họ vẫn cứ đi. Đi đâu chả biết. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thoạt nghe tin tức ấy. Nhưng nhìn lại cuộc sống hiện nay của tôi, tôi nghiệm ra rằng tôi cũng phải bỏ nước ra đi như họ. Ừ, người ta đi được thì mình cũng đi được, người ta chết được thì mình cũng chết là cùng. Tôi thử bàn sơ sơ với vài người trong bọn về chuyện đi thật xa, xa lắm, chứ không nên ở mãi vùng rừng núi lạnh lẽo này. Mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên về ý kiến của tôi, và im lặng. Tôi hỏi nà, họ lắc đầu. Đó là tôi chưa nói chuyện bỏ nước ra đi. Cuối cùng tôi giã từ những người không buồn không vui ấy. Họ cũng có chút quyến luyến, nhưng tôi thì quyến luyến họ nhiều lắm, đi không muốn rời.”

Ông Huy ngừng kể, rồi cùng ông Tiến cầm đũa ăn mì ly, đã nguội, uống bia lạnh. Chỉ một nhoáng họ ăn xong. Ông Tiến đưa đẩy câu chuyện ngay:

“Anh Huy ơi, nếu là tôi, tôi sẽ tính khác.”

“Tôi biết rồi, cậu sẽ mò về vùng Suối Vàng xin làm rể của cái làng Thượng lai Mỹ phải không?”

“Ủa, sao anh đoán giỏi thế.” Ông Tiến vui vẻ trả lời. “Nhưng rồi anh đi đâu?”

“Ở rừng gần một năm trời, thấy đường đi hiểm trở, chông gai, lạng quạng dễ bị thộp, nên tôi tìm cách đi về vùng biển. Tôi có hành lý gì đâu, chỉ mang theo một gói ớt chín, lựa từ những trái lớn nhất đã phơi nhiều nắng. Tự nhiên tôi có niềm tin rằng chừng nào tôi trồng được giống ớt này ở một nơi nào khác, nơi tôi sắp đến, thì tôi vẫn còn sống sót trên cõi đời này. Niềm tin ấy do tôi tự tạo nên để có chút dị đoan, chút hy vọng chăng, hay do trời đất thương hại mà ban cho tôi, tôi cũng không biết nữa.

Tôi né những trạm gác, những đồn công an, những doanh trại, đi vòng qua ngõ Phước Long, xuống Gia Ray, về Long Khánh, và cuối cùng đến trốn miền Phước Tĩnh. Tới đây, chỉ hơn một tuần sau tôi xin được việc làm trong một gia đình đánh cá khá giả. Tôi không có tay nghề, người ta cho tôi phụ việc vá lưới, đan lưới, thỉnh thoảng theo thuyền ra khơi phụ kéo lưới, dăng câu. Tiền công là miếng ăn hằng ngày, thế là đã quá tốt rồi. Tôi làm việc rất chăm chỉ, cần cù, chờ dịp thoát thân. Hình như chủ nhà cũng biết ý đồ đó của tôi, nhưng họ không tỏ vẻ khó chịu.”

“Tôi xin ngắt lời anh một tí. Tôi không biết gì về nghề đi biển, nhưng câu cá, kéo lưới thì cũng đoán ra được. Còn dăng câu là làm cái trò gì?”

Ông Huy đến mở tủ lạnh lấy thêm một chai la-de uống một nửa ngay từ trong chai, xong trả lời:

“Nói ra thì dài, đại khái như thế này. Dùng sợi cước to, to cỡ một nửa tư chiếc đũa, và dài khoảng một vài trăm thước, tùy mình, dăng ngầm dưới mặt nước biển. Làm sao dăng hả, dễ lắm, ở hai đầu mút của sợi cước cột hai cái phao lớn. Hai phao nổi này nối liền với hai tảng đá thả xuống đáy nước. Nhờ có phao nổi bên trên, đá trì bên dưới, sợi cước dài đó được căng ra. Trên mỗi phao cắm một lá cờ để làm dấu. Nói là cờ chứ thật ra là miếng vải màu vàng màu đỏ màu nâu gì đó cho dễ thấy. Đừng màu xanh, lẫn với nước biển. Dọc theo sợi cước dài, giữa hai chiếc phao lớn, thả thêm năm bảy cục đá nhỏ nối liền với những cái phao nhỏ khác bên trên để tăng cường giữ dây cước to khỏi bị chùn. Cuối cùng cột rải dài theo sợi cước lớn vài ba trăm sợi cước nhỏ đã gắn sẵn lưỡi câu và mồi ở đầu mút, những sợi cước nhỏ này tạo thành một cái rèm đu đưa dưới mặt nước để mời cá đến ăn.”

“Anh có đi dăng câu không?”

“Không, nhưng nhìn họ làm là biết ngay.”

“Vậy anh làm gì?”

“Tôi theo chủ tàu làm việc lặt vặt như gắn mồi, gỡ cá khỏi lưỡi câu thảy vào khoang thuyền, đập nhuyển, xay nhuyển các cây nước đá để ướp cá, sắp cá vào trẹt, vào rổ. Khi rảnh thì đi nấu bếp, họăc lau chùi sàn tàu, dụng cụ v.v... Làm việc luôn tay. Khỏi tắm rửa. Dơ lắm thì nhảy xuống biển kỳ cọ. Lâu lâu mới được tắm nước ngọt một lần. Phải có sức khỏe mới làm nghề đánh cá được.”

“Mà đánh cá gì?”

Ông Huy cười xòa:

“Anh làm nhà báo phỏng vấn tôi hả? Thế thì để tôi kể tên những thứ cá thường gặp. Cá thu, cá chim, cá sủ, cá bớp, cá kẻn, cá hồng, cá dưng, cá nhồng, cá bẹ, cá mú, cá hố, cá rựa, cá dao -- hố, rựa, dao trông na ná nhau -- cá lờn bơn, cá ngừ, cá nục, cá trích, cá mòi, cá vân vân. Những con cá miệng nhỏ như cá chim không dăng câu được. Tụi nó ít chịu ăn mồi móc trên lưỡi câu, thì phải đánh lưới. Thỉnh thoảng tàu chúng tôi đi dăng câu cá mập, cá mập to và mạnh nên chỉ dăng được độ hai chục lưỡi câu thôi, lưỡi nào lưỡi nấy to bằng ngón tay, mỗi lưỡi móc ba bốn con mực ống, hoặc nguyên nửa con cá thu lớn.

Mùa hè trời tốt đi xa, có khi đi cả tuần lễ, mùa biển động đi vài ngày quanh quẩn gần bờ đánh cá nục, cá trích. Sống ở biển đỡ khổ hơn ở rừng, nhưng lẽ dĩ nhiên có cơ hội là tôi biến. Vả lại tôi cũng luôn luôn tự nhắc nhở rằng trước sau gì tung tích mình cũng bị lộ, ở đây lâu thế nào cũng có ngày bị tóm cổ. Làm nghề chài ở biển quả là thức thời cho kẻ muốn bốc hơi như tôi. Chỉ ba tháng sau, dịp may đến. Chủ tàu cho tôi được tháp tùng một chiếc thuyền nhỏ chạy “tắc-xi” ra tàu lớn vượt biên. Đố cậu trước khi đi tôi làm gì?”

“Thì anh đóng tiền cho người ta.”

“Trật, mình cũng coi như dân biển nên chủ tàu cho đi chùa mà. Với lại tiền đâu mà đóng.”

“Nhậu một bữa cá cho đã, có rượu đế tộng vào, bù cho những ngày đói dài dài trên biển sau này.”

“Cũng trật.”

“Dặn chủ nhà đừng đi báo công an.”

“Càng trật. Chủ nhà có lòng tốt, đã cho mình ở, rồi cho mình đi, làm gì có chuyện báo công an. Đa nghi vừa vừa thôi chứ. Mà nếu họ muốn báo, mình dặn cũng vô ích.”

“Thì... tôi bí.”

Ông Huy cười:

“Cậu không bao giờ nói trúng đâu. Tôi đến một hốc đá cách khá xa bờ biển cho khỏi bị nước tràn lên để... để làm gì, cậu đoán thử một lần nữa xem sao.”

Ông Tiến cười khoái trá:

“Lần này dễ ợt. Anh tới đó tìm hai cái trứng khủng long.”

“Đúng quá. Tôi đến lấy gói ớt nhét vào người mang theo. Anh biết không, hôm đầu tiên đến nơi này tôi đã quan sát chung quanh xem có nơi nào giấu được ‘lá bùa hộ mệnh’ của tôi. Bằng không, làm lụng dưới thuyền, gần nước suốt ngày, gói ớt sẽ bị ướt, sẽ thúi.”

“Thảo nào.” Ông Tiến cúi đầu có vẻ ngẫm nghĩ.

“Có lẽ tôi khỏi phải kể dài dòng ra đây những nỗi gian truân của chuyến vượt biển. Anh đã nghe quá nhiều về chuyện này rồi chứ gì. Tôi chỉ xin tóm tắt rằng sau gần một tháng chống chỏi với đói khát, với hải tặc, với cái chết gần kề, và sau hơn một năm ở trên một hòn đảo nhỏ, tôi được cho đi định cư tại nước Mỹ này. Anh biết không, tôi vượt biên khá sớm nên được cho đi định cư mau. Sau này nhiều người phải ở trên các đảo năm bảy năm là chuyện thường.”

“Tôi biết coi tướng mà.” Ông Tiến tán. “Tôi đã biết anh luôn luôn gặp may. Khỏi bị tù tội, khỏi phải ở lâu trên đảo. Mà hậu vận cũng tốt lắm.”

Ông Huy thở dài, ngập ngừng:

“Cậu nói thật hay nói đùa đấy? Hậu vận của tôi mà tốt sao, hay là... tôi sắp chết đến nơi.”

“Sao anh lại nói dại thế,” Ông Tiến có vẻ sửng sốt.

“Tôi mới kể đó mà cậu đã quên sao. Tôi có lời nguyền... hồi còn ở trên rừng, tôi nguyền rằng...”

“A, tôi nhớ ra rồi. Về chuyện cây ớt chứ gì. Nguyền với ước. Nhớ lời nguyện ước ba sinh/Xa xôi em có nhớ tình của tôi. Thơ Kiều hay thật. Nhưng nguyền với em chứ sao lại nguyền với cây ớt.”

“Thơ Kiều mà như thế à?” Ông Huy phát cáu. “Lại còn nói lung tung nữa.”

“Thế thì sao? Tôi nhớ trật? Thì đùa chút chơi, anh để ý làm gì cho mệt.”

Ông Huy cự nự:

“Không, tôi không đùa.”

“Ừ thì tôi cũng không đùa,” Ông Tiến đốp chát. “Xin nói cho rõ thêm. Khi người ta tuyệt vọng, phải kiếm cái gì đó để bám vào. Cọng rơm, cọng rác cũng bám huống là cây ớt. Qua cơn nguy khốn, qua cơn tuyệt vọng, ta giữ lại những thứ rơm rác ấy làm gì cho vướng. Chuyện cũ rồi, bỏ Tám. Hãy vui sống với hiện tại.”

“Không, tôi không đồng ý với cậu,” ông Huy nghiêm giọng. “Quá khứ, hay chuyện cũ như cậu nói, và hiện tại, và tương lai, dính vào nhau. Mất một trong ba cái đó, con người sẽ tiêu... tiêu...”

“Tiêu dên cù lúi,” ông Tiến pha trò.

Ông Huy cau mày tiếp:

“Cậu bớt mồm bớt mép một chút có được không? Nhưng cây ớt của tôi không phải là chuyện quá khứ hay hiện tại, mà là lời nguyền. Cậu không nên lẫn lộn. Và cũng nên tôn trọng chuyện riêng tư của tôi chứ.”

Ông Tiến cười toe toét:

“Tôi cho đó là thứ xa xỉ phẩm của những người đi hỏng cẳng. Cuộc đời này rất bê bối, và vô thường.”

Ông Huy đứng dậy cau có:

“Cậu nói gì tôi không hiểu.”

Ông Tiến láu lỉnh:

“Tôi cũng không hiểu tôi nói gì.”

“Tiến ơi, cậu ưa nói đùa, tôi biết. Nhưng tôi không biết lần này cậu đùa hay thật. Nếu đùa thì cũng phải có giới hạn. Thôi, để khi khác nói chuyện nhiều, bây giờ tôi phải đi.”

Nói xong, ông Huy bước nhanh ra cửa. Ông Tiến giật mình bước vôi theo.

Vừa mở cửa xe ra, ông Huy la lớn:

“Lạ chưa! Cậu xem kìa.”

Dưới ghế ngồi cạnh tài xế, trong chậu sành, một cây ớt trông thật đẹp, cành lá xanh tươi, hoa trắng nhỏ điểm lốm đốm rải rác.

Bao nhiêu cái bực dọc dường như đều tiêu tan hết, khuôn mặt ông Huy rạng rỡ lên. Ông quay lại nói với ông Tiến:

“Có lẽ như thế này, có lẽ hồi nãy tôi đậu xe dưới bóng cây, lại không quây cửa kính lên nên gió nó vào, cây ớt không bị ngộp, mà trời lại mát dần. Thế là nó sống lại. Tốt quá, tốt quá.”

Ông Tiến chạy qua mở cửa bên kia, khệ nệ bưng chậu ớt ra khỏi xe. Ông Huy vui vẻ nói một hơi:

“Ớt dễ trồng lắm. Có điều là nó sợ lạnh và cần tưới nước. Vài ba ngày phải tưới một lần. Mùa đông nó rụng hết lá nhưng nó không chết đâu, cứ lấy dao cắt ngang thân của nó. Thế là qua mùa xuân năm sau nó lại mọc đọt mới, cành mới, lá mới. Rồi đâm bông, kết trái, xanh, rồi đỏ, thật là vui mắt. Ớt này ăn ngon tuyệt. Ai không biết ăn ớt thì trồng nó như cây kiểng. Nhớ là vai ba ngày tưới một lần, vài ba tháng cho nó chút phân, hay tưới fish emulsion cũng được. Tiến có biết fish emulsion không, mua tại Home Depot nào cũng có.”

Ông Tiến không đùa cợt nữa, nói như van lơn:

“Anh ở lại chơi với tôi nhé. Tôi hay nói quá trớn, xin anh bỏ qua.”

 

 

------------

Đã đăng:

Nghĩ về Võ Phiến  (tiểu luận / nhận định) 
... Nhà điêu khắc người Pháp, Auguste Rodin, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được người đời cho rằng có hai bàn tay phù thuỷ, đụng phải vật gì, cục đất, hòn đá, khúc cây, là rút ra được ngay cái bí ẩn sâu kín và đẹp đẽ của nó, là nắm bắt ngay cái thần thái của nó, để tạo nên những tác phẩm bất hủ. Võ Phiến cũng không khác. Những gì quanh ta dù lớn, dù nhỏ, hoặc có vẻ ù lì, tầm thường, khó nhận diện, qua cái nhìn đầy khám phá của Võ Phiến, sẽ có ngay một linh hồn, một sức sống. Đó là ngoại cảnh. Ông lại không ngừng đi dò tìm thăm thẳm vào nội tâm con người... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021