thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài thơ "SCHEMA" của Dan Graham: cuộc truy tầm vô hạn trong thế giới vật chất?

Khi đọc một bài thơ, ta thường có thói quen đọc những chữ trên trang giấy theo cách bài thơ được viết ra, nghĩa là đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Ta không đọc trang giấy trắng trên đó bài thơ được in. Đối với ta, trang giấy trắng chỉ là một cái nền trung tính, không có ý nghĩa gì. Ta không thấy có gì khác biệt khi một bài thơ được in trên những loại giấy, khổ giấy, màu giấy khác nhau, hay được xếp theo những loại mặt chữ, khổ chữ, dáng chữ khác nhau. Cùng lắm, ta chỉ có cảm giác về chất lượng giấy (ví dụ, loại sang hay loại rẻ tiền), hay về hình thức xếp chữ, trình bày (ví dụ, mặt chữ này trông thích mắt; khổ chữ này hơi nhỏ, khó đọc, v.v...). Bối cảnh vật chất (chẳng hạn như trang giấy, mặt chữ, khổ chữ, v.v...) của bài thơ, quả thực, không đóng vai trò nào quan trọng, vì cái ta thường gọi là thơ hầu như không có gì liên hệ lắm tới bối cảnh vật chất của nó. Rõ ràng, nhiều khi ta chỉ cần nghe đọc (xướng), hay ngâm, là đủ để thưởng thức một bài thơ; miễn là ta nghe thật rõ từng chữ, từng lời.

Như thế, khi giở một tập thơ, ta thường không lưu ý mấy đến trang giấy hay cách xếp chữ, mà chỉ lưu ý đến cái được viết. Cái này (chữ, ngữ, câu) không được ta xem như những dấu hiệu hay hình ảnh (để nhìn hay ngắm), mà được ta xem như những phương tiện để chuyên chở hay biểu hiện ý tưởng, tâm tình, sự việc, sự vật, tình tiết (tức là cái để đọc). Bởi thế, ta đọc thơ, chứ không xem thơ hay quan sát thơ.

Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, ta cũng khó chối cãi rằng bối cảnh vật chất của bài thơ, ít ra, cũng có một ảnh hưởng nào đó lên cách đọc và thưởng thức của ta. một chữ được in nghiêng bất ngờ xuất hiện giữa những chữ in thường bao giờ cũng gây một ấn tượng nào đó. Vì thế, khi ta xướng một bài thơ, hẳn là ta tìm cách diễn tả những chữ được in nghiêng với một thái độ đặc biệt hơn (ví dụ, thay đổi cường độ, tốc độ, cao độ, trường độ, hay âm sắc của giọng đọc). Bối cảnh vật chất của bài thơ quả có ảnh hưởng ít nhiều lên cách đọc và thưởng thức thơ, nhưng nhiều nhà thơ hiện nay vẫn chỉ cho phép nó tham dự vào "cõi thơ" ở một mức độ nào đó mà thôi. Lời thơ vẫn được xem là chủ yếu, hình thơ vẫn bị xem là phụ thuộc.

Tuy vậy, từ những năm 60, đã có một số nhà thơ sớm chấp nhận việc sử dụng các chữ như những dấu hiệu biểu hình trên "ảnh trường" là trang giấy. Từ đó, càng ngày họ càng trở nên nhạy cảm hơn đối với khả năng diễn tả của những khoảng cách giữa các chữ được xếp trên trang giấy và mức độ biểu ý phát sinh từ các kiểu trình bày khác nhau. Khung giấy bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong việc cấu tạo thơ. Và cũng từ đó, cái vốn dĩ là bối cảnh vật chất của bài thơ trở thành cái chủ yếu, cái đặc trưng. Nó không còn nấp sau bài thơ để giúp thêm sức cho bài thơ diễn tả. Nó trở thành thơ.

Trong tiểu luận này, người viết muốn đưa ra một ví dụ có khả năng biểu diễn hành động làm thơ theo cách nêu trên đồng thời trình bày vài phát hiện đáng gọi là thú vị về những ví dụ đó.



Năm 1966, Dan Graham[1] sáng tác một bài thơ có nhan đề SCHEMA. Mười lăm năm sau, bài thơ được Richard Kostelanetz sưu tập và đăng lại trong cuốn The Old Poetries and The New [2] do Ban Tu Thư Viện Đại Học Michigan ở Ann Arbor, Hoa Kỳ, xuất bản năm 1981. Có lẽ đây là một trong những tác phẩm sớm nhất qua đó những đặc trưng vật chất của bài thơ được xem thơ. Trước hết, ta hãy đọc (hay nhìn) trọn vẹn bài thơ in lại dưới đây.

SCHEMA

(number of)                     adjectives
(number of)                     adverbs
(percentage of)                area not occupied by type
(percentage of)                area occupied by type
(number of)                     columns
(number of)                     conjunctions
(number of)                     depression of type into surface of page
(number of)                     gerunds
(number of)                     infinitives
(number of)                     letters of the alphabet
(number of)                     lines
(number of)                     mathematical symbols
(number of)                     nouns
(number of)                     numbers
(number of)                     participles
(perimeter of)                  page
(weight of)                      paper sheet
(type)                             paper stock
(thinness of)                   paper stock
(number of)                    prepositions
(number of)                    pronouns
(number of point)           size type
(name of)                       typeface
(number of)                    words
(number of)                    words capitalized
(number of)                    words italicized
(number of)                    words not capitalized
(number of)                    words not italicized

Nếu ta chịu khó xoá bớt những định nghĩa của riêng ta về cái gì đáng gọi là thơ, hy vọng ta có đủ kiên nhẫn để "thưởng thức" bài thơ này. Trước hết, ta khởi sự tiếp cận nhan đề của bài thơ, chữ SCHEMA mô tả thật chính xác cái ta nhìn thấy trong toàn bài: một sơ đồ có hệ thống về các đặc trưng vật chất của bài thơ. Đọc kỹ, ta thấy bài thơ quả thực là một kế hoạch nhằm thực hiện việc tái cách tân chính bản thân nó - bài thơ - mỗi lần nó được chép hay in lại trên giấy.

Phần chữ trong ngoặc đơn đòi hỏi người đọc quan sát kỹ bài thơ và thay vào đó bằng những dữ kiện chính xác đã thu lượm được. Chẳng hạn, hàng chữ đầu tiên "(number of) adjectives" đòi hỏi ta phải tìm và đếm tất cả các tính từ trong toàn bài. Như thế, căn cứ theo hiện trạng bài thơ, ta phải đọc hàng chữ đầu tiên là "(1) adjectives", hàng thứ nhì là "(3) adverbs", và cứ thế tiếp tục đến hết bài.

Căn cứ theo những đặc trưng vật chất hiện có trong bản in trên đây, bài thơ có thể được đọc như sau:

SCHEMA

(1)                          adjectives
(3)                          adverbs
(70%)                     area not occupied by type
(30%)                     area occupied by type
(2)                          columns
(33)                        conjunctions
(635)                      depression of type into surface of page
(0)                          gerunds
(0)                          infinitives
(24)                        letters of the alphabet
(28)                        lines
(1)                          mathematical symbols
(68)                        nouns
(0)                          numbers
(6)                          participles
(105x148.5mm)     page
(0.01g)                   paper sheet
(bond)                    paper stock
(80gsm)                 paper stock
(0)                         prepositions
(0)                         pronouns
(10 pt)                   size type
(Times)                  typeface
(112)                     words
(1)                         words capitalized
(1)                         words italicized
(111)                     words not capitalized
(111)                     words not italicized

Cách đọc trên đây có một số điểm khó đạt sự chính xác. Ở hàng chữ "(70%) area not occupied by type" và "(30%) area occupied by type", những tỷ lệ chỉ tạm được phỏng đoán bằng mắt. Những dữ kiện khác như "(105x148.5mm) page", "(0.01g) paper sheet", "(bond) paper stock", "(80gsm) paper stock", "(10 pt) size type", "(Times) typeface", cũng có thể hoàn toàn sai, vì nhà xuất bản (nơi ấn hành cuốn sách quý vị đang cầm trên tay) có thể sẽ chọn khổ giấy, loại giấy, độ nặng/nhẹ, dày/mỏng của giấy, khổ chữ, mặt chữ hoàn toàn khác với hiện trạng của bài thơ lúc người viết sắp chữ tại bàn viết của mình. Và như thế, người đọc phải tự điều chỉnh các dữ kiện một cách thích ứng.

Một điểm thú vị khác của bài thơ là ở chỗ nó không cho phép ta ngừng hành động tái cách tân hay tái chỉnh lý nó qua lần đọc đầu tiên, bởi các dữ kiện sinh ra từ lần đọc đầu tiên lại tiếp tục bắt buộc bài thơ phải được tái cách tân hay tái chỉnh lý sâu xa hơn. Ví dụ, bắt đầu từ nguyên tác, ta thấy hàng chữ "(number of) numbers"; tìm khắp bài, ta không thấy bất cứ con số nào, nên đọc là "(0) numbers". Nhưng sau khi đọc lại lần đọc thứ nhất, ta thấy rất nhiều con số đã xuất hiện (chính số không (0) đã là một con số, do đó, "(0) numbers" là nghịch lý). Sau khi cẩn thận đếm lại từng con số, ta phải tái chỉnh lý hàng chữ ấy thành "(50) numbers"[3]. Các hàng chữ khác cũng cần được xét lại. Kết quả tạm ghi nhận như sau:

SCHEMA

(1)                         adjectives
(3)                         adverbs
(75%)                    area not occupied by type
(25%)                    area occupied by type
(2)                         columns
(6)                         conjunctions
(475)                     depression of type into surface of page
(0)                         gerunds
(0)                         infinitives
(24)                       letters of the alphabet
(28)                       lines
(3)                         mathematical symbols
(45)                       nouns
(50)                       numbers
(6)                         participles
(105x148.5mm)     page
(0.01g)                   paper sheet
(bond)                    paper stock
(80gsm)                 paper stock
(0)                         prepositions
(0)                         pronouns
(10 pt)                   size type
(Times)                  typeface
(56)                       words
(2)                         words capitalized
(1)                         words italicized
(54)                       words not capitalized
(55)                       words not italicized

Bài thơ vẫn chưa cho phép ta dừng lại ở lần đọc thứ nhì, bởi các dữ kiện sinh ra từ lần đọc thứ nhì lại tiếp tục bắt buộc bài thơ phải được tái cách tân hay tái chỉnh lý sâu xa hơn. một trong những điều dễ nhận ra nhất là tổng số các con số được in xuống mặt giấy lại cần phải được thay đổi. Ta tìm thấy trong nguyên tác không có con số nào được in xuống mặt giấy, do đó ta đã ghi nhận "(0) numbers" trong lần đọc thứ nhất. Nhưng khi xem lại kết quả của lần đọc thứ nhất, ta lại phát hiện có 50 con số được in xuống mặt giấy. Dữ kiện này được ghi nhận bằng hàng chữ "(50) numbers" trong lần đọc thứ nhì. Bên cạnh đó, một loạt những dữ kiện khác cũng cần được thay đổi. So sánh giữa hai lần đọc, ta thấy sự khác biệt xảy ra rất nhiều trên nhiều phương diện. Nếu ta tiếp tục đọc lại lần đọc thứ nhì, những dữ kiện mới lại sẽ sinh ra và được ghi nhận trong lần đọc kế tiếp. Tiến trình này sẽ tiếp diễn không biết chừng nào mới kết thúc, nếu ta cứ tiếp tục quan sát và ghi nhận như thế. Đó là chưa kể đến việc ta có thể in lại bài thơ trong những điều kiện vật chất khác (như thay đổi loại giấy, khổ giấy, mặt chữ, khổ chữ, v.v...), khiến những dữ kiện mới lạ lại được sinh ra nữa.

Rõ ràng rằng bài thơ này chỉ được thưởng thức đúng cách (và đúng mức?) khi ta đặt sự hiện hữu của nó vào mối tương quan mật thiết với tất cả những đặc trưng vật chất của chính nó. Nó không thể hiện hữu ngoài khung giấy và tất cả những điều kiện vật chất liên hệ. Chúng ta tuyệt đối không thể thưởng thức nó qua cách nghe đọc. Đọc (xướng) nó lên, là ta đã bứng nó ra khỏi nguồn sống của nó. Ta không thể thưởng thức vẻ đẹp của con cá đang bơi, nếu ta đem con cá ra khỏi chậu kiếng và thảy nó lên mặt bàn. Con cá sẽ vùng vẫy điên rồ trên cạn cũng như bài thơ này nghe thật "quái đản" khi ta xướng nó lên.

Bài thơ này cũng không phải chỉ để xem như xem tranh (dù, như ta đã nhận thấy, nó có thể làm ta thích thú qua sự biến hình liên tục sau mỗi lần được đọc lại). Trước hết ta nhìn thấy nó, xem nó, và ta đọc qua những hàng chữ. Nhưng nếu ta dừng lại ở đó và thắc mắc về ý nghĩa của nó, là có thể ta đã đi sai đường rồi. Ta phải quan sát, tìm kiếm các dữ kiện mà nó đòi hỏi. Ta phải ghi nhận và tiếp tục ghi nhận những dữ kiện mới sinh ra qua mỗi lần đọc. Nếu ta chịu để nó dắt ta đi, ta mới bắt đầu cảm thấy thú vị hơn. Ta không thể đòi hỏi bài thơ cung cấp cho ta bất cứ ý nghĩa nào ngoài sự hiện hữu của chính nó, một sự hiện hữu không thể được diễn tả bằng cách nào khác hơn là những dữ kiện vật chất cụ thể đo được và đếm được trong chính bản thân nó. Chính những dữ kiện này và tính cách đổi thay liên lỉ của nó đem đến cho bài thơ một hiện hữu luôn luôn sinh động.



Trước khi tiểu luận này nên ngừng lại để người đọc tiếp tục theo dõi sự phát triển của bài thơ SCHEMA, tôi muốn trình bày thêm vài điều tôi đã phát hiện khi quan sát kỹ về hình thức của bài thơ. Những phát hiện này còn ở dạng đơn sơ, cần thêm nhiều suy nghĩ và thì giờ để đào xới và khai triển. Trước hết, tôi thấy Dan Graham dường như muốn bao gồm hết những đặc tính vật chất của mọi bài thơ trong một bài thơ. Thật ít những đặc tính chủ yếu chưa được Graham đề cập đến.[4] Bảng liệt kê các đặc tính vật chất này thậm chí có thể áp dụng cho bất kỳ văn bản nào có chữ in trên giấy. Tôi cũng thấy rằng các sự kiện ở cột bên phải của bài thơ được xếp theo thứ tự chữ cái. Điều này khiến bài thơ xuất hiện dưới một dạng thức khách quan như một hệ thống điều tra khoa học. Hệ thống này điều tra về chính bản thân nó: bài thơ điều tra về chính mình, một cách khách quan và khoa học!

Tôi đã cố gắng đọc theo hệ thống phát triển của bài thơ rất nhiều lần, dù tôi trình bày lại trong phạm vi tiểu luận này chỉ có hai lần đọc để làm ví dụ. Thỉnh thoảng trong quá trình đọc, tôi vẫn bị ám ảnh bởi một câu hỏi rất cũ: "Bài thơ này muốn nói lên điều gì?" Suy nghĩ lan man, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời nào thỏa đáng. Có lúc, tôi nghĩ có lẽ bài thơ thật sự chẳng muốn nói lên một điều gì cả, nó chỉ cám dỗ ta tiếp tục truy tầm về cái thế giới vật chất của nó, và trên hành trình truy tầm, chính ta sẽ tự ý nói lên một điều gì đó, chẳng hạn, "mọi cuộc truy tầm trong thế giới vật chất rồi cũng chẳng đến đâu". Lúc khác, trong khi chạy đuổi theo những dữ kiện tiếp tục nảy sinh của bài thơ, tôi lại thoáng nhớ đến một lời của Lão Tử: Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật...

(11/1997)

_________________________

[1]Dan Graham sinh ngày 31 tháng 3 năm 1942 tại Urbana, Illinois. Hiện sống tại New York. Là một nghệ sĩ sáng tạo đa diện. Năm 1990, phê bình gia Brian Wallis đã nhận xét: "Những tác phẩm nghệ thuật và những bài bình luận của Graham đã đem đến một ảnh hưởng khổng lồ cho nền nghệ thuật đương đại trong suốt một phần tư thế kỷ [1965-1990]". Xem lời tựa cuốn Dan Graham, Rock My Religion: Writings and Art Projects, ed. Brian Wallis (Boston: Massachusetts Institute of Technology, 1993). Những tác phẩm tạo hình của Graham đã được triển lãm tại các bảo tàng viện và phòng trưng bày quan trọng trên khắp thế giới. Nhiều tác phẩm đã vĩnh viễn nằm trong bộ sưu tập của các tổ chức nghệ thuật quốc tế như: Allen Memorial Art Museum, Oberlin, Ohio; Chicago Art Institute, Chicago, Illinois; Dallas Museum of Fine Arts, Dallas, Texas; Moderna Museet, Stockholm; Musée National d'Art Moderne, Centre Georges Pompidou, Paris; Museum of Modern Art, New York; Tate Gallery, London; Van Abbemuseum, Eindhoven, The Nethelands; v.v... Những tác phẩm trình diễn của Graham theo phong cách sân khấu mở cũng tạo nên những chấn động trong quan niệm mỹ học đương đại. Các tác phẩm như Performer/Audience/Mirror (1978), Past Future Split Attention (1978), Eventworks (1980), và New Wave and Feminism (1980), đã được công diễn khắp các lục địa và thu vào video. Graham cũng là một cây bút cho ra đời nhiều tác phẩm văn chương quan trọng. Hiện nay, ông là chủ bút của tập san Art in America. Bài thơ SCHEMA được viết vào tháng Ba năm 1966. Ngoài những giá trị của nó trong lĩnh vực văn chương, nó đã đặc biệt gây chú ý đến giới tạo hình. Hiện nay, SCHEMA được mua vào bộ sưu tập Daled Collection, Brussels, và được xem như một tác phẩm quan trọng của nghệ thuật ý niệm (conceptual art).

[2]Richard Kostelanetz, The Old Poetries and The New (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1981), 143-144.

[3]Để xác định bao nhiêu lần những con số được in xuống mặt giấy, ta hãy đếm tổng số các số đơn. Ví dụ: số 0 có một con số được in xuống mặt giấy; số 635 có ba con số được in xuống mặt giấy.

[4]Tôi đã thử tìm tòi và nghĩ rằng Graham có thể cho thêm ba hàng chữ nữa vào bài thơ, đó là "(colour of) paper sheet", "(distance) between columns", và "(number of) words underlined". Nhưng tôi tự hỏi liệu hai đặc tính này có phải là chủ yếu không.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021