thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bốn bài trong TỪ LOẠI
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
Đất Bắc làm kim loại co dúm, kính thì không hề hấn gì;
miền đất ấy dạy cho cổ họng cách nói, “Hãy cho tôi vào.”
Khí lạnh đã nuôi tôi lớn, và để cho lòng bàn tay được ấm,
tôi đã chụm những ngón tay của mình quanh một ngòi bút.
 
Rét cóng, tôi nhìn thấy mặt trời đỏ lặn
phía sau đại dương, và chung quanh không nhìn ra một
bóng người. Hoặc tôi trượt gót trên băng, hoặc chính trái đất
đang xoay vòng gắt dưới lòng bàn chân tôi.
 
Và trong cổ họng tôi, nơi hẳn phải có một câu chuyện kể
hoặc một ngụm trà, hoặc nữa là một tiếng cười vô vị,
tuyết gia tăng vang động và tiếng “Vĩnh biệt!” nghe
tối mù như nhà thám hiểm[*] bị bao phủ bởi cơn bão cực nam.
 
 
                                       ●
 
 
... và khi chữ “tương lai” được thốt lên, những đàn chuột
xông ra từ ngôn ngữ Nga và gặm một
miếng ký ức đã chín lỗ chỗ với những lỗ gấp hai
lần nhiều hơn một miếng phó mát.
Sau những năm dài kẻ nào hay cái gì nằm trong góc cửa,
phủ kín này màn này trướng, chẳng còn là chuyện quan trọng,
và đầu óc anh không vang dội nốt nhạc “đô” thanh khiết,
chỉ là tiếng lao xao. Đời sống, mà chẳng ai dám đánh giá
phẩm chất, như tặng phẩm cho không,
giận dữ nhe răng toe toét mỗi lần
chạm mặt. Cái còn lại của mỗi con người gom lại
chỉ là một phần. Là phần được nói ra. Là một phần loại từ.
 
 
                                       ●
 
 
Không phải tôi mất tự chủ, chỉ là tôi đã hết chịu nổi mùa hè.
Anh kiếm một cái sơ mi trong hộc tủ và thế là nguyên ngày mất toi.
Mong sao mùa đông đến và tuyết có thể phủ kín hết
những đường phố, những con người, nhưng trước tiên, là đám cây
cỏ tàn lụi kia. Ta sẽ ngủ để nguyên áo quần hoặc chỉ nhặt đại một
cuốn sách mượn, trong khi cái nhịp điệu lơ lửng còn lại trong năm,
như con chó bỏ tên chủ mù của mình chạy mất,
băng qua đường ở chỗ bình thường có vạch trắng. Tự do
ấy là khi anh quên đi cách đánh vần tên của kẻ bạo chúa
và nước miếng trong miệng anh ngọt hơn cái bánh mật Ba tư,
và mặc dù đầu óc anh bị siết chặt như cái sừng một con cừu đực
chẳng có gì giọt xuống từ con mắt xanh nhợt nhạt của anh.
 
 
                                       ●
 
 
Lúc nào cũng còn có một khả năng còn lại – để anh
bước ra đường nơi khoảng mênh mông màu nâu sẽ
làm dịu con mắt với những khuôn cửa, những hàng liễu gầy
chia nhánh, những vũng nước chắp nối, bước đi thế thôi.
Mái tóc tôi trên đầu trần khuấy động trước gió
và đường phố, đàng xa, khép kín lại thành hình chữ V, trông
giống khuôn mặt xuống đến cằm; và một chú chó con vừa sủa
vừa chạy bay ra khỏi cổng nhà như một mảnh giấy vo tròn.
Một con đường. Có mấy ngôi nhà, chẳng hạn,
trông khá hơn những ngôi nhà khác. Lấy một thứ,
có những nhà cửa sổ quí giá hơn. Hơn thế nữa, là nếu anh điên,
điều ấy sẽ không xảy ra, ít ra, là bên trong nhà.
 
 
------------------------
Dịch từ các bản Anh ngữ của Joseph Brodsky, phần lớn do Daniel Weissbort dịch và xuất hiện lần đầu tiên trong Poetry (3.1978); bản Anh ngữ sau đó được chính J. Brodsky xem lại và một số đã được đăng trong The New York Review of Books (20.12.1979). Nguyên bản tiếng Nga gồm cả thảy 20 bài, theo thứ tự khác so với thứ tự những bài Anh ngữ được đăng báo, hoặc in vào sách A Part of Speech (Oxford University Press, 1987) và Collected Poems in English (Farrar, Straus and Giroux, 2000). Và thứ tự những bài Anh ngữ cũng khác so với thứ tự những bài Pháp ngữ trong các tập thơ Poèmes 1961-1987 (Gallimard, 1987) và Vertumne et autres poèmes (Gallimard, 1993) của Joseph Brodsky.
 
[*] Trong bản tiếng Nga và tiếng Anh, chữ được dùng là Scott  –  tên nhà thám hiểm người Anh Robert Falcon Scott (1868-1912) chết trong một trận bão tuyết dữ dội giữa khi sắp hoàn thành chuyến đi vùng cực Nam. Trong bản tiếng Pháp (Vertumne et autres poèmes, Gallimard, 1993) người dịch thay thế Scott bằng Amundsen, tên nhà thám hiểm Na uy Ronal Amundsen (1872-1928) – người từng khám phá cực Nam năm 1911 – có lẽ vì độc giả Pháp quen với tên nhà thám hiểm Na uy hơn? Trong suy nghĩ của chúng tôi, bản Việt ngữ có thể dùng nhà thám hiểm để thay thế cho “ý niệm” Scott, hay Amundsen.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021