thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuột chũi
Hoàng Long giới thiệu và dịch

 

KAWAKAMI HIROMI

 

Lời người dịch:
Trong bài “các nhà văn nữ Nhật Bản, một cuộc đảo chiều tinh tế”, Rieko Matsuura đã viết như sau:
 
“Với Hiromi Kawakami, thế giới thường nhật diễn ra trơn trụi và buồn tẻ, nhưng nó sẵn sàng chuyển hóa tức khắc thành một thế giới khác, nơi mà con người trở thành những con vật, bị ám ảnh bởi sự gia tăng số lượng của những kẻ đến sau, chúng ta có thể ví von đó như là một dạng âm bản của “Alice ở xứ sở diệu kỳ”. Sự huyễn tưởng được đẩy lên tối đa bằng tất cả những yếu tố của cuốn truyện, từ kết cấu cho tới phong cách, từ những phép ẩn dụ cho tới kỹ thuật sử dụng các ký tự. Tất cả đều được lựa chọn một cách tỷ mỷ và tinh tế. Giành được giải thưởng Akutagawa vào năm 1996 cho tiểu thuyết Dạo bước trên một con rắn (Hebi wo fumu 蛇を踏む), từ đó đến nay, Hiromi Kawakami theo đuổi công việc của một người thợ lành nghề, từ việc viết bài (lén lút) cho các tờ nhật báo đến việc đụng chạm tới các đề tài cấm kỵ như loạn luân trong tiểu thuyết Những tháng năm êm dịu (Sensei no kaban センセイの鞄).”[1]
 
Nhận xét này thật xác đáng, thể hiện ngay cả trong truyện ngắn “Chuột chũi” của tác giả Kawakami Hiromi 川上弘美 mà chúng tôi chọn dịch sau đây. Lấy góc nhìn từ một con chuột đi thu lượm những con người vô dụng mất hết sức sống về hang ổ của mình, truyện tràn ngập yếu tố huyễn tưởng để mỉa mai về cuộc sống và bản chất con người. Nếu nói rằng nghệ thuật “dĩ huyễn độ chân” thì truyện ngắn này đã thực hiện được điều đó gần như hoàn hảo.
 
Truyện được dịch từ nguyên tác “Ugoromochi” (うごろもち) trong tập truyện ngắn song ngữ New Penguin Parallel Text: Short Stories in Japanese 日本語の短編小説 do Michael Emmerich biên tập, Peguin Books ấn hành năm 2011, trang 87-121.
 
Đây là lần đầu tiên một truyện mang phong cách đặc trưng của Kawakami được dịch ra Việt ngữ. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

____________

 

CHUỘT CHŨI

 

Hãy nói về mỗi buổi sáng của tôi nhé.

Tôi thức dậy sớm lắm. Thường thì tôi mở mắt thức dậy trước cả vợ tôi.

Vào những lúc bình minh, những tia sáng mờ nhạt soi xuống từ những khe hở trên trần nhà. Tôi ườn mình trên giường ngắm nhìn những tia sáng đó một lúc lâu.

Vào những ngày mưa gió hay mây mù thì tôi đợi mãi mà chẳng thấy có tia sáng nào cả. Vào những dịp hiếm hoi khi tuyết rơi thì dù chưa đến bình minh mà tôi vẫn cảm nhận được thứ ánh sáng mờ nhạt.

Trong chăn thì ấm nhưng đầu mũi tôi lại lạnh cóng. Tôi muốn dậy đi tiểu mà sao mãi vẫn không nhấc mình dậy được.

Trong khi đó thì vợ tôi thức dậy đi vệ sinh trước cả tôi. Nàng thức giấc nhanh nhẹn lắm, vừa ư ử ca một bài ca vừa bắt tay dọn dẹp nhà cửa và châm lửa nấu nướng ngay.

Cuối cùng thì tôi cũng dậy và đi vệ sinh xong xuôi. Trong khi tôi đi quanh xem xét những con người mà tôi đã lượm về đây vào hôm qua, hôm kia và cả trước đó nữa, thì trong lò sưởi lửa cháy hừng hực, ấm nước sôi sùng sục và khắp phòng nồng nàn mùi bánh mì nướng. Vợ tôi thật là tháo vát đảm đang.

Những con người tôi thu lượm được thì ở căn phòng kế bên.

Hầu hết họ nằm duỗi chân cả. Chăn gối nệm phải nói là thừa mứa. Rất ít người hỏi xin phép tôi xem có thể sử dụng chăn nệm được không. Ngay khi được đưa về đây, họ đã vùi mình vào trong lớp chăn chất cao ngất. Họ cố gắng đẩy những người đang nằm ngủ để chen vào lớp chăn ấm áp. Họ đi vòng vòng quanh phòng, dẫm lên những người đang nằm ngủ. Toàn một lũ như thế cả thôi.

Dù vậy sau khoảng nửa ngày, sau khi họ đã tìm được chỗ ngủ hay phân chia được ranh giới thì căn phòng lại trở nên yên lặng.

Mỗi sáng tôi đi một vòng đập vai đánh thức lũ người. Thứ nhất là để xác định xem họ còn sống hay không. Thứ hai là để điều tra xem họ còn muốn ở đây hay muốn đi ở chỗ khác.

Những người đã chết rồi thì chúng tôi cứ thế mà kéo lê đi và thả xuống một cái hố được đào sâu hơn nền của cái hang này nữa. Chắc phải sâu hơn trăm mét dưới đất là ít. Tôi không đào cái hố này, cũng chẳng phải vợ tôi, mà hố này do mấy đời tổ tiên chúng tôi cứ âm thầm kiên nhẫn đào khoét mà nên.

Lúc mới được đào xong, cái hố này ban đầu chỉ dùng để thả những người chết trong gia tộc chúng tôi mà thôi. Tuy nhiên, qua nhiều thế hệ, họ hàng thân thích ngày một ít đi và đến bây giờ còn sống trên đời này chỉ có cha mẹ của hai vợ chồng tôi và bốn em trai em gái của hai nhà mà thôi.

Cả cha mẹ và anh em chúng tôi đều sống ở một nơi khá sâu dưới lòng đất ở phía nam xa xôi hơn Kyushu nữa. Họ sống âm thầm lặng lẽ, không giao thiệp với bất cứ ai. Thỉnh thoảng mẹ vợ cũng có gửi thư đến nhưng chỉ toàn viết là hãy mau mau rời Tokyo mà về đây sống đi thôi. Có vẻ như bà sợ chuyện hai đứa em vợ tôi muốn đến sống ở Tokyo thì phải.

Những người có vẻ muốn rời khỏi đây ngay thường phản ứng với cú đập vai của tôi và ngước mặt nhìn lên, nên tôi biết. Khi ngước mặt nhìn lên con người ta đều có một vẻ ngơ ngác bơ vơ không biết nương tựa vào đâu. Mắt họ nhìn chằm chằm vào mắt tôi và miệng cứ thầm thì lúng búng điều gì không rõ.

Tôi nhẹ nhàng vỗ vai những con người một lần nữa và mỉm cười với họ. Sau đó tôi quay trở về phòng khách nơi có vợ tôi đang sửa soạn, rồi tôi nhóp nhép ăn thịt lợn xông khói và sữa chua phết mứt đào.

Sau khi dùng bữa xong, tôi cùng vợ tôi mang một nồi hầm thập cẩm nóng hổi qua phòng kế bên cho con người. Vợ tôi múc đồ hầm vào bát còn tôi cho mọi người sắp hàng theo thứ tự. Nhưng lũ người này toàn chen ngang, giống như xem chuyện xếp hàng là phiền phức lắm, rồi còn giành giật các bát súp hầm của nhau nữa. Tôi nhắc nhở từng người một và nếu như họ vẫn không nghe lời, tôi dùng móng vuốt của mình ra sức mà cào cấu để bắt họ nghe lời mà vãn hồi trật tự.

Sau khi lũ người ăn hết món hầm, căn phòng yên tĩnh trở lại. Tôi bắt đầu chuẩn bị đi đến công ty. Vợ tôi đánh chùi bồn rửa bát, máy giặt bắt đầu quay đều đều. Được vợ ra tiễn, tôi lao qua một cánh cửa sập, lên mặt đất, rồi đi ra đường. Sau đó tôi thong thả đi đến nhà ga. Vì là một người chịu lạnh rất kém nên tôi đã mặc áo khoác lông cừu, quàng khăn và đeo găng tay bằng da. Tôi phải đổi hai chuyến tàu điện và mất gần khoảng một tiếng đồng hồ mới đến được công ty.

Đến công ty, tôi quẹt thẻ chấm công và trong khi đợi một cô nhân viên đến pha trà cho mình, tôi liếc nhìn qua mớ giấy tờ được fax đến đặt trên bàn làm việc. Lúc mới đi làm, tôi toàn bị ném đá hay những thứ dơ bẩn vào mình nhưng sau mấy năm có lẽ các bạn đồng nghiệp và cấp trên đã quen dần với sự hiện diện của tôi thì phải.

Những thanh niên trẻ mới vào công ty trong những năm gần đây dường như không nhận ra là tôi khác với bọn họ thế nào. Dường như họ cũng chẳng lưu tâm gì đến vẻ kỳ hình dị tướng của tôi chứ đừng nói là để tâm quan sát. Cũng có mấy nhận xét như “râu ria rậm rạp quá nhỉ” vậy thôi chứ tôi chẳng bị họ giữ khoảng cách xa mà nhìn chằm chằm hay bị chất vấn hỏi thăm quê quán nơi sinh gì cả; mặc dù khoảng mười năm trở lại đây, số lượng những kẻ thích ngồi lê đôi mách càng ngày càng nhiều.

Tôi ngồi trước máy tính làm việc đến trưa, chủ yếu là xử lý các số liệu thống kê. Thỉnh thoảng cô nhân viên văn phòng đến nhờ tôi viết chữ lên bìa thư. Tôi viết chữ khá đẹp. Người ta nói chữ tôi viết là đẹp nhất công ty. Cho đến khi mở suất cơm hộp mà vợ tôi làm cho để ăn trưa thì tôi cũng đã lặng lẽ hoàn thành xong chỉ tiêu phần việc của mình. Trong văn phòng có bật máy sưởi nhưng vì tôi là kẻ chịu lạnh rất kém nên tôi đã dán thêm hai miếng sưởi Kairo loại dùng một lần vào lưng và bụng. Khi miếng sưởi trở nên nguội dần đi thì cũng đến giờ cơm trưa.

 

Để tôi kể bạn nghe giờ nghỉ trưa của tôi nhé.

Sau khi ăn hết suất cơm hộp vợ làm cho, tôi gói ghém cái hộp cơm không một cách cẩn thận, rửa tay thật sạch, tiện thể rửa mặt luôn. Khi ăn cơm tôi dùng đũa nhưng cũng sử dụng cả lòng bàn tay và móng vuốt nữa. Tay dính nhớp nháp dầu mỡ, gò má và râu ria xung quanh miệng tôi dính đầy những mẩu thức ăn thừa.

Không biết có phải vì họ không thích nhìn thấy cảnh tôi ăn hay là họ không muốn ở trong công ty vào giờ nghỉ trưa mà trong văn phòng bộ phận chúng tôi chỉ còn lại mình tôi và cô nhân viên trực điện thoại mà thôi. Văn phòng trở nên yên ắng và hơi lạnh lẽo.

Vì lạnh quá sức và để tận dụng nốt thời gian nghỉ trưa, tôi ra công viên trước nhà ga đi dạo. Trong công viên có rất nhiều người vùi mình trong cái hộp giấy, tôi quyết định chui vào một trong những cái hộp giấy có vẻ ấm áp nhất trong số đó.

“Này, cậu đâu phải là người?”

Khi tôi vừa lẻn vào thì người vô gia cư đó vừa nhìn lom lom tay chân mặt mũi tôi mà nói vậy. Người này còn quan sát tôi kỹ lưỡng hơn đám trẻ trong công ty nữa.

“Dĩ nhiên không phải là người rồi”, tôi ưỡn ngực ra mà nói. Người vô gia cư mỉm cười.

“Cái con vật này kiêu ngạo quá thể.”

“Cái gì, cái gì, con người không phải là một loài động vật hay sao?”

“À, thì đúng là như vậy.”

Cuộc nói chuyện chấm dứt ở đó. Người vô gia cư khá kiệm lời. Những người tôi nhặt về cũng khá là ít nói. Xét về tổng thể thì dân Tokyo ăn nói kín kẽ, ít lời.

Khi dựa lưng mình vào lưng người vô gia cư, tôi dần cảm thấy ấm hơn. Cho dù trời mưa gió hay thậm chí có tuyết rơi đi nữa, thì dựa vào lưng con người như thế này luôn ấm áp hơn ở trong công ty. Nhưng dường như mấy con người không hay dựa lưng nhau lắm thì phải. Tại sao con người lại lạnh lùng xa cách như vậy thì tôi thật tình không thể hiểu nổi.

Tôi không bao giờ nhặt về những người vô gia cư. Tôi chỉ lượm về những người còn bất trắc bấp bênh hơn nhiều.

Rời khỏi chiếc hộp giấy của người vô gia cư, tôi đi dạo trên con đường nằm phía sau những toà nhà chính quanh nhà ga. Những con người bất an, bấp bênh không có trên đường. Ngược lại, họ thường ở những nơi tươi sáng, rộng rãi hơn. Chẳng hạn trong các cửa tiệm nơi nhà ga, trong quán cà-phê có cửa kính lấp lánh hay trong những cửa hàng.

Trên đường có mèo. Nhìn thấy tôi lập tức chúng xù lông lên và kêu “meo meo”. Vì con người thích mèo nên khi nghe chúng kêu gào, họ cảm thấy bị phiền lòng. Tôi vừa đi dạo vừa cố gắng tránh lũ mèo.

Cuối con đường đôi khi có những cái lỗ. Những cái lỗ ấy nhỏ thôi nhưng nếu chui vào đó ta sẽ đụng lớp đất mềm. Tôi dùng móng vuốt đào sâu hơn vào đất mềm đó. Khi hứng chí lên, có lúc tôi đào thẳng một đường hầm về đến nhà. Cái áo khoác lông dê mà vợ tôi đã cất công chuẩn bị cho thì bây giờ lấm lem đầy đất cát nên vợ tôi cằn nhằn. Tôi hôn vợ rồi quay ngược trở lại về cái hang của mình.

Khi lên khỏi mặt đất, ánh mặt trời rất chói chang. Cho dù là ngày mây mù đi nữa mà vừa ra khỏi lòng đất mắt tôi vẫn chưa quen ngay, mãi mà không mở mắt ra được. Tôi cảm nhận được ánh sáng trên mí mắt khép chặt. Ánh sáng rất lạnh. Cho dù là ánh sáng mặt trời nhưng vẫn lạnh. Vợ tôi nói là mặt trời cách quá xa trái đất đó mà. Trong lòng đất thì gần với lõi mắc-ma nên ấm áp hơn trên mặt đất nhiều. Những người mà tôi nhặt về, khi nằm ngủ sóng soài trong căn phòng kế bên đó, trông cũng có vẻ ấm áp hơn trên mặt đất nhiều.

Cuối cùng mắt tôi đã quen ánh sáng để mở ra, tôi phủi bụi trên áo khoác, quàng lại chiếc khăn bị lệch và quay trở lại công ty. Giờ nghỉ trưa vừa hết, trong văn phòng đầy người. Tôi bật màn hình máy tính, trích xuất vài hàng chữ số từ ổ cứng máy tính ra. Một nhân viên nữ rót cho tôi một ly trà nóng. Tôi dùng móng vuốt cầm tách trà, từ từ nhâm nhi từng ngụm trà.

Đôi khi móng vuốt của tôi bị trượt khiến tách trà rớt xuống sàn. Những cô nhân viên lập tức đến quét dọn những mảnh vỡ tách trà trong im lặng. Những cô gái này không có ý nhìn vào mặt tôi. Không ai trong công ty có ý định nhìn vào mặt tôi cả. Họ cũng chưa bao giờ thử bắt chuyện với tôi.

Tôi hướng về máy tính, bắt đầu gõ bàn phím lạch cạch.

 

Để tôi kể cho các bạn nghe về buổi chiều.

Buổi chiều ánh nắng chiếu vào văn phòng, khiến tôi có cảm giác ấm áp hơn một chút. Có ba chậu cây sung cao-su được đặt cạnh nhau nơi chỗ tiếp tân. Trên đường đi ngang qua nhà vệ sinh, tôi thường hay thổi bụi bám trên lá cây sung cao-su. Lá cây sung cao-su đúng là thứ dễ bám bụi. Chỉ khoảng nửa ngày thôi mà lá cây đã bám một lớp bụi mỏng của những người qua lại nơi đây.

Tôi bước vào căn buồng nhỏ trong nhà vệ sinh. Vì tôi nhỏ hơn người bình thường nên không với được tới bồn tiểu. Chiều cao của tôi chỉ bằng hai phần ba người bình thường nên lúc nào tôi gắng sức đi vào bồn tiểu là y như rằng nước tiểu lại văng tứ tung.

Nhân tiện đi vệ sinh thì tôi thường bắt chuyện với những người lao công trong toà nhà. Vào buổi chiều, những nhân viên lao công thường tụ tập nơi cầu thang thoát hiểm giữa tầng hai và tầng ba. Ai cũng im lặng dựa vào tường.

“Hôm nay ở ngoài toà nhà có ‘người đó’ đấy”, đôi khi những người lao công chỉ cho tôi như vậy.

‘Người đó’ chính là loại người mà tôi nhặt về.

“Người đó hôm nay có vẻ hơi nguy hiểm.”

“Nguy hiểm sao?”

“Như thể muốn nhảy từ trên sân thượng xuống đấy.”

“Ghê quá vậy,” những người lao công bàn tán với nhau. “Hồi nào đó, có gã đã nhảy xuống thật luôn, tôi đã nhìn thấy đấy.” Con người vừa nói như vậy vừa cười ha ha. Tôi không thể hiểu được vì sao họ có thể cười vào lúc nói chuyện đó được nhỉ. Tôi không cười. Tôi chỉ cười lúc nào vui thôi. Dường như con người không phải vui vẻ mà cười hay sao ấy. Tôi không hiểu được con người.

Tôi lấy ra quyển sổ tay, ghi vị trí có ‘người đó’.

Quay trở lại văn phòng, tôi lại chăm chú vào máy vi tính, cô gái văn phòng pha trà cho tôi. Trà pha buổi chiều bao giờ cũng nguội. Có lẽ đến buổi chiều thì con người trở nên mệt mỏi chăng? Nếu mệt thì cứ ngủ đi cũng được vậy mà con người cứ mặc quần áo nghiêm chỉnh, tuy mệt mỏi mà cứ ngồi trên ghế hay đi vòng vòng quanh văn phòng.

Tôi mà buồn ngủ thì cho dù ở trong phòng, ngoài hành lang hay bất cứ nơi đâu đi nữa, tôi đều có thể lăn ra ngủ ngay. Lấy áo khoác lông cừu làm chăn, tôi đánh một giấc ngon lành. Con người gắng hết sức đi vòng quanh để không dẫm lên người tôi. Vì tôi đã cố nằm sát vào trong tường nên con người có thể bước qua mà không cần để ý gì, vậy mà họ cứ đi vòng quanh như không muốn lại gần tôi chút nào, làm vang lên tiếng lộp cộp của giày dép, ra vẻ như mình bận rộn lắm vậy.

Khi thức dậy, tôi thấy thân thể mình lạnh cóng. Chẳng thể nào khác được vì tôi nằm trực tiếp dưới sàn nhà mà. Thấy tôi thình lình thức dây, con người có một khoảnh khắc kinh động. Cũng không phải là kinh động mà không khí có chút xáo trộn thế thôi. Tôi hiểu rõ điều đó.

Con người rất ghét giống loài chuột chúng tôi. Từ xa xưa đã thế rồi. Cho nên chắc các cụ tiên tổ nhà tôi không bao giờ nghĩ được có lúc tôi lại sống chung mỗi ngày với con người như bây giờ cả. Chứ ngày xưa con người rất ghét họ chuột chúng tôi, chỉ cần thấy bóng dáng là lấy súng ra bắn, lấy xẻng mà đâm, lấy thuốc độc mà rải chết, thật là khổ sở trăm đường.

Bây giờ những người có ý định tấn công tôi rất ít. Dường như con người bây giờ không hiểu rõ là mình ghét hay thích điều gì nữa. Trong sâu thẳm tâm tư thì họ ghét tôi nhưng vẫn để cho tôi làm việc ở công ty bình thường. Con người bảo với nhau rằng họ để tôi làm tại công ty vì họ cần tôi. Tuy nhiên với đại đa số người, tôi chẳng có sự cần thiết nào cả. Đối với nhiều người, dòng họ chuột sống dưới lòng đất như chúng tôi chỉ thuần tuý là vật gây hại mà thôi.

Tôi chầm chậm đi qua những tiếng ồn ào lạnh lẽo, quay trở lại chiếc máy tính của mình rồi cầm tách trà nguội mà cô nhân viên văn phòng đã pha cho. Tôi kiểm tra hộp thư điện tử của mình, thấy có mấy bức thư viết là đã bắt gặp ‘người đó’ ở chỗ này chỗ kia. Sau khi viết toàn bộ vị trí của ‘người đó’ vào sổ tay, tôi xoá hết những bức thư đó đi.

Những bức thư ngày một nhiều thêm. Tiếng thì thầm của con người nghe về tôi từ đâu đó như một cái rễ cây vươn lên xuyên bờ đá không ngừng vươn đến nhắm vào tôi.

Sau khi uống tách trà nguội, tôi đánh rơi tách trà xuống sàn. Đôi lúc tôi cố tình đánh rơi tách trà như thế xem sao. Con người chất đầy sự căm ghét nơi mình nhưng không phát tán sự căm ghét đó ra, mà vừa gieo rắc cái không khí đen tối vừa quét dọn thu gom những mảnh vỡ của tách trà.

Tôi làm bộ mặt như chẳng có chuyện gì xảy ra, tiếp tục nhìn vào những con số nơi màn hình vi tính. Ánh nắng hồng buổi chiều chiếu xuyên qua cửa kính văn phòng. Nắng chiều trải rộng khắp bầu trời. Thứ ánh nắng mạnh mẽ bao phủ khắp bầu trời Tokyo.

Tôi bắt đầu viết vào sổ tay thứ tự đi thu gom những ‘người đó’.

 

Hãy nói chuyện về buổi tối của tôi nhé.

Khi rời khỏi công ty, bao giờ tôi cũng cúi đầu chào thật thấp. Những bức tường toà nhà phủ đầy bóng tối như thể bị ướt át, đường nét của toà nhà cũng trở nên mơ hồ. Những cửa sổ được thắp đèn trông như những tờ giấy hình chữ nhật nổi bềnh bồng giữa không trung. Những người cùng ra về cố gắng né tránh cái cúi đầu chào của tôi. Những người đó rời khỏi công ty mà không bao giờ quay đầu nhìn lại. Giả sử như đêm nay họ có chết đi thì ngày mai họ đâu có đến đây mà làm việc được nữa. Vậy mà con người cứ hấp tấp rời đi, hấp tấp trở về.

Sau khi cảm thấy cúi đầu chào đã đủ, tôi bắt đầu cất bước về hướng thành phố đêm.

Đêm mới chớm mong manh, ánh sáng mờ nhạt vây phủ đô thành.

Tôi vào một quán rượu, gọi bia tươi. Người nhân viên phục vụ trẻ thoáng kinh ngạc vì lông lá rậm rạp của tôi nhưng sắc mặt vẫn không thay đổi, mang bia tươi đến cho tôi. Sau đó, ngay lập tức anh ta mang đến một dĩa của cải phơi khô xắt mỏng làm đồ nhắm cho tôi.

Người phục vụ trẻ chỉ thoáng kinh ngạc lúc đầu mà thôi. Sau đó anh ta quen liền, rồi nhanh chóng mang các món đậu hũ chiên, mề gà nướng muối rồi canh củ cải mà tôi đã gọi.

“Nơi này có ‘người đó’ không nhỉ?”, tôi hỏi người phục vụ khi anh ta mang ra bình rượu sake thứ hai.

“Những nơi như tiệm chúng tôi, ‘người đó’ không đến đâu,” anh ta trả lời.

Tôi nhìn quanh cửa tiệm thấy ‘người đó’ có đến hai, ba người. Có người tròng trắng đã đục ngầu, dáng vẻ vô cùng mệt mỏi; có người mắt xanh nhưng lại gục đầu chán chường. Người phục vụ trẻ cứ nghe ‘người đó’ gọi món mà hầu như chẳng nhận ra điều gì, cứ tất bật chạy qua chạy lại trong quán.

‘Người đó’ khi thì bị trượt ra khỏi ghế, khi thì lắc lư đập đầu vào tường. Tôi dùng móng vuốt của mình, đột ngột móc lưng ‘người đó’ lên. Sau khi bị treo vào móng vuốt tôi một lúc, ‘người đó’ dần dần thu nhỏ người lại. Đầu tiên thu nhỏ bằng nửa người tôi sau đó nhỏ đến mức có thể đặt lên lòng bàn tay được.

Tôi nhét ‘người đó’ vào túi áo khoác. ‘Người đó’ chẳng kêu la hay kháng cự gì hết, cứ thế mà trượt vào túi áo tôi, như thể đã mong muốn điều này từ lâu rồi vậy.

“Dạ, của quý khách hết ba ngàn năm trăm yên,” người phục vụ trẻ mang hoá đơn đến.

“Đây cũng có khá nhiều ‘người đó’ đấy,” tôi nói rồi lấy từ trong túi áo ra một ‘người đó’ cho anh ta xem. Người phục vụ mắt tròn xoe nhìn ‘người đó’ đã bị thu nhỏ lại.

“Trời, nơi tiệm này mà cũng có sao?” anh ta nói và nhún vai.

“Thực ra, ‘người đó’ cuối cùng là gì vậy nhỉ?” người phục vụ vừa nhìn ‘người đó’ đang nhắm nghiền đôi mắt với vẻ không thiện cảm gì vừa hỏi tôi.

“Chà, tôi cũng không biết rõ lắm nhưng mà...”

“Nhưng mà sao?”, anh ta lại giục giã.

Tôi lại đút ‘người đó’ vào túi rồi ngẫm nghĩ một lúc lâu. Những ‘người đó’ đột nhiên tăng vọt trong khoảng mười năm trở lại đây. Mỗi khi cha mẹ tôi tuyệt vọng về một chuyện gì đó họ lại nói rằng “mình không có sức sống nữa rồi.” Những ‘người đó’ có lẽ đều là những kẻ mất hết sức sống rồi chăng?

Nếu cứ bỏ mặc những ‘người đó’, họ sẽ dần dần trở nên trống rỗng. Chính bản thân họ, nơi họ cư ngụ, những thứ xung quanh họ đều trở nên trống rỗng. Họ làm mọi thứ trở nên phi thực.

Ta có thể nghĩ rằng nếu đã trống rỗng như thế, tại sao lại không chết đi? Nhưng chuyện đời không phải thế.

Để chết được chí ít có lẽ cũng phải cần chút sức lực thực sự.

Họ là những người không chết cũng không sống, chỉ đơn thuần có mặt ở đó và ăn mòn mọi thứ xung quanh. Và ăn mòn chính bản thân mình. Đó đích thực là bản chất của những ‘người đó’.

Lần đầu tiên khi ‘người đó’ rơi xuống chỗ tôi đang sống là lúc nào nhỉ? Tự nhiên nghe một tiếng huỵch, tôi chạy đến nhìn xem thì thấy có người nơi căn phòng bên cạnh rồi. Đó là một người hoàn toàn xa lạ. Cho đến lúc đó thì chỉ có hai vợ chồng chúng tôi sống âm thầm trong lòng đất, không hề giao tiếp gì với lũ con người.

“Sợ quá”, ‘người đó’ cất tiếng.

“Sợ cái gì mới được chứ?”, tôi với vợ đồng thời cất giọng hỏi. ‘Người đó’ vẫn chăm chú nhìn vào khoảng không mà trả lời “sợ tất cả mọi thứ”.

Từ đó về sau, cứ một tuần lại có một người, rồi đến năm ngày có một người, rồi ba ngày có một người, mật độ rơi càng lúc càng ngắn và cuối cùng thì cứ khoảng một ngày lại có một người rơi xuống căn phòng kế bên.

Thời gian đầu thì tôi chỉ việc chờ con người rơi xuống thôi. Họ sống trong căn phòng đó một thời gian rồi quay trở lên mặt đất.

Khi tôi hỏi “sao, bây giờ trở về à?” thì hầu hết đều trả lời “vâng, tôi về đây”. Dường như con người sau khi ở trong lòng đất một thời gian đều có thể quay trở lên mặt đất thì phải.

Có đủ hạng người rơi xuống chỗ tôi. Những đứa trẻ chân tay dài ngoẵng teo tóp cũng có, những ông già yếu ớt suy kiệt cũng có, những thanh niên khoẻ mạnh cũng có luôn. Người nào cũng lầm lì ít nói, làn không khí hoang dại vây phủ khắp thân hình của họ.

Lúc đầu, mỗi khi những người rơi xuống đây bị chết, tôi với vợ tôi đào một cái hố nhỏ riêng biệt để chôn cất họ cẩn thận. Về sau chúng tôi nhớ ra cái hang mà tổ tiên đã đào và chúng tôi mang quẳng họ xuống đó. Con người khi chết đi sẽ lạnh và cứng lại. Dòng họ chuột chũi chúng tôi khi chết cũng sẽ lạnh và cứng lại. Đối với con người, họ sẽ khóc khi có đồng loại mất đi nhưng chúng tôi không khóc. Chúng tôi chỉ khóc khi có chuyện đau buồn hay tiếc nuối mà thôi. Cái chết là lẽ tự nhiên nên chúng tôi không buồn. Cũng không nuối tiếc. Tuy nhiên con người khi có đồng loại mất đi, dù bình thường thì thờ ơ lạnh lùng chẳng quan tâm gì đến, vậy mà lúc đó thì tập hợp lại rồi cùng khóc rống lên ở căn phòng kế bên đó. Họ khóc với điệu bộ như thể tiếng khóc làm họ dễ chịu hơn vậy. Tôi chẳng thể nào hiểu nổi con người.

Tôi bắt đầu đi thu lượm con người vào khoảng mấy năm trước đây. Từ khi tôi thu gom những người kiệt sức rơi xuống lòng đất để bỏ vào túi thì buổi tối tôi trở nên vô cùng bận rộn. Tôi khéo léo thu lượm con người theo đúng trình tự ghi trong sổ tay. Vì họ đều yên lặng cam chịu nên tôi móc vào móng vuốt của mình rất dễ dàng.

Tôi thu gom lượm lặt con người bỏ vào túi áo khoác của mình, không hề ngơi nghỉ một giây phút nào cho đến tận nửa đêm.

 

Để tôi kể cho bạn nghe chuyện đêm khuya của tôi nhé.

Khi thu lượm xong hết con người thì tôi mệt lả.

Tôi bước đi âm thầm không tiếng động trên con đường dài trải nhựa tối tăm. Trong túi áo khoác tôi chất đầy người. Đôi lúc tôi vỗ nhẹ vào túi để chắc chắn rằng không ai bị rơi ra.

Đến cổng nhà, tôi mở cánh cửa sập, rồi chui xuống lòng đất. Vợ tôi vẫn còn thức đợi chờ tôi. Tôi đã bảo nàng cứ ngủ đi không phải đợi tôi làm gì, nhưng nàng nói đang ngủ mà thức dậy thì còn khó ngủ lại hơn nữa, nên nàng mặc một chiếc áo len dày ngoài bộ áo ngủ rồi vừa uống ca cao nóng hay sữa nóng mà đợi chờ tôi.

“Mình đã về à,” nàng cất giọng trìu mến. Thật là một con chuột có giọng nói dễ thương. Dòng họ bên vợ tôi ai cũng đều thế cả. Nhạc phụ và em trai vợ tôi cũng có giọng nói dịu dàng còn nhạc mẫu và em gái vợ tôi thì có giọng nói y hệt như vợ tôi. Tuy vậy khuôn mặt của họ thì lại không giống nhau lắm.

“Anh có cần dùng thêm món gì lót dạ không?”, nàng vừa hỏi vừa đứng sau lưng, giúp tôi cởi chiếc áo khoác, rồi treo lên móc rất nhanh chóng gọn gàng. Túi tôi căng phồng lên. Vợ tôi dùng móng vuốt đâm vào chỗ phồng lên đó rồi lôi từng người ra. Vừa đếm một, hai, ba... nàng vừa đặt từng người lên bàn.

Lũ người vẫn cứ yên lặng như vậy. Một lúc lâu sau, vài người khoẻ nhất trong số đó mới bắt đầu nhúc nhích. Càng cử động mạnh thì con người càng lớn trở lại như kích thước ban đầu. Khi con người đã trở nên khá lớn thì tôi với vợ khiêng họ sang phòng kế bên để cho họ hoàn toàn phục nguyên lại dáng vẻ ban đầu.

Những con người đã đến từ trước đó dù thấy sự biến hình từ nhỏ bé đến cao lớn đó mà vẫn không có chút gì kinh ngạc, mắt vẫn trống rỗng mơ hồ. Nói chung những người tôi nhặt về đều có vẻ trống rỗng mơ màng như vậy cả. Cho dù nhìn thấy sự bất bình thường hay kì diệu đi thế nào chăng nữa thì lũ người đó vẫn không bao giờ thôi trống rỗng mơ màng. Chỉ đến khi có một đồng loại của mình bị chết thì họ mới khóc lóc hay sụt sùi nước mũi mà thôi.

Sau khi đám người đã hoàn toàn phục hồi kích thước ban đầu thì tôi với vợ tôi quay trở lại bàn và nhấm nháp một tách trà lúa mạch ấm nóng. Đôi khi tôi cũng dùng thêm hai ba cái bánh khô senbei. Chúng tôi hiếm khi nói chuyện về con người. Cũng không nói chuyện công ty. Chúng tôi nói về hàng giảm giá trong siêu thị ngày hôm nay, về con Chiro ở tiệm thuốc đã sinh em bé. Từ sau khi sinh con, Chiro thường hay sủa nhặng xị với vợ tôi. Nhấm nháp trà lúa mạch, vợ chồng chúng tôi nói về những chuyện như thế.

? căn phòng kế bên, lũ người trườn vào trong đống chăn nệm. Thỉnh thoảng họ nói chuyện với nhau. Tôi với vợ tôi áp tai vào bức tường ngăn với căn phòng bên mà nghe ngóng giọng nói của con người. Giọng con người thật dịu dàng. Cả giọng những người rơi xuống đây lẫn giọng của những người tôi nhặt về đều dịu dàng cả. Còn giọng nói của những người trong công ty thì không có chút nào dịu dàng êm ái cả.

“Sợ quá đi mất,” đám người nói.

“Sợ quá đi... bên hiên nhà cũ bây giờ, chỉ có dương xỉ đợi chờ mà thôi, lòng ta tiếc nhớ bồi hồi, huy hoàng một thuở của đời vinh hoa.”[2]

Tôi chẳng hiểu một chút gì lời họ nói. Những con người được nhặt về đều nói một ngôn ngữ như thể một cái máy bị hư. Chỉ lặp đi lặp lại “sợ quá, sợ quá” rồi gào khóc “ôi, trời ơi”

Cái từ mà con người nói nhiều nhất đó chính là “sợ hãi”. Điều gì làm con người sợ hãi thế nhỉ? Với giọng dịu dàng cùng với vẻ mặt trống rỗng vô hồn, con người cứ lặp lại không ngừng cái câu “sợ quá, sợ quá đi.” Cái điều làm họ sợ hãi đến thế là gì nhỉ? Và nếu sợ như thế thì sao trông họ lại không có vẻ gì là rúm ró hãi sợ hết nhỉ? Tôi thật không thể hiểu nổi con người.

Trước khi đi ngủ, vợ chồng tôi đi sang phòng bên xem con người thêm lần nữa. Chúng tôi bắt chuyện với họ một vài câu như “chà, cái mũ đó hợp với anh lắm đấy, anh thích món ăn nào hay anh đã có chăn nệm rồi à...” đại khái là như vậy. Đám người trả lời câu hỏi của chúng tôi một cách rõ ràng đáng ngạc nhiên dù bọn họ hầu như không nói chuyện với nhau bao giờ theo đúng nghĩa cuộc trò chuyện. “Tôi thích ăn cá nhất, đặc biệt là cá mú đá, khi tôi ngồi câu cá mú bên bờ biển thì có con mèo đi đến, đó là con mèo tam thể vằn trắng đen và nâu, ngày xưa tôi cũng từng giết mèo ăn nhưng thịt mèo không ngon lắm.” Họ cứ nói huyên thuyên những điều như thế.

Hai vợ chồng tôi nhanh chóng lên giường và chìm vào giấc ngủ sâu.

Nơi căn phòng kế bên tiếng kêu gào và tiếng thở dài vang vọng suốt đêm. Lúc ban đầu, hai vợ chồng tôi không thể nào quen được với thanh âm đó nên không cách nào mà ngủ được, còn bây giờ thì chúng tôi ngủ ngon lành.

Vợ tôi ngáy nhè nhẹ. Dường như tôi cũng ngáy khá lớn khi ngủ say.

 

Bây giờ kể cho bạn nghe chuyện lúc rạng sáng nhé.

Lúc rạng sáng là thời điểm dòng họ chuột chúng tôi sinh con.

Cho đến bây giờ vợ tôi đã sinh được mười lăm đứa con. Những đứa bé hoạt bát, lông lá mịn màng. Nhưng sau khi sinh chẳng được bao lâu, chúng nó chết hết. Không sống được đứa nào. Chúng tôi đào một cái hố và chôn cất riêng từng đứa cẩn thận.

Lũ người khi biết chuyện những đứa con của chúng tôi chết cũng khóc thút thít. Có người còn khóc lớn tiếng hơn cả khi có đồng loại của mình chết nữa. Vì cái chết là lẽ đương nhiên nên cho dù đứa con mới sinh ra mà chết đi thì vợ chồng tôi cũng không khóc. Trong số đám người mà tôi nhặt về hình như cũng có người đã siết cổ con mình đến chết vậy mà lại khóc lớn nhất, rồi còn quằn quại thân mình trong đau khổ. Tôi thật chẳng thể nào hiểu được con người.

Không chỉ có loài chuột mà con người cũng thường sinh con vào lúc rạng sáng.

Khoảng đâu mười năm trước, có hai người đã sinh con ở đây. Một người sinh con trai, một người sinh con gái. Cả hai đều bé nhỏ, hoạt bát và có lông tóc mịn màng. Tuy là con của người mà lại giống y hệt như con của chuột vậy. Cho dù người nào sinh con thì đám người xung quanh cũng chẳng quan tâm gì đến. Con người khi thấy chết thì gào khóc vậy mà khi thấy đứa bé được sinh ra thì làm ra vẻ bàng quan đến độ cả một phát rắm cũng tiếc vậy.

Ngay khi vừa sinh con xong, người mẹ nhìn đứa bé đầy lông tóc rồi quẳng đi ngay. Rồi người mẹ lại chui vào trong chăn và ngủ tiếp. Khoảng hai ngày sau, người mẹ quay trở lên mặt đất, để mặc lũ trẻ dưới này. Đám người nhìn đứa trẻ lông tóc rậm rạp vậy mà chẳng tỏ vẻ quan tâm chút nào.

Hai vợ chồng tôi nuôi đứa bé do loài người sinh ra. Chúng mọc móng vuốt và chỉ ba năm sau đã trưởng thành, tốc độ trưởng thành nhanh chóng khác hẳn loài người. Khi thả chúng lên mặt đất, đứa bé trai và bé gái chạy đi đâu mất. Sau đó tôi chẳng nghe tin tức gì về chúng cả.

Khi bình minh đến, ánh nắng nhẹ xuyên vào nhà từ khe hở của trần nhà. Tôi ườn mình trên giường ngắm nhìn những tia sáng đó một lúc lâu. Vào những ngày mưa gió hay mây mù thì đợi mãi mà chẳng thấy có tia sáng nào cả. Vào những dịp hiếm hoi khi tuyết rơi thì dù chưa đến bình minh mà tôi vẫn cảm thấy được thứ ánh sáng mờ nhạt.

Trong chăn thì ấm nhưng đầu mũi tôi lại lạnh cóng. Tôi muốn dậy đi tiểu mà sao mãi vẫn không nhấc mình dậy được.

Trong khi đó thì vợ tôi thức dậy đi vệ sinh trước cả tôi. Nàng thức giấc nhanh nhẹn lắm, vừa ư ử ca một bài ca vừa bắt tay dọn dẹp nhà cửa và châm lửa nấu nướng ngay.

Cuối cùng thì tôi cũng dậy và đi vệ sinh xong xuôi. Trong khi tôi đi quanh xem xét những con người mà tôi đã lượm về đây vào hôm qua, hôm kia và cả trước đó nữa, thì trong lò sưởi lửa cháy hừng hực, ấm nước sôi sùng sục và khắp phòng nồng nàn mùi bánh mì nướng.

Lũ người chất đầy căn phòng bên kia. Những người chết chúng tôi khiêng thả xuống hố, phân biệt những người muốn ở lại đây và những người muốn trở lên mặt đất, rồi sau đó chia món hầm cho mọi người.

Đám người chẳng có sức sống gì cả, khuôn mặt đơ ra như đã chết rồi. Tuy nhiên họ lại chưa chết. Họ không chết nhưng cứ lặng lẽ ăn mòn mọi thứ xung quanh, ăn mòn chính bản thân mình. Trong cái hang của chúng tôi, họ không thể biến thành chuột được mà cứ mãi là con người, chờ đợi ngày trở lại mặt đất.

Có những người chết đi trước khi kịp quay trở lên mặt đất. Thế là khi ấy những người khác lại gào khóc, quằn quại thân mình. Những khuôn mặt như đã chết rồi ấy chợt bừng sáng lên trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.

 

 

_________________________

[1]“Các nhà văn nữ Nhật Bản: Một cuộc đảo chiều tinh tế”, bản dịch của Dương Thắng từ bài tiếng Pháp. Hai tập truyện Hebi wo fumu 蛇を踏む và Sensei no kaban センセイの鞄, dịch sát nghĩa là “Đạp rắn” và “Chiếc cặp sách của tiên sinh”. (HL)

[2]Nguyên văn là câu “Nokiba no shinobu” (軒端の忍ぶ) vốn lấy ý từ bài thơ thứ 100 trong tập “Bách nhân nhất thủ” 百人一首 của Thiên Hoàng Juntoku 順徳院 như sau:

 
百敷(ももしき)や 古き軒端(のきば)の しのぶにも なほあまりある 昔なりけり
 
Chúng tôi tạm dịch thơ như sau: “Bên hàng hiên cũ gió mưa qua, dương xỉ mọc đầy lá với hoa, thật nhiều như lòng ta tiếc nhớ, một thời thịnh trị đã trôi xa.” Trong bài thơ này có sự chơi chữ rất hay là từ shinobu vừa chỉ cây dương xỉ shinobugusa 忍草 vừa chỉ lòng nhớ mong shinobu 偲ぶ. Bản trong truyện là phiên bản dịch thơ thứ hai của chúng tôi. (HL)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021