thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tâm sự... phê bình

Nhà phê bình hay nhận được những sự trách cứ mà có lẽ không có một người sáng tác nào gặp phải, chẳng hạn, hắn thường xuyên bị chất vấn: Tại sao anh/chị không phê bình người này mà lại phê bình người nọ? Tại sao cuốn truyện này, tập thơ nọ hay thế mà anh/chị không lên tiếng khen ngợi? Vân vân. Có lẽ không có nhà văn hay nhà thơ nào gặp những câu hỏi tương tự. Không ai hạch hỏi một nhà văn là tại sao hắn không viết về đề tài trại cải tạo hay đề tài vượt biển. Cũng không ai hạch hỏi một nhà thơ là tại sao hắn không viết về tình vợ chồng hay tình mẹ con hay một thứ tình nào đó. Không, người ta chỉ hạch hỏi các nhà phê bình.

Nói là "người ta" nhưng thật ra chỉ có "ta" thôi. Ở những nơi có truyền thống văn học và văn hoá lớn, nói chung, người ta hiểu, thứ nhất, không ai có thể có cái nhìn bao quát toàn bộ sinh hoạt văn học để có thể đưa ra một kết luận chung thẩm cho bất cứ vấn đề gì; thứ hai, mọi sự phê bình, do đó, chỉ là một sự lựa chọn tương đối; và thứ ba, bởi vì tương đối, nhà phê bình hoàn toàn có quyền tự do trong việc lựa chọn của mình. Chỉ có vấn đề là: sự lựa chọn đó phải xuất phát từ một quan điểm thẩm mỹ rõ ràng và nhất quán chứ không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên và tuỳ hứng. Thế thôi. Không ai hạch hỏi những điều oái oăm như "người Việt mình".

Chắc không phải tình cờ. Sự hạch hỏi ấy có lẽ xuất phát từ một thực trạng: tác phẩm phê bình văn học tại Việt Nam quá đỗi hiếm hoi. Ở các nước khác, về bất cứ giai đoạn, bất cứ sự kiện, bất cứ tác giả và bất cứ tác phẩm văn học đáng kể nào cũng có vô số công trình phê bình và nghiên cứu khác nhau. Một tác phẩm có thể bị bỏ sót ở nơi này và được đề cập ở nơi kia; bị chê bai ở nơi này và được khen ngợi ở nơi khác. Không sao cả. Trước những sự dị biệt ấy, độc giả càng thấy rõ tính chất tương đối của các công trình phê bình và càng có nhu cầu tự mình phải trực tiếp đọc tác phẩm ấy, và trên cơ sở đối chiếu với những lời phê bình của người khác, đi tới một nhận định riêng. Ở Việt Nam, ngược lại, thường thì lâu, lâu lắm mới có một công trình phê bình kha khá ra đời. Sự hiếm hoi ấy dễ khiến người đọc quên đó chỉ là một cách nhìn riêng của một nhà phê bình. Họ dễ tưởng đó là lịch sử. Họ dễ đòi hỏi nó phải đáp ứng được yêu cầu "toàn diện" và "đầy đủ" của những công trình nghiên cứu lịch sử. Họ quên nhìn vào những sự độc đáo có thể có trong cách cảm thụ và phân tích mà chỉ chăm chăm xoi mói vào những chỗ bất cập mà nó không thể tránh được.

Ngoài ra, sự hạch hỏi trên có lẽ còn xuất phát từ hai thành kiến khác, cho đến nay, dường như vẫn còn rất sâu đậm trong tâm thức người Việt Nam: một, cho nhiệm vụ chính của phê bình là cổ vũ và tuyên dương các thành tựu trong sáng tác; và hai, xem vị thế chủ yếu của nhà phê bình là một thứ phó thường dân trong cộng đồng văn nghệ chứ bản thân hắn không phải là một văn nghệ sĩ thực sự: hắn chỉ được viết những cái xã hội cần chứ không được viết những gì mình thích.

Thành kiến thứ nhất không phải hoàn toàn sai. Việc cổ vũ và biểu dương các thành tựu trong sáng tác nếu không phải là nhiệm vụ chính thì ít nhất cũng là một trong những nhiệm vụ chính của nhà phê bình. Có lẽ không ai phủ nhận điều đó. Nhưng vấn đề là: thành tựu gì? Có những thành tựu thật và những thành tựu giả. Có những thành tựu lớn và những thành tựu nhỏ. Nhà phê bình sẽ trở thành một kẻ lừa đảo hoặc ngu muội nếu chỉ chăm chắm tung hô những thành tựu giả; trở thành kẻ ba phải, hoặc thậm chí, một tên xu nịnh, nếu cứ khen loạn xị mọi thành tựu, bất kể lớn hay nhỏ; trở thành kẻ nói leo nếu chỉ biểu dương những thành tựu mà ai cũng biết, dù đó là những thành tựu lớn; trở thành kẻ phản động nếu nuôi ý đồ biểu dương những thành tựu lớn trong quá khứ để bài bác hay ngăn chận các nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm trong hiện tại.

Đối tượng chính của nhà phê bình đương nhiên là những thành tựu lớn, nhưng trong các thành tựu lớn ấy, ưu tiên hàng đầu thuộc về những thành tựu lớn chưa được mọi người nhìn nhận, những thành tựu lớn của tương lai. Để có thể đánh giá được sức sống của những thành tựu ấy, nhà phê bình phải nhìn văn học trong cả chiều hướng vận động của nó. Hơn nữa, nhà phê bình phải góp phần tác động vào chiều hướng vận động ấy bằng cách thuyết phục người đọc chấp nhận những cái đẹp vượt ra ngoài khuôn sáo quen thuộc.

Nhưng cái chúng ta gọi là "người đọc" thật ra là một khái niệm tập thể. Mà chỗ dựa của tập thể bao giờ cũng là truyền thống. Thuyết phục người đọc, do đó, là một cuộc vận động thay đổi một truyền thống. Đụng đến truyền thống là đụng đến văn hoá. Phê bình văn học, cũng do đó, dù muốn hay không, muốn đi đến tận cùng, đặc biệt ở những nơi chưa có tinh thần cởi mở trước những sự khác biệt và đa dạng, phải trở thành một thứ phê bình văn hoá. Chính qua việc phê bình văn hoá, nhà phê bình mới có thể làm nổi bật lên một hệ thẩm mỹ mới làm nền tảng cho những cách cảm thụ mới. Yếu tố xây dựng và đả phá trong phê bình lúc nào cũng đi liền với nhau; thậm chí, bản thân việc đả phá một hệ mỹ học cũ, đã lỗi thời, tự nó, cũng đã là một công cuộc xây dựng: xây dựng những khoảng trống cho cái mới được nẩy nở.

Với cách nhìn như vậy, chúng ta dễ thấy ngay là thành kiến thứ hai nêu trên, thành kiến cho nhà phê bình chỉ là một thứ phó thường dân trong cộng đồng văn học và chỉ được hoặc chỉ nên viết những gì xã hội cần, chỉ là một thành kiến sai lầm, hơn nữa, sai lầm một cách ấu trĩ.

Theo tôi, nhà phê bình phải có trách nhiệm với chính hắn trước khi có trách nhiệm với bất cứ ai khác, cho dù đó là một thiên tài lỗi lạc nhất của cả một thời đại hay của một dân tộc. Nhiệm vụ chính của hắn, cũng như của bất cứ một người cầm bút nào, từ một nhà thơ đến một nhà văn, là phải viết cho hay. Càng hay càng tốt. Khi không cảm thấy tự tin là có thể viết hay được thì không viết. Thành ra, một nhà phê bình có thể nói với một người sáng tác một cách thẳng thắn và thành thực thế này: Tác phẩm của anh (hay chị) hay bao nhiêu thì cũng mặc kệ, tôi sẽ không thể viết và không thể cho đăng tải nếu tôi chưa cảm thấy là bài phê bình của mình hay đủ để tự nó có thể đứng vững như một tác phẩm độc lập.

Bởi cố viết thì cũng vô ích. Nhiều người thỉnh thoảng vẫn thúc hối nhà phê bình: nếu không viết thật hay được thì anh/chị cứ quơ quào đại vài dòng. Nếu nghe lời xúi dại ấy mà viết quơ viết quào thì kết quả sẽ ra sao? Thì sẽ có thêm một bài phê bình dở mới! Mà số phận của một bài phê bình dở, cũng như bất cứ một bài viết dở nào, cũng chỉ là một con số không to tướng. Hằng ngày, trên sách báo văn học, chúng ta đã đọc, đã chán và đã quên ngay, quên tức khắc vô số những bài viết quơ quào kiểu đó, bộ chưa đủ hay sao?

Mà không chỉ vô ích. Những bài phê bình dở còn có hại hơn một sáng tác dở. Một sáng tác dở giống như một con bệnh nặng, có cố ngắc ngoải một chút rồi thì cũng chết; còn một bài phê bình dở thì giống như một con nhặng mang mầm bệnh: chắc chắn nó sẽ chết rất nhanh, nhưng trước khi chết, nó có thể gieo rắc nhiều loại vi trùng cho người khác, trong đó, nguy hiểm nhất là loại vi trùng liệt kháng về thẩm mỹ. Mắc loại vi trùng ấy, người ta mất khả năng xúc động trước cái đẹp, mất khả năng phân biệt cái mới và cái cũ, cái đẹp và cái đèm đẹp.

Nên chú ý là cái dở của phê bình "đa dạng" hơn cái dở của sáng tác và cái hay của phê bình thì lại giới hạn hơn cái hay của sáng tác. Sáng tác, nếu dở, chỉ có hai cách dở: hoặc không biết cách viết hoặc viết theo khuôn sáo; nhưng nếu hay, có vô số cách hay khác nhau. Phê bình, ngược lại, nếu dở, có vô số cách dở, từ dở trong cách hành văn đến dở trong cách phân tích, cách so sánh, cách cảm thụ, cách nhận định, v.v... nhưng nếu hay, chỉ có hai cách hay: hoặc phát hiện ra một cái đẹp mới hoặc phát hiện ra một cách đọc mới.

Trong phê bình, cái hay nhất thiết gắn liền với cái mới, phải là một phát hiện. Có lần Hoài Thanh kể lại kinh nghiệm đọc phê bình thơ của ông: ông bắt đầu bằng cách đọc lướt qua những câu thơ được trích dẫn để khen; nếu chúng hay thì ông đọc tiếp; còn không, thì thôi.[1] Tôi thì tôi nghĩ nếu những câu thơ được trích ấy hay cái hay mà ai cũng thấy là hay thì có lẽ cũng không nên mất thì giờ đọc chúng làm gì.

Vô ích.

4.2000

_________________________

[1]Hoài Thanh Toàn Tập, tập 2, nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 1044.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021