thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
2 TRUYỆN CỰC NGẮN VỀ THI SĨ [2]

 

 

THI SĨ BỊ BỆNH, NẰM TRÊN CHIẾC GIƯỜNG TRẢI KHĂN TRẮNG

VÀ GỐI ĐẦU LÊN MỘT TỜ GIẤY

 

Bạn chàng hẹn qua thăm, nhưng quên. Hôm sau bạn mang trái cây đến, thi sĩ trách: Hôm qua Qua hứa Qua qua mà Qua hổng qua, hôm nay Qua hổng hứa Qua qua mà Qua lại qua

 

Cực chẳng đã chàng mới mỉa mai bạn như vậy, vì thi sĩ ghét sự lặp lại. Có lần thi sĩ làm một bài thơ, từ đầu đến cuối chỉ có một câu. Hình như chàng có thay một chữ “ống xương” ở cuối câu bằng “ống nhòm”, “ống nhổ”, “ống điếu”, “ống kính”... và gió cứ việc thổi qua những cái ống đó. Chàng thú vị về sự trùng điệp ngôn ngữ của mình. Nhưng độc giả không chịu, hè nhau ném đá chàng một trận tơi bời vì sự nghèo nàn của từ vựng. Chàng ghét cay đắng những đòi hỏi đó. Dù đã nhào lộn muốn trật khớp nhưng chỉ có 24 chữ cái mà không cho lặp lại thì thi sĩ lấy gì kiếm ăn?

 

Nên bài học đầu tiên của thi sĩ là bài học về từ vựng

 

Nhưng có một lần chàng viết:

Chúng ta sẽ đánh tan chúng trên biên giới, chúng ta sẽ đánh tan chúng ngoài biển khơi, chúng ta sẽ đánh tan chúng trên hai quần đảo, chúng ta sẽ đánh tan chúng trên từng đường phố, chúng ta sẽ đánh tan chúng trên từng mái nhà, chúng ta sẽ đánh tan chúng & bắt chúng phải tìm đường xuống địa ngục, chúng ta sẽ đánh tan chúng... Mọi người gào lên: “chúng ta sẽ đánh tan...”, “chúng ta sẽ đánh tan...”, âm vang làm chàng ù cả hai tai

 

Thi sĩ thấy ai cũng khóc, cả em bé lên ba và cụ già. Trừ mấy ông nhà thơ lên đồng

 

Và thi sĩ cũng ghét bài học thứ hai, sao người ta cứ bắt nhân dân lặp lại miết nước mắt và xương máu...

 

 

THI SĨ LẤY MẶT TRỜI RA KHỎI LỒNG NGỰC

 

Vì khối cầu lửa ấy làm chàng khó thở, nó cứ lên cơn bốc hoả như những kẻ thích chỉ huy chàng. Chỉ huy? Thi sĩ cũng có Vua? Thi sĩ có Vua không?

 

Câu trả lời là có

 

Ông Vua Thơ như người chỉ huy dàn nhạc và có quyền kết thúc mọi tiết mục trên sân khấu. Vua làm cho mọi người vỗ tay, làm áo choàng của thi sĩ rơi xuống khi cổ họng chàng vẫn còn đang ngân rung những câu hát. Với cây gậy của mình, Vua giúp thi sĩ bước ra ánh sáng, làm thi sĩ biết được mình là thiên tài. Nhiều người cũng thắc mắc khi cây gậy của Vua huơ nhiều lúc loạn xạ như cần cẩu trong mỏ khai thác đá, nhưng vì Vua vỗ tay rất khớp nên cũng chẳng còn ai nghĩ ngợi. Vì số lượng thi sĩ khá đông nên những ai biết hoà âm, hát đồng ca hay hát nhép Vua sẽ cho xuất hiện sớm và đích thân bắt nhịp. Những thi sĩ hát đơn ca thường bị lấy cớ là hoang dã hay tóc râu chưa cạo không phù hợp với cuộc vui của sân khấu, Vua lờ đi rất khéo. Không ai dám năn nỉ vì lúc ây nét mặt Vua rất cau có. Có khi dàn đồng ca đã hát xong mà Vua vẫn còn nhắm mắt lầm bầm làm mọi người không kịp vỗ tay, ai cũng tưởng Vua đang tức giận điều gì nên Vua quên vỗ tay mồi

 

Cứ như vậy Vua nâng đôi cánh không biết bao nhiêu thi sĩ. Vua tập cho các chàng động tác cúi đầu chào, sự múa mép mà không sùi nước bọt, sự nhiệt liệt khi cơn cuồng nộ lan rộng có thể làm mọi thứ bay lên trời như bong bóng mà không bị vỡ...

 

Mọi người không hiểu vì sao Vua thích uốn éo lắc lư mà quên nghe giọng hát, cứ hướng dẫn vỗ tay sai miết nên ai cũng thấy lạ

 

Và cũng không ai biết là Vua bị điếc

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021