|
“Amami, Amami!”
|
|
Tôi được nghe nói về quần đảo Amami lần đầu tiên cách đây 17 năm về trước, khi tôi tới làm việc tại Viện Nghiên cứu Vật lý và Hóa học (RIKEN), Nhật Bản. Tại đây tôi đã được gặp Michio Seki-san, khi đó là ủy viên hội đồng quản trị RIKEN. Seki-san sinh tại Amami. Từ ông, tôi được biết rằng quần đảo cận nhiệt đới này, trải dài 250 dặm về phía nam của quần đảo Nhật Bản, có một nền văn hóa độc lập, khá khác biệt với khuôn mẫu của một nền văn hóa tưởng chừng như thuần chủng ở Nhật Bản. Một ngày vào năm 1995 Seki-san đưa tôi đến thăm xưởng hoạ của Hatake-san, một hoạ sĩ người Amami hiện sống ở Tokyo, hoạ sĩ Nhật Bản đầu tiên mà tôi được gặp sau khi đến Nhật. Trong một lần về quê nghỉ hè, Hatake-san đã gửi cho tôi một hộp vỏ ốc ông nhặt được trên bãi biển Amami. Những vỏ ốc này đã truyền cảm hứng cho tôi vẽ nên bức tranh đầu tiên về chủ đề Amami, mà tôi đặt tên là “Những vỏ ốc khổng lồ từ quần đảo Amami“ mặc dù tôi chưa một lần tới nơi này. Bức tranh đã được trưng bày tại triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi tại Nhật vào năm 2001. Seki-san đã đến xem triển lãm, và sau đó đã mua bức sơn dầu. Đây là sự khởi đầu cho tình bạn lâu dài giữa tôi với Seki-san và Hatake-san. Cuối cùng thì tôi cũng đã đến được Amami. Chuyến thăm đó đã diễn ra vào cuối tháng 5/2011, khi tôi và vợ tôi tham dự buổi bế mạc triển lãm nhóm của 11 hoạ sĩ, kể cả tôi, hội viên hội Mỹ thuật Chủ Thể tại Bảo tàng Mỹ thuật mang tên Tanaka Isson. Chuyến đi của chúng tôi chỉ có ba ngày và kết thúc ngay trước khi một cơn bão lớn đổ bộ lên quần đảo. Thời tiết trước cơn bão ẩm ướt, với một vòm trời đầy mây xám, đôi khi có mưa phùn. Nhưng lòng hiếu khách của người Amami không vì thế mà suy giảm. Ngược lại, thái độ ân cần và nhiệt tình của họ đã khiến chúng tôi rất cảm động. Vợ tôi và tôi được những người bạn Amami lái xe đưa đi tham quan những nơi thú vị trên đảo. Những con người vui vẻ và chân thành, hiếu khách và khiêm tốn đã gây cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc. Vào buổi tối cuối cùng trong chuyến đi của chúng tôi, những người bạn Amami đã mời Hatake-san, vợ tôi và tôi dự một buổi liên hoan chia tay tại Gintei (吟亭: Ngâm Đình) – một nhà hàng ở Naze, thủ phủ của quần đảo Amami. Vừa ăn chúng tôi còn vừa được nghe shimauta – dân ca Amami (島唄: đảo ca) do bà chủ quán Matsuyama, đồng thời là một ca sĩ nổi tiếng của Amami, cùng cô cháu gái 15 tuổi của bà tên là Marina-chan trình diễn. Ẩm thực Nhật Bản, các điệu múa dân gian Amami, và shimauta với giọng ca cao lanh lảnh của cô gái tuổi teen mặc thời trang hip-hop, trong điệu trống đệm của bà mình, vận kimono tsumugi, đã khiến buổi liên hoan chia tay trở thành cao trào trong chuyến đi của chúng tôi. Trong khi nghe hai bà cháu hát shimauta, tôi nảy ra ý tưởng vẽ bức tranh mới của tôi về Amami. Bởi tôi đã xem nhiều tác phẩm Tanaka Isson (1908 – 1977) vẽ các phong cảnh kỳ lạ của Amami, hiện trưng bày tại bảo tàng mang tên ông, nơi chúng tôi vừa làm triển lãm nhóm, tôi mường tượng rằng bức tranh của tôi sẽ mang một tư tưởng khác, cảm xúc khác, và tất nhiên, phong cách và kỹ thuật của tôi. Marina-chan sẽ chiếm vị trí trung tâm trong bức tranh này.
Trở lại Tokyo, tôi nhờ Akiko-san, em gái Seki-san, người được coi là “trung tâm thông tin liên lạc” của Amami ở Tokyo, xin phép cha mẹ của Marina-chan cho tôi vẽ con gái của họ trong bức tranh của tôi. Họ đồng ý và cho tôi biết cô bé sẽ tham dự một cuộc thi dân ca toàn quốc tại Tokyo vào cuối tháng 8/2011. Akiko-san và tôi đã đến nghe buổi biểu diễn chung kết và gặp Marina-chan cùng Matsuyama-san – bà của cô bé. Tin tốt lành đầu tiên của cuộc thi là cả Marina-chan và một cô gái Amami khác, cũng là học trò của bà Matsuyama, đều đoạt giải thưởng. Vì vậy, tôi không phải là người duy nhất chụp hình Marina-chan khi cô xuất hiện tại tiền sảnh. Một số phóng viên và thợ ảnh cũng tranh nhau chụp hình các cô gái.
Tôi bắt đầu dựng bố cục vào đầu tháng 11. Trong bức tranh, tôi vẽ cảnh một phố cổ tại Maiori – một thị trấn nằm trên bờ biển Amalfi ở phía nam nước Ý. Trên bức tường phía trước, tôi vẽ hình dáng nhìn từ sau lưng của Marina-chan, mặc kimono tsumugi – chiếc kimono cô đã mặc tại cuộc thi dân ca toàn quốc. Tuy nhiên, phần từ vai cô trờ xuống dần dần biến thành một lỗ thủng trên tường, qua đó người xem nhìn thấy phong cảnh Amami với một cây dứa dại ở lớp trước trên nền bãi biển Amami trước cơn bão. Tôi cũng vẽ hai biểu tượng của Amami, một con bói cá hồng, dường như đang bay qua lỗ cửa sổ từ thế giới của Amami vào thế giới bên bờ Địa Trung Hải, và một bông nguyệt huệ (cà độc dược), một trong những cây hoa nhiệt đới tại Amami, dường như đã rơi lên đất Neapolitan. Đối với tôi, bờ biển Amalfi và quần đảo Amami có một số nét tương đồng. Cả hai đều đại diện cho những nền văn hóa và truyền thống khác với nền văn hoá thống lĩnh trong vùng phía bắc châu Âu hay từ các đảo chính tại Nhật Bản. Cả hai đều là xứ sở của những cảnh quan kỳ lạ với những bãi cát dài hoà vào làn nước biển màu ngọc thạch dưới một bầu trời xanh biếc. Đồng thời đó cũng là hai nền văn hoá hoàn toàn khác biệt nhau, bắt đầu từ một bên là dân ca Neapolitan, và vũ khúc Tarantella trên bờ biển Amalfi, còn bên kia là shimauta và các điệu múa từ các hòn đảo Amami, và kết thúc với một bên là pasta, pho-mát và rượu vang đỏ xứ Napoli, còn bên kia là cơm gà, sashimi, và rượu shochyu tại Amami. Bức tranh lấy cảm hứng từ cô gái Amami duyên dáng, cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời của bờ biển Amalfi và quần đảo Amami, các bài hát Neapolitan và shimauta du dương. Âm nhạc cũng toát lên từ bức tranh trong các giọng trưởng và crescendo ở lớp trước, và các giọng thứ và diminuendo trong phần nền. Phong cảnh Amami đằng sau lỗ cửa sổ trên hình của cô gái tạo nên đối âm với cảnh quan Neapolitan. Cả hai đều là các bài hát độc lập mà khi cất lên cùng nhau tạo nên một phức điệu hài hoà. Người Neapolitan chắc phải tràn đầy nhạc cảm bởi họ đã xây dựng cầu thang đá trên đường phố có bảy bậc như thang âm bảy nốt, hay 7 phím trắng, mà mỗi bậc lại có năm hòn đá ở mép như thang âm ngũ cung, hay 5 phím đen trên đàn piano, ấy là tôi giả định như vậy. Tôi đặt tên bức tranh là Amami, Amami!, trong đó từ “Amami” đầu tiên trong tiếng Ý có nghĩa là “Hãy yêu tôi”, còn từ thứ hai “Amami” (奄美) là tên quần đảo quê hương những người bạn của tôi, nơi lần đầu tiên tôi đã được nghe shimauta qua giọng ca của một cô bé 15 tuổi.
Tokyo, 8/1/2012
------------------
Bấm vào đây để xem tranh “Amami, Amami!” khổ lớn hơn.
Bấm vào đây để đọc những tác phẩm của Nguyễn Đình Đăng đã đăng trên Tiền Vệ
|