thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khi bạn nói | Hỏi xin niềm tin | Đói | Thế giới
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
JAN TWARDOWSKI
(1915-2006)
 
Jan Jakub Twardowski sinh ngày 1 tháng 6 năm 1915 (phần lớn các tài liệu ở Pháp ghi 1916) tại Warsaw, Ba Lan, là con của Jan Twardowski và Aniela Maria Konderska. Sau ba năm bị buộc qua sống ở Nga trong thời Đệ Nhất Thế chiến, gia đình ông trở về Warsaw. Thời niên thiếu ông từng theo học toán và thể dục môi trường, làm việc tại toà soạn báo thanh niên Kuznia Mlodych, làm thơ, viết truyện, phỏng vấn các nhà văn, v.v., rồi theo học ngữ văn tại Đại học Jozef Pilsudski, và từng xuất bản tập thơ đầu tay Powryt Andersena [Andersen trở về] với số lượng khiêm tốn 40 bản, năm 1937. Sau một thời gian tham gia phong trào kháng chiến Armia Krajowa (hoạt động bí mật) và chiến đấu bên cạnh lực lượng Ba Lan nổi dậy (trong Thế chiến II) ông trở về và bắt đầu vào chủng viện, đồng thời theo học văn chương Ba Lan và thần học tại Đại học Warsaw, rồi được thụ phong linh mục năm 1948, trước khi trở thành mục sư chánh nhà thờ Siostry Wizytki.
 
Những bài thơ đầu của Twardowski mang ít nhiều ảnh hưởng của Jozef Czechowicz và nhóm tiền vệ Ba Lan. Tuy nhiên với tập Wiersze (“Thơ” – Poznan, 1959) xuất bản sau khoảng hai mươi năm gián đoạn, rõ ràng ông đã chọn một con đường riêng, và kể từ tập thơ thứ ba, Znaki Ufnosci (“Những dấu hiệu lòng tin” – Krakow, 1870) những sáng tác phong phú của ông, thoạt đầu xuất hiện phần lớn trên tạp chí Tygodnik Powszechny – từ những bài thơ thường khi ngắn và giản dị, đôi khi với lối nói thông tục mà vẫn rất trữ tình, đến những sách viết cho thiếu nhi, và cả những bài bình luận diễn giải về thần học, bắt đầu chinh phục người đọc khắp nơi. Quả thế, Jan Twardowski viết truyện cũng như làm thơ, đều bằng một giọng giễu cợt thông minh, nhưng đàng sau cái giọng điệu dí dỏm của mình ông luôn để lộ một tấm lòng thiết tha với thiên nhiên và những thiệt thòi của con người, lấp ló những suy nghĩ triết lý về cuộc đời. “Chúng ta vẫn nên thấy hạnh phúc, cho dù có phải chịu những điều xấu xa [của cuộc đời]...”
 
Là nhà văn của mọi thời đại, tên tuổi từ nhiều thập kỷ vẫn đứng hàng đầu trong dòng thơ trữ tình tôn giáo hiện đại ở Ba Lan, là người từng đoạt nhiều giải thưởng và huy chương văn học, như Giải PEN Club Robert Graves (1980) dành cho toàn bộ tác phẩm, Order Usmiechu (Huân chương Nụ cười, 1996), Giải IKAR (2000) và Giải TOTUS (2001, được coi như là Giải Nobel Công giáo), Jan Twardowski thường tự cho mình “trước tiên là một linh mục”.
 
Nhà thơ Ba Lan Anna Kamienska viết về ông với những dòng trang trọng: “Nếu Thánh Francis là một nhà thơ hiện đại, ngài sẽ viết theo cách Jan Twardowski đã viết...”
 
Twardowski qua đời ngày 18 tháng Giêng 2006 ở Warsaw và được vinh dự an táng tại Điện thờ Crypt, thay vì Nghĩa trang Warsaw Powazki như ông yêu cầu.
 
Tác phẩm chính: Znaki ufności (1970), Zeszyt w kratkę (1973), Niebieskie okulary (1980), Na osiołku (1986), Nie przyszedłem pana nawracać (1986), Sumienie ruszyło (1989), Stukam do nieba (1990), Niecodziennik (1991), Krzyżyk na drogę (1993), Kubek z jednym uchem (2000).
 
 
 

Khi bạn nói

 
Bạn chớ có khóc trong thư
đừng viết cho ta là số phận đã cho bạn một cú đá
lúc nào cũng còn có một đường ra
khi Thượng đế đóng cửa lớn thì Ngài mở cửa sổ
hãy hít một hơi thở hãy nhìn cho rõ
mây đang mưa
những tai hoạ nhỏ cần thiết cho hạnh phúc
hãy tập kiếm yên tĩnh tâm hồn từ những chuyện bình thường
và hãy quên bạn là gì khi bạn nói bạn yêu
 
 
 

Hỏi xin niềm tin

 
tôi gõ cửa thiên đường
và hỏi xin niềm tin
nhưng không phải xin loại tạm bợ
đếm sao trên trời mà không để ý tới những con gà con
không phải loại phù hoa chỉ sống lâu có một ngày
tôi muốn
loại lúc nào cũng tươi tốt bởi vì nó là vô hạn
là loại đi theo mẹ như một con cừu
không phải thấu hết nhưng là hiểu được
biết chọn ra những chữ nhỏ nhất
không trả lời được mọi chuyện
và không tháo bỏ công việc
nếu có ai càu nhàu
 
 
 

Đói

 
Chúa của tôi đói
người chỉ là một cái bao đựng xương
người không có tiền
không có những giáo đường dát bạc cao ngất
 
Những ngọn nến không thể giúp người
những bài thánh ca không cho người sự ngơi nghỉ
thầy thuốc không có cách gì chữa
cho bộ ngực dẹp sâu hoắm của người
 
Cảnh sát tuần tiễu nhà nước
không có quyền uy
tình thương là thức ăn duy nhất
môi người sẽ ban phúc
 
 
 

Thế giới

 
Thượng đế ẩn mình để con người có thể nhìn thấy thế giới
nếu người cũng tự phô trương thì rồi chỉ có mình người
và thế thì trước sự hiện diện của người ai còn thấy ra được con kiến
con ong bắp cày xinh đẹp cáu kỉnh lượn vòng quấy nhiễu
con vịt đực màu xanh với cặp giò màu vàng
chim te te đẻ bốn cái trứng đặt nằm chéo hình chữ thập
những con mắt tròn hạt đậu của chuồn chuồn trong vỏ bọc trứng
mẹ chúng ta trước bàn ăn cách nay không lâu cầm
cái ca ngay chỗ chiếc quai to ngộ nghĩnh
cây linh sam bóc vỏ khô thay vì rụng lá
điều khổ và điều vui cả hai đường để học
đều là những bí ẩn nhưng không bao giờ như nhau
là những đá tảng chỉ lối cho khách đi đường
 
tình thương không nhìn thấy được
nên không che lấp gì cả
 
 
------------
“Khi bạn nói” dịch từ bản tiếng Anh “When you say” trong Jan Twardowski, When you say, ấn bản tiếng do Wydawn Literackie xuất bản ở Ba Lan, 2000; “Hỏi xin niềm tin”, “Đói”, và “Thế giới” dịch từ bản Anh ngữ “Asking For Faith”, “Hungry”, và “The World” của Stanislaw Baranczak và Clare Cavanagh trong Spoiling Cannibals’ Fun – Polish Poetry of the Last Two Decades of Communist Rule (Northwestern University Press, 1991) [ba bài này từng xuất hiện trong Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993].
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021