thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười một bài thơ
Bản dịch Diễm Châu
 
 
FERNANDO PESSOA
(1888-1935)
— Álvaro de Campos (1890-1935?),
một “dị danh” của F. Pessoa.
 
(Để kỷ niệm 70 năm ngày mất của
Fernando Pessoa & Álvaro de Campos)
 
 
KHI TÔI NHÌN TÔI*
 
Khi tôi nhìn tôi, tôi không hiểu tôi.
Tôi có thói cảm nhận thật kỳ dị
Khiến đôi khi tôi lầm lẫn lúc lìa bỏ
Những cảm giác mà tôi cảm thấy.
 
Không khí tôi hít thở, chất rượu mà tôi uống,
Thuộc về cách hiện hữu của tôi,
Và tôi không bao giờ biết kết luận ra sao
Về những cảm giác mà tôi thấy dù không muốn.
 
Nói đúng ra, tôi cũng chẳng bao giờ để ý.
Phải chăng tôi thật sự cảm thấy những gì tôi cảm thấy. Tôi
Có phải hệt như dáng vẻ của tôi ở nơi tôi? Tôi
 
Có phải hệt như tôi tự xét đoán tôi trong thực tế?
Ngay cả trước những cảm giác của mình, tôi cũng hơi vô tín ngưỡng,
Tôi cũng chẳng biết có thật đúng là tôi đang cảm thấy ở bên trong tôi.
 
------------------
* Tựa đề in nghiêng vì được đặt thêm, dựa theo bài. (ND.)
 
 

GHI TRONG MỘT CUỐN SÁCH BỊ BỎ LẠI KHI ĐI XA

 
Tôi từ vùng phụ cận Beja tới.
Tôi đi vào trung tâm Lisboa.
Tôi không mang theo gì hết và sẽ chẳng tìm ra gì hết.
Tôi đã mỏi mệt từ trước về những gì mình sẽ không tìm ra,
Và nỗi nhớ mà tôi cảm thấy không thuộc về dĩ vãng cũng chẳng thuộc về tương lai.
Tôi để lại nơi cuốn sách này dự tính đã tiêu tan của mình dưới dạng có thể đọc được:
Tôi tựa như cây cỏ, và người ta đã không nhổ lên.
 
 

DEMOGORGON*

 
Trên đường phố đầy ánh nắng vô định có những ngôi nhà bất động và những người cất bước.
Một nỗi buồn đầy kinh hoàng khiến ta lạnh cóng.
Ta linh cảm một biến cố ở đằng sau những mặt tiền và những cử động.
 
Không, không, đừng có điều ấy!
Tất thảy trừ hiểu biết lẽ Huyền vi là gì!
Mặt ngoài của Vũ trụ, hỡi những Mí mắt Cụp,
Đừng bao giờ ngẩng lên!
Tia nhìn của Chân lý Cuối cùng hẳn là không thể chịu nổi!
 
Hãy để ta sống không hay biết gì hết và chết không bao giờ hay biết gì hết!
Biết tại sao có con người, tại sao có mọi vật, tại sao tất cả hiện hữu,
Hẳn sẽ khơi nên một nỗi điên rồ còn lớn hơn cả khoảng không
Giữa các hồn người và giữa các vì sao.
 
Không, không, chân lý, đừng! Hãy để lại cho ta những ngôi nhà này và những con người này,
Có thế nào vẫn hệt như thế, không gì khác hơn thế, những ngôi nhà này và những con người này...
Hơi thở nào ghê rợn và lạnh lẽo đang chạm tới đôi mắt khép của ta thế?
Ta không muốn mở mắt sống. Hỡi Chân lý, hãy quên ta đi!
 
-------------------
* Thần Đất. (ND.)
 
 

DIÊN TRÌ

 
                                     14. 4.1928
 
Mốt, phải, chỉ ngày mốt mà thôi...
Ngày mai tôi sẽ sống để nghĩ tới ngày mốt,
Và như thế thì có thể được; hôm nay thì không...
Không, hôm nay thì vô phương; hôm nay không thể được.
Sự dai dẳng hỗn độn của chủ quan tính khách quan của tôi,
Giấc ngủ trong cuộc đời thực của tôi, xen kẽ,
Sự mỏi mệt đã cảm thấy trước và vô tận,
Một thế giới mỏi mệt khiến không lên nổi một con tầu điện...
Thứ tâm hồn này...
Chỉ ngày mốt mà thôi...
Hôm nay tôi muốn chuẩn bị bản thân tôi,
Tôi muốn chuẩn bị bản thân tôi để ngày mai nghĩ tới ngày mốt...
Chính hắn mới là quyết định.
Tôi đã vạch phương án của tôi; mà không, hôm nay tôi không vạch phương án...
Ngày của phương án là ngày mai.
Ngày mai tôi sẽ ngồi tại văn phòng để chinh phục thế giới;
Thế nhưng, thế giới, tôi sẽ lại chỉ chinh phục vào ngày mốt...
Tôi muốn khóc,
Đột nhiên tôi muốn khóc, ở bên trong...
Đừng tìm hiểu thêm nữa, chuyện bí mật, tôi sẽ nín thinh.
Chỉ ngày mốt mà thôi...
Khi tôi còn nhỏ, đám xiếc ngày Chúa nhật khiến tôi vui suốt tuần.
Hôm nay chỉ làm tôi vui đám xiếc ngày Chúa nhật của trọn tuần tuổi thơ tôi...
Ngày mốt tôi sẽ khác.
Đời tôi sẽ huy hoàng,
Tất cả những tính chất của tôi như con người thông minh, học thức, thực tiễn, sẽ được triệu tới bằng đường lối yết thị —
Nhưng là một yết thị của ngày mai...
Hôm nay tôi muốn ngủ, tôi sẽ soạn thảo bản yết thị ấy vào ngày mai.
Hôm nay, cuộc trình diễn nào sẽ lặp lại tuổi thơ tôi?
Dẫu như chỉ để khiến ngày mai tôi mua vé,
Là vì ngày mốt cuộc trình diễn mới hay...
Chứ không phải trước đó...
Ngày mốt tôi sẽ có thái độ mà ngày mai tôi sẽ nghiên cứu.
Ngày mốt rốt cuộc tôi sẽ là những gì mà hôm nay tôi không thể là bằng bất cứ cách nào hết.
Chỉ ngày mốt mà thôi...
Tôi buồn ngủ như một con chó lang thang bị lạnh.
Tôi buồn ngủ vô cùng tận.
Ngày mai tôi sẽ nói với em những lời nọ, hay ngày mốt.
Phải, có lẽ chỉ ngày mốt mà thôi...
 
Tương lai...
Phải, tương lai...
 
 

MẤT NGỦ

 
Tôi không ngủ, tôi không hy vọng ngủ.
Cả trong cái chết, tôi cũng không hy vọng ngủ.
 
Mất ngủ chờ đợi tôi, rộng lớn như các vì tinh tú,
Và một cái ngáp thật vô ích, dài lâu như thế giới.
 
Tôi không ngủ; tôi không thể đọc khi tôi thức dậy ban đêm,
Tôi không thể suy nghĩ khi tôi thức dậy ban đêm –
Trời ơi, tôi cũng không thể mơ mộng nữa khi tôi thức dậy ban đêm!
 
Ôi cái ma túy được là một người khác!
 
Tôi không ngủ, tôi nằm sóng sượt đó, cái thây ma tỉnh thức, có cảm giác,
Và cảm quan tôi chỉ là một sự vắng mặt của suy tưởng.
Tràn ngập tôi, không sao nhận ra, là những điều chưa từng xẩy đến với tôi.
– Tất cả những điều ấy, tôi tự thú và tôi hối tiếc;
Phải, cả đến những điều ấy, tôi tự thú và tôi hối tiếc; tôi không ngủ.
 
Tôi không sao có đủ nghị lực để châm một điếu thuốc.
Trong buồng tôi, tôi nhìn chăm chú vào bức vách trước mặt như ấy là cả vũ trụ.
Bên ngoài có sự im lặng của tất cả những thứ đó.
Một im lặng lớn lao có lẽ sẽ thật hãi hùng trong những hoàn cảnh khác,
Trong những hoàn cảnh khác khi tôi thật sự cảm thấy những cảm giác của mình.
 
Tôi viết những câu thơ thật dễ thương –
Những câu thơ nói rằng tôi chẳng có gì để nói hết,
Những câu thơ cứ bướng bỉnh nói ra điều ấy
Những câu thơ, những câu thơ, những câu thơ, những câu thơ, những câu thơ...
 
 

Ở NGÔI NHÀ TRƯỚC MẶT…

 
Ở ngôi nhà trước mặt, trước mặt tôi và những giấc mơ của tôi,
Hạnh phúc biết bao!
 
Ở đấy cư ngụ những người tôi không quen biết, những người tôi đã thấy mà không thấy,
Họ hạnh phúc, vì họ chẳng phải là tôi.
 
Những đứa trẻ đang chơi trên đó trên hàng lan can
Sống giữa những chậu bông,
Cố nhiên là mãi mãi.
 
Những tiếng nói cất lên ở các sân sau
Vẫn ca hát, cố nhiên.
Phải, chắc là chúng ca hát.
 
Bên ngoài, là hội lễ, bên trong cũng hội lễ.
Chắc phải vậy thôi, khi mọi sự đều hòa hợp.
Cũng vậy thôi con người với Thiên nhiên, bởi thành phố là Thiên nhiên.
 
Ôi hạnh phúc lớn lao thay khi không phải là tôi!
 
Nhưng những người khác có bao giờ họ cảm thấy cùng một điều như thế?
Những người khác nào? Họ làm gì có.
Những gì người khác cảm thấy là một ngôi nhà có cửa chớp khép lại.
Hoặc khi chúng có mở ra,
Là để trẻ em lên chơi trên sân thượng bọc lưới sắt,
Giữa những chậu bông mà thực ra tôi chưa hề thấy
Và người khác chả bao giờ cảm thấy gì.
 
Chính chúng ta là những người cảm thấy
Phải, chúng ta hết thảy,
Ngay cả tôi, người lúc này đã chẳng còn cảm thấy một chút gì hết.
Không chút gì hết ư? Tôi không biết...
Một chút không gì hết khiến ta đau...
 
 

THỨC DẬY THÀNH PHỐ LISBOA…

 
Thức dậy thành phố Lisboa, muộn hơn những thành phố khác,
Thức dậy đường Rua do Ouro,
Thức dậy Quảng trường [1], trước cửa những quán rượu,
Thức dậy
Cùng với, ở trung tâm của tất cả, nhà ga không bao giờ ngủ,
Như một trái tim phải đập cả trong lúc thức và ngủ.
 
Mỗi một buổi sáng trỗi dậy, luôn luôn trỗi dậy ở cùng một nơi,
Không có những buổi sáng trên thành phố, cũng chẳng có những buổi sáng trên đồng quê.
Vào giờ mà ngày mới chớm, khi ánh sáng rung rinh và cất lên,
Hết mọi nơi đều là cùng một nơi, hết mọi vùng đất đều là cùng một đất,
Và muôn thủa là sự tươi mát thoát ra từ hết mọi nơi và từ hết mọi nơi cùng một lúc.
 
Một khát vọng tinh thần làm bằng chính da thịt chúng ta,
Một sự khuây khỏa của sống mà thân xác chúng ta chia xẻ,
Một sự hào hứng đối với ngày đang tới, một niềm vui sẵn có dành cho tất cả những gì có thể đến thực sự,
Đó là những cảm tưởng nảy sinh khi nhìn ngắm bình minh,
Dù ấy là người đàn bà khinh khoái trên chỏm núi,
Dù ấy là người chầm chậm chiếm đoạt những con đường băng qua thành phố từ đông sang tây,
Dù ấy là
 
Người đàn bà khóc thầm
Giữa những tiếng reo hò ầm ĩ của đám đông...
Người bán hàng xấu ngoài đường phố với lời quảng cáo dị kỳ,
Thật đặc sắc dưới mắt kẻ qua lại chăm chú...
Vị tổng lãnh các thiên sứ, tác phẩm điêu khắc của một đại giáo đường,
Cái ống tiêu trườn giữa nhũng ngón tay của thần Pan [2],
Tất cả những điều ấy hội tụ lại cùng một nơi,
Tìm cách gặp nhau và tan hòa
Trong hồn tôi.
 
Tôi tôn thờ hết mọi sự
Và trái tim tôi là một quán trọ mở cửa thâu đêm.
Tôi tha thiết quan tâm tới cuộc sống,
Tìm hiểu nó và hết sức chăm chú tới nó.
Tôi yêu mến tất cả, làm sống động tất cả, đem lại chút nhân tính cho tất cả,
Cho con người và cho đá tảng, cho hồn thiêng và cho máy móc,
Để, bằng tất cả những chuyện đó, gia tăng nhân cách của tôi.
 
Tôi thuộc về tất cả để thuộc về bản thân tôi mỗi lúc một hơn,
Và tham vọng của tôi có lẽ là ôm lấy toàn vũ trụ
Như một chị vú nuôi ôm lấy đứa trẻ của mình.
Tôi yêu mến hết mọi sự, có những điều yêu hơn những điều khác,
Không phải là yêu điều này hơn điều kia, mà là yêu điều tôi đang thấy
Hơn là điều tôi đã thấy hay sẽ thấy về sau.
Đối với tôi không có gì đẹp bằng cử động và những cảm giác.
Cuộc đời là một hội chợ lớn, với những gian hàng tạm bợ và những người leo dây, nhào lộn,
Tôi nghĩ tới điều đó, tôi mủi lòng nhưng tôi không bao giờ ở yên.
 
Em hãy cho tôi những bông huệ [3]
Và cả những bông hồng,
Hãy cho tôi những bông hồng, những bông hồng
Và cả những bông huệ,
Những bông cúc, những bông thược-dược,
Những bông hoa tím, những bông quỳ
Trên hết mọi thức hoa...
Hãy ném những bông hoa ấy cả nắm đầy
Lên hồn tôi,
Hãy cho tôi những bông hồng
Và cả những bông huệ...
 
Trái tim tôi khóc
Trong bóng tối các công viên...
Không có ai để thực sự
Yên ủi nó,
Nếu đó không phải là bóng tối các công viên
Đang lọt vào mãi tới hồn tôi
Qua nước mắt.
Hãy cho tôi những bông hồng, những bông hồng
Và cả những bông huệ...
 
Nỗi đau đớn của tôi đã xưa
Như một lọ nước hoa phủ đầy bụi.
Nỗi đau đớn của tôi vô ích
Như một chiếc lồng trong một xứ không có chim,
Nỗi đau đớn của tôi lặng lẽ và buồn
Như phía trên của bãi cát nơi nước biển không tới.
Tôi tiến lên hướng về những cửa sổ
Của những lâu đài đổ nát
Và tôi suy ngẫm từ bên trong tới bên ngoài
Để an ủi mình về hiện tại.
Hãy cho tôi những bông hồng, những bông hồng
Và cả những bông huệ...
 
Nhưng kìa em sẽ hoài công cho tôi những bông hồng và những bông huệ,
Không bao giờ tôi có thể tự đủ về cuộc đời.
Tôi luôn luôn thiếu một điều gì đó,
Tôi luôn luôn vẫn còn một điều gì đó phải ao ước,
Như trên một cảnh trí vắng vẻ.
 
Thế nên, em đừng quan ngại về điều tôi nghĩ
Và ngay như em có thể thấy những gì tôi xin em
Có vẻ điên rồ,
Hỡi người em bị lao phổi tội nghiệp của tôi,
Hãy cho tôi những bông hồng của em và những bông huệ của em,
Hãy cho tôi những bông hồng, những bông hồng
Và cả những bông huệ...
 
-----------------------
[1] Rossio (công trường lớn) trong nguyên tác.
[2] Pan (nguyên tác: Pã): thần của các mục tử, có chân, sừng và lông của con dê đực, tượng trưng cho “Sự sống của mọi loài”, thường được họa hình hay tạc tượng như trên, với ống tiêu...
[3] Lirios trong nguyên tác. (ND.)
 
 

Ở NƠi XA ĐÓ, TÔì KHÔNG BIẾT LÀ ĐÂU

 
Hôm trước chuyến đi xa, hồi chuông réo gọi...
Đừng báo trước cho tôi bằng một tiếng ánh ỏi như thế!
 
Tôi muốn vui hưởng cảnh yên tịnh của sân ga nằm trong hồn tôi
Trước khi nhìn thấy tiến lại gần tôi con tầu chung cuộc
Cập bến thật chắc chắn,
Trước khi cảm thấy cuộc khởi hành thật sự trong tất cả những nếp gấp của gan ruột,
Trước khi đặt lên bàn đạp ngựa một bàn chân
Chưa bao giờ có thể vô tình trước mọi cuộc lên đường.
 
Lúc này, vừa nhả khói trên sân ga hôm nay tôi vừa muốn
Mình hãy còn được cột ràng đôi chút với cuộc đời khi xưa.
Cuộc đời vô dụng, chỉ đáng bỏ đi, cái cuộc đời chỉ là một nơi giam cầm?
Mà cần chi? Toàn vũ trụ cũng chỉ là một ngục tù, và việc bị giam giữ nào có quan hệ gì với tầm vóc của tù ngục.
 
Điếu thuốc cho tôi thấy trước mùi vị của buồn nôn. Phải chăng con tầu đã trẩy đi từ ga kia?
Giã từ, giã từ, giã từ, hết thảy các người, những kẻ đã không tới từ biệt tôi,
Cái gia đình khó hiểu không chịu nổi của tôi...
Giã từ ánh sáng hôm nay, giã từ sân ga hôm nay, giã từ cuộc đời, giã từ cuộc đời!
 
A! Ở lại đó như một kiện hàng bị bỏ quên, dán đầy nhãn hiệu,
Bên những hành khách tựa mình trên hàng lan-can,*
Được những người canh gác đi tuần tìm thấy, sau khi tầu chạy —
“Ấy thế là! Chắc có kẻ đã bỏ quên cái đó ở đây!” —
 
Ở lại đó mà chỉ nghĩ tới cuộc khởi hành,
Ở lại đó và có lý,
Ở lại đó và chết ít đi...
Tôi đi tới tương lai như đi tới một kỳ thi thật khó.
Và nếu như chuyến tầu không bao giờ tới và nếu như Thượng đế bỗng thương xót tôi?
 
Tôi đã thấy mình trên sân ga, sân ga: cho tới lúc này vẫn chỉ là một ẩn dụ.
Tôi là một ai đó cũng hoàn toàn dễ coi.
Thấy rõ là — người ta bảo — tôi đã sống lâu năm ở nước ngoài.
Kiểu cách của tôi cố nhiên là của một người có giáo dục.
Tôi nhấc chiếc va-li, khước từ người phu khuân vác như thể anh ta là hiện thân của thói xấu,
Và bàn tay nắm chiếc va-li rung rung và khiến nó rung rung.
 
Ra đi!
Tôi sẽ không bao giờ trở lại,
Tôi sẽ không bao giờ trở lại, người ta không bao giờ trở lại.
Nơi chốn người ta trở lại luôn luôn là một nơi khác
Cái nhà ga mà người ta trở lại là một nhà ga khác.
Người ta không còn gặp cũng những người ấy, cũng một ánh sáng ấy, cũng một triết lý ấy.
 
Ra đi! Trời hỡi, ra đi! Tôi sợ ra đi!...
 
----------------------
* Dòng này dựa theo bản Pháp văn của Michel Chandeigne và Pierre Léglise-Costa, nxb. Christian Bourgois,1988, rất khác với bản Armand Guibert, nxb. Seghers, 1973. (ND.)
 
 

NGƯỜI XƯA THƯỜNG CẦU KHẨN…

 
                                                          3. 1.1935
 
Người xưa thường cầu khẩn các vị Nữ thần Nghệ thuật.
Chúng ta, thời cầu khẩn chính bản thân chúng ta.
Tôi không biết các vị thần kia có xuất hiện hay chăng —
Chắc còn tùy ở lời cầu khẩn và điều cầu khẩn —
Nhưng tôi biết rõ rằng chúng ta, chúng ta không xuất hiện.
Biết bao lần, nghiêng mình trên mặt giếng
Mà tôi giả thiết là mình,
Tôi đã kêu: “Aa” để nghe một tiếng vọng,
Và tôi đã chẳng thấy gì khác ngoài điều lúc ấy tôi nhìn thấy:
Làn ánh sáng tăm tối mịt mờ kia khiến mặt nước lấp loáng,
Dưới đó, trong vô dụng của đáy thẳm...
Không một tiếng vọng cho tôi...
Chỉ có mơ hồ, một khuôn mặt.
Hẳn là khuôn mặt tôi, bởi nó không thể là khuôn mặt của một ai khác.
Ấy là một sự vật gần như vô hình,
Nếu như lúc ấy tôi không thấy nó thật sáng rỡ.
Ở đó, mãi tận đáy...
Trong im lặng và ánh sáng giả trá của đáy thẳm.
 
Chà, Thi thần ấy!
 
 

CỐ NHIÊN LÀ TÔI MỆT…

 
Cố nhiên là tôi mệt,
Bởi không ngày này thời ngày khác rồi cũng phải mệt.
Tại sao tôi mệt. Tôi không biết gì hết:
Mà có biết cũng chẳng dùng làm gì,
Bởi mệt thời vẫn mệt.
Vết thương tự nó làm ta đau
Chẳng ăn nhằm gì tới nguyên do đã gây ra nó.
Phải, tôi mệt,
Và tôi mỉm cười
Nghĩ rằng mệt chẳng qua cũng chỉ là thế này:
Trong thân xác thời là buồn ngủ,
Nơi đầu óc thời thèm chẳng nghĩ suy,
Và trên hết là cái quan năng thật minh mẫn
Hiểu được chuyện hồi cố...
Và cái thú vô song không còn phải trông đợi?
Tôi thông minh đấy, thế thôi.
Tôi đã thấy nhiều chuyện, tôi đã hiểu nhiều về những chuyện mình đã thấy,
Và lại còn có cả đôi chút khoái trá trong mệt mỏi mà điều ấy đem lại cho ta,
Bởi rốt cuộc thời đầu óc bao giờ cũng có chỗ dùng được.
 
 

TẤT CẢ NHỮNG LÁ THƯ TÌNH…

 
Tất cả những lá thư tình đều
Kỳ cục
Chẳng phải là thư tình nếu chúng không
Kỳ cục.
 
Vào thời tôi, tôi cũng đã từng viết những lá thư tình,
Như những lá thư khác,
Kỳ cục.
 
Những lá thư tình, nếu có ái tình,
Nhất định phải
Kỳ cục.
 
Nhưng, xét cho cùng,
Chỉ có những kẻ không bao giờ viết
Những lá thư tình
Mới thực là
Kỳ cục.
 
Ước chi tôi được trở lại thời mình đã viết
Mà chẳng hay
Những lá thư tình
Kỳ cục.
 
Sự thật là hôm nay
Chính những hoài niệm của tôi
Về những lá thư tình ấy
Mới thực là
Kỳ cục.
 
(Tất cả những chữ nhấn mạnh trước vần áp chót,[1]
Cũng như những tình cảm ở độ chót,
Dĩ nhiên là
Kỳ cục).[2]
 
--------------------
[1] Tỉ dụ như: “ridículas” (kỳ cục) hoặc “esdrúxulas/ esdrúxulos” (ND.)
[2] Nguyên tác:
                       Todas as palavras esdrúxulas,
                       Como as sentimentos esdrúxulos,
                       São naturalmente
                       Ridículas.
 
__________________________
Ghi chú về tác giả và tác phẩm:
 
ÁLVARO DE CAMPOS (1890-1935?) là một nhà thơ Bồ-đào-nha. Theo Fernando Pessoa, ông sinh ngày 15.10.1890 tại Tavira, Agárve; học ở Tô-cách-lan, có bằng kỹ sư cơ khí và kỹ sư hàng hải... Với một hơi thơ rất Whitman, ông đã viết sáu bài Ca thi lớn và nhiều bài thơ khác... Là một trong những người anh em ‘khác họ’ với Alberto Caeiro, Ricardo Reis, Bernardo Soares,... dường như ông mất cùng ngày với Fernando Pessoa (30.11.1935)?
 
Để dịch mấy bài trên, tôi đã sử dụng các sách sau: Œuvres poétiques d’Álvaro de Campos, nxb. Christian Bourgois, Paris, 1988; Poésies d’Alvaro de Campos, nxb. Gallimard, Paris, 1987; Poesias de Álvaro de Campos, nxb. Publiçacões Europa-América, Portugal, 1987; và Fernando Pessoa, nxb. Seghers, Paris, 1960, 1973. Tôi đã thêm tựa (in nghiêng) cho một số bài trong nguyên tác không có tựa. Xin mời bạn đọc xem thêm một số thi phẩm khác của Álvaro de Campos đã đăng trên Tiền Vệ: "Tabacaria" ("Tiệm thuốc lá", 1928); Clearly non-Campos | Lisboa và những ngôi nhà của nó | Bên tay lái chiếc Chevrolet trên con đường Sintra. (ND.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021