thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sói
Hoàng Ngọc-Tuấn dịch
 
    Fujii Sadakazu (藤井貞和 - 1942~) là thi sĩ kiêm học giả, và là một trong những khuôn mặt nổi bật nhất của văn chương Nhật Bản đương đại. Thơ của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được chọn vào nhiều tuyển tập quan trọng, trong đó có những cuốn như The New Poetry of Japan: The 70s and 80s (Katydid Books, 1993), và Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry (University of California Press, 1998). Nhiều bài thơ của ông đã được khúc tác gia hậu hiện đại Nhật Bản Yuji Takahashi phổ nhạc. Ông cũng là một nhà thơ có lối đọc thơ khác thường, và một số buổi đọc thơ của ông đã được thu vào đĩa.
    Với tâm thức hậu hiện đại, Fujii Sadakazu rời bỏ vùng "trung tâm" thi pháp và mỹ học "chính thống" của Nhật Bản và, như Christopher Drake nhận định, ông tìm đến "những dạng thức thi ca phong phú khác hẳn với những gì tìm thấy trong sách giáo khoa tiêu chuẩn... để tất cả những đề tài của ông—chẳng hạn, người đàn bà sói 'tuyệt chủng', những pháp sư ở các bộ lạc thổ dân, những người du mục, thậm chí rong rêu và đá tảng—... cất lên tiếng nói, xướng ngâm, và ca hát ở những vùng ngoại biên của lịch sử Nhật Bản." (*)
    Bài thơ "Sói" dưới đây, trích từ tập THƠ NHẬT BẢN Ở ĐÂU? của Fujii Sadakazu, sử dụng huyền thoại dân gian về người đàn bà sói "tuyệt chủng" như một ẩn dụ để diễn tả lối tiếp cận thi ca mới của riêng ông.
 
--------------
(*) Xem nhận định của Christopher Drake trong Thomas Fitzsimmons & Yoshimasu Gozo (eds.), The New Poetry of Japan--The 70s and 80s, eds. (Santa Fe: Katydid Books 1993).
 
 
 
FUJII SADAKAZU
(1942~)
 
 

SÓI

 
Nhiều người nói Nhật Bản không có một thi pháp cũng không có một ngôn ngữ để làm thơ. Không có thi pháp, họ nói, vì thế không có ngôn ngữ cho thơ. Nhưng cái đã có lần hiện hữu trong ngôn ngữ, và đã mất đi, cái đó thực sự là cái gì vậy? Và cái đã mất có thể hiện hữu một lần nữa ở nơi nào?
 
Người đàn bà che giấu
thân thể trần truồng giá tuyết của nàng.
Nàng khoác vào
những ven biển màu những cơn sóng
Nhưng nàng bị dẫn dụ vào đêm tối
bên kia những cửa sổ
nơi nàng nương náu.
Và tôi ôm chầm lấy
nước, một
giọng nói tan chảy.
 
Ký ức cho tôi biết đôi tay tôi đã ôm một người đàn bà sói. Loài sói đã biến mất khỏi quần đảo Nhật Bản từ lâu, nhưng người đàn bà hiển nhiên là một con sói. Đúng hơn, nàng là một hậu duệ của nữ thần sói, thỉnh thoảng hồn nữ thần vẫn còn nhập vào nàng.
 
Lồng ngực của người đàn bà
mở rộng trong gió
thổi về từ bình nguyên lau sậy.
Đồng lúa mạch nhấp nhô
che giấu hạ thể tối tăm của nàng.
Dưới đó, một tấm chăn của nước.
Những gì có thể nhìn thấy trong đêm
là những gì treo trong chiếc giỏ đựng tế nhuyễn của nàng,
và trong cổ họng nàng
những tiếng kêu run rẩy lê thê
Nàng nhận lấy "cây gậy" của tôi
lần nữa rồi lần nữa.
 
Tất nhiên tôi chỉ mua nàng đêm ấy. Và khi tôi cho nàng biết tôi sẽ trở về Fukui vào sáng hôm sau, nàng làm cho tôi, một người hoàn toàn xa lạ, phải ngạc nhiên vì giọng sói của nàng, và những câu chuyện về sự nhập hồn.
 
Con sói
trong huyền thoại đã bị bắn tại nơi ấy bởi một thợ săn trong bóng tối.
Để lại bộ vú sói, vẫn còn treo trên tường,
người đàn bà man dại đã ra đi mãi mãi.
Đối mặt với quá khứ,
nỗi thống khổ của nàng nhe nanh trong gió.
Nóng hơn áp suất nền,
đôi chân cháy bỏng của nàng
cho đến bây giờ vẫn mỏng manh
hơn cặp bút chì.
Nhưng tại sao
"cho đến bây giờ"?
Ngón tay siết chặt
cây bút chì, chúng ta phải ghi lại
những chữ mong manh
của giọng nói ấy.
 
Người ta thấy một người đàn bà mang mặt nạ với vẻ ma quái xuất hiện nhiều lần dọc theo chiều dài quần đảo Nhật Bản suốt tháng Năm và tháng Sáu năm 1979. Người đàn bà ấy đến gần những kẻ khác, rồi xé rách chiếc mặt nạ, phô bày một cái miệng mở rộng hoác đến hai tai. Nếu nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Yanagita Kunio còn sống để nghe người đàn bà ấy nói, thì một khoa học mới, hấp dẫn, về những huyền thoại, hẳn đã ra đời.
 
Đó là cơn gió. Đằng sau con sói hú dài như tiếng gió.
 
 
----------------------------------------
Dịch từ bài "Wolf" (bản Anh ngữ của Christopher Drake) trong Thomas Fitzsimmons & Yoshimasu Gozo (eds.), The New Poetry of Japan--The 70s and 80s, eds. (Santa Fe: Katydid Books 1993). Trong tuyển tập này, bên cạnh Fujii Sadakazu, còn có những khuôn mặt thi ca đương đại của Nhật Bản như Hirata Toshiko, Matsuura Hisaki, Yoshida Tuminori, và Inagawa Masato. Bài thơ này cũng đã được in lại trong Jerome Rothenberg & Pierre Joris (eds.), Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry, Volume Two (Berkeley: University of California Press, 1998) 552-553.
 
 
Những tác phẩm đã đăng trong loạt THƠ HẬU HIỆN ĐẠI:
"skin Meat BONES (chant)", bài thơ để xướng tụng bằng ba giọng ở ba âm vực khác nhau như một bài hát ba bè, của Anne Waldman (1945~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ, một tên tuổi hàng đầu của thơ trình diễn và thơ đọc — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Chờ   của  Wilding, Faith
"Waiting", một bài thơ nổi tiếng của Faith Wilding (1943~) — nghệ sĩ đa diện và nhà vận động nữ quyền Hoa Kỳ. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại "thơ trình diễn" (performance poetry), một thể loại phát triển rất mạnh trong nghệ thuật hậu hiện đại. Bài thơ này gói trọn cuộc sống của người phụ nữ dưới ách phụ quyền vào một chữ "chờ". Thân phận của họ là "chờ", mãi mãi "chờ", từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. (Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)
"Rant", bài thơ như một tuyên ngôn, với câu thơ nổi tiếng: "Cuộc chiến hệ trọng duy nhất là cuộc chiến chống lại óc tưởng tượng / mọi cuộc chiến khác đều nằm trong đó". Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — đã diễn đọc bài thơ này rất nhiều lần, tại rất nhiều nơi, và luôn luôn chinh phục khán thính giả. Tiền Vệ xin gửi đến độc giả bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Bài thơ của Hiromi Ito (1955~) — một đại biểu của dòng thơ nữ quyền hậu hiện đại Nhật Bản. Bài thơ này đánh ngã quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ vốn cho rằng thơ của nữ giới là phải đoan trang, kín đáo, mỹ miều. Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"The Practice of Magical Evocation", "Prophetissa", và "Studies in Light", ba bài thơ rất lạ, với những ẩn dụ và biểu tượng huyền bí xen lẫn vào ngôn ngữ thường nhật đương đại, của Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Slow song for Mark Rothko", một bài thơ ứng dụng cấu trúc âm nhạc thiểu tố, của John Taggart (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"FIVE NOTEBOOKS FOR EXIT ART", một bài thơ có hình thức mới lạ, trông như một bài nghiên cứu từ nguyên, của Cecilia Vicuña (1948~) — nhà thơ hậu hiện đại Chile — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Lost and Found" và "Breasts", hai bài thơ với những liên tưởng rất lạ, của Maxine Chernoff (1952~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Cenotaph", một bài thơ ứng dụng kỹ thuật điện ảnh, qua đó, những đoạn thơ như những khúc phim ngắn xen vào nhau, nối tiếp nhau, của John Yau (1950~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Index", một bài thơ rất khác thường, dưới dạng một bảng tra cứu ở cuối sách, của Paul Violi (1944~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Conjugal", "Ape", "A Performance at Hog Theater", "The Toy-Maker" và "The Optical Prodigal", năm bài thơ văn xuôi với những hình tượng và liên tưởng rất khác thương, của Russel Edson (1935~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Falling in Love in Spain or Mexico", "Wonderful Things", "Nothing in That Drawer" và "Who and Each", bốn bài thơ với bốn thi pháp hoàn toàn khác nhau, của Ron Padgett (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Rape", một bài thơ chua cay, quyết liệt, của Jayne Cortez (1939~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"A Bouquet of Objects", "In a Monotonous Dream" và "A Date with Robbe-Grillet", ba bài thơ ngắn, nhưng đầy những khám phá thú vị trong bút pháp, của Equi Elaine (1953~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021