thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Có nghe chăng các bạn Việt-Nam...
(bản dịch của Cao Nghi Bình)
 
Có nghe chăng
Có nghe chăng các bạn Việt-Nam
có nghe chăng trong những miền quê của các bạn
trong ruộng đồng trong núi non của các bạn...
 
Có, chúng tôi có nghe
 
Những sinh vật hạ đẳng này
những nhà kiến trúc những vũ công dân chài và thợ mỏ
những người làm vườn và nhà điêu khắc thợ dệt hay người đi săn
nông dân và mục tử thợ thủ công và phu bến
những người cu-li những nhà hàng hải
 
Những sinh vật hạ đẳng này
đã chỉ biết ghét sự thù ghét
đã chỉ khinh khi sự khinh khi
 
Những sinh vật hạ đẳng này
đã chẳng hề sợ cái chết
họ đã yêu tình yêu biết bao
họ đã sống cuộc sống biết mấy
và cuộc sống của họ có khi đẹp tựa ban ngày
và máu của trăng đã chảy trên đồng ruộng
và chính ngày cũng xinh đẹp như đêm
Cũng đã có nạn đói và nỗi khốn cùng
những cơn sốt ác nghiệt và lao dịch quá cực nhọc
 
Nhưng ngày đã xinh đẹp như đêm
mặt trời điên cuồng đã nhảy múa trong mắt các thiếu nữ
và đêm đã xinh đẹp như ngày
trăng điên cuồng cũng đã nhảy múa một mình trên biển
nỗi khốn cùng đã tự điểm tô thành một trang tuyệt sắc cho tình yêu
 
Và trẻ em tưng bừng mặc những Bầu trời xấu
vui đùa cùng đàn thú đuổi rong theo gió
 
Thế nhưng
cũng đã có và đến từ rất xa
những kẻ giành Độc quyền
những người của Chính quốc và bả lợi doanh
Các đại thương gia các tay buôn lậu các thân hào công sứ(1) cùng với lính lê-dương quân đội viễn chinh các nhà khai thác đặc quyền và các viên cao ủy
 
Rồi các nhà truyền giáo và các cố giải tội
tới đó để chăm sóc những người anh em hạ đẳng
tới để chữa cho họ lành căn bệnh yêu đời
căn bệnh cổ xưa điên rồ đáng xấu hổ ấy
Và chuyện đó cũng đã từ lâu lắm
trước cả khi Louis XVI chết
trước cả việc khai thác và xuất cảng điệu Marseillaise
 
Và khốn cùng đã được định giá trên Thị trường chứng khoán
dưới sự bao che
và trong những nếp gấp quanh co(2) của lá cờ tam tài
 
Rồi chót nữa lại thêm cuộc Đại chiến
những tin tài chánh và tin vặt thật trội của nó
Bởi cuộc chiến là cuộc chiến Toàn cầu
người Pháp trụt xuống hàng những tay anh chị lớn của Việt-Nam
cùng với những trùm băng đảng của Trung quốc
đã chia chác nhau như những quan viên kẻ chợ
phần bánh ngọt
những mảnh tan hoang của đất nước
với sự tán đồng của Đức Bảo Đại
 
Đột nhiên
bị cuốn đi trên những dòng thác Lịch sử
những con tàu bằng giấy-bạc của họ
và như trong sách giáo khoa nhập từ Chính quốc
ở Việt-Nam
người ta tuyên cáo Nhân quyền
 
Sao
bọn người ấy kêu đói viện cớ chả có gì nhiều nhặn để ăn
và nếu có được ăn no hơn nữa hẳn cũng lại sẽ kêu là khổ
chúng ta thừa biết kẻ nào giật dây bọn họ
và muốn đưa họ tới đâu
 
Và những ông Chủ Đồn điền Cao su Lớn những ông Chúa Ngân hàng Đông dương cùng với những Đại chủ Than mỏ Bắc kỳ
không còn trù trừ gì nữa kêu gọi tới Đệ Tứ Cộng hòa duy nghiệm tông truyền(3) và tân dân chủ
Lúc đó
trưởng nữ của Giáo hội(4)
máu chỉ chạy một vòng
 
Một ông thày dòng thảm hại(5) kiêm thủy sư đô đốc những Chiến thuyền xưa(6)
thả hết tốc lực vượt biển tới
và sau những hối thúc thông dụng
Này là mình ta đạo viễn chinh(7)
Này là máu các người
bằng những loạt đại bác trực xạ(8) ngài thuyết giáo Hải-phòng
các thiên thần tận diệt hoàn thành sứ mạng
và tàn sát sanh linh
 
Ấy chỉ là một cuộc chém giết nho nhỏ
những điềm triệu trên trời
bài học nghiêm khắc nhưng bổ ích
 
Và con thuyền thống khổ bập bềnh
sau khi đã đóng thật khéo vai trò thích hợp của mình trong Lịch sử
Thủy sư đô đốc lui về cái viện thày dòng trùm đầu
không màng tới vinh hoa
 
Và thời gian chỉ giả bộ trôi đi
thời gian của «ai đó, đứng lại» ngừng tại đó vũ khí sẵn sàng
thời gian của những cây anh đào đương hoa bị bứng khỏi trái đất và tiêu tan thành mây khói
 
Và bất chấp những hăm dọa đáng ngại của hòa bình
những tay buôn lậu đồng bạc(9)
ăn mừng mọi cuộc lễ không bỏ sót
và người ta ăn mừng nửa đêm lễ Nô-en như ở đất nước xa xưa yên lành
ở Sài-gòn ở Hà-nội
và người ta ăn mừng lễ Đình chiến và ngày Giải phóng
cũng như ngày Mười bốn tháng Bảy cuộc chiếm ngục Bastille
thật tự nhiên
 
Trong khi đó ở thật xa người ta đốt những ngọn đèn
những ngọn đèn napalm (10) trên những túp nhà tranh tồi tàn
và đàn ông đàn bà trẻ con Việt-Nam
nằm ngủ mắt thao láo nhìn cảnh tiêu thổ
và chuyện ấy cũng tựa như Oradour
như Madagascar và như Guernica
và giản dị hơn cũng hệt như Hiroshima
 
Và thời gian ngừng lại đó trên canh chừng hờm sẵn
thời gian của «ai đó, đứng lại»
thời gian của tuyệt vọng
của những trò bỉ ổi mờ ám
Và bàn tay lao động vàng(11) lớn
buồn bã vuốt ve những ruộng lúa những khu rừng của mình
những dụng cụ những cánh đồng và gia súc ốm đói của mình
 
Có những tiếng nói hát lên
 
Không phải là chúng tôi yêu nỗi khốn cùng của mình
nhưng với nó chúng tôi đã có thể đấu tranh
và một đôi lần khi nó đặt chân lên đất
trên mảnh đất khốn khổ này chúng tôi đã thở được
Các người
các người đã làm gì nó
Quả là nặng nề nỗi khốn cùng của chúng tôi
các người thừa biết
các người đã khai thác nó hơn cả giá trị thật của nó
Quả là các người điên
các người còn muốn những gì nữa
 
Đáp lại những tiếng nói của bàn tay lao động vàng(11)
là một tiếng nói của bạc tiền(12)
một tiếng nói đe dọa và được truyền thanh
và bàn tay lao động kia siết lại
cái chết cơ khí tiến tới
 
Âm ỉ nhưng rõ rệt
có những tiếng nói đã hát lên
 
Nếu bàn tay lao động vàng(11) bé nhỏ
và bàn tay bạc tiền trắng rất lớn
khuỷu tay đặt trên bàn và nắm đấm siết chặt
gặp nhau
thì hẳn sẽ không còn lơ lửng thật lâu trên không nữa
cái còng thép tái xanh
vấy máu đặc
 
Thật lâu trên không
ấy là một cách nói
 
Và tiếng nói bạc tiền hú lên
bằng một giọng thất thanh tế nhị học thức
Bắn tự do
Và những người của bàn tay bạc tiền
được tuyển mộ lùa vào trại và mới đổ bộ
đến vãn hồi Trật tự
xả súng bắn
phóng hỏa
 
Nhưng
bàn tay lao động vàng(11) chính nó
cũng tự cơ-khí-hóa
Buồn rầu và trầm giọng
nhưng cam đành những tiếng nói hát lên
 
Biết làm sao được
người ta tấn công chúng tôi bằng máy móc
tự vệ bằng tay
hẳn là chẳng văn minh
hẳn người ta vẫn còn đối xử với chúng tôi như mọi rợ
và lạc hậu
hẳn người ta vẫn sẽ quở trách chúng tôi
 
Và hoàng đế Bảo Đại
đã đi «nghỉ phép»
ở Côte d'Azur
Báo chí đã loan báo những chuyến thăm cuồng nhiệt và bận rộn của ngài như thế đó
 
Ở chốn xa xăm kia
trên sân khấu các Chiến dịch Ngân hàng(13)
đạo quân viễn chinh
không còn những thành quả như trước nữa
và trong bối cảnh tuyệt vời
ngã xuống những vai phụ diễn đáng thương của cái chết
Duy những kẻ buôn lậu đồng bạc
là hô bis và vỗ tay
Nơi này người ta hô Nữa đi
chỗ kia thiên hạ kêu Đủ rồi
xa hơn nữa người ta kêu Hòa bình
và chư vị thượng lưu đã thật kín đáo ẩn mặt
 
Tất cả những điều đó không phải là chuyện vặt vãnh
những đại công ty quốc tế của các Nhà Độc quyền
đã báo nguy các chuyên viên thượng thặng
những chiến lược gia khôn khéo nhất của mình
Một người trong bọn họ
một anh mắc chứng cuồng vinh luôn luôn ngọ nguậy không biết mỏi mệt tầm thường dai dẳng đến choáng mặt
và là kẻ tự khoác trên mình cái vinh quang mượn đỡ của người khác trong đệ nhị thế chiến trên con đường đứt đoạn của sắt thép trong tai ương(14)
vụt hạ cánh xuống Việt-Nam
Và chưa đầy thời gian sử dụng ít lâu sau đó để viết ra
đã tìm thấy giải pháp cho cuộc xung đột bất tận này
 
       Muốn chấm dứt hoặc cải thiện cuộc chiến đáng tiếc và cần thiết ở Việt-Nam, thật là giản dị, chỉ cần đặt Việt-Nam vào vòng chiến.
Và tóm lược giải pháp ấy bằng một khẩu hiệu linh nghiệm không thể chối cãi
       Hùng dũng mau lẹ
ông ta lại đáp tàu bay
không quên ra những điều minh xác thật chí lý
       Người Pháp và người Việt đã chém giết nhau để bảo vệ sinh mạng và tài sản của những kẻ gom đống những của cải kếch xù, ấy là chỉ mới nói tới dân Tầu ở Sài-gòn và dân Việt ở Hà-nội(15), và tất cả là do tiền của của nhân dân Pháp đóng thuế gánh chịu.
       Do đó, chỉ có một giải pháp: tạo lập một quân đội thật sự Việt-Nam đủ mạnh để vãn hồi trật tự, là vì chiến tranh diễn ra là ở Việt-Nam (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ), xứ sở của hai mươi lăm triệu người. Chính là bằng việc tạo lập quân đội quốc gia này mà nhân dân Việt-Nam sẽ ý thức trọn vẹn nền độc lập của mình. Cuộc chiến tranh này, nơi mất còn nền độc lập của Việt-Nam, tự do và tài sản của công dân Việt-Nam, phải được Việt-Nam coi như cuộc chiến tranh của mình. Giới ưu tú của Việt-Nam phải chấm dứt cái cảnh «trùm chăn» bởi lo ngại sẽ mang họa vào thân nếu cộng sản thắng lợi. Chiến tranh này phải là cuộc chiến tranh do Việt-Nam theo đuổi với sự hỗ trợ của nước Pháp, chứ không phải là một cuộc chiến do Pháp quốc theo đuổi với sự hỗ trợ của Việt-Nam.
       Ấy trước tiên là một trạng thái tinh thần cần phải tạo lập, cái trạng thái mà con mãnh sư già Lý Thừa Vãn kia đã biết tạo ra ở Triều tiên.
       Và đó là những cải tổ sâu xa cần phải thực hiện.
 
Vậy thời tại sao các người giam giữ
và đã từ nhiều năm qua
một thủy thủ tên là Henri Martin?(16)
 
1952
 
----------------------------
Ghi chú của Diễm Châu
 
I. về tác phẩm:
 
(1) Nguyên tác: «Négociants traficants notables résidents...» Chữ «résidents» còn có nghĩa «các kiều dân».
(2) Chơi chữ trong nguyên tác: «et dans les plis et replis...»
(3) Nhái giọng kinh «Tin kính» của đạo Thiên chúa.
(4) Chỉ nước Pháp Thiên chúa giáo (La-mã).
(5) Georges Thierry d'Argenlieu, sinh tại Brest (1889-1964), tên trong dòng tu là Louis de la Trinité, thủy sư đô đốc Pháp, đồng chí của De Gaulle, làm cao ủy Đông dương (1945-1947).
(6) Nguyên tác: «... grand amiral des Galères»; chữ «Galères» còn có nghĩa là cực hình của các tội đồ phải chèo trong những chiến thuyền xưa...
(7) Nguyên tác: «Ceci est mon corps expéditionnaire». Phút linh thiêng trong thánh lễ mi-sa khởi sự khi thày cả, bắt chước Đức Giê-su, cầm bánh thánh, nói: «Này là mình ta...» Ở đây, tác giả đã thêm chữ «expéditionnaire» vào sau chữ «corps» (mình). Trong kiểu nói «corps expéditionnaire», chữ «corps» có nghĩa «đạo quân».
(8) Chơi chữ: «à coups de droit canon», chữ «droit canon» có nghĩa là «luật giáo hội/giáo luật»...
(9) Đây là đồng bạc Đông dương (piastre); dính líu vào vụ này có nhiều tai to mặt lớn của Pháp và một số người bản địa sau này cũng đã từng.. làm văn hóa!
(10) bom xăng đặc.
(11) Nguyên tác: «Et la grande main-d'oeuvre jaune/caresse tristement ses rizières ses forêts... (Và đại bộ phận nhân công da vàng/ buồn bã vuốt ve những ruộng lúa những khu rừng của mình...)
hoặc «...la petite main-d'oeuvre jaune» hoặc «la main-d'oeuvre jaune» ở các đoạn khác... Chơi chữ: Trong khóm «main-d'oeuvre»(nhân công), chữ «main» (bàn tay) thích hợp với động từ «caresse» (vuốt ve/ mơn trớn) ở dưới.. và còn được dùng để đối lại với «la main d'or blanc» ở nhiều đoạn.
(12) Nguyên tác: «une voix d'or».
(13) Nguyên tác: «sur le théâtre des Opérations Bancaires» (trên chiến địa những cuộc Hành quân Ngân hàng). Chữ «Opérations» trong «Opérations Bancaires»(Dịch vụ Ngân hàng) còn có nghĩa «những chiến dịch/ những cuộc hành quân...»
(14) Nguyên tác: «sur la route coupée du fer...», có ý nhắc khéo tới chuyện năm 1940, Paul Reynaud (cùng với thủ tướng Anh Churchill) «quyết định» phái một đội quân tới Na-uy để cắt «con đường sắt thép Thụy-điển» của quân Đức quốc xã.
(15) Những dòng in nghiêng ở đây là mượn của phúc trình Paul Reynaud, một chính khách hữu phái Pháp (1878-1966) sau khi qua thăm Việt-Nam, ngoại trừ đoạn ngắn «ấy là chỉ mới... ở Hà-nội» do tác giả chua thêm (theo chú thích của nhà xuất bản nguyên tác).
(16) Henri Martin, thủy thủ Pháp, được đưa qua Đông dương, tưởng là để chống phát-xít Nhật, đến nơi mới hay là để bắn giết người bản xứ. Anh bất mãn, chống lại và rải truyền đơn hô hào đồng bạn cùng chống. Bị bắt, đưa ra tòa và bị kết án 5 năm cấm cố. Vụ án này đã được Jean-Paul Sartre và các bạn đem ra trước công luận Pháp. Bài của Jacques Prévert nằm trong khung cảnh ấy.
 
II. về tác giả:
 
JACQUES PRÉVERT sinh ngày 4.2.1900 tại Neuilly-sur-Seine (Seine) Pháp; cha là một người Bretagne và mẹ là người Auvergne. Ông mất ngày 11.4.1977 tại Omonville-la-Petite (Manche). Thủa nhỏ theo học trường làng ở Paris. Bắt đầu làm các nghề vặt để sống từ năm 15 tuổi.
 
Năm 1925 gặp gỡ các nhà thơ siêu thực. Đến năm 1930 khởi sự cho đăng những bài thơ đầu tiên. Prévert còn viết truyện phim cho một số tác phẩm đã trở thành bất hủ của điện ảnh Pháp như Quai des brumes, le Jour se lève, les Visiteurs du soir, les Enfants du paradis... Ông cũng đã có dịp cư trú một năm ở Hoa kỳ (1938).
 
Thơ Prévert được in thành tập lần đầu tiên vào năm 1944. Ấy là một ấn bản bí mật in ronéo 200 bản do một số học sinh trung học ở Reims thực hiện. Kế đó, cùng với một số bài thơ khác, những bài trong ấn bản nói trên được René Bertelé thu thập và in thành tập (12.1945). Tập thơ này chỉ trở thành ấn bản «dứt khoát» của cuốn Paroles vào năm 1947 sau khi đã được coi lại và bổ túc. Và từ ấy đến nay, nhà xuất bản «le Point du Jour» của René Bertelé đã được nhà Gallimard mua lại, và Paroles đã được in ra tới trên 3 triệu cuốn, chưa kể vô số những bản dịch ở khắp nơi trên thế giới. Thơ Prévert đã trở thành «đại chúng».
 
Nhận định về thơ Prévert, nhà thơ Mỹ Laurence Ferlinghetti có viết: «Nhiều bài thơ trong tập Paroles phát xuất từ Thế chiến II và cuộc chiếm đóng (của Đức quốc xã) ở Pháp. Prévert đặc biệt nói với những người Pháp trẻ tuổi ngay sau Chiến tranh, nhất là với những người lớn lên trong thời chiếm đóng và cảm thấy hoàn toàn xa lạ với Giáo hội và Nhà nước.» Ferlinghetti còn cho rằng, theo Prévert, «Con người được dành cho niềm vui (sống) nhưng có một thứ âm mưu thường trực chống lại niềm vui đó. Prévert luôn luôn tố cáo cái âm mưu kia.» Trong chiến tranh Việt Nam, (mà người ta quen gọi là chiến tranh Đông dương I & II), Prévert đã đứng về phía nhân dân Việt Nam chống lại những âm mưu và hành động của thực dân và đế quốc. Đặc biệt, một số bài thơ dài, ngắn của Jacques Prévert chứng tỏ tấm lòng và sự ngưỡng mộ của ông đối với dân Việt Nam... Dân Việt Nam cũng rất yêu thơ Prévert: nguyên một bài “Barbara” của ông đã có ít nhất là bốn bản Việt ngữ! Ngót 200 bài thơ của Prévert, rút từ hầu hết các tập thơ chính yếu của ông, đã được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam qua các bản dịch của Nguyễn Đăng Thường và Diễm Châu (1993), Cao Nghi Bình và Diễm Châu (1998).
 
Thơ Prévert giản dị, cái giản dị của tiếng nói thường ngày được đem vào thơ, cái giản dị của những cảm nghĩ sâu sắc còn lại sau khi những lời nói bay đi. Thơ Prévert tình cảm, vì tình yêu là một động lực mãnh liệt trong thơ ông và hơn nữa, tình cảm ở đây đã đồng nghĩa với lòng yêu thương tha thiết đối với đồng loại, chống chiến tranh, chống thỏa hiệp, chống bất công, bóc lột và áp bức... Thơ Prévert còn là của trẻ thơ, chim chóc và cỏ hoa. Giữa các thế hệ khác nhau, kể từ cuộc thế chiến thứ nhì tới nay, người ta hài lòng nhận ra thơ Prévert không già. Như tình yêu, niềm vui sống và những cuộc đấu tranh cho tự do và quyền con người vẫn tiếp diễn ở khắp nơi...
 
Bước đầu giới thiệu Jacques Prévert trên Tiền Vệ, chúng tôi xin hiến bạn đọc một bài thơ dài của Prévert về Việt Nam qua bản dịch Cao Nghi Bình, bút hiệu của một nhà hoạt động văn hóa khá quen biết ở miền nam Việt Nam xưa. Bài này trích từ tập La Pluie et le beau temps (1955) của Jacques Prévert. Chúng tôi hy vọng có thể giới thiệu Jacques Prévert với bạn đọc nhiều hơn nữa trong các dịp khác, nếu trời vẫn đẹp.
 
(Diễm Châu)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021