thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thay phiên | Đôi khi những ý nghĩ bậy bạ ấy | Theo những nhà thơ anh hùng ca | Người nằm kề bên biển
(Diễm Châu dịch)
 
THAY PHIÊN
 
Mỗi một lần xô cửa,
bước vào hoặc bước ra một thế hệ,
người thi sĩ già lại siết chặt thắt lưng
và thổi kèn vang như một chú gà trống.
 
«Họ chỉ chịu thuyết phục trong thi ca,
tuổi trẻ chỉ đạt tới với năm, tháng.»
 
 
ĐÔI KHI NHỮNG Ý NGHĨ BẬY BẠ ẤY
 
Nếu như Maiakovski là
nền thi ca cách mạng vĩ đại của thời chúng ta
và ở giữa cuộc Cách mạng của ông
nếu ông cầm súng bắn vào mình, thì điều đó phải chăng có nghĩa
là mọi thi ca phải tự vũ trang cho một giờ phút
quyết định, thi ca phải trở thành lời chú giải, lời bình luận
ác độc về một cuộc tự sát nào đó?
 
– Không, không; cố nhiên là không.
 
Nếu Bertolt Brecht, kẻ tới thay thế ông,
buộc người ta cấp cho mình một giấy thông hành của Áo
và gửi những tác phẩm chưa xuất bản của mình
bằng vi phim tới những thủ đô khác nhau, thì điều đó phải chăng có
nghĩa
là mọi xác tín cũng còn tự nuôi mình bằng cẩn tắc
là chỉ một giấy thông hành của xứ sở anh yêu thôi không đủ,
hoặc một ngân hàng giải phóng không hoàn toàn bảo đảm
để gìn giữ những văn bản của Cách mạng?
 
– Không, không; cố nhiên là không.
 
Đôi khi người ta có những ý nghĩ bậy bạ ấy.
Nhưng trong thực tế thì điều gì xẩy ra?
Các bậc thày tự tử hay trở thành khôn ngoan,
họ buộc chúng ta phải đọc giữa những dòng chữ,
họ hóa nên khôn khéo trong đam mê của mình.
 
Và người ta có những linh cảm đen tối nhất.
Là vì nằm trong mộ họ không chỉ có cái thây ma của họ,
mà còn cả một dân tộc được kế hoạch hóa sắp nổ tung.
 
Hết mọi ngày chúng ta thức dậy với mọi người;
nhưng vào giờ mà ta ít ngờ tới nhất có vô khối kẻ
bỏ công chống lại tự do của anh, chụp bắt
bài thơ thành thật nhất của anh và lôi anh ra tòa.
 
 
THEO NHỮNG NHÀ THƠ ANH HÙNG CA
 
Này thi sĩ, anh đừng quên.
Ở một nơi nào đó, vào một thời nào đó
dù anh làm Lịch Sử hay chịu đựng nó,
vẫn có một bài thơ hiểm nghèo nào đó rình rập anh.
 
 
NGƯỜI NẰM KỀ BÊN BIỂN
 
Có một người nằm kề bên biển
nhưng xin đừng nghĩ rằng tôi sẽ mô tả người ấy như một kẻ chết đuối
một người đáng thương đang hấp hối trên bờ
dẫu rằng người ấy đã bị những đợt sóng vùi dập
dẫu rằng người ấy chỉ là một mớ tang thương mỏng manh thoi thóp
đôi mắt
đôi tay lần mò
            tìm kiếm
                      những niềm xác tín
dẫu rằng người ấy có kêu la hay câm nín
cũng chẳng để làm gì
và đợt sóng nhỏ nhất
cũng có thể đập hắn nát tan và nhận chìm hắn
tôi biết người ấy vẫn sống
khắp chiều ngang, khắp chiều dọc thân xác hắn.
 
 
----------------------------
Ghi chú của dịch giả:
HEBERTO PADILLA (1932-2000) là «một trong những nhà thơ quan trọng nhất của thế giới Tây-ban-ngữ hiện đại». Ông sinh tại Pina del Rio, Cuba năm 1932, và mất tại Alabama, Hoa-kỳ ngày 20.9.2000. Ông đã từng sống tại Hoa-kỳ giữa những năm 1949 và 1959. Ủng hộ cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista, ông trở về Cuba, gia nhập bộ biên tập tờ Lunes de Revolución, rồi trở thành phóng viên của Prensa Latina ở Luân-đôn và Mạc-tư-khoa...
 
Khởi sự làm thơ khá sớm, ông cho xuất bản cuốn sách đầu tiên Las rosas audaces vào năm 1948 (hay 1949?) Trong những năm 1960, chế độ nắm quyền, không chấp nhận sự phê phán, đã để lộ khuynh hướng muốn áp chế trí thức và văn nghệ sĩ... Năm 1968, các giám khảo cuộc thi thơ toàn quốc quyết định trao giải thưởng hằng năm cho thi tập Fuera del juego của Padilla. Cuốn sách được in ra với một phần phụ lục chỉ trích nó như một tác phẩm «phản-cách mạng»! Padilla bị canh chừng, theo rõi và đến năm 1971 thì bị công an tra hỏi trong một tháng, bắt làm kiểm thảo, thú nhận công khai và tố cáo nhiều nhà văn khác, kể cả vợ ông là Belkis Cuza Malé...
 
«Vụ» này đã khiến dư luận thế giới lên tiếng phản đối và nhiều nhân vật rút lại sự ủng hộ cách mạng Cuba, trong số đó có Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Julio Cortazár, Mario Vargas Llosa, Susan Sontag, Juan Goytisolo, Federico Fellini, Marguerite Duras, Alberto Moravia...; và 72 văn nghệ sĩ khác lên án các biện pháp độc tài và không bao giờ trở lại Cuba nữa. Tuy nhiên, cũng có một số các nhà văn khác, kể cả nhà văn đoạt giải Nobel Gabriel García Marquez, theo lời ký giả Nick Caistor của tờ The Guardian (14.10.2000), «nhận thấy những hy sinh này là cần thiết trong một chế độ bị Hoa-kỳ bao vây».
 
Padilla tiếp tục sống ở Cuba cho đến năm 1980, nhờ sự can thiệp quốc tế, ông được phép qua Hoa-kỳ. Ông tiếp tục làm thơ, viết tiểu thuyết và hồi ký; dạy đại học nhiều năm ở Princeton, New York, Miami rồi Auburn University ở Alabama, nơi người ta tìm được xác ông tại nhà riêng khi không thấy ông đến lớp dạy học buổi sáng...
 
Một vài thi phẩm khác của Padilla: El justo tiempo humano (1962), Provocacíones (1973), El hombre junto al mar (1981), Un puente, una casa de piedra (1998); tiểu thuyết: El buscavidas (1963), En mi jardín pastan los héroes (1986); và tùy bút tự sự: La mala memoria (1989).
 
Bạn đọc Pháp văn có thể đọc Heberto Padilla và các nhà thơ Cuba khác trong Anthologie de la poésie cubaine censurée, do Zoé Valdés đề nghị, Fnac, Reporters sans frontières và Gallimard xuất bản, tủ sách «la collection interdite», Paris, 2002.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021