thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
AI LÀ TÔI [4-7]
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
(1922-1975)
 
LỜI GIỚI THIỆU của Jean-Pierre Milelli:
 
Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. Năm 1980, Enzo Siciliano cho tập bản thảo ra mắt độc giả trên tạp san Nuovi Argomenti dưới nhan đề Poete delle ceneri [Nhà thơ của tro tàn]. Bản dịch tiếng Pháp Qui je suis dựa theo một bản mới do Graziella Chiarcossi, một nhà ngôn ngữ học và người thi hành di chúc của Pier Paolo Pasolini, thiết lập và biên soạn. Với tính cách đó, và xin để qua một bên mọi định kiến về giá trị văn chương, văn bản chưa được in của Pier Paolo Pasolini là một tài liệu đặc biệt và giá trị giúp ta hiểu rõ thêm những mối liên quan giữa cuộc đời và tác phẩm của Pier Paolo Pasolini — nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu luận và điện ảnh gia của nước Ý.
 
Bản thảo nguyên tác gồm ba mươi hai trang giấy đánh máy cách dòng đôi, có nhiều chỗ đã được sửa đổi hay gạch bỏ với bút bi. Theo lời nhà viết tiểu sử, Pasolini đã viết phần lớn trong dịp sang New York trong tháng Tám 1966, sau khi trình chiếu cuốn phim Uccellacci e Uccellini [Diều hâu và chim sẻ] tại đại hội điện ảnh Montréal vào tháng Bảy năm ấy.
 
Văn bản này hình như là để đối đáp bằng thơ văn xuôi một cuộc phỏng vấn thực sự hay tưởng tượng. Có thể ý định đã đến với Pasolini sau lúc ông gặp gỡ một phóng viên, hoặc là sau các cuộc đàm thoại có thu ảnh với Jean-André Fieschi (Pasolini, l'enragé / “Pasolini, người nổi giận”) vào tháng bảy 1966, hay cũng có thể là Pasolini đã đơn giản trở lại với phương pháp sử dụng thơ ca như ông đã thực hành trước đó. Chúng tôi đã chọn dịch nhan đề đánh máy và do Pasolini chỉ định trước: Who is me. Một nhan đề thứ hai, Poète des cendres (“Thi sĩ tro than”), viết bút nỉ, ám chỉ nhan đề của một trong các thi tập của ông: Les Cendres de Gramsci.
 
Năm 1966, Pasolini đã lên tới tột đỉnh văn chương của ông ở Ý, nhưng danh tiếng do điện ảnh mang lại cho ông trên thế giới chỉ mới khởi sự. Ông đang tìm cách vượt qua các ranh giới của nền văn hoá cội nguồn và muốn có một quần chúng rộng lớn hơn. Đó là một trong các nhiệm vụ của AI LÀ TÔI. Nhưng năm 1966 cũng là năm nhà thơ bị chứng loét dạ dày và là lần đầu tiên ông viết nhiều kịch bản sân khấu với ý định sẽ cho dàn dựng trình diễn tại New York thay vì tại Ý. Do vậy, hình như sự phát hiện Hoa Kỳ đã là dịp cho Pasolini kiểm điểm lại quá khứ để hướng tới tương lai. Đó là cái lợi ích của tập bản thảo: tuy còn dang dở, nó đã tập trung được nhiều mạch viết của văn nghiệp Pasolini: tiểu sử viết thành thơ, cảnh vật gần như bị kiểu cách hoá khi mô tả, suy gẫm về hình thức và hành ngôn chính trị.
 
Hơn thế nữa, nếu mọi văn bản về tiểu sử tự bản thân thiết yếu là phải dang dở, tuy nhiên trong AI LÀ TÔI như đã có sự báo trước về những cái sẽ xảy ra trong những năm cuối cùng của nhà văn: sự loại bỏ dần dần thơ ca như một thể loại của văn học và sự ưa chuộng điện ảnh; sự phát hiện phong cách viết kịch sân khấu và sự viết-lại các huyền thoại về cá nhân ông; mối liên hệ với báo chí và công lý của quê hương đối với ông ngày càng như là một sự ngược đãi trong đời sống; sự hồ hởi của ông đối với tố quyền dân sự. Trước khi cuộc ám sát đã khiến ông phải lìa đời trong Ngày lễ của những Người Chết vào năm 1975, chúng đã mang đến cho khoảng thời gian kể trên cái hương vị của tro tàn. AI LÀ TÔI cho chúng ta thấy nhà thơ bị chia sẻ giữa sự ham muốn “ném mình vào cuộc chiến” và sự rút lui vào ngọn tháp Chia — phần còn lại của một lâu đài thời Trung Đại — nơi ông ngụ và các nhiếp ảnh gia tới chụp hình ông khoả thân và cô độc, chẳng bao lâu trước lúc ông qua đời.
 
_____________
 
 
AI LÀ TÔI
 
Đã đăng: [1-3]
 
[4]
 
Tôi đã bỏ chạy với mẹ và một chiếc va-li và
vài niềm vui sẽ biểu lộ sự giả trá
trên một con tàu hoả
chậm chạp như những chuyến xe lửa tải hàng hoá,
qua đồng bằng frioulan phủ một lớp tuyết mỏng
và cứng.
Chúng tôi tiến về thành La Mã.
Chúng tôi đã lên đường, như thế,
sau khi đã bỏ cha tôi
bên cạnh chiếc lò than của những kẻ nghèo nàn,
trong manh áo choàng nhà binh
và những cơn nóng giận của bệnh xơ gan
và những triệu chứng của mê sảng bấn loạn.
Tôi đã sống trang tiểu thuyết đó
độc nhất trong đời tôi:
phần còn lại,
tôi đã sống giữa một bài thơ trữ tình,
như mọi kẻ bị quỷ ám.
Tôi cũng đã có giữa những trang bản thảo
của cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi:
đó là thời của Kẻ cắp xe đạp,*
và các văn nhân đang phát hiện về nước Ý.
(Bây giờ tôi đã hết là
nhà văn rồi,
tôi lánh mặt họ, tôi chẳng biết sử dụng
các giải thưởng của họ và báo chí của họ.)
Chúng tôi đến La-mã,
được một người cậu hiền từ bảo trợ,
người đã cho tôi một chút máu:
tôi thì sống như một người tù tử hình
có thể sống
luôn luôn với cái ý tưởng đó như với một gánh nặng
- nhục nhã, thất nghiệp, nghèo khổ.
Mẹ tôi trong một khoảng thời gian ngắn đã trở thành
một chị giúp việc nhà.
Và tôi thì sẽ không bao giờ lành chứng bệnh đó.
Bởi vì tôi là một tên tiểu tư sản
và tôi không biết mỉm cười chư Mozart. . .
Trong một cuốn phim
- được đặt tên là Đàn chim, nhỏ và to ** -
tôi đã cố, đúng vậy, sáng tạo một tác phẩm hài,
tham vọng tối cao đối với một nhà văn,
- nhưng tôi chỉ thành công được một phần nhỏ
bởi vì tôi là một tên tiểu tư sản
và tôi có khuynh hướng bi thảm hoá tất cả.
 
_________________
* Ladri di biciclette (1948) cuốn phim hiện thực xã hội tân tả chân nổi tiếng nhất thế giới của đạo diễn Vittorio de Sica.
** Des Oiseaux, petits et gros, nhan đề tiếng Pháp của Uccellacci e Uccellini (1966) một cuốn phim “bi- hài-ký-sử-thôn-dã-siêu-hình” (tragical-comical-historical-pastoral-metaphysical) được sánh với Chờ Godot của Samuel Beckett, bộc lộ tư duy của Pasolini về Thiên Chúa giáo, giai cấp tư sản tiểu và đại, các đảng phái chính trị tả và hữu, các chủ nghĩa cộng sản, phát xít, mao-ít, về tham nhũng, v.v... Bạn đọc có thể vào webside IMDb (The Internet Movie Database) để tra cứu thêm. Nhan đề tiếng Anh: Hawks and Sparrows [Diều hâu và Chim sẻ] (Anh) hay The Hawks and the Sparrows (Mỹ).
 
 
[5]
 
Tôi đã trở thành một anh mác-xít ra sao?
Xem nào. . . tôi cất bước giữa những đoá hoa xuân
nhỏ, trắng và xanh da trời,
những bông hoa nở sau những đoá hoa báo xuân,
- và trước lúc những cây điệp vàng
đơm hoa,
thơm như da như thịt
thối rữa trong cái nóng tuyệt vời
của mùa đẹp nhất -
và tôi đã viết trên những bờ ao nhỏ
mà, ở nơi xa kia, trên quê hương của mẹ tôi,
bằng một trong những cái tên
bất khả dịch mà người ta gọi là fonde,
với những đứa con nông dân
bơi lội ngây thơ
(vì chúng thản nhiên trước cuộc đời
trong khi tôi tưởng chúng ý thức
về lý lịch của chúng)
tôi đã viết các thi phẩm trong Con họa mi
của Nhà thờ Thiên chúa. *
Đó là năm 43:
vào năm 45 tất cả đã khác hẳn.
Những đứa con nông dân ấy, đã lớn tuổi đời hơn,
một hôm chúng bỗng quàng khăn đỏ quanh cổ
và đếm bước oai hùng
tới thủ phủ của tỉnh lỵ, có những khung cửa
và những toà dinh thự theo kiến trúc của Venizia.
Và như thế tôi đã được biết rằng chúng là
những người làm công nhật,
nghĩa là chúng có những chủ nhân.
Tôi đứng về phía những người làm công nhật, và tôi đọc Marx.
 
_____________
* L'usignolo della Chiesa Cattolica, Milan, 1958.
 
 
[6]
 
Vĩ đại thay thuyết duy linh của mi, hỡi Hoa Kỳ!
Nhưng nó sẽ cao siêu hơn
khi nó đã thức tỉnh!
Tôi yêu Ginsberg:
đã quá lâu rồi tôi chưa được đọc
thơ của một nhà thơ anh em
- tôi nghĩ là từ khi,
ở cái xứ sở của bão tố và của hoa báo xuân,
nơi mà tôi đã đọc những bài hùng ca Hy-lạp của Tommaseo
và Machado.
Không có một nghệ sĩ nào, trên một xứ sở nào, được tự do.
Vì hắn là sự chống đối sống động.
Pound vào tù cũng như Siniavski và Daniel,
và Ngài Lennon đã gây sốc cho mọi người,
kể luôn người Nga hình như thế.
Riêng tôi,
một kẻ ngây thơ nên không tin.
Hơn nữa hắn quá bận lo nghĩ về
một con sông trong xanh giữa những bãi bờ,
dưới chân những ngọn núi,
chảy dưới ánh mặt trời của cha mẹ hắn,
tới những cuộc đời khác,
tới những cuộc đời được diễn dịch khác biệt hơn,
tới một cái nghĩa khác về cuộc đời,
cũng không là nghĩa của những ước mơ,
nếu cuộc đời của chúng ta chỉ là cái bóng
trên cuộc đời thực sự của chúng ta,
mà chúng ta chưa được biết.
 
 
[7]
 
ở thành La Mã, từ năm 1950 đến hôm nay, tháng tám 1966,
tôi chỉ đau khổ và làm việc
ngấu nghiến.
Tôi đã dạy học, sau cái năm thất nghiệp
và hấp hối,
tại một trường tư thục,
để lãnh hai mươi bảy đô-la mỗi tháng
trong khi đó cha tôi
đã tới sống chung với chúng tôi,
và chúng tôi không bao giờ nhắc lại chuyện đào tẩu
- của mẹ và của tôi.
Đó là một sự cố, bình thường, một sự thay đổi chỗ ở
giữa hai giai đoạn.
Chúng tôi ngụ trong một căn nhà không mái không tô hồ vôi,
một căn nhà nghèo nàn ở ngoại ô
xa xôi, gần một cái nhà giam.
Mùa hè có ba mươi phân bụi bặm;
mùa đông thì nó là một cái đầm lầy.
Nhưng đó là Italia,
nước Ý trần truồng và nhô nhúc,
trai tơ, phụ nữ,
mùi hoa nhài và xúp bần cùng
những hoàng hôn
trên những cánh đồng của sông Aniène,* những đống rác,
và, riêng tôi,
những ước mơ tuyệt đối dành cho thơ.
Thảy trong thơ ca
đều có thể có giải pháp.
Tôi có cảm tưởng rằng nước Ý,
cách diễn tả nó và định mệnh của nó,
tuỳ thuộc vào cách viết của tôi
trong những câu thơ thấm đượm thực tại tức thời đó,
chứ không trữ tình hoài cổ,
như thể tôi đã có được nó bằng mồ hôi.
Sự kiện tôi dồi dào văn hoá
và tình yêu không mảy may quan trọng.
Sự kiện có những hôm
trong túi không có tới một trăm đồng lia
để vào tiệm hớt tóc cạo râu thì quan trọng hơn:
tình trạng kinh tế của tôi, dù không ổn định và phi lý,
vào thời điểm đó và gồm nhiều khía cạnh,
vẫn tương tợ những người sống chung quanh tôi.
Về phương diện đó chúng thực sự là huynh đệ,
hay ít ra thì cũng là đồng loại.
Vì lẽ đó mà, tôi nghĩ,
rằng tôi thực sự hiểu họ.
Và để hiểu rõ những cuốn truyện bất khả dịch của tôi,
hãy đọc bài tựa của Oscar Lewis
cho cuốn tiểu thuyết đã thu vào đĩa của anh:
đúng y chang là như vậy.
Giai cấp tư sản Ý cũng có thể
kỳ thị.
Nhưng nó chưa gặp cơ hội,
cơ hội đầu tiên và bé nhỏ nhất,
các cuốn tiểu thuyết của tôi đã khiêu gợi.
Tôi đã cảm nhận tình cảm của một người Da Đen
ở Chicago:
sự kinh sợ.
Thế nhưng tôi đã chóng quên,
và tất cả những kinh sợ
đã trở thành một vật duy nhất
ở trong tôi và ở trên tôi: một vật rất đặc biệt,
cái vật đó.
Do vậy tôi đã để nó bên cạnh và hứng chịu nó
trong lòng:
và nó sẽ trở thành một cái ung nhọt,
mà sớm hay muộn gì tôi cũng phải chết vì nó.
Cú bẩn thỉu cho giấc mơ không nguôi của tôi
vào thời trẻ tuổi.
 
_____________
*Aniene (tên cũ là Teverone), một phụ lưu của sông Tiber (Tevere hay Tiberus).
 
[còn tiếp nhiều kỳ]
 
 
-----------
Nguồn: Pier Paolo Pasolini, Qui je suis - Poeta delle ceneri, bản tiếng Pháp do Jean-Pierre Milelli dịch, giới thiệu và chú giải (Paris: Arléa, 2004).
Người dịch ghi thêm một con số trên mỗi bài thơ, và bổ sung vào phần chú thích của nhà xuất bản dưới các bài thơ.
 
 
 
Đã đăng:
 
AI LÀ TÔI [1-3]  (thơ) 
... Tôi vẫn khóc, mỗi khi nghĩ lại chuyện cũ, / mỗi khi nghĩ tới Guido em tôi, một gã du kích / bị các gã du kích cộng sản khác thủ tiêu / (nó thuộc nhóm Hành Động / do chính tôi đã khuyên nó gia nhập; / nó đã khởi sự cuộc Kháng Chiến / với tư cách một người cộng sản)... Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. [Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường]
 
Bạn đi đâu qua những đường phố La-mã / trên xe buýt hay xe điện / chật ních những người trên đường về nhà?... | Tôi lao động suốt ngày như một nhà tu / Và ban đêm tôi lang thang như một con mèo rượn / chạy tìm tình yêu... Tôi sẽ thỉnh cầu / Giáo hội, xin cho tôi được phong thánh... | Người ta sẽ ca hát trong lòng đất nó, / hàng triệu người chết trong lòng đất nó, / ta sẽ ca hát trong lòng đất nó?... | Hãy đến lắng nghe những dòng sông của lòng con, / Hãy đến lắng nghe những bông cúc của lòng con, / Hãy đến lắng nghe, mẹ ơi, tiếng nói ấp úng / của lòng con đang bay bổng, thưa mẹ!... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
... Ta không một đồng xu, ta chỉ làm chủ / Những sợi tóc vàng của ta trên sông Lemene / Đầy những con cá mượt mà... | ... tôi sẽ ngã xuống chết / dưới mặt trời gắt, / vàng hoe và cao, / và tôi sẽ nhắm mắt, / để bầu trời lại với vẻ rực rỡ của nó... | ... Em là một cánh hồng sống mà không nói. // Khi sâu thẳm trong ngực em / Một giọng nói ra đời, / Thì em câm lặng... | ... Chúng ta sống sót: và ấy là sự lẫn lộn / của một cuộc đời hồi sinh bên ngoài lý luận... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021