thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài ca của những người thua thiệt
(Diễm Châu dịch)
 
Đại lộ San Rafael
giáp giới về phía tây-bắc
– ở tầm cao của Paseo Prado –
với nước cộng hòa Haïti.
 
Không có lễ hội gì ở biên giới:
chỉ có suy tàn và sám hối.
 
Cái cây số của địa lý Cuba này
cái bãi hội chợ này
khởi sự thật đột ngột: không phải từ biển,
cũng chẳng phải từ dãy núi nằm ngang một ngọn núi phi phàm,
cũng chẳng phải từ bờ một con sông lớn
như một vài xứ nọ,
nó khởi sự trong cảnh điêu tàn của một thảo cầm viên
nơi một đêm kia
Encanto đã cháy rụi.
 
Chính ở đây tụ tập những kẻ thua thiệt
chính ở đây là Quốc gia
tự nhiên của họ
chính ở đây họ phô bày với khách lại qua
những món hàng bằng chất dẻo hay bằng sắt tây.
 
Các bà có thể mua ở con đường này
những đôi khuyên tai hàng mã đích hiệu
nhưng ở đây người ta lại được tặng thêm những khoái lạc vụng trộm và các thứ bệnh tật
ở đây người ta trao đổi những địa chỉ tốt và những đòn độc
ở đây người ta bán bánh mì khô cứng
với cả họ nhà vi trùng
như những ổ bánh mì săng-uých nhồi mọi thứ ôn dịch.
 
Ở đây chúng tôi có những cây thập giá, hình ảnh của hết mọi vị thánh
kinh cầu nữ thánh Sơ-mi,
kinh Sinh nở Yên hàn, kinh Lên đường Bình an
và kinh Lạy Cha và kinh Kính mừng.
 
Đây chắc chắn là chốn duy nhất trên thế giới
nơi những đóa hoa nở trong bí mật
và nơi một cô gái đặt một cửa tiệm
chỉ bày có một gói thuốc điếu
một đôi dép hư
một dải băng đã mòn và một tấm khăn quàng đen.
 
Trên đại lộ San Rafael
người ta có thể mặc-cả một ly nước lạnh
giá mười centavos từ chín giờ sáng đến chín giờ tối.
Người ta có thể kiếm cho mình một chai rượu
– mọi thứ rượu đã bị lãng quên: Hueso de Tigre Golden,
Chispa de Tren, Dry Light
và Saltapatrás Gran Reserva
vừa trải qua cả một loạt
những lo âu, phạm pháp và trừng phạt.
 
Bên ngoài các cửa hàng
của giới tư sản
người ta đã xã-hội-hóa sự bần cùng
và bên cạnh pho tượng bằng thạch cao của người thổ dân Karinoa,
màu tía, màu đỏ và lục đậm,
người ta có thể mua một chiếc sơ-mi xanh lục, đỏ
sậm, quả quyết là
Tallahassee, Florida, USA.
 
Ấy là một khu chợ công khai :
tiền trong nước hay chỉ tệ cao quý
có thể đổi
thành giấc mơ và cơn ác mộng của con người mới.
 
Chính ở đây là nơi chúng tôi tụ tập, chúng tôi những kẻ thua thiệt
được kẻ thù may mặc :
baskets Cats bốn đô-la
blue-jean hai ngàn pesos của một nhà xuất-nhập cảng
và áo pull nội hóa với khẩu hiệu
Xã-hội-chủ-nghĩa hay là Chết.
Và như thế chúng tôi đi, với một chiếc giày ống Nga
và một cái nón kết Cincinnati
tìm cách bán một bộ phận để thay thế được sửa lại
ba cây viết bi Trung quốc
và một cục xà-bông Nácar
vừa đánh cắp đêm qua ở cửa tiệm bách hóa Sabatés.
 
Ấy đó thế giới của chúng tôi
chính ở đây là nơi chúng tôi hành sử tự do
dạn dĩ tiểu tiện trong gian phòng lớn nhất của khách sạn Royal Palm
mà khách hàng rời bỏ
thật vội vàng
không còn kịp làm tình tới cùng
và kết thúc giấc mơ của họ.
 
Cả đến ở cửa hàng lớn Valles
người ta cũng không tìm được gì khá hơn ở nơi chúng tôi
những kẻ bán đi bán lại cho mình những quần áo cũ của mình,
là vì họ chỉ có những cửa kính bày hàng trơ trụi
nơi các bà vợ của chúng tôi tự ngắm nghía để hóa trang lại
và ngẫm nghĩ thật lâu tới kiểu tóc của các bà.
 
Ở đây là một hành tinh
– ở đây chúng tôi gọi nước bằng những dấu hiệu –
chỉ có mình chúng tôi biết
và ở đây chúng tôi nói một thứ Tây-ban-ngữ thì thào nhát gừng
mà từ điển ghi chép được soạn lại hết mọi buổi sáng.
 
Những cuốn phim của chúng tôi, những bi kịch của chúng tôi, hài kịch của chúng tôi
ấy là những cuộc đời của chúng tôi
những cuộc đời có lẽ đã từng là một điều gì đó,
được thuật lại trên vỉa hè của Trà đình ca vũ nhạc Quốc gia
hay dưới tấm bích chương đã bay màu của rạp xi-nê Duplex
vẫn còn loan báo trình chiếu cuốn phim mới :
Ký ức của một thời kém-mở mang.
 
Nơi đây là thế giới của chúng tôi
hành tinh của những chiếc nhẫn bằng thiếc
những điện trở bằng nhôm
những vòi nước chậu rửa chén dĩa
những kẻ thay đế giày dép cũ
những người vá víu những chiếc bật lửa xài-rồi-vứt-đi
những chiếc thìa bằng kẽm
và những chiếc ly bằng chất dẻo.
 
Đại lộ San Rafael là thế đó,
người ta đã tặng nó cho chúng tôi làm quà Cuối Thế kỷ
và nó, như các người biết, nhờ có Prado,
giáp giới với Haïti
và, nhờ có Galiano,*
với hết mọi bóng tối của tương lai.
 
(trích Ký tại La Habana)**
 
-----------------------------------
Ghi chú của dịch giả:
* Khu vực từ đường San Rafael tới đại lộ Galiano được biết tới như «esquina de pecado» hay «ngã tư của tội lỗi» (theo Eduardo Manet).
**Ký tại La Habana của RAÚL RIVERO, nhà thơ kiêm nhà báo Cuba hiện đại đang bị giam trong nhà tù của Fidel Castro, gồm 25 bài thơ, lời tựa của tác giả (do Fanchita và François Maspéro dịch sang Pháp văn) và một bài phỏng vấn ông của ký giả Christine Ockrent. Sách do La Découverte / Reporters sans frontières in tại Paris, 1998. «Bài ca của những người thua thiệt» trích trong sách này.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021