thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kỳ nhông nước

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

JULIO CORTÁZAR

(1914-1984)

 

Julio Cortázar — tiểu thuyết gia, thi sĩ, phê bình gia, nhà viết truyện ngắn, và nhạc sĩ — sinh tại Brussels, nước Bỉ, năm 1914. Song thân là người Á-căn-đình. Sau Thế Chiến thứ Nhất, gia đình ông hồi hương, và ông lớn lên tại Á-căn-đình. Cortázar tốt nghiệp đại học sư phạm văn chương tại Buenos Aires vào năm 1935. Từ 1935 đến 1945, ông dạy học tại nhiều trường trung học khác nhau, và từ 1945 đến 1951, ông làm dịch giả cho một số nhà xuất bản. Trong thời gian đó, ông dịch trọn vẹn tác phẩm văn xuôi của Edgar Allan Poe, và nhiều tác phẩm của André Gide, Walter de la Mare, G.K. Chesterton, Daniel Defoe, và Jean Giono. Viện Đại Học Buenos Aires mời ông vào chức vụ Giáo Sư văn chương, nhưng ông từ chối vì chống lại chế độ độc tài Perón. Năm 1951, ông di cư sang Pháp và sống ở đó cho đến khi lìa đời vào năm 1984.
 
Năm 1981, tổng thống Mitterand trao tặng quốc tịch Pháp cho Julio Cortázar, và ông nhận vinh dự này, nhưng nhất quyết không từ bỏ quốc tịch Á-căn-đình. Song song với sự nghiệp văn chương, Cortázar còn là một nhà vận động chính trị. Ông viếng Cuba năm 1961 và Nicaragua năm 1983. Tiểu thuyết Libro de Manuel (1973) của ông đoạt giải văn học Prix Médicis năm 1974 và ông trao tặng tất cả tiền thưởng cho Mặt Trận Thống Nhất Chi-lê.
 
Trong hơn 30 năm sống ở Pháp, mỗi năm ông dành bốn tháng để làm việc như một dịch giả cho UNESCO (dịch từ tiếng Pháp và Anh sang tiếng Tây-ban-nha), và tám tháng còn lại để viết văn, làm thơ và chơi nhạc (ông còn là một nhạc sĩ jazz, chuyên chơi kèn trumpet!).
 
Julio Cortázar bắt đầu làm thơ và viết kịch bản từ những năm 1930, nhưng bắt đầu nổi tiếng vào năm 1951 với tập truyện ngắn Bestiario. Năm 1963, tiểu thuyết Rayuela đưa ông vào địa vị hàng đầu trong văn đàn quốc tế. Số lượng tác phẩm ông đã xuất bản hết sức đồ sộ, trong đó có những cuốn lẫy lừng như Final de juego (1956), Las armas secretas (1959), Los premios (1960), Historias de cronopios y famas (1962), Todos los fuegos el fuego (1966), La vuelta al día en ochenta mundos (1967), Último round (1968), 62/ Modelo para armar (1968), Libro de Manuel (1973), Octaedro (1974), Alguien que anda por ahí (1977), Un tal Lucas (1979), Queremos tanto a Glenda (1980), Deshoras (1982), vân vân.
 
Ông đoạt rất nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có “Prix Médicis” (như đã nêu trên) và “Orden de la Independencia Cultural Rubén Darío” (1984) — chính nhà thơ Ernesto Cardinal (1925~), khi ấy đang là Bộ trưởng Văn Hoá của Nicaragua, đã tận tay trao giải thưởng này cho Julio Cortázar. Pablo Neruda — nhà thơ Chi-lê đoạt giải Nobel Văn Chương 1971 — có lần nói: “Người nào chưa từng đọc Cortázar, người ấy là kẻ mắc đoạ”.
 
Truyện ngắn “Axolotl” [“Kỳ nhông nước”] dưới đây xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Literaria ở Buenos Aires năm 1952. Đây là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Julio Cortázar.

 

 

 

KỲ NHÔNG NƯỚC

 

Đã có một thời tôi suy nghĩ rất nhiều về những con kỳ nhông nước axolotl. Tôi đã đi xem chúng trong khu thủy sinh tại Vườn Bách Thảo và đã ở lại đó nhiều giờ đồng hồ để ngắm chúng, quan sát sự bất động của chúng, những chuyển động mơ hồ của chúng. Giờ đây tôi là một con kỳ nhông nước.

Tôi tình cờ biết chúng vào một buổi sáng mùa xuân, khi Paris khoe bộ đuôi công rực rỡ sau Mùa Chay lạnh giá. Tôi đi xuống đại lộ Port-Royal, rồi rẽ qua Saint-Marcel và L’Hôpital và tôi nhìn thấy màu xanh lá cây giữa những toà nhà xám xịt và tôi nhớ đến những con sư tử. Tôi là bạn của những con sư tử và những con báo đen, nhưng tôi chưa bao giờ bước vào toà nhà tối tăm, ẩm ướt, tức là khu thủy sinh. Tôi dựa chiếc xe đạp của tôi vào hàng rào lưới sắt và đi ngắm hoa uất kim hương. Những con sư tử thì buồn bã và xấu xí còn con báo đen của tôi thì đang ngủ. Tôi quyết định đi vào khu thủy sinh, ơ hờ xem những con cá tầm thường cho đến khi, thật bất ngờ, tôi bị lôi cuốn bởi những con kỳ nhông nước. Tôi ở lại đó ngắm nghía chúng suốt một giờ đồng hồ rồi ra về, không thể suy nghĩ bất cứ điều gì khác nữa.

Trong thư viện tại Sainte-Geneviève, tôi tra cứu một cuốn từ điển thì mới biết rằng những con kỳ nhông nước axolotl là sinh vật lưỡng cư (có thêm bộ mang để thở) còn trong giai đoạn phôi thai của một chủng loại kỳ nhông nước thuộc giống Ambystoma. Chúng là sinh vật bản xứ của Mexico thì tôi biết ngay khi vừa nhìn chúng và thấy những khuôn mặt Aztec nhỏ nhắn màu hồng và tấm biển giải thích gắn trên hồ. Tôi đọc được rằng một số kỳ nhông nước đã được phát hiện ở Châu Phi có khả năng sống trên cạn trong những thời kỳ hạn hán, và tiếp tục sống dưới nước khi mùa mưa đến. Tôi tìm thấy tên Tây-ban-nha của chúng là ajolote, và lời ghi chú rằng chúng có thể là thức ăn cho con người, và chất dầu của chúng đã được dùng (nhưng bây giờ thì không còn ai dùng nữa, người ta bảo vậy) như dầu gan cá tuyết.

Tôi không quan tâm tìm kiếm những tài liệu nghiên cứu chuyên ngành, nhưng ngày hôm sau tôi đã trở lại Vườn Bách Thảo. Tôi bắt đầu đến đó mỗi buổi sáng, có vài ngày tôi đến cả buổi sáng và buổi chiều. Người bảo vệ khu thuỷ sinh mỉm cười với vẻ thắc mắc khi ông nhận vé vào cửa của tôi. Tôi dựa người vào thanh sắt phía trước những cái hồ và bắt đầu say mê ngắm chúng. Hành động này chẳng có gì khác thường, bởi vì sau phút đầu tiên tôi biết rằng chúng tôi đã gắn bó với nhau, rằng có một điều gì đó đã thất lạc từ xa xăm vô hạn cứ không ngừng níu chúng tôi lại với nhau. Điều đó quá đủ để giữ tôi đứng bất động suốt buổi sáng đầu tiên ấy trước tấm kính nơi có vài bong bóng nước nổi lên. Những con kỳ nhông nước nằm lấn vào nhau trên đáy hồ chật chội nhếch nhác đầy rêu và đá (chỉ có tôi mới biết được nó chật chội và nhếch nhác đến mức nào). Có chín con, và phần lớn chúng áp đầu vào tấm kính, nhìn bất cứ ai đến gần bằng những đôi mắt vàng óng ánh của chúng. Bối rối, gần như là xấu hổ, tôi cảm thấy mình thật thô lỗ khi nhìn chòng chọc vào những hình dáng bất động và câm lặng đang nằm chen lấn dưới đáy hồ. Tôi tập trung tinh thần theo dõi riêng một con nằm ở bên phải hơi xa những con khác, để nghiên cứu dễ dàng hơn. Tôi thấy một cơ thể nhỏ nhắn, hồng hào, mờ đục (tôi nghĩ đến những bức tượng nho nhỏ bằng thủy tinh trắng đục như sữa của người Trung Hoa), trông nó giống như một con thằn lằn nhỏ, dài khoảng một tấc rưỡi, với một cái đuôi cá cực kỳ mềm mại, nơi nhạy cảm nhất của cơ thể. Dọc theo sống lưng là một cái vây trong suốt nối với cái đuôi, nhưng điều ám ảnh tôi là những cái chân, vô cùng thanh tao tinh tế, có những ngón chân nhỏ xíu với những móng chân bé tí của loài người. Và rồi tôi khám phá ra đôi mắt của nó, khuôn mặt của nó. Vẻ mặt vô hồn, không có đường nét nào khác ngoại trừ đôi mắt là hai đốm nhỏ, như hai đầu kim đính, tuyền một màu vàng trong suốt, không biểu lộ một chút sinh động nào ngoài việc trao tráo ngó không chớp mắt, cho phép cái nhìn của tôi xâm nhập vào đôi mắt ấy, và dường như cái nhìn của tôi tiếp tục du hành xuyên qua lớp vàng óng ánh rồi mất hút vào bên trong một cõi bí ẩn mịt mờ. Một quầng đen rất thanh tao viền quanh con mắt và khắc rõ nét trên da thịt màu hồng, trên cái đầu giống một viên đá màu hồng, gần như một khối tam giác, nhưng với những cạnh cong không đều khiến nó giống hệt một bức tượng nhỏ bị thời gian làm cho mòn nhẵn. Cái miệng khuất sau một gương mặt hình tam giác, nhìn nghiêng thì có thể đoán được kích thước khá rộng; nhìn từ đàng trước thì chỉ là một đường kẻ tinh vi rạch vào một viên đá vô sinh. Hai bên đầu, nơi đáng lẽ có đôi tai, thì lại chìa ra ba nhánh màu đỏ như san hô, trông giống một thứ thực vật mọc lên, có lẽ đó là những cái mang, tôi đoán thế. Và trên toàn cơ thể chỉ có những cái nhánh ấy là nhanh nhẹn; cứ mỗi mười hoặc mười lăm giây chúng lại vểnh thẳng lên và rồi cụp xuống. Thỉnh thoảng một bàn chân chuyển động rất khẽ, tôi thấy những ngón chân nhỏ bé chạm nhẹ lên mặt rêu để giữ thăng bằng. Đó là vì chúng tôi không thích di chuyển nhiều, và vì cái hồ quá chật chኙi — chúng tôi chỉ hơi nhích về bất cứ hướng nào thì chúng tôi lại đụng vào nhau bằng cái đuôi hay cái đầu của mình — thế là lại gây ra những khó khăn, lại tranh cãi, mệt nhọc. Thời gian dường như ngắn lại nếu chúng tôi nằm im một chỗ.

Sự im lặng của những con kỳ nhông nước đã làm cho tôi hướng về chúng với niềm say mê ngay lần đầu tiên tôi thấy chúng. Một cách mơ hồ, tôi dường như hiểu nguyện vọng bí mật của chúng là xoá bỏ không gian và thời gian với một thái độ bất động dửng dưng. Sau đó tôi biết rõ hơn; sự co duỗi của cái mang, sự di chuyển thận trọng của những bàn chân mảnh khảnh trên những viên đá, cú bơi lướt đột ngột (vài con bơi bằng một cử động lượn mình đơn giản) chứng minh cho tôi rằng chúng có khả năng trốn thoát khỏi thứ nước khoáng tù đọng đó, nơi chúng phải ngâm mình suốt bao nhiêu giờ đồng hồ. Trên hết thảy, đôi mắt của chúng ám ảnh tôi. Trong những cái hồ dựng đứng hai bên, những loài cá khác nhau khoe cho tôi thấy sự đần độn của những đôi mắt xinh đẹp rất giống với đôi mắt của chúng ta. Còn đôi mắt của những con kỳ nhông nước lại cho tôi hiểu sự hiện hữu của một cuộc sống khác, của một cách nhìn khác. Áp mặt vào khung kính (thỉnh thoảng người bảo vệ tằng hắng một cách khó chịu), tôi cố nhìn rõ hơn những điểm vàng óng ánh nhỏ xíu ấy, đó là lối đi vào trong cái thế giới chậm rãi và xa xăm vô hạn của những sinh thể màu hồng này. Thật hoài công khi dùng một ngón tay gõ lên mặt kính ngay trước mặt chúng; chúng không bao giờ có một phản ứng nhỏ nào cả. Những đôi mắt vàng óng ánh tiếp tục ngời lên thứ ánh sáng lập loè, kinh khủng của chúng; chúng tiếp tục nhìn tôi từ một chiều sâu khôn dò khiến tôi choáng váng.

Tuy nhiên, chúng gần gũi với tôi. Tôi đã biết điều này trước kia, trước khi tôi là một con kỳ nhông nước. Tôi đã biết được điều này ngay lần đầu tiên tôi đến gần chúng. Những điểm tương cận với con người của một con khỉ cho thấy điều ngược lại với những gì hầu hết người ta vẫn tin, đó là cái khoảng cách từ loài khỉ cho đến loài người. Sự tuyệt đối khác nhau giữa những con kỳ nhông nước và con người đã chứng minh cho tôi rằng sự phát hiện của tôi là hợp lý, rằng tôi không phải tự biện hộ cho mình bằng những suy luận dễ dàng. Chỉ những bàn tay bé nhỏ ấy... Nhưng một con sa giông, loại sa giông thông thường, cũng có những bàn tay như vậy, thế mà giữa chúng và tôi không giống nhau chút nào. Tôi nghĩ đó là cái đầu của những con kỳ nhông nước, cái hình dạng tam giác màu hồng với đôi mắt nhỏ xíu vàng óng ánh. Nhìn thì biết ngay. Đó là chung kết của sự quyết đoán. Chúng không phải là những con vật.

Điều này có vẻ như dễ dàng, hầu như hiển nhiên, rơi vào thần thoại học. Tôi bắt đầu nhìn thấy trong những con kỳ nhông nước một sự hoá thân, mà sự hoá thân ấy đã bất thành trong việc từ bỏ một nhân tính bí ẩn. Tôi tưởng tượng chúng biết rõ rằng, là những kẻ nô lệ trong cơ thể của mình, chúng bị mắc đoạ vĩnh viễn vào sự im lặng của vực thẳm, vào một cuộc trầm tư mặc tưởng vô vọng. Tia nhìn đăm đăm mù loà của chúng, cái đĩa tròn bé xíu vàng óng ánh hoàn toàn vô cảm nhưng toả sáng khủng khiếp ấy, rọi xuyên qua tôi như một thông điệp: “Cứu chúng tôi, cứu chúng tôi.” Tôi chợt nhận ra tôi đang lẩm nhẩm những lời an ủi, truyền đạt những hy vọng ngây ngô. Chúng tiếp tục nhìn tôi, bất động; thỉnh thoảng những chiếc mang hình nhánh cây đỏ hồng lại dựng lên. Những lúc ấy tôi cảm thấy một nỗi đau đớn câm lặng; có lẽ chúng đang nhìn thấy tôi, hấp thụ lấy sức mạnh của tôi để tri cảm điều bất khả tri cảm trong đời sống của chúng. Chúng không phải là những con người, nhưng tôi chưa từng tìm thấy trong con vật nào một mối quan hệ sâu sắc với tôi như vậy. Những con kỳ nhông nước giống như những nhân chứng của một điều gì đó, và đôi khi chúng giống như những quan toà ghê gớm. Tôi cảm thấy hổ thẹn trước mặt chúng; có một sự thanh khiết khủng khiếp trong những đôi mắt trong veo kia. Chúng là những sinh vật phôi thai, nhưng sinh vật phôi thai có nghĩa là sự trá hình và cũng là ảo ảnh. Đàng sau những khuôn mặt Aztec kia, không biểu lộ cảm xúc gì ngoài một vẻ nhẫn tâm lạnh lùng, thì điều gì đang chờ đến lúc để lộ diện?

Tôi thấy sợ chúng. Tôi nghĩ rằng nếu không có cảm giác mình đang ở gần bên những du khách và người bảo vệ, thì tôi đã không đủ can đảm ở một mình với chúng. “Này, anh ăn sống chúng bằng đôi mắt của anh đấy à.” Người bảo vệ nói, rồi cười; có lẽ hắn nghĩ tôi có một chút dở hơi. Hắn không nhận ra rằng chúng đã ngấu nghiến tôi một cách chậm rãi bằng những đôi mắt của chúng, trong một cuộc ăn thịt người toả sắc vàng óng ánh. Dù ở xa khu thủy sinh ấy chừng nào đi nữa, tôi cũng phải nghĩ đến chúng, như thể là tôi bị tác động từ xa. Rồi đến giai đoạn tôi viếng nơi đó mỗi ngày, và ban đêm tôi nghĩ về chúng như những hình ảnh bất động trong bóng tối, chỉ chậm rãi đưa một tay ra thì lập tức chạm phải một con kỳ nhông nước. Có lẽ đôi mắt của chúng có thể nhìn thấy giữa đêm khuya, và đối với chúng ban ngày kéo dài vô hạn. Đôi mắt của những con kỳ nhông nước không có mí mắt.

Giờ đây tôi biết rằng không có gì lạ lùng cả, điều đó phải xảy ra. Cúi người xuống trước hồ thuỷ sinh mỗi buổi sáng, sự nhận thức càng rõ ràng hơn. Chúng đang chịu đựng, từng thớ thịt của cơ thể tôi hướng về nỗi đau bị kìm nén ấy, cơn quằn quại cứng đờ ấy dưới đáy hồ. Chúng đang nằm chờ đợi một điều gì đó, một vương quốc xa xưa đã bị huỷ diệt, một thời đại tự do khi thế giới đã từng là thế giới của những con kỳ nhông nước. Thật là bất khả để cho rằng sự biểu cảm khủng khiếp đã đạt đến độ vứt bỏ được vẻ vô hồn giả tạo trên những khuôn mặt trơ như đá ấy là mang bất cứ thông điệp nào khác hơn cái thông điệp của nỗi đau đớn, cái bằng chứng của bản án vĩnh viễn, của địa ngục chất lỏng mà chúng đang chịu đựng. Một cách vô vọng, tôi muốn chứng minh cho bản thân tôi rằng tri giác của tôi đang dự phóng một cảm nhận không tồn tại về những con kỳ nhông nước. Chúng và tôi cùng biết như thế. Vì vậy không có gì lạ lùng về những điều đã xảy ra. Mặt tôi áp vào khung kính của hồ thuỷ sinh, đôi mắt tôi cố gắng một lần nữa để xuyên thấu vào sự bí ẩn của những đôi mắt vàng óng ánh không có tròng đen, không có con ngươi đó. Tôi quan sát rất gần khuôn mặt của một con kỳ nhông nước bất động nằm gần khung kính. Không có sự hoán đổi và không hề ngạc nhiên, tôi thấy khuôn mặt của tôi áp vào khung kính, tôi thấy nó ở bên ngoài hồ thuỷ sinh, tôi thấy nó ở phía bên kia của khung kính. Rồi khuôn mặt của tôi trở lại vị trí của mình và tôi đã hiểu.

Chỉ có một điều lạ lùng là tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ như thường lệ trước đây, để hiểu. Khi nhận thức được điều đó, ở ngay giây phút đầu tiên, thì giống như cảm giác kinh hoàng của một người bị chôn sống biết rõ số phận của mình. Ngoài kia, gương mặt của tôi lại đến gần khung kính, tôi thấy miệng của tôi, đôi môi mím chặt, cố gắng tri nhận về những con kỳ nhông nước. Tôi đã là một con kỳ nhông nước và giờ đây tôi biết ngay lập tức rằng không thể có một sự tri nhận nào cả. Anh ta ở bên ngoài hồ thuỷ sinh, ý nghĩ của anh ta là một ý nghĩ ở bên ngoài hồ thuỷ sinh. Khi đã nhận diện được anh ta, rằng anh ta là chính bản thân anh ta, thì tôi là một con kỳ nhông nước và ở trong thế giới của tôi. Nỗi kinh hoàng bắt đầu — tôi nhận ra trong cùng lúc ấy — khi tôi tin rằng bản thân mình là tù nhân trong cơ thể của một con kỳ nhông nước, hoá thân thành ra nó với tâm trí nguyên vẹn của con người, bị chôn sống trong một con kỳ nhông nước, bị mắc đọa phải di chuyển một cách sáng suốt giữa những sinh vật không có ý thức. Nhưng điều đó ngừng lại khi một bàn chân lướt qua mặt tôi, khi tôi nhích khẽ qua một bên và thấy một con kỳ nhông nước kề cận bên tôi, đang nhìn tôi, và tôi hiểu rằng nó cũng biết, rằng không thể có sự thông tri, quá hiển nhiên như thế. Hoặc tôi cũng đã ở trong anh ta, hoặc tất cả chúng tôi đang suy nghĩ như con người, nhưng không có khả năng biểu cảm, bị giới hạn trong ánh vàng rực rỡ của đôi mắt mà chúng tôi đang nhìn khuôn mặt của người đàn ông áp vào khung kính của hồ thuỷ sinh.

Anh ta trở lại nhiều lần, nhưng giờ đây anh ta đến càng ngày càng ít hơn. Nhiều tuần trôi qua không thấy anh ta xuất hiện. Hôm qua tôi thấy anh ta, anh ta nhìn tôi một hồi lâu rồi vụt biến. Tôi nghĩ dường như anh ta không còn quá yêu thích chúng tôi nữa và anh ta không còn thói quen đến đây nữa. Bởi vì chỉ còn một điều duy nhất để làm là suy nghĩ, tôi suy nghĩ rất nhiều về anh ta. Chuyện đã xảy ra với tôi rằng lúc ban đầu chúng tôi liên tục thông tri với nhau, rồi hơn bao giờ hết, anh ta có cảm tưởng rằng anh ta là một với sự bí ẩn đang lôi cuốn anh ta. Nhưng những chiếc cầu nối giữa anh ta và tôi đã sụp đổ, bởi vì mối ám ảnh của anh ta giờ đây là một con kỳ nhông nước, xa lạ với thế giới con người của anh ta. Ban đầu tôi nghĩ rằng tôi có khả năng trở lại với anh ta bằng một cách nào đó — ôi, chỉ bằng một cách nào đó — và duy trì trong anh ta sự khao khát tìm hiểu chúng tôi rõ hơn. Giờ đây tôi mãi mãi là một con kỳ nhông nước, và nếu tôi có suy nghĩ như một con người thì chỉ vì mọi con kỳ nhông nước đều suy nghĩ như một con người bên trong cái vỏ như đá màu hồng. Tôi tin rằng tất cả những điều này đã thành công trong việc thông tri một điều gì đó với anh ta trong những ngày đầu tiên, khi tôi vẫn còn là anh ta. Và trong trạng thái cô độc cuối cùng này khi anh ta không còn đến nữa, tôi tự an ủi mình bằng cách nghĩ rằng có lẽ anh ta sẽ viết một câu chuyện về chúng tôi, và vì anh ta tin rằng sẽ sáng tác một câu chuyện, anh ta sẽ viết ra tất cả những điều này về những con kỳ nhông nước.

 

 

-----------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha: “Axolotl”, trong Julio Cortázar, Cuentos Completos / 1 (Buenos Aires: Punto de Lectura, 2007) 551-558.
 

 

 

-----------------------------------------------------

Những tác phẩm khác của Julio Cortázar:

Thuở nhỏ bọn mình gọi nó là “vè hỉa” / và nó ưa cái cách bọn mình yêu thích nó / Trên tấm lưng trần khốn khổ của nó bọn mình đã vẽ / biết bao nhiêu ô nhảy cò cò... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn, có kèm băng thu âm bài thơ này do nhạc sĩ Edgardo Cantón phổ thành một bài hát tango, được trình bày qua tiếng hát của Juan Cedrón]
 
Em sẽ không có mặt trong những giấc chiêm bao của anh, / trong điểm đến đầu tiên của những lời anh nói, / em cũng sẽ không có mặt trong một số điện thoại / hay trong màu sắc của một đôi găng tay hay một tấm áo choàng... | ... Có phải anh đã biết / biết bằng từng lỗ chân lông / vì sao đôi mắt anh đôi bàn tay anh bộ sinh dục anh quả tim mềm của anh / phải được vất đi / phải được xoá sạch đi / phải được sáng tạo lại từ đầu một lần nữa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn, có kèm băng thu giọng đọc của Patricia L. Boero, âm nhạc của Olivari và video của Liliana Muente]
 
Những nghiên cứu địa lý  (truyện / tuỳ bút) 
Có bằng chứng rằng kiến là chúa tể đích thực của vạn vật (độc giả có thể xem đó là một giả thuyết hay một ý tưởng cuồng phóng; nhưng dẫu thế nào thì một chút ý tưởng thoát ly nhân chủng cũng thú vị), và đây là một trang sách địa lý của kiến... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chẳng còn hy vọng về  (truyện / tuỳ bút) 
Phòng sinh hoạt của chúng tôi khá rộng, nhưng nếu nghĩ rằng trong đó Robert... Chúng tôi không có quá nhiều thiết bị nội thất, nên còn chỗ rộng rãi để đón cha mẹ và bạn bè khi họ đến để... Tôi ngồi trên ghế dựa bên cạnh cái đèn và vợ tôi hầu như luôn luôn ngồi trên cái ghế nơi nàng có thể... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chuyện hoàn toàn có thật  (truyện / tuỳ bút) 
[TRUYỆN CỰC NGẮN] Một người đàn ông đánh rơi cặp kiếng mắt của y; chúng chạm xuống nền gạch làm bật lên một tiếng động chát chúa. Người đàn ông cúi xuống lượm chúng lên, hết sức bất bình vì hai tròng kiếng rất mắc tiền, nhưng y kinh ngạc phát hiện rằng nhờ một phép lạ nào đó nên chúng chưa vỡ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cẩm nang hướng dẫn  (truyện / tuỳ bút) 
... Và không phải là quá tệ hại nếu các sự vật cứ chạm mặt ta mỗi ngày và cứ giống hệt như thế. Cũng người đàn bà đó nằm bên cạnh ta, cũng cái đồng hồ đó, cũng cuốn tiểu thuyết nằm mở ra đó trên bàn thêm một lần nữa bắt đầu cuộc chạy xe đạp xuyên qua đôi mắt kính của ta, thì có cái gì trục trặc đâu nào?... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Diễn văn của gấu  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi là con gấu sống trong những đường ống của toà nhà. Tôi leo trèo qua các ống dẫn vào những giờ khắc yên tĩnh, những ống dẫn nước nóng, những ống lò sưởi, những ống dẫn của máy điều hòa không khí. Tôi đi qua những đường ống từ căn hộ này qua căn hộ nhà khác và tôi là con gấu đi qua những ống dẫn... [Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân] (...)
 
Sự bất khoan dung  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi chưa bao giờ có thể khoan thứ cho những cái ngáp, đặc biệt từ miệng của một anh cảnh sát. Nó vượt quá sức chịu đựng của tôi. Nếu tôi thấy một anh cảnh sát há miệng ngáp tại một góc đường, tôi liền đi thẳng đến và cho anh ấy một cái tát hai chiều qua-lại, chanh chách như chim bồ câu đập cánh... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Mặc quần áo cho một cái bóng  (truyện / tuỳ bút) 
Điều khó nhất là cắt nét chung quanh nó, xác định giới hạn của nó nơi nó nhoà vào khoảng tối chạng vạng. Chọn nó ra giữa quá nhiều cái bóng khác, tách nó ra khỏi luồng ánh sáng mà tất cả những cái bóng đều lén lút hít thở một cách đầy bất trắc... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Điều phiền toái trước tiên bao giờ cũng là cô của tôi. Khi tôi nói với cô tất cả những khối cầu đều là những khối lập phương, cô biến thành màu xanh lá cải bina. Cô đông cứng ở lối ra vào, tựa người trên cán chổi, và nhìn tôi với ánh mắt diễn tả một nỗi háo hức muốn nhổ nước miếng vào mặt tôi... (...)
 
Không, không, và không  (truyện / tuỳ bút) 
Ông điên thật rồi. Không những tôi sẽ không cho ông một con kiến mà tôi còn có ý định đi bộ ngang qua nhà ông với một con kiến trên ngực tôi, chỉ để làm ông cuồng nộ... (...)
 
Đừng để cho...  (tiểu luận / nhận định) 
Hiển nhiên, họ sẽ cố mua đứt bất cứ nhà thơ hay nhà văn nào có những lý tưởng xã hội mà tác phẩm của y ảnh hưởng đến thời đại y đang sống; cũng không kém hiển nhiên, chỉ chính bản thân người viết mới có thể bảo đảm rằng điều này không xảy ra... (...)
 
... nếu tôi yêu thích một nàng nào đó, thì nàng vừa bước vào trường thị giác của tôi là tôi đã có thể trừu tượng hoá cho áo quần của nàng biến mất, và trong khi nàng nói với tôi về buổi sáng sao mà lạnh quá chừng, thì tôi đang có những giây phút thích thú chiêm ngưỡng cái rốn nhỏ nhắn của nàng... (...)
 
Những hạt nước vỡ  (truyện / tuỳ bút) 
Nhìn kìa, tôi không biết trời mưa sao mà ghê gớm thế. Mưa mãi không dứt, dày đặc và xám xít ngoài kia, tạt vào bao lơn này những hạt to tướng, chắc nịch, kêu dòn tan và vỡ lốp đốp như những cái tát... (...)
 
VIETATO INTRODURRE BICICLETTE  (truyện / tuỳ bút) 
Trong những ngân hàng và những thương xá của thế giới này, không ai càu nhàu nếu có người nào đó bước vào, nách kẹp một cái bắp cải, hay một con chim tucán với chiếc mỏ to kềnh và bộ lông sặc sỡ, hay miệng tuôn ra những bài ca mẹ dạy hồi còn bé nghe nhừa nhựa như một sợi gai dầu, hay ôm một con hắc tinh tinh mặc áo T-shirt. Nhưng ngay khi có ai bước vào với một chiếc xe đạp, thì... (...)
 
Những việc làm tuyệt diệu  (truyện / tuỳ bút) 
... Thật là một việc làm tuyệt diệu — bước vào một quán cà-phê và xin người ta cho thêm đường, rồi lại thêm đường, ba hay bốn lần thêm đường, rồi chăm chỉ xây một hòn núi đường ngay giữa bàn... (...)
 
Hãy suy nghĩ về điều này: Khi người ta tặng bạn một chiếc đồng hồ đeo tay, họ đang tặng bạn một cái địa ngục nhỏ bé đang trổ bông... | Tử thần đang đứng thấp thoáng phía sau, nhưng đừng sợ. Hãy cầm chiếc đồng hồ trong một bàn tay, rồi dùng hai ngón tay nắm lấy chốt lên dây thiều, và vặn nó một cách nhẹ nhàng... (...)
 
Trước hết hãy đập vỡ tất cả những tấm gương soi trong nhà, buông hai cánh tay xuôi thõng xuống bên hông, nhìn đăm đăm vào bức tường với đôi mắt trống rỗng... | Để khóc, hãy lái trí tưởng tượng về chính mình, và nếu điều này không khả thi vì đã lỡ mắc phải thói quen tin tưởng vào ngoại giới, thì... (...)
 
Cụt đầu  (truyện / tuỳ bút) 
Họ đã cắt đứt lìa cái đầu của người đàn ông này, nhưng vì lúc ấy có cuộc đình công của phu đào huyệt và họ không thể chôn y được, nên y phải tiếp tục sống không có đầu và cố gắng vận dụng hết khả năng mình... (...)
 
Những đường chỉ tay  (truyện / tuỳ bút) 
Từ một bức thư ném lên mặt bàn, một đường kẻ xuất hiện, chạy ngang tấm ván gỗ thông và leo xuống đất theo một trong những chân bàn. Hãy nhìn, bạn thấy đường kẻ tiếp tục chạy ngang qua sàn gỗ, trèo lên tường và tiến vào một bản in bức tranh sơn dầu của Boucher... (...)
 
Người tù  (truyện / tuỳ bút) 
... Giống như những côn trùng, những con chữ loanh quanh lui tới, càng lúc lại càng xanh xao và kiệt sức hơn. Trước hết, những liên từ sẽ chết... (...)
 
Câu chuyện không dạy đời  (truyện / tuỳ bút) 
“Tôi đến đây để bán cho ngài những lời trăn trối cuối cùng của ngài,” người đàn ông nói với nhà độc tài. “Những lời trăn trối rất quan trọng, nhưng trong giây phút cuối cùng chúng sẽ không bao giờ tự nhiên bật ra đúng như ý ngài muốn, trái lại, ngài mua những lời này và ngài sẽ thốt chúng ra một cách thích nghi vào khoảnh khắc nghiêm trọng ấy để sau này hậu thế sẽ dễ dàng nhìn thấy ngài mang một định mệnh lịch sử” ... (...)
 
Những thảo viên nối liền  (truyện / tuỳ bút) 
... Ông nếm cái khoái lạc có vẻ khá kỳ quặc là vừa đọc từng hàng chữ vừa tự tách mình ra khỏi những sự vật chung quanh, và cùng lúc vẫn cảm thấy đầu mình đang tựa êm ả lên lớp nhung xanh lục của chiếc ghế... (...)
 
Về truyện ngắn và cực ngắn  (tiểu luận / nhận định) 
[...] tiểu thuyết thắng nhờ đánh kéo dài để lấy điểm kỹ thuật, còn truyện ngắn thì phải thắng nhờ cú đo ván... điều đáng kinh ngạc về những truyện chạy đua với đồng hồ là chúng tạo ra được một cú sét đánh từ một nhúm chất liệu tối thiểu. (...)
 
Mùa của bàn tay  (truyện / tuỳ bút) 
Lúc xế chiều tôi hẳn sẽ mở cánh cửa sổ thông ra khu vườn, chỉ hé một chút, và bàn tay ấy hẳn sẽ dịu dàng leo xuống góc bàn viết, lòng tay hiếm khi chạm vào đó, những ngón tay duỗi mềm và có vẻ như bối rối, cho đến khi nàng đến nghỉ ngơi trên chiếc dương cầm, giữa cái khung ảnh, hay đôi khi trên tấm thảm màu rượu chát. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021