thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đọc những bài “Kan-ji” của Khánh Phương

 

Tôi đã thấy một nhà thơ khá cao tuổi vẫn mê mải chọn lối riêng cho mình trên vệt đường thơ dằng dặc nhọc nhằn, hỗn độn những vết chân tìm kiếm. Tôi đã đọc khá nhiều những thể nghiệm của ông về vần điệu, câu chữ, ý tứ và hình thức biểu hiện. Có lần tôi thấy ông viết một loạt thơ mỗi bài chỉ có 2 câu, 2 dòng và đặt tên là thơ Haikâu. Ý ông gọi đó là thơ “2 câu” (nhị cú) nhưng rõ ràng ông mượn tên loại thơ Haiku của Nhật khi viết “k” thay cho “c”, đồng thời ông cũng đánh đồng âm “u” với “âu” như các cụ của chúng ta xưa đã làm trong thơ. Tôi tự hỏi, nếu thích cái tên Haiku đến thế, sao ông không đặt là thơ Haiku Việt và tuân thủ một phần quy định của âm tiết dùng cho loại thơ đó của Nhật (một bài Haiku có 3 câu, với số âm tiết 5 / 7 / 5) như cách người mình làm thơ Đường luật? Nhưng đó là sở thích và cách làm của ông, một nhà thơ đáng kính đã suốt một đời cay cực vì thơ.

Giữ ấn tượng khá sâu về Nhà thơ Haikâu ấy, nên tôi đã rất chú ý khi thấy những bài thơ nhan đề Kan-ji của Khánh Phương.

Kan-ji? Thoạt nghe ngỡ tên một thể loại thơ Nhật, như Haiku nói trên, hay Tanka, một loại đoản ca. Nhưng rồi biết đó chỉ là “Hán tự” theo phiên âm tiếng Nhật, tiếng Bắc Kinh là Hanzi. Cũng có thể coi như một phát kiến thú vị khi mà miền đất Thơ đã bị cày xới đến nát tươm với đủ thứ hạt tạp chủng được vung vãi.

Cho đến lúc này, Khánh Phương đã công bố 5 bài “Kan-ji”, tất cả cùng một điệu thức, như một dụng ý. Có vẻ Khánh Phương đang muốn tạo ra lối thơ đặc trưng để viết về một quốc đảo đặc sắc gần gũi, từ lâu có ảnh hưởng nhiều mặt tới chúng ta, đặc biệt về văn chương. Lối sống tinh tế với những tiện nghi kỹ thuật Nhật Bản đang thịnh hành trong đời sống của xã hội chúng ta.

Nhật Bản, theo như khá nhiều bút ký báo chí và truyền hình, là một quốc gia với những đô thị có mật độ dân cư dày đặc, nhịp sống hối hả, cường độ lao động rất cao với những phát minh khoa học không ngừng nghỉ. Nhìn đâu cũng thấy sắt thép, công nghệ high-tech và các thế hệ robot tiếp nối. Đường phố đầy người và bầu trời đầy khói. Người ta không có cả thì giờ dù chỉ để đưa mắt ra ngoài cửa sổ nhìn một nhánh hoa anh đào hay vệt tuyết đọng muộn trên đỉnh Phú Sĩ. Những doanh nhân trẻ mắt dại đờ sau cặp kính cận dày cộp, làm việc ngay trên ghế băng tàu điện ngầm vừa bấm laptop vừa nhai bánh kẹp thịt nguội và tu nước lọc, để rồi dù thành đạt sớm nhưng đã bị stress đến vô phương cứu chữa, bị yểu tử ở tuổi trung bình 40. Những mô tả cực đoan ấy chỉ để nói một điều: Thế, nên họ mới giàu. Nếu như thế thì đâu là chỗ cho thi ca, và chả lẽ giàu như vậy chỉ để stress và yểu tử?

Trong những bài Kan-ji của Khánh Phương ta cũng thấy một nước Nhật hiện đại với những Shinkansen, loại tàu điện tốc độ nhanh chỉ sau máy bay, một trong những biểu tượng của công nghiệp hiện đại Nhật Bản. Ta cũng thấy ma túy - suy thoái kinh tế - Những thương thuyền lớp lớp dàn hàng trên biển... Nhưng còn có những ô kính trồng hoa mướt xanh - vạt áo thêu hoa phù dung - hồng rực sững sờ những trời anh đào nở...

Như sự phối sắc giữa rực rỡ và xám tối theo quốc họa phương Đông với những mảnh sứ mỏng nhẹ có thể thổi bay như giấy, loại Japan porcelain đặc trưng, ánh sáng có thể xuyên qua... Những nhận xét này chủ yếu dựa vào bài Kan-ji thứ nhất, vì theo tôi, bài đầu tiên ấy Khánh Phương đã viết từ một khoảnh khắc thần cảm, như vệt sáng rọi thấu lớp porcelain ấy, mà nhận ra linh hồn của ngôn ngữ Nhật qua Kan-ji.

Udon nhớ bỏ thêm nhiều gia vị vì cha tôi kỹ tính trong miếng ăn
Sớm nay có diễn thuyết ngoài phố tất cả học sinh trung học nghỉ
Phấn trang điểm của tôi chiếm trọn ngọc ngà bộ mễ

Các câu thơ rời rạc không ăn nhập với nhau, nhưng ngẫm nghĩ lại thấy hàm súc tính cách Nhật, khiến người am hiểu văn hóa Nhật Bản sẽ nghĩ đến lối bài trí vườn cảnh kiểu Karesansui, loại vườn cảnh kết cấu bằng đá và cát (không hoa, không cây, không mặt nước). Khu vườn Ryouanji nổi tiếng ở cố đô Kyoto, thế kỷ 15 chỉ gồm những tảng đá bố cục rời rạc trên mặt sân rải cát khô có vạch những vòng sóng.

Học Nhật ngữ, ta còn biết đến món mỳ Udon - hương vị Nhật đặc biệt quyến rũ với các gia vị: Bột gừng, hạt vừng, rong biển khô, hành, mù tạt,...như lời quảng cáo cho món quốc túy ấy.

Phấn trang điểm của tôi chiếm trọn ngọc ngà bộ mễ...

“Mễ” trong tiếng Hán là gạo, lương thực (gạo - ngọc ngà). Bộ Mễ có trong khá nhiều chữ liên quan đến phái đẹp: Phấn (mỹ phẩm); Lạp (nến - trắng trong); Túy (tinh khiết, trinh tiết); Tao khang (nghĩa vợ chồng); Lệ (nước mắt),... Cái Đẹp hàm chứa sự quý giá, hấp dẫn, hạnh phúc và cả nỗi khổ đau bất hạnh.

Hán tự đóng vai trò phần hồn của Nhật ngữ. Hầu hết Danh từ và căn tố của Tính từ, Động từ trong tiếng Nhật đều xuất thân từ tiếng Hán, gọi là Kan-ji, nên đã có lời khuyên, trước khi học tiếng Nhật hãy học tiếng Hán sẽ tiếp nhận tiếng Nhật nhanh chóng và hiệu quả. Ta cũng dễ dàng nhận ra mối liên hệ từ Kan-ji với ngôn ngữ Hán - Việt. Và vì vậy cái thần hồn của Kan-ji của cũng có thể dùng để viết những bài thơ Việt thuần túy lắm chứ.

Dì Oii mi hẹn mùa hè tới thăm tôi mong
Điền nốt vào bài trắc nghiệm câu hỏi về ma túy này khó
Vạt áo tôi thêu nhiều hoa phù dung chiều qua
Khi Hajime ngước lên sống mũi cậu ta chạm vào đó

Hajime (Saito Hajime) là tên một nhân vật lịch sử thời Mạc Phủ. Trong những tác phẩm văn học và truyện tranh hiện đại, nhân vật này được mô tả như một người hùng, một kiếm sĩ có những tuyệt chiêu. Đem tên nhân vật này đặt cho một thanh niên hiện đại bất kỳ cũng là cách học Nhật ngữ mang công dụng kép.

Bài thơ như gồm những mẫu câu khô khan thô lược dành cho học lớp Nhật ngữ được dịch ra tiếng Việt, tưởng như lạnh lùng lý trí đậm tính công nghệ sư phạm, mà lại hồn nhiên tươi sáng, ngây ngây. Và cũng mang mang cái phong vị phương Đông cổ điển.

Những câu cuối của bài thơ:

Tò mò tôi xem In the Realm of the Senses
Chiến tranh
Đố ai cấm được hồng rực sững sờ những trời anh đào nở

In the Realm of the Senses (Trong vương quốc của giác quan) là bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Nhật Nagisa Oshima đã đoạt giải thưởng Cannes 1976. Viết như Khánh Phương, người chưa xem phim đó sẽ nghĩ là một bộ phim về chiến tranh và cho rằng tác giả muốn dùng khung cảnh thanh bình với những bận rộn thường nhật hiện tại để tương phản với chiến tranh khốc liệt trong quá khứ mà nước Nhật đã hứng chịu. Nếu đúng như vậy thì bình thường và cũ kỹ. Nhưng đâu phải vậy. In the Realm of the Senses là một phim sex như cách nói bây giờ, một phim về tình yêu cuồng nhiệt ở thời bình. Những câu thơ ấy như những suy tưởng bâng quơ của cô nữ sinh đang học tiếng Nhật tò mò tìm xem bộ phim cấm của Nhật, cô nhận ra hấp lực ghê gớm của tình dục trong tình yêu. Mãnh lực ấy bất chấp mọi cản phá, dù là giáo lý, những lề luật khắt khe, và kể cả chiến tranh nữa. Chiến tranh không có trong bộ phim, chỉ là sự liên tưởng bất chợt.

Đố ai cấm được hồng rực sững sờ những trời anh đào nở

Tinh thần Thiền đặc trưng Nhật bản đã ngự ở câu kết ấy, như một sự điều hòa, sau những câu thơ mang ý nghĩa và hình thức hiện đại.

Có thể người ta cho rằng, thơ phát xuất từ xúc động tự nhiên, tức thời, và cảm thụ thơ cũng là để tìm cảm khoái cho tâm hồn một cách tự nhiên, đâu cần phải vất vả đến thế khi đọc một bài thơ. Tôi nghĩ, đó là cách làm thơ và đọc thơ ngày xưa. Dĩ nhiên bây giờ nếu còn cần đến “thơ ngày xưa” thì cách làm và đọc thơ ấy vẫn như xưa thôi. Thơ đương đại ngoài những thành tố căn bản ấy với một tỷ lệ thích hợp, thì điều quan trọng là phải cần đến tri thức hiện đại và sự mẫn tuệ khoa học ở cả thi sĩ và độc giả thơ, giống như vẽ và xem tranh trừu tượng vậy. Trong những trường học cho các nhà văn nhà thơ tương lai, người ta dạy phương pháp quan sát sự vật rồi biểu đạt bằng ngôn ngữ. Học viên học cách nhìn ra cái không biểu hiện trên bề mặt của sự vật, và không viết về cái anh ta thấy mà viết về anh cảm được của sự vật. Vì rằng, đấy không phải là trường dạy những viên thư lại chuyên lập biên bản tường trình sự việc. Nếu giấc mơ văn chương bất thành thì anh chàng học viên đó cũng trở thành một độc giả có bằng chuyên môn về khoa học đọc!

Khánh Phương là một nhà báo sắc sảo, tinh tế trong những bài bình luận văn chương. Cô biết tạo ra sự khác biệt của riêng mình khi đặt câu hỏi cho những bài phỏng vấn. Cô không dùng những mẫu câu mòn vẹt đã tồn tại từ rất lâu nay. Cô nhìn ra những đặc biệt khó nhận thấy ở nhân vật trong những bài viết về chân dung. Cũng như vậy trong thơ, Khánh Phương đã tìm ra cách để không nhòa lẫn vào bạt ngàn cư dân đông đúc của miền đất Thơ hiện tại. Cô đã tạo ra hình thức riêng trong những bài Kan-ji.

Tôi chỉ có một thoáng gợn khi đọc hai bài Kan-ji 4 và 5: Giá như hai bài ấy vẫn giữ được điệu thức căn bản thống nhất với 3 bài trên để hình thành một thể thơ thì dụng ý của tác giả sẽ được nhận ra rõ hơn. Hai bài cuối đã được trình bày thành từng đoạn thơ văn xuôi, mang nghĩa triết luận với từ ngữ ngân nga theo lối R. Tagore nên có phần nào dị biệt trong một tổng thể đồng nhất. Có thể Khánh Phương đã dùng thuật đổi khúc thức như trong âm nhạc, và 2 bài thơ ấy như một sự biến khúc? Nếu thế, cần nghiên cứu kỹ hơn về khúc thức.

Sự tìm kiếm của Khánh Phương rất đáng tán thưởng. Rất có thể sau đây khi nhắc đến tên Khánh Phương người ta sẽ nói thêm: đó là tác giả của những bài Kan-ji.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021