thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhớ Lê Thành Nhơn

 

LÊ THÀNH NHƠN     
(1940-2002)       

 

Tôi chơi thân với anh Lê Thành Nhơn hồi còn làm việc ở trường Monash. Sống ở Footscray, làm việc ở Clayton, ít khi lái xe, thường đi bằng xe buýt, xe lửa. Sáng đón xe buýt đến ga Footscray, xe lửa đến ga Flinders, đón chuyến Dandenong đến ga Huntingdale, rồi đi xe buýt đến trường Clayton, xuống xe buýt đi bộ khoảng 200 mét thì đến Menzies Building là nơi làm việc.

Khoảng năm 95 hay 96 gì đó trường Monash xây một cái building mới rất khang trang và bề thế, cách Menzies Building không xa mấy. Kiến trúc đẹp, tân thời, mỗi lần đến phòng, tôi hay đi theo lối đi phía sau building này, vòng quanh ôm sát bức tường gạch đỏ hình cánh cung, phía trên cao lỗ chỗ những cửa sổ, từ dưới trông lên giống như những lỗ châu mai của một cái pháo đài. Những hôm óc tưởng tượng làm việc nhiều đôi khi tôi thấy có nòng súng đại liên phòng không lấp ló đằng sau những lỗ châu mai ấy. Những loại building tân thời này, nhìn vào thấy toàn quyền lực với quyền lực.

Phía trước của building này là một cái sân rất đẹp. Ban kiến trúc và xây dựng, chắc họ nghĩ họ cũng là nghệ sĩ, hứng chí làm một tác phẩm điêu khắc khổng lồ và kinh hãi. Họ kéo đâu đó về một đống đá to gần bằng cái nhà, đổ lên một lớp nhựa resin, sơn đen và trưng chình ình trước sân như là một tác phẩm nghệ thuật. Bà con kêu trời, từ academics đến sinh viên, ai cũng thấy khó chịu, viết thư phản đối, ký kiến nghị nhưng chẳng có kết quả gì. Mỗi lần qua thăm mấy người bạn thân làm việc ở bên đó tôi cũng thấy rất bực mình. Thỉnh thoảng cũng có nói chuyện này với anh Nhơn và rủ anh Nhơn lên trường xem cái tác phẩm quái đản này.

Nhưng thường những lúc anh Nhơn đến tôi chơi thì anh Nhơn, và tôi cũng thế, thích la cà vui chơi ăn uống quanh khu Footscray hơn là chạy đi lên tuốt trên Clayton, mất thì giờ. Thành ra cứ nói đi nhưng không bao giờ đi. Có hôm Thứ Sáu cả hai nhất định đi. Anh Nhơn xuống nhà tôi, ra quán anh Bảo uống cà phê ăn hủ tiếu, ghé quán anh Năm SaMạc ăn cá lòng tong chiên đậu phụng kề cà với anh chủ quán, lên Springvale ăn Mì Vịt Tiềm rồi lên đến Monash thì đã xế chiều. Anh Nhơn còn nói "Tui thích cái job của ông. Sáng rời nhà lúc 10 giờ, đến sở vừa kịp để hello một tiếng với bạn bè rồi trở về nhà."

Khoảng sau 5 giờ chiều, tôi và anh Nhơn chạy qua bên kia xem tác phẩm quái dị kia. Tôi hỏi anh Nhơn, "Nếu mà dẹp nó đi rồi xây một tác phẩm điêu khắc thì anh sẽ làm thế nào, làm cái gì?" Anh Nhơn phác hoạ một hơi, làm một nhóm tượng thế này, thế kia, hai đứa đứng chỉ chỏ như thể mình là Viện Trưởng của trường vậy. Oai lắm.

Phía bên kia sân có một nhóm sáu bảy người, đứng nói chuyện, cũng chỉ trỏ tay chân, nhìn lại thì thấy trong nhóm đó có bà vợ của ông Viện Trưởng, là người tôi có gặp vài lần, quen nhưng không thân. Bà vẫy tay, tôi và anh Nhơn băng qua bên phía họ, bắt tay hello và bà giỡn "Giờ này mà ông làm gì ở đây chưa về nhà?" Tôi nói, "Tôi có ông bạn thân, nghệ sĩ – điêu khắc gia, là ông này – Lê Thành Nhơn. Hôm nay tôi mời ổng xuống đây để hỏi ổng là nếu như dẹp được cái cục đá màu đen kia thì làm sao tạc một cái tượng thế nào cho thật đẹp." Bả nhìn tôi như thể muốn nói "Ông lên chức Vice-Chancellor hồi nào mà tôi không biết?"

Nhưng bà chỉ nói "Thế à. Chúng tôi đến đây hôm nay cũng để bàn chuyện đó." Hoá ra nhóm người này – toàn dân kiến trúc và điêu khắc – là những người được mời đến để tham khảo về chuyện này. Bà mời tôi và anh Nhơn qua nhà uống cà phê, gặp ông Viện Trưởng tán gẫu. Nói chuyện với anh Nhơn, hai ông bà có vẻ rất có cảm tình, hợp gu nghệ thuật, họ mời Thứ Tư tuần sau đó đến nhà ăn trưa, và "nếu có gì đẹp hay có folio tranh thì đem cho xem."

Thứ Tư tuần sau đó tôi và anh Nhơn đến tư gia ông bà Viện Trưởng ăn trưa. Bà cho ăn ngon, có một món tráng miệng rất lạ, gốc Thái Lan, là món tropical fruit salad có rau thơm và ớt tươi, vừa ngọt, vừa mát, vừa cay. Xem tranh của anh Nhơn, hai ông bà muốn mua một bức nhưng bức đó bán rồi. Quay qua chuyện làm điêu khắc thì họ giải thích rằng ở cái sân nơi tôi và anh Nhơn đến xem thì đã có dự tính dẹp cái tảng đá đó để làm điêu khắc rồi, và nhà trường đã commission một người rồi, mình không vô được. Nhưng tại khuôn viên trường Monash ở Caulfield thì còn thiếu công trình nghệ thuật, nếu anh Nhơn có gì thích hợp thì cho họ xem. Anh Nhơn cho họ xem vài kiểu phác thảo, làm bằng giấy nhôm (aluminum foil), loại giấy nhôm dùng trong nhà bếp, họ thích và hỏi phóng lớn lên được không. Anh Nhơn bảo"'Ba thước cũng được."

Mấy hôm sau đó tôi và anh Nhơn đi cùng với bà Viện Trưởng xuống Caulfield campus để chọn vị trí đặt tượng. Hôm đó trời mưa lớn, gió thổi mạnh mà bà Viện Trưởng chịu khó cầm cây dù che mưa cho ông nghệ sĩ, vừa đi vừa ngắm địa hình để chọn chỗ thích hợp. Chọn xong, về nhà thì ông Viện Trưởng bảo thôi thì bây giờ ta làm việc như thế này.

Ông nói tuy ông làm Viện Trưởng nhưng thật ra ông cũng chẳng có quyền tự mình quỵết định. Trước tiên anh Nhơn phải về viết một cái dự án, miêu tả tác phẩm của mình trong một cái gọi là Artist Statement – Tuyên Ngôn của Nghệ Sĩ – kèm theo tiểu sử lý lịch, kê khai rõ mọi vật liệu chi phí, xong nạp lên trường, nhớ nạp thẳng văn phòng ông. Theo đúng nguyên tắc thì ông phải thông qua một cái hội đồng nho nhỏ – a little committee – ông nói. Tôi để ý đến cụm từ a little committee này. Ngôn từ của những người có quyền lực có khác đôi chút. Little committee nghe giống như little child, đặt đâu ngồi đó, gọi dạ bảo thưa. Ông bảo nạp xong về nhà chờ, không có gì phải lo lắng. Tôi và anh Nhơn về nhà, mở một chai rượu vang đỏ ăn mừng. Viết Artist Statement, vẽ sơ đồ, làm budget, nạp đơn rồi chờ. Một tháng, hai tháng, ba tháng.

Năm đó là năm cuối của nhiệm kỳ của ông Viện Trưởng. Để chậm trễ thì có nguy cơ người Viện Trưởng mới có thể bác bỏ dự án, cho dù đã được cái hội đồng bé bỏng little committee chấp thuận. Nhưng không biết mình phải làm gì. Viết thư nhắc thì cảm thấy mình hơi pushy – thích xô đẩy, chen lấn tranh vị trí ưu tiên trong chỗ đứng xếp hàng – tôi không thích. Nhưng nếu không nhắc, có việc gì về sau thì người ta sẽ trách sao không nhắc. Hơn nữa, đây là chuyện của anh Nhơn, tôi không thể để cái "tính con nhà" của mình làm hư việc của anh Nhơn. Cuối cùng, tôi viết một lá thư cho bà Viện Trưởng nội dung đại khái như thế này:

Thưa bà,
Từ ngày đến Úc, ngót hai mươi mấy năm, tôi chưa bao giờ lâm vào một hoàn cảnh khó xử như vầy. Số là cách đây không bao lâu tôi và người bạn điêu khắc gia Lê Thành Nhơn có đến gặp bà và ông nhà để bàn chuyện tạc một bức tượng cho khuôn viên trường Monash ở Caulfield. Trong lần gặp cuối cùng thì chúng tôi được khuyên là hãy về nhà, đừng lo lắng gì cả, vì chỉ cần thông qua một cái hội đồng bé tí nữa mà thôi. Thế nhưng đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào của trưởng.
Khó khăn của tôi là tôi không biết cư xử thế nào cho thích hợp trong tình huống này. Viết thư nhắc thì có vẻ pushy quá, mà không nhắc thì về sau có người hỏi tại sao không nhắc. Tôi thật tình đang phân vân không biết nên cư xử thế nào. Xin bà cho một lời khuyên.
TTQDu

Gửi thư đi thì hai hôm sau nhận được cú điện thoại từ bà Viện Trưởng và ba hôm sau là anh Nhơn nhận văn thư từ trường Monash chính thức commission anh tạc một bức tượng cho trường. Thư có viết rõ là họ mong muốn anh Nhơn cứ sáng tác với "sự tự do tuyệt đối của người nghệ sĩ". Sau khi anh Nhơn tạc xong mẫu đất sét và trước khi kêu người đến đúc đồng, thì nhà trường chỉ xin dòm một cái – have a look. Dĩ nhiên những chi tiết khác, phí tổn, vật liệu và thời hạn đều ghi rõ. Tượng phải làm xong, installed, trong năm. Trừ thời gian cần thiết để đúc đồng, anh Nhơn phải làm việc gấp rút.

Anh Nhơn làm việc 37 ngày không nghỉ một ngày. Mỗi ngày anh Nhơn lái xe từ nhà ở Coburg lên studio của anh trên núi Dandenong, khoảng 35 cây số chứ không ít, trưa ăn mì gói, chiều tối mới về. Tôi có đi với anh Nhơn, và hình như có một lần với anh Nguyễn Hưng Quốc, lên xem một vài lần và khi làm xong tượng đất sét thì anh Nhơn điện thoại đến nói là "Tui mới dzừa làm xong. Ông kêu bà bồ của ông – anh Nhơn ăn nói ẩu tả lắm – xuống xem, ưa không ưa gì thì cứ nói. Ưa thì tui kêu nhà đồng qua đúc, không ưa thì đập làm cái khác."

Anh Nhơn đưa tôi xuống xem. Đẹp tuyệt vời. Trên một cái nền vuông bằng đất sét, cái bục thì đúng hơn, khoảng 2 mét nhân 2 mét, là một cái composition gồm có hai bức tượng của cùng một người đàn bà trẻ ở trong hai tư thế khác nhau, một nằm, một đứng. Trong tư thế nằm, nửa nằm nửa ngồi thì đúng hơn, thì sống lưng và hai bàn chân chạm đất, hai đầu gối chỏi lên, hai tay cũng chỏi lên đưa hai vai và nửa thân trên lên khỏi mặt đất, cổ dài rướn người lên, khuôn mặt ngưỡng lên trời. Tóc dài búi gọn, tóc không sổ xuống thành suối mà gọn trong một lọn. Không lả lơi. Khuôn mặt hiền từ nhưng không có vẻ thiên thần. Rất người.

Trong tư thế đứng thì một chân chấm đất, chân kia bước tới trong tư thế đang chạy, hai tay mở rộng, sắp sửa ôm một người nào trước mặt mình. Khuôn mặt rạng rỡ niềm vui. Anh Nhơn nói "Hôm tui đi Pháp dzìa bả đón tui ở phi trường, khuôn mặt như vậy đó."

Anh Nhơn kêu điện thoại và viết thư báo là tượng đất đã làm xong, mời nhà trường đến have a look. Nhà trường trả lời là ông Viện Trưởng bận công tác xa, sẽ cử ông Phó, chắc cũng muốn có tham khảo ý kiến của một người thứ ba độc lập, ông Deputy Vice-Chancellor, cho đúng nguyên tắc. Ừ hay không ừ tùy ông này. Tôi nói với anh Nhơn "Số mình hên, em biết ông này là dân kỹ sư, hồi em còn học Kỹ Sư, tụi em học textbooks của ông này viết. Mà dân kỹ sư thì thường chẳng rành gì về mỹ thuật, và muốn lắc đầu từ khước một tác phẩm nghệ thuật thì đòi hỏi nhiều tự tin lắm. Ban ơn thì lúc nào cũng dễ hơn là từ chối, nhất là khi mình không tự tin."

Ông Phó, Giáo Sư ngành Kỹ Sư, khen rối rít, đẹp quá đẹp quá, và chỉ hỏi có một câu rất kỹ sư là "Cánh tay khẳng khiu vươn ra trước thế này, sinh viên nghịch ngợm trèo lên đánh đu thì có gãy không?" Anh Nhơn trả lời cũng rất kỹ sư, miêu tả cấu trúc bên trong của tượng nó ra làm sao, chịu đựng được bao nhiêu lực, vân vân ..., hoá ra anh Nhơn cũng rất rành ba chuyện này.

Đúc đồng phức tạp, mất thì giờ và tốn kém lắm. Tôi không nhớ được hết mọi chi tiết về phần đúc đồng nhưng chủ yếu thì nó đi qua ba giai đoạn chính. Trước hết nhà đúc làm một cái khuôn bằng silicon rubber có khả năng chịu nhiệt rất cao. Sau đó cắt khuôn này thành nhiều khúc, trét sáp ong vào bên trong với độ dày khoảng 1 centimét, trong ruột thì đổ cát trắng nén cho chặt. Khi rót đồng đã nấu cho chảy vào khuôn thì sức nóng của đồng lỏng sẽ làm sáp ong tan và đồng lỏng sẽ chiếm chỗ, khi nguội trở về dạng chất rắn thì sẽ mang hình của cái tượng.

Suốt mấy tháng hầu như hôm nào anh Nhơn cũng bận rộn với việc đúc đồng, dù rằng đấy không phải là việc của anh Nhơn. Mà những người làm việc ở xưởng đúc đa số đều là dân nghệ sĩ – điêu khắc gia. Ai cũng khen tượng anh Nhơn đẹp. Xưởng đúc nằm ở Fitzroy, ở cửa phía trước có tượng Đức Mẹ – Madonna của anh Nhơn, đúc đã lâu mà chưa ai đến lấy về mà dựng lên. Nghe nói là một vài giáo dân phản đối, tượng Đức Mẹ mà chẳng giống Đức Mẹ chút nào cả, lại không có baby Jesus trong vòng tay. Mãi chục năm sau khi đúc, sau khi anh Nhơn qua đời, thì bức tượng này mới được dựng lên ở Montserrat, nơi tịnh dưỡng của các vị nhà dòng Jesuits.

Tượng Đức Mẹ - Madonna ở Montserrat

Cha Peter Norden của dòng Jesuits tình cờ thấy bức tượng này đứng bơ vơ trước cổng ra vào của nhà đúc đồng, hiểu ngay người nghệ sĩ muốn nói gì, hỏi dò thì biết là tượng này của cộng đồng công giáo Việt Nam. Và cộng đồng vui vẻ tặng cha Norden bức tượng này để đem dựng ở Montserrat, trên núi cao cách thành phố Melbourne hơn 200 cây số. Hôm làm lễ khánh thành tượng vào tháng 10 năm 2004, cha Norden mở cuốn Thánh Kinh đọc một đoạn ngắn. Khi Mary, lúc đó mới 14 hay 15 gì đó, nhận được tín hiệu từ đấng toàn năng mời Mary lãnh một trách nhiệm lớn là cưu mang cho ra đời một hài nhi về sau sẽ cứu rỗi nhân loại, thì Mary nhận lời ngay không ngần ngại. Nghe cha Norden trích đoạn này tôi hiểu tại sao bức tượng của anh Nhơn mang hình một thiếu nữ rất trẻ, hai tay buông thả bên hông, hai bàn tay ngửa về phía trước trong một cử chỉ chấp thuận. Bụng thì gò lên một chút, và dĩ nhiên là hài đồng chưa sinh. Tôi nghĩ đến giai thoại thường nghe anh Nhơn kể về thời gian anh sống ở Huế tạc tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cho trung tâm Phật Học Liễu Quán. Tạc tượng xong cũng bị phản đối là không giống Phật Bà, anh Nhơn thường giỡn là "không biết họ gặp Phật Bà hồi nào mà họ biết là không giống." Nhưng rồi vị tăng già cao niên nhất lại thích tượng của anh Nhơn và chấp thuận việc dựng nó ngay ở trung tâm Liễu Quán. Giữa các bậc chân tu và người nghệ sĩ thường có một cảm thông trực tiếp nào đó. Anh Nhơn đã để lại cho thành phố Huế hai tác phẩm tuyệt vời là tượng cụ Phan Bội Châu và bức tượng này.

Tượng Phan Bội Châu

Tôi đến xưởng đúc đồng này ba lần. Lần thứ nhất chứng kiến tận mắt cảnh đồng lỏng được đổ vào khuôn bằng silicon rubber mà trước đấy đã được người ta lấy mẫu từ bức tượng bằng đất sét. Lần thứ nhì thì những mảnh đó đã được ráp lại, hàn lại thành một bức tượng bằng đồng với hình dạng y hệt như bức tượng đầu tiên. Anh Nhơn nói không phải lần nào đúc đồng cũng thành công, đã có trường hợp sản phẩm cuối cùng không vừa ý người điêu khắc, mệt lắm. Lần thứ ba thì tượng đã hoàn thành, được phết một lớp patina, mầu xanh teng đồng của những bức tượng đồng ở thành phố Copenhagen, tiếng Anh gọi là Copenhagen Green. Sau vài tháng sương nắng thì tượng sẽ ngả qua đúng mầu xanh này.

Nói chuyện với những người làm việc ở xưởng đúc mới biết họ đều là dân nghệ sĩ điêu khắc. Nghĩ cho kỹ thì thấy rất hợp lý vì dân điêu khắc đều hiểu rõ về việc đúc đồng, và việc làm ở đây là nguồn lợi tức quan trọng cho giới nghệ sĩ. Mỗi lần đi xem đúc đồng anh Nhơn đều mang một chai rượu vang đỏ thật ngon, nhưng chỉ cuối ngày, làm việc xong, mới khui chai.

Tượng làm xong khoảng hai tuần trước ngày giao hạn với trường Monash. Một ngày trước khi tượng được cắt băng khánh thành thì nhà đồng thuê xe tải có cần trục chở tượng về địa điểm đã chọn. Nơi đó người ta đã xây trước một cái bục bằng bê tông khoảng hai mét nhân hai mét, có bảng bằng đồng khắc rõ ngày cắt băng và họ tên người nghệ sĩ, không như trường hợp tượng đồng tám tấn của cụ Phan Bội Châu, dựng ở Huế khá lâu mà cho đến năm 2001 vẫn chưa thấy ghi tên người điêu khắc. Anh Nhơn đặt tên tượng là Joy – Niềm Vui. Khi bức tượng được từ từ hạ xuống vào đúng vị trí của nó, xiết bù lon chặt vào khối bê tông, anh Nhơn nói "Cái vụ này, từ trước tới nay là giữa tui với ông với mấy người bạn, nhưng kể từ ngày mai nó lại thành của tất cả mọi người rồi." Hôm khánh thành trời rất đẹp, bạn bè đi có nhà thơ Thường Quán, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quôc và anh Ân, một ông bạn nhậu chí thân của anh Nhơn. Bà Viện Trưởng cắt băng khánh thành vì ông Viện Trưởng ngã gẫy chân hai hôm trước đó. Khoảng tuần sau thì nhiệm kỳ của ông Viện Trưởng dễ thương này chấm dứt.

Tượng Joy - Niềm Vui ở đại học Monash

Cuộc đời của người nghệ sĩ không bao giờ dễ dàng. Với điêu khắc gia di dân như anh Nhơn lại càng khó khăn. Tượng điêu khắc đúc bằng đồng đòi hỏi một túi tiền lớn, ngoài khả năng cá nhân. Đã nhiều lần tôi phụ với anh Nhơn chạy chỗ này xin chỗ nọ tìm commission, nhiều khi thấy rõ ràng một trăm phần trăm là thành công nhưng cuối cùng lại vuột khỏi tầm tay.

Như cái dự án làm cổng chào trên lối vào Footscray nơi có rất nhiều người Việt định cư. Gõ cửa này xin cửa nọ, lễ mễ mang mô hình, một tập hình ảnh, nhiều lúc phải ngồi chờ trước cửa văn phòng cả tiếng đồng hồ mới được gặp. Chưa kể đến sáng kiến của các quan chức địa phương tổ chức một cuộc tranh tài, một cái competition, để chọn cái design nào đẹp nhất, có tính nghệ thuật cao nhất. Tổ chức tại một nhà hàng sang trọng. Ban giám khảo là ai tôi không nhớ, nhưng chẳng có ai là dân nghệ sĩ. Anh Nhơn thắng bộ đồ lớn, mang cravat, áo sơ mi ủi thẳng nếp, đứng thuyết trình về cái cổng chào anh ấy dự tính sẽ xây cho khu Footscray, một tác phẩm điêu khắc lấy hứng khởi từ cổng chào đặc thù của Việt Nam – cổng Thái Hoà – với hai trụ Âm Dương tượng trưng cho Sinh và Tử, bên dưới thì các vị Mạnh Thường Quân ngồi ăn tối, Chim Cút Chiên Dòn nhai nghe rau ráu. Anh Nhơn thuyết trình thật đàng hoàng đâu vào đó.

Qua đợt tuyển lựa ca sĩ mầm non, lại phải thêm nhiều lần chạy lên chạy xuống, lúc thì để bổ túc thêm chi tiết về phí tổn, thôi thì đủ thứ. Vậy mà năm này qua năm khác chẳng thấy tăm hơi. Lúc hỏi thẳng thì ngài commissioner phán một tiếng 'Hổng có tiền'. Xin lấy lại hồ sơ với không biết bao nhiêu hình ảnh thì họ tìm hổng ra. Mai mốt tìm ra thì gọi điện thoại quí vị đến lấy, họ nói vậy. Anh Nhơn lúc nào cũng tươi cười, nhưng tôi biết anh Nhơn nghĩ thế nào trong đầu.

Hay như lần chính quyền tiểu bang kêu tranh tài để chọn cái design cho cổng phụ đi vào Immigration Museum – Bảo Tàng Di Trú – không phải cổng chính mà cổng nhỏ ngang hông. Anh Nhơn design một cái cổng chào cực kỳ đẹp, cũng hai cột Âm Dương nhưng gọn ghẽ mà mạnh và sắc hơn. Hai cột cao này chỏi lại với hai ngôi nhà cao tầng lấn ép không gian của lối vào. Sau cổng chào là cái chén tạc bằng đá xanh có vòi phun nước, đường kính 3 mét, biểu tượng cảm ơn trời đất được sung túc. Từ trên nhìn xuống thì tâm điểm của cái chén và hai cột trụ tạo thành một tam giác cân, cạnh dài khoảng 10 mét. Vào sâu hơn nữa thì một bên là thác nước đổ qua một bức tường, trên đó tên tuổi của nhưng người đã di dân đến đây sẽ được khắc vào đá granite, chỉ cần ủng hộ một món tiền không lớn. Bên kia sân thì nước chảy từ từ hơn, qua một cái sân trên đó có những thổ quốc – aboriginal nations – đã có mặt ở đây trước khi nó trở thành tiểu bang Victoria.

Lần này thì ban giám khảo toàn dân nghệ sĩ có tên tuổi, và dĩ nhiên có thêm đại diện ông Thủ Hiến tiểu bang. Mấy hôm sau buổi tranh tài anh Nhơn bảo tôi "Mấy đứa trong ban giám khảo bảo là nó thích tác phẩm của tui nhứt." Mua rượu champagne rồi, nhưng đến khi nghe tin thì Nhơn hụt. Một nghệ sĩ khác được. Anh Nhơn nói "Cộng đồng Greeks nhiều phiếu hơn cộng đồng Việt Nam."

Trong 27 năm sống ở Úc, anh Nhơn đã để lại nhiều tác phẩm điêu khắc cực kỳ tuyệt diệu, như bức tượng Tự Do Ơi Đừng Bỏ Tôi, tượng chân dung của một số người như nhà khoa học Philip Law, anh Hoàng Ngọc-Tuấn, cô bạn thân Louise, và rất nhiều dự tính chưa thành, kể cả 4 bức tượng thạch cao Sinh Lão Bệnh Tử mà anh rất tâm đắc nhưng chưa tìm được nguồn tài chính cần thiết để đúc đồng. Không ngờ là với một nghệ sĩ lớn như anh Nhơn mà lần duy nhất nhận được một cái public commission – không kể tượng Madonna – lại bắt đầu từ một buổi gặp gỡ rất tình cờ.

Tượng Tự Do Ơi Đừng Bỏ Tôi – Do Not Abandon Me, Freedom

Hôm qua có người bạn hỏi tôi "giờ này anh Nhơn đang ở đâu nhỉ?" Tôi nghĩ anh Nhơn đang ở một nơi an bình, không tử không sinh, không dự án, không lễ mễ mang model chờ trước cửa văn phòng, không phải hẹn trước hẹn sau với ai cả. Nhưng cũng không có những niềm vui nho nhỏ với bạn bè.

Gần mười năm rồi, trí nhớ không đảm bảo đúng 100 phần trăm và khi hồi tưởng thường hay tô hồng, thêm chút gia vị. Nhưng trên đây là những gì còn nằm lại trong trí nhớ của tôi về người nghệ sĩ tài hoa này.

 

4-November-2005, ba năm sau ngày anh Nhơn mất.
Tôn Thất Quỳnh Du, Canberra, Australia.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021