thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sự đầu hàng của Breda
(Nguyễn Đăng Thường dịch)

 

Ông ấy đã đi vào đời tôi... Nghĩa là tôi đã thấy ông ta trong mộng. Thế đấy. Lúc ấy tôi đang ngủ mê, tôi nằm mơ, vâng, tôi đang có một giấc mơ êm ái và ông ta đã đứng đấy, hăm dọa tôi, biến giấc mơ đẹp thành ác mộng. Tôi choàng tỉnh, người đẫm mồ hôi, sung sướng đã thoát khỏi bàn tay ông ta. Giấc chiêm bao đôi khi có sự chính xác của thực tại. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái khuôn mặt khắc khổ, hách dịch ấy, vầng trán cao ấy, đôi mày nhíu lại ấy, chòm râu nhọn ăn mất phần dưới của đôi má ấy. Một ông trưởng giả? Có thể lắm. Người ta chỉ thấy những cái đầu như vậy nơi các ông trưởng giả, các nhà thông thái, các bậc quý tộc. Một chiếc cổ áo hồ láng, một bộ y phục đen, tôi tưởng tượng: tôi không được thấy rõ các chi tiết đó, ngoại trừ cái khuôn mặt mà tôi đã được trông thấy tất cả, từ đôi má hằn những nếp nhăn thẳng và sâu, qua hai hàng lông mi thưa của mí mắt, đến cái nốt ruồi dưới con mắt trái. Cả ngày, tôi suy gẫm về cái khuôn mặt đó và tìm cách báo thù. Tao cũng thế, tôi ngẫm nghĩ, tao cũng sẽ khiến cho mày hãi sợ, tao cũng sẽ ghìm mày nơi đầu mũi súng hay nơi đầu mũi dao. Tuy nhiên, làm sao tìm lại được người trong mộng?... Tôi đã cố hết sức, bằng cách thử tìm lại, trong đêm sau, rồi trong những đêm kế tiếp nữa, cái vị trí của tôi trên giường vào lúc tôi bị đánh thức bởi sự hiện hình đó: người ta nói một vị trí tương tự dễ tạo ra một giấc mơ tương tự! Nhưng người ta nói đủ điều về các giấc mơ! Tôi chỉ hoài công tìm kiếm cái vị trí ấy. Cái khuôn mặt kia không hề tái hiện.

Tôi ba mươi lăm tuổi, biên tập viên ở bộ lao động, tôi không có nhiều việc để làm trong sở, trừ cái dáng điệu thích hợp, trách vụ này tôi hoàn tất với sự hài lòng của bề trên. Tôi giữ sổ nhật ký, tuy không có nhiều việc để ghi lại, nhưng mỗi ngày, trong vài giờ, tôi kẻ những nét chân ruồi. Tôi không có bạn bè, nam cũng như nữ. Có khi tôi đi chơi gái, khoái lạc của tôi rất ngắn, một nhu cầu có tính cách vệ sinh. Tôi ngụ tại Paris từ thời thơ ấu, nhiều biến cố đã xảy ra ở đó, bạo động người ta đã nói, sáng hôm kia, khi thả bộ đến sở, vì nhà tôi ở gần bộ, tôi đã phải đi vòng để tránh một hàng rào ngăn chặn đang bốc cháy. Cổng chính vào các văn phòng có lính canh gác, chúng tôi vào bằng cửa sau, chúng tôi bốn tên biên tập trong số mười bảy nhân viên. Có thể, các tấm áp phích với những nét cọ đen dày, các tấm áp phích mà người ta thấy dán khắp nơi trong thời gian gần đây, đã khiến... Nhưng không. Nếu suy nghĩ, và trong lúc này, trời ơi, đâu có thì giờ để mà nghĩ với suy, thì tôi không tin như vậy đâu. Đó không phải là một cái đầu để treo giải thưởng. Đó là một khuôn mặt khắc khổ, sự quý phái của kín đáo. Đôi mắt đen, nóng bỏng. Tôi thì yếu mềm. Tôi không thích bị đe dọa.

Tôi sống với mẹ tôi trên phố Desaix, cách đường métro lộ thiên hai bước, ở ven quận 15, tôi chưa từng được thấy mặt cha tôi. Cha tôi đã qua đời... hay đã bỏ nhà ra đi... không còn một vết tích gì của cha trong căn nhà trên tầng cao ốc. Có một khoảng thời gian trong tuổi niên thiếu, tôi đã lục lạo tủ, bàn, ngăn kéo. Nhưng chẳng thấy gì cả. Không một lá thư. Không một tấm ảnh. Mẹ tôi: không một lời. Ngoài ra, nếu mở miệng thì bà chỉ vắn tắt thôi. Như thể bà chỉ biết những tiếng căn bản thôi: bánh mì, canh, ăn, cút đi, ngủ, con không bị cảm cúm chứ? Tôi mặc những chiếc gi lê nỉ.

Người ta biết rõ một giấc mơ bắt đầu như thế nào, người ta không thể biết nó kết thúc ra sao. Cuộc đời cũng thế. Tôi đã có thể kết liễu đời tôi ở bộ lao động, lẽ ra tôi đã phải làm vậy. Khuôn mặt đó đã khiêu khích tôi. Tôi đã thấy ngay rằng nó không thuộc về một người ngụ trong khu phố này. Dân chúng trong quận 15: những tiểu thương gia, những tiểu nghệ nhân, những tiểu dân hưu trí. Những khuôn mặt nhu nhược, hiền hòa, thỏa mãn. Gần đường tàu lộ thiên, sự đam mê không dồi dào. Tiếng bánh xe ru ngủ. Một giấc ngủ an lành. Vào lúc tám giờ sáng tôi tới sở làm. Tôi uống một tách cà phê sữa ở tiệm Canon trong xóm Motte-Picket. Các quán rượu ở ngã tư đã đông nghịt rồi. Đàn ông và đàn bà, nơi quầy rượu, đang nốc cốc đế đầu tiên trong ngày. Thiếu rượu, cuộc đời trở thành khó chấp nhận. Một bầu không khí ấm áp, dịu dàng tỏa lan. Paris là một thành phố bình dân. Một khuôn mặt như thế có thể là khuôn mặt của một người Pháp hay không? Tôi không thể tin được.

Dù gì thì tôi cũng đã ra sức kiếm tìm. Tôi đặt chân vào các quận láng giềng, quận 12, quận 14, rồi, bạo dạn hơn, vào tận quận 6, quận 8, quận 16. Có thể đó là một khuôn mặt của những khu phố sang trọng... Một người lạ mặt từ những khu phố đẹp sang, tôi đã nghĩ vậy. Với sự liều lĩnh đến từ sự lạ lẫm, địa vị xã hội, tiền bạc. Tại sao lại gây sự với tôi? Điều mà tôi không thể chấp nhận được. Tôi đã ở trong một giấc mơ êm ái. Những giờ cuối cùng của đêm, trước khi tôi ra khỏi giấc ngủ, là những giờ êm ả nhất. Không, tôi không phàn nàn về công việc ở sở, nơi tôi có một cái bàn thấm rất xinh, hay về đời sống tại gia, được sự hiện diện yêu dấu của mẹ hiền sưởi ấm, thế nhưng những lúc ấm áp vô tư, dưới chiếc gối... Một sự xâm nhập không chịu nổi. Tôi sống trong cái lỗ nhỏ của tôi. Tôi không làm phiền ai cả.

Tôi tâm sự với Anna, một cô gái điếm tôi thường xuyên gặp. Tôi lui tới với hai cô gái buôn hương. Caroline, một người đàn bà thuộc một lứa tuổi nào đó, với ả này tôi chỉ làm cái việc nhỏ của mình mà không cần nói năng, và Anna, với cô này thì hoặc là tôi làm, hoặc là tôi không làm cái chuyện đó, tùy lúc, nhưng tôi lại hay chuyện trò khá nhiều với cô ta, trong mọi trường hợp. Đó là một người đàn bà khoảng ba mươi, khô khan, xương xẩu, đàn ông, một tí râu lờ mờ trên vành môi, đôi mắt to sắc bén, một cái miệng đỏ như máu. Và cái giống của cô, vĩ đại, xám ngắt, lòng thòng, một miếng thịt. Tóm lại. Tôi thích Anna, cô cho tôi nhiều ý kiến hay, tôi có thói quen hay kể cho cô nghe mọi chuyện, cô nghĩ chuyện xâm nhập của người đàn ông đó vào giấc mơ của tôi là quá đáng, thiếu chút nữa, cô thú nhận, thì cô có thể ghen tuông lắm đó nha.

"Cậu nói là cậu không tìm ra phải không?"

"Không. Tôi chắc hắn không phải là người ở đây."

Cô cắn móng tay của ngón cái bàn tay phải, một cái móng tay rất dài, dùng để...

"Cậu biết tôi đã nghĩ tới ai không khi nghe cậu mô tả lại?"

"Không."

"Một diễn viên. Một người có dính dáng tới điện ảnh hay kịch trường."

Tim tôi se thắt, phóng ra một dòng máu nóng ran khắp người.

"Cô nói đúng! Điều đó có thể giải thích cái dáng điệu... sự kiêu căng... cái vẻ dị kỳ..."

Anna cười. Trước đây cô cũng có đóng kịch, cô có những chiếc răng sáng ngời, trong cặp môi đỏ chói đó chúng giống như những vách núi tuyết.

"Cô có thể?..."

"Thế này nhé", nàng nói. "Tôi không còn quen biết nhiều. Nhưng có một cách rất hữu hiệu để ta lọt vào giới xướng ca, đó là xin đóng vai phụ diện"

"Cô biết cách chứ?"

"Tôi có đóng, cách đây mới ba tháng thôi."

Tôi sung sướng quá nên ôm chầm lấy cô mà hôn hít. Một tí hứng thú cũng chợt đến khi tôi ngửi mùi xạ hương trên cổ cô. Nhưng trể rồi, nửa giờ đã trôi qua. Cô đứng dậy, sửa lại mái tóc, nhìn ra cửa sổ.

"Ồ cưng ơi, xem kìa! Con Caroline vừa tới!"

Tôi cũng tiến lại phía cửa sổ. Đúng vậy, Caroline vừa tới nơi, bên kia vệ đường, trong bộ tailleur xám, bó sát người, cái xắc tay bằng da cá sấu của cô mắc trên cánh tay, cô bước từng bước ngắn, vừa bước vừa thở dốc. Cô thở hổn hển một lúc, hai má đỏ ửng. Vòng eo của cô: một cái thùng tô nô. Anna cắn nhẹ vào vành tai tôi.

"Ô voa nhé. Em vọt."

Tôi nghe bước chân cô trèo xuống cầu thang. Tôi mở cửa sổ.

"Caroline!"

Caroline ngước nhìn về phía tôi, nhận ra tôi, mỉm cười. Cô gập cánh tay phải lại một nửa, vẫy một hai ngón về hướng tôi, rất nhanh, theo thói quen của cô.

Anna gọi điện thoại. Có một dịp may. Chúng tôi tới Buttes-Chaumont, người ta đang thuê một số người phụ diện cho một bộ phim truyền hình. Ở sở, tôi đã cáo bệnh. Lạ lùng hết sức, chúng tôi đã có thể rơi nhằm một cuốn phim đương đại, một cuốn phim dàn dựng lại thời kỳ Belle Époque, một cuốn phim về đồng quê, nhưng không, đó là một cuốn phim kiếm hiệp Tây-ban-nha vĩ đại, dưới triều vua Philippe Đệ-tứ, các bà thì áo váy rổ phùng phình, các ông thì áo bó sát lồng ngực, cổ bìu reng, thoạt nhìn tôi đã nhận diện được ngay người đàn ông của tôi. Ông ta là một diễn viên nổi tiếng, tôi chỉ biết có ông ta thôi, không hiểu sao tôi đã không nghĩ tới chuyện đó sớm hơn, trán, mắt, mũi, miệng, cằm, không còn nghi ngờ gì nữa. Trong những buổi thâu ảnh vào buổi sáng, tôi đã có dịp lại gần ông ta.

"Cậu có chắc là ông ta không?", Anna hỏi tôi.

"Chắc chắn, tôi có thể nhận diện ông ta giữa muôn người."

"Hình như ông ấy rất dễ thương. Tôi không làm sao hiểu nổi cái việc ông ta đã tới đe dọa cậu..."

"Thế mà", tôi nói.

Chúng tôi đang ngồi ở chỗ bán thức ăn, và đang xơi món bò hầm. Trời thì oi bức. Thiên hạ thì quá ồn ào. Đám đông có vẻ lẫn lộn, nhưng thật ra không phải vậy, bọn phụ diện ngồi một bên, diễn viên, bộ tham mưu ngồi ở bên kia.

"Cậu nên tìm cách nói chuyện với ông ấy", Anna bảo tôi. "Có thể ông ta đã không muốn..."

"Chả ăn thua gì hết cái chuyện ông ấy có muốn hay không muốn. Các dữ kiện vẫn còn đấy."

Tôi đứng dậy, mở con dao không hề rời người tôi, tôi tiến lại gần, từ phía sau, tôi đâm vào gáy ông ta. Ông ta phụt tắt như một ngọn nến sáp bị thổi.

Tôi bị toà xử, và được tha bổng vì cuồng trí. Một năm trôi qua. Một lần nữa, xuân lại về. Khí trời trong xanh. Không còn các hàng rào cản đường. Tôi sẽ không trở về bộ lao động. Mẹ tôi đã qua đời trong lúc tôi bị giam cầm. Tôi đã khỏi phải lo việc mai táng cho bà. Dưới chiếc gối của bà người ta đã nhặt được tấm hình của một người lạ mặt. Người này giống hệt người đàn ông tôi đã giết chết.

 

Nguyên tác:"La redition de Breda", trong tập Éros mécanique (Paris: Gallimard, 1995).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021