thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những ngày Ấn Độ [III]

 

 

Trong chuyến đi thăm Ấn Độ, chắc chắn chúng tôi phải đến Bồ Đề Đạo Tràng (Mahabodhi Temple) nơi cách đây 2555 năm Thái Tử Tất Đạt Đa đã chứng quả thành Phật, tức là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề. Bồ Đề Đạo Tràng toạ lạc tại thị trấn Bodh Gaya thuộc tiểu bang Bihar miền Đông Ấn, do đó thị trấn ấy đã trở thành một trong bốn thánh địa quan trọng nhất của Phật Giáo, gọi là Tứ Động Tâm. Ba thánh địa kia là Lâm Tì Ni (Lumbimi, Nepal), nơi Ngài đản sanh; Sarnath, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh miền Đông Bắc Ấn, nơi Ngài thuyết pháp lần đầu tiên thu nạp nhóm Kiều Trần Như (Kaundinya) tại vườn Lộc Uyển; và Kushinagar, cũng thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, nơi Ngài nhập Niết Bàn.

[Tôi xin được mở dấu ngoặt tại đây. Một trong những đoạn viết hay nhất của văn hào Dostoevsky, đó là chương 5, nhan đề The Grand Inquisitor (Vị Đại Pháp Quan) thuộc cuốn 5, phần II trong kiệt tác The Brothers Karamazov. Trong chương ấy, nhân vật Ivan, một trí thức vô thần, tranh luận với người em của mình là Alyosha, một người thánh thiện, bằng cách đưa ra một giả thuyết về chuyến trở về trần thế của Đức Chúa. Có những đoạn đối thoại rất căng thẳng giữa vị Hồng Y đầy quyền lực, tức là vị Đại Pháp Quan, với Đức Chúa Trời.]

Đức Phật Thích Ca sau khi đạt được chánh quả liền tìm đến vườn Lộc Uyển để gặp lại nhóm Kiều Trần Như, năm vị đã từng cùng Ngài tu theo lối khổ hạnh hơn sáu năm trời. Nhận ra được rằng tu khổ hạnh không thể tìm thấy con đường giải thoát, nên Ngài rời bỏ đường lối ấy, quyết tâm đi tìm con đường khác, và đã giác ngộ thành Phật. Thoạt tiên, những vị ấy tỏ vẻ coi thường Ngài, vì, theo họ, Ngài không đủ sức chịu đựng và kiên trì, và đã bị xem như người đào ngũ. Những lời đối thoại của hai phía, một bên là Ngài, bên kia là nhóm Kiều Trần Như, chắc chắn cũng vô cùng gay go, căng thẳng. Nhưng sau đó, và sau khi nghe Ngài thuyết pháp, nhóm ấy đã hoàn toàn được thuyết phục và đã, từ tư thế bạn bè, trở thành đệ tử. Đó những vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật.

Kinh Phật, tài liệu lịch sử của Phật Giáo chứ không phải một giả thuyết hay hư cấu, chỉ nói vắn tắt Ngài đã thuyết phục nhóm Kiều Trần Như bằng cách giảng giải về con đường Trung Đạo, Tứ Diệu Đế, và Bát Chánh Đạo. Người viết bài này ước mong được nghe những pháp thoại đầy đủ hơn, chi tiết hơn, sinh động hơn, vì đó là một đề tài lớn với tư tưởng sâu xa, đối đáp khúc chiết, thú vị. Nếu được viết dưới dạng đối thoại giữa Ngài và nhóm bạn cũ Kiều Trần Như, hay được viết thành một vở kịch bởi một kịch tác gia tài giỏi, thì văn chương trong Phật Giáo sẽ có thêm một viên ngọc quý.

 

Vào khoảng 250 năm trước Tây lịch, tức là hơn 200 năm sau khi Đức Phật Thích Ca thành đạo, vua A Dục (Asoka) của nước Ấn Độ cho xây một tu viện và ngôi tháp thờ Đức Phật Thích Ca tại Bodh Gaya. Sau nhiều biến cố lớn lao, công trình đó của vua A Dục bị hư hại nặng. Trải dài trên hai ngàn năm, ngôi tháp được trùng tu nhiều lần đặc biệt là vào thế kỷ thứ 2, thứ 3 sau công nguyên, tiếp theo vào các thế kỷ thứ 17, thứ 19, và gần đây nhất là vào năm 2006. Nay ngôi tháp nguyên thủy do vua A Dục cho xây ngày xưa đã trở thành Bồ Đề Đạo Tràng với diện mạo như bây giờ. Trong quần thể Bồ Đề Đạo Tràng có nhiều ngôi tháp và những thánh tích khác. Tháp lớn nhất gọi là Đại Tháp, cao 55 mét. Đằng sau Đại Tháp có cây bồ đề đã sống lâu đời. Đó là cây bồ đề phát xuất từ cây bồ đề mẹ mọc cách đây hơn 25 thế kỷ. Cây bồ đề mẹ ấy đã bị thời gian và con người tàn phá. May thay, các nhánh của nó được mang đi tị nạn nhiều nơi, và cuối cùng một nhánh được mang trở lại trồng tại Bồ Đề Đạo Tràng bây giờ.

Tại Bodh Gaya có rất nhiều chùa của nhiều nước trên thế giới. Dường như mỗi nước theo Phật Giáo đều có một ngôi chùa làm đại diện, mỗi chùa đều có những nét đặc trưng văn hoá riêng. Các chùa nằm rải rác quanh Bồ Đề Đạo Tràng chẳng khác nào đàn chim con nằm xúm xít quanh chim mẹ.

 

Chúng tôi ngụ tại chùa Viên Giác của Việt Nam. Hai ngày đầu tiên, chúng tôi vội vàng đi thăm những ngôi chùa của các nước như Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Miến Điện, Đài Loan, Lào, Cao Miên, Tây Tạng, Nepal, Bhutan v.v... và dành nhiều thì giờ còn lại để đến Bồ Đề Đạo Tràng. Chùa Viên Giác khá gần Bồ Đề Đạo Tràng, chỉ mươi phút đi bộ là tới. Ngày nào chúng tôi cũng đến đó lễ Phật, ban đêm cũng thế. Bên trong Đại Tháp có rất đông người, ai cũng muốn đến gần bệ thờ Đức Phật Thích Ca để đảnh lễ, càng gần càng tốt. Thế nhưng trong khung cảnh êm đềm tôn nghiêm, không ai chen lấn hoặc gây tiếng ồn dù không có người đứng đấy giữ trật tự.

Pho tượng Đức Phật được xây dựng theo hình ảnh của Ngài lúc thành đạo, tức là khi Ngài mới ngoài 30 tuổi. Ánh sáng toả ra không phải chỉ từ vòng hào quang sau khuôn mặt trẻ trung, tinh anh, đôi mắt bình thản, hơi nhìn xuống, nụ cười “niêm hoa vi tiếu”, mà từ khắp nơi trên bức tượng, thân hình, mái tóc, bàn tay, bàn chân. Pho tượng ngồi trên toà sen đặt khá cao. Nhiều người đến sờ vào bệ tòa sen rồi xoa xoa bàn tay lên đầu, lên ngực của mình. Nhiều người đứng hoặc quỳ hàng giờ hướng vào Ngài chắp tay lâm râm tụng niệm.

Sau khi lễ Phật, chúng tôi theo những đoàn người hành hương đi quanh ngôi Đại Tháp. Thôi thì đủ mọi hạng người, nhiều sắc dân khác nhau, nhiều quốc tịch khác nhau, những người từ Bắc Mỹ đến Tân Tây Lan, từ Tây Âu đến Nam Phi, vân vân, và rất nhiều người châu Á. Những đoàn tu sĩ Thái Lan, Tây Tạng, Mông Cổ, Đài Loan v.v... vừa đi chầm chậm từng bước một, vừa tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông. Một vài vị sư hoặc khách hành hương tam bộ nhất bái hay nhất bộ nhất bái nhiều lần trên con đường vòng quanh khá dài ấy. Một vị sư cô Việt Nam cùng với đệ tử người da trắng cũng đi quanh Đại Tháp, tay lần tràng hạt, miệng tụng bài kinh sám hối. Tôi không rành kinh kệ cho nên rất ngạc nhiên khi nghe lại bài kinh sám hối mà tôi tưởng đã bị thay thế từ lâu – bài kinh tôi nghe cách đây hơn nửa thế kỷ:

Đệ tử kính lạy Đức Phật Thích Ca
Phật A Di Đà
Thập phương chư Phật
Vô lượng Phật Pháp
Cùng Thánh Hiền Tăng
Đệ tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp chướng nặng nề
Tham giận kiêu căng
Si mê lầm lạc...

 

 

Sau khi đi theo hai vị ấy được ba vòng để nghe đi nghe lại bài kinh sám hối ngày xưa, chúng tôi đứng lại tại một góc sau ngôi Đại Tháp chờ lượm lá bồ đề rụng. Phật tử và những người hành hương rất quý lá bồ đề của cây bồ đề ấy dù nó đã già lắm, cho nên lá nhỏ và dày không đẹp bằng lá của vô số cây bồ đề khác mọc hầu như khắp nơi ở Ấn Độ. Cứ mỗi cơn gió nhẹ, hoặc có khi không có gió, dăm ba chiếc lá rụng xuống, ta lượm. Vài người tranh giành. Có người cho rằng lá từ trên cao rụng xuống ngay bàn tay của mình, ngay trước mặt mình, thế có nghĩa rằng mình được Phật ban ơn. Không được phép hái lá trên cành. Nếu để cho hái có lẽ chỉ vài giờ cây bồ đề sẽ trụi lá. Lá được mang về lồng kính đặt lên bàn thờ, hoặc dùng như một thứ trang hoàng đặc biệt tại phòng khách hay bàn giấy, hoặc làm quà biếu đặc biệt cho người thân. Con đường vòng quanh Đại Tháp, do đó, luôn luôn sạch bóng, không còn một chiếc lá, không một cọng rác, khỏi cần người quét dọn. Tôi nhớ những ngôi chùa cổ ở quê nhà nằm nép mình dưới cây đa cổ thụ, vào mùa gió lớn, sáng sáng chiều chiều mấy chú tiểu quét lá đa dồn thành đống tại cuối sân trước khi châm lửa đốt.

 

Tiếng tụng kinh, đánh chuông, gõ mõ của mỗi dân tộc nghe cũng khác nhau, từ âm thanh đến nhịp điệu. Đặc biệt là tiếng tụng kinh. Lẽ dĩ nhiên chữ “tiếng” tôi dùng ở đây là để chỉ âm thanh, nhịp điệu mà thôi, chứ không phải để truyền đạt những ngôn ngữ mà tôi không hiểu. Chẳng hạn người Thái Lan tụng kinh nghe như tiếng động cơ nổ, người Tàu thì náo nhiệt, dồn dập, và vui. Đặc biệt là tiếng tụng kinh của người Tây Tạng. Tôi được nghe họ tụng nhiều bài kinh khác nhau, đều đều, trầm trầm. Nhưng có một bài kinh nghe thật lạ, thoạt tiên thoang thoảng như tiếng suối xa, vang lên dần dần, và cuối cùng oà vỡ như trùng dương dậy sóng.

Thế còn tiếng tụng kinh của ta? Thật đa dạng, phong phú, tùy theo bài kinh. Nhưng nói chung, rất buồn. Người miền Bắc tụng kinh nghe có khi vui, ít thôi. Tiếng tụng kinh miền Trung, miền Nam thường rất bi thiết. Miền Trung thì có âm hưởng nhạc Chàm u sầu, miền Nam thì khiến tôi liên tưởng đến những bài ca vọng cổ ai oán. Có lẽ nước ta chịu quá nhiều tai ương trong suốt dòng lịch sử mấy ngàn năm nên có hiện tượng ấy ngay trong cả giọng tụng niệm chăng? Nhưng lạ thay, những âm thanh đó không làm nản lòng người nghe, trái lại khiến cho những bất an trong tâm hồn ta vơi dần. Viết đến đây, tôi liên tưởng đến một bài báo của một phóng viên ngoại quốc đại khái rằng người lính Việt Nam Cộng Hòa thật kỳ lạ, đi ra trận cũng mang theo cái ra-đi-ô nhỏ bên mình để vừa đi vừa áp vào tai nghe những khúc nhạc cải lương buồn thảm. Rồi tôi lại nghĩ đến người Tô Cách Lan, hay cả người Anh nói chung, dùng kèn túi (bagpipes) để thúc quân, để giữ vững tinh thần chiến sĩ khi lâm trận bằng những điệu nhạc líu lo, rầu rĩ.

Từ những trải nghiệm nói trên, ta có thể suy ra rằng những đau đớn, sầu não, khổ hạnh có khi là nguồn gốc của hy sinh, dũng cảm. Về một phương diện khác, đó cũng là nơi phát xuất của lòng từ bi, bác ái.

Tôi vừa đi lên sân thượng bên trên lầu bốn của chùa Viên Giác vừa để cho ý nghĩ chạy lăng xăng, lung tung như “con khỉ chuyền cành”. Đó là điều nên tránh đối với người đi vãng cảnh chùa như tôi. Thì vừa may tiếng chuông chiều từ chánh điện ở lầu dưới vọng lên, khoan thai, dìu dặt. Lòng tôi dịu lại. Tôi đứng ở một góc sân thượng nhìn quanh cảnh vật bao la. Chiều đang xuống. Chim không biết từ đâu bay về thật nhiều đằng kia, tại Bồ Đề Đạo Tràng. Những chòm cây với tàng lá sum sê là tổ ấm của hàng trăm, hàng ngàn con chim. Chúng hót tíu tít, rộn rã như đang có niềm vui gì đó trong lòng sau một ngày tung cánh bay khắp nơi. Tiếng chim hót lặng dần trong bóng hoàng hôn trùm lên vạn vật. Như để thay thế, dăm ba hồi chuông từ Đại Tháp và từ mấy ngôi chùa ở gần đấy văng vẳng ngân nga. Những tiếng chuông của chùa xa nghe thoang thoảng lúc được lúc mất theo chiều gió. Lắng tai chú ý lắm vẫn khó có thể nghe rõ. Vùng thánh địa này lớn quá.

Một ngày nào đó con chim mẹ và đàn chim con xúm xít ấy sẽ cùng cất tiếng hót, không phải bằng những chuông nhỏ mà bằng những chuông lớn. Và cả một vùng không gian bao la sẽ lâng lâng trong tiếng hòa tấu của những đại hồng chung.

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021