thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
AI LÀ TÔI [8-10]
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
(1922-1975)
 
LỜI GIỚI THIỆU của Jean-Pierre Milelli:
 
Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. Năm 1980, Enzo Siciliano cho tập bản thảo ra mắt độc giả trên tạp san Nuovi Argomenti dưới nhan đề Poete delle ceneri [Nhà thơ của tro tàn]. Bản dịch tiếng Pháp Qui je suis dựa theo một bản mới do Graziella Chiarcossi, một nhà ngôn ngữ học và người thi hành di chúc của Pier Paolo Pasolini, thiết lập và biên soạn. Với tính cách đó, và xin để qua một bên mọi định kiến về giá trị văn chương, văn bản chưa được in của Pier Paolo Pasolini là một tài liệu đặc biệt và giá trị giúp ta hiểu rõ thêm những mối liên quan giữa cuộc đời và tác phẩm của Pier Paolo Pasolini — nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu luận và điện ảnh gia của nước Ý.
 
Bản thảo nguyên tác gồm ba mươi hai trang giấy đánh máy cách dòng đôi, có nhiều chỗ đã được sửa đổi hay gạch bỏ với bút bi. Theo lời nhà viết tiểu sử, Pasolini đã viết phần lớn trong dịp sang New York trong tháng Tám 1966, sau khi trình chiếu cuốn phim Uccellacci e Uccellini [Diều hâu và chim sẻ] tại đại hội điện ảnh Montréal vào tháng Bảy năm ấy.
 
Văn bản này hình như là để đối đáp bằng thơ văn xuôi một cuộc phỏng vấn thực sự hay tưởng tượng. Có thể ý định đã đến với Pasolini sau lúc ông gặp gỡ một phóng viên, hoặc là sau các cuộc đàm thoại có thu ảnh với Jean-André Fieschi (Pasolini, l'enragé / “Pasolini, người nổi giận”) vào tháng bảy 1966, hay cũng có thể là Pasolini đã đơn giản trở lại với phương pháp sử dụng thơ ca như ông đã thực hành trước đó. Chúng tôi đã chọn dịch nhan đề đánh máy và do Pasolini chỉ định trước: Who is me. Một nhan đề thứ hai, Poète des cendres (“Thi sĩ tro than”), viết bút nỉ, ám chỉ nhan đề của một trong các thi tập của ông: Les Cendres de Gramsci.
 
Năm 1966, Pasolini đã lên tới tột đỉnh văn chương của ông ở Ý, nhưng danh tiếng do điện ảnh mang lại cho ông trên thế giới chỉ mới khởi sự. Ông đang tìm cách vượt qua các ranh giới của nền văn hoá cội nguồn và muốn có một quần chúng rộng lớn hơn. Đó là một trong các nhiệm vụ của AI LÀ TÔI. Nhưng năm 1966 cũng là năm nhà thơ bị chứng loét dạ dày và là lần đầu tiên ông viết nhiều kịch bản sân khấu với ý định sẽ cho dàn dựng trình diễn tại New York thay vì tại Ý. Do vậy, hình như sự phát hiện Hoa Kỳ đã là dịp cho Pasolini kiểm điểm lại quá khứ để hướng tới tương lai. Đó là cái lợi ích của tập bản thảo: tuy còn dang dở, nó đã tập trung được nhiều mạch viết của văn nghiệp Pasolini: tiểu sử viết thành thơ, cảnh vật gần như bị kiểu cách hoá khi mô tả, suy gẫm về hình thức và hành ngôn chính trị.
 
Hơn thế nữa, nếu mọi văn bản về tiểu sử tự bản thân thiết yếu là phải dang dở, tuy nhiên trong AI LÀ TÔI như đã có sự báo trước về những cái sẽ xảy ra trong những năm cuối cùng của nhà văn: sự loại bỏ dần dần thơ ca như một thể loại của văn học và sự ưa chuộng điện ảnh; sự phát hiện phong cách viết kịch sân khấu và sự viết-lại các huyền thoại về cá nhân ông; mối liên hệ với báo chí và công lý của quê hương đối với ông ngày càng như là một sự ngược đãi trong đời sống; sự hồ hởi của ông đối với tố quyền dân sự. Trước khi cuộc ám sát đã khiến ông phải lìa đời trong Ngày lễ của những Người Chết vào năm 1975, chúng đã mang đến cho khoảng thời gian kể trên cái hương vị của tro tàn. AI LÀ TÔI cho chúng ta thấy nhà thơ bị chia sẻ giữa sự ham muốn “ném mình vào cuộc chiến” và sự rút lui vào ngọn tháp Chia — phần còn lại của một lâu đài thời Trung Đại — nơi ông ngụ và các nhiếp ảnh gia tới chụp hình ông khoả thân và cô độc, chẳng bao lâu trước lúc ông qua đời.
 
_____________
 
 
AI LÀ TÔI
 
Đã đăng: [1-3] | [4-7]
 
[8]
 
Giai cấp tư sản Ý, xung quanh tôi,
là một băng đảng giết người.
Và tất nhiên tôi cũng không hy vọng có được một cuộc đón tiếp
nồng hậu hơn của tư sản Mỹ.
Trong thế giới tư bản cuộc đời là một sự đánh cuộc
để thắng hay để thua:
đó là thân phận của con người tư sản
ngoại đạo.
Kẻ nào tự phát hiện ra cá tính mình, hoặc thú nhận,
hoặc không e ngại sự lố bịch,
sẽ có một chung cuộc xấu: đó là định luật.
Hỡi các bạn Mỹ yêu dấu, không ưa chuộng hoà bình
và không duy linh
nghĩa là cái đa số khổng lồ suy nghĩ thuận lý,
Thượng Đế của các bạn là một người ngu
như tất cả những công dân trung bình
ao ước bằng cả thể xác
và tâm linh
để được giống y hệt những kẻ khác:
vì cái mối tình điên cuồng dành cho sự bình đẳng
mà kẻ ấy ghét cái đa số đó.
Ai trong số các bạn đã rỏ một giọt nước mắt
cho một thanh niên Hy-lạp đã kháng bác quân dịch?
Hãy làm một cuộc chất vấn lương tâm:
ai đã không nhỏ những giọt lệ đó cho một con lợn.
 
 
[9]
 
Thế nhưng tôi chỉ làm một bài thơ
tiểu sử-tác phẩm; hãy trở lại với chủ đề:
Thiếu niên hư hỏngĐời tàn bạo **
là nhan đề của hai cuốn tiểu thuyết đã khơi dậy sự kỳ thị
đầy hận thù của nước Ý.
Viết giữa những năm 50.
Trong khi các nhan đề những thi tập của tôi,
cũng viết đồng thời, là:
Tro tàn của Gramsci,
Tôn giáo của thời đại tôi,
Thơ ca mang hình dáng bông hồng.
Chính trong tập thơ cuối cùng này mà
một cái đó gì đã gãy đổ:
có thể là do bởi sự có mặt,
dù tôi chưa trực tiếp được biết,
của cánh tả mới ở Mỹ.
Trong các tác phẩm ấy tôi đã giả vờ chối bỏ sự dấn thân,
bởi vì tôi biết dấn thân là một điều không thể né tránh,
nhất là hôm nay hơn lúc nào hết.
Và hôm nay, tôi sẽ nói với các bạn rằng
không những ta cần phải dấn thân
trong cách viết,
mà cả trong cuộc đời nữa:
phải chống cự trong sự ồn ào
và sự cuồng nộ, hơn bao giờ hết,
ngây ngô như các con thú ở lò mổ,
bối rối như các nạn nhân, đúng thế:
phải nói to hơn mọi khi sự miệt thị
bọn tư sản, gào thét
chống lại sự thô bỉ,
khạc nhổ trên sự không thực mà nó đã lựa chọn
như đó là sự thật độc nhất,
không nhân nhượng một hành động hay một từ ngữ
trong sự tuyệt đối căm thù nó, công an của nó,
các toà án của nó, truyền hình của nó,
báo chí của nó.
Và tại nơi đây,
tôi, một thằng tiểu tư sản đang cải lương hoá tất cả,
từng được mẹ hiền nuôi nấng trong tinh thần
dịu dàng và rụt rè thiếu tự tin
của đạo đức nông dân,
tôi muốn tết vòng hoa ca ngợi
sự bẩn thỉu, sự khốn cùng, ma tuý
và tự sát.
Tôi, nhà thơ mác-xít được ưu đãi,
có những dụng cụ và vũ khí
của ý thức hệ để tranh đấu,
và khá đủ luân lý
để kết tội hành động thuần tuý cốt gây tai tiếng,
tôi, sâu sắc như cần phải có,
tôi làm sự ngợi ca đó, bởi vì ma tuý,
sự ghê rợn. sự cuồng nộ, sự tự vẫn
cùng với tôn giáo, là hy vọng độc nhất
còn lại:
phản kháng thuần tuý và hành động
để đo lường sự sai trái khổng lồ của thế giới.
Mà một nạn nhân không cần biết đến
để lên tiếng.
 
_____________
** Ragazzi di vita, Milan 1955 / The Ragazzi, New York, 1968; Una vita violenta, Milan 1959.
 
 
[10]
 
Tiếp theo đó, vào thập niên 60,
tôi quay cuốn phim đầu tiên
mang tên Ăn mày,*
Tại sao tôi đã nhảy từ văn chương
sang điện ảnh?
Đó là, giữa những câu hỏi có thể tiên liệu
của một cuộc phỏng vấn,
một câu hỏi không thể né tránh, và nó đã là như vậy.
Tôi luôn luôn đáp lại rằng chỉ vì
muốn thay đổi kỹ thuật,
tôi cần có một kỹ thuật mới
để kể một câu chuyện mới,
hay, ngược lại: rằng tôi chỉ nói mãi một câu chuyện thôi,
luôn luôn, và vì vậy mà
tôi cần phải thay đổi kỹ thuật;
tuỳ theo những biến thái của ám ảnh.
Nhưng tôi chỉ thành thật một nửa thôi
khi đưa ra câu trả lời đó:
cái thật ở trong những cái mà tôi đã làm trước đó.
Rồi tôi nhận thấy
rằng đó chẳng phải là một vấn đề kỹ thuật văn chương
mà nó gần như là
thuộc hẳn về ngôn ngữ mà người viết sử dụng,
mà nó, tự chính nó, là một ngôn ngữ. . .
Và lúc đó tôi kể ra những lý lẽ đen tối
đã chế ngự tôi trước khi tôi lựa chọn:
đã bao lần điên tiết và không nghĩ suy
tôi đã tuyên bố rằng tôi từ bỏ
cái quốc tịch Ý của mình!
Eh bien,** khi bỏ ngôn ngữ Ý
và cùng với nó,
lần hồi, bỏ luôn văn chương,
tôi đã khước từ quốc tịch.
Tôi nói không với gốc gác
tiểu tư sản,
tôi day lưng lại với mọi cái tạo ra tính Ý,
tôi kháng nghị, ngây ngô, trưng bày
sự chối từ
mà khi nó nhục mạ tôi
và thiến tôi,
cũng là lúc nó cho tôi sự hưng phấn. Nhưng tôi
đã chưa thành thật hoàn toàn.
Bởi vì điện ảnh không chỉ là
một sự thử nghiệm ngôn từ,
mà chính vì nó là sự tìm tòi
về ngữ học, cũng là một thử nghiệm về triết lý.
 
_____________
* Accattone, 1961
** Eh bien (“Thế thì”), tiếng Pháp trong nguyên tác
 
[còn tiếp nhiều kỳ]
 
 
-----------
Nguồn: Pier Paolo Pasolini, Qui je suis - Poeta delle ceneri, bản tiếng Pháp do Jean-Pierre Milelli dịch, giới thiệu và chú giải (Paris: Arléa, 2004).
Người dịch ghi thêm một con số trên mỗi bài thơ, và bổ sung vào phần chú thích của nhà xuất bản dưới các bài thơ.
 
 
 
Đã đăng:
AI LÀ TÔI [4-7]  (thơ) 
... Tôi đã cảm nhận tình cảm của một người Da Đen / ở Chicago: / sự kinh sợ. / Thế nhưng tôi đã chóng quên, / và tất cả những kinh sợ / đã trở thành một vật duy nhất / ở trong tôi và ở trên tôi: một vật rất đặc biệt, / cái vật đó . / Do vậy tôi đã để nó bên cạnh và hứng chịu nó / trong lòng: / và nó sẽ trở thành một cái ung nhọt, / mà sớm hay muộn gì tôi cũng phải chết vì nó... Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. [Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường]
 
AI LÀ TÔI [1-3]  (thơ) 
... Tôi vẫn khóc, mỗi khi nghĩ lại chuyện cũ, / mỗi khi nghĩ tới Guido em tôi, một gã du kích / bị các gã du kích cộng sản khác thủ tiêu / (nó thuộc nhóm Hành Động / do chính tôi đã khuyên nó gia nhập; / nó đã khởi sự cuộc Kháng Chiến / với tư cách một người cộng sản)... Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. [Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường]
 
Bạn đi đâu qua những đường phố La-mã / trên xe buýt hay xe điện / chật ních những người trên đường về nhà?... | Tôi lao động suốt ngày như một nhà tu / Và ban đêm tôi lang thang như một con mèo rượn / chạy tìm tình yêu... Tôi sẽ thỉnh cầu / Giáo hội, xin cho tôi được phong thánh... | Người ta sẽ ca hát trong lòng đất nó, / hàng triệu người chết trong lòng đất nó, / ta sẽ ca hát trong lòng đất nó?... | Hãy đến lắng nghe những dòng sông của lòng con, / Hãy đến lắng nghe những bông cúc của lòng con, / Hãy đến lắng nghe, mẹ ơi, tiếng nói ấp úng / của lòng con đang bay bổng, thưa mẹ!... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
... Ta không một đồng xu, ta chỉ làm chủ / Những sợi tóc vàng của ta trên sông Lemene / Đầy những con cá mượt mà... | ... tôi sẽ ngã xuống chết / dưới mặt trời gắt, / vàng hoe và cao, / và tôi sẽ nhắm mắt, / để bầu trời lại với vẻ rực rỡ của nó... | ... Em là một cánh hồng sống mà không nói. // Khi sâu thẳm trong ngực em / Một giọng nói ra đời, / Thì em câm lặng... | ... Chúng ta sống sót: và ấy là sự lẫn lộn / của một cuộc đời hồi sinh bên ngoài lý luận... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021