thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sáu bài thơ trong tập KLÄNGE
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
WASSILY KANDINSKY
(1866-1944)
 
Wassily Kandinsky sinh ngày 4 tháng 12 năm 1866 ở Moscou, là một hoạ sĩ Nga và lý thuyết gia nghệ thuật lỗi lạc của thế giới. Ông được coi là một trong những hoạ sĩ quan trọng nhất của thế kỷ XX bên cạnh Pablo Picasso, Paul Klee, Henri Matisse... và do là tác giả bức tranh “phi tượng hình” đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật hiện đại – một tác phẩm màu nước vẽ năm 1910 – ông còn được nhìn nhận là người sáng lập nghệ thuật trừu tượng. Suốt thời thơ ấu và niên thiếu, trừ một năm ở Florence, Ý-đại-lợi [với cha mẹ], Kandinsky sống ở Odessa, từng theo học luật và kinh tế tại Đại học Moscou [từ 1886], và sau khi tốt nghiệp đã từng hành nghề như một giảng viên. Thời gian dạy học ở Đại học Luật Moscou đánh dấu những bước khởi đầu sự nghiệp viết lách của nhà hoạ sĩ tương lai, nhất là đối với những tác phẩm “lập thuyết” của ông: ông bắt đầu viết nhiều về các vấn đề tinh thần, tâm linh – những thứ về sau có một tầm ảnh hưởng khá quan trọng đối với sáng tác hội hoạ của ông. Ông chỉ thực sự bắt đầu học vẽ, từ những bước vỡ lòng, vẽ theo mẫu, hình hoạ và cơ thể học, ở tuổi 30, khi ông quyết định đến Munich và ghi tên vào học tại Viện Mỹ thuật năm 1896. Ông trở về Moscou năm 1918, sau Cách mạng tháng Mười Nga, nhưng sau đó gặp “trắc trở” với đường lối và những lý thuyết nghệ thuật “nhà nước”, ông trở lại Đức [1921] và dạy ở Bauhaus từ 1922 cho đến khi cơ sở này bị chính quyền Đức quốc xã đóng cửa [1933], và ông khăn gói qua định cư ở Pháp, chuyển qua quốc tịch nước này [1939] và sống ở Neuilly-sur-Seine cho đến khi qua đời ngày 13 tháng 12 năm 1944, để lại cho hậu thế một sự nghiệp và tác phẩm nghệ thuật phong phú ít có.
 
Một trong những biến cố đáng ghi nhận trong hoạt động nghệ thuật của Wassily Kandinsky là việc ông cùng một số hoạ sĩ ở Munich lập thành một nhóm có tên là Der Blaue Reiter [Kỵ sĩ xanh] sinh hoạt từ 1911-1914. Der Blaue Reiter qui tụ những tên tuổi lớn như Franz Marc, August Macke, Gabriele Münter, Lyonel Feininger, Albert Bloch, tuy không có hẳn một tuyên ngôn chủ đạo, nhung vào thời điểm các khuynh hướng nghệ thuật “xung đột dữ dội” ấy, sự kiện ngồi chung với Wassily Kandinsky và Franz Marc, về sau có thêm Paul Klee, đã là một phát biểu minh bạch rồi. Các hoạ sĩ trong nhóm tất nhiên không ai giống ai, thế nhưng mọi người mặc nhiên chia sẻ một mong muốn chung, ấy là thúc đẩy một nền nghệ thuật hiện đại biểu hiện những chân lý tâm linh qua nghệ thuật của mình, liên kết nghệ thuật thị giác với âm nhạc, màu sắc và một cung cách làm nghệ thuật có tính tự nhiên và theo trực giác. Der Blaue Reiter không sống lâu, nhưng cái “đuôi” của phong trào khi đổi mới đã hồi sinh với nhóm Die Blaue Vier [The Blue Four] năm 1923 ở Mỹ với nhiều hoạt động triển lãm và diễn thuyết tưng bừng một năm sau đó – với Wassily Kandinsky, Lyonel Feininger, Paul Klee và Alexej von Jawlensky.
 
Klänge [Sounds] của Wassily Kandinsky lần đầu tiên được xuất bản ở Munich năm 1912, gần như cùng một năm với tác phẩm kinh điển của ông là Über das Geistige in der Kunst [“Concerning the Spiritual in Art”], với số lượng giới hạn. Thời ấy tập thơ[*] với những minh hoạ tuyệt đẹp của Kandinsky được chào đón một cách nồng nhiệt bởi các nghệ sĩ Dada ở Zürich, và đặc biệt được các hoạ sĩ / nhà thơ Hugo Ball và Jean Arp [hai trong những sáng lập viên quan trọng của Dada] ca ngợi, nhưng vẫn ít được biết và ít được nhắc đến trong số những thành quả quan trọng của hoạ sĩ. Quan trọng, bởi lẽ những tranh khắc gỗ của hoạ sĩ trong tập này rõ ràng biến chuyển từ những nét tạo dáng cảm hứng phong cách biểu trưng “Jugendstil”[**] đến những hoạ tiết thuần tuý trừu tượng. Và đồng thời cũng bởi lẽ những bài thơ trong tập này liên hoàn luận giải những vấn đề không gian, màu sắc, tạo dáng, cũng như cách nhìn trong một thế giới có sẵn cho chúng ta nhiều khả năng đa dạng nhưng thường khi lại mâu thuẫn – khi thì mang tính kể chuyện, khi thì mang tính diễn đạt, và đúng như nhận định của Elizabeth R. Napier, vừa là người dịch vừa là người giới thiệu tập thơ Sounds:
 
“... [Những bài thơ trong tập này] đều dí dỏm, giản dị trong kết cấu cũng như trong từ ngữ, với nội dung thường làm ta sửng sốt... Sounds tuy soi rọi một thứ ánh sáng khác nhưng không kém ý nghĩa trong bước chuyển hướng của Kandinsky tới phong cách trừu tượng – một chuyển động đã tạo được một ảnh hưởng sâu đậm trong những hướng đi tương lai của nghệ thuật...”
 
_________________________

[*]Klänge, với 38 bài thơ và 56 tranh khắc gỗ, có thể được coi là ấn phẩm có trước nhất và đẹp nhất trong số những ấn phẩm hiếm hoi được gọi là sách của hoạ sĩ với phần viết và vẽ đều là của một tác giả.

[**]Phong cách nghệ thuật xuất hiện ở Đức khoảng giữa những năm 1890s và kéo dài cho đến thập niên đầu của thế kỷ 20, lấy tên từ tên tạp chí Die Jugend [“Tuổi trẻ”] là tờ báo thường sử dụng những hoạ tiết của Art Nouveau.

 
 
 
Trái: Bìa tập thơ Sounds của Kandinsky. Phải: Một minh hoạ màu trong ấn bản Klänge, 1912.
 
___________
 
 

Tại sao?

 
“Không ai bước ra khỏi nơi ấy.”
“Không ai?”
“Không ai.”
“Không một người nào?”
“Không.”
“Đúng! Thế tuy nhiên khi tôi đi qua, có một người đứng đó.”
“Trước cánh cửa?”
“Trước cánh cửa. Hắn đứng và dang rộng hai cánh tay.”
“Đúng! Ấy là bởi hắn không muốn cho ai vào.”
“Không ai vào đấy sao?”
“Không ai.”
“Thế cái tên ấy, tên dang rộng hai tay, trước hắn vẫn ở đấy?”
“Tên bên trong?”
“Đúng, tên bên trong.”
“Tôi không biết. Hắn chỉ dang rộng hai tay sau đó, là để
không ai bước vào đấy được thôi.”
 
“Chúng nó cắt hắn nơi ấy là để không ai bước vào đấy được?”
“Cái tên dang rộng hai tay ấy?”
“Không. Hắn tự mình đến, đứng ở đấy và dang rộng hai tay.”
“Và không ai, không một ai, không một ai bước ra khỏi nơi ấy?”
“Không ai, không một ai.”
 
 
 
 

Phiêu lưu

 
Có lần tôi đến viếng một khu nghỉ mát không có người ở. Nhà nào nhà nấy ngăn nắp màu trắng và các cửa chớp màu xanh lá cây đều đóng chặt. Chính giữa khu nghỉ mát này có một quảng trường xanh cỏ mọc kín đầy. Chính giữa quảng trường này sừng sững một ngôi nhà thờ cổ có một cái tháp chuông cao mái nhọn. Cái đồng hồ to tướng vẫn chạy, nhưng không báo giờ. Dưới chân tháp chuông có một con bò cái đỏ với một cái bụng mập ú. Con bò đứng đó nhưng không nhúc nhích mà chỉ uể oải nhai cỏ. Mỗi khi kim chỉ phút của cái đồng hồ chỉ mười lăm phút –, nửa giờ –, hay nguyên giờ, con bò cái rống lên: “Ôi! đừng báo động om sòm thế!” Rồi nó cúi xuống gặm cỏ trở lại.
 
 
 
 

Một hai thứ

 
Một con cá lội càng lúc càng sâu xuống đáy nước. Cá màu bạc. Nước màu lam. Tôi đưa mắt nhìn theo. Con cá lội càng lúc càng sâu. Nhưng tôi vẫn còn có thể nhìn thấy nó. Giờ thì tôi không còn nhìn thấy nó được nữa. Khi tôi không nhìn thấy nó được, tôi vẫn còn có thể nhìn thấy nó. Vâng, vâng tôi nhìn thấy con cá. Vâng, vâng tôi nhìn thấy nó. Tôi nhìn thấy nó. Tôi nhìn thấy nó. Tôi nhìn thấy nó. Tôi nhìn thấy nó. Tôi nhìn thấy nó. Tôi nhìn thấy nó.
 
Một con ngựa trắng lặng lẽ đứng trên bốn cái chân dài. Bầu trời màu lam. Chân dài. Con ngựa không cử động. Cái bờm ngựa rũ xuống và không nhúc nhích. Con ngựa đứng yên trên bốn cái chân dài. Nhưng nó vẫn sống. Bắp thịt không co quắp chút nào, da không rung. Nó vẫn sống.
 
                                                Vâng, vâng. Nó vẫn sống.
 
Một cánh hoa mọc giữa đồng cỏ mênh mông. Hoa màu lam. Chỉ có mỗi một cánh hoa giữa đồng cỏ mênh mông.
 
                                                Vâng, vâng, vâng. Nó mọc ở đấy.
 
 
 

Khác

 
Ngày xưa có một con số 3 to tướng – màu trắng trên nền nâu đậm. Đường cong trên đỉnh nó lớn đúng y kích thước đường cong dưới đáy. Ít ra đấy là điều ai nấy đều nghĩ. Thế rồi bây giờ đường cong trên đỉnh
                                                            chút xíu, chút xíu, chút xíu
hơi lớn hơn đường cong dưới đáy.
 
Con số 3 lúc nào cũng nhìn qua bên trái – không bao giờ nhìn qua bên phải. Và nó cũng nhìn hơi xuống một chút, bởi con số chỉ có vẻ như đang đứng thẳng thôi. Thực ra, và đây là cái không phải dễ nhìn thấy, đỉnh của nó chỉ dựa
                                                            chút xíu, chút xíu, chút xíu
qua bên trái.
Vậy nên con số 3 màu trắng to tướng lúc nào cũng nhìn qua bên trái và hơi nhìn xuống một chút xíu.
Nhưng bấy giờ thì lần nữa có lẽ nó đã khác đi.
 
 
 
 

Lối ra

 
Các bạn vỗ tay. Hãy đừng tựa đầu vào niềm vui của bạn.
Đừng bao giờ, đừng bao giờ.
Và bây giờ hắn lại cắt với con dao con.
Lần nữa hắn lại cắt xuyên suốt với con dao con. Và bây giờ sấm sét vang rền trên bầu trời. Ai dẫn dắt bạn vào sâu hơn?
Trên mặt nước đen sâu lắng những ngọn cây chĩa xuống.
Lúc nào cũng thế. Lúc nào cũng thế.
Và bây giờ hắn thở dài. Một tiếng thở dài nặng trĩu. Hắn lại thở dài lần nữa. Hắn thở dài.
Và cọng cây chọc vào một cái gì khô đét.
Vậy thì ai sẽ chĩa vào cánh cửa, lối ra?
 
 
 
 

Những chiếc lá

 
Tôi có thể nhớ một chuyện.
Có một ngọn núi tam giác rất cao màu đen vươn một mạch đến tận trời. Đỉnh núi màu bạc chỉ nhìn thấy lờ mờ. Phía bên phải ngọn núi ấy có một cái cây rất rậm rạp với một đỉnh vòm xanh cũng rất rậm rạp. Đỉnh ngọn cây rậm rạp đến nỗi không thể nào tách riêng lá này với lá kia. Phía bên trái ở đúng một chỗ, nhưng rất gần bên nhau, hoa trắng li ti nở rộ trông giống như những tấm bạc nhỏ dát mỏng
Ngoài những thứ đó chẳng có gì ở nơi ấy.
Tôi đứng trước cảnh vật này và nhìn.
Đột nhiên một người đàn ông từ bên trái đi lên. Ông ta cưỡi trên lưng một con dê trắng, con vật coi hoàn toàn bình thường, trừ mỗi chỗ là hai cái sừng nó chĩa ra trước thay vì chĩa ra sau. Và cái đuôi nó thì không trơ tráo cắm theo cái cách thường tình, mà treo lủng lẳng và trọc lóc.
Nhưng người đàn ông có da mặt xanh, mũi hếch và tẹt. Ông ta cười và để lộ những chiếc răng nhỏ và lưa thưa, và có vẻ đã mòn nhẵn, nhưng cực kỳ trắng. Tôi cũng để ý thấy có một cái gì đỏ chói.
Tôi rất ngạc nhiên, bởi vì người đàn ông nhe răng ra cười với tôi.
Ông ta chậm rãi đi qua tôi và biến mất sau núi.
Cũng là chuyện lạ, ở chỗ khi tôi nhìn cảnh vật trở lại, những chiếc lá thảy đều nằm trên mặt đất và phía bên trái không còn một cánh hoa nào.
Thay vào đó chỉ có những quả mọng.
Ngọn núi, tất nhiên, vẫn không di chuyển.
Lần này thì thế.
 
 
 
----------------
“Tại sao?” dịch từ bản tiếng Anh “Why?” của Albert C. Todd trong 20th Century Russian Poetry - Silver and Steel – An Anthology, do Albert Todd và Max Hayward biên tập, Yevgeny Yevtushenko tuyển chọn và viết giới thiệu (Anchor Books/Doubleday, 1993). “Phiêu lưu”, “Một hai thứ”, “Khác”, “Lối ra”, và “Những chiếc lá” dịch từ bản tiếng Anh “Adventure”, “One thing or two”, Different”, Exit”, và “Leaves” trong Wassily Kandinsky, Sounds (Yale University Press, 1981) - do Elizabeth R. Napier dịch và giới thiệu, với đầy đủ phần nguyên tác tiếng Đức & một bảng niên đại.
 
 
-------------
Đã đăng:
 
Tác dụng của màu sắc  (nhận định mỹ thuật) 
... Màu sắc là phím đàn, mắt là cái búa đập lên nó, tâm hồn là thứ nhạc khí có muôn ngàn dây cung. Còn người nghệ sĩ, hắn là bàn tay nhờ có phím này hay phím nọ mà có được sự rung động đúng điệu của tâm hồn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Wassily Kandinsky (1866-1944), nhà danh hoạ của thế kỷ 20, không chỉ tập trung vào việc vẽ. Ông nói: “Marc và tôi đã ném chính mình vào hội hoạ, nhưng hội hoạ đơn thuần không làm chúng tôi thoả mãn...” Thế rồi, ông làm thơ... Mặt. / Xa. / Mây. / . . . . / . . . . / Một người đàn ông đứng đó với một cây kiếm dài. Cây kiếm dài và to bản. Rất to bản... | Ôi, hắn đi chậm làm sao. / Giá như ở đó có một người nào bảo hắn: Nhanh hơn, đi nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021