thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài trường ca Tây Tạng [1 & 2]
 
thay lời tựa
 
bạn nghĩ rằng ánh sáng sẽ đóng cửa
khi một người nào đó
nhớ?
 
mặc dù bạn biết
người ta không thể nhớ
cũng như lửa
không thể tự thiêu
sao nhiều người
vẫn cháy?
 
thế giới
có còn cơ hội
cho những người ly hương
và tỵ nạn
nhớ?
 
đêm qua
ngôi mộ của những người đàn ông
cùng đi trốn với nhau
mãi mãi nằm bên nhau
bỏ lại những đứa con và
người đàn bà
họ từng yêu dấu
 
ai sẽ đến
nhớ?
 
phổi của bạn đầy bụi
bạn chờ đợi nghẹt thở
ở ngọn lửa
vàng xanh và nhớ?
 
đêm tối lạnh
bạn đứng xem
những mặt người
xơ xác
những xác người
xác xơ
như bóng trăng bị rỗng
nhớ?
 
bóng tối nuốt chửng
vì sự đồng ý của những viên đạn
bạn quên
nhớ?
 
những người thân yêu bị bắn
bạn thấy lồng ngực bị vỡ
như những viên đá lạnh, trong cái cốc
trên bậu cửa sổ
khóc và
nhớ?
 
 

1.

 
khúc bi ca
bị xoá nhoà trong những vụ tự thiêu
không ai dám
khóc
 
quả cầu lửa cô độc
từng loé lên bóng tối
đám tro xương người
không có gì
không có gì còn lại
cũng không ai
còn
thấy nóng
 
những người không bị đốt cháy
sống mãi
thành 1,4 tỷ người
đời đời
biết sợ
 
chết, không phải món nợ
cũng không phải là lý do
để hoảng sợ
nên mấy mươi năm trôi qua
Tây Tạng
vẫn nghĩ mình là sư tử
gầm vang cho sự khóc ròng
trống rỗng
trong 1,4 tỷ giọt nước mắt
 
như mây
tội ác
đã dày
như cao
hơn dãy
Himalaya
 
 

2.

 
Tây Tạng
khi người chạy trốn khỏi đám mây
tưởng không ai dám trói tay
đức Phật
sống
 
tưởng sấm sét không dám bắt người làm con tin
cho lửa
 
người duy nhất còn lại
chưa bị đốt cháy
đang chịu nguyền rủa
tại sao chưa chịu giác ngộ?
 
“... Trung Quốc lên án Đạt Lai Lạt Ma là dối trá hôm 14.5, sau khi nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng tố giác các đặc vụ Trung Quốc đã huấn luyện những phụ nữ Tây Tạng bôi chất độc lên tóc hoặc khăn choàng của họ để ông sờ phải khi ban phúc lành...” (báo Thanh Niên)
 
Tây Tạng
tít trên đỉnh núi
hai cánh tay người xương xẩu
ôm một hài nhi chưa sinh ra
vì những bé sinh ra đã bị đốt
hay thiêu
cháy
 
những người chết trên đường luân hồi
những người mất tích
những người tìm kiếm
để lại những dấu chân những ngọn đồi
những bụi cây, trong áng mây
trong hình dạng của một con người
trong hình dạng của một đất nước
chỉ còn ngước
lên trời
lặng im hít
thở
 
tự do
khoảng trống rộng lớn
nhưng chỉ cần sự vắng mặt của người
là nước mắt
rơi
 
bao giờ
chúng ta ăn chỉ để vượt qua cơn đói?
bao giờ
chúng ta ngủ chỉ để ước mơ?
bao giờ
chúng ta tỉnh táo để mở miệng ra
và nhổ ngụm máu trong miệng?
 
bao giờ, Tây Tạng?
 
những người chín kiếp tu hành nhưng giờ đành
lúc lắc hai nắm đấm
lạt-ma thành bóng ma
để chứng minh sự tồn tại
dù tồn tại là để từ chối
sự toàn năng của đám loăng quăng
và muỗi
 
ngày thay đổi từ màu đỏ sang đen
từ màu đen sang màu tóc
khi tụng niệm người biết Phật cũng khóc
ròng, và biến mất
nhưng Tây Tạng
người vẫn hiên ngang
ở lại trong trại, tranh luận với các bức tường
và chấp nhận bị nuốt bởi quỷ vương
 
Tây Tạng
người chính là bài thơ
đã ghi rõ địa chỉ người nhận
để bưu phẩm không bị tịch thu vô cớ
nhưng nó vẫn bị xoá
và đưa vào máy nghiền
 
thành bột giấy
chỉ còn mảnh ngôn từ
như những vụn bánh mì
chú chim câu
hoà bình ngơ ngác
 
Tây Tạng, không lẽ
người chỉ còn những mảnh vỡ
lần lượt, tan rã?
 
không còn giấy
nên người đành viết lên cơ thể của mình
ngoằn ngoèo những con chữ
cứa vào giấc mơ
như cưa máy cứa vào thân cây
làm ga điện ngầm sáng nay
làm người chảy máu
 
chẳng lẽ con ngựa
giờ phải nhìn vào dấu chân của mình trên mặt nước?
cỗ xe tứ mã đã chìm
những người dậy sớm đã biến mất vào màn sương
những người ngủ muộn cố gắng sải bước
với sự mệt mỏi của vó ngựa
khi một bài thơ như một quốc gia
vẫn chưa thể ra
đời
 
Tây Tạng
người là bài thơ
tìm kiếm tên gọi
 
chúng ta
hãy cố hết sức để bài thơ quay lại nơi nó sinh ra
dù có bị lột da
mổ bụng
 
Tây Tạng
thảo nguyên của người tung bọt trắng như lời nguyền
được viết lên các tầng trời
mưa như nước mắt
khi người vô cớ bị bắt
giam, đám mây cũng tắt
nắng trên đôi mắt trống rỗng
của các nhà sư
từ từ
khuỵu xuống
 
Tây Tạng
người có lạnh khi bài thơ rơi
từ đỉnh núi
trời mưa, khi người chạm vào nó
gió chạm vào mưa
mưa chạm vào nước mắt
những người bị bắt
chạm vào nhau
nỗi đau
chạm vào phẫn uất
 
nước mắt
một phần nước và chín mươi chín phần phẫn uất
cơn đau vỡ mật
ngay cả những con bướm
tiếng cánh vẫy cũng im lặng
nghe như tiếng sấm
 
chúng ta cố hết sức để bài thơ quay lại nơi nó sinh ra
cơ thể nó uốn lượn như con hổ
sớm được rửa sạch bằng các mũi tên
được bắn từ mọi hướng
dù người ghét mùi
thịt nướng
 
Tây Tạng
người bấp bênh trên làn sóng màu đỏ
nhuộm lên đất nước của người
họ muốn người chết trong hỗn loạn
cùng tiếng rơi
của binh đao
loảng xoảng
 
nhưng thành phố của người tít trên đỉnh núi
Himalaya nên tha hồ ánh sáng
 
không chỉ bài thơ
Tây Tạng
người bỏ lại đằng sau những nàng thơ
õng ẹo như ả điếm
vẫn giả danh kiều nữ
khoả thân kiếm ăn con chữ
nát
nhừ
 
Tây Tạng
bài thơ của người là những đêm tinh tế
bụi cây lá mỏng
thở sương mù
chân tu
mắt nhắm
không lùi
 
mọi thứ bây giờ không còn thuộc về người
người ta đã giành lấy
cả những viên đá thiêng liêng
từ tu viện
 
nhưng ẩn đằng sau khuôn mặt của bóng đêm
đất nước của người như mặt trăng
đã từng đánh dấu trên bản đồ
đã từng có vua
hoàng cung từng lộng lẫy hơn bài thơ
những hành khất đeo mặt nạ với bát ăn bằng bạc
suốt ngày ca hát
 
dù phải rời khỏi đất nước
Tây Tạng, gương mặt người vẫn như đám mây
tuổi người như đá xám
như khoảng trống
như mênh mông
như cỏ
số phận của người
mãi mãi còn ở đó
 
chiến trường của người không tồn tại
trong giấc mơ lưu vong
nhưng chẳng lẽ lưu vong là không tồn tại?
nhưng chẳng lẽ?
mà thôi...
 
vẫn còn ánh lửa
của những lạt-ma trẻ dưới chân núi
Tây Tạng bây giờ “không có tù nhân”
chỉ có nhân dân
và có nhà tù, âm u địa ngục
 
trẻ em đã chết trong những cuộc chuyển dạ
- không tồn tại
nhà sư đã chết dưới những lưỡi dao mềm
- không tồn tại
các ngôi chùa đã chết trong nhà ngục đá xám
- không tồn tại
ngay cả những xác chết vẫn bọc trong lá cờ đỏ
- không tồn tại
những lạt-ma giả dạng tóc dài
- không tồn tại
phía bắc và phía nam đã mất
phía đông và phía tây không còn
những vàng son
của người, thành đứa trẻ lon ton
cát bụi...
 
Tây Tạng
người còn quá trẻ hay đã quá già?
người vẫn hít vào và thở ra
như khói, nơi nào người ta đổ gạt tàn thuốc lá
như hàng ngàn đống tro xương người
sau khi tự thiêu
 
người ta muốn người đi bộ từ núi xuống đồng
còn cách Biển Đông
bao nhiêu hải lý?
 
chúng ta đã cùng nhau khóc:
cuộc hành quân vạn dặm
Trung Hoa ôi Trung Hoa
bao nhiêu người đã rơi
từ núi cao
mất
mạng?
 
Tây Tạng
ngọn gió giận dữ ở biên giới
mấy mươi năm trước người quấn lá cờ trong gió
trong một trò chơi rên xiết với mấy ông vua
và những điều tưởng là tồn tại
cái chết người ngỡ sẽ vinh quang
lịch sử của người: - không tồn tại
những cuộc đàm phán
trên một chiếc máy bay bị nổ
và rơi...
 
quê hương
giống như một lưỡi dao lãng quên
những thành tựu và những sai lầm của người
- không tồn tại
người tìm lại những linh hồn
trong 1,4 tỷ con người lạ
- không tồn tại
nên tình yêu cũng không còn tồn tại
ngộ ái nị
người la: oai oái
nghe ai ái
xa ngái
ai oán mùi trầm hương
 
- không tồn tại
dù người không phải Quảng Đông và Quảng Tây
- không tồn tại
dù người nắm chặt sự dũng cảm trong tay
và ngay
trong trái tim
ngay
trong dương vật và tử cung
nóng bỏng
 
Tây Tạng
người phải chờ đến bao giờ nữa?
đến bao giờ ngọn lửa
tự thiêu
thành tình yêu
của người?
 
“nhà sư Tsering Gyal, 20 tuổi, đã tự thiêu hôm thứ Hai 11/11 tại Guolou, khu vực có nhiều người Tây Tạng sinh sống ở tỉnh Thanh Hải tại miền Tây Bắc Trung Quốc.
 
Cảnh sát đã dập tắt lửa và đưa nhà sư Gyal tới bệnh viện và người ta không biết rõ tình trạng hiện nay của người này.
 
Hình ảnh do ‘Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng’ đưa lên mạng Internet cho thấy cảnh một người đàn ông đang bốc cháy giữa một đường phố, và một nhóm hơn một chục người đang xem cảnh tượng này cách đó vài mét.
 
Sự việc ở Guolou là chuyện mới nhất trong một chuỗi các hành động tương tự tại Tây Tạng và ở các tỉnh lân cận trong đó khoảng 120 người đã tự thiêu kể từ năm 2009 và hầu hết những người này đã thiệt mạng.
 
Hồi đầu tháng Mười có tin cho biết cảnh sát Trung Quốc đã bắn vào một nhóm người biểu tình ở Tây Tạng khi những người này tụ tập để đòi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho những người Tây Tạng bị bắt vì không chịu treo cờ Trung Quốc...” (Radio Australia)
 
khi luồn cúi người khác
thì bản thân kẻ được luồn cúi cũng chẳng ra gì,
bởi cả hai đều chà đạp nhân phẩm
 
nhân phẩm đòi hỏi phải có ý thức
có ý thức mới có thể lựa chọn
biết lựa chọn
là tự do.
 
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021