thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Rolf Jacobsen, một nhà thơ lớn của Na-uy

 

ROLF JACOBSEN sinh tại Kristiania (tên cũ của thủ đô Na-uy) ngày 8. 3. 1907, gần suốt đời hành nghề ký giả cho một tờ báo tỉnh nhỏ. Ông khởi sự in hai tập thơ đầu tiên của mình vào các năm 1933, 1935, rồi trở lại với Thơ vào năm 1951, và từ đấy đã cho in thêm chín tập thơ nữa (1984)*, chưa kể những tuyển tập thơ Rolf Jacobsen được in lại thường xuyên. Rolf Jacobsen và nhà thơ đồng thời với ông là Olav H. Hauge vẫn được coi như những nhà thơ bậc thày trong các nhà thơ Na-uy hiện đại.

Theo Roger Greenwald, một dịch giả Mỹ của ông, «Thơ Rolf Jacobsen đặc biệt vì hai lẽ: là vì nó đã mở một chương mới trong thi ca Na-uy và vì nó thăm dò đời sống với một cảm quan và tiếng nói thật phân minh rõ rệt.»

Một số nhà phê bình ở Tây Âu cũng nhận định về Rolf Jacobsen như «một nhà thơ lớn của thành phố, của cơ khí, kỹ thuật» và thường xếp ông vào trường phái «hiện đại» (modernisme). Có người còn dùng đôi nét tiểu sử của ông để «chứng tỏ» rằng Rolf Jacobsen đã bị thành phố cuốn hút ngay từ nhỏ hay ít ra, cũng đã có điều kiện để sớm nhận thấy nét đối nghịch giữa đồng quê và thị thành: Rolf Jacobsen đã rời Oslo nơi ông sinh để tới Sølar vào năm ông lên sáu; ông theo học ở thủ đô Na-uy, nhưng sau này lại lui về sống tại Hamar, một thành phố nhỏ ở cách Oslo chừng 95 cây số về phía bắc, trên bờ phía đông hồ Mjøsa...

Quả thật, qua các tác phẩm của Rolf Jacobsen, người ta có lẽ cũng dễ dàng nhận ra sức cuốn hút của thành phố đối với ông. Nhưng, như chính Rolf Jacobsen đã nhấn mạnh, trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tạp chí Profil vào năm 1967, về cái «tương quan căng thẳng» giữa đồng quê và thị thành mà mình đã cảm thấy, thành phố «chỉ là một trong hai cực ở giữa đó nhà thơ nảy nở phát triển». Tác phẩm của Rolf Jacobsen cho thấy một nỗ lực thường xuyên, bền bỉ nhằm «vượt qua» cà hai cực ấy, vượt qua chính bản thân, để tiến tới những vùng trời xa hơn thế.

*

Với những thi phẩm xuất hiện từ những năm ba mươi, Rolf Jacobsen đã tới «hơi sớm», không những đối với giới văn nghệ bảo thủ ở nước ông, thường được kêu bằng «truyền thống», mà còn đối với cả phong trào «Thơ mới» ở Na-uy (thường được coi như chịu ảnh hưởng của Thơ Thụy-điển.. những năm bốn mươi!) Một nhà phân tích thơ Na-uy cho hay: Vào năm 1933, khi Rolf Jacobsen cho in tập thơ đầu tay của ông, hầu hết thơ Na-uy vẫn còn được viết theo những thể điệu và âm vận «truyền thống»; các hình ảnh thường dùng cũng vẫn mượn từ những nguồn «truyền thống» như huyền thoại, tôn giáo, thiên nhiên, đi biển, hoặc chiến tranh...; và hầu như bao giờ cũng nhuốm một giọng «cao cả», «siêu thoát»,.. Vậy mà, ngay trong tập thơ đầu tay, Rolf Jacobsen đã viết nhiều bài theo lối thơ tự do, không vần và sử dụng ngôn từ gần gụi với lối nói thông thường; nhiều đề tài và hình ảnh được rút ra từ cuộc sống đô thị kỹ nghệ hiện đại...

Ngay từ đầu, tuy không nhất thiết đoạn tuyệt hẳn với vần điệu và đề tài ngày trước, thơ Rolf Jacobsen đã đem lại nhiều đề tài và hình ảnh khác lạ và một hình thức thật mới, so với thơ «truyền thống». Cũng như ở một vài vùng trên thế giới, sự thay đổi về chủ đề và bút pháp.. nổi tiếng là chậm chạp ở Na-uy, trong lúc thời đại mới đã tới từ lâu trong thơ của các nước. Và phải đợi mãi tới những năm năm mươi, thơ Rolf Jacobsen mới thực sự «xuyên thủng» được bức màn sương Na-uy kia. Rolf Jacobsen nổi bật lên vào năm 1956 với tác phẩm Mùa hè trong cỏ. Vào những năm năm mươi ấy, Na-uy khám phá «thơ cụ thể», «pop’ art», nghệ thuật «tâm hoặc»; những suy tư kiểu «hiện sinh» từng tạo nên phong trào gọi là «những năm bốn mươi» ở Thụy-điển và đường hướng «dấn thân» về ý thức hệ do Erling Falk và tờ tạp chí Mot Dag của ông chủ xướng «nhường bước» cho một ý muốn giải phóng quyết liệt, cố nhiên là không nguyên về hình thức. Chính trong khung cảnh của một đất nước «không ngừng bước ra từ đồng quê, từ bê-tông cốt thép, những cần cẩu khổng lồ...», bằng những hình ảnh và nhịp điệu mới, Rolf Jacobsen đã rèn nên những kinh nghiệm của mình về thế giới hiện đại. Từ đây, ông được đông đảo mọi người, kể cả các nhà thơ thuộc các «thế hệ đi tới», nhìn nhận như người đã phát khởi trường phái «hiện đại» ở Na-uy.

*

Mấy dòng trên đây rất có thể gây đôi chút ngộ nhận. Vì ấy chỉ là lược thuật vụng về một số những cảm tưởng của những nhà nghiên cứu «muốn sống lại phút khởi nghiệp» của nhà thơ, hoặc của một số người ưa tìm kiếm biểu tượng cần thiết của một đoạn tuyệt hoặc một «đổi mới» nào đó theo ý họ. Sự thật không giản dị như vậy. Ngay tựa đề tác phẩm đầu tay của Rolf Jacobsen (Đất và Sắt) dường như cũng đã biểu lộ phần nào ỳ hướng của ông: ở giữa Cũ và Mới. Dường như ông muốn là một cây cầu, một gạch nối. Trong phần đầu tác phẩm, với những đề tài tương đối quen thuộc, Rolf Jacobsen đã hoàn toàn sử dụng lối thơ tự do. Nhưng ở phần chót, với những đề tài có tính «hiện đại» triệt để, đôi khi ông lại dùng âm vận cũ «thích hợp với đề tài»!

Rolf Jacobsen rất thiết tha với đổi mới, với «tiến bộ» khoa học kỹ thuật..., ông tìm thấy thơ nơi máy móc, đường rầy, các phương tiện hiện đại, nhưng ông cũng không bỏ qua những khía cạnh tiêu cực của chúng, đôi khi còn có những cái nhìn thật nghiêm khắc. Ông đi lại thường xuyên giữa đồng quê và thị thành, ông «bơi lội» thoải mái giữa những chủ đề hiện đại, nhưng cũng không quên những tiếng gọi của xa vời, của huyền thoại. Như tất cả các thi sĩ lớn của mọi thời đại, hay như hầu hết những người Na-uy, ông vẫn duy trì một tình yêu nồng nàn đối với Thiên nhiên. Ý thức xã hội trong thơ ông thật cao, ông đón nhận mọi người mọi vật thật cởi mở, nhưng những bài thơ để lộ cuộc sống riêng tư thường nhật của ông lại thật hiếm. Với cái nhìn sắc bén «hết sức hiện thực» của một nhà báo, ông khai triển những ẩn dụ trong thơ, thường bằng một lối đề cập thật khiêm tốn, giản dị. Sự «dấn thân» của riêng ông đối với thế giới thường ngày không cấm cản ông tái tạo những huyền thoại, những quá khứ đã thuộc về lịch sử... Dường như mối quan tâm chính của ông không phải là thành phố hay đồng quê, cũng không phải dĩ vãng hay hiện tâi, truyền thống giả mạo hay tiến bộ ngoài mặt... Ông là một người sống hết mình với thời đại nhưng không khi nào chịu trở thành nô lệ của thời đại. Là vì sự đổi mới nơi ông thiết yếu bao hàm một sự đổi mới khác mà ít người thật sự quan tâm. Có lẽ, như bất kỳ ai, ông là tất cả những gì thiên hạ có thể nói về mình, cộng thêm đôi chút nữa, đôi chút đóng góp của riêng ông đối với quê hương, trái đất và những tạo vật sinh sống trên đó.

Chính Rolf Jacobsen cũng đã viết: «Tác giả thuộc những người nhìn thi ca như một cánh tay nối dài của ngôn ngữ (...). Nhà thơ bắt đầu ở chỗ các nhật báo chấm dứt. Ông cố gắng kéo dài các dòng chữ xa hơn đôi chút. Cũng như âm nhạc, cũng như hội họa, cũng như ngôn ngữ của các ký hiệu toán học, ông tìm cách mở rộng hiểu biết của chúng ta, chân trời của chúng ta và những phản kháng của chúng ta tới mãi những địa hạt mà những thứ mẫu tự thường nhật không đạt tới.» (trích lời tựa Thi tuyển, 1977). Rolf Jacobsen cũng nói thêm về nhà thơ như «một người bình thường đi trước thời đại, ông là một ai đó đang tìm kiếm và tìm thấy những điều mà những người khác lướt qua trước mặt thật dửng dưng…»

Với những suy tư như thế, có lẽ chúng ta cũng sẽ quá hời hợt khi nhìn tác phẩm của Rolf Jacobsen chỉ như biểu hiện sự «mất gốc rễ» của con người nơi thành thị. Một thái độ nghiêm túc hơn có thể là coi cái thường nhật của đời sống hiện đại, diễn tả trong tác phẩm của nhà thơ, như một phương cách để «nhận chân» con người «tạm bợ» và vượt qua hắn... Tất nhiên, một nhà thơ, như Rolf Jacobsen, cũng không thể bị hạn định vào những nhu cầu của một vùng đất hoặc một thời đại, mặc dù vẫn có thể mang trên mình tất cả những nét đặc thù của thời đại trên quê hương.

 

Lộ-trấn , 24. 3. 1994

 

------------------------------------------------------
* Bài viết trên đây đã được dùng làm tựa cho tuyển tập thơ dịch của Rolf Jacobsen: Những gì viết trong gió (Tủ sách Thơ, Trình Bầy, Lộ-trấn, Pháp, 1994). Sách dầy 112 tt., khổ 14 x 21. Xin mời bạn đọc xem thêm phần trích thơ của Rolf Jacobsen đăng song song trên Tiền Vệ: Những gì viết trong gió .

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021