thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Béthanie | Tuyên ngôn mùa thu | Bờ bên kia | Bánh xe đêm | Ký ức | Người đàn bà trong tranh
(Diễm Châu dịch)
 
BÉTHANIE*
 
Tôi đã chạm tới xác thịt này và không gặp cuộc phục sinh nào khác hơn là quên lãng
cũng chẳng gặp sự nồng nhiệt nào khác hơn là của những vành môi dán vào đêm,
vào bóng tối được ôm ấp của những thân xác,
vào những từ thốt ra để cho những cửa miệng cưỡng lại sắt thép của đêm tối.
Cả máu nữa cũng nhớ tới những cuộc phiêu lưu trần thế
như một con tầu xô tới xô lui dẫu ở ngay kè bến.
Bầu trời hôm nay là một lịch sử vô định khác,
đêm rơi rơi đặt cánh trên những tính danh đã được ghi ra.
 
Ẩn núp nơi đâu những gì ngời sáng khi ngọn lửa lui xa?
Ẩn núp nơi đâu cái gì đương đầu với sức mạnh của những gì ngủ?
 
Mưa bụi trên trái đất như một hối tiếc muộn màng,
như một ý muốn thầm thì xá tội.
 
Phép thuật đã hạ vũ khí giữa căn buồng,
câu chuyện La-da-rô trở thành món ăn của những viên lang băm đầy thiện chí hay ác ý,
và hậu quả là món di tặng này: cái xác thịt kiêu căng vì cái chết của mình,
điều ấy người ta coi như bước đầu hướng tới vĩnh cửu.
Hết mọi dòng sông đều năng ly hướng về những đám mây
và yêu cầu được trút đầy bằng vô tận để chậm rãi uống từ một bóng tối khác,
hết mọi dòng sông đều hy vọng tấm thảm trăng, căn buồng khép kín
nơi vào lúc hừng đông trút bỏ áo quần những kẻ đắm chìm khi còn con trẻ.
 
Nhưng không phải là ở nơi trái cây đã tới độ chín mùi
cũng chẳng phải là ở dưới tàng cây mà bầu trời giữ lại những vị thần vắng mặt,
mà những con mắt lại có thể mở ra.
Mà ấy chính là nơi sự vô đạo của những pho tượng, nơi những bài đọc ngấm ngầm của lưu hoàng,
nơi sự thật của hỏa tiêu, nơi những cánh đồng máu.
 
Lúc ấy thời ánh mắt cũng chẳng lầm lạc gì hơn là tình ái,
những người đàn bà nhảy múa chung quanh chính sự trần truồng của mình
và kêu gọi chúng ta khóc thương cho những thiên thể của họ đã chết.
 
Những con mắt yêu thương nâng đỡ tôi này cũng đã mở ra trên những dòng sông,
trên những lớp cát được xúc sạch như có ai đó sắp xếp lại những kỷ niệm và bắt đầu cất bước.
Những dòng sông lặng lẽ trỗi dậy để mở cửa cho đại dương,
cho đại dương bước vào trong lúc rũ bỏ những bức chân dung và những bóng ma,
những chiếc giường và hậu quả máu me hay tuyết giá của chúng.
 
Tôi tin ở sự tăm tối của vật chất nhưng tiếng tăm của nó không có gì là tăm tối;
Chúa đã lẳng lặng bước vào nhà mồ của ngài
là vì ngài tin ở quyền lực của con người có thể đánh thức ngài dậy,
là vì mọi người đi tới chốn gặp gỡ nhau
với một ánh sáng đỏ thắm và đầy thịnh nộ đi trước.
 
Tôi đã hít thở phần dửng dưng của tôi,
sự lãng quên mà một ngày kia chúng ta mang trong tay như một đóa hoa bằng giấy xinh đẹp.
Tôi đã âu yếm gọi tên những lỗi lầm của tôi
và đã run rẩy khi tin ở những gì đè bẹp tôi.
Tôi đã qua những buổi tối lặng lẽ, quan sát cuộc phục sinh giả trá của mình
trong lúc chờ đợi một cử chỉ phát giác
để chiếm lấy đêm tối như chiếm lấy một lò than hồng.
 
Mùa xuân đã đi qua với những tiếng nói thơm nồng,
với chan hòa ánh nắng trên những làn má,
mồ hôi cũng đẹp như bọt nước trên những thân hình thiếu nữ,
con tim đã để lại một lá thư nặc danh khác trên bãi biển.
 
Tới lượt nó loạn cuồng giờ đây chờ đợi triều đại mình,
mặt trời tiến tới trên những nhà mồ để ngỏ,
nhưng những người chết đã không thể hiến chúng ta một thác từ nào nhỏ nhất
về sự vắng mặt của họ, thế nên sầu muộn vẫn đẹp hơn
là một cây cột Hy-lạp.
 
Này đây ánh mắt này,
ánh mắt đã trở lại với những cùng đích riêng của nó,
ánh mắt vươn ra như một hiệu kỳ chiến tranh, như một cuộc xung kích quyết liệt của mùa đông.
Và này đây khi nâng ngọn đèn lên bàn tay tôi không rung.
Có những tấm gương vỡ vùi nửa chừng trong cát của bãi biển,
ấy là lớp vẩy của những ngày mùa hè;
và trong chiều muộn xám xịt biển xô hết thân hình
như thể muốn lay tỉnh đất trước một ánh sáng sâu hơn...
 
Và chúng ta đã khóc, chúng ta đã thấy mình chạy qua nước mắt chúng ta,
chúng ta đã phấn khích đôi má, chúng ta đã mò mẫm sờ nắn một tấm thân khác
một tấm thân không tới trong nước mắt; lúc ấy muộn chiều
dường như đã chờ đợi trong đôi mắt chúng ta.
 
Nhưng giờ đây tôi đòi hỏi làn má kia của tình ái,
bên mặt chưa bị chính im lặng của mình tát phải;
là vì tôi tin chắc ở sự đơn độc không ngừng của biển, hãy biết thế,
và cái ánh trăng ngời sáng trên tóc của những người chết đè nặng tôi.
Giờ đây tôi thấy cái gì chậm tới, tôi nghe tiếng kèn tù-và
báo hiệu mở mùa săn.
 
--------------------------------------
* thị trấn xứ Giu-đê, gần Núi cây Dầu và Giê-ru-sa-lem, nơi Đức Giê-su thường lui tới, kể cả những ngày chót. (người dịch)
 
 
TUYÊN NGÔN MÙA THU
 
Này đây tôi.
 
Mùa Thu sẽ tiết lộ cho chúng ta cái hạt nhân của thế giới,
trên những chiếc lá của nó màu vàng sẽ không là gì khác hơn một vẻ rầu buồn,
đó cũng sẽ là sự thật của trái đất,
sự đi qua của vầng trăng nọ nơi các thiếu nữ đã ngừng run rẩy;
lịch sử mà trẻ nhỏ sẽ không đánh bóng bằng tay chúng.
 
Tôi biết rõ ánh mắt của sự giả đò,
thành phố đã bị đóa quỳ ban đêm chinh phục;
hãy cho tôi những ống xương của tôi và xương những người đã chết của tôi
và tôi sẽ khiến chúng nở hoa trong đêm tối.
 
Là vì tôi thấy màu mật sậm nơi những khuôn mặt đã mất đang tìm cách lại gần chúng ta,
đặt hơi nước của con tim họ trên ô kính của khung cửa sổ này, khung cửa vô tình để
đèn sáng đêm nay.
 
Là vì tôi tôi thấy những buổi mai tháng Mười hõm sâu vì móng vuốt của tia chớp
kéo ra từ nơi sâu thẳm những thiếu nữ đã chết,
những đứa trẻ đã không thể chà láng một lịch sử nào hết bằng tay chúng.
 
Này đây tôi.
 
Nơi đây hội tụ những truyền thuyết có nước da lấp lánh,
những ánh mắt nơi phát sinh cát lún giữa mọi hoài niệm;
là vì giờ đây tôi xem xét những khuếch trương của huyền thoại
và chẳng thấy một câu trả lời nào khác hoặc một cách biệt nào khác ngoài nước mắt,
lớp da bị bỏ rơi ngoài biển, tiếng cười của con linh cẩu đằng sau những tấm gương.
 
Tôi đo đạc thành phố này; tôi tôi không bước trên những dòng nước,
tôi bước trên lá khô rụng xuống từ vai tôi,
tôi nhìn ngắm những người đã chết trong đôi cánh tay những bức chân dung họ, tôi nhìn ngắm những người còn sống trong đôi cánh tay những sa mạc của họ,
những người gái điếm còn trinh được ướp trong nụ cười của mình.
 
Tôi biết rõ thành phố này, những bãi chó đái, cái lốt mèo rình rập này,
những đường phố mà tôi đã rảo qua này khi lặng lẽ quan sát những gì đang ngốn ngấu tôi.
Tôi đã thấy nhát roi của tro trên những thân hình thiếp ngủ,
nỗi sợ được những bàn tay âm thầm đánh bóng,
ánh sáng luồn vào nơi xa nhất của những con mắt,
vàng cùng với tuổi thơ của nó trong giọt máu đầu tiên.
 
Này đây lịch sử,
này đây cái mê cuồng mà trăng đã ôm trong đôi tay,
cái ngọn cỏ đã bứt khỏi con tim, cái tiếng lao xao của lá.
 
ở chốn nào cười rộ cái già nua của những bức tường?
Nơi đâu kinh hoàng truyền thông với tồn sinh?
 
Ấy nó mùa vũ trang như một chiến binh,
ấy nó mùa trần truồng như một người đàn bà vô địch,
ấy nó mùa mà lịch sử có biết bao điều liên hệ với mưa.
 
Này đây tôi.
 
Tôi đã thấy những công viên lệ thuộc sự tàn nhẵn của phương mặt trời lặn,
tôi đã thấy chúng bị bỏ mặc cho ánh sáng của chúng, bị gây thương tổn trong ánh sáng của chúng,*
tôi đã thấy nơi những nhà bếp chất muội đen của những giọt nước mắt,
chút mỡ đã cháy của một bầu trời bị cấm doán,
tôi đã thấy những hang ổ dã thú nơi vành trăng rửa sạch máu mình
như rửa sạch một cuộc tình bị lên án.
 
Này đây tôi vào lúc mà mùa Thu đem lại cho thành phố một tín điệp của biển.
Tôi đã tới nói điều ấy.
 
-----------------------------
* Câu này, mặc dù có sự "hàm hồ" trong bản Pháp văn, tôi đã tạm dịch như trên, trong khi chờ kiểm lại với nguyên tác! (người dịch)
 
 
BỜ BÊN KIA
 
I
 
Tôi đã muốn nhớ lại bài ca này,
bài mà tôi đã không thể nghe thấy trong tôi, bài mà tôi đã không sao rút ra được từ thế giới;
một công chuyện đớn đau: cái bài ca mà tôi đang ra sức nghe,
cái bài mà tôi đã nhận ra sự vắng mặt trong làn gió nhẹ chỉ thoáng
gây âu lo cho khóm hạnh đào,
trong yên tịnh của làn gió nhẹ thoảng qua đám lá này nơi cả tôi nữa tôi cũng sẽ phải chết,
và sự trầm lặng này mơn man ở đâu đó trong tôi
cái hình thù của bàn tay đầu tiên mà chúng ta vươn tới sự sống
và kế đó rụt nó lại tối tăm và ướt át.
 
Bài ca đầu tiên này, bài ca đầu tiên này có lẽ đã không bao giờ tới,
cái bài ca mà im lặng của nó giờ đây phản chiếu trong tiếng lao xao của làn gió nhẹ này nơi những cây hạnh đào,
có lẽ cái im lặng của nó, tôi muốn nói tiếng lao xao của những chiếc lá này, là tấm gương duy nhất
nơi tôi nhận ra tôi, nơi tôi chăm chú quan sát tôi, chịu khuất phục trước hình ảnh tuyệt mệnh này.
Hay có lẽ làn gió nhẹ này nơi đám lá
là sự vắng mặt của mọi bài ca, là khuôn mặt lặng lẽ của mọi cái tên,
khuôn mặt của bọt sóng mà biển đã hòa tan,
khuôn mặt những đứa con chưa xuất hiện của tôi, trên bộ xương khô tàn khốc của người tổ phụ
đã mất.
 
Giờ đây tôi nhớ tới tất cả không chút đam mê, không những vũ khí ám ảnh, không những kỷ niệm,
và cuộc viễn du nọ mà ánh mắt hãy còn hỗ trợ
rời bỏ ngưỡng cửa vào một chiều mưa trong tuổi thơ.
Và lúc đó, là cái thói quen bất giác mỉm cười này,
cái thói quen cảm thấy làn gió nhẹ này nơi những cây hạnh đào, những cây hạnh đào ở trong tôi, hòa lẫn với hồn tôi,
và mơ tới một bài ca nơi có lẽ tôi sẽ không còn phải nghe thấy tôi;
phải, cái thói quen sống cũ kỹ ấy...
 
Và tôi tôi trải những lời nói trên đám cỏ riêng của tôi,
tôi tôi trải những lời nói trên thế giới để dần dà hình thành chúng,
cưỡng đoạt của chúng những âm thanh như bấy nhiêu lời thú tội tàn nhẫn.
 
Trên tháp chuông giáo đường
mặt trời đi qua và bịm môi, hay ấy chính là tôi đang bịm môi?
Hay ấy chính là mặt trời và giáo đường đang bịm môi tôi?
Hay ắy chính sự thèm khát mặt trời và giáo đường đang bịm môi tôi?
 
Phải, tôi đã bỏ mất cái bài ca này, cái bài ca này, cái tai ương dịu dàng này,
cái xảo thuật mà ý chí tôi đã biến thành những vết thương nho nhỏ, những vấn nạn nho nhỏ không bao giờ biết tự chặt đầu,
và giờ đây thế là tôi đã trở lại,
quan sát những đường phố này, quan sát con sông này, những dòng nước sạm đỏ và được nhuộm vàng dưới ánh sáng mặt trời này,
và thành phố này không phân biệt với những thành phố khác,
nó khác biệt với chính nó.
 
Và tôi đang ở trong thành phố này như trong một bài ca khác mà tôi cũng không còn nhớ nữa, một bài hát có lẽ chưa bao giờ ở trên môi tôi,
như trong một lời nói khác đã ngụ nơi tôi một phần lớn trong ngày
và sau này trong đêm tối đã trở thành kẻ chết đầu tiên của tôi.
 
Tôi đang ở trong công viên này nơi những cây hạnh đào chỉ hơi gợi ra làn gió nhẹ, thời của đám lá,
dưới một bầu trời đã mắc cạn vào buổi sớm mai
như một con tầu lớn thời xưa – kỷ niệm về những thần linh khác, những con người khác
và những cuộc giao tranh khác –
và ánh mắt tôi mở lớn đôi cánh tay để đón nhận cảnh vật,
nhưng vô ích, trong cảnh vật đã có điều gì đó của một ánh mắt,
điều gì đó cũng mở những cánh tay...
 
Một làn gió nhẹ mới sinh thổi giữa những cây hạnh đào, một làn gió nhẹ xa xăm thổi giữa đôi vành môi tôi,
rồi là im lặng,
im lặng của tháp chuông giáo đường dưới ánh sáng mặt trời
im lặng của từ giáo đường, của từ cây hạnh đào, của từ làn gió nhẹ.
 
Có một máy thu thanh bật lên trong cửa tiệm tạp hóa lân cận;
những người tình bước qua - gần như trẻ nhỏ - tay trong tay,
mặt trời xua tháp chuông giáo đường về một buổi trưa khác...
Tôi sắp nói điều gì đó; chính vì thế mà tôi đã cầm cây bút, vì thế mà tôi đã nắm lấy hồn tôi;
tôi sắp nói gì?
 
Và như thế đã đi qua cái ngày nóng nực và đầy mây này
và như thế cái tháp chuông giáo đường bị mặt trời xua đuổi như một con tầu mà gió xô đẩy
đã băng qua lồng ngực tôi, và đêm tối kế đó đã khép lại trên những ngôi nhà, trên những dòng nước của con sông,
và ấy cũng thể một bàn tay đeo găng đã nắm lấy mọi sự.
 
Tôi sắp nói điều gì đó, tôi đã cầm cây bút này trong tay...
 
 
II
 
Ngày trỗi dậy trong tôi và tôi ở lại đó trông chừng phía mà tôi không có mặt,
trên bờ bên kia là công viên và những cây hạnh đào, con sông, tháp chuông giáo đường.
Bởi sáng nay tất cả dường như đều mở mắt ở nơi khác, trong một lịch sử khác,
tôi dường như cũng đã mở mắt nơi những con mắt khác
và tôi quan sát ánh sáng chiều theo đám cây thật tự nhiên không kém gì
tôi ngồi vào bàn chờ đợi
món ăn đầu tiên.
 
Và có lẽ làn ánh sáng này cũng là một chiếc bóng của bài ca nọ,
đám cây này, cái bàn này, buổi sáng, mùi vị của ổ bánh này ghi dấu sự trở lại của những dáng vẻ bên ngoài?
Và bài ca lay động đôi cánh,
rũ sạch cái vẻ ngoài của bài ca, rũ sạch cái vẻ ngoài của đôi cánh,
vài chiếc lông chim rơi rụng, thật xa đôi môi tôi, thật xa làn ánh sáng này,
thật xa cái im lặng này, cái điệu nhạc khả hữu này, trong một lịch sử khác
còn xa hơn cả lịch sử của tôi.
 
Ngày trỗi dậy trong tôi; ở lại một bên là công viên và những cây hạnh đào,
dòng sông, tháp chuông giáo đường, thành phố của tuổi thơ tôi, những trò chơi đã quên;
tôi đã ở lại trên bờ nào để quan sát chúng?
 
Tất cả chỉ có thế,
tôi sắp nói một điều gì, tôi sắp sáng tạo một điều gì đó.
 
 
BÁNH XE ĐÊM
 
Có lẽ là kỷ niệm này;
cái câu phát sinh trên phù sa của một giấc mộng như một loài côn trùng còn ngập ngừng và tỏa sáng,
tiếng nghiến rít của những chiếc cánh xanh và đen, một chút gì của em và tôi,
cái nghi lễ nhỏ bé và khủng khiếp.
 
Con chim mà đường bay thực hiện trong khoảnh khắc dạng thức của buổi chiều,
em bước bên tôi ở một nơi mà chúng ta không nên gặp nhau,
tôi tiếp nhận từ tay em cái hơi ấm lang thang này của buổi mặt trời lặn, cái cử chỉ của một thế giới bị bóp nghẹt,
mặt trời đứng thẳng như một tàng cây ở cuối đồi.
 
Lãnh thổ dị kỳ mà ánh mắt khám phá ra trong chính sáng tạo của nó,
sáng tạo vô hình của các biến cố,
ký ức, con cá đột ngột trong hồn, cái nhếch mép của đại dương,
khát vọng tan vỡ trên lồng ngực đang cảm thấy ngày tàn.
Ấy đó có lẽ là kỷ niệm,
em nghiêng mình bên khung cửa, lui dần dưới ánh sáng xa xăm.
 
Không, nó không nhớ tới gì hết,
cái ánh mắt lạc lõng, cong oằn dưới sức nặng của những gì nó không thấy, những gì nó không cần hiểu,
vùng bóng mờ ở lại nơi ngôn từ...
 
Ấy không phải là đôi môi em đang từ thèm muốn này tới thèm muốn khác tìm lại được nơi hang ổ ban đêm,
ấy không phải là làn da em thu thập lại trên biển như một phán quyết tiên tri,
ấy không phải là khuôn mặt em trở lại băng qua dòng vận chuyển của những từ này,
ấy không phải là những gì đang âm mưu ở ngay cùng đáy của luyến tÛếc như tiếng gọi của một bó đuốc
đã tắt ngấm dưới cơn mưa.
 
Ấy chính là căn buồng tôi đang quay quay như một con thú bị thương,
ấy chính là căn buồng tôi trong lặng lẽ, cái giường bất động, đang trôi giạt từ chính nó như một món đồ bị tên mình vò xé.
 
Qua khung cửa sổ đến với tôi làn ánh sáng trước mặt này, làn ánh sáng vàng vàng không phát hiện tôi,
và tôi viết những từ này, những từ siết lại gần nhau, không bao giờ lại gần em cũng chẳng lại gần tôi,
và khi thuật lại một trong những cử chỉ của em, một trong những hành động của em, tôi thấy em biến mất trong những từ này
và tất cả lại phải tạo lại:
 
biển đang đưa ngón tay chạm tới sắc màu của những loài sò ốc khi mặt trời xế trưa nghiêng xuống chúng,
con đường nơi đêm đang xuống và chiếc xe quấn quít lấy nhau trong một ý niệm khác về thời gian,
căn buồng khách sạn kia, căn buồng không có trong căn buồng này,
em nghiêng mình bên khung cửa, đang hướng về tôi, đang nói về đêm,
những thiên thể đang lấp lánh ở xa xa như bấy nhiêu sự vắng mặt của thời nhỏ dại,
đang nói với tôi về khu rừng tới ngồi ở bìa làng và buồn rầu nhìn ngắm khu làng.
 
Ấy chính là cái ngày đầu tiên hết ấy khi chúng ta thấy mùa thu đặt trong cây cối cái tên không một sức nặng nào của nó,
ấy chính là cái mặt phẳng nọ nơi mộng mơ là bước chân duy nhất ta có thể nghe thấy,
những bàn chân trần giao thoa với chính ký ức của mình,
sự trần truồng của em nơi những dòng nước xa xăm nhất của biển tới đập vào tôi, cuốn tôi đi cùng với chúng,
vầng trăng đang lên giữa rặng thông như một thèm muốn vuốt ve,
tên em mà đêm tối soi mòn như một tảng đá trắng lớn.
 
Ấy chính là đêm nay và cuộc trở lại này,
ấy chính là căn buồng tôi đang quay quay như một con thú bị thương,
ấy chính là cơn gió nhẹ đã vuột khỏi những bàn tay mở của cây cối,
ấy chính là im lặng nghiêng mình trên trống không như đầu một ông vua già.
 
Ấy chính là khung cửa sổ phó mặc cho đêm tối, ấy chính là cái đêm tối này ở phía sau vầng trăng này, ở bên kia cái vòng lẩn quẩn này;
cái cảm giác mơ hồ của thủy tinh, của hạn giới khi khép lại tấm kính cửa xe,
dưới kia là thành phố đã lên đèn và chết, và những từ này hay chẳng có gì hết
khi tôi xoay mình lại phía em để ngắm nhìn em.
 
 
KÝ ỨC
 
Tôi đã trở lại nơi được chỉ định, theo dấu vết những dòng nước cay đắng của em;
buổi chiều đã rơi xuống đáy biển như một lồng ngực chết
và một tiếng chuông điểm giờ trong lúc bao phủ tôi bằng bọt nước.
 
Tôi trở lại hướng về em,
mùa thu và nhành cây non hợp nhất trong thắng thế của bụi.
Tôi trở lại hướng về em, em trở lại với sự sa ngã, với hành động ban đầu.
 
Em đã trỗi dậy từ đôi mắt em, tình yêu gõ lên trán,
với một nước da màu cỏ mà buổi sáng rất dấu yêu.
Em đã trỗi dậy quấn trong tuổi em,
chưa bị lôi cuốn với sự trần truồng của em, với đôi môi em đang biến đổi
thành một lần lá rụng mà rừng cây sẽ phải chịu trong lúc tối lại.
 
Em đã trỗi dậy từ những gì em đã biết,
từ những gì em đã quên đi như người ta quên một mũi lao phóng tới của biển
và một ngày kia tiếng lao xao báo trước của nó khiến chúng ta thức giấc.
Em đã trỗi dậy từ trán em
lúc này là chân trời mà đêm tối đã chọn lựa để đổ bộ.
 
Tôi tôi đang chờ, đêm mở ra như một cây quạt khói và những lời trừ tà,
ông vua chết mà chúng ta mang trong mình
cất tiếng cười vang từ đáy cỗ áo quan bùn.
 
Tôi tôi đang chờ. Tôi đang lắng nghe bước lùi, sự đột ngột của bước tiến tới.
Em đã chỉ định lồng ngực tôi từ một khoảng cách của đêm tối,
ánh sáng thực hiện công việc tối tăm của nó trong mắt em,
đột nhiên em đã nhìn tôi - nhưng từ đâu?
Từ đôi mắt em đang nhìn thấy tôi hay từ đôi mắt em không nhìn thấy tôi?
Và em đã sinh ra dưới sự trần truồng của em, bằng một chuyển động của nước và những hoài niệm.
 
Vào giờ mà những thân xác quấn quít lấy nhau, vào giờ của chén rượu mừng,
vào giờ của giọt nước mắt cắm trong khu vườn cấm,
trong hư không hòa lẫn với những câu chuyện đã quên,
trong một câu hỏi phũ phàng, trong những cuộc chuyện trò mỏi mệt,
trong cái cách mà em đã gỡ bỏ đôi bao tay,
– Anh có nhớ? – em nói khi tiến tới.
 
Cái im lặng khúm núm này, cái tạm ngừng khiến bụi bốc lên trong tim em.
Thời gian được thu thập lại trong một bàn tay, trong một chiếc bao tay đang rơi rơi ra hiệu
trên một triền non của những lời thiếp ngủ.
 
– Anh có nhớ? – em nói.
Lời nói, cái chuyển động của xác thịt trên lòng đất,
toàn thể thứ ngôn ngữ mà đêm tối đang buông rơi trong đôi mắt như một nắm đá quý,
những viên đá biến thành đôi bao tay rơi rơi.
 
Trái cấm và sự tiết thực mà mỹ tục mới đã dặn dò.
Sự dối trá há miệng ngáp trong lúc vỗ béo,
cơn mỏi mệt lè lưỡi để hát vào tai chúng ta.
Đêm tối thức dậy trong bãi rác mà người điên thừa hưởng,
ánh sáng thủy ngân hóa đá những cử chỉ tởm gớm trên đường phố;
còn tôi tôi ngắm nhìn thành phố từ sân thượng,
ánh đèn xe cộ đang cắm sâu vào khoảnh khắc không thể khoan thứ,
vào thời gian tôi hãy còn nắm giữ một chiếc ly trong tay,
vào thời gian đang tỏa ra từ khuôn mặt em mới sinh,
vào thời gian đang biến chuyển động và sự sa ngã
thành khoảnh khắc độc nhất.
 
– Anh có nhớ? – em nói.
Em đã nằm dài hít thở, đôi mắt em khép lại mặc thế sự.
 
Đêm tối đã bước vào tim em, em em đã trở lại.
Dấu vết những chiếc cánh đớn đau, những hạn giới đã sa xuống nước.
 
– Anh có nhớ? – em nói khi trút bỏ đôi bao tay.
 
– Anh có nhớ? – em nói khi mở đôi con mắt.
 
 
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG TRANH
 
Em bắt đầu biết thế,
tình yêu của em cho thấy những thứ thuốc để pha nước tắm, những hội lễ bắt buộc, những bữa ăn một mình của nó;
đôi khi, bộ xương khô của vị thiên thần hộ mệnh
nhảy múa trong mắt em,
những con chim non hoang dại thức giấc run run trong tay em,
mùi hôi hám của chuyện đóng đinh thập giá
không còn làm em bịt cánh mũi của em, cánh mũi cô em gái nhỏ "không biết gì hết", "không hiểu gì hết".
 
Giờ đây em bước qua cánh cửa,
giờ đây em biết rằng đớn đau là một kẻ đưa tin tôi đòi của vô tận,
trong mắt em những gì em nhìn ngắm gọi dậy nơi bản thân em như những đứa trẻ nhỏ
ngồi bên mép giường
chờ người ta đến thay quần áo.
 
Giờ đây em đảm nhận thân xác em, giờ đây em đi đây đi đó trong hết thảy những gì bao quanh em,
đôi khi trong nụ cười của em hãy còn xuất hiện
cái cô gái nhỏ õng ẹo "thật có giáo dục" nọ,
nhưng trông đợi của em mảnh lần, kêu gọi em bằng một tiếng nói mỗi lúc một yếu hơn
khi em đã không còn buồn nghe nó.
 
Xinh đẹp lạ lùng em lúc này là bóng ma của chính em,
trong hồn em đã bước vào da thịt của đời và của em hòa lẫn,
bị thúc ép vì cùng một lạc thú, bị khuấy trộn bằng cùng một đớn đau.
Trần truồng, những áo quần mà em vừa gỡ bỏ
không còn tái hiện trong mắt em nữa,
thế nên ánh mắt em và tiếng nói em cũng trần truồng,
em còn lại trần truồng
và trong sự trần truồng của em lướt qua những ngôi đền xưa, những lời kinh nguyện, những thương binh và những ca khúc thời chiến,
những vùng biển xa xăm và cả cuộc sống khả hữu trên những hành tinh khác.
Giờ đây thân xác em đã hiểu là thân xác có nghĩa là gì,
có nghĩa là gì khi em là nó;
thân xác em xoải dài dọc theo người tình của em, dọc theo linh hồn em,
và tất cả những con tầu xa rời tim em đèn đóm lúc này
đều tắt hết.
 
Giờ đây em đã thử thách chính bản thân em
và một người đàn ông không phải là kẻ xâm lăng xa lạ mà em đã quen biết,
người chồng dè dặt, anh chàng đã âu yếm làm em chết một khoảnh khắc
vì một vài cái mơn trớn vuốt ve, vì một vài đồng tiền.
 
Thế nhưng em cũng biết rằng không có, không có cái toàn thắng mà ngày này hay ngày nọ em đã ao ước,
chính bởi thế mà người ta có thể nghe thấy trong ánh mắt em
tiếng biển xô mạnh vào những bờ biển đơn độc và đôi khi
một tiếng chim sau màn sương mù hay lớp mưa bụi dai dẳng.
 
Em hãy tới đó với bộ sưu tập bươm bướm của em, với những món đồ chơi xưa cũ lúc này không còn nữa
và dường như đang cười nhạo em từ những xó xỉnh nào đó,
hãy tới nơi đây với những mẩu đoạn em gái nhỏ kinh ngạc của em.
 
Hãy tới coi những con gấu Bắc cực của tôi.
Hãy tới, lúc này em biết trên những vành môi cũng gợn ra
– mặc dù chúng ta không để ý –
nụ hôn quái gở và xinh đẹp
của những gì chúng ta còn gọi là tâm hồn.
 
 
------------------------------------
Ghi chú về tác giả & bản dịch
 
-- In memoriam Ngô Kha (1935-1973)
 
JOSÉ CARLOS BECERRA là một nhà thơ Mễ-tây-cơ. Ông sinh tại Villahermosa ngày 21. 5. 1936, học kiến trúc tại thành phố Mexico, và mất vì tai nạn trên đường gần Brindisi, ở đông-nam nước Ý, ngày 27. 5. 1970. Tác phẩm toàn tập của ông, do Gabriel Zaid và José Emilio Pacheco thâu thập, Octavio Paz đề tựa, được "tái bản đều đặn" ở Mễ-tây-cơ.
 
Ông xuất hiện lần đầu tiên trong văn giới vào năm 1965 với một tập thơ mỏng, in lần đầu một trăm bản, tựa là Lời tăm tối, viết khi mẹ ông mất. Hai năm sau là Relación de los hechos (nxb. Era, Mexico, 1967), được trích dịch ở đây, theo bản Pháp văn của Bruno Grégoire và Jean-François Hatchondo (Récit des événements, nxb. Belin, 2002). Thoạt đầu, José Carlos Becerra chịu ảnh hưởng Paul Claudel và Saint John Perse; kế đó, ông đã xích lại gần José Lezama Lima... Gần đây, Alvaro Ruiz Abreu đã dành cho ông một cuốn tiểu sử phê phán quan trọng tựa là La ceiba en llamas.
 
Relación de los hechos của José Carlos Becerra có bốn phần gồm 29 bài, tôi chỉ mới dịch 20. Tuy nhiên, qua bản dịch vội vàng và không đầy đủ này, tôi hy vọng bạn đọc cũng nhận ra một vài nét chính trong ý hướng và lối viết của tác giả.
 
Tôi đã trình bày với bạn đọc một số bài dịch của J. C. Becerra trên Tiền Vệ, nhưng mỗi lần quả là quá ít ỏi, không thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc! Bởi thế lần này và một lần chót nữa, tôi xin được giới thiệu toàn thể những bài đã dich của tác giả nhưng chưa đăng, hy vọng không quá lạm dụng lòng tốt của các nhà biên tập Tiền Vệ. J. C. Becerra khiến tôi nhớ đến một người bạn cũ ở Huế, người đã sử dụng những hình ảnh siêu thực trong thơ, theo thiển ý tôi, hay hơn tất cả các nhà thơ Việt-nam từ trước tới 1975 ở cả hai miền. Bởi thế mà có lời tưởng niệm trên đây.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021