thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi hổ nhục, hỡi em | Biên niên của một làng miền núi | Bài ca tình nghèo
(Diễm Châu dịch)
 
TÔI HỔ NHỤC, HỠI EM
 
Trong căn buồng của em ẩm ướt và lạnh lẽo những quần áo cũ
Những gói mì ăn liền và những chiếc xoong méo mó
Tôi hổ nhục hỡi em
Khi đường phố lợi dụng sức lực em
Và đô thị tự vỗ béo bằng mồ hôi em
Bù lại chúng nhạo cười em
Và đe dọa em bằng cách nói rằng chỉ có khốn cùng là có lỗi
Tôi hổ nhục hỡi em
Khi bị cột chặt trong bộ đồng phục lao động xanh lục và nhàu nát
Em nuốt những giọt nước mắt hờn căm thay vì mơ mộng
Ở bên trong một bức tường nhà máy nơi những cây anh-đào đang nở rộ
Tôi hổ nhục hỡi em
Trên những khớp xương của những ngón tay em nặng những vết dầu mỡ
Trên khuôn mặt tàn úa của em những vết sẹo của cuộc sống
Những khó khăn của cuộc đời thấm nhiễm trong đôi vai gầy của em
Tôi hổ nhục hỡi em
Tôi hổ nhục hỡi em
Khi khuôn mặt cúi xuống vì sợ hãi
Lẩn trong những con hẻm của một khu chợ đồng quê
Chúng tôi đã phung phí mùa đông vào rượu chè và bài bạc
Khi những tiếng nức nở của em trùm khắp làng thôn
Khi chúng lấp đầy những cánh đồng
Khi chúng tràn ra khỏi núi non và bầu trời
Khi em ngã xuống bị dẫm đạp lại đứng lên
Khi tôi thấy trong bàn tay thô nhám của em một sức mạnh
Khi tôi thấy trên gương mặt em tàn úa cuộc đời thật
Khi tôi thấy trên đôi vai gầy của em một giấc mơ
Tôi hổ nhục hỡi em
Khi tôi thấy trong những tiếng nức nở của em một ngày mai
Khi tôi thấy trong bài ca của em một làn ánh sáng
 
 
BIÊN NIÊN CỦA MỘT LÀNG MIỀN NÚI*
 
Có thật là cần phải sống như vậy chăng?
Đêm tuyết này, tôi
Không ngủ được
Pak ở tù Anh Song
Trên giường bệnh còn tôi
Bên người vợ gầy mòn
Đầu tựa trên khuỷu tay
Xa cách nhau như thế đó. Phải chăng chúng tôi chỉ còn được
Nghe tuyết rơi trên mái? Tôi nghĩ
Tới một nhà thơ của quê tôi
Bị bắt đi ở miền bắc. Tôi nghĩ
Tới vợ anh đã đi lấy chồng lại. Có thật
Là cần phải sống như vậy ở khu làng miền núi này chăng?
Giật lấy tiền của những kẻ non dại
Để mua những thỏi than và uống rượu
Tụ tập trong căn buồng nhỏ của người gác-dan
Chúng tôi đánh bài và tôi nghĩ
Tới nhà thơ bất hạnh đó. Tôi nghĩ
Tới người con gái đi khập khễnh của anh. Phải chăng chúng tôi chỉ còn được
Nghe chó sủa ở một làng xa xăm?
Đêm tuyết này khi những người bạn đáng thương của chúng tôi
Đã hóa điên và còn điên hơn nữa
Chết, phải chăng chúng tôi chỉ còn được
Nghe tiếng một con tầu
Lăn trên đường rầy? Có thật là cần phải
Sống như vậy ở khu làng miền núi này chăng?
 
 
---------------------------------
* Nhan đề trong nguyên tác: «Sơn ấp nhật chí» (ghi chú của dịch giả).
 
 
BÀI CA TÌNH NGHÈO
Cho một chàng láng giềng
 
Phải chăng bởi tôi nghèo nên tôi không biết tới cô quạnh?
Ánh trăng xanh rót xuống con hẻm nơi tuyết chồng chất
Lúc tôi trở về sau khi đã rời em
Phải chăng bởi tôi nghèo nên tôi không biết tới sợ hãi?
Tiếng hai phát vang vang
Tiếng quân canh gác tiếng rao Tôi bán đậu hũ!
Tiếng cái máy nặng nề lăn lăn ở xa xa khi tôi mở mắt
Phải chăng có lẽ bởi tôi nghèo nên tôi sẽ từ bỏ hy vọng?
Dẫu như tôi thì thầm không ngớt Mẹ ơi, con muốn gặp mẹ
Tôi tưởng tượng tiếng gió và một trái hồng đỏ
Còn trên cây hồng ở sau nhà để dành cho con ác-là
Phải chăng bởi tôi nghèo nên tôi sẽ không biết tới tình yêu?
Hơi ấm của môi em chạm vào đôi má tôi
Hơi thở của em thì thào Em yêu anh em yêu anh
Những giọt nước mắt em đổ đằng sau lưng tôi tấm lưng quay trở lại
Phải chăng bởi tôi nghèo nên tôi sẽ không biết tới tất cả những điều ấy?
Bởi tôi nghèo
Nên tôi sẽ phải từ bỏ những điều ấy tất cả những điều ấy?
 
-----------------------------------------
Ghi chú của dịch giả:
SIN KYONGNIM sinh năm 1935 tại Ch’ungju, tỉnh Ch’ungch’ong-bắc, tỉnh duy nhất không giáp biển ở phía bắc Nam Triều-tiên. Bỏ tiền túi ra in tập thơ đầu tay tựa là Nông vũ năm 1973. Được bổ túc và tái bản một năm sau đó, tập thơ này đã đem lại cho tác giả giải thưởng thi ca Manhae (bút hiệu của nhà thơ Han Yongun). Năm 1977 đã cho xuất bản tập phê bình Văn học và quần chúng. Từ 1979 tới 1993 đã có thêm 6 thi phẩm: Đèo Saejae, 1979 (Giải thưởng các nhà văn Triều-tiên, 1981); Chúng ta hãy vượt trăng, 1985; Bài ca tình nghèo, 1988; Con đường, 1990; Ngày mùa hạ, 1991; và Giấc mơ của một người bị hạ, 1993, chưa kể những bài đăng rải rác trên các tạp chí.
 
Khi thi phẩm Giấc mơ của một người bị hạ ra mắt độc giả ở Pháp (Sin Kyongnim, Le rêve d’un homme abattu, Gallimard), nhà thơ Claude Michel Cluny đã viết trên tạp chí Lire, số décembre 1995/ janvier 1996: «[…] những bài thơ chọn lọc này của Sin Kyongnim hé mở cánh cửa trông ra một vũ trụ chưa được biết đến ở đây. […] những trang thơ ấy khiến ta nghĩ tới những bức tranh của một Bosch, một Bruegel, một Teniers: ấy là những bài học của những chuyện đời thật lạ lùng hay ác độc, nhưng mạnh hơn nỗi tuyệt vọng».
 
Sin Kyongnim có cử nhân Anh văn của Đại học Dong-guk và đã từng trải nhiều nghề như làm ruộng, làm thợ mỏ, công nhân, buôn bán, gõ đầu trẻ… Tủ sách «tư liệu thơ / trình bầy» đã in một Tuyển tập thơ của Sin Kyongnim (tái bản năm 1999). Bài trên dịch theo bản Pháp văn của Patrick Maurus. (DC.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021