thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khan hiếm nhất thời | Người ta tái lập trật tự ở Varsovie
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
STANISŁAW BARAŃCZAK
(1946~)
 
 
 

Khan hiếm nhất thời

 
Cái gì đã xảy ra với những đồ đạc trong nhà chúng ta? đồ đạc
của chúng ta người ta đã đem lắp ráp
 
thành những khán đài; cái gì đã xảy ra với
thịt trong các cửa hàng? thịt ấy của chúng ta
 
người ta đã đem bán để đổi lấy những loa phóng thanh; cái gì
đã xảy ra với những
 
căn hộ của chúng ta? những căn hộ của chúng ta
đã được chuyển vào tài khoản mất mát để dùng mua huy chương; cái gì
 
đã xảy ra với đầu óc chúng ta?
đầu óc chúng ta
 
người ta đã đem đầu cơ quá đáng, từ đầu óc chúng ta
người ta đã cho nẩy mầm sự im lặng, đầu
 
óc chúng ta người ta đã nuôi dưỡng bằng sự im lặng, đầu óc
 
chúng ta người ta đã đem mai táng vào im lặng, chúng
ngoan ngoãn bởi vì chúng trầm mặc
 
trầm mặc vì đã chết
 
                                           trong tập thơ Mặc dù bị kiểm duyệt (1977)
 
 
 

Người ta tái lập trật tự ở Varsovie

(những đoạn rời)
 
2.
Cái chủ yếu, như các bạn biết, ấy là sự phối hợp, sự chính xác,
tháng mười hai, các bạn hiểu chứ, ngày ngắn đi, trời tối hù,
khí hậu rét cóng, ai nấy đều lạnh, bọn chúng sẽ không chịu nổi lâu
nếu không có sưởi, không có cái ăn trong những cái người ta gọi là gì nhỉ? —
xưởng đóng tàu, hơn thế còn có những cỗ súng nước và,
các bạn biết đấy, hậu quả chắc ăn, không thể nào đánh hụt được,
trong các lều trại giữa trời bọn chúng sẽ co vòi, hết tên này đến tên khác,
những thứ ấy, ta cần phải phối hợp chính xác,
tháng mười hai, các bạn biết đấy, một năm chỉ xảy ra một lần.
 
 
4.
L., tôi biết anh sẽ không nhận được lá thư này,
nhưng tôi vẫn gửi. Tôi không biết phải nói gì với anh.
Mọi thứ quá giống những trò bất thường gần với sư phi lý của anh.
Mấy thằng — anh nhớ chứ — mấy thằng chúng ta vẫn chế giễu
những lúc chúng làm phận sự trong một chiếc xe hơi đỗ dưới cửa sổ,
đầy những ràng buộc công an, còn chúng ta, những người tự do,
chúng ta vừa nghe những đĩa hát Winterreise [*] của Schubert
vừa nhấm nháp rượu vang Bungari. Mấy thằng đó nay là vua.
Tôi chắc chắn anh không coi đó là chuyện quá quan trọng.
Đây là chiến thắng khốn khổ của chúng, là sự hài lòng chúng
huênh hoang khi rốt cuộc có thể tát vào mặt thiên hạ.
Anh còn nhớ cái lúc bị bắt vì đang đeo dải băng tay màu đen,
anh đã khoá miệng chúng lại bằng chữ “đương nhiên!” ngon ơ
khi chúng vừa cười khẩy vừa hỏi
anh quả thật có tin vào Thượng đế hay không. Đôi khi,
chính tiếng cười chúng ta làm chúng tê liệt, đôi khi lại là vẻ nghiêm trang:
ấy là tùy cách chọn. Thực ra, lúc nào chúng ta cũng tự do.
Tôi biết anh biết điều ấy, ngay cả trong lúc này,
nhất là trong lúc này.
 
 
8.
Bọn chúng mày lấy tờ truyền đơn này từ đâu, do đâu
mà bọn chúng mày có mặt ngoài đường vào giờ ấy,
lấy quyền gì bọn mày đeo cái băng tay đen, còn thằng kia, câm mồm,
tụi tao đang hỏi, tụi tao vốn — như bọn mày thấy đấy — vốn lễ độ
và tụi tao chờ đợi những câu trả lời cũng lễ độ như thế, ai cho
phép bọn chúng mày đề cao những thứ quyền kia, cái nước
Ba Lan kia của chúng mày nó thuộc về ai, cái bà Thánh nữ Đồng trinh
Maria của chúng mày trốn ở đâu, nào, liên lạc sao, tên tuổi,
địa chỉ, câm mồm đi, tụi tao chịu khó mà
đêm cũng làm việc, còn bọn chúng mày, thế đấy
cái lễ độ mà người ta dạy bọn chúng mày ở đại học
với tiền của Nhà Nước, ai dạy cho bọn chúng mày
những chữ như thế, ai xúi chúng mày mang
cái kiểu mặt như thế, hãy câm mồm lại,
tụi tao bắt chúng mày chịu khổ, chúng mày phải
biết là chúng mày đang sống ở thời đại nào,
chúng mày đang tiến hoá trong môi trường nào, coi nào, ngày giờ,
tên tuổi, sự việc, khai mau lên và khai cho lễ độ, nào, khai lễ độ
 
 
15.
Dựa theo những bản tường trình không được xác minh,
chỉ có bảy người chết, toàn bộ cuộc hành quân bố ráp
lạ thay chỉ tốn chút đỉnh, sự khéo léo
và nhanh nhẹn quả thật đáng phục,
cho dù có phải có nhiều xác chết hơn, nhiều bà vợ goá hơn
và nhiều vũng máu hơn — mười bảy hay bảy mươi —
cái ấy có gì là quan trọng?
 
                                          Cambridge Mass., 12.1981-7.1982.
 
 
---------------
“Khan hiếm nhất thời” dịch từ bản tiếng Pháp “Pénurie passagère” của Jacques Donguy và Michel Maslowski trong Poésie polonaise contemporaine (Paris: Le Castor Astral & Lettres slaves, 1983). “Người ta tái lập trật tự ở Varsovie” dịch từ bản tiếng Pháp “On rétablit l’ordre à Varsovie” của Lucienne Rey trong Témoins – Quarante-quatre poètes polonais contemporains 1975-1990 (Paris: Les Ateliers du Tayrac, 1997). Những đoạn rời trên được trích từ một chuỗi những bài thơ S. Baranczak viết giữa tháng Mười Hai 1981 và tháng Bảy 1982 tại Đại học Cambridge, mang tên “Người ta tái lập trật tự ở Varsovie”, do tác giả trực tiếp gửi cho người dịch thơ ông là Bà Lucienne Rey ở Pháp.
 
_________________________

[*]Chuyến đi mùa đông là một chuỗi hai mươi bốn ca khúc Franz Schubert sáng tác năm 1827, có lẽ là những ca khúc vĩ đại bậc nhất của ông, phổ nhạc những bài thơ gợi cảm của một nhà thơ cùng thời người Đức là Wilhelm Müller, viết về những nỗi thống khổ của người một mình đi giữa mùa đông, nghĩ về một tình yêu không được đền đáp.

 
Đã đăng:
 
Sáu bài thơ của Stanisław Barańczak (1946~) — một trong những khuôn mặt quan trọng của văn chương Ba Lan đương đại — được giới thiệu đến độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.
 
"Không», cái chữ duy nhất này, cái chữ mà qua nó ở chốn thâm sâu nhất của bản thân tôi, / của máu tôi và của xương tôi, tôi có thể truyền đi... | Chúng ta hãy nhìn thẳng vào mặt sự thật: trong ánh mắt lơ đãng của một khách qua đường với cổ áo dựng... | Lạy Cha chúng tôi Người câm nín / Người không đáp lại bất cứ một lời kêu gọi nào... [Bản dịch Diễm Châu]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021